Cung đường mùa xuân
CÓ MỘT
CUNG ĐƯỜNG VỀ VỚI MÙA XUÂN
(Lệ Hằng)
***
Cảm ơn Ngài đã dắt con qua một cung đường đẹp không thể nào ngờ!
1. Những
mảnh ghép kí ức…
Tháng 3/2019, trong một tối trời chuyển oi chớm hạ, tôi cùng chồng ngồi
tán gẫu về những đứa học trò của chúng tôi, chúng thật phiền phức thật khó chiều
và cũng thật đáng yêu. Chuyện từ “muôn thuở” của chúng tôi đã có thể trôi qua
như tất cả những buổi chuyện phiếm khác nếu chồng tôi không nhắc nhớ rằng: “anh
ngày xưa còn phá hơn thế!” Cái ngày xưa ấy của anh là ba mươi năm về trước, khi
anh là cậu bé “ngu lâu dốt bền khó đào tạo” đã học qua mẫu giáo mà không được
vào lớp Một khiến mẹ phải xin vào Trường Sơ học. Trường Sơ là tên anh dùng để gọi
lớp học từ thiện xóa mù chữ cho trẻ em tại nhà thờ Giáo xứ Hòa Đa[1]. Tôi
cũng xem đó là một Ngôi Trường thực sự vì từ phòng học nhỏ ấy chẳng những anh
được học chữ để bắt đầu cho con đường chinh phục tri thức sau này mà anh còn được
học để làm một người bác ái. Những thứ được gắn liền với hai chữ “đầu tiên” luôn
là những kỉ niệm khó quên. Chồng tôi đã rời khỏi vòng tay yêu thương của các sơ
ba chục năm nhưng ký ức lúc nào cũng sống cùng những buổi sáng trong veo ấy…
Ký ức nối tiếp ký ức, ký ức khơi gợi ký ức. Tôi cũng ôm trong lòng mình
một khối ký ức đẹp tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế (đường Nguyễn Huệ, tp. Huế), bỗng
chốc kỉ niệm ùa về như nước trên nguồn đổ xuống. Năm ấy, tôi học lớp 10 tại trường
THPT Quốc Học (Huế), một chiều đông sau khi học xong tại phòng tự học[2], tôi
tha thẩn trong sân nhà thờ xem mọi người trang trí Giáng Sinh. Rón rén, tôi lại
gần Thánh đường hỏi một chú đang ở gần đó.
- Chú ơi, trong ba người ni ai là Chúa rứa chú?
Tôi chỉ tay về hướng chiếc máng cỏ đang được bắt đèn chớp nháy, rụt rè trước
ba bức tượng: một người đàn ông, một người phụ nữ và một hài nhi, trông “họ” thật
thánh thiện và lạ lẫm. Thật may, chú nhiệt tình trả lời câu hỏi của tôi. Đấy là
cả một câu chuyện dài, chung quy lại tôi biết hài nhi ấy chính là Chúa Giê-su.
Và chú ấy chính là linh mục Giu-se Nguyễn Quốc Việt mà sau này tôi luôn
gọi là cha Việt. Thỉnh thoảng tôi được đến thăm cha tại nhà thờ. Cha giảng cho
tôi nghe về Đạo nhưng lúc ấy đầu óc tôi còn “mít đặc” nên không hiểu gì cả, cụ
thể tôi không biết Chúa từ đâu đến và đến để làm gì nhưng tôi tin bằng một niềm
tin đủ vững chắc để lưu giữ tất cả những điều này trong trái tim và tâm trí tôi
cho đến mãi sau này rằng: “Chúa ở cùng và ở trong chúng ta, chỉ cần trong
tim còn tình yêu và bác ái thì khi ấy sẽ còn Chúa.” và “Thiên Chúa là
tình yêu…”
Trong tâm hồn đơn sơ của tôi, Chúa là điều gì đó thật tốt đẹp. Chỉ vậy
thôi!
2. Và
những bất ngờ khó tả…
Khi ký ức sống dậy, lòng tôi lại dào dạt nhớ đến những ngày được lui tới
nhà thờ Dòng. Ở đấy không chỉ có cha Việt – người tôi tin kính - mà còn có Vân
– người bạn thân ở tu tại tu viện sát bên nhà thờ Dòng. Hình ảnh nhà thờ Dòng với
tiếng chuông khua thức ban mai, tiếng chuông vỗ về chiều muộn, góc phòng tự học,
tượng Đức Mẹ Maria trong sân, Thánh đường với những giờ kinh cầu hay những bản
thánh ca… vang lên. Tôi viết Mình Không Có Chúa, truyện ngắn đầu tiên trong sự
nghiệp cầm bút với vỏn vẹn 2500 từ nhưng gói trong đó cả một niềm khắc khoải rằng
liệu mình có Chúa hay không?
Lúc này, sau vài biến cố của cuộc đời, tôi đã nhận ra rằng con người có
thể lập trình cả một hệ điều hành phức tạp cho máy móc nhưng không thể lập
trình cho mình dù chỉ một ngày. Cái khao khát được ngước lên tìm kiếm một Đấng
tối cao trên mình đã dần lớn lên trong lòng chúng tôi, vì nếu không có Đấng ấy
chúng tôi cô đơn vô cùng khi không có dự phóng nào cho ngày sau. “Hạt bụi
nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”[3] Từ cát bụi ta trở
về cát bụi, tất cả những gì ta cố gắng có được hôm nay chỉ để tan vào cát bụi
hư vô? Hay còn gì sau đó nữa? Câu hỏi như một sự sống còn đối với chúng tôi, đặc
biệt là khi người thầy mà chúng tôi chỉ mới gặp một lần – thầy Paul Nguyễn
Hoàng Đức – hỏi rằng: “Các em có Đức tin không? Dự phóng cho cuộc đời là gì...”
Chồng tôi gửi truyện ngắn Mình Không Có Chúa đến BTC cuộc thi Sáng Tác
Cho Tuổi Thơ[4]. Thật không ngờ truyện ngắn
của tôi đã đi đến vòng cuối cùng của cuộc thi và được trao Giải nhì Văn xuôi.
Khi được mời đến Quy Nhơn nhận giải, tôi đã nghĩ ngay đến việc chia sẻ lý do
tôi viết Mình Không Có Chúa như một lời cảm ơn gửi đến cha Việt dù tôi nghĩ có
thể cha không biết điều này. Đã gần mười lăm năm tôi không gặp cha. Kì diệu
thay, tôi chia sẻ với người chẳng những biết cha Việt mà còn đọc ngay số điện
thoại của cha Việt để tôi liên lạc.
Ngày 18/10/2019 cha Việt đã ghé thăm chúng tôi tại Đà Nẵng. Và giờ tôi tự
tin nói với cha rằng tôi đã dần hiểu ra những gì mà cha cố gắng giảng cho tôi mười
lăm năm trước…
***
Con sao có thể lập trình hay dự đoán được đường đời mênh mông sẽ dẫn con
về đâu? Nhưng với tất cả lòng tin kính con biết rằng dưới ánh sáng của Ngài, sau
tất cả, một mùa xuân sẽ đón đợi con ở nơi mà chắc chắn đôi mắt hạn hẹp của con
lúc này không ngờ đến được.
Lệ Hằng
Đà Nẵng
26/10/2019
[1] Nhà thờ Giáo xứ Hòa Đa thuộc làng
Hòa Đa Đông (nay là thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế)
[2] Nhà thờ Dòng có 2 phòng học mở cửa tự
do cho học sinh, sinh viên
[3] Lời bài hát Cát bụi của nhạc sỹ Trịnh
Công Sơn
Cung đường mùa xuân
Reviewed by Lê Hằng
on
11:17 PM
Rating:

No comments: