ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN - BẢN TUYÊN NGÔN NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

“ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN”

ĐẰNG SAU VỞ KỊCH CÔ ĐƠN LÀ BẢN TUYÊN NGÔN NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT

***

Quay lại với đề tài cô đơn nhưng lần này tác giả không đi vào khai thác nỗi cô đơn của cái tôi bản thể nữa mà soạn hẳn cho chúng ta một vở kịch của những nỗi cô đơn vô cùng vô tận. Kịch trường đã mở, giờ là lúc chúng ta bước vào và hướng về sân khấu để xem những “khối cô đơn” có diễn tròn vai của chúng hay không.


1. Màn diễn của những nỗi cô đơn


Lòng cô đơn
Chân bước chẳng hề chạm đất
Mà nặng trịch tiếng giày vò
giẫm đạp cày xé tâm hồn
Ương ngạnh tâm hồn đông cứng lại
trân trân khối cô đơn
Chẳng chịu để bàn chân xới lên
dù một lớp đất tơi


Vở kịch mở đầu bằng màn diễu hành nặng trịch của một tâm hồn cô đơn. Sự kìm nén và phong tỏa của tâm hồn đạt đến đỉnh điểm khi lời cầu cứu cất lên khẩn khoản như bàn tay con bệnh đang hấp hối đập cửa phòng cấp cứu bằng chút sức tàn cuối cùng.


Tâm hồn ơi, xin nghe chúng ta
Hãy trích máu đi!
Đó là cách ngày xưa các y sĩ vẫn làm
Để cứu chạy những con bệnh chẳng còn hy vọng
Ngươi giữ lại làm chi nỗi u uất của cô đơn
khiến làn da căng phồng sắp nổ?
hãy rỉ máu đi!


Hãy trích máu đi, hãy rỉ máu tâm hồn ra! Lời khẩn cầu thống thiết thúc giục đến thế nhưng cánh cửa vẫn căm căm đóng lại, bịt kín như bưng chỉ có tiếng đáp cự tuyệt vang lên đầy kiêu hãnh.


Ôi những bàn chân đáng thương tha thiết
ở bên trên đế giày kín mít dường kia
tầm các ngươi thấp quá
làm sao hiểu nỗi cô đơn vô tận của ta?


Tâm hồn khư khư ôm lấy cơn bệnh cô đơn trầm kha của mình. Nhưng nó không từ chối đối thoại, trong cơn đau của “làn da căng phồng sắp nổ” vì u uất, tâm hồn giãi bày sự cô đơn tuyệt đối của mình, rõ ràng nó đang cần được lắng nghe, được thấu hiểu, được cảm thông nhưng bi kịch thay nó không thể “trích máu” để tự cứu mình vì tất cả đều là vô nghĩa khi nó không thể “tìm thấy một hình ảnh hão huyền – để gửi đi tờ thông điệp tri âm – dù vẫn biết chẳng lời đáp lại”. Cô đơn đến nỗi một hình ảnh hão huyền để nuôi mộng tưởng cũng không hề có. Như đôi mắt chàng thủy thủ luôn khao khát dõi tìm bờ biển, tâm hồn cũng không ngừng dõi tìm “bờ đất” để nỗi lạc lõng bơ vơ “đậu xuống” giữa biển đời mênh mông sóng cả nhưng vô vọng vẫn hoàn vô vọng khi:


Lở! Lở tất cả
Trái tim, danh dự, tâm hồn
lẽ yêu, lẽ sống
còn lại một lời biện hộ nhỏ nhoi kia
cũng đang lở nốt!


Nhưng dù vô vọng đã chạm đến trần thì tâm hồn cũng không ngừng tìm kiếm. Không biết tỏ bày cùng ai trên mặt đất này về nỗi cô đơn “đông cứng” của mình, nó ngước lên cao cất lời than vãn cùng trăng. Bất ngờ thay, mặt trăng là một “khối cô đơn” khác. Hai khối cô đơn bất lực gặp nhau, dù đối thoại được cùng nhau nhưng bởi “loài chim chẳng bao giờ yêu con khác giống” nên chúng cô đơn vẫn hoàn cô đơn chẳng thể lao vào nhau để thành “khối cô đơn không còn cô đơn nữa”. Từ đây vở kịch tập trung vào một đối tượng cô đơn khác – chính là mặt trời. Mặt trời là đối tượng đang được chị Hằng ngày đêm tưởng nhớ kiếm tìm nhưng định mệnh không cho họ gặp nhau.


Ngươi biết chăng
người ta yêu mòn mỏi
xa mặt cách lòng ta
nếu ta đến phía đông
thì chàng đến phương đoài
khuất sau bờ lũy chân trời
nơi hoàng hôn buông xuống


Bi kịch của mặt trời và mặt trăng là bi kịch của càn khôn, bi kịch của hai “khối cô đơn” không thể gặp nhau. Và mặt trời là một “khối cô đơn” tuyệt đối bởi mặt trời luôn luôn chỉ có một mình. Nếu như mặt trăng còn có muôn sao xúm xít vây quanh dù không thể cùng nhau tình tự thì mặt trời là “nỗi cô đơn huy hoàng rực rỡ” luôn phải ở vị trí độc tôn bởi hễ mặt trời ló dạng là muôn sao biến mất khỏi bầu trời. Còn một nỗi cô đơn khác nữa, đó là nỗi cô đơn của những “điệu kèn” hiệp sĩ vang giữa “sa mạc hoang vu dâng khí lạnh u hoài”. Họ là những người đang khoác trên lưng mình chiếc áo giáp của một chiến binh kiêu hùng lẫm liệt mà lòng quặn thắt nỗi niềm lưu luyến quê nhà.


họ phân vân không hiểu ngày mai
sau cuộc chiến đêm nay
họ có được nhìn thấy lại mặt trời
và bên kia Địa Trung Hải xa xôi
nơi các thành phố châu Âu đang thắp
những ngọn đèn ấm cúng
không hiểu các tình nhân của họ
có ngóng trông ngoài cửa sổ
đếm thêm một hoàng hôn xa cách
hay là nàng đang rộn ràng sửa soạn điểm tô
để ngả vào vòng tay ai đó?


Nhưng giữa mênh mông trời và cát sa mạc những chàng hiệp sĩ mòn mỏi dõi mắt hướng nào cũng không thể tìm được một chấm xanh của Địa Trung Hải, lựa chọn duy nhất dành cho họ là đập tan “xao xuyến mơ hồ sợ hãi” để ca vang lên “hành khúc hào hùng” của chiến binh.


họ bỗng giật mũi cương và những con ngựa lồng lên
tiếng vó ngựa điên loạn trong điệu kèn hiệp sĩ
tâm hồn thổi vang một hành khúc hào hùng
nhen lên từ bóng tối
nỗi sợ hãi của hoàng hôn ập xuống


Điệu kèn cô đơn là nơi hội tụ của những nỗi cô đơn kinh điển kịch trần. Tác giả không đi theo lối tình cảm luận lấy cảm tình sinh mệnh làm chủ đạo để khai thác nội tâm của nhân vật mà đẩy tất cả nhân vật lên sân khấu kịch để nhân vật hành động, va chạm, đối thoại với nhau qua đó vỡ ra tư tưởng và giải quyết nhiệm vụ thông điệp mà tác giả yêu cầu ở mỗi nhân vật. Nguyễn Hoàng Đức là nhà thơ đồng thời cũng là nhà viết kịch nên việc xây dựng nhân vật và tạo ra tính kịch có lẽ là dễ dàng đối với ông. Trong nghệ thuật kịch, đối thoại trực tiếp giữa các nhân vật là con đường để kiện toàn giá trị tư tưởng của tác phẩm. Những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này ai cũng biết lời thoại của nhân vật đóng vai trò lớn thế nào trong thành công của một vở kịch. Điệu kèn cô đơn được xây dựng dựa trên đối thoại trực tiếp của nhân vật, chính xác bài thơ là cuộc hội thoại độc đáo giữa tâm hồn cô đơn dưới mặt đất và mặt trăng ở trên cao. Nhưng đằng sau cuộc hội thoại, đằng sau những nhân vật, những hình ảnh đặc sắc ấy là gì? Chúng ta cùng bước vào khám phá sâu hơn và cũng là khái quát hơn những giá trị biểu tượng của bài thơ.


2. Tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ


Ở tầng nghĩa cao nhất của bài thơ, khi ta nhìn vở kịch như một biểu tượng và một thông điệp nghệ thuật, thì Điệu kèn cô đơn có thể xem là tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Hoàng Đức. Tuyên ngôn nghệ thuật hiểu đơn giản là sự xác quyết rõ ràng về những giá trị nghệ thuật và con đường sáng tạo mà người nghệ sĩ chú mục và mong muốn đạt được qua lao động nghệ thuật. Có lẽ không phải vô cớ mà nhà thơ lấy Điệu kèn cô đơn đặt tên cho tuyển tập thơ đầu tiên và duy nhất (cho đến nay) của mình nếu nó không đại diện cho tư tưởng nghệ thuật của ông.


Tuyên ngôn đầu tiên là tuyên ngôn về nỗi cô đơn tất yếu của người nghệ sĩ. Cô đơn chảy tràn mọi ngóc ngách của bài thơ và chốt lại trong đoạn cuối cùng.


Và đêm nay
Ngươi không nói thì ta cũng hiểu
Trên vai ngươi là thập giá của cô đơn
Ca thán mà làm chi!
chẳng phải chính thập giá của Chúa Giê-su
đã cứu chuộc con đường thập giá
án Phạt tội đã hóa thành Chuộc tội!


Người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo của mình phải luôn là tha nhân vác thập giá cô đơn đi giữa cuộc đời. “Ca thán mà làm chi!”, ca thán có ích gì khi chỉ có trong cô đơn sáng tạo mới thăng hoa vì nghệ thuật là RIÊNG, không thể chung chạ cùng ai. Thập giá của Chúa Giê-su đã cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại, để “án Phạt tội đã hóa thành Chuộc tội!”, điều cao thượng cuối cùng được đổi bằng chặng đường xứng với nó. Và như thế, một tác phẩm lớn có thể vượt qua giới hạn của thời đại để chứng minh giá trị của mình trước tòa phán xét độc tài của thời gian chắc chắn phải đổi bằng con đường sáng tạo khổ hạnh khắt khe mà điều đầu tiên người nghệ sĩ phải chịu đựng chính là cô đơn trên suốt hành trình sáng tạo. Chúng ta có lẽ không cần phải tự mình xoay xở tìm câu trả lời cho tính đúng đắn của tuyên ngôn này bởi lịch sử nghệ thuật thế giới đã chứng minh điều đó.


Tuyên ngôn thứ hai là tuyên ngôn về tinh thần lý trí thượng tôn trong sáng tác. Ngoài nỗi cô đơn tất yếu của người nghệ sĩ, Nguyễn Hoàng Đức còn mang thêm một nỗi cô đơn khác nữa. Đó à nỗi cô đơn của mặt trăng khi đau đáu đuổi theo mặt trời “mà chẳng gặp được viền sáng của chàng”. Ôm nỗi cô đơn không thể cùng ai tình tự, mặt trăng vẫn ngày ngày “vượt qua vực thẳm của bóng tối và ánh sáng” để mong nhìn thấy chàng trong tích tắc chàng “vụt qua quĩ đạo hoàng hôn khi thời khắc điểm” và “chạy tới phương Đông – Mong kịp thấy mặt chàng ánh sáng của ta vào lúc trở mình.” khi bình minh. Mặt trăng, mặt trời, định mệnh phân ly cũng như tình yêu và cuộc tìm kiếm “viền sáng” ấy là những biểu tượng đang muốn nói với chúng ta về quan điểm sáng tác của nhà thơ. Cụ thể nhất là trong đoạn đối thoại sau:


Ôi chị Hằng tha thiết của ta
người mà sắc đẹp khiến hàng vạn thi nhân
Á Đông run rẩy
tại sao nàng lại chịu khuất mình
yêu gã mặt trời chói chang nhăn nhó?


Ngươi nhầm rồi, hỡi chàng trai bé nhỏ
thứ ánh sáng nhờ nhờ chẳng bao giờ biến đổi của ta
làm sao có thể sánh cùng
ánh sáng biến thiên rực rỡ của chàng
trong sáng tạo!


Mặt trăng là biểu tượng của phương Đông, mặt trời là biểu tượng của phương Tây. Điều này có lẽ không quá bất ngờ bởi người phương Đông đa số sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch) còn người phương Tây sử dụng lịch mặt trời (dương lịch). Và rõ ràng trong văn chương nghệ thuật, người phương Đông có xu hướng tìm kiếm vẻ đẹp thanh thoát dịu dàng của trăng, người phương Đông yêu trăng và thơ về trăng rất nhiều. Ngược lại, phương Tây thường tìm kiếm vẻ đẹp rực rỡ mạnh mẽ của mặt trời.


Chàng là mặt trời
huy hoàng, hào phóng và dũng lược!
Chàng là ánh sáng
Là trí tuệ, là sự sống
Là chân lý!


Chúng ta thường ví mặt trời với chân lý và cũng thường nói “mặt trời chân lý” nên những so sánh trên đây cũng không có gì mới mẻ. Nhưng trong sáng tạo, người Á Đông không chú trọng đi tìm chân lý và trí tuệ như người phương Tây.


Bi kịch của mặt trăng, hiểu xa hơn cũng là bi kịch của chính tác giả và đó là bi kịch của một người Á Đông, sinh ra lớn lên trong chiếc nôi văn hóa Á Đông nên hiểu được những yếu kém lối mòn trong tư duy sáng tạo của người Á Đông, từ nhận thức tiến đến hành động, Nguyễn Hoàng Đức muốn bứt phá để thoát khỏi “thứ ánh sáng nhờ nhờ chẳng bao giờ biến đổi” ấy nên cô đơn lại càng cô đơn hơn khi bên mình không có ai cùng quan điểm, cùng chí hướng để bầu bạn sẻ chia. Hoặc là có nhưng ông chưa tìm ra. Để hiểu rõ hơn và có cái nhìn bao quát khách quan tránh ca ngợi chủ quan thiên lệch sau đây chúng ta sẽ nhìn lại những nét chính trong quan niệm và tư duy sáng tạo văn chương nghệ thuật của người phương Đông và người phương Tây, qua đó những khác biệt lớn giữa hai nền văn hóa sẽ hiển lộ để chúng ta tỏ tường và để chúng ta học hỏi.


Văn học phương Đông nhìn chung luôn khởi phát từ cảm tình sinh mệnh còn được gọi là tình cảm luận tức là lấy cảm hứng từ sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn dành cho một thân phận nào đó trong xã hội. Điển hình là Nguyễn Du, ông vì xót thương cho một kiếp “hồng nhan bạc mệnh”, “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” của Thúy Kiều khi đọc Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân mà viết nên Đoạn Trường Tân Thanh để làm bật lên hết thảy nỗi buồn đau thống khổ thân phận nàng Kiều. Đây chính là cảm tình sinh mệnh mà Nguyễn Du dành cho những người phụ nữ tài sắc đi kèm bất trắc trong xã hội phong kiến. Cái đẹp mà văn chương phương Đông nhắm đến là cái đẹp trữ tình. Trữ tình còn được coi như một tiêu chí để người đọc yêu ghét khen chê bình phẩm một tác phẩm bởi từ ngàn xưa người phương Đông đã có quan niệm rằng trong bản thân luôn có tình, tình khi gặp được vật mang lại cảm xúc sẽ khởi, tình khởi sẽ dẫn đến chí, tình chí hòa làm một. Điều này lí giải tại sao Á Đông chúng ta thường “tức cảnh sinh tình”, mượn cảnh để nói tình, rồi lấy tình nói chí. Cảm xúc chủ quan trở thành chủ đạo khi nhà thơ nhìn thế giới bên ngoài bằng đôi mắt chất chứa ẩn ức của nội tâm bên trong.


Khác với truyền thống tình cảm luận của Á Đông, văn học phương Tây (lấy châu Âu làm trung tâm văn hóa) luôn lấy nhận thức luận để khởi phát sáng tạo, coi tri thức là trung tâm của hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Người sáng tạo có xu hướng triệt tiêu tình cảm chủ quan của cá nhân để hướng đến chân lý, biến văn chương nghệ thuật thành một hoạt động khám phá nhằm đưa tác phẩm nghệ thuật của cá nhân thành phát hiện tri thức của cộng đồng. Hàm lượng tri thức trong tác phẩm là tiêu chí định giá cho chính nó. Người sáng tác muốn bày tỏ tình cảm của mình qua tác phẩm thì phải qua con đường khai phá tri thức từ thế giới khách quan, cuối cùng mới phóng chiếu những phát hiện tri thức ấy vào tình cảm chủ quan như một cách để kiểm chứng nguyên lý. Bởi phương Tây coi sáng tạo văn học là phát lộ tri thức nên văn học nghệ thuật phát triển song song cùng khoa học. Đây là chuẩn mực khắt khe nhất trong các chuẩn mực. Triết gia cổ đại Plato đã từng kêu gọi: “Văn học nên là tri thức chân thực.” Vì thế, những nhà thơ của chủ nghĩa lãng mạn đã bị công kích, bài bác rất nhiều khi sáng tác của họ có thiên hướng trọng tình cảm. Trong lịch sử văn học, chủ nghĩa lãng mạn ở phương Tây thời ấy bị coi là cuộc nổi loạn kinh thiên động địa mà nhiều người muốn đuổi ra khỏi vương quốc văn chương. Sinh thời, nhiều nhà thơ chủ nghĩa lãng mạn như: William Wordsworth, Shelley… phải lên tiếng biện hộ cho thơ trước sự bất bình và công kích mạnh mẽ của dư luận và họ đều khẳng định rằng cho dù thơ của họ có đi từ tình cảm đi chăng nữa thì chúng vẫn là sự phát hiện tri thức và chính Wordsworth đã phát biểu rằng:


“Poetry is the frst and last of all knowledge - it is as immortal as the heart of man.”
“Thi ca là tri thức đầu tiên và cuối cùng – nó bất diệt như trái tim con người.”


Điều đó cho thấy rằng dù trải qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, dù hình thức thể hiện có thay đổi đến đâu thì cái lõi của thi ca phương Tây vẫn là TRI THỨC. Tại sao người phương Tây trọng tri thức còn người phương Đông trọng tình cảm đến vậy? Căn nguyên của sự khác biệt lớn này đến từ rất nhiều yếu tố nhưng nổi cộm lên là yếu tố địa hình tự nhiên và môi trường. Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên dẫn đến sự khác biệt trong cách làm, cách nghĩ, cách tư duy sáng tạo và những giá trị mỗi nền văn hóa chú mục. Phương Đông chúng ta có khí hậu nóng ẩm, nhiều sông suối, ao hồ, lượng mưa hằng năm lớn, cư dân quy tụ lại với nhau ở những đồng bằng trù phú. Khí hậu và địa hình của chúng ta thích hợp phát triển nền nông nghiệp trồng trọt, sau đó là phát triển chăn nuôi dựa trên gốc của nền nông nghiệp trồng trọt. Chúng ta sống quây quần với nhau thành làng xã, rồi thành quốc gia. Cộng đồng có tính gắn kết rất cao, chúng ta quanh năm nhìn thấy mặt nhau và sống trong tinh thần “tương thân tương ái” nên trọng tình cảm. Điều mà đa số người phương Đông thường sợ chính là “mất tình cảm.” Một đặc điểm nữa của nền nông nghiệp trồng trọt chính là lệ thuộc thời tiết. Vì thế người Á Đông có xu hướng sống chan hòa với thiên nhiên, trân trọng vẻ đẹp trữ tình, hướng nội nhiều hơn hướng ngoại. Tại sao thi sĩ Á Đông yêu trăng viết về trăng nhiều hơn viết về mặt trời? Điều này cũng ít nhiều liên quan trực tiếp đến văn hóa nông nghiệp. Người dân quần quật trên các cánh đồng suốt cả ngày đến chập tối mới về nhà tắm gội rửa chân. Buổi tối là lúc họ rảnh rang nhàn hạ nhất và có thể quây quần với nhau ngắm hoa vọng nguyệt. Trong khung cảnh ấy trăng sẽ làm thi hứng họ lên cao. Mặt trời, ngược lại, thường chói chang trên đầu họ và hễ mặt trời lên là phải ra đồng. Không phải tất cả người Á Đông đều sinh hoạt như thế nhưng là đại đa số bởi các quốc gia Á Đông hầu hết là quốc gia nông nghiệp. Tất cả những điều trên thể hiện rất rõ trong văn chương nghệ thuật. Nay, cùng với sự bùng nổ của các ngành Công nghiệp, xã hội đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tinh thần trọng tình cảm và tình cảm luận vẫn là chủ chốt trong văn học. Vì văn chương sáng tác trên nền tảng tình cảm nên kéo theo đó việc thưởng thức cũng đi từ cảm tình, mà cảm tình thì chỉ có thể viết ra cảm nhận, nhận xét mà khó tiến đến phê bình có tính hệ thống bằng trí tuệ bởi cảm xúc ở mỗi người mỗi khác, và thậm chí trong cùng một người mỗi lúc lại một khác. Vì vậy, chúng ta không có được một nền phê bình văn học mẫu mực, khắt khe và xác đáng rõ ràng lấy trí tuệ tri thức làm trọng tâm tham chiếu như ở phương Tây.


Người phương Tây sống trên các thảo nguyên xanh, khí hậu lạnh và khô. Họ sống chủ yếu nhờ chăn nuôi và hình thức chăn nuôi của họ là chăn nuôi du mục. Đây là nghề truyền thống của người phương Tây. Họ thường xuyên phải di chuyển, thường xuyên phải thay đổi cách sinh hoạt để phù hợp với môi trường sống mới. Do đó, người phương Tây hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, thích sự phiêu lưu và thích chinh phục, chế ngự thiên nhiên. Tinh thần không “an phận thủ thường” chính là động lực giúp họ phát triển khoa học, và song song với khoa học là phát triển nghệ thuật. Với họ, nghệ thuật cũng như khoa học đều nhắm đến chân lý và phát hiện tri thức, đồng thời cũng là nơi họ gửi gắm ước mơ chinh phục của mình. Phương Tây là quê hương của những nhà thám hiểm vĩ đại (điển hình là Cristoforo Colombo, người đã khám phá ra châu Mỹ), nền văn minh hải dương của họ phát triển là nhờ tinh thần phiêu lưu và chinh phục ấy. Người phương Tây coi trọng và hướng đến vẻ đẹp mạnh mẽ của mặt trời là điều dễ hiểu, đặc biệt là khi đứng trước trùng khơi biển cả, một màu xanh chạy ngút tầm mắt và gió trời lồng lộng… tất cả điều ấy mang đến cho họ tinh thần chinh phục kiêu hùng mãnh liệt. Và văn chương là để mô phỏng hết thảy những điều trên.


Từ đây chúng ta có thể tự tin mình nắm được tinh thần chính trong tư tưởng sáng tạo của phương Đông và phương Tây cũng như hiểu được cái bi kịch, cái trăn trở và những giá trị mà Nguyễn Hoàng Đức muốn theo đuổi trên con đường thi ca của mình. Tinh thần xem văn chương là biểu hiện cao nhất của trí tuệ và nỗ lực triệt tiêu cái tôi chủ quan trữ tình trong thơ của Nguyễn Hoàng Đức đã tạo ra rào cản rất lớn giữa ông và bạn đọc trong nước. Phần đông người đọc ở ta quen với những bài thơ trữ tình cảm xúc nên khó tiếp cận những vần thơ triết luận của ông. Ngoài ra, thơ ông cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng sáng tác của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa cổ điển phát triển nở rộ vào thế kỷ thứ XVII, sôi động nhất là tại thủ đô Pa-ri hoa lệ rồi từ nước Pháp lan dần sang các nước lân cận và xa hơn nữa. Xin liệt kê sau đây một vài điểm chính trong nguyên tắc mỹ học của chủ nghĩa cổ điển để thấy rõ sự ảnh hưởng của nó đối với thơ Nguyễn Hoàng Đức.


- Chủ nghĩa cổ điển phát triển dựa vào nền tảng chủ nghĩa duy lí trong triết học. Lí trí được coi là quan trọng và chuẩn mực hàng đầu. Nhà thơ Pháp Boileau, người đã viết tác phẩm Nghệ thuật thơ – một tác phẩm lí luận văn học được xem là “bộ luật thơ” của chủ nghĩa cổ điển, đã kêu gọi rằng:


“Hãy yêu lí trí, tác phẩm của các bạn phải tìm ở đấy ngọn nguồn duy nhất của sự trong sáng và giá trị của nó.”


- Chủ nghĩa cổ điển quan niệm một tác phẩm văn học có giá trị thì phải thực hiện được chức năng xã hội và giáo dục, phải khai trí.


- Hình tượng mà chủ nghĩa cổ điển hướng đến là hình tượng điển hình. Hình tượng phải là một tấm gương cá biệt để thực hiện chức năng truyền đi thông điệp lý tưởng để biến cái nhất thời thành cái vĩnh cửu. (Các nhân vật trong vở kịch cô đơn chúng
ta vừa phân tích đã thực hiện những điều này.)


- Coi trọng văn học cổ đại, hướng đến những hình tượng trong văn học cổ đại. Điển hình là Hô-me(1) và văn chương của ông được coi là một mẫu mực mỹ học.


Nguyễn Hoàng Đức cũng coi Hô-me là ông tổ thi ca, ông đã viết trường ca Kẻ hành hương từ đời đến thơ trong đó Hô-me là nhân vật đã truyền dạy nguyên lý thi ca cho một chàng trai trẻ. Và bài thơ Sông La trong tập Điệu kèn cô đơn cũng kết thúc bằng hình ảnh thi sỹ Hô-me thấm máu mình trên cây đàn lia bất hủ.


Những bản trường ca tráng lệ của thi sĩ Hô –me
Đau đớn
Ngân vang nỗi say mê cuộc đời trên những
Dây đàn lia
Tự thấm máu mình


Từ những điểm chính trên ta thấy rõ tinh thần sáng tác của Nguyễn Hoàng Đức thấm nhuần tinh thần văn chương phương Tây mà đặc biệt là chủ nghĩa cổ điển. Hy vọng rằng đây sẽ là một cánh én báo hiệu mùa xuân mới cho thi ca nước nhà, và én sẽ rủ én bay về rợp trời văn chương khi chúng ta biết tiết chế sức mạnh duy cảm duy tình truyền thống của mình, tiếp thu vận dụng sức mạnh duy lý của phương Tây và cân nhắc đặt trí tuệ tri thức vào đúng nơi của nó.


Xin được kết thúc bài luận này bằng bốn câu thơ mở đầu và kết thúc của bài thơ The Ballad of East and West (Bản Ballad Đông Tây) của nhà thơ Anh Rudyard Kipling(2). Bài thơ với 96 câu thơ đầy kịch tính này sau đó đã trở thành đề tài triết luận kinh điển về khác biệt và dung hòa khác biệt Đông – Tây. Bài thơ đã được chọn để đưa vào chương trình giảng dạy tại Phổ thông cũng như Đại học của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhà thơ R. Kipling được nhận giải Nobel Văn học năm 1907.


Oh, East is East, and West is West, and never the twain shall meet,
Till Earth and Sky stand presently at God’s great Judgment Seat;
But there is neither East nor West, Border, nor Breed, nor Birth,
When two strong men stand face to face, tho’ they come from the ends of the earth!”


Ồ, Đông là Đông mà Tây là Tây, và cặp đôi này sẽ chẳng bao giờ gặp nhau,
Cho đến khi Trời và Đất quy về trước Tòa Thiên Chúa;
Nhưng sẽ chẳng có Đông cũng chẳng có Tây, chẳng có Ranh giới, chẳng có Giống nòi, chẳng có Dòng tộc,
Khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng đối diện nhau, dù họ đến từ tận cùng Trái đất!


Đông vẫn mãi là Đông, Tây vẫn mãi là Tây nhưng sẽ chẳng hề chi với những con người mạnh mẽ. Mạnh mẽ để vượt qua giới hạn của ranh giới quốc gia, của giống nòi, sắc tộc, của truyền thống văn hóa để hướng đến giá trị phổ quát chung của con người NHÂN LOẠI.


Lệ Hằng, Đà nẵng 2019

(Trích sách: Nguyễn Hoàng Đức và những dấu chân khai phá trên con đường thi ca)

-------

(1) Hô-me (sống vào khoảng thế kỷ thứ XIII và thế kỷ XII trước Công Nguyên): nhà thơ Hy Lạp cổ đại xuất sắc nhất

(2) Rudyard Kipling (1865 – 1936): nhà thơ Anh





ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN

Thơ Nguyễn Hoàng Đức

 

Lòng cô đơn

Chân bước chẳng hề chạm đất

Mà nặng trịch tiếng dày vò

dẫm đạp cày xé tâm hồn

 

Ương ngạnh tâm hồn đông cứng lại

trân trân khối cô đơn

Chẳng chịu để bàn chân xới lên

dù một lớp đất tơi

 

Tâm hồn ơi, xin nghe chúng ta

Hãy trích máu đi!

Đó là cách ngày xưa các y sĩ vẫn làm

Để cứu chạy những con bệnh chẳng còn hy vọng

 

Ngươi giữ lại làm chi nỗi u uất của cô đơn

khiến làn da căng phồng sắp nổ?

hãy rỉ máu đi!

 

Ôi những bàn chân đáng thương tha thiết!

ở bên trên đế giầy kín mít nhường kia

tầm các ngươi thấp quá

làm sao mà hiểu nỗi cô đơn vô tận của ta?

 

Tá há chẳng muốn cất đi gánh nặng

Cơn lạnh hoang vu giữa trái tim làm ta run rẩy

Ta muốn gửi nỗi cô đơn buốt giá

khắp gầm trời, tìm một nơi ấm áp để lòng neo đậu

 

Ta dõi mắt giống người thủy thủ

Trên biển cả mênh mông

Khát vọng nhìn bốn phía

Tìm một dấu hiệu của bờ

hạnh phúc thay cho chàng thủy thủ!

bởi thể nào mắt chàng cũng gặp

một hòn đảo, một cù lao, hay một bãi cát uốn mình

vì đất chẳng bao giờ mỏi mệt vòng tay

vỗ về nỗi cô đơn của biển

 

Nhưng còn ta, khốn khổ làm sao!

nỗi cô đơn của ta sẽ đập cánh về đâu

khi biết chẳng còn bờ đất nào đậu xuống

và ta hiểu nỗi cô đơn là tuyệt đối

khi không tìm thấy một hình ảnh hão huyền

để gửi đi tờ thông điệp tri âm

dù vẫn biết chẳng lời đáp lại

 

Lục cục... lộp cộp...

Này đôi chân bất trị

Các ngươi đừng loạng choạng gõ đế giầy cười

Có phải các ngươi đang nghĩ

Cô tình nhân bé nhỏ cuối cùng đã bỏ ta đi

Đàn bà phụ tình ư, có gì là mới?

vậy thì sầu thảm hóa làm chi bi kịch của ái tình?

 

Các ngươi thử nghĩ coi

Có phải các ngươi vẫn đang dẫm lên đường

Cho dù là đường đất, đường cát, hay đường sỏi

Thì các ngươi chẳng thể nào trách cứ

rằng con đường chẳng dẫn về đâu!

 

Và đôi mắt của ta cũng vậy

Chúng vẫn nhìn xa

Cho dù một vì sao, một ngọn đồi,

hay cả bóng đêm đen

Chúng vẫn khát nhìn và hân hoan

khi thấy được nhìn

 

Còn lại, chỉ mình ta

sẽ gửi nỗi cô đơn đi đâu được

khi đã biết rằng

tất cả các bờ đất đang hóa thành

bờ lở mất rồi!

 

Lở! Lở tất cả

Trái tim, danh dự, tâm hồn

lẽ yêu, lẽ sống

còn lại một lời biện hộ nhỏ nhoi kia

cũng đang lở nốt!

 

Kìa, trăng ơi

Giá mà nàng hiểu thấu nỗi cô đơn của ta

với đôi cánh đập rã rời

chẳng tìm được nơi đậu xuống

với ý nghĩa hoang vu băng giá

chẳng tìm được một góc trắc ẩn nào

dựng cột mốc đường!

 

Ôi chàng trai đáng thương!

đất ngươi đứng thấp quá làm sao hiểu thấu

nỗi cô đơn của ta chảy tràn vũ trụ

mà chẳng gặp được viền sáng của chàng

 

Xung quanh nàng

chẳng phải bao vì sao đang quây quần xúm xít

môi nhấp nháy những lời tán tỉnh

 

Ồ, không!

Ngươi há chẳng biết sao

Loài chim chẳng bao giờ yêu con khác giống

những vì sao nhí nhảnh mình toàn góc nhọn kia

sao có thể cùng ta tình tự?

 

Vậy trong trời đêm kia

Ai có thể xứng đôi vừa lứa với nàng?

 

Ngươi biết chăng

người ta yêu mòn mỏi

xa mặt cách lòng ta

Ôi định mệnh phân ly ngàn thu khắc khoải!

nếu ta đến phía đông

thì chàng đến phương đoài

khuất sau bờ lũy chân trời

nơi hoàng hôn buông xuống

 

Giờ ở phía trời kia

Chàng đang gieo sắc vàng rực rỡ của mình

tưới đẫm một nửa hành tinh trong sự sống

chàng là mặt trời

huy hoàng, hào phóng, và dũng lược!

 

Ôi chị Hằng tha thiết của ta

người mà sắc đẹp khiến hàng vạn thi nhân

Á Đông run rẩy

tại sao nàng lại chịu khuất mình

yêu gã mặt trời chói chang nhăn nhó?

 

Ngươi nhầm rồi, hỡi chàng trai bé nhỏ

thứ ánh sáng nhờ nhờ chẳng bao giờ biến đổi của ta

làm sao có thể sánh cùng

ánh sáng biến thiên rực rỡ của chàng

trong sáng tạo!

 

Chàng đến lóng lánh buổi bình minh

Trong suốt như những tòa pha lê dựng đầy mặt đất

 

Chói lòa giờ ngọ thiên

bản giao hưởng ánh sáng của chàng

dâng đến tột cùng vũ trụ

 

U hoài như suối ngọt

Khi dịu lắng thành hoàng hôn trắc ẩn

hồng tím chân trời

 

Chàng là ánh sáng

Là trí tuệ, là sự sống

Là chân lý!

 

Còn ánh sáng nhờ nhờ ta có

giống Ê-va được Chúa tạo ra

chỉ là chiếc xương sườn thứ bảy của chàng

 

Nhưng làm sao nàng có thể

vượt qua được vực thẳm của bóng tối và ánh sáng

tìm đến với chàng?

 

Mỗi buổi chiều buông

Ta lại vội vàng sửa sang son phấn

thẳng đường đến sa mạc Gô-bi

để kịp nhìn thấy chàng

vụt qua quĩ đạo hoàng hôn

khi thời khắc điểm

 

Tại sao không chọn Sa-ha-ra

Làm nơi gặp gỡ, có rộng hơn không?

 

Đúng thế!

Nhưng ta muốn được nghe tiếng binh khí oai hùng

của cuộc thập tự chinh thủa nào vọng đến!

 

Nàng thích chiến tranh vậy sao?

 

Không! Ngươi nhầm rồi

Ta đến đó để nghe

tiếng kèn của những hiệp sĩ cô đơn

vang tiếng phi nước đại

trong Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ hùng tráng

của Mô-da loang cùng sương mờ sa mạc

 

ngươi thử nghĩ xem!

Vào lúc mặt trời rụng xuống chân trời

Như một nỗi cô đơn huy hoàng đỏ rực

Sa mạc hoang vu dâng khí lạnh u hoài man mác

những hiệp sĩ rệu rã như kịp hồi sinh

họ phân vân không hiểu ngày mai

sau cuộc chiến đêm nay

họ có được nhìn thấy lại mặt trời

và bên kia Địa Trung Hải xa xôi

nơi các thành phố châu Âu đang thắp

những ngọn đèn ấm cúng

không hiểu các tình nhân của họ

có ngóng trông ngoài cửa sổ

đếm thêm một hoàng hôn xa cách

hay là nàng đang rộn ràng sửa soạn điểm tô

để ngã vào vòng tay ai đó?

 

Lòng xao xuyến sợ hãi mơ hồ

họ bỗng giật mũi cương và những con ngựa lồng lên

tiếng vó ngựa điên loạn trong điệu kèn hiệp sĩ

tâm hồn thổi vang một hành khúc hào hùng

nhen lên từ bóng tối

nỗi sợ hãi của hoàng hôn ập xuống

 

ngươi hãy tin ta đi!

Ta đã mang ánh sáng của mình đi khắp nẻo

Nên ta hiểu

Trong điệu kèn cô đơn của họ

Ta bỗng nhận ra vẻ đẹp của đấng tu mi nam tử

Và biết được tại sao, mọi dân tộc trên khắp hành tinh

lại thích sinh quí tử

không phải họ mừng vì có một chàng trai

mạnh khỏe gánh vác việc nhà

mà mừng vì đã sinh ra một hành nhân

vác thập giá cho đời

 

Và đêm nay

Ngươi không nói thì ta cũng hiểu

Trên vai ngươi là thập giá của cô đơn

Ca thán mà làm chi!

chẳng phải chính thập giá của Chúa Giê-su

đã cứu chuộc con đường thập giá

án Phạt tội đã hóa thành Chuộc tội!

 

Thôi bình minh đang đến kia rồi

Ta chẳng còn mấy thời gian để chạy tới phương Đông

Mong kịp thấy

mặt chàng ánh sáng của ta

vào lúc trở mình.

Hà nội, Đêm 11/11/1996


ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN - BẢN TUYÊN NGÔN NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT ĐIỆU KÈN CÔ ĐƠN - BẢN TUYÊN NGÔN NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI CẦM BÚT Reviewed by Lê Sính on 9:58 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.