Giới thiệu sách: CREATIVE WRITING


GIỚI THIỆU SÁCH DẠY VIẾT SÁNG TẠO
CỦA TRƯỜNG DẠY VIẾT VĂN GOTHAM WRITERS
CREATIVE WRITING: WRITING FICTION
___

Bằng tất cả tâm tư và chân tình, mình viết bài chia sẻ về cuốn sách và chương trình Sáng Tác Truyện của trường dạy viết văn Gotham Writers, Hoa Kỳ.
Trong một dịp lang thang đọc phê bình văn học và tìm hiểu về Creative Writing (Cụm từ này bao gồm cả sáng tác văn học và viết content…) mình đã đến được với Gotham Writers – một trường dạy viết văn có trụ sở chính tại New York, Hoa Kỳ. Mình mua cuốn sách này trên Amazon với giá khuyến mãi 10$ cho bản điện tử. Mình đọc nó và với mình khi ấy cuốn sách như ánh mặt trời từ từ làm tan tất cả những đám mây mơ hồ vẫn quẩn quanh trong đầu mình để trao cho mình một bầu trời khoáng đãng. Những đám mây ấy là tất cả những gì mình đã băn khoăn về sáng tác, về truyện hay chuyện? về văn học và phi văn học? về nhà văn và người kể chuyện? về những truyện và những sách mình đã đọc, vì sao tác phẩm chưa thành công? Mục đích của người cầm bút là gì…?
Mình xin cam đoan rằng cuốn sách sẽ mang cho bạn thứ ánh sáng trong lành dễ chịu, ít nhất, nó sẽ giúp bạn viết lên câu chuyện của chính mình một cách sinh động, hấp dẫn. Tất cả chúng ta ai cũng có thể trở thành người kể chuyện. Ít nhất là như vậy bởi bản chất con người vốn là thích kể chuyện.
Một cách vắn tắt nhất, mình nêu vài điểm quan trọng mà cuốn sách có thể mang lại cho chúng ta. Dĩ nhiên, bạn có thể tìm thấy những điều này trong rất nhiều sách khác và đây không phải là lần đầu tiên mình được đọc những kiến thức này. Nhưng mình chọn cuốn sách này để giới thiệu vì điểm độc đáo của cuốn sách là ở chỗ nó trình bày lại những bài giảng của các giáo sư tại trường viết văn Gotham Writers, trong những bài giảng có hầu như tất cả những gương mặt điển hình của văn học thế giới qua lăng kính trải nghiệm của chính họ. Nếu bạn mở lòng đồng hành cùng họ, những lời bình và gợi mở của họ sẽ hữu ích cho việc hình thành nhân vật và xây dựng câu chuyện của chính bạn. Và bạn sẽ biết thế nào là đích thực văn học mà không phải lo về vốn liếng học thuật của mình.
Cuốn sách trang bị những gì cần thiết để đầu tiên bạn có thể trở thành một người “thưởng” được văn chương tức là có năng lực thẩm định thực sự (mình phải dùng từ thực sự vì hiện nay mình thấy hầu hết người đọc chúng ta có vấn đề về thẩm định tác phẩm) và sau đó là trở thành một người sáng tác. Trọng tâm của cuốn sách là sáng tác văn chương đích thực, đây là một việc hết sức mệt nhọc và khổ sở (trong khi bạn không chắc nó có mang lại cho bạn mẩu bánh mì nào hay là không?) nên bạn có thể không lựa chọn đi bước thứ hai. Dẫu vậy, bạn vẫn sẽ là người đọc sành sỏi với những công cụ để thẩm định tác phẩm, điều đó chẳng phải rất thú vị sao? Hơn nữa, bạn có thể làm một người kể chuyện của công chúng nghĩa là bạn vẫn viết lách và có khả năng kiếm tiền bằng viết lách mà không cần phải bước vào ngôi đền của văn chương nếu bạn thấy mình không cần hoặc không gánh nổi chiếc vương miện của văn chương ấy.

1. Văn học hay không phải là văn học?
Như mình đã nói, cuốn sách sẽ cho bạn một định nghĩa giản dị và dễ ứng dụng nhất của văn học. Ngay lập tức bạn sẽ biết một sáng tác bất kỳ nào đó có được xếp là tác phẩm văn học hay không. Mình đã tự phân loại cho 2 truyện dài đầu tiên mà mình viết và mình xác định khi ấy mình chỉ là Người Kể Chuyện Rong. Theo mình quan sát, hiện nay không chỉ người đọc mà ngay cả những người cầm bút cũng không phân biệt được đâu là văn học, đâu không phải là văn học? Mình tin rằng nhiều người đang nhầm lẫn, và sự nhầm lẫn của họ là do họ không biết, do họ chưa được trang bị đầy đủ trước khi dấn thân vào con đường viết lách. Nếu họ biết, nếu họ hiểu ra có thể họ sẽ thay đổi và chúng ta sẽ có những Nhà Văn thay vì người kể chuyện. Dĩ nhiên, cũng có những người biết và cố tình đánh tráo các giá trị (mình chưa muốn đề cập đến họ.) Không phải mọi thứ được gắn với mác là truyện ngắn hay tiểu thuyết thì đều được xem là văn học. Danh từ chung cho chúng là FICTION tức là HƯ CẤU. Giữa những sáng tác Hư cấu, chúng ta sẽ chắt lọc lại đâu là đích thực văn chương. Đơn sơ nhất, chúng ta có thể chia sáng tác hư cấu làm 2 nhóm chính:
- Literary fiction: Sáng tác văn chương được xem là “art” nghệ thuật. Đây là kết quả lao động sáng tạo rất khổ sở của nhà văn, thông điệp của tác phẩm được dâng lên từ những vỉa tầng rất sâu trong tâm hồn tác giả. Ở đây giá trị tư tương và giá trị nghệ thuật cộng hưởng để làm nên tác phẩm.
- Genre fiction: tác phẩm hư cấu theo thể loại ví dụ như khoa học viễn tưởng, lãng mạn, kinh dị, thiếu nhi… Những sáng tác này thường đơn sơ trong tư tưởng vì mục đích của người tạo ra chúng đơn giản chỉ là Giải Trí “Entertainment”!
Ở đây chúng ta sẽ có thêm mainstream fiction dùng để chỉ những tác phẩm văn học thu hút được sự quan tâm của công chúng và có số lượng độc giả lớn như The Great Gatsby. Để có được sự bùng nổ này thật khó vì nó là kết tinh của chất lượng tác phẩm và xu hướng thời đại. Số phận của tác phẩm dòng “art” thường rất lận đận trong thời gian đầu thậm chí là suốt cả cuộc đời tác giả có thể không kiếm được đồng nào từ sáng tác của mình. Trong khi “genre fiction” lại dễ bán bản thảo và có được hợp đồng với các NXB hơn. Nếu bạn muốn chóng có hợp đồng với NXB hãy đầu tư cho 1 thể loại nào đó đang ăn khách. Mình biết một cách để nhận biết “hot” trend. Đơn giản là bạn thử xem google trend hoặc xem trend trong Youtube đều có thể ra đề tài cho bạn đầu tư.
Đến đây, có lẽ bạn đã phần nào hình dung ra bức tranh của FICTION (Sáng tác hư cấu) rồi nhỉ? Bước vào sách mọi thứ sẽ còn sống động hơn nhiều.
Chỉ khi bạn thực sự hiểu văn học là gì bạn mới có thể tạo ra tác phẩm văn học. Mình tin là như vậy. Để có một sự nghiệp văn chương nghiêm túc thì không thể nào chỉ nhờ vào may – rủi được. Bằng cách này hay cách khác, những nhà văn đích thực luôn học, học và học. Khi nào họ ngừng học khi ấy có lẽ họ đặt dấu chấm cho sự nghiệp của chính mình.

2. Nên xây dựng thái độ thế nào giữa những người cầm bút?
Khi mình bắt đầu xây dựng một thế giới sống động cho văn chương mình bắt gặp ngay câu hỏi: Mình cần có thái độ thế nào với thế giới xung quanh mình?
Cuốn sách đã giúp mình cân bằng cảm xúc và lí trí, và giờ đây mình có thể tự tin nói rằng mình đã xây dựng được cho mình một thái độ bình thản và ôn hòa với nghiệp văn bút và với tất cả những tác phẩm mình đọc. Đây là những gì mình có thể làm được (qua sự trợ giúp đắc lực của Gotham Writers).
- Thái độ với tác phẩm: Biết phân biệt, đánh giá tác phẩm và biết vị trí của nó trong thế giới của chữ nghĩa. Điều này là quan trọng nhất. Nếu bạn không biết thẩm định thì những thứ tiếp theo chẳng có ý nghĩa gì nữa. Những gì mình viết ra hay những gì mình đọc, mình đều chia ra: Văn học, không phải văn học. Nếu chỉ là 1 tác phẩm để giải trí thì thái độ của mình đương nhiên chỉ là Giải trí. Nếu là tác phẩm văn học mình sẽ phân tích kỹ hơn về các tuyến nhân vật: chính, thứ, phụ; về giá trị của nội dung tư tưởng, về trường phái và phương tiện nghệ thuật, về đối thoại của nhân vật… Nói chúng là phân tích tất cả để xem thử tác giả thành công đến đâu với tác phẩm ấy. Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn một biểu mẫu để qua đó bạn có thể thẩm định được tác phẩm văn học.
- Thái độ với những người cầm bút khác: Sự phân định về tác phẩm sẽ dẫn đến sự phân định về tác giả của chúng. Dĩ nhiên mình sẽ phân định đâu là người kể chuyện, đâu là nhà văn. Thậm chí cùng một người thì khi nào họ là người kể chuyện, khi nào họ là nhà văn. Bạn phải hiểu rằng chúng ta không đứng yên một chỗ, chúng ta luôn thay đổi. Vậy thì, lúc này mình là người kể chuyện, lúc khác mình sáng tạo như 1 nhà văn là điều dễ hiểu. Cũng như thế, không ai thất bại mãi và không thành công nào là vững bền vô hạn. Chúng ta có thể thất bại khi mới cầm bút nhưng lại thành công khi đã đi cuối chặng đường hay ngược lại. Tất cả điều có thể xảy ra và dễ hiểu, đúng không nào?
Vậy nên, nếu mình là tác giả hãy sẵn sàng chấp nhận mọi thứ. Và nếu mình là độc giả, hãy tỉnh táo phân định mọi thứ.
Mình nhận thấy rằng sự kì thị giữa những người cầm bút là rất lớn. Người làm được thơ thì chê văn, người chỉ biết viết văn thì chê thơ. Người làm thơ bác học thì chê thơ bình dân nghèo nàn nhạt nhẽo, người viết thơ bình dân lại chê thơ bác học là đọc cho ma nó nghe, về nhà mà tự kỉ vì thơ thế thì ai mà hiểu… Theo mình chỉ vì chúng ta chưa mở rộng lòng và chưa có được cái nhìn toàn diện nên dẫn đến kì thị nhau. Ở đâu và thời đại nào cũng vậy, mỗi tác giả cũng như mỗi tác phẩm là một mảnh ghép của bức tranh toàn cảnh văn chương. Sẽ thật đẹp nếu mọi thứ ở đúng vị trí của nó và sẽ hỗn độn nếu chúng ta xếp chúng vào sai chỗ.
Cũng như thế, nếu mình theo đuổi văn chương đích thực mình sẽ không kì thị những người theo đuổi doanh số bán sách và viết sách nhằm mục đích giải trí. Ngược lại, nếu mình là người có sách thuộc vào hàng “best seller” mình sẽ cố hiểu vì sao sách mình bán chạy và không rủa những nhà văn chân chính là viết không chó nào mua, sách không được xuất bản thì cấm mở mồm… Mình sẽ không bỉ bôi, không kì thị. Mình thấy con người dễ rơi vào mặc cảm và nổi máu ghen khi ai đó có những thứ mà bản thân không có được. Vậy thì phải suốt đời sống trong hậm hực và mình tự cản trở sự nghiệp của chính mình. Thái độ của mình là nếu theo đuổi văn chương đích thực, mình vẫn trân trọng các đầu sách bán chạy dù chúng phi văn học. Vâng, chúng có đất riêng của chúng và không thuộc văn học. Mình sẽ cố gắng tìm hiểu lí do vì sao sách bán chạy để học hỏi. Mình sẽ xác định rõ con đường mình chọn sẽ rất cô đơn nhưng có thể dẫn đến vinh quang cao nhất của người cầm bút là tác phẩm có sức sống đến đời sau, sau nữa… Muốn đội được vương miện lên đầu thì trước tiên bạn phải chịu được sức nặng của nó. Điều đó là dĩ nhiên rồi, đúng không nào? Vậy thì bạn phải sẵn sàng mà vác thập giá của chính mình đi thôi.
Ngược lại, nếu theo đuổi nghiệp viết lách giải trí bán sách, mình sẽ chăm chú lắng nghe tiếng nói của các nhà văn chân chính để tác phẩm dù đặc thù theo thể loại nào cũng sẽ có bóng dáng của giá trị nhân văn và cải thiện dần để nghiệp cầm bút mỗi ngày sẽ bớt “nhạt” mà thêm nhiều chất muối cho đời.
Đây chính xác là những gì cuốn sách khuyên bạn nên làm.

3. “Show” not “tell”
Đây là câu khẩu quyết được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Bạn phải làm sao cho nhân vật của bạn diễn, thực sự là diễn và sống qua lời của bạn chứ không phải bạn diễn thay nhân vật. Mình đọc nhiều truyện ở Việt Nam ta thì hầu như tác giả kể chứ chẳng thấy đất cho nhân vật diễn. Một nhân vật đang đau khổ, thay vì bạn để nhân vật ấy diễn vai đau khổ của mình thì đằng này bạn lại nói trước và nói hộ tất cả kiểu cô ABC rất đau khổ. Cô nghĩ về chồng, thằng chồng cũng abc, xyz mà chẳng thấy thằng chồng ấy hành động tức là “diễn”. Nhân vật của bạn khi ấy là một con rối chỉ sống trong lời kể của bạn, bạn cho buồn thì buồn cho vui thì vui chứ chẳng phải là một bản thể sinh động có tự do và được hành động. (Dĩ nhiên, tất cả đều qua dàn dựng và ngôn từ của tác giả, nhưng bạn là Đấng sáng tạo ra chúng bạn có cần phải nhảy dựng ra giữa sân khâu để la lên “Ta là đạo diễn, ta tạo ra tất cả” không?)
Nếu bạn đọc những tác phẩm được nhắc đến trong sách bạn sẽ thấy thế nào là diễn và cách họ cho nhân vật “diễn” tuyệt ra làm sao. Một điều nữa bạn cũng sẽ rút ra được, chính là với những tác phẩm thành công ấy, bạn không thể chỉ đọc sơ sài 1 lần mà thấu hiểu và đánh giá được cái tài tình của tác giả. Nó cầm chân bạn và buộc bạn phải đọc lại lần thứ 2 thậm chí thứ 3, thứ 4. And yes, that’s it. Đó là văn học.
Vài lời chia sẻ sơ sài mong sẽ có nhiều người tìm đọc. Bạn mua bản điện từ trên Amazon, dùng phần mềm Kindle để đọc thì sẽ có hỗ trợ định nghĩa những từ khó. Định nghĩa cũng bằng tiếng Anh nhưng họ dùng những từ dễ hiểu hơn để định nghĩa, mình nghĩ là sẽ ổn nếu bạn xác định đọc sách và học Tiếng Anh luôn. Mình đã liên hệ với trường và họ bảo rằng mình có thể dịch cho bạn thân hoặc chồng mình thôi chứ nếu dịch để nhiều người đọc hơn thì phải có chấp thuận của bộ phận hợp tác quốc tế, vậy nên dù thích nhưng không thể dịch những trang thú vị mời mọi người đọc được.
Cảm ơn và trân trọng nếu bạn đã đọc đến dòng cuối này.
Hôm nay là sinh nhật của mình, mình muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa và mình nghĩ trong giới hạn của mình thì chia sẻ điều tuyệt vời này là ý tưởng không tồi chút nào.
Thân ái
Lệ Hằng, 01/05/2020





Giới thiệu sách: CREATIVE WRITING Giới thiệu sách: CREATIVE WRITING Reviewed by Lê Sính on 2:20 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.