CUỐN PHÚC ÂM THỨ NĂM, DIỄN ĐÀN MỞ RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIỮA LỜI CHÚA VÀ ĐỜI SỐNG
CUỐN PHÚC ÂM THỨ NĂM,
DIỄN ĐÀN MỞ RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIỮA LỜI CHÚA VÀ ĐỜI SỐNG
-o0o-
Tác giả Phanxicô Xaviê Trần Duy Nhiên sinh năm 1941 và qua đời năm 2009. Sinh thời, ông thường viết kịch bản để phục vụ cho một số sinh hoạt của cộng đồng dân Chúa. Trong những kịch bản ông để lại, Cuốn Phúc Âm Thứ Năm là tác phẩm đáng chú ý hơn cả.
Điểm nhấn làm nên giá trị của vở kịch này khác với những
gì mà khán giả thường kỳ vọng ở một vở kịch mới. Nói đến kịch là nói đến những
xung đột, mâu thuẫn, những sự kiện, những tính cách, những hành động kịch tiêu
biểu được tác giả chọn lựa và xây dựng kỹ càng nhằm truyền tải tư tưởng nghệ
thuật đến khán giả. Điều khán giả muốn biết và chờ đợi nơi vở kịch chính là
“chuyện”, một câu chuyện hoặc thống thiết bi thương hoặc hả hê sảng khoái hoặc sâu
sắc lãng mạn… Tất cả sẽ được kể thông qua những nhân vật hư cấu trong những bối
cảnh được dàn dựng có chủ ý và công phu. Có thể nói nhà soạn kịch phải tạo ra
những “nguyên liệu” mới rồi sáng tạo, dàn dựng dựa trên những “nguyên liệu” ấy.
Không phải mọi vở kịch đều được sáng tạo bởi cùng một công thức hay cùng một
cách thức như nhau, nhưng tất cả những điều vừa nêu là điểm chung của thể loại
kịch.
Xét trên bình diện vừa nêu, trong Cuốn Phúc Âm Thứ
Năm, Trần Duy Nhiên đã không sáng tạo ra “nguyên liệu” mới mà thay vào
đó, tác giả sử dụng “nguyên liệu” đã có sẵn, và hơn nữa là đã quá quen thuộc với
khán giả, đó là nội dung Kinh Thánh mà đặc biệt là những nhân vật trong Tân Ước
và giáo lý Giáo hội Công Giáo. Khán giả hay bạn đọc của Cuốn Phúc Âm Thứ
Năm chắc chắn không tìm thấy một sự bất ngờ đáng kể nào với những nhân
vật Phúc Âm mà tiểu sử của họ đã là một phần trong nền tảng giáo lý và đức tin.
Thế nhưng, ở đây chúng ta không thể phủ nhận được sự tìm tòi và sáng tạo của Trần
Duy Nhiên, điều đã khiến cho Cuốn Phúc Âm Thứ Năm trở nên thành
công và đáng chú ý hơn cả. Trần Duy Nhiên đã xây dựng thành công một diễn đàn
chia sẻ và tranh luận về đức tin mà bất cứ ai có mặt khi vở kịch đang diễn ra đều
là nhân vật chính. Bất cứ ai và mỗi một người dù đang ở vai trò diễn viên hay
khán giả khi thực sự hòa nhập vào vở kịch sẽ nhận ra rằng kịch không còn là kịch,
sân khấu chính là cuộc đời và diễn viên không phải diễn mà phải sống.
Để đánh giá về thành công và nhìn ra sự khác biệt của Cuốn
Phúc Âm Thứ Năm, điều cần thiết là phải nhìn tác phẩm ở một khoảng cách
đủ xa để thấy những phát kiến mang tính sáng tạo của Trần Duy Nhiên. Vở kịch được
xây dựng với hình thức là một buổi chia sẻ về đời sống đức tin của một cộng đoàn
Ki-tô hữu. Mở màn, người ký giả lên tiếng chia sẻ về một nguyện vọng khá điên rồ
của anh ta, anh ta muốn tự viết cuốn Phúc Âm thứ năm bởi bốn cuốn Phúc Âm của
Tân Ước đã quá lỗi thời. “Tôi nghĩ đã đến lúc phải có một người trình bày về Đức
Giêsu Kitô cho thời đại này, đã đến lúc phải có một cuốn Phúc-âm thứ năm. Và nếu
không có ai viết, thì tôi, tôi sẽ tự viết lấy.” Lời tâm sự của nhân vật ký
giả vừa toát lên sự chân thành vừa bộc lộ sự bức bối lẫn ngông cuồng. Thoạt
tiên, ai cũng sẽ cho rằng anh ta ngông cuồng bởi ngót nghét hai nghìn năm trôi
qua chưa từng có thêm cuốn Phúc Âm nào và người đọc Kinh Thánh vẫn luôn được
thuyết phục rằng cuốn sách này đã dừng ở đây, mãi mãi không dày thêm nữa. Nhưng
thật không may, sự ngông cuồng của anh ký giả lại cũng chính là sự ngông cuồng
mà mỗi chúng ta âm thầm cưu mang trong sâu thẳm con người mình. Kinh Thánh đã
cũ, những dụ ngôn và bối cảnh xã hội không còn gần gũi với con người hôm nay,
chúng ta có cần một Phúc Âm mới không? Và có muốn chính tay mình sẽ viết lấy?
Xuyên
suốt Cuốn Phúc Âm Thứ Năm, Trần Duy Nhiên đã cho thấy rằng ông đã
dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm, suy tư và thực sự tinh tế trong việc tạo
ra những xung đột tâm lý và tư tưởng của các nhân vật trong vở kịch này. Chính
sự sâu sắc và am tường tâm lý chung của xã hội, Trần Duy Nhiên đã từng bước xây
dựng được một diễn đàn không chỉ ở trên sân khấu mà còn mở rộng với mọi cuộc đời.
Ông đã biến “nhược” thành “ưu”, biến cái bất lợi thành điểm mạnh của Cuốn
Phúc Âm Thứ Năm. Lời Chúa và các nhân vật Phúc Âm không có gì mới mẻ với
khán giả, thậm chí nếu không khéo léo tạo ra các xung đột, vở kịch của ông chỉ
là những hoạt cảnh nghèo nàn và nhàm chán. Sự đầu tư trí tuệ của Trần Duy Nhiên
thể hiện rõ ràng nhất thông qua những màn đối thoại tư tưởng gay gắt, ráo riết,
triệt để khiến Cuốn Phúc Âm Thứ Năm không phải là hoạt cảnh đọc Lời
Chúa mà cao hơn thế, đó là một vở kịch với đầy đủ đặc trưng hấp dẫn của thể loại
sân khấu này. Cuốn Phúc Âm Thứ Năm không kể cho khán giả một câu
chuyện ly kỳ nào như khán giả thường mong đợi, thay vào đó nó bày ra những bi kịch
và xung đột trong tư tưởng của con người nói chung giữa hai bờ đúng - sai, thiện
- ác, giữa yêu thương và phản bội, tin tưởng và chối bỏ… Những xung đột này có
thể tồn tại ngay trong chính một người và thậm chí ở cùng một thời điểm. Điều
đáng nói nhất ở đây là những cuộc đấu tranh tư tưởng âm thầm này không dành
riêng cho những nhân vật trong vở kịch hay là những nhân vật của Phúc Âm mà
dành cho mọi người, mỗi một con người có trí khôn có óc phán xét đang tồn tại
trên mặt đất này. Đây là lý do khiến vở kịch không còn là hư cấu và sân khấu đã
trở thành cuộc đời, khán giả bằng cách này hay cách khác đều tham gia vào diễn
đàn mở này. Người đọc Phúc Âm thật khó có thể phủ nhận việc họ đã tự mình đưa
ra lời nhận xét về các nhân vật Phúc Âm, có lẽ ai cũng từng mong muốn có một Chúa
Giêsu như mình thích, mình kỳ vọng hay nghĩ rằng mình sẽ làm gì nếu bản thân là
Giuđa, Gioan, Phêrô… Diễn đàn Trần Duy Nhiên xây dựng trong vở kịch này chỉ là
dịp để mỗi người được sống phần tâm tư sâu kín trong tâm hồn. Như tác giả đã
khéo léo bày tỏ tư tưởng của mình trong tác phẩm, rằng mỗi một chúng ta đều âm
thầm cưu mang một Giuđa, một Maria Mácđala, một Phêrô chối Chúa…, lời mời gọi của
người ký giả trong vở kịch chỉ là dịp để mỗi người được sống lại phần sâu kín của
tâm hồn nhưng với nhiều sự sẻ chia hơn, nhiều góc nhìn và nhiều trải nghiệm hơn
để từ đó, cũng như người ký giả, mỗi khán giả cũng tìm ra hướng đi cho cuộc đời
mình.
Một
điểm nổi bật khác nữa của Cuốn Phúc Âm Thứ Năm chính là tính linh
hoạt của vở kịch. Nhìn tổng quan, vở kịch này không đòi hỏi diễn viên phải thực
sự có nhiều kinh nghiệm sân khấu, cũng không đòi hỏi dàn dựng bối cảnh công
phu. Ngược lại, vở kịch có thể diễn ra bất cứ nơi đâu miễn là nơi ấy có những
con người đang băn khoăn và khát khao tìm lẽ sống nơi Lời Chúa. Khi đứng ở một
khoảng cách đủ xa để quan sát, có một điều rất dễ nhận thấy từ Cuốn Phúc
Âm Thứ Năm chính là cảm giác về một sự cởi mở từ một diễn đàn nơi mọi
tiếng nói được tôn trọng. Có thể không nếu người vào vai Giuđa không cần đến kịch
bản mà mặc lòng chia sẻ ý nghĩ riêng của mình? Có thể không nếu bất ngờ một
khán giả bước lên sân khấu xin tham gia chia sẻ và tranh luận? Câu trả lời cho
những giả định trên đây đã được thể hiện qua vở kịch mà sân khấu cũng chính là
cuộc đời.
Cuốn
Phúc Âm Thứ Năm là một vở kịch nhưng đồng thời có thể xem là một cuốn cẩm
nang cho những ai đang băn khoăn trên con đường đức tin của mình, đến với nó để
khám phá lại Tin Mừng, để chân thật thú nhận mình với Chúa và để sống Lời Chúa
cho hôm nay. Trần Duy Nhiên đã cho thấy người ký giả không hề ngông cuồng khi
mơ ước về một cuốn Phúc Âm thứ năm bởi “Quả thật từ Gioan tông đồ cho tới
nay, không có ai dùng giấy trắng mực đen để viết một cuốn phúc âm, nhưng thực
ra Thiên Chúa đã dùng Thánh Linh viết trên tim của những người tín hữu chân
thành. Và Ngài đã không viết một cuốn mà thôi, nhưng hàng chục triệu cuốn.”
Bằng
một vở kịch được xây dựng tưởng chừng đơn sơ nhưng đầy đầu tư trí tuệ, tác giả
đã thực sự đạt được thành công bằng việc khắc sâu thông điệp trong lòng khán giả.
n
L.H

No comments: