Kho Báu (9) - Lệ Hằng


ĐẠI HỒNG THỦY
1999
***

KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(9)
*****

Bác Cả lên đường đi tái khám. Nhỏ đứng trên hiên nhìn theo chiếc xe với tia mắt long lanh hi vọng.
Trong nhà, Gấm đang xếp hạc. Tộp Anh đang xếp. Tèo KiBo đang xếp. Rin Calam đang xếp. Ni Điệu đang xếp. Xíu Xike đang xếp… Chúng phải xếp, xếp thật nhiều trước khi hoàng hôn xuống. Ngày mai sẽ không còn được chơi trò này nữa, chúng làm tất cả cho hôm nay. Thời khắc bác Cả chờ nghe quyết định của bác sĩ trong bệnh viện là thời khắc chúng chạy băng từ nhà này sang nhà khác chuyền hạc. Rin Calam tạt vào nhà Rô Thúi, Rô Thúi sang Tèo KiBo, Tèo KiBo ghé Tộp Anh, Tộp Anh băng nương chạy thẳng vào nhà ông Trưởng. Những con hạc điều ước trong tay nhấp nhổm theo từng bước chạy, chúng như sắp sửa vỗ cánh bay về miền cổ tích.
Hai tiếng sau, chính Nhỏ chạy sang nhà Tộp Anh, Tộp Anh chạy ngược tìm Tèo KiBo, Tèo KiBo lại tìm Rô Thúi… cứ thế cứ thế chúng rỉ tai nhau truyền đi một tin mà chúng đã chắc như đinh đóng cột từ trước: ba con Nhỏ không phải đi Hà Nội!
Tiếng nói thì thầm, mắt cười hoan ca. Bản hoan ca rộn rã được tấu lên như có đàn, có trống, có kèn loa và có có giọng hát trong ngần vọng vút lên cao. Bản hòa ca của những tâm hồn bé bỏng.
***
- Mấy giờ rồi mi?
Tộp Anh cốc đầu Xíu Xike chỉ tay lên chiếc đồng hồ treo tường to như cái khay nước.
- Ngu ghê mi. Đồng hồ đó, không biết đường mà coi à mi?
- Tụi hắn dặn mấy giờ? Ba rưỡi à? – Xíu Xike nhìn cái kim phút nặng nhọc nhích từng bước nhỏ đến não cả ruột. – Mà chừ được ba giờ chưa mi?
- Ba giờ năm rồi đó ôn nội ơi. Mà mi không biết coi thiệt à? – Tộp Anh nhìn mặt Xíu kiểm tra. Tưởng giỡn mà té ra ngu thiệt. Nó thở dài giảng giải. – Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút. Kim dài chỉ từ số 1 đến số 6 là giờ hơn, từ số 7 đến số 11 là giờ kém, biết chưa?
- Biết sơ sơ. Mà lỡ như hắn nằm giữa số 6 và số 7 thì là hơn hay kém?
- Biết sơ sơ rứa được rồi. Tau nói cho rát họng chưa chắc mai mi đã nhớ. Tau qua kêu thằng Tèo đây.
Tộp Anh nói chưa xong câu đã đứng dậy đi thẳng, Xíu Xike ngồi chưng hửng nhìn chiếc đồng hồ. Lát sau, Tộp Anh, Tèo KiBo cùng mấy đứa nữa xông xáo đi vào ngõ nhà bác Lớn. Đúng ba giờ ba mươi chúng hành quân sang nương nhà ông Trưởng. Chiều không có mưa nhưng những hạt nước đọng trên lá của trận mưa ban sáng rỏ trên đầu chúng tan vào trong tóc. Tộp Anh xách cái cuốc tượng nhỏ nhất của bác Lớn đi đằng trước dẫn đường.
Bốn giờ kém mười lăm Nhỏ và Gấm xuất hiện. Mọi ánh nhìn đổ vào cái bao cát trong tay Gấm. Hũ điều ước có chiếc nơ Gấm tự thắt bằng vải hồng xin của chú Cưng thợ may rung nhẹ trong gió. Một ngàn hay hai ngàn con hạc giấy hay nhiều hơn thế nữa chúng không tưởng tượng ra được. Từng chồng hạc bẹp dí đè lên nhau đầy lên quá miệng. Những con mắt thích thú, những cái miệng xuýt xoa, những cái tay khẽ khàng vuốt nhẹ lên hũ thủy tinh. Chúng đang nâng niu một phép màu.
Sau khi xem xét địa hình kỹ lưỡng, Tộp Anh giáng nhát cuốc đầu tiên. Hũ thủy tinh khá cao, từng đứa thay phiên nhau cuốc, lát sau một cái hố ưng ý lồ lộ ra trước mắt. Tay đứa nào, mặt đứa nào cũng nhem nhuốc bùn và đất. Chúng khẽ khàng đặt hũ điều ước xuống, lấp đất lại chôn kho báu. Đó là kho báu chung đầu tiên của chúng. Có kho báu chỉ riêng của một người nhưng cũng có kho báu là chung của nhiều người và phải nhiều người chung tay lại mới thành kho báu được. Ví như Nhỏ chỉ có một mình thì hạc hóa gà què cả rồi.
***
Hôm nay nhà ông Trưởng dậy sớm, từ năm giờ sáng cả nhà đã lục đục leng keng khắp nhà trên, nhà dưới và trong từ đường. Bác Cả dùng chổi lông gà phủi bụi trên bát nhang. Bác đã tự mình ra khỏi giường và đi lại được hơn tuần nay. Những bước đi đầu tiên xiêu vẹo bỡ ngỡ như con nít lên ba dần dà được thay bằng những bước chắc và vững hơn.
Bên ngoài, mưa ồ ạt như thác. Những dòng thác bạc đổ thẳng từ trên trời xuống át cả tiếng leng keng trong nhà họ. Nhỏ và Gấm leo lên xe máy chú Thứ chở đến trường, chúng thích thú nhìn những bông nước mưa nhảy múa trên đám ruộng hai bên đường lòng háo hức nghĩ về cái rớ con to bằng hai cái mủng cùng mớ cá mại, cá rô béo lẳn mượt mà. Chúng đã thủ sẵn miếng vải mùng làm rớ cho mùa mưa năm nay.
“Tùng! Tùng! Tùng...”
Cả ngôi trường ngơ ngác. Giáo viên hốt hoảng đi về phòng hội đồng, học trò sung sướng đút sách vở vào cặp, cứ nghe trống ra về là mặt mày đứa nào đứa nấy tỉnh queo.
Nghỉ lụt! Nước đâu ra mà lên nhanh quá bạc cả sân trường. Thầy hiệu trưởng hết nhìn con nước lại nghe điện thoại chỉ đạo. Người lớn đến đón trẻ con ngày một đông trên các dãy lớp, nhốn nháo như chợ vỡ. Nhỏ lững đững đứng ở cầu thang chờ Tộp Anh từ lầu trên đi xuống để cùng về. Nó nhìn đoạn đường về nhà bạc trắng trong mưa co ro sợ hãi.
Luồn cặp sách gói trong chiếc áo mưa, Nhỏ quàng tay qua cổ Tộp Anh hít hà nhăn nhó, cái mẻ chai cắm vào chân sâu quá khiến bàn chân nó buốt nhói từng cơn. Tộp Anh không chỉ nhăn nhó mà nó còn cau có vì phải cõng cục nợ nặng trịch trên lưng. Đôi giày hồng của Nhỏ vẫn đang nguyên xi và đong đưa trước ngực Tộp Anh làm Tộp Anh thêm bực, chỉ vì bảo vệ chúng mà Nhỏ đi chân trần cho ra nông nổi này. Đằng trước, thấp thoáng xa xa dáng người rất quen mặc cái áo mưa cụt ngang bẹn đang tiến về phía chúng.
- Ôn đi mô rứa? – Chúng gọi choang khi nhận ra ông Tý.
Giờ này người ta đang đổ xô lên cồn ông Cải sát bên hông nhà ông để chạy lụt thì ông lại lội xuống chỗ thấp. Ông Tý ân cần xoa quả đầu sũng nước mưa của Tộp Anh rồi bì bõm lội tiếp, tấm lưng còm liêu xiêu trên nước. Sau lưng Tộp Anh là quãng đường trũng lấp lửng một bên ruộng sâu một bên rào lớn và một tập đoàn đoàn con nít đang chới với. Nếu không nhờ vía của một đứa “con ông trời, cháu ông đất” lì lợm như Tộp Anh thì giờ này Nhỏ cũng rúm ró sợ hãi mắc kẹt trong dòng nước chờ ông Tý chìa lưng ra y mấy đứa kia rồi. Dù hai khớp chân mùa này thường nhức ê ẩm nhưng ông Tý bơi giỏi lại quen việc lội sông lội suối nên con nước này chưa làm khó ông được. Tiếng con nít khóc ré lên trên lưng ông nhưng ông Tý vẫn lội đi. Thỉnh thoảng có đứa vùng vằng làm ông sém rớt xuống ruộng. Dù bài vè “Ông Tý tửng tửng…” đã tắt lịm bấy nay nhưng chúng vẫn sợ ông già rách rưới ấy hoặc là chúng được người lớn bảo phải tránh xa ông.
***
- Lụt ri thì có làm giỗ mệ nội nữa không, ba?
Đó là câu đầu tiên Nhỏ phát ra khi vừa đặt mông trên chiếc giường ấm áp. Bác Cả không trả lời. Nhỏ tiu nghỉu, nhìn nước láng hết sân trước vườn sau nó đoán được câu trả lời nhưng vẫn hỏi vì nó đói và lạnh quá. Lúc sáng nó háo hức học xong về là có xôi thịt ăn trơn miệng nên chỉ ăn qua loa lưng một bát cơm. Dòng nước bạc bắt đầu tràn qua hiên đi vào nhà. Hờn dỗi và cau có con nước le liếm nuốt chửng mọi ngóc ngách.
Rồi nước lên ồ ạt như ai đuổi. Ông Trưởng nhìn con nước đang cuồng nộ lòng lạnh như băng. Đây là con nước mà nhiều năm trước ông đã thấy, con nước sẵn sàng cuốn phăng tất cả trong cơn giận thế kỉ của nó. Ông nhìn bác Cả, nhắc đi nhắc lại: Nước bạc lạnh thấm tận xương tủy, không được thò chân xuống! Bác Cả ngồi im, bác thấy mình vẹn nguyên là thằng nhóc hồi năm, bảy tuổi. “Éc… éc…” tiếng bầy heo bất ngờ kéo bác ra khỏi nơi gọi là “thơ ấu”. Bác nhìn ra vườn, dáng đi nghiêng ngả của người phụ nữ nhỏ thó thấp thoáng trong chuồng heo. Bác rùng mình, mồ hồi vã ra. Bao nhiêu xương xẩu, hốc hác, não nề, ẩn ức, bất lực hằn lên nét mặt và tụ lại nơi hốc mắt. Bao lâu rồi trời mới lại làm trận Đại Hồng Thủy thế này? Hai mắt bác mờ đục dần, bác cất tiếng gọi:
- Bây, vô! Kệ cha hắn đừng lội nữa…
Nhưng tiếng gọi của bác không vượt qua được tiếng thét của cao xanh. Tiếng thét đang dội ầm ầm như khua chiêng múa trống trên mái nhà, trên giàn bầu, trên mái lợp chuồng heo và trên bể nước lai láng đến cuối tầm mắt. Tiếng gọi lẩn quất trong nhà vang đến tai ông Trưởng. Ông vịn tường ra nhà sau dữ dằn quát:
- Vô! Nghe tau nói không? Vứt hết, bước vô!
Sức đã đuối lại nghe tiếng “vứt hết” dội vào tai, bác gái thả lỏng người ẵm con heo con đi vào, quyết không ra lại nữa.
- Ngó ri là đại thủy rồi, chạy trời không khỏi nắng. Bây làm răng chống lại ôn được mà bây cố cho cực. – Ông Trưởng hạ giọng khi bác gái đã vào trong nhà. – Còn người là còn của, bây lo chi.
Nước đã lên quá giường, họ ngồi lặng thinh bên nhau chờ ghe qua chạy lụt. Mệt, lạnh và quá nhiều nỗi niềm trong cõi lòng chật hẹp khiến họ làm thinh. Khiến họ nhìn xa xôi. Khiến họ né cái nhìn của nhau. Nhưng cũng khiến họ hiểu thấu lòng nhau.
Chợt, dưới căn nhà đang chìm dần vào bể nước, tiếng con trẻ lanh lảnh vút lên.
- Biết ri chiều qua mình rải trấu quanh nhà thì chừ khỏe rồi, mi hỉ?[1]
***
Nắng như mật rót từ thăm thẳm, nắng ôm trọn góc sân Nhỏ đang ngồi phơi sách vở và bác Cả phơi kho báu của mình. Đó là những tờ giấy biết kể chuyện vui. Những tờ giấy lấp lánh vừa vớt lên từ bùn. Chẳng còn thấy rõ chữ nữa rồi nhưng bác thuật được rành rọt lịch sử của tờ giấy khen: cấp năm nào, phần thưởng là gì, nhận thưởng ở đâu…
- Ba nhớ hết rồi thì phơi làm chi nữa cho mệt. Rách te tua hết rồi, mà ba.
Bác Cả đứng lên ngồi xuống vẫn còn khó khăn và cái lưng chẳng biết bao giờ mới cúi gập như người bình thường được nên Nhỏ chỉ mong ba nó siêng nghỉ ngơi cho chóng lành. Nhưng bác ngồi yên không được, bác cứ thăn măn tập giấy khen của Nhỏ.
- Rách rồi bỏ đi ba. Năm ni con sẽ đem về cho ba ba tờ giấy khen mới.
Nắng tràn vào trong mắt cả hai cha con, nhuộm mắt họ bằng một màu sóng sánh. Trên đầu họ, nắng lúng liếng giỡn với cánh chuồn chuồn. Lũ chuồn chuồn tung những tấm vải voan thưa trên thân chúng ra kiêu sang hứng nắng. Nắng tạt ra vườn, đập mạnh vào lớp lá đang nằm sát mặt đất. Lớp lá bật dậy rũ bùn tươi rói bên những xác gà xác lợn chết queo quắt vướng vào gốc cây. Con mèo Mướp “mi nheo, mi nheo…” mừng chủ trở về. Nhỏ lại lướt mấy ngón tay trên bộ lông được dệt bằng nhung của con Mướp, các ngón tay lướt ngang những đường hoa văn như vẽ bằng mực tàu ấy.
- Anh Cả, chị Cả mô rồi? Ra nhận hàng nè.
Tiếng bác Lớn vang ồm ồm ngoài ngõ. Có cả tiếng con heo nái ụt ịt khịt mũi trên đất. Nghe thấy tiếng của “hàng quý”, bác gái đon đả chạy ra mừng mừng tủi tủi như gặp lại cố nhân. Đẩy con heo vào chuồng, bác quay lại quét dọn gian thờ. Đẩy được tạ bùn ra khỏi cửa, ông Trưởng liền thắp hương rồi hạ cái tráp bọc vải điều treo trong gian thờ kiểm tra tình hình hư hại. Nước không lên đến tráp nhưng ngôi nhà ngâm mấy ngày trong cái bể mênh mông ấy thứ gì cũng ẩm mốc và rệu rạo. Lớp vải điều đã ngả sang nâu vì mạng nhện và bụi thời gian, ông chẳng nhớ rõ bao nhiêu năm rồi ông mới lại mở nó ra.
“Ui chao! Cái tráp có hoa văn đẹp quá. Là kho báu chứ, kho báu của nội đây rồi.” Hai mắt nó thao tháo nhìn cái tráp, nó phải ghi vào óc thật chính xác tỉ mỉ để còn kể cho Gấm nghe. Ông Trưởng mở tráp lấy ra cuốn gia phả tổ tiên. Rất trang nghiêm, ông lật xem một lượt rồi gấp lại. Tiếp đến, một tờ giấy vở học sinh được kéo ra. Trông nét chữ quen quá.
- A! chữ của ba!
Nhỏ reo lên sung sướng. Bài tập làm văn có bốn chữ “Văn hay – Chữ tốt” đỏ chói trong ô lời phê ấy như bật ra khỏi trang giấy để nhảy múa ăn mừng. Ba của nó văn hay chữ đẹp vậy mà xưa nay chưa ai kể cho nó nghe. Thật bất ngờ và linh thiêng, ba nó cũng từng là học trò, cũng có thầy cô, cũng làm tập làm văn và cũng được khen như nó.
- Ba con học giỏi, phải không nội?
Nhỏ hỏi để được nghe lời khẳng định sau chót.
- Văn hay nhất nhì lớp lận.
Ông Trưởng không giấu được nét tự hào trên khóe môi nhưng rồi mắt ông chợt tối lại, như có lớp ghèn vừa phủ lên tia mắt lung linh ấy, ông đưa tay dụi mắt nhìn xa xăm.
- Không đụng chuyện thì đâu đến nỗi…
Nhỏ không nhìn thấy ánh mắt của ông Trưởng cũng không nghe rõ ông nói gì. Nó đang mải đọc bài tập làm văn. Không kìm được vui sướng, nó chạy ra chỗ bác Cả bỏ rơi cái nhìn thẳm xa buồn vời vợi của ông Trưởng.
- Ba, ba viết văn hay lắm luôn đó ba.
- Đem vô cất! – Bác cả quát.
Tiếng quát của bác hôm nay không chỉ như mọi khi, vang như sấm truyền mà còn rền rĩ một nỗi uẩn ức vọng từ khoảng tối đen đặc nào đó lại. Nhỏ run rẩy. Nó chưa bao giờ thấy tia mắt nào lạnh lùng khô khốc đến thế, mà lại là từ ba nó. Hai chân nó cầm cập chưa bước được bước nào thì bác Cả đã đi ra sau nhà. Giọt nước mắt sợ hãi của nó rớt vội trên bài tập làm văn. Nó áp tờ giấy vào áo cho khô rồi vào gian thờ cất lại chỗ cũ. Ông Trưởng nhìn đứa cháu tội nghiệp, ân cần:
- Đừng có hỏi ba bây chi nữa hết, nghe.
Lòng ông lại nặng như chì. “Hai mươi lăm năm rồi chứ ít chi. Không biết tới khi mô thằng Cả mới tự tha thứ cho mình được đây!”
***



[1] Ám chỉ “Sự tích hồ Ba Bể”







Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.





Kho Báu (9) - Lệ Hằng Kho Báu (9) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 12:00 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.