Vị ngọt cay đắng của tình yêu


VỊ NGỌT CAY ĐẮNG CỦA TÌNH YÊU
Con người không thể sống ngoài tình cảm. Và tình yêu là sự nghiệp tình cảm cao nhất có sức cuốn hút vô song với tâm hồn và thân xác con người. Quảng ấu thơ của con người rất ngắn, mới chớm tuổi thành niên, con người liền lao vào cuộc đuổi bắt – chinh phục – và gìn giữ tình yêu. Sống mà không có tình yêu sẽ khốn khổ nhường nào! Bởi tình yêu là cơm ăn – nước uống – của con tim mỗi ngày, là thực phẩm thiêng liêng của tâm hồn luôn trĩu nặng nhớ nhung dày vò da diết.

Thế mà, tại sao ngày nay có hàng triệu trai thanh – gái lịch, lại cam lòng sống vò võ một mình? Theo Báo phụ nữ Việt Nam (số 44, 7/9/1998), thì Chính phủ nhiều nước châu Á đang đau đầu buốt óc về con số phụ nữ sống độc thân mỗi ngày một tăng vọt. Choáng váng hơn nữa, Bộ y tế và phục lợi xã hội Nhật Bản còn dự đoán: cứ 7 em gái sinh sau năm 1980 thì tương lai sẽ là 6 “bà cô”. Số nam độc thân chắc cũng tương đương. Như vậy, chẳng lẽ tình yêu không còn là hơi thở hạnh phúc bức thiết của con người? Không! Tình yêu chẳng bao giờ ngừng là một sức quyến rũ vô tận thổn thức trên từng nhịp đập của con tim! Nhưng, nếu tình yêu là một khát vọng chưa từng hao hụt, thì tại sao những “ca” sống độc thân, ly hôn ngày xưa lại ít hơn ngày nay đến bội lần? Bởi ngày xưa, người ta chạy chữa những bi kịch tình yêu bằng cách đeo đuổi – hàn gắn – và thích hợp với chúng; còn ngày ngay người ta dùng tự do để lựa chọn cũng như khước từ chúng. Song, con người hiện đại cũng dùng chính tự do đó để nhận thức và vượt qua những hoàn cảnh ngang trái của vở bi kịch tình yêu. Chúng ta thử cùng nhau quan sát vào bi kịch chính yếu sau:
1. Không chinh phục được bạn tình:
Đó là vở bi kịch, người diễn đơn phương phải thủ hai vai cùng một lúc: vai kẻ si tình theo đuổi trong bất lực – và vai tình nhân vô cùng khả ái đang lãnh đạm tạo nên quanh mình những lời khước từ băng giá – đầy “đáng ghét”. Đáng yêu ư – hẳn rồi! Đáng ghét ư – băng giá quá – nhưng càng đáng ghét thì lại càng yêu, cuối cùng một số con tim si tình cứ đắm đuối dày vò trong mặc cảm bất lực, tự làm khổ mình, trở thành héo hắt và tàn úa. Một số khác thì từ bỏ con đường chinh phục, lao sang hành trình “âm mưu và tình yêu”. Bày mưu tính kế, dùng uy thế và tiền của, gài bẫy giăng lưới để chiếm đoạt tình yêu. Có không ít người đã thành công nhờ cách thay thế “chinh phục” bằng “chiếm đoạt”. Oái oăm thay, hôn nhân thành nhưng mái nhà của họ vẫn chỉ là “sân khấu” của tình yêu một phía, bởi lẽ trái tim bạn đời của họ không thể biến hoàn cảnh gò ép thành tình yêu đích thực. Trong vở bi kịch này, người phương Tây vẫn khuyên những kẻ si tình: “Nếu không lấy được người ta yêu, thì hãy lấy người ta có thể”. Cuộc đời không thể cái gì muốn cũng được, và tình yêu không thể muốn ai thì người đó cũng yêu mình. Vậy nếu lạc vào bi kịch “mê hồn trận” này, bạn hãy biết giải quyết giấc mơ cuồng si của mình bằng nhận thức và lối sống hiện thực.
2. Không chọn được bạn đời:
Đây là vở bi kịch cô đơn không phải do thiếu người theo đuổi, mà do người ta đã thả lỏng thời xuân sắc của mình chìm nổi giữa bao do dự “con rô cũng tiếc – con diếc cũng muốn”, rút cục nhận lấy kết cục:
Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình
Thụ động trong cuộc đời thì thất bại, trong tình yêu thì sẽ thất tình. Vậy bạn hãy dùng tự do của mình để lựa chọn trong thời xuân sắc. Đừng có nên ai cũng tiếc, ai cũng chọn, và ai cũng không nỡ vứt. Hãy nhớ, các triết gia đã bảo: “Lựa chọn, có nghĩa là phải vứt bỏ”. Chọn người này thì phải bỏ người kia. Không còn cách nào khác, đó là cách lựa chọn duy nhất cái tổ ấm của mình.
3. Chọn được bạn đời không “toàn chọn”:
Đây là tình yêu đã chọn, đã chinh phục, và đã được chấp thuận. Song cái chưa được lớn nhất của nó là: yêu một người đã chia sẻ hai mình. Người đời vẫn gọi đơn giản là mối tình tay ba. Con người không thể dính líu với hoàn cảnh của quá khứ, bởi vậy, có không ít mối tình của “bố dượng”, “dì ghẻ”, hay “con anh – con tôi – con chúng ta”, hoặc “tình nhan xem kẽ” vẫn tồn tại ở đời trong tình trắc ẩn. Trong hoàn cảnh không thể chọn, hoặc không thể giải quyết cách nào hay hơn thế, bạn hãy biết sống cùng hoàn cảnh bằng một tấm lòng vị tha và bao dung.
4. Những lựa chọn toan tính trở thành mầm mống của bất hạnh:
Đây là một bị kịch thậm tệ dữ dội nhất của hôn nhân. Nó chứa nhân lõi ghẻ lạnh – bất hạnh – đổ nát – dai dẳng đến mức trong nhiều thế kỷ các tiểu thuyết gia đã diễn tả không biết mệt mỏi – mà không thể nào đếm xuể những tai ương của nó: Nào là cuộc săn lùng những của thừa kế, của hồi môn, tiền bạc, gia thế, tuổi trẻ, và sắc đẹp… Tại sao vậy? Tình yêu và hôn nhân dù có đẹp đến đâu thì cũng chứa đựng một thực tại: đó là con đường dục vọng đem đến một lạc thú rất lớn cho con người. Yêu nhau trong sáng – tâm hồn hóa – lý tưởng hóa, ở đời không có quá nhiều. Mà, đã là dục vọng thì người ta phải tính toán trăm mưu ngàn kế. Chẳng hạn, một ông già dùng mưu kế để đưa cô gái trẻ đẹp vào giữa tròng danh lợi, một cô nàng xinh xắn lấy sắc đẹp yểm bùa một chàng quý phái đầy thế lực về dòng dõi và tiền bạc, một quả phụ cậy vốn đam mê mồi chài gã si tình, một người thấp muốn sánh vai với người cao, một “đôi đũa mốc đòi chòi mâm son”… Tất cả những dục vọng đó chứa đựng những toan tính ẩn dấu để một ngày chúng mang tên ngụy trang là lựa chọn. Khi lấy nhau rồi, chẳng được bao lâu những toan tính đó phải lộ dần, bạn đời cảm thấy bị “đánh lưới” và muốn rẫy ra. Bi kịch nổi lên như những làn sóng ngầm không thể nào cản nổi – vì đó là mâu thuẫn chứa từ trong “trứng”. Có những đôi vợ - chồng vẫn sống cùng nhau, nhưng luôn sống gượng ép trong những toan tính và cố gắng gìn giữ gia đình bằng cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có nhiều đôi không chịu thích hợp với hoàn cảnh toan tính đó, rẫy – phá liên tục, khiến mái ấm gia đình lục đục cho đến ngày tan vỡ. Đây là bị kịch lớn nhất – thì cũng là bài học lớn nhất, đó là: tình yêu và hôn nhân chỉ được xây lên từ những viên gạch chính đáng ngay từ phút khởi đầu.
5. Không giữ được bạn đời:
Đây là một bất hạnh mang tính quá trình – nó tích lũy từng ngày, từng năm. Nhiều đôi đã yêu nhau trọn vẹn, đã chọn nhau sáng suốt, đã lấy nhau đầy mãn nguyện. Vậy mà họ chẳng được sống cùng nhau đến đầu bạc răng long, “tan đàn sẻ nghé” giữa chừng, chỉ vì không biết tiến hành những nghệ thuật để gìn giữ nhau. Họ ra tòa đầy luyến tiếc “than thân trách phận” đã không giữ được bạn đời. Sở dĩ có bi kịch này xảy ra, vì những đôi uyên ương này đã không giải quyết nổi mâu thuẫn trường cửu của cá nhân và tình yêu. Cá nhân thì cần tự do – danh dự - và sự nghiệp, song, tình yêu lại cần phóng trục những giá trị cá nhân ra khỏi bản thân để ôm lấy bạn đời. Bởi thế, trong tình yêu, muốn tự yêu mình thì phải yêu vòng qua bạn đời mình. Đó là tình ái ngã nhận lấy ánh sáng phản xạ từ phía người yêu.
Trước hôn nhân, tình yêu dù có đẹp như trăng mùa thu, thì cũng chỉ là một ngày lễ ngắn ngủi, trong khi đó hôn nhân là những chuỗi ngày bình thường xây cất vất vả không những để thánh lễ hóa – tái hiện hóa không mệt mỏi hương sắc tột đỉnh của tình yêu đó. Nếu hôn nhân không làm nổi công việc làm sống lại không ngừng giờ phút thăng hoa của tình yêu, thì hạnh phúc sẽ trôi từ đỉnh cao si mê xuống vực thẳm bi kịch chán chường. Vậy, để băng qua những vực thẳm bi kịch của bất hạnh, chắc hẳn, tình yêu chẳng có cách nào khác hơn là vỗ đập không ngừng nghỉ đôi cánh đầy nhung nhớ của mình, để chẳng bao giờ ngừng lượn quanh đỉnh cao hạnh phúc mà nó đã từng bay đến trong đời.
Nguyễn Hoàng Đức
08/03/1999




Vị ngọt cay đắng của tình yêu Vị ngọt cay đắng của tình yêu Reviewed by Lê Sính on 1:13 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.