Về khi nắng còn thơm (8) - Lệ Hằng
CỤC
NỢ SAU YÊN XE
***
VỀ
KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN
DÀI – LỆ HẰNG
*(8)*
Phần
2: NẮNG TRÊN LÀN TÓC THƠM
*****
Tôi
nhoi mông rướn người lấy đà quay những vòng xe thật mạnh, trước mắt tôi là dốc
Trụ Điện sừng sững ngoằn ngoèo được ôm bởi hai dải ruy băng xanh rì khiến con
đường như hẹp lại. Tre hóp, nứa, nho đất, muồng xuổng mọc đan vào nhau lòa xòa
ra cả lối đi. Vừa qua khỏi nhà Mệ Xanh, nhác thấy cái dốc là tôi bắt đầu lấy
đà. Hùng hổ như thế thì xe mới bò lên dốc được bằng không nó đứng ì ra đó như
con trâu khi nó lì hò mãi không chịu bước và tôi phải nhảy khỏi yên chồm người
ra đằng trước dắt xe lên. Cái thằng tôi tội nghiệp không chỉ đi một mình, nó
còn đèo cả cục nợ sau lưng. Chỉ tại mạ hết.
…
- Thằng
Tộp hắn đi một chắc[1]
chơ mấy. Để tui nói hắn chở con Ti cho.
- Được
khôn hèo?
- Được
chơ răng khôn, cái yên sau lù lù đó tề mắc mớ chi khôn được.
Trút
được gánh nặng, mạ Bé Ti giãi bày.
- Cả
ba đứa đứa mô cũng đóng tiền học tui xoàng luôn chơ mô. Còn sắm sửa nữa chơ,
không sắm thấy hắn mặc mãi đồ cộ[2] thì tội.
Mạ cầm
rá rau sam tới ngồi gần hơn nghe tâm sự.
- Con
Ti đã cọt[3] rồi mà ngày mô cũng đi bộ
qua tới trường Đình chắc hắn cọt hơn nữa. Bữa nớ ba hắn hỏi mua cái xe đạp cũ
ngó cà tàng mà họ nói mấy trăm lận. Chị nói thằng Tộp giùm tui với hỉ.
Mạ chắc
không ngờ tôi nghe trọn vẹn rõ rành đến vậy, và mạ càng không ngờ là thằng con
trai của mạ đang tức muốn hộc máu trên giường đây này. Mạ chưa hỏi tôi mà đã chắc
ne như thế có nghĩa là mạ sẽ đàn áp tôi, bắt tôi chở Bé Ti đi học. Tôi cân não nghĩ
cách thoái thác. Phải chỉ điểm một đứa khác gánh mình mới được. Xóm Khe Trong
này thì nằm trong lòng bàn tay tôi rồi. Mấy đứa lớp Bảy lớp Tám học buổi chiều
nên loại ngay không cần điểm danh. Lớp Chín và lớp Sáu học buổi sáng nên tôi mới
bị cột vào cái cục nợ tên Bé Ti. Cầy Em thì phải chở thằng em nó thả xuống trường
Tiểu Học số 2 Thủy Phù rồi mới đạp qua trường Đình. Bé Hạ mới tậu được con xe đạp
cũ và nó cũng đèo em như thằng Cầy. Bé Sen đi chung xe với thằng Tèo. Hai đứa
nó là anh chị em cô cậu với nhau. Vậy là hết. Tôi tuyệt vọng như muốn gào lên: “Mạ
mần rứa là mạ giết con rồi mạ ơi!” Bé Ti người như cây tăm, đèo nó chắc chắn
không quá nặng nhọc nhưng tôi không thể để cái yên sau của mình lúc nào cũng bận,
yên sau phải trống để thi thoảng còn rước “bóng hồng” của tôi một đoạn chứ.
Cũng
chỉ mới hồi học kỳ hai năm lớp Tám tôi chẳng hiểu tại sao mắt mình cứ nhắm tọa
độ bàn thứ hai, tay trái, ngoài cùng. Xoay trái, xoay phải, mở cặp, lấy vở,
chép bài… hành động nào tôi cũng dán mắt theo dõi cho đến khi buộc phải cúi xuống
chép bài như ai kia. Dù tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ vờ như chẳng quan tâm
ai đang ngồi trên đó, cách tôi hai bàn, nhưng kỳ thực nhất cử nhất động của tọa
độ tôi đang ngắm vẫn lọt vào mắt. Trong cuốn sổ đầu bài để trên bàn giáo viên
có tờ giấy vẽ sơ đồ lớp học, bàn thứ hai tay trái ngoài cùng tên Trang. Tôi
không biết có phải như vậy là đã “thầm thương trộm nhớ” Trang hay chưa nhưng
tôi luôn thích nhìn Trang từ đằng sau như thế. Trang xoay sang một bên nói chuyện
với đứa đứng sau, đám tóc trước chấn ngang chân mày cử động, chúng nhảy lên rồi
hạ xuống theo nhịp thổi. Cái thói quen cong môi lên rồi thổi phù phù làm bay mớ
tóc trước trán ấy cũng hay ho vô cùng.
Cả buổi
học chỉ có mười lăm phút đầu giờ là đáng chờ đợi. Đó là mười lăm phút Trang thực
hiện nhiệm vụ cao cả của một tổ trưởng đối với tổ viên của mình. Đầu tiên là kiếm
tra trang phục. Dép có quai hậu quần xanh áo trắng đóng thùng, huy hiệu đoàn
đeo vào túi áo nghiêm túc chỉnh tề. Tôi vào Đoàn từ năm lớp Bảy, dù không liệt
mình vào hàng ưu tú nhưng những việc này với tôi đã thành thói quen chẳng cần
ai nhắc. Những lúc tôi vi phạm đều là do tôi cố ý. Tôi gỡ cái huy hiệu Đoàn cho
vào trong túi áo để thi thoảng Trang lượn qua chỗ tôi không thấy chiếc huy hiệu
đeo trên túi áo như mọi khi thì dừng lại trừng mắt.
- Huy
hiệu Đoàn mô?
Tôi cười
hề hề đút tay vào trong túi lôi huy hiệu ra chìa cho Trang xem.
- Đeo
vô! Khôn bà lơn[4]
nghe.
Giọng
Trang nghiêm nghị. Tôi tủm tỉm cười từ trong bụng cười ra. Nhưng tôi không nhìn
Trang, tôi chỉ dám lướt qua gương mặt hồng hào lấm tấm mồ hôi trên trán sau khi
rượt đuổi mấy thằng ngổ ngáo dám giật tóc xô ghế tụi con gái.
Lạ thiệt,
chuyện chỉ mới đây thôi mà tôi không nhớ nổi mình bắt đầu để ý đến Trang từ lúc
nào. Lẽ nào là hôm tôi và Trang được phân công trực nhật cùng nhau? Hôm đó đến
phiên trực nên mười hai giờ kém tôi đạp xe đi rồi. Trực nhật với một đứa con
gái mà để nó làm hết việc rồi mới mò đến thì nhục lắm. Tôi thong thả vừa đi vừa
huýt gió, đinh ninh giờ này mình là bá chủ cái lớp rộng thênh chứa hơn bốn chục
“yêu quái” này (yêu quái chính xác là từ mà cô chủ nhiệm gọi chúng tôi). Cái
tính ưa leo trèo đường ngang ngõ tắt không bỏ được, tôi không đi vào cửa chính
mà nhảy băng qua cửa sổ lúc này đang mở toang. Chân chưa đáp đất đã nghe một tiếng
“cạch” rồi tiếng con gái giật mình la lên “Á”. Tôi đáp đất, trước mắt tôi là “bà
chủ nợ” đang ôm đầu cúi mặt. Luống cuống tôi cầm cái cán chổi chết tiệt đang
còn trơ trên đầu Trang hất ra đằng sau. Trang dựng cái chổi ở cửa sổ lúi húi nhặt
mấy tờ giấy nháp lớp sáng vứt lại đúng lúc tôi phi vào, cán chổi đập vào trán
nghe cái “cạch” chắc nịch như gõ vào mặt bàn. Trưa ấy gió nhiều, bụi tre bên cửa
lớp lá đập vào nhau xào xạc. Tình cảnh này mà quét liền thì giấy sẽ bay vương
vãi góc này góc khác thêm mệt nên mới dẫn đến cú đập khó quên ấy. Rất khó quên
với tôi vì đó là lần đầu tôi làm một đứa con gái trong lớp khóc. Trang ôm mặt hồi
lâu không ngẩng đầu lên. Tôi đứng như bị ai chôn chân, nhìn đôi vai rung rung của
Trang tôi càng hoảng sợ “Hắn khót rồi tề, có bị chảy máu chi khôn hè?”. Mỗi
giây trôi qua nỗi lo lắng trong lòng dâng lên một chút, chẳng mấy chốc đạt đỉnh
điểm. Tôi nhấc chân lên tiến lại gần, Trang vẫn cúi đầu vục mặt vào hai lòng
bàn tay. Tôi ngồi xuống định gỡ tay Trang ra xem có bị chảy máu không mà cái
tay cứ cuống quýt đưa lên rồi hạ xuống.
- Can
chi khôn? Khót à? - Bực quá tôi hỏi như quát.
Vẫn chẳng
thấy động tĩnh gì.
- Bỏ
tay ra coi nờ. Cúi mặt mãi rứa ai mà biết.
Lúc
này Trang mới ngẩng lên, đôi mắt ươn ướt nhìn tôi trách móc.
- Cửa
lớp đó mắc chi khôn đi mà nhảy lên cửa sổ. Rẻng ghê hỉ.
May là
không chảy máu đầm đìa như tôi tưởng tượng mà chỉ rơm rớm do xước nhẹ, nhưng nó
tấy đỏ và sưng to như quả trứng gà. Cái cán chổi này thanh tre đặc chưa được
vót cẩn thận chúng tôi gắn vào sau khi chọc nhau đập gãy cán chổi ban đầu. Trên
đó có một cái mắc nhọn, nãy giờ tôi cứ lo cái mắc ấy mà gõ vào trán không chảy
máu mới là chuyện lạ. Tôi định hỏi Trang đau nhiều không nhưng miệng lại phát
ra một câu khác.
- Khôn
chảy máu là may rồi. Có tí rứa mà cũng khót.
Trang
sờ vào cục trứng gà đang to dần trên trán nguýt tôi một cái rồi bỏ qua dãy bàn
bên cạnh lượm rác. Tôi xăng xái quét lớp, kê lại bàn ghế, lau bảng, trải khăn
bàn… cố làm nhanh để kham luôn phần việc của Trang xem như lời xin lỗi. Thỉnh
thoảng tôi len lén nhìn cục trứng gà trên trán Trang thấy Trang tội nghiệp làm
sao ấy. Tưởng đâu trực nhật việc nhiều lắm ai dè làm xong hết trơn mà vẫn vỏn vẹn
có hai mống trong lớp. Trang lật sách vở ra học bài, tôi nhảy lên bậu cửa sổ ngồi
nhìn. Một ý nghĩ lóe lên, tôi phi nhanh ra quán dì Yến. Lúc vào lại thì lớp đã
có thêm mấy cái cặp để trên bàn. May, những thằng đi học sớm thường không phải
là vì siêng học, mà đi sớm là để chơi cho được nhiều nên tụi nó đã lủi đâu mất.
Tôi đến đứng bên mép bàn, cho tay vào túi quần xanh lấy ra chai dầu nhị[5] đặt trước mặt Trang mắt
nhìn trước ngó sau như ăn trộm. Trang ngước mắt lên, tôi xoay người lại đi thẳng
một mạch, vừa đi vừa nói.
- Xứt
dầu đi.
Nhà
Trang ở thôn Chín đoạn cầu chữ Vê cũng khá gần trường nên Trang không đi xe đạp.
Tôi thì phải băng qua cây cầu, đạp muốn hộc xì dầu mới về tới xóm Khe Trong. Nhờ
thần linh run rủi, tôi đã mấy lần được chở Trang. Đi có một đoạn từ trường Đình
đến cầu chữ Vê hoặc từ cầu chữ Vê lên tới trường mà thấy cũng xa ngai ngái đủ
cho tôi đếm hết số bụi tre, số ngôi nhà nép bên Rào. Bình thường Trang đi bộ với
tụi con gái trong xóm vừa đi vừa túm tụm ăn hàng, vui quá mà nên có mời Trang
cũng chẳng lên xe. Chỉ khi trời mưa hoặc lớp có việc về muộn Trang mới chịu nhảy
lên yên sau. Mấy lần vừa đạp xe qua cầu đã thấy dáng đi cặm cụi thoăn thoắt của
Trang. Tôi cho xe vào sát lề đường bên phải, chống một chân xuống đất chờ Trang
đến. Liếc thấy Trang đến sát xe mình, tôi nói nhỏ vừa đủ nghe “Lên đi, gần trễ
rồi đỏ.”
Gặp
may được mấy lần như thế thì tới ngày thi học kỳ. Nghỉ hè quả là sáng kiến tẻ
nhạt vô lý nhất mà người ta có thể nghĩ ra. Đang yên đang lành tự dưng nghỉ hẳn
mấy tháng không thấy trường thấy lớp, kỳ ghê. Phải chi vẫn đi học nhưng dàn bài
ra, không học tới tấp ngày năm tiết mà chỉ cần hai, ba tiết rồi tha thẩn trong
trường trực nhật, dọn vệ sinh trường có phải hay hơn không. Phải học cả năm chứ
nghỉ hẳn ở nhà thế này thì trống trải biết làm chi cho hết.
Học mới
lâu chứ thi thì nhanh quá thể. Chín, mười môn gói gọn trong hai tuần chứ mấy.
Hai tuần chóng vánh buồn vô bờ bến. Phượng đã nở ve đã kêu mùa cóc xoài đã rộ
mà hôm nào cũng chỉ đến lớp có một hoặc hai tiết, thi xong lủi thủi ôm cặp về. Và
hôm nay nữa thôi là hết mùa thi. Chính thức xong lớp Tám. Tụi nó tung cặp, tung
sách, tung vở tung cả khăn quàng lên ăn mừng còn tôi ngồi thù lù một đống. Nghỉ
hè có gì hay ho mà ăn với mừng. Tội nghiệp cây phượng già ghê. Mai học trò không
tới trường nữa thì đỏ thì thắm cho ai ngắm chứ. Ve cũng vậy, mặc sức hét cho rền
trời rồi ung dung đứng trên cây đái xuống mà có ai giật mình hét toáng vì nước
rớt vào mặt đâu chứ.
Hội ăn
hàng[6] kháo nhau qua quán o Sương
ăn chè. Chè cháo thì tôi luôn là “độc cô cầu bại” nhưng lòng dạ đang đắng
nghét, ăn ngọt vào chỉ thêm uổng chè nên tôi giả lơ. Chỉ còn mình tôi trong lớp.
Tôi thơ thẩn nhảy lên ngồi bàn này chút rồi bàn kia chút, sao mà lưu luyến thế
này. Phải làm kẻ cuối cùng ra về khi trường vắng vẻ, khi tiếng cười đùa lặng tắt,
khi các dãy lớp im lìm chờ bóng tối mới hiểu nỗi lòng cô quạnh của tôi lúc này.
Đã chiều thật rồi, nắng chưa tắt lịm nhưng ngả hẳn về tây chiếu xiên từng vạt đọng
trên đọt. Bóng cây phượng đổ dài ôm gần trọn quãng sân vắng lặng. Lũ ve đực kéo
còi hát bản nhạc cuối ngày. Tôi đứng giữa làn mưa bay bay lá phượng nhìn quanh
bốn bề. Văn phòng thầy hiệu trưởng, văn phòng hội đồng cửa khóa im ỉm. Chỉ còn
phòng đội vẫn sáng đèn và rôm rả. Đội văn nghệ của trường đang tập dượt chuẩn bị
cho buổi bế giảng. “Bóng hồng” của tôi đang ở đó. Phòng đội trổ cửa ngược với lớp
tôi nên tôi chỉ nghe loáng thoáng tiếng nhạc. Tôi nhìn quanh nhìn quất, nhìn
bâng quơ lên hướng phòng đội rồi nhìn cây phượng. Gió nồm từ mặt Rào thổi vào
mát rượi, mấy cánh phượng đỏ mọng rớt lả lả dưới chân tôi. Tụi con gái mà bắt
được cảnh này thì mắt chúng nó sẽ sáng hơn cả sao Hôm. Cả tuần rồi tụi nó lượn
tới lượn lui dưới mấy gốc phượng lượm hoa ép bươm bướm cào cào gì đấy trong vở
và toàn là phượng khô phượng héo, chứ dễ chi lượm được bông nào nguyên vẹn tử tế.
Đang
tưng tưng tửng tửng thì đầu tôi lóe lên một ý nghĩ thú vị mà táo bạo vô cùng.
Tôi ôm gốc phượng tìm chỗ gác chân, rướn người trèo lên cành gần nhất rồi chùm
hum vòng tay ôm lấy nó trườn ra phía ngoài. Chùm bông tôi đang ngắm là chùm
bông gần tầm với nhất nhưng nó vẫn còn xa lắm vì hoa phượng kết chùm ở tận cuối
cành. Cũng may cây phượng này già cố đế nên cành to chắc nịch bu vào không khó
lắm. Xoay xở mất cỡ mười phút thì tôi tóm gọn nhánh phượng. Tôi cầm ngang nhánh
bông cho vào miệng, dùng răng giữ chặt nó để hai tay rảnh rang tìm cách tụt xuống.
Chắc là trời xui khiến nên lúc nãy Trang đi vội bỏ quên cái mũ trong hộc bàn.
Cho nhánh phượng này vào mũ đúng là diệu kế. Trang sẽ thắc mắc không biết ai là
thủ phạm. Vậy càng hay, chỉ cần Trang vui là được rồi. Đang lui cui tìm chỗ gác
chân lúc nãy để đáp đất bỗng có giọng con gái ngọt như mía lùi vẳng vào tai.
- Ơ,
chưa về à? Trèo rứa cô mà thấy là mần bảng kiểm điểm đó hỉ.
Tôi thảng
thốt cuống quýt như giẫm phải lửa. Đúng vậy, nhỡ thầy cô nào đi ngang thấy cảnh
này thì tôi sẽ được lên văn phòng “uống nước trà”. Bảng kiểm điểm sẽ được đặt
ngay ngắn trên bàn nước nhà tôi chờ ba mạ ký còn tôi thì được trận lôi đình của
mạ. Và biết đâu lúc chào cờ tôi tên tôi sẽ được nêu lên làm tấm gương đe dọa mấy
đứa hay chơi ngu. Nội quy của trường cấm học sinh trèo cây. Nếu không cấm chắc
gãy tay gãy chân sức đầu mẻ trán cũng thường như cơm bữa. Tôi mím chặt môi thả
người xuống. Tôi không muốn Trang nhìn tôi trong tư thế chùm hum bu vào cây còn
miệng thì ngậm le te cành phượng thêm giây nào nữa, thật là mất mặt. Một âm
thanh nhỏ cất lên. Ống quần rách toạc. Tôi sảng hồn chết lặng trong giây lát. Vội
nhảy xuống mà không nhìn trước nhìn sau nên ống quần vướng vào cái mắc ở gốc
phượng. Chết tôi chưa, Trang đã tiến gần tới chỗ tôi và đã nghe thấy thứ âm
thanh kỳ quặc đáng nguyền rủa ấy.
- Hái
bông phượng mần chi rứa?
Tôi đứng
như tượng phải mấy chục giây, rồi như một con rô bốt được lập trình sẵn, tôi lấy
nhánh bông đang ngậm ở miệng chìa ra cho Trang. Cặp mắt lóng lánh như nước ấy
nhìn tôi trân trân. Tôi đặt nhánh phượng vào tay Trang. Con rô bốt không được lập
trình để nói nên miệng tôi cứng đơ như khúc gỗ. Khoảnh khắc ấy, gió ngoài mặt
Rào dường như ngừng thổi, lá phượng dường như ngừng lay, lũ ve dường như ngừng
hát còn tôi ngừng thở. Chỉ mình Trang cử động, mớ tóc trước trán bay bay, hai
hàng mi chớp khẽ, đôi mắt mở to rồi khép lại còn môi thì nhếch lên một tí, đủ để
tôi nhìn thấy. Trang cầm cành phượng đi thẳng vào lớp.
Tôi đạp
xe về. Chiều hè lộng gió, cái ống quần mới bị xé toạc một đường dài bay phần phật
dưới chân tôi.
***
Niềm
vui nhỏ như con kiến là được rước “bóng hồng” một đoạn mà cũng bị cuỗng mất. Ý
mạ đã quyết nên dù tôi hậm hực thụng mặt xuống đến mấy lần mạ vẫn không thèm để
ý. Tôi ngậm ngùi chở Bé Ti đi học. Suốt quãng đường nó huyên thuyên đủ thứ, trường
mới với nó mà cũ với tôi nên tôi chẳng có tí gờ ram hứng thú nào để trả lời nó.
Nó hỏi năm lần bảy lượt mà tôi vẫn im re hoặc bất đắc dĩ “ừ” một tiếng nặng trịch
nên nó cũng im luôn. Quãng đường từ Khe Trong đến trường hôm đầu tiên tôi đèo cục
nơ đi học dài như vạn lý trường thành. Nhác thấy cái đầu con kỳ lân chầu trước
cổng đình tôi mừng rơn. Đó là hai con kỳ lân yêu thích của lớp lớp học trò trường
Đình. Chúng tôi mài mông trên cổ con kỳ lân đến độ phần cổ và bờm nhẵn thín, sờ
nghe mát rượi êm tay. Quay thêm mấy vòng xe nữa là thấy dòng chữ “Trường Trung
học cơ sở Thủy Phù” màu trắng trên nền bảng xanh dương đã cũ. Đình làng với những
hình chạm trổ rồng phượng và con voi đá to tổ chảng đứng uy nghi trước sân ấy
chia trường tôi thành hai lãnh địa nhỏ. Bên phải Đình là dãy lớp của chúng tôi,
bên trái là của nó. Tôi đạp xe qua cổng, thả Bé Ti xuống hành lang lớp nó rồi
vòng ra nhà xe. Chút tan học phải đạp qua dãy hành lang ấy rước nó về.
Bình
thường một mình một ngựa mà lúc nào về đến dốc Trụ Điện cũng mệt phờ lùng bùng
lỗ tai. Sáng nào tôi cũng nằm nướng nên chỉ kịp ăn vội chén cơm, học xong năm
tiết ở trường thì cơm cá chi cũng tiêu không còn một hột. Giờ còn đèo thêm cái
cục nợ hơn hai chục kí sau xe, tôi nhìn cái dốc mà phát bực. Mà thực ra đèo
thêm một đứa sau lưng cũng không nhằm nhò gì so với cõi lòng nặng trĩu của tôi.
Lúc nãy thấy Trang đi bộ về một mình mà tim như thắt lại.
Mới đến
chân dốc tôi đã không quay nổi vòng xe nào nữa, định nói với cái đứa đằng sau “Răng
mi còi mà nặng ghê ri” nhưng chưa kịp nói nó đã ôm cặp nhảy xuống xe. Tôi mặc kệ
cái bóng bé xíu xiu sau lưng ráng quay thêm vài vòng xe nữa. Người nó nhoi nhoi
leo lên dốc, đầu hơi chúc về phía trước. Đầu tháng Chín, đã chớm sang thu nhưng
vẫn còn vương hạ. Nắng vàng rượi như dòng thác đổ từ trên trời xuống lênh láng
cả một vùng. Bé Ti tiện tay vạch lá tìm chùm nho đất chua lét tòn ten xách về
cho em nó.
Tôi nhẩm
rồi, chiều nay nhất định phải xin mạ qua nhà thằng Tuấn chơi. Đi chơi một buổi
thôi mà kì kèo mãi mạ mới gật đầu. Tôi nhảy lên xe phóng ngay trước khi mạ kịp
đổi ý. Chơi bời gì chứ, chuyện chính của tôi là cái người đang ngồi trong phòng
trực cờ đỏ kia. Tôi tạt xe vào hàng rào đối diện phòng trực. Tường khá cao
nhưng may vừa vặn cho cái đầu tôi nhô lên nhìn vào cái phòng rộng có năm mét
vuông nằm tách biệt giữa sân trường. Từ vị trí đó tôi thấy cái trống trường đầu
tiên. Nó lù lù choáng hết cả tầm nhìn. Cái trống là báu vật trong phòng trực vì
chẳng còn gì khác ngoài bộ bàn ghế cũ được lớp lớp đoàn viên đội viên cờ đỏ mài
nhẵn thín và chấm mực viết lời thề non hẹn biển hoặc đặt bút ký để lưu lại cho
đời sau. Tên tôi cũng còn in trong đó. Nghĩ mà tiếc hùi hụi, nếu hồi đó làm
siêng đừng rút khỏi đội cờ đỏ thì có phải bây giờ tôi được ở trong phòng trực
kia cùng với Trang chứ đâu phải đứng chầu rìa ngoài đường như bây giờ. Một tuần
chỉ trực cờ đỏ một buổi nhưng buổi ấy sẽ đáng giá bằng cả tuần học trong lớp,
và tôi chắc chắn có cơ hội chở Trang về một đoạn.
Tôi
nhìn hồi lâu mới thấy bóng dáng tôi đang mong nhấp nhô trong phòng trực. Một
lát sau Trang ra khỏi phòng trực. Bộ quần xanh áo trắng với mái tóc dài quen
thuộc ấy ra hẳn ngoài sân, tôi thấp đầu xuống nép vào tường. Chút nữa tôi sẽ vờ
như tình cờ chạy ngang trường gặp Trang và cho Trang đi nhờ xe. Phải thấp đầu
xuống thế này thì Trang mới không nhìn thấy nhưng được một lúc cổ mọi quá. Cũng
phải hơn mười lăm phút nữa mới đến giờ ra về. Tôi nghiêng đầu lại quăng vội một
cái nhìn vào góc sân trường nơi Trang vừa bước ra. “Ui cha mạ ơi, yêu quái chứ
không phải người!” Con nhỏ có hai cái tai to bè bè lấp ló sau lọn tóc cháy nắng
đang ngồi bên cạnh Trang dưới gốc phượng. Con Bé Ti. Sao quả tạ của tôi. Cục nợ
sau yên xe của tôi.
Sao nó
lại xuất hiện ở đây? Sao nó lại ngồi cạnh “bóng hồng” của tôi? Sao nó lại thân
thiết với Trang đến thế?... Đúng là yêu quái biến hình mà, có mơ cũng không thể
ngờ được ngay cả việc cỏn con hiếm hoi này mà nó cũng choáng được. Thể nào chút
nữa nó cũng kè kè về với Trang, thấy tôi nó sẽ la lên “Anh Tộp! Anh Tộp đi mô rứa?
Cho em về với hỉ.” Nó sẽ khai với Trang cái tên kì quặc mạ đặt cho tôi. Nó sẽ
bô bô rằng nhà nó ở cạnh nhà tôi, rằng nó biết đủ thói quen tật xấu của tôi vân
vân và mây mây… “Mạ ác chi mà ác ghê rứa mạ, đặt tên chi không đặt lại đặt tên
Tộp”. Tộp là từ mô phỏng tiếng đánh rấm chứ có hay ho gì đâu, xưa chừ tôi toàn
phải nuốt cục tức vào bụng mỗi lần tụi lau hau ở xóm Khe Trong gọi tôi là “Tộp
Tộp…” rồi giả vờ nhăn mặt, đưa tay lên mũi bịt lại như ngửi thấy mùi gì thối hoắc.
Trang sẽ cười như nắc nẻ khi nghe Bé Ti kể, nó là đứa có khiếu kể chuyện, nếu
nó vui miệng thêm chút mắm dặm chút muối thì chuyện của tôi sẽ thành chuyện tiếu
lâm của mọi thời đại. Nghĩ đến đó cái đầu như muốn nổ tung. Tôi không thể để
chuyện này xảy ra được. Tôi cho xe tiến về trước một chút rồi dựng cái xe bên cổng
đình. Ở lại thì không chở Trang về được mà đạp xe về thì cũng chưa đành lòng. Dễ
chi được ngày tự do như hôm nay chứ. Tót một bước, tôi chễm chệ trên cổ con kỳ
lân bắt mặt nhìn ra Rào. Qua mấy trận mưa đầu mùa nước đã lưng chừng Rào, củi
khô rơm rạ cuộn thành chùm lờ đờ theo dòng chảy. Nắng ngả vàng đọng trên bờ tóc
xõa xanh rì, hai hàng tre cao vi vút cong như đuôi én soi xuống mặt sông lóng
lánh chỗ gần chỗ xa. Cây vông đồng chỗ bến nước gần nơi tôi ngồi rào rạt, chốc
chốc gió bốc vài chiếc lá liệng xuống mặt Rào, lá vông đồng to bằng cả lòng bàn
tay dập dềnh trên nước.
Lòng
tôi cũng dập dềnh. Từ ngày tôi buộc phải chở Bé Ti đi học tôi trở nên lầm lì với
nó, sáng chở nó đi trưa chở nó về thả xuống ở chân dốc Trụ Điện. Đi đi về về cả
tháng mà tôi chẳng mở miệng nói câu nào. Né nó được phút nào tôi mừng phút ấy
nên tôi chẳng thèm quan tâm buổi chiều nó làm gì. Cái tướng còi mà siêng chi dữ,
nhà thì xa mà trực cờ đỏ cũng ráng bu theo cho được. Là nó xin xỏ đi ké xe với
đứa nào trong xóm Khe Trong hay nó lặn lội cuốc bộ qua trường trực vậy không biết?
Ai chứ nó thì chuyện đi bộ từ Khe Trong qua trường Đình vì một nhiệm vụ mà nó
cho là cao cả là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Chắc lâu nay tôi phỉnh nó nhiều
quá nên giờ bị quả báo. Từ nay tôi phải cảnh giác với tên giặc cạnh hông này.
Trống
trường gióng lên một hồi vang rền như sấm, tôi nhảy lên xe cắm đầu đạp.
***
Tháng
Mười tới, những con nắng cuối cùng rủ nhau tìm chốn ngủ bỏ lại những triền cỏ
mượt mà căng tròn thơm mọng nhựa nắng bơ vơ. Giờ đã điểm, nắng nhường chỗ cho
mưa. Những trận mưa kéo đến thường xuyên hơn. Tôi phải chia tấm áo mưa với cục
nợ của mình. Mạ mua cho tôi cái áo mưa dơi rộng phủ gần hết cả chiếc xe. Bé Ti
núp trong áo mưa của tôi, lọt thỏm như thể tôi chỉ đội áo một mình. Sợ gió quật
hất tà áo mưa lên làm ướt cặp nên tôi không để cặp trong giỏ xe mà giao luôn
cho Bé Ti. Mỗi lần về đến dốc Trụ Điện, xe không leo lên nổi nữa, Bé Ti tụt xuống,
áo mưa vẫn trùm qua đầu, nó lẽo đẽo leo từng bước nặng nhọc sau lưng tôi. Một
cái áo mưa hai người trùm còn phủ lên trước giỏ xùng xình như múa lân.
Mưa to
dần dội chát chúa lên đầu tôi. Mưa này là mưa lụt đây mà. Đám ruộng gần nhà Mệ
Xanh nước đã mấp mé đường. Dốc Trụ Điện lờ mờ hiện ra dưới làn mưa như xé. Bé
Ti rướn người lên thì thầm hỏi tôi.
- Anh
Tộp thích chị Trang phải khôn?
“Biết
ngay mà. Đã giả lơ rồi còn hỏi!” Tôi sớm đoán được chuyện này vì trong lớp đứa
nào cũng biết tôi thích Trang. Một phút nông nổi tôi lỡ thổ lộ cõi lòng u ám của
mình với thằng Tuấn. Dù đã dặn tới dặn lui bắt nó thề nguyền không được cho ai
biết thế mà chỉ tuần sau mấy đứa trong tổ mom mem biết chuyện, rồi tuần sau nữa
thì cả lớp biết chuyện. Tin nóng hổi này lan nhanh như ngọn lửa cháy rừng mùa hạn
hán, mình tôi không thể dập được. Mấy đứa lớp kế bên cũng biết. Chẳng có lý do
gì để Bé Ti không biết. Tụi có cả một buổi chiều để thủ thỉ với nhau trong
phòng trực lận mà. Tôi lấy đà đạp mạnh hơn, miệng vẫn câm như hến.
- Phải
khôn anh Tộp?
- Mi bữa
ni học ai mà nhiều chuyện rứa. - Bực dọc, tôi quăng một câu nặng như cục đá.
- Có học
ai mô. Em nghe mấy anh chị nớ nói thôi.
Thật
giỏi trả treo. Tôi bắt đầu gầm ghè trong bụng.
- Mi về
nhà mà nói tùm lum tùm la là mi liệu hồn với tau đó.
- Dạ!
Bé Ti “dạ”
một tiếng nghe vang chắc nịch dù mưa vẫn chan chát. Tôi hiểu tiếng “dạ” của nó
là lời cam kết giữ bí mật chuyện hệ trọng này cho tôi và tôi cũng hiểu ra tôi
hăm dọa Bé Ti như thế thì khác gì thú nhận với nó rằng tin đồn kia hoàn toàn có
thật. Tôi thích Trang.
Bé Ti ngày
càng thân thiết với Trang. Hầu như hôm nào giờ ra chơi nó cũng chạy băng qua
sân đình lên lãnh địa khối lớp Chín tìm Trang. Như hôm nay chẳng hạn, tôi bất
chợt nhìn ra cửa sổ và rùng mình thấy nó đứng gần như tựa cằm vào thành cửa. Một
tay nó kê dưới cằm, nó nhoi cái đầu bé hạt tiêu lên toe toét cười, gọi “Chị
Trang, chị Trang”. Nó mang báo mang truyện lên đưa cho Trang để đổi cuốn mới về
đọc. Tôi sợ nó hét toáng lên “Anh Tộp, anh Tộp” nhưng may ghê, nó không để ý gì
đến tôi. Nó chỉ tìm chị Trang của nó, hai người họ rủ rỉ với nhau cho đến hết
giờ chơi. Tần suất nó xuất hiện bên bậu cửa sổ lớp tôi ngày một tăng, cả giờ ra
chơi và giờ ra về đều thấy nó. Tôi rất bực nhưng nó đang nắm giữ bí mật của tôi
và nó thân với Trang nữa nên tôi đấu dịu. Bữa giờ tôi không lầm lì gắt gỏng nó
nữa. Nó nhận thấy sự thay đổi của tôi rất nhanh. Dọc đường đi nó hỏi đủ thứ
trên trời dưới đất và thi thoảng nhắc đến Trang. Chị Trang phải gói xi-rô, gói
ya-ua bỏ tủ lạnh rồi mới làm bài tập. Chị Trang mới mua được cuốn sổ tay chưa
biết nên chép nhạc hay chép thơ… Mỗi lần Bé Ti nhắc đến từ “chị Trang” nó như
reo lên hào hứng. Tôi cũng hào hứng không kém, nhưng tôi không reo lên như nó,
tôi cũng không hỏi gì vì chỉ cần nghe nó kể thôi là đủ ấm lòng. Thỉnh thoảng Bé
Ti biết thêm điều gì đó mới mẻ về Trang mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra, tôi
cười khà khà trong bụng, miệng ngoác ra rộng tới mang tai nhưng không phát
thành tiếng. Mấy ki-lô-mét từ Khe Trong qua trường Đình giờ đã có thêm tiếng
nói, có cả cười nữa, có điều nó ngồi sau lưng tôi chắc không thấy.
***
Đau
ngày nào không đau lại chọn ngày kiểm tra một tiết Toán mà đau. Tiết một Trang
vẫn chép bài bình thường nhưng qua tiết hai thì kê mặt vào tay nằm dài trên
bàn. Thầy vào lớp, Trang đứng dậy chào có vẻ miễn cưỡng rồi tranh thủ lúc thầy
dò bài cũ mặt xuống bàn nằm tiếp. Mấy đứa trong tổ quay sang hỏi “bà chủ nợ”
hôm nay bị gì, tôi vểnh tai lên nghe lỏm. Trang đau đầu, mệt, sốt và thèm ngủ. Giờ
ra chơi, tôi lượn tới lượn lui mấy vòng gần Trang, muốn hỏi thăm một tiếng mà
không dám gọi. Nhớ lại chai dầu nhị lúc trước, tôi tính chạy ra quán dì Yến mua
nhưng ngẫm đi tính lại giữa thanh thiên bạch nhật ba mặt bảy mày tôi sao dám
đưa dầu cho Trang xức được.
Bé Ti
xuất hiện bên bậu cửa sổ như mọi khi, Sau khi gọi mấy tiếng mà Trang không ngẩng
đầu lên nó chạy thẳng vào lớp. Nó can đảm hơn tôi, nó lay Trang dậy rồi sờ trán
Trang vẻ đăm chiêu như người lớn. Đã có Bé Ti hỏi han, tôi yên tâm đi ra cửa lớp.
Bé Ti lò thò theo tôi nói chỉ vừa đủ tôi và nó nghe.
- Anh
Tộp có tiền khôn? Em mượn ngàn hỉ.
Tôi
móc túi đưa cho nó.
Bé Ti
chạy biến ra quán. Phút sau, nó hùng hục chạy vô lớp gọi Trang dậy xức dầu, vừa
xức vừa cao giọng.
- Chị
khôn mặc cho ấm bơ bị cảm chơ chi nữa…
Trống
điểm hết giờ chơi, Bé Ti đặt chai dầu trên bàn, cầm cuốn truyện mới rồi ù té chạy
ra sân. Cái con còi còi mà được việc ghê. Giữa lúc gió mùa Đông Bắc thổi thông
thốc vào cửa lớp và cây cối bắt đầu run rẩy, mùi dầu nhị theo gió phả vào mặt ấm
lạ kỳ.
Giờ kiểm
tra Toán tôi cứ nhìn lên bàn trên lo Trang không cầm nổi bút. Nhưng ngược lại với
lo lắng của tôi, Trang làm bài kiểm tra khá tập trung, chỉ lâu lâu mới đưa tay
lên xoa xoa cái trán hoặc chống tay vào cằm. Nộp bài xong, Trang gục hẳn trên
bàn. Phải đến khi trống trường gióng lên hồi dài hết buổi, Trang mới lồm cồm dậy
cất sách vở. Bé Ti lại vọt vào lớp. Tôi ngồi im tại chỗ chưa động tĩnh gì. Nó
ôm cặp tới đứng cạnh mép bàn tôi.
- Anh
Tộp chở chị Trang về đi.
Tôi bần
thần không gật cũng không lắc. Đây là điều mà tôi mong mỏi hơn hai tháng nay,
nhưng còn nó thì sao? Thấy tôi không phản ứng gì nó nhắc lại lần nữa, giọng rắn
rỏi cương quyết.
- Còn
mi răng?
- Em từ
từ đi bộ về, hoặc em xin đi ké mấy đứa trong lớp.
- Xa lắm
đó mi. - Tôi nhìn ra bên ngoài nghĩ đến quãng đường về Khe Trong rồi lo lắng
nhìn nó.
- Kiểu
chi em cũng xin được xe về tới thôn Bốn. Anh Tộp chở chị Trang về rồi gặp em chỗ
mô thì chở em về Khe Trong.
Trời bắt
đầu mưa lâm thâm. Mưa không nặng hạt như hồi tháng Chín, tháng Mười nhưng cũng
đủ làm ướt áo quần tập sách.
- Mưa
đó mi tề.
- Anh
Tộp đừng lo, em ra dì Yến xin cái bao nylon trùm cặp lại cho khỏi ướt vở. Mưa bụi
bụi không can chi mô.
Bé Ti
nói rồi đi ra khỏi lớp, vội vã như để kịp xin đi nhờ xe với mấy đứa khác. Ngoài
nhà xe vẫn còn đông, tôi thầm mong có đứa nào đó chở nó về được dốc Trụ Điện.
Đúng là nhỏ mà láo toét, rõ ràng mưa lâm thâm mà nó nói là mưa bụi bụi. Mùa này
làm gì đã có mưa bụi.
Tôi ôm
cặp sách của Trang giục Trang đứng dậy. Mới đau có một buổi mà nhìn Trang yếu ớt
mệt mỏi như người đói cơm, mớ tóc đen láy bắt đầu lòa xòa nhiều cọng rớt ra khỏi
lọn bay ngược trong gió. Tôi chẳng dám nhìn lâu vì thấy lòng mình cứ thắt lại. Đó
là lần đầu tiên tôi đạp xe vào ngõ nhà Trang mà tự nhiên đến vậy. Tôi dừng xe
chỗ hiên nhà với tay đưa cặp sách cho Trang.
- Cảm
ơn Tộp hí.
Dòng
điện xấu hổ chạy xoẹt ngang người. Cuối cùng thời khắc ê chề cũng đến. Trang
nhìn tôi nhoẻn miệng cười, dù đang đau nhưng đôi mắt vẫn long lanh và vẫn trong
như nước Khe Trong đầu hè.
- Tộp
về đi. Lỡ Bé Ti đi bộ xa tội.
Tôi dần
tỉnh. Tiếng Tộp ấy phát ra nghe vẫn thân quen, gần gũi như mỗi lần Bé Ti gọi
tôi “anh Tộp, anh Tộp” chứ không vương chút cười nhạo giễu cợt nào. Tôi mãn
nguyện quay đầu xe, đạp ra khỏi ngõ.
Qua khỏi
cầu Chữ Vê, mắt tôi đăm đăm nhìn phía trước tìm Bé Ti nhưng mãi đến địa phận
thôn Bốn vẫn chưa thấy nó đâu. Không biết nó xin được xe ai mà đi nhanh dữ hay
nó còn ở thôn Chín chưa qua cầu Chữ Vê. Tôi lớn hơn nó bốn tuổi mà sao ngu gớm.
Đáng ra phải bảo nó đứng đợi ở trường để tôi chở Trang về rồi quay lại đón nó.
To đầu mà dại là có thiệt mà. Nếu tôi về đến nhà mà chưa thấy nó đâu thì phải
ăn nói sao với mạ nó đây. Mưa mỗi lúc một nặng, nỗi lo lắng của tôi thì mỗi lúc
một lớn. “Chết cha, hắn còn lò dò bên trường thì mần răng đây!” Tôi quyết định
sẽ chẳng về không nếu chưa gặp được nó. Đến dốc Trụ Điện mà không thấy nó thì
phóng sang trường tìm.
Đã mười
hai giờ kém, mưa lạnh phủ một màu ảm đảm, tứ phía chân trời như thấp lại. Gió lạnh
quất từng đợt vào mặt, cái áo mưa ngược gió bay bần bật ra phía sau, dạ dày co
lại kéo còi inh ỏi. Tạ ơn thần linh phù hộ, xe về gần nhà Mệ Xanh thì thấy dáng
còi còi của nó. Nó khom người về phía trước che cho cái cặp. Tóc nó đã sũng nước
mưa. Tôi lao như bay. Giờ tôi không cho nó nhảy xuống xe nữa mà bắt nó ngồi yên
để tôi lấy đà lao lên dốc.
- Nặng
lắm anh Tộp nờ.
Tôi sợ
nó nhảy xuống thiệt, chẳng biết nói thế nào đành cáu kỉnh.
- Mi
khinh tau à? Tưởng tau đạp không lên nổi dốc à?
- Bình
thường anh Tộp đạp một mình mà có lên nổi mô nà.
- Đó là
tau nhác, tau ưa dắt bộ rứa cho vui. Đồ cái dốc ni thì nhằm nhò chi, cao gấp mười
tau cũng đạp lên được.
Bé Ti
chắc biết tôi nói trạng nhưng thấy tôi cáu nên nó im re.
Tôi lấy
đà từ đằng xa người hơi khom lại cắm đầu đạp như bị ma đuổi sau lưng. Đường lên
dốc sình đã dày thêm một lớp. Đám cỏ gà hai bên đường mọc tốt choáng cả lối đi.
Lòng đường chỉ còn chừng một mét. Thi thoảng bánh xe bị xìa liệng qua liệng lại
trượt theo lớp sình trơn tuột. Dù vậy con ngựa sắt của tôi vẫn rẽ làn mưa bất
chấp ngược gió lao vù vù lên dốc. Tôi thả lỏng chân, xe được đà xuống dốc phi
thẳng về nhà.
Cục nợ
của tôi thành đồng minh.
(CÒN TIẾP)
[1] Một chắc: một mình
[2] Cộ (tiếng địa phương): cũ
[3] Cọt (tiếng địa phương) còi, ốm yếu
[4] Bà lơn: giỡn
[5] Dầu nhị: dầu Phật Linh
[6] Ăn hàng: ăn vặt
Về khi nắng còn thơm (8) - Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
8:11 AM
Rating:

No comments: