KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (III)

KẺ HÀNH HƯƠNG

TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ

Trường ca – Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức

***

Chương III

 

Niềm xao xuyến phai

theo luỹ tre làng mờ khuất

phía trước

con đường mở ra vô tận

hồn bỗng rạo rực tinh khôi

hăm hở bước dồn

chân khát khao

những miền đất mới

ngày đi đêm nghỉ

sáng nay trời vẫn tờ mờ

trong sương se lạnh

từ biệt chủ nhà cho ngủ trọ

tôi lại khoác túi lên đường

qua một dãy núi

trời vẫn tinh mơ

tiếng chim lảnh lót

khua thức muôn mắt lá rừng cây

mở ra

đón nắng ban mai

tinh khôi như suối mật vàng rót xuống

 

Nắng nhảy nhót trên lá cây

Vãi những gót chân vàng xinh xắn

mỗi khi rừng cựa mình theo gió thoảng

điệu vũ lại chuyển làn

tiếng hót của bầy chim

nhảy trên gót nắng thích đùa

lung linh biến ảo

qua muôn kẽ lá

 

Lao xao

Thì thào ngôn ngữ mầu xanh

Khát nắng!

Lao xao

Thì thào ngôn ngữ rung rinh

Khát gió!

Lao xao

thì thào ngôn ngữ âm thanh

khát tiếng chim!

 

Lòng đang hứng khởi

giữa khúc hoà âm hoà sắc của thiên nhiên

thì bỗng giật mình

nghe tiếng Ha Ha Ha

này anh bạn trẻ

tiếng gọi sau cây đại già vọng đến

tôi ngoảnh lại nhìn

thấy ba thi nhân

đang ngồi toạ dưới mái lều lợp cọ

vào đây! Vào đây! họ kêu

may quá! Vào đây

chúng ta đang làm một bài thơ tứ tuyệt

mỗi người một câu

hết câu thứ ba thì bí

trời run rủi thế nào

gặp được anh bạn trẻ

có dáng điệu học trò

chắc cũng biết dăm ba thuật làm thơ chứ nhỉ?

 

Tôi ngồi xuống bên họ

Chưa kịp hỏi lời nào

mỗi người đã lôi ngay bầu rượu bên sườn

rót liền cho tôi ba chén

vào ba ra bảy

chú em hiểu chưa

rượu vào lời ra

hãy uống đi

uống nhiều vào

để hồn ngập lụt

rượu và rượu

khi đó nàng thơ sợ mình chết đuối

sẽ phải ngoi ra

và chúng ta sẽ tóm lấy nàng

họ cùng ngâm lên

lời hát lè nhè

chúng ta sẽ tóm lấy nàng!

Chúng ta sẽ tóm được nàng!

Chúng ta sẽ nhốt nàng lại!

Không cho nàng trốn biệt tăm đi nữa!

 

Bình minh đang lên

Sao các bác lại rỗi công

Chén chú chén anh sớm thế?

 

Ôi chú nhóc này!

một người xoa đầu tôi bảo

chú chưa kịp lớn

nên chẳng hiểu đời

ở đời cái gì thanh tao

hơn thú làm thơ được

chú hãy nhìn mặt trời kia có phải

nó đang còn mát dịu mầu hồng ngọc

và chúng ta lấy nó

làm thức nhắm cho chén rượu của mình

chú thử nghĩ xem

chỉ lúc nữa thôi

nó sẽ đỏ rực như hòn than nung lửa

thì làm sao còn nhắm được

 

Phải đấy! một người khác bảo

Làm người có ai sánh nổi

Thú của thi nhân

Rượu sớm trà trưa

Săn đuổi nàng thơ

 

E hèm! E hèm!

người thứ ba cất giọng hoà theo

chúng ta lấy mặt trời mới lên

làm thức nhắm cho hàng mi ngái ngủ

lấy gió ban mai

làm kèn dìu dặt

đưa tâm hồn ngao du lá biếc

lấy trăng làm đuốc

lơi lả hồn say

lấy sao trời

là mùa gieo hạt

cho chiếc dạ dầy ảo tưởng của mình

anh bạn thử nghĩ xem

có muôn sao nghìn nghịt gieo mùa

trên đồng xanh trời biếc mênh mông

chẳng một ai đánh thuế

thì còn lo gì đói!

Lo gì tháng ba ngày tám

Lo gì lũ lụt

hạn hán mùa màng!

 

Ba thân xác sũng rượu đung đưa

Bíu vào nhau hát vang

Vinh quang thay thi nhân!

Đó là kẻ tao nhân mặc khách

rượu sớm trà trưa

say sưa nàng thơ

 

vinh quang thay thi nhân!

Thi nhân là thánh nhân

người phất hồn mộng du

giữa mùa gặt bốn mùa

của sao trời vô hạn

người chẳng thèm đếm xỉa

mùa gieo cấy và gặt hái

đổ mồ hôi sôi nước mắt

trên cánh đồng phàm tục

của trần gian!

 

Hồn tôi bỗng lâng lâng

giữa hồn say men la đà của họ

tay đưa chén lên môi

nồng ơi là nồng!

 

Uống đi! Uống đi! họ giục

Chú khăn gói quả mướp thế kia

chắc dời quê đi kiếm việc làm

chú muốn làm chi?

 

Tôi đi tìm nghiệp làm thơ

Vì bác tôi đã dặn

Con đường làm thơ là đường ngắn nhất!

 

Chí phải! Chí phải!

Chú này nhỏ tuổi

Mà sớm tinh khôn

Nhưng hãy nghe đây

muốn thành thi nhân

thì trước hết

phải thành sâu rượu đã

trong rượu có thần men

người sẽ nâng ta lên

chao đảo bàn chân không hề chạm đất

hồn ngất ngư bay liệng

đến chạm nóc vòm trời

tay mọc cánh tưởng tượng dài vô tận

quờ quạng kiếm nàng thơ

 

Thơ là thánh ngôn!

Rượu cũng là thánh!

Vì chỉ có thần men

mới nhấc nổi chúng ta lên khỏi

sức hút của trần gian

để cất cánh bay vào ảo tưởng

tìm cửa đến thiên thai

nơi rập rờn tiếng đàn tiếng sáo

cùng tiếng mỹ nhân

ru hồn ta vào hoan lạc

ta mất trọng lượng

bay vất vưởng trong thế giới phù vân đó

chẳng còn năm tháng !

chẳng còn tuổi tác!

chẳng còn lý trí!

 

Ôi lý trí quái ác

Thoát khỏi nó thật sướng biết bao

Lúc nào nó cũng chăm chăm

Đánh thức cả hồn lẫn xác của ta

phải nhận biết rằng

đã sinh ra làm người

thì có ngày phải chết!

 

Ôi vinh quang thay cõi thiên thai!

Nơi ảo tưởng xoá nhoà

trọng lượng

thân phận con người

và lý trí

chỉ có những nàng tiên

dìu ta vào khoái lạc

muôn tiếng đàn vô thanh

sẽ xoá đi nỗi buồn

của hồn vạn cổ

và không gian lộn ngược

cả ba chiều quái đản

sẽ quay trục thời gian

quá khứ – hiện tại – tương lai

ba miền cũ rích

xoá nhoà

làm chúng ta quên đi

nỗi buồn năm tháng

đè trĩu nặng cơ thể chúng ta

từng sợi tóc trên đầu

từng tế bào ở làn da

và từng hơi thở giữa làn tim đập

 

Vinh quang thay thiên thai!

Tìm đâu ra cõi thần tiên đó

Nơi đất đứng trần gian?

Tìm đâu ra

Cõi thiên thai ấy là thơ

Đang ngự trị ở đây

Trên mặt đất này

Và rượu này

Chính là con đường ảo mộng

Đưa chân chúng ta lảo đảo

bước vào thế giới thiên thai

vậy thì vinh quang thay rượu nồng!

 

Uống đi! uống đi chú em

uống thật nhiều vào

cho hồn say tuý luý!

 

Tôi đưa chén nhắm mắt

Tu cả ba hơi

liền ba chén rượu

mắt choáng mơ màng

mầu xanh của rừng dâng lên như sóng

mầu nắng đổ chập chờn

như thác nước trào dâng qua sóng các tầng mây

tâm hồn rát như lò

đang khơi lửa

mong tìm đôi cánh đang tôi

chân chao đi như bánh lái của con thuyền

đang mắc cạn

trên mặt đất chùng chình trong cơn hoá nước

mắt loà đi giữa ba bóng người

hoá sáu bóng người

hoá chín bóng người

và vô vàn bóng

những thi nhân nhảy nhót cùng bầu rượu

chợp chờn vũ điệu thiên thai nhoà hư ảnh...

 

Chúng tớ đang làm dở một bài thơ tứ tuyệt

người bên hữu đập mạnh vai tôi

tớ làm câu thứ nhất

Sáng ra uống rượu làm thơ

 

Mình làm câu thứ hai

người ngồi bên trái vỗ đùi tôi đau điếng

Gió thổi mây bay

 

Và mỗ làm câu thứ ba

người đối diện tôi đứng dậy ngâm

Mây bay về đây...

 

Đến đây bí quá

Thêm một câu nữa sẽ chỉnh bài thơ

cậu hãy làm đi!

 

Trong men rượu bốc lên ngùn ngụt

cảnh vật dập dình chao đảo

hư ảnh các thi nhân vờn mình nhảy múa

tôi loạng choạng đứng lên

hồn bập bềnh ngâm vang câu cuối

Mây bay về viễn sứ

 

Tuyệt vời! tuyệt vời!

Bài thơ của chúng ta thật là tuyệt tác!

Chúng ta là những thi nhân vô cùng tuyệt diệu!

Và cậu bé này có thiên bẩm thi nhân!

họ nhảy lên reo

nào chúng ta hãy đứng lên

tìm kiếm mọi người

ngâm cho họ nghe bài thơ của chúng ta

thật là cự phách!

Có một không hai!

 

Chúng tôi đứng lên hồn xiêu vẹo

Bíu nhau đi

A, kia rồi!

Trên cánh đồng

Chúng tôi nhìn thấy

một bác nông dân đang cày ruộng

này bác kia

hãy nghỉ tay một chút

nghe bài thơ của chúng tôi

mới làm tập thể

thật là hay lắm

bốn cái đầu chụm lại

hẳn phải giỏi giang hơn

bất cứ đầu ai!

 

Tôi có rỗi đâu

Mà nghe thơ được

Vắt Vắt Vắt...

Bác nông dân vẫn lái con trâu

Cày tiếp luống cày

 

Hãy dừng một chút

Cày mãi làm chi

gạo chỉ nuôi được dạ dầy

làm sao nuôi hồn được

hãy nghe thơ chúng tôi

cho tâm hồn phấn chấn

rồi cày sẽ nhanh hơn!

 

Thật thế chăng?

Bác nông dân cười mỉm

Tôi e nghe thơ các anh

sẽ mệt thêm lên

rồi chẳng còn sức đâu

cày nốt thửa ruộng này

 

thì bác cứ nghe đã

chưa nghe thơ người

chưa biết hay dở

sao cứ khăng khăng?

 

Tôi không chỉ nghe thơ bằng tai

Mà còn nhìn bằng mắt

bằng sự ước định

tất cả những gì

về người làm ra nó

trông các anh chân nam đá chân chiêu

chưa lăn khỏi giường

đã ôm lấy rượu

mượn men say

làm đấng cứu tinh

cho tâm hồn trống trải của mình

thì hỏi làm sao

mà tôi tin

những vần thơ dăm câu ba điều

các anh sắp đọc

là của mấy cái đầu chụm lại?

hay tác giả của nó

là mấy bầu rượu kia

làm bằng đất sét?

Thôi mà nói vậy

Các anh hãy đọc

đọc rồi xin đi

cho tôi cày nốt

thửa ruộng của mình

 

Bác hãy nghe đây

một anh lấy giọng ngâm

để tôi ngâm cho

anh kia cất tiếng

không để tôi ngâm

giọng tôi trẻ trung hơn

không được! không được!

ba người cãi lộn

về bài thơ chung

mỗi người một phần

 

Thôi các anh hãy ngâm lần lượt

Bác nông dân bảo

 

Ừ, đành thế vậy!

Ba người gãi tai

Ri lần lượt đọc

 

Sáng ra uống rượu làm thơ

Gió thổi mây bay

Mây bay về đây

Mây bay về viễn xứ.

 

đến câu cuối cùng

nhất loạt cả ba

ngâm hộ lời tôi

 

Ha... Ha... Ha... Ha...

Bác nông dân cười ngất

Thơ của các anh

Gió thổi mây bay đến

rồi mây lại bay đi

chẳng có gì đặc biệt

nó chỉ là thấy gì nói nấy

vậy thì ích chi

bắt người khác lại phải nghe thơ

để nhìn mây và gió

thà tôi cứ ngẩng đầu

sẽ thấy mây đùa gió

lớp lớp trôi trên các tng trời

chẳng đẹp hơn sao?

giờ các anh đi đi!

để tôi còn cày tiếp

 

Thật là phí hơi

một người kêu lên

thơ hay thế này

lại ngâm bên bờ ruộng

có khác nào đàn gảy tai trâu

thôi chúng ta hãy đi

đến chốn nào cao quý

sẽ tìm thấy được người

khen thơ chúng ta hay!

họ kéo nhau đi

 

Này cháu!

Bác nông dân vứt bỏ

cả cày lẫn trâu

chạy với theo tôi

 

kìa bác!

Bác muốn nói gì thêm

về những vần thơ đó?

 

Không! Không phải thế

Hãy bỏ qua những vần thơ đó

Chúng vô bổ làm sao!

 

Không được bác ơi

Bác cháu dặn rồi

Con đường làm thơ là đường ngắn nhất

để lập nghiệp đời!

 

Cũng được! bác nông dân từ tốn

Bác sẽ chẳng ngăn đường thơ của cháu

Nhưng cháu hãy nhìn

quả núi kia xem

muốn đến thửa ruộng này

bác phải vượt qua nó

con đường ngắn nhất

là leo lên đỉnh

con đường dài hơn

là vòng chân núi

nhưng nếu leo lên đỉnh

thì từ sáng đến chiều

bác cũng chẳng mong

tới được ruộng này

vậy là con đường ngắn nhất

là đường dài nhất!

 

còn đi theo đường

men theo triền núi

bác thủng thẳng dắt trâu

chưa mất một giờ

đã tới được đây

thế là, con đường dài nhất

là đường ngắn nhất!

còn nếu thích đi

thênh thang mặt đất bằng

thẳng một lèo đến đây

thì giống Ngu Công

cháu phải mất ba đời

để dọn đường qua núi

cháu còn trẻ

hãy nghe lời bác

bác chẳng hiểu mấy về thơ

nhưng đường thơ chắc chẳng khác đường đời

nếu đi đường tắt ắt phải đi xa

còn đi đường xa lại được về gần

 

muốn theo đường thơ

chớ bắt chước con đường của họ

mượn cánh men say

làm cánh tâm hồn

đừng nên ảo tưởng

khi đôi chân lảo đảo

là lúc bước lên mây

cháu hãy đi trên đường thơ

bằng đôi chân của cháu

muốn có cánh tâm hồn

thì phải chăm sóc nó

từng sợi lông mao

từng lông vũ và từng lông ống

nuôi chúng lớn lên

thành đôi cánh của mình

 

Muốn vượt đại dương

trước tiên không phải tập bay

mà tập cho đôi cánh

có sức lực dồi dào

đó là điều hiển nhiên

ai muốn khôn ngoan

thì đều phải hiểu

 

cháu hãy nhìn

con trâu của bác

nếu muốn nó thạo cày

thì trước hết phải chăm cho nó

lớn mạnh béo tròn

đến khi có sức

mới dạy nó cày

còn nếu không

luyện nó cày non

nó sẽ gầy mòn

thì lúc ấy

nó biết cày

nào có ích chi?

 

Cháu hãy nhìn kia

những chú chim sâu

đang nhảy chuyền cành

suốt ngày nhí nhảnh

nhưng chẳng bao giờ

chúng vọt qua nổi

một vòm cây lớn

nhưng những con đại bàng không vậy

chúng không bao giờ

mới nứt mắt ra

đã tập bay chuyền

vậy mà chúng đập cánh

là vút tận tầng mây!

 

Hãy học lấy

Đôi cánh của đại bàng

đừng vội bước vào đường thơ

bằng đôi chân non bấy

phải chuốc rượu lên gân

hãy đi, đi xa hơn nữa

hãy đi dọc đi ngang cuộc đời

cho đôi chân cứng cáp

cho mắt tinh tường

cho tâm hồn khao khát mênh mông

 

Hãy lắng nghe

Không chỉ âm thanh

ở quê cha đất mẹ

mà hãy mở tai nghe

âm thanh toàn vũ trụ

tiếng thông reo trên đồi

khác hẳn tiếng tre làng cọ cựa

tiếng sóng vỗ đại dương

còn vĩ đại hơn nhiều

chúng cuốn từ quê hương của bình minh lên

đến tận cố hương của hoàng hôn xuống

 

Hãy nhìn

Không chỉ mặt trời

hiện trên nóc nhà tranh

mà hãy chứng kiến

nó đang dâng mình nguy nga trên những đỉnh non ngà

cao nhất

 

Hãy nhìn sao vãi hạt

Không chỉ trên cánh đồng nhỏ bé quê nhà

Mà hãy nhìn chúng rơi lấp lánh

phủ tràn sa mạc không bến không bờ

 

Hãy nhìn Hằng Nga

Không chỉ trải mình phô sáng trên chiếu trước hiên nhà

Mà hãy nhìn

Trăng buông lời than bất lực

Không mò nổi lại bóng mình

giữa lòng biển sâu vô tận

 

hãy nhìn

hãy lắng nghe

hãy chứng kiến tất cả

bằng mắt, bằng tai, bằng lời, và bằng xúc giác

rồi cháu hãy làm thơ!

 

Còn những vần thơ

thấy gì nói nấy

nghe gì kể nấy

có khó gì đâu!

Quê nhà ta

cả làng làm thơ

con lợn đẻ

họ cũng làm thơ

con cóc nhảy

họ cũng làm thơ

bán gói thuốc tẩy

họ cũng làm thơ

con sâu rơi nồi canh

họ cũng làm thơ

nhưng bác tin

đấy không phải là thơ

mà chỉ là

một lối nói vần!

 

Thôi xế trưa rồi

Cháu hãy đi đi!

Đây là phần cơm nắm của bác

Cháu nhận một nửa cho bác vui lòng

Hãy ăn đi

tuổi trẻ cần sức lực

và lên đường

chân cứng đá mềm

...

 

Mặt trời lên

mắt tôi hoa lên

mồ hôi bốc hơi men sặc sụa

tôi tỉnh lại dần

đầu nặng trịch

chân nặng trịch

và thấy cuộc đời sao mà nặng trịch

như men rượu rã rời

mây hoàn về mây

đang bay thong thả

núi hoàn về núi

tạc mình trĩu nặng

con đường hoàn lại con đường

mở dài hun hút

và mặt trời hoàn lại mặt trời

rát bỏng những tia sự thật

soi sáng cảnh vật u buồn

và con đường khắc khổ

đang mở ra không thể nào khác được

tôi nặng trịch hoàn lại thân mình

một con người sự thật

không còn phiêu bồng

trên đôi chân phiêu lãng của men say

 

tôi bỗng thấy mình trơ ra trước con đường

nhọc nhằn và xấu hổ

 ...

(còn tiếp...)




KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (III) KẺ HÀNH HƯƠNG TỪ ĐỜI ĐẾN THƠ (III) Reviewed by Lê Sính on 10:33 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.