Về khi nắng còn thơm (7) - Lệ Hằng


VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(7)*

Phần 2:  NẮNG TRÊN LÀN TÓC THƠM

…Kỉ niệm tựa chiếc kén được dệt vụng về nhưng bền chặt. Tôi là con ấu trùng mãi không chịu lớn, dù đôi cánh đã đủ mạnh dù đã bị đạp ra khỏi kén tôi vẫn muốn chui vào góc tối xù xì ấy thêm một lần, và thêm nhiều lần nữa…
*****

THIÊN SỨ NGỦ QUÊN

Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm, ba mươi, ba lăm, bốn mươi, bốn lăm, năm mươi, năm lăm, sáu mươi, sáu lăm, bảy mươi, bảy lăm, tám mươi, tám lăm, chín mươi, chín lăm, một trăm. Tìm!!!
***
Bé Sen lom khom tiến về phía đụn rơm tôi đang núp. Tôi co người lại ép sát rạt cái mông vào trong để rơm lấp hết phần thân chỉ chừa cái đầu đang cố ngóc ra ngoài theo dõi nhất cử nhất động của nó. Khoảng cách giữa thắng thua bây giờ chỉ là một bước chân. Chỉ cần nó bước sai một bước nữa thôi là vinh quang thuộc về tôi hoặc tôi ngóc đầu lên sớm một giây thôi thì tôi toi cái mạng. Nó đứng lù lù cách tôi chừng hai mét, chân nó định nhấc lên mấy lần nhưng lại thôi. Dường như nó nghe được tiếng thở của tôi, hay là tôi lo quá nên cảm giác hai tai nó vểnh lên hướng về phía mình. Tôi đưa tay dụi khẽ hai mắt, tai người sao có thể vểnh lên nhúc nhích như tai chó được. Nhưng rõ ràng là tôi vừa nhìn thấy chúng nhúc nhích. Dù đang là ban đêm nhưng trăng mười bốn vằng vặc như gương, ở cự ly này có thể nhìn thấy tóc tai mặt mày rõ lắm rồi. Lúc nãy tôi núp dưới bụi chuối sát bờ ruộng tôi còn thấy cả con bọ ngựa lim dim trên tàu lá, rồi cả con chàng hương khát khô họng nép vào bẹ chuối chờ uống sương. Cái bụng bè bè của anh chàng thóp lại, giãn ra liên hồi. Anh chàng co giò bật sang lá khác, lớp da bóng loáng ánh lên dát bạc từ trăng. Người lớn hay nói trăng sáng như ban ngày, ví von đến mức đó đúng là ngoa thiệt. Chẳng thể như ban ngày dù sáng vô cùng nhưng cái bàng bạc của đêm làm mình không nhìn được màu rõ lắm. Tôi không nhìn ra được màu tím hoa cà trên bộ áo quần nó đang mặc nhưng có thể nhìn thấy mặt mũi tóc tai và nhất cử nhất động của nó. Trăng đổ một suối vàng trên mái tóc dài chấm mông của nó, mái tóc óng ánh chuyển động theo từng cái lắc người rất khẽ.
Vòng tròn chúng tôi để cục gạch và dép làm chỗ “mạng” cách chỗ tôi trốn hơn sào ruộng. Lúc nãy Bé Sen đã đứng trong cái vòng tròn đó đếm năm, mười, mười lăm, hai mươi… cho cả hội chạy té khói tìm chỗ nấp. Tôi chọn chỗ nấp này vì nó không quá xa chỗ “mạng” mà lại có đến ba đụn rơm giống nhau, Bé Sen mà tiến thêm bước nữa là nó trúng bẫy của tôi chắc ne rồi. Cầy Em lúc nãy cũng chui vào đụn rơm ngay cạnh tôi nhưng thằng này ngu, Bé Sen mới lăm le đến chỗ đụn rơm nó đã phi ra và kết quả là trở thành chiến binh bại trận trong cuộc đua tốc độ. Hai cái ống khuyển của Bé Sen phi nhanh như sóc nhảy, nhất là khi có đối thủ đang dí bên hông. Trong những cuộc đua để giữ lại cái “mạng” của mình như thế này thì dù là đứa chậm chạp chân cũng tự dưng lướt như gió cuốn, với Bé Sen phải nói là tóe khói mù mịt như mượn cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không. Mỗi lần chơi ù vè hay đuổi bắt đứa nào cũng muốn né cái mặt nó ra. Bởi vậy, tôi quyết không lặp lại cái ngu của Cầy Em. Tôi co người nép thật kỹ, tôi phải đợi nó vướng cái bẫy tôi sắp sửa bày ra bằng bộ óc tuyệt đỉnh của mình. Tôi là đứa duy nhất nó chưa tìm ra. Tôi nghi có đứa nào đó chỉ điểm nên trông nó mới tự tin như thế. Nó lăm lăm nhìn hết đống rơm này đến đống rơm khác nhưng không bước thêm bước nào. Cuộc đấu trí nghẹt thở này không có chỗ cho những kẻ thiếu kiên nhẫn. Bé Sen quay người lại nhìn về chỗ “mạng”. Tinh thần nó đã có phần lung lay. Giờ vàng đã điểm, tôi ném cục đá cầm sẵn trên tay nãy giờ lên đống rơm bên cạnh. Nhanh như chớp Bé Sen quay phắt lại, tự động như cái máy, nó lao về chỗ mới phát ra tiếng động. Đó là đụn rơm xa nhất. Nó muốn tận mắt thấy cái lưng của đứa đang lủi trong đó để phi về chỗ “mạng”. Tôi sướng như có thể nhảy cẫng lên hét “ồ, dé”. Nhưng không, tôi lồm cồm bò vòng qua bên kia đụn rơm rồi ù té chạy. Bé Sen rượt theo nhưng khoảng cách đủ an toàn để tôi chấp nó đến mấy bước chân. Và tôi trở thành người hùng.
Bảy đứa được đi trốn thì có ba đứa sống, bốn đứa chết. Giờ mới đến màn gay cấn nhất: cứu mạng. Một đứa sống cứu được một mạng của đứa chết. Anh cu Pha với con Bé Hạ đã cứu hai đứa rồi, chỉ còn tôi. Bé Ti và Cầy Em nhìn tôi không chớp mắt, đứa nào đứa nấy mím chặt môi, miệng không phát ra tiếng nào nhưng ánh mắt cầu cứu khẩn khoản tha thiết thì giấu thế nào được, tôi liếc ngang một cái là xuyên thấu ruột gan tụi nó rồi. Bé Ti không dám mở miệng vì nó biết tỏng câu trả lời của tôi. Nghĩ sao mà thằng Tộp này lại động lòng thương cứu một đứa con gái bỏ rơi thằng con trai ngày nào cũng kè kè tí tới bắn bi chọi gà với nhau được! Vậy nên Bé Ti cầu cứu trong im lặng, và cả với tuyệt vọng. Cầy Em cũng không nói gì, ánh mắt nhìn tôi đầy hối lỗi. Biết lỗi là tốt nhưng chỉ vậy thôi không thể làm tôi nguôi ngoai cơn giận khi mà cái bộ mặt vênh váo láo liên chảnh chọe của nó vẫn như chọc điên tôi. Tôi làm lơ không thèm nhìn mặt đứa nào cả rồi dõng dạc hô tên Bé Ti trong sự thất vọng hậm hực của Cầy Em. Bé Ti nhảy cẫng lên rối rít, việc tôi cứu mạng nó chẳng khác gì ông Bụt trong truyện cổ tích vừa bước ra từ sách cầm chiếc quạt thần gõ vào đầu nó. Tôi chẳng ưa gì Bé Ti nhưng với tôi lúc này làm cho Cầy Em tức lộn ruột khiến tôi hả hê. “Chết mi chưa Cầy Em, cho chừa cái tội bủn xỉn.” Tôi chạy lộn ngược lại chỗ mấy đụn rơm lúc nãy trốn tiếp, và lần này tôi quyết trốn kỹ, trốn biệt cho nó tìm hộc máu mũi chơi. Tôi thèm gì tranh giành cái chỗ “mạng” đó với nó chứ, tôi sẽ để nó chạy ba vòng sáu tráo tìm đỏ con mắt chưa ra, mà tìm chưa ra thì đừng hòng thoát được kiếp nạn làm kẻ giữ chỗ “mạng” đó. Tôi chui hẳn vào đống rơm ngửa cổ lên trời uống trăng, lòng phơi phới như vừa trút được một cục tức nặng bằng cả gánh chì. “Tại mi, chỉ tại mi hết nên đừng có trách tau ác nghe Cầy Em.” Tiếng chân nó chạy ngược chạy xuôi quanh đụn rơm nghe bịch bịch.
Chuyện chỉ mới lúc trưa chứ mấy, tôi mà không dằn mặt nó thì đâu còn là thằng Tộp nữa. Sém chút nữa là nó làm hỏng bét kế hoạch bẫy chim miều của tôi rồi. Chẳng còn đi lò dò học lỏm như mấy lần trước, chuyến này tôi quyết mang con miều căng lửa nhất ra tác chiến, đánh dấu bước tiến lớn trong sự nghiệp của mình: chính thức tham gia vào hội bẫy chim miều kỳ cựu. Cu Pha, Cầy Lớn, Chó Tí là những cái tên tôi ngưỡng mộ từ lâu với những con miều đầu to chắc rụi, cánh thì dài ôm lấy thân, dáng thon gọn, gầm chân cao, mào vểnh tới trước oai vệ. Đó là những con miều khỏe mạnh, hót hay, nhặm mỏ, bản lĩnh và lỳ lợm trong chiến đấu. Rồi tôi cũng sẽ có trong tay vài con như thế, sớm thôi!
Cơm trưa xong, tôi đội nắng chạy sang tìm anh Cầy Lớn. Mới có hơn mười hai giờ mà anh Cầy đã ngáy như sấm trên chiếc giường tre sau hiên nhà, sát ngay bên cây mít. Giường tre nằm mát lưng thiệt nhưng ngồi xuống cái là nghe kêu cọt kẹt như sắp gãy. Vậy mà anh Cầy vẫn ngủ ngon ơ, tôi phải đập dậy để lấy cái lồng bẫy chim mới được. Dù lúc sáng tôi đã hỏi mượn và được sự đồng ý của anh Cầy nhưng xách lồng về mà không báo tiếng nào thấy cũng kỳ kỳ. Chưa kịp đập thì Cầy Em đứng thù lù bên cạnh. Ỉ mình là em cùng ba cùng mẹ với anh Cầy nên nó không cho tôi đập anh Cầy dậy mà vênh váo chống nạnh hỏi tôi như hỏi cung. Ca này khó rồi đây. Cái thứ tòng teo đau ốm liên miên như nó có đợi đến mùa quýt sang năm cũng chưa được kết nạp vào hội bẫy chim miều nên chỉ có thể quanh quẩn trong nhà và mấy đám ruộng. Anh Cầy Lớn đã ra lệnh cấm tuyệt không cho nó đi cùng anh. Vì thế nó hậm hực ganh tỵ với tôi rồi đâm ra cáu bẳn ki bo. Tôi dõng dạc tuyên bố là tôi mượn và anh Cầy đã đồng ý, không tin thì đợi anh Cầy ngủ dậy mà hỏi rồi nhất quyết xách lồng đi về không thèm dây dưa với nó.
- Ê Tộp, khoan đã. Mi bỏ lồng xuống cho tau.
Tôi đi như chạy, mặc kệ cái thằng nhiều chuyện nhưng nó nhất quyết không thối lui, nó gằn giọng.
- Khôn nhờ dại chịu nghe. Ưa cầm về rứa cũng được, có điều sứt mẻ méo mó chỗ mô là đền chỗ nớ hỉ.
Bực quá, thiệt là chỉ muốn ném cái lồng bẫy chim vào mặt nó nhưng kịp trấn tĩnh, tôi đặt xuống nhẹ nhàng. Nó khảo sát, sờ tay vào từng góc rồi chỉ trỏ để dằn mặt tôi. Nó nói đi nói lại cái lồng chim của anh nó giờ đang ngon lành chắc chắn, vào tay tôi mà có hề gì thì coi như tiêu đời với nó, nó cố làm tôi nhụt chí anh hùng.
- Nói rồi đỏ, hư chỗ mô thì đền chỗ nớ.
- Hư tau sửa. - Tôi cục cằn.
- Tướng mi răng sửa lồng chim được. Hư thì đền cái mới đi cho chắc.
Nó đá liên hoàn cho tôi nốc ao mới hả dạ.
- Mượn mà làm hư thì đền cái mới thôi. Ưng thì mượn, không thì thôi.
Cầy Em nhướn cặp chân mày thưa thớt của nó lên, nhìn tôi khiêu khích. Ước chi tôi có thể đưa nắm đấm ra đấm một phát vào cái mặt đen như cột nhà cháy của nó để nó bỏ cái thói bo bo giữ của. Nhưng thân đang làm kẻ phải cậy nhờ anh Cầy Lớn, tôi không muốn sinh sự nên nuốt giận gật đầu “Ừ” cho xong chuyện để mang lồng về. Anh Cầy Lớn hơn tụi tôi bốn tuổi. Không biết anh ăn uống kiểu gì mà người đô như lực sĩ trong khi Cầy Em thì teo tóp. Chắc tại nó ăn cơm mà ị ra đá cắt sắt bủn xỉn quá nên không lớn nổi. May là nó teo tóp và chỉ dựa hơi anh chứ nó mà đô con vạm vỡ như anh Cầy thì chắc không ai ở yên cho được.
Tôi bắt chước các anh ngụy trang cái lồng của mình bằng đám lá đình đình xanh bóng rồi dặn dò con miều cưng đang nhảy tới nhảy lui trong lồng. Tôi truyền cho nó tất cả những gì tôi học hỏi được từ các anh. Chúng tôi băng qua độ năm cái nương mới đến được chỗ vắng người qua lại mà nhiều tiếng chim nhất. Tôi đốt cả buổi chiều ngồi nấp sau bụi tre hóp chờ con chim miều háu chiến chui vào bẫy để ghi bàn thắng đầu tiên trong mắt đàn anh… Tiếng hót của lũ chim miều vang lảnh lót bên tai...
Tôi lồm cồm bò ra khỏi đụn rơm. Thằng Cầy Em, anh Cu Pha, anh Cầy Lớn… đứng như trời trồng trước mặt tôi. Cầy Em không co giò chạy về chỗ “mạng” như đáng ra nó phải làm mà cứ trơ trơ nhìn tôi. Chắc nó sấp mặt tìm tôi nãy giờ, hai cái giò không nhấc lên nổi rồi. Tôi toan lấy đà chạy về chỗ “mạng” để giành phần thắng thì đột nhiên Cầy Em như bị trúng tà, nó lao vào đá tôi mấy cú liên tiếp đau điếng. Nghe có tiếng lào xào í ới, tôi đảo mắt nhìn quanh. Một đám người đang kéo nhau hớt hải chạy từ phía khe ra đám ruộng. Đám người di chuyển rất nhanh và nom quen lắm nhưng dưới ánh trăng và tôi lại đang bàng hoàng nên chưa xác định được. Mấy giây sau họ chạy thêm một sào ruộng nửa tôi nhìn ra được dáng chạy hấp tấp vội vàng chân nam đá chân chiêu của mạ. Là mạ, là ba và có cả mạ Bé Ti, mạ Cầy Em, ông Dưỡng… Lại thêm năm bảy người chạy theo sau. Vậy là đủ hết cả xóm. Ơ, lạ thiệt, cả xóm làm gì mà đông vui vậy nhỉ? Giờ này chỉ con nít mới ra đồng chơi thôi chứ, người lớn sao lại túm tụm với nhau như hội thế kia, thiệt là! Tôi chỉ ngủ một giấc thôi mà thành “hoàng tử ngủ trong rừng” mất rồi. Mở mắt ra tưởng như cả thế kỉ, ai nấy đều hành động kỳ quặc. Còn mấy cú đá của Cầy Em nữa, rồi nó sẽ chết không kịp ngáp dưới tay tôi cho mà xem. Nhưng trước tiên phải xem chuyện gì đang xảy ra, ba mạ chỉ còn cách tôi có nửa sào ruộng. Chỉ còn mấy bước chân, mạ lao tới vò đầu, nhéo má hỏi liên tục không thèm nghỉ lấy hơi.
- Tộp, con bị chi khôn con? Đau chỗ mô nói mạ biết?
- Con ơi là con…Hu ba hồn bảy vía con tui…
Mạ hết hỏi thì xoa đầu, xoa mặt rồi lại hỏi rồi hu ba hồn bảy vía, cứ thế phải chục lần. Tôi đứng chôn chân như trụ điện, không hiểu cũng không biết phải trả lời ra làm sao. Hoảng loạn hơn, mạ hỏi tôi có biết mình tên chi, mấy tuổi, con của ai, nhà ở đâu… không? Sao tự dưng ai cũng như trúng tà vậy nhỉ? Không hiểu chuyện mô tê gì cả, miệng tôi cứng đơ lòng lo lắng cho mạ vô cùng.
Ông Dưỡng từ sau bước đến nhìn mặt tôi thật kỹ. Ông nhìn như thể muốn vạch mặt bửa đầu tôi ra để xem tôi đang nghĩ gì. Lát sau, ông điềm tĩnh trấn an mạ.
- Ngó mặt nớ là tỉnh đó chớ khôn chi mô. Hỏi hắn từ từ thôi để hắn hoàn hồn cái đã.
Cầy Em xớn xác chạy tới trước mặt mạ dõng dạc.
- Hắn khôn phải bị ma thu mô thím nờ, hắn ngủ quên trong đụn rơm á. Cầy ngồi trúng chân hắn cái bờ hắn tỉnh, Cầy còn thấy hắn ngáp nữa đó.
Mạ nhảy đành đạch, chuyển hẳn từ lo lắng sang nổi đóa. Giọng mạ cũng chuyển dần sang những tiếng gầm gừ tức tối, cục tức lớn dần và đùng một cái bật ra khỏi người mạ. Mạ lôi xềnh xệch tôi về nhà, chẳng nói chẳng rằng, như mọi khi tôi tự động trèo lên giường cắn răng chịu một trận đòn tóe lửa. Bị mạ đập tôi tỉnh hẳn người chứ lúc trèo lên giường vẫn còn ngái ngủ lắm. “Ngủ trong đụn rơm hắn đã chi mà đã lạ rứa thê.” Đã ngủ ngon rồi còn nằm mơ được ăn chim cuốc ba nướng nữa chứ. Tiếc là Cầy Em làm tôi tỉnh hơi sớm lúc ba chỉ mới xé cái đùi chim cháy sém đưa cho tôi chứ chưa kịp cho vào miệng. Tiếc chi lạ. Nếu thằng Cầy Em mà nhìn kỹ hơn chắc nó đã thấy tôi đưa tay chùi nước miếng lúc bò trong đụn rơm ra. Tội mấy đứa kia, còn chưa kịp ngủ trong đụn rơm đã bị lôi cổ về nhà. Tôi bấm bụng nghĩ chắc tụi hắn tức tôi ghê lắm đây, vì tôi mà bị giải tán sớm dù trăng vẫn trong vắt trong veo rọi ngoài đồng.
Mà kể ra cũng không thể trách tôi hoàn toàn được. Trong lúc đắc thắng nằm nghe Cầy Em vật vã tìm mình, tự nhiên hai mi mắt khép lại rồi không còn nghe không còn biết gì nữa. Là tôi ngủ quên chứ tôi đâu muốn. Lúc đó gió núi thổi ra mát rười rượi cộng thêm cái đệm rơm êm như nhung và thứ ánh sáng vàng ngà mát dịu chiếu xuyên qua mấy lớp rơm vẽ những đường ngang dọc trên mặt tôi y chang những khi trăng chênh chếch chiếu xuyên qua cửa sổ chỗ tôi nằm thì làm sao tôi cưỡng lại cơn buồn ngủ được. Cầy Em chạy xuôi đằng đông ngược đằng tây rồi tạt sang nam vòng về bắc bốn phương tám hướng mà không tìm thấy tôi, nó kết luận là tôi bị Ma Rà thu rồi. Bé Ti sợ xanh mặt chạy vào tìm mạ. Nó bê nguyên văn câu nói của Cầy Em làm mạ chết khiếp gọi cả xóm ra tìm tôi.
Bắt đầu từ mấy đụn rơm và bờ ruộng, rồi mọi người đi xa hơn về phía khe. Ba lùng sục trong bờ tre hóp. Vào buổi tối, từ bờ tre hóp trở qua phía bên kia là cấm địa. Lúc đầu tối mạ còn nhắc đi nhắc lại chỉ chơi trên ruộng không được lủi qua bờ tre hóp, mạ mà biết tôi chui qua thì mạ đập cho gãy chân cấm cửa. Phải quên con khe đi dù lòng khe lúc này không có lấy giọt nước. “Trăng quầng thì hạn trăng tán thì mưa” mấy tháng nay toàn thấy trăng sáng ngời ngời lơ lửng với quầng sáng to mờ bao quanh. “Đại hạn đó” ông Dưỡng mà nói thì không sai được. Lòng khe giờ toàn vết nứt ngoằn ngoèo đâm ngang đâm dọc y hệt mạng nhện rách. Nước trong giếng đá cũng đã vơi gần đến đáy nên mỗi ngày chỉ gánh một ít về nấu ăn. Cả xóm xúm nhau đào cái giếng ngay dưới lòng khe. Khe thì khô nhưng nước bên dưới vẫn còn nhiều, đào một lúc là ứa ra thành cái giếng tạm. Tắm rửa giặt giũ dồn hết ra giếng khe dù nước có phèn ngấm vào da vàng quạch. Nghe nói Cầy Em mà ngồi trúng người tôi muộn chút xíu nữa thôi là ba đã nhảy xuống giếng coi Ma Rà có thu tôi dưới giếng hay không rồi. Chẳng biết mặt mũi con Ma Rà ra làm sao nhưng người lớn ai cũng khăng khăng bén mảng qua bên kia bờ tre hóp vào ban đêm là nộp mạng cho Ma Rà. Ma dưới khe được gọi là Ma Rà, dù có nước hay không có nước thì Ma Rà vẫn ở đó. Mùa nước đầy, Ma Rà kéo người xuống lòng khe. Mùa khô, Ma Rà thu trong bụi tre hóp. Bị Ma Rà thu thì chỉ có nước ngơ ngơ ngẩn ngẩn ba hồn bảy vía cũng bị thu luôn sớm muộn gì cũng thành kẻ dốt nát học không ra chữ. Mạ vừa tìm vừa khóc.
Đang đêm nên không ai dám gọi thẳng tên mà chỉ hú hù đánh tiếng rồi chờ nghe tôi trả lời. Chẳng còn năm với mười gì nữa, hội con nít giải tán ngồi trên đám ruộng chờ tin. Chờ lâu phát mệt, mỗi đứa thả mông trên một đụn rơm hoặc bờ ruộng lấm lét nhìn nhau. Nhờ ơn trên sắp đặt, Cầy Em thả mông trúng chỗ tôi nằm. Ba hồn bảy vía nó bay tới đọt bạch đàn, nó hét lên rồi cả lũ lao tới bới rơm lên. Lúc đó tôi mắt nhắm mắt mở lồm cồm bò ra, miệng còn ngáp một cái rõ to.
Cái mông ê ẩm mãi chưa chịu khỏi lại bị cấm cửa bực dọc vô cùng mà không biết đổ đi đâu cho bớt bực. Cầy Em thì tôi phải chuyển từ thù sang bạn, xem nó như ân nhân vì nhờ cái mông của nó tôi mới tỉnh dậy kịp lúc. Chỉ còn Bé Ti, tôi đổ hết bực lên đầu nó. Tất cả là tại cái miệng mỏng mui hở tí mách người lớn của nó. Nó mà không vào tìm mạ để từ từ tôi ngủ no tôi dậy thì đâu nên nỗi. Mỗi lần thấy nó lò dò bên hàng chè tàu dòm qua tôi đều trừng mắt lườm nó một cái cho chừa cái tội ti toe. Mấy lần nó định gọi tôi lại nói gì đó, tôi đoán là nó muốn xin lỗi tôi nhưng tôi không cho nó cơ hội. Tôi chỉ lườm cho bõ ghét rồi quay lưng đi.
Cấm cửa nửa tháng luôn chứ có ít chi. Tôi được ra khỏi nhà lại thì hết mùa trăng ấy mất rồi. Qua tháng mới phải đi cho hết “Mồng Một lưỡi trai - Mồng Hai lá lúa - Mồng Ba câu liêm - Mồng Bốn lưỡi liềm - Mồng Năm liềm giật - Mồng Sáu thật trăng…” mới được ra đồng chơi. Trăng lưỡi liềm thì chỉ vòng vòng trong sân trong vườn rượt theo mấy con bọ có cánh phát sáng ở đuôi bắt bỏ túi nylon chơi thôi. Đuổi muốn hụt hơi vì chỉ có vài con lạc vào sân mà lại bay cao quá đầu. Tôi thấy chúng hành quân từ Đường Xe vào lùm, chúng bay theo đàn chập chờn như một dòng sông xanh chớp nháy. Phải rồi, là sông Ngân Hà chấp chới triệu sao trên bầu trời. Và chúng là chuỗi ngọc trong đêm khi đậu trên tán lá. Lúc ấy mà ra tay thì bắt được cả mớ. Nhưng mạ không cho tôi ra Đường Xe hay vào lùm vào ban đêm. Đằng trước con khe là cấm địa, đằng sau Đường Xe và lùm là cấm địa. Chỗ nào hay ho cũng là cấm địa, con nít con nôi khổ quá mà! Phải tóm được vài chục con thì tụi con gái mới lác mắt trầm trồ. Và tôi sẽ không ly cho tụi nó con nào đâu. Mai phải lén mạ ra sát Đường Xe rình tụi đom đóm này mới được.
“Giang hồ trải qua mấy trăm năm, anh hùng trong thiên hạ hiến dâng linh hồn cho bảo kiếm nhiều không kể xiết. Họ không đầu thai siêu thoát mà mãi mãi ở cổ mộ…” Tôi lẩm nhẩm câu nói trong phim tôi mới coi ké hồi chiều khi về nội. Tôi lẻn sang nhà chú Cư xem đúng cảnh quý giá nhất phim. Chắng biết mấy tập trước chiếu cảnh gì nhưng với tôi cảnh này là quý nhất rồi vì có đom đóm. Chút nữa tôi sẽ ra kể cho tụi nó nghe, tụi nó chắc chắn thèm thuồng ngưỡng mộ tôi và tiếc hùn hụt vì không được tận mắt chứng kiến cảnh đó. Thứ mình biết, mình rượt bắt hoài mà cũng có trong phim luôn, oai chưa. Oai nữa khi chúng không phải là con bọ bình thường, chúng là những linh hồn của các anh hùng đang canh giữ bảo kiếm. Nghĩa là xóm Khe Trong của chúng tôi cũng có bảo kiếm. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cho ra thanh bảo kiếm chôn ở đâu. Tôi sẽ tiên phong hiến dâng linh hồn cho bảo kiếm…
Tiếng sột soạt trong vườn bên cạnh cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi dòm qua. Là con Bé Ti. Nó rượt bắt một linh hồn đang lượn lờ trên đọt chuối non. Nó nhảy lên nhảy xuống vờn tới vờn lui mà hụt hoài, linh hồn này cũng lì thiệt bị chận bắt mà không chịu bay cao tẩu thoát. “Chà, mi hay ghê Tộp nờ.” Tôi tấm tắc tự khen mình, chỉ có bộ óc vi diệu của tôi mới nảy ra được sáng kiến hay ho đến vậy. Tôi thả dép đi chân trần qua bên kia hàng chè tàu, hai tay úp lại nhốt con đom đóm duy nhất tôi vừa tóm được. Tôi không dám nhấc chân cao mà kéo lê chân trên đám lá khô để khỏi phát ra tiếng động. Tôi tiến gần Bé Ti từ phía sau, vươn cánh tay ra rồi thả con đom đóm cầu cho nó vương vào tóc Bé Ti hoặc ít ra nó phải bay thật gần. Cầu được ước thấy, con đom đóm mất phương hướng bay sát cái tai to bè bè của Bé Ti làm nó giật mình quay lại.
- Chu cha, chết mi rồi Bé Ti ơi.
- Chết chi rứa anh Tộp?
Tôi rùng mình một cái, giọng khẩn trương.
- Đom đóm là linh hồn người chết. Những ai chết chưa được siêu thoát sẽ biến thành đom đóm.
Phải ra vẻ nghiêm trọng nó mới tin. Tôi chỉ tay về phía lùm.
- Mi thấy khôn? Mấy chỗ rậm rậm nhiều ma là nhiều đom đóm đó.
Nó gật đầu, tôi nói đúng quá mà. Tôi tiếp đòn chốt hạ.
- Nếu đom đóm bám vào người ai thì người đó cũng sắp hóa thành đom đóm.
Nó cười rạng rỡ mặt mày.
- Hay hè.
Chắc nó mê đom đóm đến nỗi mụ mẫm luôn rồi. “Đồ ngu, nói rứa mà vẫn khôn hiểu.” Tôi mắng thầm rồi bằng nét mặt và giọng điệu rùng rợn nhất tôi quyết đưa nó vào bẫy.
- Hóa thành đom đóm tức là chết đó mi nờ. Mi sắp…
Tôi run run làm như không thể nói tiếp điều đáng sợ ấy. Bé Ti chính thức sập bẫy. Nó run rẩy.
- Thiệt… thiệt… thiệt khôn… anh Tộp?
- Thiệt chơ. Tau coi trong phim nói rứa đó mi. Phim răng mà sai được.
Cú này nó mà nghi ngờ nữa mới là lạ nè. Có một điều mà đứa nào cũng biết, đó là: thứ gì xuất hiện trên ti vi cũng là chân lý. Chân lý là thứ chi chi tôi cũng chưa rõ nhưng đại khái là nó không sai. Chúng tôi hóng hớt từ mấy anh lớn dữ lắm mới ra được cái chân lý ấy. Bé Ti bỏ chạy vào nhà làm rớt cái hũ thủy tinh. Tôi lượm lên, cái hũ đẹp quá nó còn chui sẵn một lỗ trên nắp hũ để tụi đom đóm thở.
***
Tôi treo con miều cưng của mình lên cành mít tranh thủ tập huýt gió thi với nó. Phải huýt hay nữa mới giống mấy anh lớn được.
- Anh Tộp, em sắp chết rồi em nhờ anh Tộp một việc được khôn?
Tôi giật bắn mình, nãy giờ tôi có nghe thấy tiếng bước chân nào đâu mà sao nó lù lù đứng sau lưng tôi như ma vậy nè. Hai mắt nó đỏ kè, chắc nó khóc dữ lắm đây. Chết, không biết nó có kể với ai chưa?
- Tào lao tứ đế. Chết mô mà chết.
- Tối qua con đom đóm nớ hắn bay đụng vô tai em luôn. - Nó hấp háy hai mắt cố níu lại giọt nước sắp sửa rơi.
Khó xử ghê, nói thật thì không được mà không nói thật thì làm sao trả nó về như hôm qua, trước khi bị tôi hù được đây? Ở đâu có thứ thuốc thần thông tẩy não để tôi đi kiếm một ít nhỉ.
- Ít bữa em chết anh Tộp thắp hương cho mấy cái mộ ngoài nớ giùm em với hỉ. - Nó chỉ tay ra phía cây sầu đông.
Tôi lại giật mình miệng cứng đơ. Nó tiếp.
- Con Miu của em chết ngày mồng Tám tháng Bảy, con Sẻ Què chết ngày Hai tháng Ba, con gà Nhép chết ngày Mười tháng Chạp, con Chuồn Chuồn Chúa ngày Hai Lăm tháng Tư…
- Ngày âm lịch hết nghe.
- Ờ.
- Mai mốt anh Tộp nhớ thắp hương cho mộ em nữa nghe. Không biết ba chôn em chỗ mô đây?
Ba hồn bảy vía tôi bay thấu tận mây xanh không khéo phải xin mạ cho ăn trứng hu hồn. Tôi cảm giác như chốc nữa thôi nó sẽ hóa thành đom đóm và con đom đóm này sẽ theo tôi suốt đời để nhắc nhở tôi thắp hương cho đúng ngày. “Mi tự giết mi rồi Tộp ơi!” Tôi hoảng loạn, muốn cầu cứu mà chẳng biết cầu cứu ai. Vắt hết óc ra để nghĩ thì đến tận chiều mới có được cách hóa giải. Tôi nài nỉ xin mạ cho về nội. Tôi canh tầm chừng vừa hết tập phim nếu người ta chiếu rồi mới dám lên lại nhà. Tôi ra hàng chè tàu chờ Bé Ti xuất hiện để vẫy nó lại.
- Ê, mi đừng sợ, khôn chết mô.
Tôi không cho nó thời gian để phản ứng, tôi nói một mạch vì đã học thuộc lòng từ nãy giờ rồi.
- Tau mới coi thêm phim. Nếu đom đóm bám vào người mi thì có khi mi được chọn làm thiên sứ đom đóm đó.
Nó tròn mắt lên nhìn tôi, chắc nó không biết tôi đang nói cái quái gì.
- Là ri nì, đom đóm sà vào người thì một là chết, hai là được chọn làm thiên sứ đom đóm. Chết là chết liền luôn á. Nên mi được chọn làm thiên sứ đom đóm rồi đó.
- Thiên sứ là răng anh Tộp? Nghe oai hè.
- Ờ - Tôi gãi đầu, tôi không nhớ mình lượm đâu ra từ thiên sứ đẹp đẽ này và tôi cũng không chắc chắn về nghĩa lắm - Ờ, chắc là người bảo vệ đom đóm đó. Đúng rồi, là rứa đó.
Nó mừng rỡ mơ màng nhìn ra xa. Tôi thò tay vào túi quần lấy cái hũ thủy tinh tôi mới nhốt gần hai chục con đom đóm ra đưa cho nó.
- Cho mi nè.
- Chu cha, đẹp ghê chưa. Anh Tộp giỏi quá. - Nó nhảy cẫng lên.
Tôi cười hãnh diện. Nhìn nó vui vẻ lại còn khen cái hũ và khen tôi nữa làm tôi thấy cái quần rách kia cũng đáng giá. Lúc nãy ham rượt theo những đốm xanh lập lòe này làm cái quần xà lỏn vướng vào que nè rách toạc. Xong xuôi gọn ghẽ chuyện với nó, giờ phải chạy về tìm chỗ giấu cái quần rách chứ không mạ biết thì chết. Ôi chao, Bé Ti có bị trúng tà không mà nó mở nắp hũ khi tôi chưa kịp nhấc chân lên. Lũ đom đóm bay ra vờn tới vờn lui trước mặt chúng tôi. Cái hũ là của nó nhưng đom đóm là công tôi rượt bắt rình rập cả buổi tối, thiệt chỉ muốn đạp cho nó một phát.
- Bữa ni anh Tộp đừng bắt đom đóm nữa hì. Em là thiên sứ đom đóm mà, em phải bảo vệ tụi hắn.
May cho nó, nó mà nói chậm chút xíu nữa thôi là nó ăn đạp rồi. Mấy con đom đóm bay xa dần nhưng mắt nó vẫn lấp lánh sáng, có lẽ nó là thiên sứ đom đóm thiệt.
- Bữa ni anh Tộp cũng là thiên sứ đó nghe.
- Tau á? - Tôi sững sờ, tôi mà là thiên sứ gì chứ.
- Chứ ai vô đây nữa. Anh Tộp tìm ra thiên sứ đom đóm thì anh Tộp còn oai hơn rứa nữa.
Ờ hè, chắc tôi cũng là thiên sứ thiệt. Mà thiên sứ gì nhỉ? Bé Ti là thiên sứ bảo vệ đom đóm, tôi không thích như nó vì tôi thấy đom đóm tôi chỉ muốn rượt bắt. Sứ mệnh của tôi là gì? Khó nghĩ quá. Thôi tạm cho mình là Thiên - Sứ - Hay - Ngủ - Quên.
(CÒN TIẾP)




Về khi nắng còn thơm (7) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (7) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 10:26 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.