KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (V)

KẺ HÀNH HƯƠNG

TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ

Trường ca – Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

***

Chương V

 

Từ cửa sông

Tôi ngược về phía thượng nguồn

dồn bước đi

gối mỏi chân chồn

sức dần dần kiệt

may thay bỗng gặp

một chiếc thuyền bơi ngược

thật kỳ lạ

phía bên bờ lở

con thuyền từ cửa biển

cứ lao trên dòng trôi về phía trước

ngược nước dòng xuôi

 

đến thượng lưu

tôi chia tay bác lái đò

cắm cổ bước lên non

sáng chèo đèo

chiều lội suối

miệt mài đi không nghỉ

từ lúc mặt trời nở tới lúc mặt trời tàn

 

ngày kia tôi tới được

làng cao nhất hành tinh

ở lưng chừng núi

cách mặt biển dư ba cây số

tôi hỏi dân làng

về ngọn nguồn con sông

mất hút nơi chân núi

họ lắc đầu bảo

chúng tôi chỉ là dân sơn cước

ngày ngày chọc lỗ tra hạt bên sườn núi

kiếm bát gạo nương

đêm đêm lần theo chân thú vắt ngang đèo

kiếm thịt thú rừng

trình độ chúng tôi

quê mùa cục mịch

làm sao mà hiểu

điều cao siêu như vậy

nếu anh muốn biết

thì rạng sáng ngày mai

hãy leo lên đỉnh cao vòi vọi

tìm gặp ông già tuyết

sẽ được chỉ cho

 

Sáng sớm mai

Sau đêm dài ngủ kỹ

Sức lực dồi dào

Tôi hăm hở leo lên

đỉnh non dựng đứng đầy tuyết phủ

đến xế chiều thì thấy

một chiếc am bằng cỏ

vắt vẻo khuất trong mây

chênh vênh sườn núi

một ông già

râu tóc trắng phau như tuyết bước ra

 

có phải cháu đến tìm ta

để hỏi ngọn nguồn của con sông lớn?

 

Vâng! Đúng thế

Nhưng sao ông biết cháu đến tìm ông

Và ông là người hay thánh

Mà thân thể lâng lâng như một áng mây bay?

 

Ta không phải là thánh

Vì ta vẫn đứng đây

Trên mặt đất này

Nhưng ta cũng chẳng phải là người

Vì tâm linh ta thanh thoát

Đã nâng đôi chân ta

bước ra ngoài trọng lượng

đi bập bềnh trên đất trần gian

 

Vậy gọi ông là người là người hay là thánh?

 

Hãy gọi ta là người

vì ta sinh ra từ một người mẹ và một người cha

mang bản tính loài người

hãy coi ta là thánh

vì ta đã cất cánh bay lên

khỏi lề luật máu thịt

của cốt nhục trần gian

 

sao ông biết được

cháu sẽ đến đây?

 

Ha Ha Ha

Ông già cười ngất

điều đó chẳng có chi

với luật thân xác cái khó hiểu

sẽ trở thành dễ hiểu

trong nguyên lý linh hồn

tựa những chiếc đài cách xa nhau ngàn dặm

chẳng hề biết hình thù của nhau

nhưng chúng vẫn hoà vào ngôn ngữ

cùng tần số với mình

linh hồn ta cũng vậy

nó luôn vượt ra ngoài thân xác

phiêu du khắp không gian

và nó đã gặp ý chí một chàng trai

đang hăm hở đi tìm

nơi ngọn nguồn của nó

 

Ông hãy cho cháu hỏi

Dòng sông từ núi trôi ra biển

Hay từ cửa biển đổ về chân núi?

 

Thật là một câu hỏi lạ kỳ

từ nhỏ đến giờ

chưa từng thấy ai

hỏi ta như vậy?

 

Cháu đã ngược dòng sông

Bên lở bên bồi

Trên một chiếc thuyền

Và thấy:

Bên bồi nước thuận êm chảy ra cửa biển

đắp mãi phù xa cho chiếc bờ đầy

nhưng bên lở nước cuốn thành dòng ngược

xô về thượng nguồn

xói chiếc bờ hao cứ hao thêm mãi...

 

một cách nhìn

không xoàng chút nào

ông già bảo

cháu có biết không

người ta vẫn nói

con sông là con đường đang chảy

con đường trên cạn

đứng im không chảy

nhưng trên đó

kẻ ngược người xuôi

còn con sông

là con đường tự mình vận động

nó tách ra dòng chảy xuôi phía bờ bồi

và dòng chảy ngược bên bờ lở

nhưng dẫu vậy

mọi con sông luôn khởi từ nguồn

và chảy về cửa biển

dòng chảy ngược

không ngăn cản con sông

chảy về miền cứu cánh

mà chỉ thôi thúc

dòng xuôi chảy nhanh hơn

 

nhìn vào đó

cháu hãy nhận biết rằng

vạn vật ở đời

đều có xuôi và ngược

cái ngược sinh ra

nhân danh bởi cái xuôi

và cuốn theo cái xuôi

chảy về nơi nhập thể

nơi muôn vàn con nước

tác thành thế giới hoà đồng

 

Thi ca cũng vậy

Dù dòng xuôi hay ngược

đều không cưỡng nổi

dòng cuốn chảy về

đại dương nhân loại

đại dương đó

 

là ý nghĩa toàn thể của con người

 

là ý nghĩa toàn thể của đời sống con người

 

là ý nghĩa toàn thể của xã hội con người!

 

Ông ơi sao cháu lần ngược dòng sông

Dòng sông lại dẫn cháu về với núi?

 

Cháu không biết sao

người ta vẫn bảo

núi và sông bao giờ

cũng là những hàng xóm kề vai sát cánh

 

đường thi ca của cháu cũng vậy

nó như dòng sông duyên dáng chảy

từ ngọn nguồn tư tưởng

núi càng cao thì sông càng sâu

sông càng sâu thì nước càng trong

tâm hồn thi nhân như dòng trong đó

thi nhân ít nhất

là một người có khả năng bày tỏ

thế giới xung quanh

và thế giới của lòng mình

 

cháu hãy thử xem

nếu dòng nước không trong

làm sao có thể

uống lấy mầu xanh của vòm trời biếc

và hoá dòng trắng phau cho những đám mây trôi?

 

Nếu dòng nước không trong

Làm sao có thể

In bóng núi vươn lên lừng lững

Và hoá gương cho hàng liễu soi mình?

 

nếu dòng nước không trong

làm sao có thể

tắm rửa những nhọc nhằn lầm lỗi của con người

để cứu rỗi cuộc đời trong cát bụi?

 

Còn trái lại

nếu núi thấp

sẽ chảy ra một dòng sông

vừa bé vừa nông

đục ngầu những vẩn phèn

khiến hai bờ hoá đất chua

không trồng cấy được

và khiến cá trong dòng trôi ngạt thở

còi cọc làm sao lớn

những con sông nông

chẳng bao giờ có

những con cá to

và cũng chẳng bao giờ

có cá lớn khôn

để hoá thành rồng

 

đã là dòng nước đục

thì làm sao có khả năng mẫn cảm

mở dòng trôi uống lấy

hình ảnh vũ trụ bao la

bầu trời mầu xanh ư

những đám mây mầu trắng ư

đỉnh non ửng hồng trong bóng tà ư

những cành liễu non tơ ư

tất cả soi xuống dòng sông đục

chỉ mang mầu đất xám

 

và dòng sông

là nơi con người tắm gội

bụi trần của cuộc đời

nhưng thân nó còn đục

thì tắm cho ai?

Cháu có nghe

một nhà thơ đã than

nếu gặp dòng trong

ta sẽ giặt dải mũ mình

nếu gặp dòng đục

chỉ đáng cho ta nhúng rửa đế giầy

 

Muốn làm một thi nhân

Hãy học dòng sông

Dòng sông là con đường

Lúc nào cũng lên đường

Nó là con đường

tự thân luôn vận động

trọn vẹn từ khởi điểm

nhắm cứu cánh của mình

trôi chảy từ nguồn

nhắm về cửa biển

 

cháu hãy coi thi ca

như một dòng sông

khởi từ cuộc đối thoại cao cả

của non ngàn cao ngất

với những làn mây

đong đầy sắc nắng của mặt trời chói lọi

và dòng sông đó

khơi nguồn từ nơi sâu thẳm nhất

mạch chảy huyền nhiệm của mình

giữa lòng đất bao la

dòng sông đó lúc nào cũng lên đường

miệt mài chở nặng phù sa

cho đất cuộc đời

và dâng hiến dòng trong

cho cát bụi trần ai rửa tội

dòng sông đó chẳng lúc nào quên

hướng về cửa biển

đem theo cuộc hành trình

đã dâng hiến bao khúc quanh cho đất

hội nhập vào thế giới mênh mông toàn thể

muôn giọt nước tụ về

 

Chung qui, thi ca là một cuộc hành trình toàn thể

từ trán đỉnh núi mang tầm tư tưởng

từ cung lòng đất mẹ huyền nhiệm vô biên

 

chảy đi

lên thác xuống ghềnh

dâng hiến phù sa dòng trong và những khúc quanh

cho đời sống

và dấn mình trôi chảy

về chốn bao dung vũ trụ vẹn toàn

 

một dòng sông chỉ là sông

khi luôn luôn chảy

về nơi vô tận

không phải là mình

mà là nơi hội tụ

cuộc đời nhập thể

 

một dòng sông

chấm dứt là sông

ở khúc quanh nào

nó không chảy nữa

khi đó dòng trôi hoá nước ao tù

 

hãy nên biết

chỉ có khối nước nhỏ

mới vo viên cho mình một chu vi

tạo thành chiếc ao tù hãm

 

nhưng dòng sông không vậy

nó luôn luôn trôi chảy

phá vỡ những ranh giới vô hình

để lao về phía trước

...

Cám ơn ông! Có phải

muốn làm một thi nhân

mang nghệ thuật sống còn

thì có phải

hãy luôn luôn lên đường

luôn luôn trôi chảy

luôn luôn sống

và luôn luôn sáng tạo...

biết được bí quyết rồi

từ nay cháu cứ việc làm thơ?

 

Chưa đủ!

Dòng sông mới chỉ là

Hình ảnh dòng thi ca

chảy trên đất cuộc đời

và nhắm về biển cả

nhưng muốn làm thơ

cháu còn phải học

nguyên lý thi ca

 

dòng sông mới chỉ dẫn cháu

ngược về cội nguồn luồng mạch

giờ đây cháu còn phải lần về

cội rễ của thi ca

hãy đi tìm thi sĩ Hô-me

người cách đây hơn hai thiên kỷ

đã tác thành nguyên lý

cho nghệ thuật làm thơ

 

đây ông tặng cháu

chiếc rìu này

cháu hãy xuống chân núi

đẵn cây nào to nhất

đẽo một con thuyền độc mộc

cắm lên một cánh buồm

còn đây là tấm lụa tơ tằm

dệt đường đi tới

Hy Lạp miền duyên hải

Quê hương của Hô-me

 

Vâng! Thưa ông

Tôi nhận lấy chiếc rìu

Và tấm hải đồ

Chưa kịp nói lời cảm tạ

ngẩng lên

đã thấy ông già biến mất

...

(còn tiếp...)



KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (V) KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (V) Reviewed by Lê Sính on 10:38 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.