Về khi nắng còn thơm (1) - Lệ Hằng

VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(1)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ

…Ta ôm thứ mang hình hài kỉ niệm đi xa, càng xa trong không gian và thời gian bao nhiêu lại càng gần trong ký ức bấy nhiêu…

*****

Tôi mở tủ lạnh theo thói quen, quên chua rằng nó đã trống trơn như ngày mới mua từ hôm kia. Trống như cõi lòng xa xứ vắng vẻ đìu hiu của tôi lúc này. Gần cả tuần nay, tôi ăn uống bên ngoài. Bịch nước lọc dựng ở góc tường cạn đến giọt cuối cùng đã mấy hôm, tôi mặc kệ. Bất chợt tôi nghĩ đến câu “Ngày Ba Mươi Tết thịt treo trong nhà” rồi tự cười mình. Đây đâu phải là nhà, đây là một phòng trọ, mai này tôi trả phòng thì sẽ có người khác thế chân tôi đứng vào chỗ mà tôi đang đứng, ngủ ở chỗ mà tôi đang ngủ. Phòng trọ này là sân bay trung chuyển, người đến kẻ đi. Chúng tôi ghé vào đây để nghỉ giữa chặng bay dài của cuộc đời. Vì vậy dù tối mai, Hai Chín Tết, đã là đêm giao thừa nhưng hôm nay cái bếp vẫn lạnh ngắt. Tháng Chạp thiếu mất ngày Ba Mươi làm tôi bối rối khi bị Tết dí đến sát nách. Tôi đang trốn Tết, tôi muốn chạy đến nơi nào đó đủ xa để cái Tết kia và cả bầu không khí hoan hỉ chào xuân kia không thể bủa vây mình được. Hoặc là nơi nào đó đủ hẹp như là một chiếc hộp kín bưng chẳng hạn, kín đến mức một giọt không khí Tết cũng không tràn vào được, để tôi nhốt mình vào đó.
Nhưng không thể, tôi là một thực thể sống và tôi phải ăn. Tôi lấy ví tiền, đóng cửa phòng đi bộ xuống đường tìm chỗ để lấp khoảng trống đang lớn dần như một hố đen vũ trụ trong cái dạ dày tội nghiệp của mình. Thành phố lộng lẫy mà thênh thang quá. Tôi ở khu có nhiều sinh viên và xóm trọ công nhân nên thời điểm này đường sá trống hoắc trống huơ. Ngày thường phải len lỏi la ó nhau rồi nổi cáu đã quen, giờ một mình một góc đường lồng lộng khiến lòng hoang hoải chơi vơi. Cảm giác này còn khó chịu và thảng thốt hơn sự chật chội, chen lấn kia rất nhiều. Tôi thấy mình như con ngựa hoang độc bước trên cánh đồng cỏ may miên viễn chênh chao. Tôi cố tìm bóng dáng thân quen trong những ngôi nhà, những dãy trọ đang sáng đèn. Tôi không phải là người duy nhất ở lại. Nhiều dãy trọ vẫn còn đến hơn phân nửa phòng chưng điện. Nhưng người ta cũng ít ra đường. Họ quây quần lại trong một căn duy nhất rồi kho nấu, cười đùa bên bếp nhỏ. Họ thi nhau kể về những mùa Tết đã xa trong không gian và thời gian nhưng lại gần trong ký ức. Họ mường tượng và sống trong không khí Tết ấy như thể mình vẫn ở đó, như thể họ thấy rõ lúc này ai đang ngồi bên giếng nước vo gạo nếp. Ai đang buộc lạt vào tấm bánh chưng xanh. Ai đang giặt tấm khăn trải bàn. Ai lau chùi bàn thờ. Ai đánh bóng bộ lư đồng. Ai bắt đèn chớp nháy. Ai soạn tiền mừng tuổi trong các bao lì xì vàng vàng đỏ đỏ… Họ thấy tất cả mồn một, như tôi bây giờ. Chao là bi kịch, muốn trốn Tết mà Tết sờ sờ trước mặt.
Tôi đang lướt qua một cây đào Hà Nội tươi mơn mởn có những cánh hồng xinh như đôi má rạng rỡ của đám con gái lúc cười. Họ treo lên đó đến hơn chục quả đèn lồng tí hon lung linh, rực rỡ. Dù vậy, tôi vẫn nghĩ gốc đào này sẽ duyên dáng, tinh khôi hơn nếu bớt đi phần trang trí ấy. Có những thứ sẽ không vì xiêm áo điểm tô lộng lẫy làm đẹp hơn mà ngược lại, vì bản thân nó đã là một tổng thể chân phương hấp dẫn lạ kỳ. Như chậu mai tôi thấy trong ngôi nhà tiếp theo chẳng hạn. Họ kết quá nhiều đèn màu làm mất cái cốt cách đã khiến một người khí chất hiên ngang như Cao Bá Quát phải cúi lạy “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”[1]. Cái nhập nhòe xanh đỏ tím vàng ấy cứ liên tục đập vào mắt nên không còn khoảng trống nào để thấy vẻ mềm mại, thanh tú mà vẫn uy nghi, rắn rỏi của loài hoa đứng đầu trong tứ quý Mai, Lan, Cúc, Trúc này. Quất và nụ tầm xuân thì lại khác. Tôi vẫn thích cách người ta thắt nơ, treo thiệp hay những câu đối đỏ trên các chậu tầm xuân. Mọi thứ chỉ hay, chỉ đẹp khi được đặt vào đúng vị trí của nó. Nói gì xa xôi, chính tôi cũng chưa về đúng vị trí của mình. Tôi không tỏa sáng lạc loài như cây mai kia mà trơ trọi lẩn quất trong thành phố này. Nhưng tôi và nó, cả hai đều đơn côi trong bản ngã mờ nhạt của mình.
Tôi lướt qua những khoảng sáng lung linh nhập nhòe trong những ngôi nhà có mai, có đào, có nụ tầm xuân, có mâm ngũ quả sung túc thịnh vượng ấy, lòng chênh chao. Nắng cuối ngày của phương Nam ấm áp chiếu nghiêng vào người tôi một khoảng vàng lênh láng đổ bóng dài trên đường phố. Bất chợt tôi nhìn lại cái áo khoác cũ đang mang “Ồ, nó thật lệch pha”. Phương Nam làm gì có đông giá cần phải khoác. Nhưng tôi vẫn thấy lành lạnh, cái lạnh từ trong lòng tỏa ra. Lạnh và cô đơn là cặp bài trùng. Càng cô đơn càng thấy lạnh và vì lạnh nên cô đơn hơn nữa. Thằng Tuấn nói tôi “Mi điên à? Tết Sài Gòn là buồn nhất”. Kì thực, Tết Sài Gòn thiếu gì chỗ chơi, và vẫn vui nếu lòng mình chỉ ở đây chứ không mơ về nơi khác, đặc biệt không phải trốn Tết như tôi.
Đến góc đường, chỗ cột đèn giao thông, tôi gặp bà cụ bán bánh chưng. Những cặp bánh vuông vắn được bọc trong lớp lá dong xanh mướt khiến lòng tôi nôn nao. Vườn sau lá dong có còn xanh mát rậm rì như mọi khi? Mạ có cắt lá dong tặng mỗi nhà một ít gói bánh chưng? Giờ ba đã chất đủ củi vào bếp chuẩn bị nhóm lửa chưa? Nồi bánh chưng nhà tôi thường hơn hai chục cặp, đun hết mấy bó củi mới xong. Mạ dùng bếp gas cũng được cả chục năm rồi nhưng gian bếp củi đầy bồ hóng và mùi tro tàn xao xác ấy vẫn ấm mỗi ngày. Ba mạ gói bánh không dùng khuôn, mong là năm này những cặp bánh vẫn sẽ vuông vức, “mười cặp như chục” như ba muốn.
Tôi lấy một cặp bánh rồi gửi tiền. Bà cụ có vẻ ngạc nhiên vì tôi không hỏi giá, tôi đưa tờ một trăm nghìn rồi ơ hờ như chẳng đợi lấy tiền thừa. Tôi lật ngược lật xuôi xem từng góc cạnh, bánh được gói bằng khuôn chuẩn đến từng li. Bánh đẹp hơn bánh ở nhà nhưng bên trong chắc chắn không phải là thứ nếp một mà mạ tôi nâng niu cất từ vụ hè thu. Với tôi, nếp của mạ không chỉ thơm hương lành đồng nội mà còn ngọt bùi vị ngon từ bùn đất thấm mồ hôi của ba của mạ. Bà dúi chỗ tiền thừa vào tay tôi trong khi tôi đang cố tìm phép màu để xuyên không về nhà rình nghe mùi nếp thơm mạ nấu. Bà nhìn tôi cười hồn hậu, ánh mắt không giấu được vẻ tò mò. Cũng phải, vì tôi không mua cặp bánh này để lấp khoảng trống trong cái dạ dày rộng ngoác, tôi mua để lấp khoảng trống chơi vơi trong trái tim chật hẹp của mình. Và tôi thấy ba, thấy mạ, thấy chị Bé, thấy những ngày tôi đã đi qua ở xóm Khe Trong vi vút gió.
(CÒN TIẾP)







[1] Thập tải luân giao cầu cổ kiếm - Nhất sinh đê thủ bái Mai Hoa: Mười năm trôi qua cầu kiếm cổ - Đời ta chỉ cúi lạy hoa mai. (Một câu đối nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi của Cao Bá Quát.)




Về khi nắng còn thơm (1) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (1) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 1:25 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.