Về khi nắng còn thơm (9) - Lệ Hằng
XANH
XANH VÀNG VÀNG CỦA MÙA TIM TÍM
***
VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(9)*
Phần 2: NẮNG TRÊN LÀN TÓC THƠM
*****
Chớm hạ.
Trời đổi
màu xanh biếc, bốn bề ngập sắc nắng vàng thắm dịu. Cóc xoài chấm muối đã bắt đầu
rộ. Phải là cóc non, xoài xanh mới đáng để thèm chảy nước miếng.
- Ơ,
anh Tộp cho em à? - Bé Ti tròn xoe mắt nhìn gói muối với bọc xoài. Tay nó chưa
dám đưa ra tóm lấy cái bọc dù tôi đã chìa ra trước mặt nó.
Tôi ậm
ờ, sao cứng họng khó nói quá. Lỡ gật một phát rồi nó mang về cho mấy đứa em háu
ăn của nó thì tôi công cốc rồi. Tôi gãi đầu nhìn quanh nhìn quất cố tình tránh
ánh mắt chờ đợi của nó.
- Ờ,
thì… thì… thì mi mang qua trường trực cờ đỏ mà ăn cho vui.
Nó cười,
cả mắt cả miệng tươi như hoa hàm tiếu.
- Anh
Tộp cho chị Trang đúng khôn?
Ôi
chao, nó đọc được cả suy nghĩ của tôi.
- Ờ,
thì… răng cũng được, tau biết mô.
- Cho
chị Trang thôi hay có cho em nữa.
“Cái
con ngơ ngơ, ăn cóc ăn ổi ai mà ăn một mình, phải ăn có bạn mới vui chớ.” Tôi mắng
thầm nó nhứng miệng thì cười giả lả.
- Thì
ăn chung chơ răng nữa. Tau có nói cho ai riêng mô nờ.
Nó tí
tởn cho cái bọc vào cặp rồi nhảy chân sáo ra khỏi ngõ. Gió trưa nay sao mà mát
thế không biết, tôi nhảy lên giường ngáy cho thỏa giấc mộng trưa hè.
Bé Ti
trực cờ đỏ về lon ton chui qua hàng chè tàu. Vẻ hào hứng lộ rõ trên nét mặt.
- Muối
ngon chi lạ luôn anh Tộp nờ.
Tôi
không nói gì, chỉ cười xòa.
- Chị
Trang khen hoài i, ăn hết cóc bờ chị Trang chấm ngón tay mút hết sạch cả gói luôn.
Lòng
như mở cờ nhưng tôi cố làm ra vẻ thản nhiên.
- Muối
anh Tộp tự mần đó à?
- Ừ.
Tôi chỉ
“Ừ” đại cho qua chuyện không ngờ Bé Ti đem chuyện này kể với Trang. Trang nhìn
tôi cười tủm tỉm “Muối ngon dễ sợ. Con trai chi mà khéo tay dữ rứa khôn biết!”.
Tôi ngượng chỉ muốn úp cái nón vô mặt để trốn ánh mắt ấy. Đây là tuyệt đỉnh bí
kíp của mạ, mạ làm để đưa cơm buổi sáng sau khi nhường hết phần thịt cá cho
tôi. Mạ bắt chảo lên bếp, cho mỡ rồi tỏi vào phi. Tỏi hơi ngả vàng, mạ cho thêm
muối đảo đều xong bắt xuống bếp thêm ớt khô và chút bột ngọt vào trộn đều. Dù mạ
cho ớt khi chảo đã nguội bớt nhưng mùi ớt cay nồng vẫn bay tới tận nhà trên khiến
tôi ngứa mũi hắt xì liền mấy cái. Dưới bếp mạ cũng bắt đầu hắt xì. Đợi muối nguội,
mạ cho vào hũ thủy tinh cất trong gác-măng-rê. Muối này mà ăn cóc xoài ổi thì
ngon bá cháy bọ chét.
Cứ chiều
thứ Hai là Bé Ti ngả tay xin gói muối. Chẳng lẽ tôi keo kiệt đến mức làm một
gói muối cho tụi con gái ăn vặt mà cũng tiếc! Nhưng muối thì phải có thứ gì để
chấm ăn nên dù tụi nó chỉ xin gói muối nhưng thứ Hai nào tôi cũng dú[1] sẵn bọc trái cây đưa cho
nó. Đã lỡ rồi thì làm tới luôn cho trọn kiếp anh hùng.
Qua được
mấy tuần hân hoan suông sẻ thì trưa nay xui xẻo, chưa chuẩn bị được bọc trái
cây nào đã thấy Bé Ti ngoài hàng chè tàu. Lỡ chạm phải ánh mắt kỳ vọng đó ai nỡ nói
không. Không sao, cái đầu tôi còn tỉnh chán. Tôi đáp trả bằng một ánh mắt đầy hứa
hẹn và một giọng nói không thể hào hứng hơn.
- Ngày
ni tau có món ngon lắm, ngon đặc biệt lận. Để chút chiều tau mang qua cho tụi
bây.
Vì tôi
là tôi, tôi là cái thằng vừa mới phát ngôn nên tôi không thể nhìn rõ mình như
soi gương được nhưng tôi nghĩ lúc đó mặt tôi hơi vênh lên một chút còn mắt thì
nhìn xa xăm đầy bí hiểm.
- Anh
Tộp bật mí cho em với, em không méc chị Trang mô mà lo.
- Tào
lao tứ đế đi nờ, mắc mớ chi tau phải lo. Bí mật hắn mới ngon.
Tôi
không ngủ trưa mà hăng hái làm mấy việc mạ giao, vừa làm vừa coi đồng hồ cố
xong cho nhanh để lo công chuyện của mình. Tôi mớm trước với mạ là chút chiều
tôi cần qua nhà thằng Tuấn mượn cuốn sách, việc nhà xong xuôi mạ chắc chắn
không trói chân tôi lại. Khoảng ba giờ chiều tôi lượn ra Nương Gần. Nắng quá
chói chang, tôi sải những bước thật dài. Đám khoai đám đậu lùi dần sau chân
tôi, tôi vào hẳn lãnh địa của sắn. Tôi nép mình đi dọc hai hàng sắn lúc này đã
cao quá đầu và xòe tán rợp như dù che nắng. Đến gần cuối đường biên Nương Gần,
tôi rẽ khóm bình tinh xâm xấp dưới chân đi dọc hàng mít bắt mặt nhìn lên trên
cao. Gió mát rười rượi như ru ngủ. Dù là ngày nắng oi cao điểm khu vực này vẫn không
một chút hanh hao, nhìn thẳng lên trời chẳng hề chói mắt. Hơn chục cây mít mọc
san sát cành cao tán rộng đan chéo vào nhau ôm lấy khoảng nương xanh rậm rì. Mặt
trời vàng rực như chảo lửa trên cao lia từng sợi nắng căng đét xuống mặt đất,
hùng dũng như muốn xuyên thủng mọi thứ trước khi đáp đất nhưng lúc chạm phải
vòm lá xanh bóng bẩy này chúng buộc phải chùn bước. Nắng len lỏi tìm kẻ hở
xuyên qua vòm lá, tạo thành những chấm tròn chuyển động trên nền lá mục dưới
chân tôi. Những chấm tròn nhảy múa theo nhịp đung đưa của từng cơn gió hết dạt
sang trái lại dạt sang phải. Tôi ngửa cổ nhìn lên, từng đốm sáng nhỏ li ti chấp
chới lúc xa lúc gần tựa hồ bầu trời sao những đêm không trăng.
Tôi phải
nhìn lên tìm trên những cành cao mới ra được những chùm mít cám vừa độ ngon,
không quá non cũng không quá già. Những trái quá già lớp cám bên ngoài gần như
rụng hết và ngả màu hay bị sâu thối. Trái non thân còn quá xanh, cám ít ăn chát
nuốt không trôi. Chỉ những trái màu cám vàng ngà, cuống thon dài, vị chát vừa
phải ăn ngon đặc biệt. Và nhất là chỉ hái trái có cám, né hết lũ mít đái. Chính
trái mít đái ăn chát se thắt lưỡi, nghẹn đông đặc cuống họng này sau phát triển
thành trái mít non rồi mít già, mít chín thơm lừng, ngọt lịm. Dù mê đồ ngọt
nhưng với tôi sản phẩm từ cây mít ngon nhất không phải là mít chín cây mà là
món mít cám trộn muối mà tôi sắp trổ tài. Chọn được chùm ưng ý tôi trèo lên
cây, trèo hết cây này sang cây khác mới được bọc kha khá. Những chùm mít vừa tầm
tay hoặc chỉ cần dùng khoèo ngắn là với tới được đều không trụ nổi đến giờ này.
Cả mít đái tụi nó cũng vặt ăn khi không còn thứ gì để cho vào miệng nữa là mít
cám.
Hí hửng
xách bọc mít cám về nhà, tranh thủ lúc mạ chưa về tôi vào bếp lật thớt cắt mít
ra từng miếng nhỏ rồi cho cho vào tô. Hũ muối gia truyền của mạ chỉ còn lại một
góc nhưng vẫn dư cho tôi trộn hết mớ mít này. Xong đâu đó thấy nước bắt đầu rỉ
ra tôi nếm thử một miếng, ngon nhức răng.
Tôi
phóng sang trường với niềm tin gần như là chân lý: mít cám trộn muối là đệ nhất
ăn hàng ăn vặt và với niềm kiêu hãnh: chỉ tôi mới có món muối rang chấm mút tay
không cũng ngon quằn quại. Và với niềm hạnh phúc vô bờ bến: chiều nay ít nhất
là có hai đứa con gái đang chờ tôi.
Như lần
trước, tôi dựng xe ở hàng rào thò đầu lên nhìn vào phòng trực. Trang và Bé Ti
đang túm tụm chơi trò gì đó trên bàn trực, có lẽ là cờ ca rô. Tôi suốt ruột như
muốn hét toáng lên “Bé Ti ơi, tau qua rồi nì, ra mà lấy”. Mãi mười phút sau vẫn
chẳng có đứa nào ra khỏi phòng. Món mít giờ nước đã rỉ ra nhiều hơn, sợ ăn muộn
sẽ mất ngon nên lòng tôi lửa đốt. Hết tiết tư, Bé Ti cùng một đứa khác đi ra khỏi
phòng. Tôi thò đầu lên khỏi tường lù lù đây mà nó không liếc cái nào. Cổ họng
tôi nhướn lên như muốn gọi to “Ti, Ti…” mà nhắm chừng khoảng cách xa quá, phải
hét mới nghe thấy. Theo thói quen, tôi đưa tay lên miệng huýt một phát thật
dài, rồi thêm phát nữa. Bé Ti quay lại thật, tôi mừng rỡ dúi bọc mít cám vào
tay nó.
Cái cổ
con kỳ lân lúc này êm ái làm sao. Tôi cố giấu niềm hạnh phúc để giữ cho mình sự
bình thản lạnh lùng nhưng dường như cả thế giới chống lại tôi. Trời không đứng
gió, vòm cây vông đồng lá gõ vào nhau sao mà rạo rực dữ. Lũ ong lũ bướm bay vờn
vờn trên cây nhãn trong sân đình cũng tíu tít. Cả mấy con chim bói cá chao liệng
trên mặt sông nom cũng thật hạnh phúc. Nắng chiều chiếu nghiêng vào mặt sông
sóng sánh, từng vạt nước loang loáng đuổi nhau trong một vũ điệu nhịp nhàng.
Tôi sao có thể giấu niềm hạnh phúc cũng đang long lanh như nước.
- Anh
Tộp!
Giật
thót cả người, tôi quay lại. Bé Ti đang bu vào cổng đình ngay sau lưng tôi. Mặt
nó hớt ha hớt hải.
- Anh
Tộp vô chơi đi anh Tộp.
- Ngu
ghê mi, vô đường mô, không thấy cổng đóng à.
Cổng
đình thì đóng quanh năm suốt tháng, chỉ mở những ngày có việc tế tụng hội hè. Cổng
phụ của trường cũng đóng để ngăn cản lũ ham chơi lười học nửa buổi xách xe ra về.
Cổng chính chỉ dành cho cán bộ giáo viên. Chắc ý nó là tôi phải dùng bảy hai
phép biến hóa như Tôn Ngộ Không để biến thành con ruồi bay vô.
- Anh
Tộp nhảy qua hàng rào, chỗ nớ tề.
Nó chỉ
tay vào chỗ bờ tường bị sứt bên cạnh con kỳ lân. Chẳng hiểu sao bờ tường ở đó lại
bay mất một miếng to, vết sứt đã lâu thấy rõ cả màu thời gian từ đám rêu đen xì.
Phải rồi, tôi không có bảy hai phép thần thông nhưng tôi có thể trong một khắc
nhảy qua bờ tường đồ sộ này lanh lợi chẳng kém gì con khỉ Ngộ Không. Tôi dựng
xe vào sát con kỳ lân, bấm ổ khóa lại rồi tìm chỗ đặt chân trèo lên tường. May hôm
đó hai thằng giặc lớp tôi đã rủ nhau đi đánh bi da, đội trực chỉ còn mình Trang
lớp Chín với ba đứa lau hau lớp Sáu, thêm tôi vào thì cũng chỉ mới có năm người
chưa quá đông để cô tổng phụ trách nghi ngờ kẻ lạ đột nhập phòng trực.
Không
quen với cảnh ngồi chung bàn với Trang, ở một cự ly gần thế này nên tôi lóng
ngóng như gà mắc tóc. Tôi cố ý ngồi xa xa ra một tí và im lặng để tụi nó được tự
nhiên, nhưng Bé Ti không cất cái miệng láu lỉnh bép xép đi được. Nó nhìn tôi chằm
chằm rồi tỉnh bơ.
- Anh
Tộp ăn cho vui.
- Cái
ni anh Tộp hái cực bắt chết mà tụi em ăn chắc dị chết…
Nói mấy
lần không thấy tôi nhúc nhích thì nó kéo tay áo tôi làm tôi phải ngồi xích lại
gần. Có lẽ vì tôi nên Trang không được tự nhiên cho lắm, tôi liếc thấy Trang
ngượng ngịu đưa tay lên vuốt tóc đến mấy lần. Hai đứa lớp Sáu kia cũng dè dặt.
Nghĩ thấy mình cứ ngồi như phỗng thì tụi nó không thoải mái nên tôi nhập tiệc,
tôi bốc vài miếng mít cám cho vào miệng rồi cũng hít hà như tụi nó. Tôi nhận ra
mình thiếu sót quá, nếu lúc nãy tôi vơ theo một ít tăm tre thì đội ăn vặt này
được một phen ăn uống lịch sự thanh cảnh rồi… Mãi nghĩ vẩn vơ, từ chỗ chỉ ăn
cho có lệ để tụi nó không thấy ngại tôi chuyển sang tấn công nhiệt tình, tay bốc
thoăn thoắt với tốc độ con thoi. Mãi đến lúc Bé Ti tỵ nạnh tôi cuỗng mất miếng
mít ngon của nó đến mấy lần tôi mới choàng tỉnh. Té ra mình ham vui ăn nhanh hơn
cả tụi nó.
Tôi chẳng
thèm quan tâm, Bé Ti bực quá quăng luôn cái câu độc địa mà đáng ra nó nên giấu
trong lòng.
- Khi
hồi thì không chịu ăn, mời bắt mệt i mà chừ thì ăn nhanh hơn chi nữa…
Nó lườm
tôi. Lúc này thì miếng mít với muối cay xè chặn ngang họng tôi làm tôi sém chút
nữa là sặc, nếu tôi không kịp kiềm chế e là nó văng ra khỏi họng. “Mình vô
duyên quá hè” tôi tự xỉ bản thân nhưng ngoài miệng vẫn tìm cách chống chế.
- Ai vẹ
mời chi, mời nhiệt tình thì họ phải ăn nhiệt tình chơ răng nữa.
Trang
tủm tỉm lấy tay che miệng cười, hai đứa cùng lớp với Bé Ti cũng cười theo riêng
nó vẫn giận dỗi “hứ” một cái rõ dài. Ngại hả? Thẹn hả? Giờ thì không còn đất
cho chúng nữa rồi. Đứa nào đứa nấy lao vào cuộc chiến “tay ai nhanh người đó hưởng”.
Năm cái đầu chụm vào nhau, năm cái tay thò ra thụt lại đưa lên miệng hít hà
nhanh như chớp. Chỉ trong nháy mắt miếng mít đụt cuối cùng đã trôi theo dòng nước
bọt ừng ực xuống dạ dày của đứa nào đó.
Bình
thường học một tiết bốn lăm phút ngỡ dài như cả thế kỷ, lúc nào cũng hóng tiếng
trống đổi tiết đến mỏi mòn héo úa nhưng lúc ngồi xúm xít lại nói chuyện tầm
phào chọc qua chọc lại năm phút mười phút cứ trôi vèo vèo. Chuyện thì tưởng như
nói tới sáng mai cũng không hết mà thoáng cái đã đến giờ về. Chính xác lúc
chúng tôi đồng loạt nhìn đồng hồ thì nó đã chỉ năm giờ năm. Hôm nay trái đất
quay chậm năm phút nên cả ngôi trường cùng chậm năm phút. Vậy mà cái đứa ích kỷ
là tôi vẫn đang ước thầm giá như mình có thể níu cái kim đồng hồ thêm năm phút,
rồi thêm chục lần hoặc vài chục lần năm phút như thế nữa.
Cả
quãng đường rộn ràng từ trường về tới cầu chữ Vê cũng quá ngắn. Hai chị em nó
đi đằng trước, tôi phải luyện để thi xe đạp chậm ở đằng sau. Tôi tập kít phanh
thường xuyên và không dùng lực tác động vào pê-đan, cái xe hết nghiêng đằng đông
thì ngả sang đằng tây. Dù căng màng nhĩ nhưng tôi vẫn không nghe chúng nó thì
thào gì với nhau chỉ thấy tụi nó tủm tỉm cười rồi nói khẽ vào tai nhau. Chốc chốc
tụi nó quay lại nhìn tôi rồi đi tiếp. Đúng là đồ con gái nhiều chuyện, bày đặt
ngại ngùng bí mật nữa chứ. Kiểu này chắc là nói về tôi rồi đây, tôi tự vấn chẳng
biết lâu nay tôi có làm gì không tốt, có xử tệ với Bé Ti lần nào làm nó ôm hận
không? Dù nó là đáng tin nhất quả đất rồi nhưng con gái khó lường quá à.
Gió nồm
thổi miên man cả bầu trời hạ. Từng chùm mây xốp trắng muốt vần vũ dắt nhau về
dãy núi phía Tây. Có lúc chúng cuộn vào nhau như đang gối đầu ngủ, có lúc lại dạt
ra như đang đuổi bắt. Những cục bông đổi màu lúc cam lúc hồng ôm lấy ông mặt trời.
Qua khỏi cầu Chữ Vê, tôi đèo Bé Ti đạp nhanh về chứ không mạ thấy đi lâu mạ lại
tế[2] cho.
- Anh
Tộp biết chi chưa? Sắp tới sinh nhật chị Trang rồi đó.
Sinh
nhật. Hai từ lạ lẫm này dường như chưa có ý nghĩa gì với tôi. Tôi chưa từng được
ai tổ chức sinh nhật, chưa từng nhận quà hay lời chúc mừng sinh nhật nào. Và
cũng chưa từng tặng quà sinh nhật cho ai. Ngày sinh của tôi chỉ là những con số
vô hồn trên giấy khai sinh, năm nào cái ngày ấy cũng trôi qua như bao ngày khác
nên đương nhiên ngày sinh của người khác đối với tôi cũng vô nghĩa thế thôi.
- Anh
Tộp tặng quà sinh nhật cho chị Trang khôn?
Gợi ý
bất ngờ của nó làm tôi sực tỉnh. Sinh nhật Trang hẳn là một ngày đặc biệt, mà
ví như nó chưa đặc biệt thì tôi phải làm cho nó thật đặc biệt. Tôi đã có trợ thủ
là Bé Ti, việc bí mật tặng quà cho Trang chắc chắn êm xuôi. Tôi sẽ nhân cơ hội
này để bày tỏ tấm lòng của tôi với Trang. Mải lo suy nghĩ quên lấy đà nên mới đến
chân dốc cái xe đã đứng ì ra đó. Tôi dắt xe đi trước, Bé Ti đi sát bên dùng tay
đẩy xe lên phụ tôi. Năng lượng của tôi tôi dành hết cho những suy nghĩ nửa e ngại
nửa háo hức về cái sinh nhật mất rồi. Bé Ti cũng vậy. Sinh nhật Trang mà nó nhiệt
tình còn hơn sinh nhật nó. Nó nói đủ điều về ý nghĩa ngày sinh nhật sợ tôi
không biết rồi gợi ý đủ thứ quà trên trời dưới đất, tiếc là gợi ý nào tôi cũng
thấy chưa chưa hài lòng.
Về đến
Khe Trong, tôi cho xe dựng dưới hiên nhà. Chưa tắm rửa vội tôi nhảy lên giường
nằm nghĩ mông lung. Sau vườn có tiếng sột soạt. Là hai chị em Bé Ti. Tụi nó lúi
húi dưới cây khế nhặt nhạnh mấy thứ li ti vừa rớt xuống đất.
Hoa khế.
Đã vào
mùa hoa rộ, màu tím bảng lảng chen chúc trong vòm lá xanh. Cây khế chua xứng tầm
cổ thụ này nằm lập lờ trên ranh giới vườn nhà tôi và vườn nhà nó. Xem kỹ thì
khoảng bảy mươi phần trăm thân cây thuộc về nhà tôi, ba mươi phần trăm thuộc về
nhà nó. Mạ nói “đất đai chứ người không đai” nên nhà tôi và nhà nó chẳng bao giờ
đo đạc phân chia, ranh giới chỗ nào cũng lập lờ như thế. Mạ nói chí phải hẹp
hòi chi mấy tấc đất mà đo với đạc nhưng mấy năm trước tôi vẫn lấy lí do cây khế
nằm trên đất nhà tôi nhiều hơn để cho mình cái quyền bắt nạt ba chị em nó. Tôi
cấm tụi nó dùng khoèo hái khế mà chỉ được lượm khế úng chín rụng trên đất. Khế
này chua nhưng sao chua bằng chanh được nên lựa quả hơi già, độ chua vừa phải,
da chuẩn bị ngả vàng đem gọt cạnh, cắt lát chấm muối ớt ăn ngon thấu mấy ông trời.
Cây mới ra hoa thôi mà nghĩ tới đã rệu nước miếng thành dòng trong khoang miệng.
Chả thế mà ai nấy thèm khế còn tôi thì được thể ra oai cho dù đến mùa rộ trái cả
xóm xúm lại ăn cũng không ngót được. Trái mọc thành chùm lủng lẳng trong tán lá,
nhiều không đếm xuể. Vòm lá xanh mượt mà bao nhiêu thì thân đen trùi trũi nom già
nua gầy gò bấy nhiêu. Là nom vậy thôi chứ mạch nguồn dinh dưỡng trong lòng đất
vẫn ngày ngày chảy ngược lên trên. Chảy đến từng cái chồi mới nhú mơn mởn khi lập
xuân. Chảy đến từng đọt lá xanh nõn nà chót vót cuối cành. Và chảy đến từng cái nụ bé bằng hạt gạo tim tím hồng hồng trồi ra
giữa cành khẳng khiu. Để mùa hoa về. Để ong bướm kéo nhau về dìu như họp chợ. Để
chị em Bé Ti cặm cụi nhặt nhạnh từng bông khế nhỏ li ti như nhặt từng viên ngọc.
Chẳng
biết nó nhặt để làm gì, khi mà chỉ qua hôm sau chúng sẽ bắt đầu héo và vài ba
hôm nữa thì dập nát úa nhàu. Lũ con gái luôn là chúa mơ mộng, biết đâu cái thứ
rụng nhan nhản trên đất đó lại được tụi nó coi như là ngọc ngà châu báu. Không
biết Trang có thích mấy thứ tào lao như Bé Ti không nhỉ? Chắc là không.
Khoảng
cách đến ngày sinh nhật của Trang ngày một ngắn mà tôi vắt cạn óc vẫn chưa tìm
được ý tưởng nào hay ho. Đúng ra là cả tôi và Bé Ti cùng làm việc này. Từ nhà đến
trường, từ trường về nhà chúng tôi nói hoài chuyện sinh nhật Trang tặng gì cho
thật ý nghĩa. Đúng một tuần ròng rã như thế thì đến ngày nó đi trực cờ đỏ lại.
Vừa ở trường về chưa thay đồ tắm rửa, cái khăn quàng còn nguyên trên cổ áo nó
đã chạy lên tìm tôi. Nó gọi tôi giật giọng như ăn cướp. Vừa gọi nó vừa vẫy tay
ngoắc tôi ra chỗ hàng rào chè tàu. Tôi mừng khấp khởi, nhìn mặt nó là biết có
tin tốt lành.
- Anh
Tộp biết chị Trang thích chi khôn?
Tôi khẽ
lắc đầu. Hỏi vớ va vớ vẩn, tôi mà biết thì còn cần nó làm gì.
- Chị
Trang thích Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài đó anh Tộp nờ.
Nó uống
lộn thuốc hay sao mà báo với tôi cái tin vô nghĩa đến thế. Lương Sơn Bá, Chúc
Anh Đài trên phim thì đứa con gái nào chẳng thích. Tối qua ti vi phát tập cuối
cùng, tôi chắc ne cái cảnh Chúc Anh Đài nhảy xuống mộ của Lương Sơn Bá rồi hóa
thành cặp bươm bướm một xanh một vàng bay lên làm tụi con gái mê tít thò lò. Kiểu
chi tụi nó cũng cho rằng cảnh này là đẹp nhất ý nghĩa nhất phim và bắt đầu mơ mộng
chừng nào mới tới lượt mình làm Chúc Anh Đài. Mấy chuyện hoang đường này chỉ phỉnh
phờ được tụi con gái, tôi xem chỉ buồn cười. Vả lại đó là phim, tôi làm sao có
thể mang hai nhân vật hoang tưởng này đem tặng Trang mà nó nói. Nó làm tôi hụt
hẫng như bị ném từ trên đỉnh núi xuống vực sâu.
- Chị
Trang coi đoạn cuối chị Trang khóc luôn đó.
Trang
đã khóc thật ư? Tôi hình dung đôi mắt ướt át của Trang lúc đó chắc nhìn thương
lắm. Nhưng chuyện một đứa con gái khóc khi xem phim thì cũng chẳng có gì lạ. Và
nó chẳng giúp tôi gỡ mớ bòng bong trong đầu được.
- Thì
răng? Có chi mô mà mi nói? - Tôi cáu kỉnh cắt ngang.
- Hay
là anh Tộp ép tặng chị Trang cặp…
Bé Ti
mới nói đến đó thì từ dưới bếp tiếng “Bơ Tộp” của mạ vang lên muốn nổ lỗ tai.
Tôi “Dạ” rồi quay lưng đi vào và không quên ném sang bên kia hàng chè tàu sự bực
dọc đang xâm chiếm trong đầu.
- Mi
toàn nghĩ ra cái chi chi mô á.
Gần một
tuần nữa thôi là sinh nhật Trang rồi. Làm sao đây? Hơn mười một giờ đêm mà hai
mắt tôi vẫn thao tháo không nhắm lại được. Tôi nằm gác chân lên cửa sổ nghe tiếng
thở đều đều của ba. Chắc ba lại nằm không đúng tư thế nên ba thở mạnh dần rồi
ngáy như sấm phá vỡ cả sự tĩnh mịch của đêm. Trăng già, mảnh trăng mười tám
khuyết mất một góc treo lơ lửng bên ô cửa sóng sánh rọi vào mặt tôi. Khu vườn
còn thức, tiếng chim trở mình trong tán lá lích chích rồi tiếng chàng hương tiếng
giun tiếng dế kéo đàn gõ nhịp lao xao. Gió núi lồng lộng thổi ra, khu vườn rào
rạt. Từng chùm hoa khế ngửa cổ uống sương đêm, uống cả trăng. Hoa nhỏ xíu xiu
mà sức quyến rũ lạ kỳ. Hai hôm nay tôi đã thấy bóng mấy con ong Vồ bặm trợn lượn
lờ chỗ cây khế, chắc chúng sẽ bạ tổ trên cây. Loài ong này có ngòi đốt nhức khủng
khiếp. Vết đốt sưng to như cái trán bị vồ ra. Có lẽ vậy nên nó có tên là ong Vồ.
Tôi nghĩ
mông lung hết thứ này sang thứ khác chặp cũng hết chuyện. Chợt nhớ lại chuyện
lúc chiều “Hay là anh Tộp ép tặng chị Trang…” nó muốn tôi ép tặng Trang gì vậy
nhỉ? Nhớ lại vẻ mặt háo hức đến tội nghiệp của nó lúc đó cảm giác có lỗi khi
không dâng lên trong lòng, như sóng trào, như nước lũ, cồn cào ruột gan. Nó vì
chuyện của tôi mà lăn tăn suốt ngày, tặng quà sinh nhật cho Trang cũng là từ
cái đầu của nó mà ra. Chưa ngủ được đã mong trời sáng, và phải sáng nhanh nhanh
để tôi chở nó đi học hỏi nó lại chuyện lúc lúc chiều chuộc lỗi. Kệ, vớ vẩn thì
có làm sao!
- Ý em
là ép tặng chị Trang hai con bươm bướm như trong phim á.
- Răng
như phim được mi?
- Dễ
òm à. Trong phim một con màu xanh, một con màu vàng. Em thấy mấy con xanh xanh
vàng vàng nớ bắt đầy sau nương tề.
Nó cười
khúc khích. Tôi không nhìn nhưng đã quá quen với ánh mắt long lanh của nó.
- Đó sẽ
là hai con bươm bướm bất tử. Chị Trang sẽ hiểu anh Tộp rất thích chị Trang.
Tôi vỗ
tay đốp đốp vào đùi như mỗi lần ba khoái chí, miệng thốt lên:
- Hay!
Ý nghĩ
về một thứ do tự tay mình làm, ý nghĩ về từ “bất tử” Bé Ti vừa phát ra và thông
điệp mà tôi sắp gửi đến Trang như nhấc bổng tôi lên không trung. Ồ, có khi nào
tôi cũng thành một Lương Sơn Bá?
Tôi lắng
nghe chỉ thị của Bé Ti thật kỹ. Tôi chưa từng làm mấy việc kỳ cục này bao giờ,
nó thì rất kinh nghiệm. Mùa hè năm ngoái có con bướm xấu số bay vào vở nó đúng
lúc nó gấp cuốn vở lại. Mấy tháng sau con bướm vẫn còn nguyên. Nó khám phá ra
con bướm bất tử khi đã hết hè nó sửa soạn tập sách cho năm học mới. Nó còn biểu
tôi sau khi ép xong thì đem phơi nắng vài hôm. Tôi khẩn trương vô cùng.
Mùa
hoa khế rộ đã đạt đỉnh điểm, đứng xa xa nhìn lại sắc tím hồng pha trắng rung
rinh theo gió như một cái dù hoa. Lũ bướm dặt dìu muôn hình muôn vẻ. Tôi tưởng
cứ ra đó đứng rồi sẽ tóm được con như trên phim ai dè việc cỏn con nhưng không
hề dễ. Cũng lắm con sắc vàng sắc xanh tương tự trong ảnh nhưng con nào xinh đẹp
kiêu sa đều bay tuốt trên xa, y như lũ chuồn chuồn. Tôi nhìn chằm chằm vào mấy
con bay trước mặt, con thì màu nhợt nhạt quá, con lại chẳng có hoa văn gì trên
cánh. Đợi mãi đến khi mặt trời khuất sau đọt bạch đàn mới tóm được một con tạm
tạm. Nó không đẹp như mong chờ nhưng đã gần đến giờ mạ có việc phải réo tôi nên
đành ngậm ngùi chấp nhận. Vẻ đẹp của cái lũ được xem là thiên thần này nằm ở sự
kết hợp hài hòa giữa màu sắc và họa tiết. Con tôi vừa tóm được cánh màu vàng
tươi rói nhưng đường viền và chấm bi trên cánh nó chưa được tinh tế lắm. Tôi gặp
không biết bao nhiêu con có họa tiết đường nét sắc sảo hơn con này nhiều nhưng
lúc gặp thì chẳng cần còn khi cần thì chẳng gặp. Thằng tôi hơi rầu. Đời là vậy
đó. Bé Ti khen đẹp, chắc nó an ủi tôi.
- Đẹp
chi mô nà, nhiều con đẹp gấp mấy lận.
- Mấy
con nớ bay cao quá phải khôn anh Tộp?
Ui
cha, nó biết hết trơn. Đúng là giả dối. Con gái là chúa giả dối.
- Mi
biết rứa răng còn nói con ni đẹp.
Bé Ti lật
ảnh ra so.
- Mà hắn
cũng gần giống con trong ảnh rồi nì. Khôn cần phải đẹp nhất mô anh Tộp nờ.
Nói
chi lạ, tấm lòng tôi dành cho Trang phải là đẹp nhất. Tôi cương quyết.
- Mai
tau bắt con khác.
- Chiều
mai em được nghỉ để em bắt cho.
Giờ
tôi mới nhớ ra là cả chiều mai và chiều mốt tôi đều không được ở nhà. Mai tôi
thi thể dục cuối kỳ còn mốt thì phải xuống Ủy Ban xã làm chứng minh nhân dân. Tất
cả phải cậy vào tài năng của Bé Ti rồi.
May
phước lớp tôi thi thể dục ca đầu nên được về sớm. Mấy đứa trong tổ rủ ra quán
nước mía, tôi giả vờ ậm ờ rồi lẳng lặng dắt xe vòng ra hướng khác chuồn về nhà.
Bé Ti có vẻ am hiểu mấy con có cánh trong vườn này nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn
yên tâm.
Tôi thả
chiếc xe xuống hiên chẳng buồn dựng chân chống, nhắm hướng cây khế lao ra. Hoa
khế trải một tấm thảm tím mơ màng quanh gốc cây. Nhìn kỹ trên cây những trái khế
xanh non đã nhú ra, hùng hổ mọc chen ngang giữa chùm hoa mảnh mai dung dị.
Chúng bạo dạn dùng sức trẻ nõn nà lấn lướt cả sắc hoa sắp sửa bước vào độ cuối.
Tôi nhìn quanh nhìn quất chẳng thấy Bé Ti đâu, lòng hụt hẫng. Nó nói với tôi
như thế mà lại quên chạy chơi đâu mất rồi. Tôi ngửa cổ nhìn thẳng lên cây thở
dài một phát cho đỡ bực. “Dị chưa tề”, thoáng bối rối tôi đưa mắt nhìn đi chỗ
khác vì cái đứa tôi đang trách đang chùm hum trên chạc ba. Nó tài thiệt, cái tướng
con gái mảnh dẻ vậy mà trèo được lên chỗ đó. Lâu nay có thấy nó trèo cây lần
nào đâu. Một tay nó ôm vòng qua cây khế, tay kia cầm cái vợt bằng vải mùng. Chắc
nó mới vừa làm lúc nãy. Mấy vòng dây xanh đỏ đan qua đan lại trên sợi dây thép
méo mó làm miệng vợt nom buồn cười không chịu nổi, vậy mà trong cái túi nylon
nó ngậm ngang miệng đã có một con bướm màu thiên thanh. Dù đứng xa nhưng tôi vẫn
bị vẻ đẹp ấy hút hồn. Bé Ti nhìn xuống thấy tôi nhưng miệng đang bận ngậm cái
túi nên nó không nói gì cả. Nó tiếp tục ngắm một kỳ quan khác xa hơn. Nó rướn
người, nép sát rạt vào thân cây khế rồi đưa cái vợt lên cao. Tôi biết nó đang cần
tập trung nên tôi đứng im bất động. Gió rì rào ru trong tán lá, hoa khế lả lả rớt
dưới chân tôi.
Bé Ti
chuẩn bị ra đòn chốt hạ thì trời xui đất khiến thế nào mà con ong Vồ to hơn
ngón tay cái vù vờ bay tới lượn ngay trên đầu nó. Tiếng ong bay vù vù, tôi đứng
dưới còn nghe rõ. Bé Ti nín thở, tôi đoán vậy. Con ong bay xa hơn một chút
nhưng nó không rời bỏ mục tiêu. Loài ong này bám dai như đỉa, một khi chúng đã
chọn mục tiêu cho mình thì đừng hòng chạy thoát. Tôi nhớ có lần chú Tí Yết chọc
phá tổ ong Vồ trong Nương Gần, chúng kéo nhau dàn thành hàng rượt theo. Bí thế,
chú nhảy xuống khe lặn sâu dưới nước để lũ ong mất mục tiêu quay về tổ. Lừa được
chúng đâu có dễ, chúng vờn tới vờn lui trên mặt khe không chịu đi, chú ngoi đầu
lên lấy hơi lần nào cũng bị chúng sà xuống đốt, may là toàn hụt. Sau một hồi vờn
qua vờn lại như đánh giặc, chú Tí lặn bơi qua bờ bên kia rồi lăn vào giữa vồng
đậu lổm nhổm bò dọc theo luống đậu chạy vào nương Xa tránh ong.
Bé Ti
cũng biết điều đó, nó nhẹ nhàng thu mình lại, tụt xuống. Nó ngồi hẳn trên chạc
ba tìm chỗ gác chân để rút. Con ong thấy Bé Ti cử động liền chồm xuống co cánh
lại sát bên tai nó. Bé Tí luống cuống thả mình xuống đất. Tôi chạy tới chỉ cách
một sải tay nữa thôi.
- Bé
Ti…
Tôi
hét lạc cả giọng mà không cứu được nó khỏi mảnh sành vỡ nằm trơ trọi dưới gốc
cây. Mảnh sành cắm vào chân Bé Ti, máu chảy ra ướt những bông khế tím hồng. Tôi
tái mặt. Con ong Vồ vẫn bay vù vù gần chỗ chúng tôi. Tôi chụp lấy vợt quật nó một
phát nhốt vào trong vợt rồi úp cái vợt xuống đất. Tôi gỡ mảnh sành ở chân Bé Ti
ra, máu chảy loang lổ trên nền đất nâu. Tôi xốc người nó lên, quàng hai tay nó
qua vai cõng vào nhà, chân giẫm trên cái thảm hoa vừa mới được nhuộm thêm màu đỏ
tươi roi rói.
Tôi vơ
vội cái áo trắng cũ, mở hộp thuốc của mạ lấy ra chai Ô-xy già rồi kéo chân nó
gác lên ghế, xịt Ô-xy già sát trùng xong cột cái áo thật chặt vào vết thương để
cầm máu. Vừa làm vừa nơm nớp lo cho nó. Cũng may máu thôi chảy thành dòng. Tôi
nhìn lên, bật cười sặc sụa như bị ai cù lét.
- Mi
lì ghê a hỉ. Bị rứa mà chừ còn ngậm cái bao. Tau tưởng mi mần rớt khi hồi rồi
chơ.
Bé Ti
nhả cái túi trong miệng ra đưa cho tôi.
- Em
ngậm khi chừ chơ có mở miệng mô mà rớt.
- Mệ
đau rứa mà mệ không quên hắn luôn. Con sợ mệ rồi đó. Mệ nhận của con một lạy đi
mệ.
Tôi vẫn
chưa nhịn được cơn cười rũ rượi. Nó quạu mặt.
- Đau
thì đau chơ ngu chi mà quên. Em bắt hắn bắt mệt i.
Tôi
nhìn lại nàng tiên (hay chàng tiên) đang bị nhốt trong túi nylon. Đúng là một kỳ
quan. Nó đẹp hơn lúc tôi đứng dưới nhìn lên rất nhiều, và đương nhiên đẹp gấp mấy
chục lần con bướm trong ảnh. Bé Ti hí hoáy móc trong túi quần ra một gói nhỏ
đưa cho tôi. Tôi cầm lật qua lật lại mà vẫn không xác định được đó là thứ gì,
có lẽ do tôi chưa hoàn hồn và lại bận cười.
- Anh
Tộp ngó rứa mà khôn biết à?
- Hỏi
ngu, biết rồi mắc mớ chi tau hỏi. - Tôi vẫn giữ giọng kẻ cả bề trên như mọi
khi.
- Bông
khế khô đó, em phơi mấy bữa chừ rồi.
Tôi
nhìn nó đầy thắc mắc.
- Để
anh Tộp mần quà tặng chị Trang đó.
- Là
răng? Mi nói rõ rõ cái coi, nói rứa ôn nội ai mà biết.
- Là
ri nì, anh Tộp ép khô hai con bướm rồi lấy bông khế dán thành chữ “I love you”
vô nữa cho đẹp. - Nó thỏ thẻ nói từng từ thật chậm để cái đầu u mê của tôi có
thể tiêu hóa được mớ chữ nghĩa ấy.
Nghe đến
đó thôi đã thấy ngượng vô cùng. Tôi chưa bao giờ dám tưởng tượng đến chuyện
mình sẽ nói ra những điều như thế, hoặc là tương tự thế với Trang hay với bất kỳ
đứa con gái nào khác.
- Phức
tạp rứa à? -Tôi hỏi nó và cũng là tự hỏi mình.
- Khôn
thì anh Tộp mần hai trái tim cho khỏe. Hai trái tim nớ coi như là của Lương Sơn
Bá, Chúc Anh Đài mà cũng coi như là của anh Tộp và chị Trang luôn.
Tôi im
lặng, mắt nhìn xa xăm, lòng phấn khởi vì đã mơ hồ nhìn thấy hình hài món quà. Tôi
gật gù nói khẽ với Bé Ti.
- Hai
trái tim là được rồi.
Bé Ti
hớn hở, tiếng cười khúc khích trong veo. Nó cũng ngước lên nhìn xa xăm như tôi.
Ôi chao, mắt nó sao mà trong đến thế, trong leo lẻo, trong veo veo, ngân ngấn
nước.
(CÒN
TIẾP)
Về khi nắng còn thơm (9) - Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
11:30 PM
Rating:

No comments: