“MẸ CỦA ĐẤT” CỦA TÁC GIẢ TRẦN KÍCH, TẤM CHÂN TÌNH SÂU NẶNG VỚI THƠ

 “MẸ CỦA ĐẤT” CỦA TÁC GIẢ TRẦN KÍCH, TẤM CHÂN TÌNH SÂU NẶNG VỚI THƠ


Từ quan sát của cá nhân mình, tôi nhận ra rằng con người dường như không thể nào chối bỏ được sự hiện diện của thơ cũng như không thể nào thôi kiếm tìm nó. Với một số người, thơ dường như là nỗi ám ảnh và cũng là niềm khát khao lúc cháy bập bùng như ngọn lửa ai thắp trong lồng ngực lúc gợn lăn tăn như sóng vỗ mặt hồ ngày lặng gió. Tôi đã thấy người ta kiếm tìm thơ, mỗi người một kiểu muôn hình vạn trạng: hân hoan lẫn vô vọng, kiêu hãnh lẫn mặc cảm, hồn nhiên lẫn mưu tính, thỏa mãn lẫn hằn học bất đắc chí… Người ta cũng không ngừng định nghĩa thơ cùng phê bình thơ. Dẫu cho Nàng Thơ có là “trăng nơi đáy giếng” thì người viết thơ vẫn cứ đuổi theo nàng, người bình thơ vẫn cứ nói về nàng và người yêu thơ vẫn cứ yêu nàng. Tôi là người mang trong mình một tình yêu đơn sơ với nàng. Và tình yêu ấy tựa hồ như hơi thở, nhẹ nhàng mà bền vững vì tôi đơn giản không thể sống mà thôi thở. Đã nhiều khi tôi quên đi tất cả những định nghĩa học thuật về thơ chỉ để cho trái tim mình và lí trí mình định nghĩa về nó – thứ mà tôi yêu tha thiết. Khi ấy, thơ với tôi chính là: một cách nhìn của con người đối với thế giới. “Thế giới” mà tôi đang nói đến ở đây bao gồm cả bên ngoài lẫn nội tâm của người viết. Và vì thế thơ luôn độc đáo, hấp dẫn, say sưa… Tôi cho rằng con người chúng ta sẽ không bao giờ dừng lại công việc tìm kiếm phương tiện và cách thức để thể hiện thế giới của chính mình, như mình nghĩ, như mình mong muốn. Nhờ vậy thi ca luôn chuyển động và mới mẻ. Với tôi, một bài thơ sẽ đẹp khi nó thực sự là cách nhìn của riêng tác giả, độc đáo và duy nhất không vay mượn từ ai.
Tôi mang niềm yêu ấy đi giữa cuộc đời, lòng say sưa lẫn khát khao tìm kiếm những “cách nhìn riêng” của các nhà làm thơ cốt để gặp những hồn thơ chân thật. Năm ngoái (2019) một dạo tình cờ tôi đọc được những dòng thơ khiến lòng rung cảm. Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng luôn khiến tôi xúc động. Tôi đã dừng lại ở những dòng thơ ấy, tôi cảm nhận được nỗi buồn đau chân thực của người viết và tin rằng tất cả những gì được viết ra trong hai bài thơ ấy là cách nhìn riêng của tác giả đối với sự mất mát và đối với cuộc sống của riêng ông.
“Mẹ ra đi trong lạnh lẽo
mẹ ra đi nhưng không quên đắp lên con một mảnh nắng chiều
mảnh nắng chiều đông năm một nghìn chín trăm bảy mốt
và mẹ tin rằng
nó sẽ ấm suốt cuộc đời con mẹ”
(Mảnh Nắng Sau Cơn Bão – Trần Kích)
Tôi đã được nghe tâm sự của tác giả về người mẹ quá cố của ông và hiểu sâu sắc hơn nỗi đau cũng như ý nghĩa của “mảnh nắng” bà để lại. Vì niềm rung cảm ấy, tôi đã dịch hai bài thơ này sang Tiếng Anh và giới thiệu trên trang thơ allpoetry.com để chia sẻ cùng bạn đọc yêu thơ bên ngoài lãnh thổ. Bài thơ thứ hai của ông mà tôi ấn tượng và cũng đã dịch sang Tiếng Anh là bài Kẻ Mộng Du, sau đây tôi xin trích và giới thiệu cùng bạn đọc.
KẺ MỘNG DU
Một ngày tát cạn bóng đêm,
cha vốc lên đôi bàn tay từng giọt bình minh gầy guộc
tưới lên thân thể :
tôi - một hình hài nhuộm màu khát vọng!
Mẹ dọn dẹp ngôi nhà đón nắng vàng sau đêm tăm tối tiễn những khúc ruột đã về cuối hoàng hôn..?
Ngôi nhà tôi ngập tràn nắng vàng rực rỡ…!
ngập tràn nước và không khí
tôi chìm trong vựa ngũ cốc của châu thổ đôi dòng...
Tôi mơ thấy mình thật là vĩ đại
trong vũng màu của bức tranh vẽ dở
tôi mơ về một vùng sáng có thật
vầng hào quang tôi được khoác lên mình
thực chất chẳng phải điều để tôi đặt bước mộng du!
Nhưng tôi lại vẩy lên mình lớp màu của con tắc kè lười biếng
tôi cứ bú mớm người nên không thể cất bước đôi chân
tôi ngập ngừng giữa hai mảng màu sáng, tối
Và nay,
chính thức lòa trong ánh sáng
rồi nhấc đôi chân dò dẫm giữa ánh nắng ban ngày..!
Trần Kích, Thanh hóa 05/5/2019
Tôi thầm mong ông tiếp tục viết và luôn giữ được những cách nghĩ, cách cảm, cách thể hiện riêng của mình. Tôi biết ông nhờ mạng xã hội và đọc thơ ông cũng từ nơi ấy. Bất ngờ thay, vừa qua tôi được biết ông đang chuẩn bị bản thảo để xin giấy phép xuất bản cho tập thơ đầu tiên của mình. Ông cho tôi biết tập thơ có tên là Mẹ Của Đất – ngay lập tức, những cảm xúc thiêng liêng khi tôi đọc Mảnh Nắng Sau Cơn Bão và Kẻ Mộng Du ùa về trong tôi. Tôi chợt nghĩ ông quả là một nhà thơ nặng tình với gia đình, đặc biệt là với người mẹ quá cố đáng kính của ông. Ông cho biết tập thơ này là tâm tư và chữ nghĩa ông chắt chiu trong mấy chục năm qua. Dù cuộc sống xoay vần khiến ông lao lực và bận rộn đến đâu ông vẫn không thể nào vứt những câu thơ ra khỏi đầu mình mà ngược lại, càng quý càng yêu thơ nhiều hơn. Và tôi lại có dịp nghĩ về lí do tại sao ông cũng như nhiều người nữa phải viết thơ?
Phải chăng thơ là nỗi ám ảnh và là niềm khao khát, nó cần được cất lên để người viết thấy mình đang sống và được sống bằng cách diễn tả thế giới của riêng mình bằng ngôn ngữ thi ca?
Bằng tất cả sự trân trọng tôi dành cho ông cũng như tập thơ Mẹ Của Đất, tôi kính chúc ông thật nhiều sức khỏe tinh thần để “thế giới” của ông luôn rộn ràng ý tưởng và hồn thơ luôn thăng hoa. Tôi cũng mong rằng bạn đọc sẽ khám phá vườn thơ Mẹ Của Đất bằng niềm hân hoan trân trọng như cảm xúc của tôi khi lần đầu đọc thơ ông.
Lệ Hằng



“MẸ CỦA ĐẤT” CỦA TÁC GIẢ TRẦN KÍCH, TẤM CHÂN TÌNH SÂU NẶNG VỚI THƠ  “MẸ CỦA ĐẤT”  CỦA TÁC GIẢ TRẦN KÍCH, TẤM CHÂN TÌNH SÂU NẶNG VỚI THƠ Reviewed by Lê Sính on 12:53 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.