NIZAMI GANJAVI – NHÀ THƠ, NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN CỦA VĂN HỌC BA TƯ
NIZAMI GANJAVI
NHÀ THƠ, NHÀ TƯ TƯỞNG LỚN CỦA VĂN HỌC BA TƯ
Một
tiếng vọng trên con đường về vĩnh cửu
Lệ Hằng
Nizami Ganjavi (1141-1209) là một nhà thơ vĩ đại của văn học Ba Tư. Trên đất nước Azerbaijan, đặc biệt tại thủ đô Baku, người ta có thể bắt gặp cái tên Nizami ở khắp mọi nơi: tượng đài, bảo tàng văn học, đường phố, nhà thờ, rạp chiếu phim… Người dân Azerbaijan thường nhắc đến ông với một niềm tự hào rất lớn. Họ không chỉ xem ông là một nhà thơ trữ tình mà hơn thế rất nhiều, họ xem ông là một nhà tư tưởng vĩ đại. Tinh thần Nizami đã vượt qua mọi giới hạn của thời đại ông đã sống để lại tiếng vang cho đến tận bây giờ khi tám thế kỷ đã trôi qua. Năm 2021, nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh của ông, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã ký quyết định là năm tôn vinh nhà thơ tại nước Cộng hòa Azerbaijan.
Và không chỉ Azerbaijan mà cả Iran, Afghanistan và
Tajikistan ngày nay đều xem Nizami là nhà thơ của dân tộc mình. Sức sống của
tác phẩm ông để lại cũng như danh tiếng của Nizami không chỉ dừng lại trên quê
hương Ba Tư (cũ) của ông mà còn vươn ra thế giới, thậm chí nhiều người đã so
sánh ông với đại thi hào William Shakespear của văn học Anh. Thơ ông được dịch
ra rất nhiều thứ tiếng, đặc biệt là tác phẩm Khamse gồm năm trường ca đồ sộ:
- Makhzan al-Asrar (Kho báu những điều
bí mật, 1163-1176)
- Khusraw o Shirin (Khosrow và
Shirin, 1177-1180)
- Layli o Majnun (Layla và Majnun,
1192)
- Haft Peykar (Bảy người đẹp, 1196)
- Iskander Name (Sách về Alexandros
Đại đế, khoảng 1203)
Trong năm trường ca trên, phổ biến nhất là trường ca Layla
và Majnun được Nizami sáng tác dựa trên một truyền thuyết tình yêu nổi
tiếng của người Ả Rập. Majnun trong tiếng Ả Rập có nghĩa là người điên vì tình.
Trường ca này được xem là tác phẩm kinh điển như Romeo và Juliet ở
phương Tây.
“Hãy rót đầy cốc này tình yêu không bao giờ thay đổi,
không bao giờ! Hãy rót đầy cốc này tình yêu còn mãi đời đời! Tình yêu đã qua
thanh tẩy bởi khổ đau trần thế và cuối cùng là hạnh phúc vĩnh cửu… sẽ tỏa sáng
một cách thiêng liêng!” (Nizami Ganjavi, Layla
và Majnun)
Trong tiếng Ả Rập, tình yêu giữa Layla và Majnun được
gọi là “tình yêu trinh khiết”, Nizami đã viết những trang thơ đẹp nhất về nỗi
đau và hạnh phúc trong tình yêu trinh khiết đến hoàn hảo của đôi uyên ương và
đã để tình yêu được cất lên như tiếng hát dẫn con người vào con đường đi về
vĩnh cửu. Và “tình yêu trinh khiết” ấy hiểu rộng ra chính là tình yêu Chúa dành
cho con người và con người có thể dành trọn vẹn cho Chúa.
Nizami đã luôn nói về vĩnh cửu bởi ông cho rằng sự sống,
ngay từ khi bắt đầu, đã mang dấu ấn của cái chết trong hình hài sơ khai của nó.
Thế giới này mọi thứ hữu hình đều sẽ hư mất nhưng những giá trị tinh thần thì sẽ
còn mãi.
“Rút cuộc đời người là gì? Cho dẫu nó kéo dài chỉ
trong một câu thần chú ngắn ngủi hay lâu hơn – thậm chí cả ngàn năm; hãy cứ đón
nhận nó như một hơi thở hòa vào vĩnh cửu. Ngay từ khi bắt đầu, sự sống đã mang
dấu ấn của cái chết; chúng là anh em trong trò chơi bí mật dưới mắt chúng…” (Nizami
Ganjavi)
“…Thiên đường không có lời cầu nguyện nào khác ngoài
tình yêu
Không có tình yêu, thế giới này vô nghĩa.
Hãy trở thành nô lệ của tình yêu, đây là phương hướng
Đây là lối đi dành cho những ai có đức tin…” (Nizami
Ganjavi)
Nizami đã đi trên con đường mà ông tin là sẽ dẫn ông về
vĩnh cửu. Và đó chính là cách tác phẩm của ông giữ được sức sống bền bỉ mặc cho
xã hội loài người không ngừng biến chuyển từ thịnh – suy này sang thịnh – suy
khác. Đến bây giờ, chung quy lại loài người vẫn đang trăn trở làm sao để bước
qua được thế giới hữu hình này để đi vào một thế giới không “hư mất” và an lạc
đời đời.
“Những gì là chúng ta và những gì chúng ta có chỉ là một
khoản vay – và chúng chẳng dài lâu! Đừng giữ chặt những gì bạn được trao ban vì
niềm vui và khát khao sở hữu chẳng là gì ngoài những chiếc đinh đóng chặt bạn
vào thế giới dễ hư mất này.” (Nizami Ganjavi)
Nizami là một nhà tư tưởng lớn, những gì ông suy tư và
viết ra không dành cho riêng ông hay riêng một cá nhân nào hay một xã hội cụ thể
nào đó mà dành cho con người nói chung trong mọi bối cảnh lịch sử bởi đã là con
người thì không làm sao thoát ra được nỗi ám ảnh về sinh – tử. Và song song với
nỗi ám ảnh ấy chính là khát khao được hòa vào vĩnh cửu.
Thơ Nizami hầu hết đều mang đến cảm giác trữ tình lãng
mạn, nhưng thực chất đó chỉ là “vẻ bề ngoài” như một chiếc “mặt nạ” cho những tầng
sâu tư tưởng bên trong. Thông qua những câu chuyện hấp dẫn mang nét đẹp đặc
trưng của văn học Ba Tư, Nizami đã kín đáo bày tỏ quan điểm, triết lý của mình
về các vấn đề lớn như văn hóa chính trị, tiến bộ xã hội, đặc biệt là các vấn đề
về thực hành đức tin và đời sống thiêng liêng.
Với di sản thi ca đồ sộ mà Nizami để lại, người đọc sẽ
còn rất nhiều điều để khám phá bởi mỗi tác phẩm là sự kết tinh từ trí tuệ và
trái tim của một nhà tư tưởng lớn. Bên cạnh tư tưởng nhân văn để hướng con người
tìm đến những giá trị tinh bền vững, nhà thơ Nizami Ganjavi còn được yêu mến rộng
rãi bởi những tư tưởng tiến bộ vượt xa xã hội Hồi giáo lúc bấy giờ. Ông là người
đầu tiên trong văn học Ba Tư trực tiếp ngợi ca vẻ đẹp và những phẩm chất cao
quý của người phụ nữ khi mà xã hội bỏ quên vai trò của họ. Trước Nizami, chưa từng
có tác phẩm nào của văn học Ba Tư lấy người phụ nữ làm nhân vật trung tâm để khắc
họa đặc sắc với tất cả sự yêu mến và trân trọng như nhân vật Layla trong trường
ca của ông. Và ông đã dùng chính cuộc đời của mình để nói lên điều ông muốn viết,
khẳng định cho những giá trị ông hướng đến. Người vợ đầu tiên của Nizami là một
cô gái nô lệ được một vị quan gửi đến cho ông như một “món quà”. Ông đã cưới cô
gái này làm vợ và người ta cho rằng người phụ nữ này chính là người vợ được ông
thương yêu nhất. Nizami có tổng cộng ba đời vợ nhưng ông không cưới thêm vợ
trong khi hai người đang chung sống với nhau mà chỉ đi bước nữa khi vợ ông chẳng
may qua đời sớm. Không chỉ với xã hội Hồi Giáo lúc bấy giờ mà ngay cả hôm nay,
cuộc đời thực của Nizami đã là một tấm gương về tư tưởng nhân văn và tiến bộ.
Bài thơ dưới đây là một trong những “ghazal” nổi tiếng
nhất của Nizami Ganjavi còn lưu lại cho đến ngày nay. “Ghazal” là một thể loại
thơ trữ tình Ba Tư và thường được dùng làm lời bài hát. Bài Ghazal này nói về
lòng vị tha, ông xem lòng vị tha như con đường để dẫn đến sự hoàn thiện về mặt
thiêng liêng, mục tiêu tinh thần cuối cùng của con người.
Tôi đã đến Quán Rượu tối hôm qua nhưng không được vào
Tôi đã gầm lên mà chẳng có ai nghe
Không người bán rượu nào còn thức
Hay tôi chẳng là ai cả và không ai mở cửa cho một kẻ
Chẳng – là – ai – cả
Khi khoảng chừng hơn kém nửa đêm
Một gã đàn ông (vẻ ngoài) khôn ngoan hoàn hảo ngẩng đầu
lên từ một quầy rượu để lộ ra khuôn mặt
Tôi bảo anh ta: “Mở cửa đi”, anh ta đáp: “Hãy đi đi, đừng
nói điều vô nghĩa!
Vào giờ này chẳng ai mở cửa cho ai đâu
Đây không phải là một nhà thờ Hồi giáo nơi cửa mở sẵn
bất cứ lúc nào
Nơi anh có thể đến trễ và nhanh chóng tiến lên hàng đầu
tiên
Mà đây là Quán Rượu của các Pháp Sư nơi những thứ hữu
hình cư ngụ
Người Đẹp, nến thơm, rượu vang, đường phèn, sáo sậy và
tiếng hát
Bất cứ điều tuyệt vời nào tồn tại, chúng có mặt nơi
đây
(trong quán rượu này) Người Hồi giáo, người Armenia, người Zoroastrian, người
Nestorian và người Do Thái
Nếu anh đang tìm kiếm tình bằng hữu với tất cả những
người được tìm thấy nơi đây
Anh phải trở thành hạt bụi dưới chân hết thảy mọi người
mới đạt được mục tiêu (về sự hoàn thiện thiêng liêng) của mình.”
Ôi Nizami! Nếu ngươi gõ cánh cửa này ngày và đêm không
nghỉ
Ngươi sẽ chẳng tìm thấy gì ngoài khói từ đám lửa đang
cháy này.

No comments: