Kho Báu (8) - Lệ Hằng
NHỮNG CON HẠC GIẤY
***
KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(7)
*****
Hôm nay bác Cả về nhà.
Nhỏ nằng nặc xin ông Trưởng cho ở nhà chờ ba nhưng ông nhất quyết bắt nó vác cặp
đi học. Tan trường, nó phóng như tên bay trên đường, mặc kệ những vũng nước mưa
và bùn theo gót chân vấy lên đầu, lên áo. Hơn một tháng đằng đẵng nó chẳng biết
ba mình đã lành lặn đến đâu rồi. Bác Cả đang nằm ngủ, vây tròn quanh giường là
ông Trưởng, bác Cả gái, chú Thứ, thím Thứ, bác Lớn, ông Vệ cùng tờ phim chụp X
– quang cái lưng của bác Cả. Ai nấy mặt mày nghiêm túc, đăm chiêu. Nó không vào
trong mà thập thò nơi cửa nghe người lớn nói chuyện.
- Thất thế mà ráng sức
nhiều quá nên cột sống bị giãn mạnh. Nặng ghê chứ không phải giỡn.
- Bác sĩ nói cho về nhà,
ba tuần nữa lên chụp phim lại mà không có dấu hiệu hồi phục thì phải ra Hà Nội,
chắc là phải mổ…
Hai chân Nhỏ quíu lại,
nó vịn tay vào cửa cố đứng cho vững. Hà Nội! Thủ đô Hà Nội! Nó đã được học đã
được biết trong bài học ở trường. Hà Nội với nó xa đến cùng trời cuối đất chẳng
biết phải đi bao nhiêu ngày mới tới, vậy mà ba nó có thể phải đi Hà Nội. Ba nó
chỉ vừa mới về thôi mà… Hai mắt nó nhòa đi, hai tai nó ù đặc.
Bác Cả mở mắt ra đã thấy
Nhỏ ngồi trên giường. Bác nhìn đứa con gái gầy rạc đi cùng mớ tóc bờm xờm rối
thành cục mà ứa lệ. Nhưng bác vẫn không quên hỏi bài của nó. Nhỏ phải hì hục
xoay trở cả chục phút mới đỡ bác dậy để kiểm tra sách vở học hành của nó. Bác lật
từng trang, xem từng con điểm và đọc từng bài văn, đoạn văn nó tả. Không được
chỉn chu xuất sắc nhưng tất cả đều đạt điểm tốt, dù hoàn cảnh có ngặt nghèo thế
nào đi nữa thì đây vẫn là niềm an ủi động viên lớn nhất với bác.
Trời lại mưa lắc rắc, từng
hạt nhỏ gõ trên lá trầu bên cửa sổ chỗ bác Cả nằm. Bác Cả nhìn ra khu vườn lòng
hiu hiu như gió mùa đang thổi. Như rất nhiều ngày trước, bác lại nén tiếng thở
dài cầu mong mình không phải ra Hà Nội dù ngọn lửa hi vọng cứ ngày một lụi dần.
Hôm nay nữa là về nhà được ba hôm, cảm giác thoải mái khi được nhìn nương nhìn
vườn vẫn nguyên vẹn nhưng lòng thì ngày một nặng thêm. Con đường chạy chữa cho
cái lưng còn dài hun hút, không thể bỏ bê công việc mưu sinh nên bác Cả gái phải
tiếp tục chạy chợ. Nằm trên giường có gối kê cao đầu chăn đắp ấm ngực khiến bác
cứ mãi nghĩ đến cảnh mưa lạnh ngoài kia. Cái quán mơ ước để bác gái khỏi phải
phơi lưng giữa chợ giờ không biết sẽ hoãn đến ngày tháng nào!
Chợt nghe có tiếng dép
lẹt đẹt ở nhà dưới. Bác Cả nhíu mày, gọi to.
- Nhỏ! Mần chi chừ chưa
đi học?
Nhỏ kéo dép lên nhà
trên. Nó trốn trong bếp, tưởng bác Cả ngủ rồi nên tự tin đi ra. Nhỏ đến bên mép
giường. Nó không nói gì cả, hai mắt cụp xuống.
- Ba nói nghe không, đi
học!
Đấy không phải là lời
nói bình thường, đấy là mệnh lệnh. Nhỏ càng cúi gằm mặt hơn. Nó “dạ” nhưng hai
chân vẫn đứng yên.
- Đi mau!
Nhỏ lưỡng lự không dám
bước, cũng không dám cãi. Mấy giây sau nó lấy hết can đảm nói luôn một mạch:
- Ba cho con nghỉ học bữa,
ba hì. Con mượn vở chép bài cũng được mà, ba. – Trông ánh mắt giận dữ của bác Cả
nó sợ hãi nghẹn ngào đứt quãng. – Lỡ con đi học… ba ở nhà có chuyện chi thì…
răng?
- Chuyện chi là chuyện
chi? Ba ngủ một giấc là tới trưa chứ chuyện chi mà chuyện. Đi mau!
Nhỏ quay gót lại, nó lấy
cặp, thay đôi dép lê bằng đôi dép có quai sau rồi vùng chạy. Bác Cả dặn với
theo khi Nhỏ đã ra ngoài sân.
- Tới xin cô cho vô lớp
đàng hoàng, nghe chưa! – Bác rướn đầu dậy nhìn theo dáng Nhỏ, xót ruột xót gan
vì không kịp nhắc Nhỏ mặc áo mưa.
Chân không bén đất, Nhỏ
chạy như phi cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không tới trường. Nước mắt của nó cùng với
nước mưa đọng đầy trên mặt. Sáng nay nội có việc quan trọng trong nhà thờ họ
không thể vắng mặt được nên đã đi từ sớm, chỉ còn mình ba nó ở nhà lỡ có chuyện
gì thì sáo…
***
Tối nay, một tối cuối
thu yên ả, như nhiều buổi tối cuối thu trước đây, cả nhà quây quần cơm nước
xong thì mỗi người một việc. Ông Trưởng bầu bạn cùng chén trà đêm sau khi thắp
nhang trong từ đường. Nhỏ học bài. Bác Cả trai nằm trên giường nghe thời sự qua
ra-đi-ô. Bác Cả gái sửa soạn dưa hành mắm ruốc chuẩn bị cho buổi chợ sớm, lòng
bác lúc này chẳng thể nào yên ả như lòng đêm mà đang dậy sóng. Bên cạnh những
con sóng lo toan nhức nhối cho cái lưng của bác trai còn có những con sóng âm ỉ
ăn năn khó chịu vô cùng. Cảm giác ấy cứ lớn dần lớn dần, cho đến hôm nay thì ngột
ngạt. Nó đã nhen nhóm từ hôm bác không phải lo cơm nước cho Gấm nữa. Ông Trưởng
giả lơ không nói, bác Cả trai cũng không nói nhưng ai cũng biết vì mấy câu nói khó
nghe trong lúc cả giận mất khôn của bác mà thím Thứ gửi Gấm sang ngoại. Với
bác, Nhỏ đáng quý như ngọc như ngà thì với thím Thứ, Gấm cũng là trân châu bảo
bối vậy. Nếu có ai đó mắng Nhỏ xấu tính làm con họ “gần mực thì bị đen” bác
cũng sẽ nổi máu tự ái, từ mặt được là từ mặt luôn cho bõ ghét. Nghĩ tới nghĩ
lui một hồi, bác quyết định đẩy hũ ruốc vào trong chạn đứng dậy đội áo mưa sang
nhà thím Thứ.
- Chị đừng áy náy nữa.
Em cũng có nổi máu tự ái thiệt, giận quá mất khôn chị nờ. Em đẻ hắn ra em biết
tính hắn. Học thì nhác việc lục lác thì siêng, chắc là cha nào con nấy rồi đây.
– Thím Thứ lấy giọng vui vẻ thở dài dù biết chú Thứ cũng đang nghe hai người
nói chuyện. – Bữa chừ ở bên ngoại có ti vi hắn coi cả ngày không chịu học hành
chi hết. Toàn điểm kém em đang sợ kỳ ni đội sổ đây.
Chẳng biết thím có thật
nghĩ như vậy không hay thím chỉ nói để cho qua chuyện cũ nhưng bác Cả thấy lòng
nhẹ bẫng.
- Thiệt, em cũng định
qua chị đây. Hết tuần ni vợ chồng em phải theo công trình vô Quảng Nam cả tháng
lận. Chị cho em gửi con Gấm ở lại bên nhà với. Hắn mà lì quá thì chị cứ chửi cứ
đập hắn cho em, không phải cả nể chi tụi em hết, chị nghe.
Gấm mừng húm, bác Cả chưa
ra khỏi sân nó đã năn nỉ ngay ngày mai cho nó sang bác Cả ở lại cùng lời hứa mà
lúc nào nó cũng thuộc lòng: ngoan ngoãn vâng lời, chăm chỉ học hành. Riêng có
điều này nó thức thời thêm vào: siêng làm việc nhà, đỡ đần bác Cả. Những lời hứa
đầu tiên nó luôn nói như con rô-bốt được cài đặt sẵn và hiển nhiên là hứa lèo
nhưng điều nó vừa thêm vào thì nó nói chậm rãi chắc chắn và hứa thật làm thật.
***
Có thêm Gấm buổi chiều
trôi qua nhẹ nhàng hơn với Nhỏ rất nhiều. Chúng thổi cơm, bắt nước luộc rau,
đánh trứng đổ chả… Việc nấu ăn giờ đã thành trò chơi khám phá thú vị nên không
lê la rúc bụi rúc bờ chúng cũng không thấy chán. Mà chán làm sao được khi bên
lòng còn canh cánh nỗi lo cho cái lưng của bác Cả. Đêm nào, trước khi đi ngủ, Nhỏ
cũng lên gian thờ chắp tay cầu nguyện. Không có bật lửa để thắp nhang, nó đứng
nhìn bàn thờ tổ tiên khấn tới khấn lui duy nhất điều này: cho ba con đỡ đau khỏi
đi Hà Nội. Cây đèn dầu có sợi bấc được vặn rất thấp leo lét hắt cái bóng xơ xác
của nó in lên tường.
Nguyện thầm với tổ tiên
ơn trên xong, nó chui vào mùng nằm khóc. Hơn tuần nữa thôi là đến hẹn tái khám
mà ngày nào mặt ba nó cũng méo mó vì đau, cái lưng vẫn đơ chẳng thể nào tự nhấc
lên được. Gấm cầm tay Nhỏ nước mắt âm thầm giàn giụa. Chợt, Gấm lắc mạnh tay nó
rồi xoay sang nói thì thầm vào tai.
- Mi đừng khóc nữa. Tau
mới nghĩ ra cái ni hay lắm.
Nhỏ không ư không hử nước
mắt vẫn chảy đều đều.
- Tau coi trên phim nếu
mình xếp được một nghìn con hạc điều ước thì điều ước sẽ thành hiện thực đó mi.
Nhỏ nghe rõ nhưng không
hiểu Gấm đang nói gì, nó vẫn làm thinh lặng lẽ khóc.
- Mình xếp hạc điều ước
cho bác đi. Ước cho bác không đi Hà Nội, hỉ.
Nhỏ vùng dậy, nó hành động
bất thình lình quá làm Gấm giật mình.
- Rứa xếp chừ luôn hỉ?
Gấm không dám “ừ” vì nó
chưa biết xếp hạc giấy.
- Rứa mà mi cũng nói.
Không biết xếp thì nói làm chi. – Nhỏ thụng mặt ra giận dỗi.
- Từ từ, để tau coi ai
biết xếp tau nhờ họ bày. Chưa chi mi đã nói rứa. – Gấm cũng dỗi lại Nhỏ.
Đột nhiên, cả hai “à”
lên khoái chí. Những con hạc điều ước nhảy múa tong tong trước mắt chúng.
***
Người đàn ông già nua đội
chiếc mũ len nâu còn dấu răng chuột cắn rách trên chỏm đầu còm cõi bước những
bước thật dài trên đường quốc lộ. Con đường mở ra thênh thang chạy hun hút tới
cuối trời. Sáng nay trời không mưa nhưng những vệt nước đọng lại từ hôm qua hôm
kia vẫn chưa thể ráo. Cả tuần rồi chưa thấy giọt nắng nào vén được màn mây xám
hắt xuống mặt đất. Đoạn đường này ông đi bao lần tưởng đã quen mà hôm nay hóa lạ.
Ông không nhớ nổi là mấy tháng rồi mới lại nghe tiếng còi ô tô réo dữ dằn bên lỗ
tai. Tiếng còi cũng quen nhưng hôm nay ông giật mình như người ở sâu trong núi
lần đầu ra đường quốc lộ. Những chiếc xe khách to tổ chảng lướt qua người ông
cuốn theo nước cùng đất, cùng cát bắn lên người ông, ông co người trong chiếc
áo ấm màu mun chằng chịt những lớp vá né hẳn sang bên lề tránh xe. Dáng ông
liêu xiêu nghiêng bên cột cây số vừa mới được sơn lại, màu sơn đỏ rói. Lần đầu
tiên ông biết mình già, tuổi già như đang dí theo từng bước chân. Chứng đau khớp
muôn thuở của người cao tuổi bắt đầu hành hạ ông khiến hai chân nhức nhối nhưng
ông không thể đi chậm được vì ông còn chưa biết phải đi đến đâu mới có thể dừng
lại rồi quay về. Ông chỉ biết là ông nhất định phải tìm cho bằng được.
Chỉ là một cái hũ thủy
tinh thôi mà khắp làng không có quán nào bán khiến ông phải lội ra đường quốc lộ.
Hôm trước Gấm ghé nhà ông, phải mấy tháng rồi ông mới thấy nó. Nó nằng nặc đòi học
xếp hạc giấy. Ông gỡ chùm hạc treo nơi cửa sổ đưa cho nó, dù đã bám bụi và mạng
nhện nhưng những con hạc được xếp bằng giấy màu bóng vẫn còn đẹp. Gấm lắc đầu
nguầy nguậy: “Đây không phải hạc điều ước ôn ơi!” Nó khụt khịt thuật lại mọi
chuyện. Một nghìn con hạc điều ước ấy phải được xếp cùng lời cầu nguyện thì mới
giúp bác Cả của nó không phải ra Hà Nội. Và phải có cả hũ điều ước, đó là cái
hũ thủy tinh trong suốt buộc nơ quanh cổ. Chưa biết kiếm đâu ra cái hũ nhưng
chúng nhất định phải có nghìn con hạc điều ước. Ông chỉ còn mấy tiếng nữa để tìm
mua cái hũ trước khi Gấm đi học về.
Những cửa hàng tạp hóa
lùi dần sau lưng ông khiến chân ông càng lúc càng vội. Một cửa hàng gia dụng với
đủ loại nồi niêu soong chảo, bình bường ốc vít hiện ra trước mắt ông xanh màu
hi vọng như ốc đảo hiện ra trước đôi chân sắp gục ngã của kẻ độc hành trên sa mạc.
Cái hũ thủy tinh dày dặn trong veo như Gấm tả đây rồi. Ông rút tiền ra vừa đếm
vừa đưa cho chủ quán dù biết chắc ne là thiếu mất của người ta đến hai nghìn đồng.
Hình như lần đầu tiên trong đời ông van vỉ để được bớt hai nghìn bằng bộ mặt thảm
hại y kẻ ăn mày đói rách. Như sợ mất chiếc hũ, ông cúi xuống ôm lấy nó, giữ nó
bo bo không khác gì giữ một bảo bối trong tay. Người chủ quán trông lại bộ áo
quần của ông và cả đôi dép tổ ong đen xì vá ngang vá dọc bằng dây thép đã gỉ,
thở dài: Thôi, bớt cho ôn luôn đó.
Trống tan trường gióng
giả. Gấm ba chân bốn cẳng chạy ngược lên thôn Hai. Nhỏ cũng vội vàng không kém
nhưng nó chỉ đi lững đững chứ không dám chạy. Nó mắc tè từ tiết bốn nhưng nó sợ
phòng WC của trường còn hơn sợ con chó nhà chú Minh-máy-gạo. Cái phòng ấy không
chỉ thối hoắc gớm ghiếc mà còn đầy tai nạn. Tai nạn khủng khiếp nhất chính là
lúc gàu nước nhớp nhúa bay từ phòng WC nam dội thẳng lên người. Mấy thằng đầu
têu thường múc nước trong bể chứa tạt qua WC nữ rồi cười rúc rúc. Nhỏ bặm chặt
môi lầm lũi đếm từng bước. Những chiếc răng cửa mới thay hình cuốc tượng nghiến
lên môi nó như thể sắp sửa làm môi chảy máu. Nó quăng vội cái cặp lên bàn đi ra
vạc chuối. Nó ngồi xuống, cách đó hơn một mét là đụn rác bác Cả gái vừa tấp lúc
sáng, cô gà mái mơ đẻ được nhiều trứng nhất đang bới rác và trong đống rác là
những con hạc giấy. Những con hạc điều ước!
Nó mếu máo lại gần ngồi
xuống tính lượm nhưng con gà vô duyên vừa xịt một bãi nhem nhuốc lên điều ước linh
thiêng của nó. Nó bật khóc. Ô uế thế này thì không thể làm cho điều ước thành
hiện thực để ba nó khỏi phải đi Hà Nội được. Trong nhà, bác Cả đằng hắng ho một
phát rồi cất tiếng gọi nó:
- Nhỏ! Vô ba nhủ.
Nó thôi khóc chùi nước
mắt chạy nhanh vào. Nghe giọng bác nó biết nó đã làm điều gì đó phật ý khiến
bác phải răn đe dạy dỗ. Nếu là như trước đây thì câu “Vô ba nhủ.” phải thay bằng
“Nằm lên phản!” rồi. Nó điểm lại các việc từ tối qua đến giờ mà vẫn không biết
phạm lỗi từ đâu. Nó rón rén bên mép giường chờ nghe. Bác Cả không mắng, bác chỉ
trầm ngâm.
- Ba dặn con răng? Lo
mà học mà hành, chơi vừa vừa thôi.
Nhỏ cúi đầu, mắt cay
cay.
- Con xếp mấy con chim
nớ mần chi mà xếp nhiều rứa? Mất công mạ dọn cho mệt. Ưa thì xếp một con chơi
là được rồi.
Đứa con gái nhỏ của bác
chỉ mới ở tuổi tò te đánh đáo, bác biết mình đã đè nặng chuyện học hành lên vai
nó quá nên dịu giọng ân cần.
- Ráng mà học… - Bác Cả
nghẹn ngào – học cho ba với, nghe chưa!
“Học cho ba với” - Nhỏ
không hiểu hết ý nghĩa câu nói đó nhưng nó cảm động vô cùng. Nó lục cặp lôi cuốn
vở có con điểm mười đỏ rực còn thơm mùi mực bút bi thầy vừa chấm mang tới bên
giường, lòng quyết tâm từ nay chỉ có điểm mười cho ba nó thôi.
***
Nhỏ vừa lia chổi quét
hiên vừa mắng mấy con gà choai, nương vườn đất đai rộng thênh chúng không ị lại
vào hiên mà ị. Mắt nó chốc chốc lại đảo ra ngoài đường, mỗi giây trôi qua mặt
nó nặng nề và méo xệch thêm một chút. Hơn năm chục con hạc trong hai ngày cố gắng
đã nằm ngoài bụi chuối, giờ bắt đầu đếm lại từ số một thì khi nào mới đủ một
ngàn con? Nó tức mình chỉ muốn lấy cây roi khẽ cho rướm máu hai bàn tay hậu đậu
của mình, hai bàn tay vô dụng làm chậm tiến độ xếp hạc của Gấm. Gấm chỉ học
phát một là xong mà dạy cho Nhỏ cả chục lần Nhỏ vẫn quên. Gấm lơ ra một chút là
Nhỏ lại chìa cái thứ nhàu nhò không biết hạc hay gà què ra bắt Gấm hướng dẫn lại
các bước từ đầu cho đến cuối.
“Răng mi học giỏi mà xếp
cái ni mi ngu ghê rứa!”
Đã mấy chục lần Gấm hét
lên như thế. Vậy mà đểnh đoảng quên cất hạc để mẹ vơ hết bao điều ước linh
thiêng lùa ra bụi chuối cho lũ gà ị lên.
Nhỏ nhìn mặt Gấm chuẩn
bị cho một trận lôi đình nó đáng phải nhận. Nhưng Gấm chẳng nhìn ra sự sợ hãi
ăn năn trên khuôn mặt méo mó của Nhỏ vì đáy mắt nó có nắng đang reo. Nó kéo Nhỏ
vào góc nhà, nhìn trước ngó sau rồi xoay lưng lại che cho cái bao cát đang ôm
trước bụng. Nó mở bao ra, cẩn trọng và hồi hộp như người ta mở một két vàng.
- Úi…
Gấm bịt miệng Nhỏ lại
trước khi Nhỏ kịp hét choang cái nhà.
- Im mi. Đừng có hét.
Ôn Tý cho đó.
Nhỏ sung sướng rụng rời
bải hoải chân tay. Vui sướng quá cũng khiến người nó mềm nhũn. Nó thều thào như
người đau họng.
- Mấy con hạc ni thì
răng? Cũng ôn cho phải không?
- Ôn xếp để cầu nguyện
cho bác đó. Toàn hạc điều ước hết đó.
Cái hũ đã đầy phân nửa,
chẳng biết tổng cộng có bao nhiêu con hạc trong đó nhưng chúng không dám đổ ra
đếm sợ mất phần linh thiêng.
***
Mưa mỗi ngày một nhiều
thêm, tiết trời mát mẻ trong lành như vừa thay da đổi thịt. Ruộng hai bên đường
xâm xấp nước. Đã đến mùa cá diếc ngậm trứng, những bọc trứng vàng ươm béo ngậy
là chút thơm thảo láng giềng dành cho nhau. Tộp Anh vâng lời bác Lớn đạp hàng
rào băng nương nhà ông Trưởng mang sang biếu bác Cả mấy con cá diếc đang nhảy
long chong trong rá. Ngang qua hiên, nó thấy Gấm ngồi hí hoáy thu thu giấu giấu
thứ gì đó trong tay. Tộp Anh chạy xuống nhà dưới rồi lượn lên hiên xem, Gấm ngồi
quay lưng lại gọi cũng không thèm à ơi tiếng nào. Tộp Anh xách rá đến ngồi trước
mặt Gấm, sợ Tộp Anh oang oang hỏi bác Cả sẽ nghe thấy, Gấm thều thào.
- Mi về đi, đừng có hỏi
chi hết. Mai tau kể cho nghe.
Tộp Anh chưa về, điệu bộ
của Gấm làm nó tò mò hơn.
- Mà mi đang xếp chi rứa?
Gấm lo xốp phổi, sau
khi mất hơn năm chục con hạc chúng phải lén lút xếp, cất riêng một góc đến giờ
đi ngủ mới bỏ vào hũ. Cái hũ cũng phải giấu trong bao cát để dưới tấm phản kê
sát đầu giường. May mắn là Gấm đã đem cây đèn pin của nhà nó sang đây nên trước
khi ngủ còn có thể tí toáy cắt xếp được thêm một ít hạc, một ngàn con hạc chứ
không phải giỡn mà bốn ngày nữa bác Cả tái khám rồi. Gấm đưa tay lên miệng ra
hiệu Tộp Anh yên lặng. Nó nói như dỗi:
- Về đi! Đã nói mai kể
rồi mà.
Quá nửa buổi chạng vạng,
màu đêm nhá nhem bắt đầu đặc lại. Tộp Anh cầm rá đi về.
***
Biết Tộp Anh là chúa tò
mò, sợ nó không chịu nổi được sự giày vò mà chạy sang bô bô hỏi nên mới tinh mơ
Nhỏ và Gấm đã qua nhà bác Lớn. Cả đêm chúng lo lắng ngủ không yên giấc, sáng ra
chưa cần nhắc đã vác cặp hô biến khỏi nhà. Tộp Anh đang ngậm cơm trong miệng,
thấy Nhỏ và Gấm ngoài hiên nó nhai bừa chạy ra. Nó nuốt từng lời của Gấm như nuốt
cơm. Cơm qua khỏi họng nó hỏi ngay:
- Được mấy con rồi? Đủ
chưa?
- Không biết nữa. Một
ngàn con là nhiều lắm chưa đủ mô.
- Mới hai phần ba hũ chứ
mấy mà đủ. Tại con Nhỏ ni nè, hắn xếp sai tới sai lui bày mãi mà cứ ngu.
- Để đó tau. – Tộp Anh
dứt khoát.
Tộp Anh không cần nhờ đến
Gấm, ngay chiều hôm ấy nó tặng bác Cả chục lời cầu nguyện sau khi ở nhà ông Tý
về. Tộp Anh le te cầm hạc sang nhà ông Trưởng đúng lúc Nhỏ đang đỡ bác Cả trai
còn Gấm thì nhặt rau trong bếp với bác Cả gái. Hai chân nó khựng lại, nó vừa nhớ
ra lý do hôm qua Gấm nhất quyết đuổi nó về. Tộp Anh đi tới đi lui sau vườn nghĩ
cách đưa cho Gấm. Nó đến bên bể nước ghé đầu vào gọi Gấm giả vờ hỏi chuyện học
hành. Gấm biết ngay Tộp Anh diễn trò, mấy đời Tộp Anh lại đi hỏi bài nó. Gấm ậm
ờ đi ra bể nước. Tộp Anh he hé cho Gấm thấy số hạc đang giấu sau lưng, nói khẽ:
- Tau để dưới cây thị
nghe.
***
Gấm đút liên tục bốn,
năm thanh củi bạch đàn vào bếp lửa đang hừng hực. Loại củi bạch đàn dễ cháy mà
lâu tàn. Nó muốn chắc chắn lửa sẽ không tắt trong khi nó chạy ra cây thị và nồi
nước luộc rau sẽ sôi khi nó vào lại. Những tia lửa màu cam được thể rủ nhau nhảy
múa, tàn lửa tí tách bay lên vẽ những vệt dài rồi vụt tắt như pháo bông. Nó chạy
ra lấy hạc đem cất rồi vào lại mà bếp vẫn còn reo. Sự reo vui hắt lên gương mặt
Gấm nét rạng rỡ hạnh phúc, hai má nó hồng lên như vừa đi dang nắng về.
Nhỏ cầm đèn pin rọi, nó
đang lo lắng. Ban chiều mưa rất to nên cái túi nylon đựng hạc giấy của Tộp Anh
dính nước và đất. Gấm vén áo lau cho cái túi cẩn thận rồi mở ra. Hôm nay hạc
nhiều phải đến cả trăm con. Nhỏ thầm bái phục Tộp Anh, chưa ngày nào nó xếp được
quá năm chục con.
- Ơ, chữ thằng Tèo nì.
Nhỏ thì thào. Chữ của
ai khác nó có thể nhầm chứ chữ Tèo KiBo là nhất định không. Nó đã học thuộc cả
cách cầm bút, lia bút và cách kéo dài những nét cuối của chữ m,n,h,t… của Tèo
KiBo vì nó là con nợ chăm chỉ xem sổ nợ của Tèo KiBo nhất. Chúng xem lại, chữ Tộp
Anh và chữ Tèo KiBo nằm lẫn lộn trong túi. Những con hạc của Tèo KiBo có phần
nhỏ hơn nhưng tất cả đều được làm từ cuốn vở đã chi chít chữ học trò.
Thêm một ngày và túi hạc
lớn thêm không phải một chút mà là rất nhiều chút. Nó lớn sẽ lớn dần lên và tỏa
bóng mát như cây cối khi được quang hợp và được ngấm dinh dưỡng từ đất. Cái cây
sẽ đổ bóng mát cho tâm hồn chúng đã nứt mầm trồi lên. Ánh sáng để quang hợp
không gì khác là những tia hi vọng lấp lánh còn dinh dưỡng thì hút từ trái tim.
Trái tim giống như đất mẹ dồi dào mạch nguồn đến vô tận. Chừng nào chúng không
vô tình làm đất bạc màu hoặc tự mình đốn bỏ cây của mình thì chừng ấy cây vẫn
xanh.
- Tộp Anh, Tèo KiBo, Ni
Điệu, Xíu Xike, Rin Calam. – Gấm vừa nói vừa đặt con hạc có dính chữ của từng đứa
sang một bên rồi tiếp tục tìm xem còn sót chữ của đứa nào khác nữa không.
- Đầy hũ rồi, chừ làm
răng?
Nhỏ lo lắng, không biết
đã được một ngàn con hạc chưa nhưng chúng chẳng muốn dừng lại và sẽ không dừng
lại. Mỗi một con hạc là một điều ước cho bác Cả, với chúng bây giờ không có con
số nào là đủ cả. Gấm nhìn đống hạc suy nghĩ một lúc rồi quả quyết: Để đó tau!
Gấm đổ hết hạc trong hũ
ra, xếp một loạt con hạc lên vở rồi gấp vở ép chúng lại. Những con hạc không được
phồng ra như thật nữa nhưng đổi lại chúng nằm gọn gàng theo lớp trong hũ. Cái
hũ đầy chưa quá nửa chừa chỗ cho những con hạc hôm sau.
Túi hạc những hôm sau lớn
quá, Tộp Anh phải trùm bao cát rách để ngụy trang. Và có quá nhiều nét chữ lạ
Nhỏ và Gấm không nhận ra. Chúng không biết chính xác có bao nhiêu đứa đang cầu
nguyện cho bác Cả. Bốn con mắt chúng lấp lánh ngỡ như chạm được vào một điều kỳ.
(CÒN TIẾP)
Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.
Kho Báu (8) - Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
7:21 AM
Rating:

No comments: