Kho Báu (10) - Lệ Hằng


KỲ VỌNG
***

KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(10)
*****

Tộp Anh dựng chân chống xe đạp lên vệ cỏ bên đường, ngay sát cây bạch đàn. Nó đi tới đi lui đã ba vòng vẫn chưa thấy cái đứa đã hẹn nó đâu cả. Nó lại gần bụi tre nhấp nhổm nhảy lên nhòm. Quán đang đông khách, tiếng chào hàng và tiếng thêm thêm bớt bớt tiền tiền nong nong nhặng xị làm nó càng nóng ruột. Trong quán, Nhỏ cũng xốp gan xốp phổi vì chưa mở miệng được. Phải hôm tạnh ráo, góc quán nhà nó đông vui như cái chợ xép và nó vinh dự được giao hẳn gian hàng hoa quả tươi. Công việc làm nó tự hào và làm cả ngày không chán, nhưng chiều nay nó nhất định phải ra khỏi quán, nó phải đi để xem một người sang trọng, giàu có, xinh đẹp hơn cả trên phim. Một người mà những lời lẽ bay bổng hoa lá cành nhất của Gấm không tả hết được cũng không thể vẽ ra giấy cho nó xem. Có tìm đỏ mắt khắp mấy làng cũng không ra người nào giống vậy. Chính Gấm đã quả quyết như thế.
- Ba cho con qua chú Thứ chơi tí, ba hì? Con đi chặp thôi, ba hì. Ba hì?
Nó nhắc lại “ba hì, ba hì” rồi mất hút ngoài đường. Tộp Anh cắm đầu đạp, Nhỏ ngồi sau xòe chân cho hai cái ống quần rộng thùng thình tung đùa cùng gió và nắng. Nắng tháng Chạp hiếm hoi và bánh lọc tôm thịt cùng bột lọc nướng tháng Chạp cũng hiếm nốt. Giờ này người ta rục rịch đổ bánh bò, đóng bánh khô, gói bánh uôi bánh tét cả rồi nên dĩa bánh lọc ấy với Tộp Anh là thượng phẩm.
Quả là hàng thượng phẩm, Tộp Anh thổi phù phù cục bột lọc nướng sau khi giải quyết gọn ghẽ dĩa bánh lọc tôm thịt. “Người giàu tinh thiệt, bánh khô bánh bò làm chi ngon bằng bánh lọc.” - Tộp Anh nghĩ thầm. Kế bên, hai đứa con gái thủ thỉ trầm trồ:
- Kim cương hay đá quý rứa mi hè? – Nhỏ hỏi Gấm về những hạt lấp lánh đính trên đôi giày cao gót màu nhung huyền ấy.
- Tau không biết.
- Dì của mi răng mi không biết!
Nhà trên người lớn huyên thuyên trò chuyện, nhà dưới con nít hóng hớt tỉ tê. Chợt, tên Gấm được xướng trên bàn ăn. Nhỏ rối rít:
- Mi đi Sài Gòn là mi được học may tề. Đã chưa.
- Mi được đi ô tô luôn đó. Đã chưa.
- Mi cũng giàu y như dì mi đó...
Vẫn chỉ giọng véo von của Nhỏ cất lên. Gấm đang bận, nó căng óc suy nghĩ xem được học may thì nó may thứ gì đầu tiên.
***
Chú Thứ phải đau đầu mất mấy hôm mới có câu trả lời cho đề nghị của dì Tuyết. Quyết định với thím Thứ thì có phần dễ dàng hơn vì dì Tuyết là người chị duy nhất của thím và cũng là người thím vô cùng tin tưởng. Dì Tuyết thành công trong đường làm ăn mà thất bại về đường con cái. Đúng là trời không cho ai tất cả, dì Tuyết được của cải thì vắng vẻ cảnh nhà nên thèm tiếng nói con trẻ vô cùng. Đã qua tuổi bốn mươi nên dì không nuôi hi vọng có thể sinh đẻ như người ta nữa nên chỉ muốn đem Gấm vào Sài Gòn, trước là để nhà bớt quạnh hiu sau là cho Gấm học việc dần dần mai mốt lớn có thể thay dì quản lý xưởng may. Dù biết sẽ nhớ con quay quắt nhưng thím nghĩ chẳng còn tương lai nào tốt hơn cho Gấm.
Nhưng chú Thứ thì phải mất ba hôm trầm ngâm mới quyết được. Không đồng ý thì phụ tấm chân tình của dì Tuyết quá. Bởi chú thật thà kể chuyện học hành của Gấm nên mới dẫn đến lời đề nghị đường đột ấy. Cũng chỉ vì lo cho tương lai của Gấm dì ấy mới nhọc công thuyết phục chú, chỉ tiếc con đường vẽ ra lại nhắm đích học hành như chú muốn. Dù dì Tuyết đã nói sẽ cho Gấm đi học để có bạn có bè, một buổi học chữ một buổi học may nhưng chú chắc chắn chẳng chữ nào lọt vô đầu Gấm. Con gái học cha, chú rành tính Gấm y như rành tính mình. Ở đây có bác Cả kèm cặp, có thím Thứ la nạt đánh mắng hằng ngày mà Gấm vẫn lăm le đội sổ thì vào trong đó có máy may có vải vóc xúng xính Gấm làm sao nhét chữ vào đầu. Bởi Gấm giống chú như tạc nên chuyện học của Gấm chú toàn cứng họng có dám mở miệng quát mắng bao giờ đâu. Không ai nói với Gấm hồi nhỏ chú “đội sổ” trong lớp nhưng tự chú luôn thấy bất lực lẫn xấu hổ không thể nói lời tử tế để răn dạy con được. Càng ngày nỗi mặc cảm mình từng quăng sách bụi tre, từng đội sổ, từng bỏ học càng lớn. Với đà hiện nay liệu Gấm có qua nổi cấp ba? Khi ấy lại phải quàng chân lên xin học nghề. Cuối cùng dù cảm giác bất mãn cứ đeo bám triền miên chú vẫn chọn cái nghề cho Gấm.
Bác Cả gái thấy đó là quyết định sáng suốt. Khi mà người làng lũ lượt vào Sài Gòn học may thì Gấm với tư cách là con bà chủ chẳng phải ngon lắm sao? Bác Cả trai trầm ngâm y như chú Thứ. Bác buồn, mai mốt nó lại ít chữ như ba nó và bác nó. Ông Trưởng suy nghĩ xa xôi, lo lắng:
- Hắn học chữ còn chưa ra chi, chừ học may biết có may đặng việc cho người ta không?
- Được chứ nội. Gấm giỏi lắm nội, để con cho nội coi nè.
Gấm không dốt, Gấm chẳng qua là giỏi theo một cách khác! Cơ hội để Nhỏ chứng minh cho người lớn thấy điều nó ấp ủ đã đến. Đằng nào hai tuần nữa Gấm cũng đi Sài Gòn, chắc chắn chẳng ai lôi Gấm ra quất cho quắn đít vì tội thêu thùa hay vẽ vời tầm phào nữa. Nó rút trong cặp ra chiếc khăn tay Gấm thêu đạt điểm mười môn thủ công và tập giấy Gấm vẽ những bộ áo quần do Gấm tự thiết kế mang đến chỗ bàn nước cho ông Trưởng và bác Cả xem. Linh thiệt, Gấm vừa tặng nó lúc chiều.
- Cả lớp chỉ có một con điểm mười ni thôi.
Nhỏ trải chiếc khăn có họ tên của Gấm trên bàn nước. Nó nhấn mạnh con - điểm - mười để khẳng định Gấm cũng có điểm mười nhưng Gấm chẳng bao giờ được hỏi: thủ công, mỹ thuật mấy điểm? mà lúc nào cũng là: Toán mấy điểm? Tiếng Việt mấy điểm?
Nhỏ lật một lượt hết mười tờ giấy vở chi chít nét vẽ của nhà thiết kế thời trang, lòng hả hê chốt câu quan trọng cuối cùng.
- Ba với nội yên tâm, Gấm mà học may là nhất Sài Gòn đó.
***
Mưa xuân như bụi bay trong gió. Mưa giăng tấm màn nhẹ tựa bông lên hàng chè tàu vừa chấn thẳng tắp trước ngõ nhà ông Trưởng. Nồi bánh uôi, bánh tét đã chín. Khách trong quán cũng về từ lâu. Năm giờ chiều từ đường nhà ai cũng đã sáng đèn đợi Giao thừa. Trên hiên nhà, con Mướp rảnh rang vờn cái đuôi của nó rồi chễm chệ ngồi liếm bộ lông được vẽ bằng mực tàu ấy. Nhỏ lúi húi phụ ông Trưởng chà đám rêu trơn trượt trong sân bằng cái bàn chà sắt. Nó đưa bàn chà thoăn thoắt mong chóng xong việc để chính thức nghỉ Tết. Kìa, dáng Gấm thấp thoáng ngoài ngõ. Nhỏ mừng rơn, có thêm đứa chà sân phụ rồi đây. Gấm bước vào sân và chẳng thèm nhìn Nhỏ. Mặt Gấm nghiêm nghị lạ kỳ. Rất vội vàng, Gấm chạy ra vườn. Nhỏ thả bàn chà trên hiên, cuống quít chạy theo. Gấm cứ lầm lũi chạy như không biết Nhỏ đang theo sát gót. Gấm dừng lại chỗ cây thị. Nhỏ tẽn tò. Ồ, Gấm chôn kho báu mà chạy theo làm gì. Nhỏ chạy lui để nhường không gian riêng tư cho Gấm.
- Ê, đào giùm tau với.
Bất ngờ, Gấm gọi giật lại. Gấm làm dấu chỗ chôn kho báu không chuẩn lắm nên chúng mất nhiều thời gian mới lấy cái túi nylon ấy lên được. Gấm lấp đất lại, Nhỏ bàng hoàng;
- Ơ, không chôn kho báu nữa à?
- Không. Tau phải trả cho ba tau.
- Kho báu của mi mà. – Nhỏ tiếc nuối nhìn chiếc túi.
- Nhưng chừ tau học may là chính, không học chữ nữa nên phải trả cho ba.
Gấm phủi tay, mở túi nylon chìa cây bút máy cho Nhỏ xem. Ngày Ba Mươi Tết đêm xuống nhanh, bóng tối chập choạng làm nắp bút như lóa lên trong mắt chúng.
- Đẹp hì. Ba tau nói được học sinh giỏi mới cho đổ mực vô viết.
Nhỏ xuýt xoa, nó chưa thấy cây bút nào đẹp đến thế. Nó Gấm lấp đất lại giúp Gấm, tay dính bẩn nên chẳng dám sờ vào cây bút kho báu ấy.
***
Tối như đêm Ba Mươi và đêm Ba Mươi của ngày cuối năm tối đen đặc sánh, màu mà những đêm Ba Mươi khác không thể có. Ông Trưởng ngắm lại bình hoa, mâm quả để giao thừa cúng dâng trời đất đang đặt ngoài hiên. Chợt, ông nheo mắt nhìn ra. Một bóng đèn pin thấp thoáng ngoài bụi tre rồi hắt vào vườn chè những đốm sáng vàng trong vắt. Mắt ông sáng lên những tia cười tươi vui. Vườn chè cũng được khua thức. Đây đó có tiếng chim con chiếp chiếp rúc vào cánh mẹ. Nước mưa đọng trên lá lóng lánh lăn xuống đuôi lá rồi rỏ tong tong xuống lớp lá mục bên dưới. Đốm sáng đèn pin lia qua cây mai già trước ngõ đúng lúc nụ mai biếc đầy đặn hé mở cánh đầu tiên, mảnh lụa vàng bung ra hứng lấy giọt châu từ trên cao sà xuống. Một tối giao thừa trọn vẹn cho ông khi có cả vợ chồng chú Thứ và Gấm quây quần.
Ông Trưởng xé nhỏ việc giao cho mỗi đứa con một chút để không đứa nào rảnh tay lạc nhịp. Chú Thứ xếp giấy tiền, bác Cả trai xếp giấy vàng bạc. Nhỏ và Gấm soạn chén dĩa, thím Thứ múc chè, bác Cả gái cắt bánh tét... Chợt, từ nhà trên có tiếng gọi Nhỏ. Là giọng chú Thứ. Nhỏ bất ngờ, nó chạy lên rón rén đứng cạnh bàn nước. Gấm cũng chạy lên đứng cách đó mấy bước chân.
- Chú tặng con. Bơm mực vô mà viết. Chú mới viết đúng một lần thôi đó.
Là nó, chiếc bút máy có nắp vàng chói. Chiếc bút máy mà bác Cả nhìn qua đã đọc được số tuổi của nó. Chiếc bút bác từng mơ ước. Nhỏ run run. Nó thích cây bút lắm nhưng đây là kho báu của Gấm. Nhỏ quay lại nhìn Gấm, Gấm gật đầu ra hiệu. Nhỏ ngỡ ngàng nhìn cây bút trên tay, tim như múa. Ôi, nó đang giữ một kho báu trên tay. Một kho báu đã vẹn nguyên hai lăm năm có lẻ.
Bác Cả rưng rưng, vẫn là cảm xúc của lần đầu tiên thấy nó. Chú Thứ cũng rưng rưng cảm xúc ấy và hơn nữa là nỗi ăn năn bất lực hai mấy năm qua chưa một lần giải tỏa. Đây là cây bút gia bảo bà Trưởng để lại cho chú Thứ. Không ai (kể cả ông Trưởng) biết tường tận chuyện bà Trưởng nhờ người bà con bên ngoại mua giùm hai cây bút máy thật xịn trên thành phố mà tại sao chỉ được một cây. Bà không nói rõ, bà chỉ hẹn mai mốt mua thêm cây nữa. Bác Cả mê cây bút nhưng là anh nên nhường chú Thứ. Chính bà cũng muốn như vậy, không phải vì chú là em mà là vì để động viên chú học. Chú Thứ lúc ấy tuổi cũng bằng Gấm bây giờ, bà giao cây bút với tâm nguyện chú đừng lêu lổng nữa. Và chú Thứ viết đúng một trang thì súc mực đem cất. “Lo mà học” “học cho giỏi như anh Cả” … mấy câu ấy cứ trở đi trở lại trong đầu chú làm cây bút trở nên nặng nề chú cầm không nổi. Ba tháng sau, bà mất. Chú ôm cây bút kỉ vật bo bo tự hứa cố gắng, cố gắng đến khi nào xứng đáng thì đổ mực vào. Nhưng mỗi ngày qua là một ngày trượt dài theo đánh đáo…
- Cây bút ni đáng ra mệ nội phải cho bác Cả mới đúng. – Chú Thứ nhìn Gấm. Nghỉ một đoạn lấy hơi, chú tiếp. – Bác Cả học giỏi chứ…
- Mỗi người giỏi một kiểu. Như tau học chữ thì được mà ra ngoài làm ăn có giỏi như bây mô.
Bác Cả quay sang nhìn Gấm.
- Con Gấm cũng giỏi lắm đó. Vô Sài Gòn học nghề hay học chữ chi cũng ráng mà học cho thành tài, nghe Gấm.
Giọng bác Cả nghe vừa bề trên vừa cứng cỏi vô cùng. Gấm lại gần bàn nước dõng dạc:
- Dạ, con nhớ rồi bác.
Dường như đây là lần đầu tiên nó được người lớn khen giỏi mà lại là chính bác Cả của nó khen. Nó hạnh phúc rạng rỡ mặt mày.
- Học gần đội sổ, giỏi chi mô mà giỏi. Em sợ sau ni hắn không có nghề mần ăn nên phải cho học nghề sớm.
- Hắn học chữ không giỏi thì hắn giỏi cái khác. Ba mạ chi bây mà con mình giỏi cũng không biết. – Bác trách chú Thứ và cũng là tự trách sự thờ ơ của bác từ đó đến nay. – Nhỏ, đem mấy cái nớ ra cho chú coi, con!
Thím Thứ lật đật thả chiếc vá trong nồi chè chạy lên nhà trên. Lòng thím như có thác đang reo, chẳng biết mô tê gì nhưng Gấm được thừa nhận giỏi là thím thấy cuộc đời nở hoa phơi phới. Nhỏ bày chiếc khăn tay và tập thiết kế thời trang của Gấm lên bàn nước, trước mặt chú Thứ. Đúng là học không lo học mà chỉ lo làm ba thứ tầm phào nhưng sao Gấm thêu đẹp quá. Nếu không có họ tên Gấm trên đó thì chú thím thật không dám tin.
- Hắn tự học mà hắn thêu được ri là hắn có hoa tay rồi đó. Dì hắn mà có điều kiện thì nhớ xin cho hắn đi học vẽ, không khéo hắn thành họa sĩ hoặc nhà thiết kế thiệt đó.
“Hoa tay”. “Họa sĩ”. “Nhà thiết kế”. Toàn những từ lạ hoắc lạ huơ, lạ không phải vì họ chưa từng nghe mà lạ vì những từ đẹp đẽ ấy đang dành cho Gấm, vận vào cuộc đời Gấm. Chú Thứ, thím Thứ lâng lâng. Giao thừa năm ấy không được đốt pháo nhưng những tràng pháo trong lòng họ nổ đì đùng và sáng chấp chới thâu đêm.
Lòng ông Trưởng cũng đang có pháo. Những tràng pháo không đì đùng không rực rỡ mà âm thầm lách tách reo ca. Ông không dám tin rằng trước khi nhắm mắt có thể một lần nhìn thấy anh em họ cởi mở với nhau. Hai người con trai của ông, Cả và Thứ, người nào cũng ôm những uất ức nặng trĩu mà lớn lên. Chú Thứ chưa bao giờ thấy mình được coi trọng, được yêu thương chỉ vì mình học không giỏi bằng anh. Bác Cả lại hận chú Thứ, cả nhà chăm chăm lo cho chú học vậy mà chú bỏ ngang. Ông Trưởng buồn, rốt cuộc chẳng thằng nào học tới nơi tới chốn để làm việc trên giấy trên tờ như ông bà mơ ước. Ông luôn dằn vặt rằng mình là người cha tồi khi hiểu con mà không sao xoa dịu tâm hồn cho con được. Mỗi khi ông cố kéo hai đứa con lại gần nhau thì vô tình làm chúng xa nhau hơn một bước. Mỗi khi ông cố gắng sửa sai thì buồn thay cái sai lớn thêm một chút. Rồi trưởng thành, rồi lập gia đình, bác Cả chú Thứ không còn kháu ó nặng nhẹ với nhau nữa nhưng thật trong tim mỗi người về riêng một góc, dù chung một vòm trời chung một mái nhà mà chưa bao giờ chung một niềm thông cảm cho nhau như hôm nay.
Ông Trưởng đốt tiếp nhang thắp trong từ đường. Ông dừng lại rất lâu trước di ảnh bà. “Đợi mấy chục năm cũng đáng, em hè?!”
***
Mồng Ba Tết lạnh căm căm. Đây là ngày nhiệt độ hạ xuống thấp nhất trong đợt rét kéo dài này. Đường vào nhà ông Tý cỏ hai bên được xớt thẳng tắp còn nguyên dấu cuốc. Mấy con gà co ro trong góc bếp vì lạnh. Đến hôm nay hoàn thành nhiệm vụ chúc Tết nội ngoại chúng mới mang Tết lên cho ông được. Nhỏ và Gấm móc túi đổ ra dĩa một nắm to hạt dưa, Tộp Anh bày ra một dĩa mứt gừng. Ấm nước lá vối còn nóng hôi hổi nhưng chẳng thấy ông đâu. Chúng nhìn quanh. Ông Tý của chúng không có Tết. Ông vẫn uống nước lá, vẫn ăn cơm với dăm con cá thia lia kho mặn, vẫn ngủ chiếu rách, vẫn mặc áo vá chằng vá đụp và ông vẫn chỉ một mình cho đến hôm nay. Chúng ra vườn tìm. Lạnh run thế này mà ông cuốc với trồng gì nữa không biết.
- Xùy, xùy. Ở chỗ mô thì về lại chỗ nớ. Nước sông không phạm nước giếng.
Ông Tý giương mắt nhìn con rắn đang gầm ghè dữ dằn và đuổi nó đi bằng những lời chân thành, lý lẽ. Con rắn to phải bằng cổ chân chúng. Tộp Anh tới sát bên ông, Nhỏ và Gấm sợ hãi đứng cách mấy bước. Ông lầm bầm đọc tới đọc lui, lát sau con rắn đầu hàng sự kiên nhẫn của một người đã từng nổi danh bắt rắn nên bỏ đi.
Ba ông cháu ăn cái Tết rộn ràng, ông ngậm nghe vị mứt gừng cay tan trong họng bụng ấm dần lên. Nhỏ và Gấm cắn hạt dưa tách tách, vỏ rớt lả tả trên đất. Tộp Anh đăm chiêu, lâu lâu nó mới đưa lên cắn một hạt. Nó buồn. Nó nung nấu một ý nghĩ táo bạo. Tết của ông chẳng có gì trất. Ngôi nhà ngày một nghèo đi, xơ xác đi, còm cõi đi y như ông, sao đành lòng.
- Ôn, răng ôn không bắt con rắn nớ? Hắn tự tìm vô đây mà.
Ông Tý không trả lời. Ông đang bận thưởng thức lát mứt gừng.
- Lâu lâu ôn bắt một lần có răng mô ôn.
Ông Tý hiểu Tộp Anh muốn thỉnh thoảng ông bán con rắn có ít tiền mua thêm lát thịt ăn cho láng miệng nhưng ông không chiều theo ý nó được. Không thể bội tín với chính mình. Ông đã thề bỏ nghề bắt rắn vì Tộp Anh, ngay hôm ấy, hôm Tộp Anh liều mình vì ông. Nó hiểu ý nghĩa của lời thề nên không nói thêm gì nữa. Nó lặng lẽ ước cho mình mau lớn, cho nó làm ra tiền…
Điều ước của nó còn lâu mới thành hiện thực được, nhưng điều ước của Gấm thì gần ngay trước mặt. Vài ngày nữa nó sẽ đi Sài Gòn, nó sẽ học may, nó sẽ biết may. Sớm thôi. Bác Cả đã nói nó có hoa tay nên đường đến với chiếc áo khoác dày sụ nó tự tay may cho ông là rất gần. Một năm chứ mấy.
(CÒN TIẾP)





Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.




Kho Báu (10) - Lệ Hằng Kho Báu (10) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 11:40 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.