Về khi nắng còn thơm (6) - Lệ Hằng


CHUỒN CHUỒN CẮN RỐN BIẾT BƠI
***
VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(6)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ
*****
Tự dưng đùng một cái nhà tôi có hàng xóm ngay bên kia hàng chè tàu. Gần lắm, tôi đứng bên này đưa mắt qua khỏi hàng chè tàu là thấy bên ấy đang ăn cơm hay nấu nướng, giặt giũ. Xóm Khe Trong có thêm hộ còn tôi có đứa để thường xuyên bắt nạt. Được bắt nạt rồi còn được làm người hùng nữa, tóm lại là lãi đậm.

Người nó gầy đét mỏng dính như cái bánh trán khô lại lùn nhất hội con gái ngang trang ngang lứa. Vậy mà nó là chị của hai đứa em bụ bẫm. Hình ảnh con nhỏ nặng chừng hơn mười lăm ki-lô-gam một chút cõng đứa em to gần bằng người nó chơi đá gà đã sống trong tâm trí tôi từ đó đến giờ, chưa phai một ly. Thằng em cười khúc khích hào hứng siết cổ chị rồi đá chân về phía trước. Có hôm thất thế, hai chị em ngã sóng soài trên đất. Buổi tối, nó thường cõng em chạy tới chạy lui trong nhà. Tôi ngồi trong nhà nghe rõ tiếng cười ra rả của hai đứa em nó và tiếng chân nó giẫm bịch bịch trên đất. “Mu khót mu cười”[1] hôm nào cũng khóc ỏm củ tỏi làm tôi phải tò mò chạy ra hàng chè tàu dòm sang. Nó thường bồng cắp nách đứa út lên nhà tôi mượn bật lửa hoặc xin ít dầu hỏa về châm đèn. Nó chẹo cái hông sang một bên, hai tay vòng ôm lấy đứa em đã khá cứng cáp nhưng suốt ngày bu trên người chị. Nó chăm em giỏi lại biết làm việc nhà nên mạ lúc nào cũng lấy nó ra làm tấm gương khen ngợi khiến tôi bực mình. Dù không trực tiếp ra mặt so sánh nhưng tôi vẫn thấy mọi thứ khập khiễng. Tôi có phải là con gái đâu, hơn nữa tôi cũng chẳng có em. Tôi bực mạ một thì cau có với nó đến mười. “Của chùa hay răng mà mượn với xin hoài rứa mi!” - mặt quạu lại, tôi nhìn nó trân trân mỗi khi nó sang mượn tè xin xỏ. Nó sợ sệt thập thò một lúc rồi cũng cầm thứ nó cần lút cút bồng em về.
Mạ Bé Ti là người có tay nuôi trồng nhất xóm. Chuồng nhà nó lúc nào cũng năm bảy con heo. Và nó trực tiếp thúc đàn heo lớn phổng phao bằng những rổ rau to tổ chảng nó đội trên đầu như người ta làm xiếc. Mùa khe đầy Bé Ti thường ngồi bệt trên đám cỏ gà bức cỏ sùng lột ăn chơi trong khi chờ tôi bê hộ rau và củi qua cầu còn nó thì ngồi bệt trên cầu cằn từng bước qua bờ bên kia. Cây cầu của chúng tôi là hai gốc bạch đàn to bằng cột nhà, mùa mưa cầu trơn tuồn tuột nên có ăn gan hùm nó cũng không dám lọ mọ đi qua cầu vì chưa biết bơi. Tôi phải làm người hùng bất đắc dĩ vác rau vác củi về giùm nó vì mạ Bé Ti đã đích thân sang nhà nhờ tôi.
Những lúc nhà chỉ còn ba chị em, tụi nó chơi trò mạ con. Bé Ti đóng giả làm mạ, nó biểu đứa này ngồi im, đứa kia đi ngủ rồi cho ăn cháo, uống nước nhặng xị chẳng khác gì người lớn. Chơi chán đói bụng, nó vào bếp vo gạo, nhóm lửa, nấu cơm cho em ăn thật. Khi đó nó mới chừng lớp hai, lớp ba. Hình ảnh Bé Ti tóc tấm lấm như hoa râm vì tro bếp, má mọc thêm hai vệt đen xì của lọ nghẹ, miệng dính mấy hạt cơm chưa chín bất chợt hiện lên trong đầu, và tôi không thể ngăn mình phì cười lần nữa. Có những người xuất hiện trong cuộc đời ta là để làm ta cười. Như Bé Ti vậy. Hôm đó tôi kiếm cái bật lửa trong bếp mãi không ra nên chạy xuống nhà nó hỏi.
Cái tên Bé Ti làm tôi nhớ đến hai cái tên nữa: Bé Sen, Bé Hạ. Đó là bộ ba cùng tiến của xóm tôi. Mùa nắng, tụi nó tí tới cả buổi ngoài khe. Tay đứa nào cũng le te can nhựa trắng làm phao bì bõm ngụp lặn trong dòng nước mát như cà rem. Đầu hạ, nước khe trong văn vắt nhìn thấu cả con ốc, con cá thia lia trên lớp đất lẫn cát mịn bên dưới. Nước trong đến nỗi nó sóng sánh dập dìu như dải ánh sáng triệu sao của dòng Ngân Hà, chỉ khác là không phải trên nền đen đen tuyền bí ẩn của đêm mà là giữa mênh mông rực rỡ thắm vàng. Những lần tôi nhìn nghiêng vào mặt khe đang yên ả, lia hòn sỏi cho nó nhảy tưng tưng trên mặt nước làm nước bắn lên như pháo bông, tôi thấy cả bảy sắc cầu vồng khi nắng tạt xuyên qua những hạt bông nước. Những quả cầu pha lê. Chắc nó giống vậy. Con khe này chảy từ thượng nguồn đổ ra Rào lớn của làng. Tôi đã thử men theo khe để xem điểm bắt đầu của dòng chảy ở đâu, nhưng suốt cả tuổi thơ tôi chưa từng nhìn nơi con nước rỉ ra từ vách núi hay phiến đá hay dòng thác nào cả. Chẳng hiểu sao đoạn khe ở xóm tôi nước chảy mạnh hơn và trong hơn xóm dưới, vì vậy mà có cái tên xóm Khe Trong để tôi đau đáu như bây giờ. Làn nước mát hơi tanh vị phèn ấy tôi đã tắm suốt năm tháng thơ ấu của mình, và bây giờ tôi tắm mát cho tâm hồn mình.
 Những hôm bầu trời cao lồng lộng xanh biêng biếc một màu từ đằng đông đến đằng tây, trẻ con xóm Khe Trong được tự do vẫy vùng cả buổi trước khi lên bờ về ăn cơm trưa. Năm nào phải học buổi sáng, đến mười giờ ba mươi đã thấp thỏm chờ nghe tiếng trống. Về tới Đường Xe là rút vội cái khăn quàng cho vào cặp rồi tạt vào nhà, quăng cặp sách xong ù té chạy ra khe. Mấy đứa con gái thường chờ nhau thay đồng phục rồi mới vác can nhựa đi chứ con trai như tôi chỉ việc cởi quần xanh áo trắng vắt lên cây lộc vừng (chừa lại cái quần xà lỏn) rồi nhảy bùm xuống nước. Tôi biết bơi năm tôi học lớp Ba, sau vài lần sém chết đuối được mấy anh lớn vớt lên bờ. Muốn biết bơi phải nhảy xuống nước, không những thế phải biết thử cảm giác hụt chân. Nghe lời mấy anh lớn, tôi đã thử cho mình hụt chân vài lần và lần nào cũng may mắn nhờ ai đó tóm cổ lôi vào bờ. Một hôm, anh Cu Lớn kéo tôi lên rồi quăng cho tôi một câu.
- Ưa biết bơi thì bắt con chuồn chuồn cho hắn cắn lỗ rốn a tề…
Anh Cu Lớn quay quắt đi về, bỏ mặt tôi nằm chỏng chơ trên cỏ. Nắng vàng như mật rót xuống, chẳng mấy chốc mà hong khô cái quần xà lỏn của tôi. Tôi bật dậy ôm bộ quần xanh áo trắng chạy thẳng vào nhà anh Cu Lớn. Anh Cu Lớn lúc này đang huýt sáo so tài với con Miều Lửa. Cái lồng treo tuốt trên cây mít già, theo nhịp từng cơn gió chao qua chao lại. Con chim miều đỉnh nhất xóm nhảy tới nhảy lui, nó đang cao hứng nên mỏ ríu rít không hở một giây. Hai múi mít ráo vàng ươm treo trong lồng chỉ mới vơi đi một góc nó chưa buồn mổ tiếp. Tôi chờ anh Cu Lớn kết thúc màn thi tài bằng việc kéo giọng cao vút dãi dề hạ màn mới lò thò sau lưng hỏi.
- Cho chuồn chuồn hắn cắn lỗ rốn xong là bơi được, thiệt khôn rứa anh Cu?
- Thiệt!
- Con mô cắn cũng bơi được hết hay răng anh Cu?
- Hỏi ngu mi. Con chuồn chuồn kim mi coi hắn cắn nổi da mi không mà bơi với biếc.
Tôi gật gù tâm đắc. Phải rồi, lũ chuồn chuồn kim lúc nào cũng buồn ngủ, bay vật vờ như say rượu. Nhìn chúng nó kém sức sống thế kia thì gánh sao nổi trọng trách vĩ đại là dạy bơi cho tôi được. Đến bắt chúng nó để chơi tôi còn chẳng thèm. Dễ quá đâm chán. Chỉ cần giơ tay ra, vợt phát là xong. Đôi cánh mỏng như một tấm vải voan thưa, tấm thân dài mảnh chẳng khác gì cây kim vá áo và dáng bay chậm chạp đến phát ngán của nó làm tôi luôn bĩu môi phớt lờ. Tôi đọc được vẻ yếu ớt trong cả dáng ngủ của nó. Nó khẽ khàng bám vào một chiếc lá rồi xếp đôi cánh dọc theo thân. Lớp vải thưa ngắn ấy chẳng ôm hết được phần thân bé tí với bốn, năm cái ngấn nhỏ. Nó hạ mình xuống thấp thêm xíu nữa rồi ngủ. Trong đám chuồn chuồn, loài này kém thính nhất. Hiếm lắm, khi gặp một cô chuồn chuồn kim ẻo lả màu xanh biếc trong trẻo như màu trời tháng sáu, hoặc đỏ au tuyệt mỹ như chuồn chuồn ớt tôi mới lại gần, đưa tay ra tóm. Và chẳng trật bao giờ.
Dẹp chuồn chuồn kim sang một bên, tôi nghĩ đến những quả ớt xiêm đỏ biết bay. Quả ớt đỏ được gắn đôi cánh bằng lụa mỏng lúc tía lúc hồng, lúc xanh, lúc tím và biết đổi màu dưới ánh mặt trời. Chúng tôi đặt một cái tên thật kiêu để xứng với niềm khao khát sở hữu lúc nào cũng thôi thúc trong lòng: Nữ Hoàng Chuồn Chuồn. Đúng vậy, chỉ có Nữ Hoàng mới xứng với vẻ lộng lẫy, kiêu kỳ và mạnh mẽ của chuồn chuồn ớt. Tôi đã từng bỏ ra cả buổi chiều chỉ để vờn bắt con chuồn chuồn đỏ nhất trên bờ khe hôm ấy. Tôi thấy nó bay trên cao, lẫn trong những sắc màu nhợt nhạt của đám chuồn chuồn bè bạn. Đợi nó sà xuống thấp đáp vào cọng tre hóp, tôi nín thở nhấc chân lên bước thêm một bước. Mặt khe yên ả. Lũ cá lim dim ngủ. Nước lăn tăn vỗ nhẹ hai bên bờ. Chòm bạch đàn chạm khẽ vào nhau trong gió nhẹ êm êm. Nắng nhả từng sợi vàng óng lót một lớp đệm vương giả chỗ Nữ Hoàng an tọa. Nó hạ cánh hơi úp về phía dưới, bắt đầu ngủ. Khi mọi thứ quanh tôi nhẹ thênh yên ắng, hơi thở của tôi được ém lại rồi thoát ra từ từ nơi cánh mũi không nỡ phập phồng. Khoảnh khắc mà một chiếc lá chao nghiêng cũng thành hồi chuông báo thức, đôi chân trần của tôi chỉ chạm hờ trên lớp lá mục nâu thẫm, không một tiếng “sột soạt”. Thân thủ nhanh nhẹn, động tác khẽ khàng như người trong giang hồ đã qua tu luyện nội công trên núi tuyết, tôi đưa tay về phía trước. Quả ớt xiêm đỏ của tôi vút lên cao, tắm mình trong dòng sông nắng mênh mang rồi ngạo nghễ chao đôi cánh lúc nghiêng lúc bằng, lúc cao lúc thấp giễu cợt tôi. Những cú lượn đẹp như là nhịp phách trầm bổng của bản hòa tấu từ đôi tay và chiếc đũa tài hoa của người nhạc trưởng.
Vẫn uyển chuyển, điệu đà và đầy thách thức, nó sà xuống mặt nước rồi lại vút lên và trong chốc lát lẩn vào đám lá xanh rì. Tôi chạy dọc bờ tre hóp lùng bắt Nữ Hoàng mà có khi rong ruổi đến tận xóm dưới cũng không tóm được nó. Nếu may mắn sở hữu một con chuồn chuồn đỏ rực trong tay thì nó không bao giờ là đỏ nhất, đẹp nhất, lanh lợi nhất. Và vì thế, chúng tôi nghi ngờ những gì mình đang nắm giữ. Những cánh chuồn đang nhởn nhơ trước mặt lúc nào màu cũng đậm hơn, óng ánh hơn và đương nhiên là tinh anh, lanh lợi hơn, có vậy chúng mới ngoài tầm tay. Những cánh chuồn đẹp miên man bay suốt ngần ấy năm, bay từ xóm Khe Trong vào Sài Gòn nhưng cho đến tận hôm nay, tôi chưa bao giờ chạm tay vào Nữ Hoàng của mình. Bởi, Nữ Hoàng, có chăng, là cái đẹp mà chúng tôi chỉ cần và chỉ nên ngắm từ xa. Để đuổi theo, để truy tìm, để nhầm lẫn, để xuýt xoa, để mừng hụt, nhưng không để bắt, không để sở hữu.
- Rứa là chuồn chuồn ớt cắn mới bơi được hả anh Cu?
Tôi hồi hộp. Trong đầu tôi lúc ấy là cảnh rượt đuổi chóng mặt, rình rập thóp tim nếu anh Cu Lớn gật đầu rồi bồi thêm phải là con chuồn chuồn đỏ nhất, đẹp nhất. Tôi còn trù tính sẽ lén mẹ lấy tấm vải mùng làm vợt, may ra tóm được con ớt đỏ au nhạy tai lẹ cánh ấy.
- Chuồn chuồn chúa á mi.
“Lại đoán trật nữa rồi. Ngu quá!” tôi tự xỉ vả mình vì có điều đơn giản như vậy mà tôi cũng phải chờ anh Cu Lớn nói mới ngộ ra. Phải là con chuồn chuồn Ngô mắt to gần chạm vào nhau, cặp cánh xòe rộng chắn chắn, thân hình cường tráng, phong thái đĩnh đạc ấy mới xứng để nhay cái rốn lồi của tôi. Tuyệt nhất là màu áo rằn ri xanh đen như màu áo lính của nó. Chuồn Chuồn Chúa không phải chỉ là hư danh, ảo vọng mà là bản lĩnh, khí chất của kẻ bề trên cả cộng đồng chuồn chuồn phải thừa nhận. Đó là danh dự chúng phải chiến đấu hết mình mới có được. Vị chúa tể chúng tôi ngưỡng vọng không những khỏe mạnh, oai phong lẫm liệt trong cộng đồng chuồn chuồn mà còn có tinh thần chiến đấu bất khuất và mưu lược khi giặc ngoại bang tấn công. Những tên giặc ấy không ai khác chính là chúng tôi. Mỗi khi thấp thoáng bóng dáng của những kỵ sỹ rằn ri xanh đen ấy, chúng tôi hồi hộp vạch chiến lược tiếp cận. Đầu tiên phải lựa hướng nắng để tránh sấp bóng, sau đó quan sát địa hình bên dưới, chọn nơi cỏ êm, đất mịn không lá khô nhằm tránh tiếng xào xạc. Dép vứt lại phía sau, chúng tôi nhấc đôi chân trần rón rén tiến lên. Khi cự ly đã thu ngắn đến hoàn hảo, hai ngón tay đưa ra run run kẹp lại và chờ đợi diễn biến khốc liệt tiếp theo. Nếu may mắn cho bên giặc thì tiếp đó là tiếng “Á..” hãi hùng mà đắc thắng. Vị Chúa Tể đập mạnh cánh, cong người lại nghiến vào tay một phát trời giáng, tên giặc đau nổi đom đóm mắt, đau thấy mấy ông trời nhưng nhất quyết không thả ra. Thằng nào mở miệng nói không sợ bị Chúa Tể cắn thì đều dối lòng, nên cạch mặt chúng nó. Mỗi lần thò tay ra chuẩn bị tóm lấy đuôi Chúa Tể chúng tôi đều run. Anh hùng phải biết chịu đau, lũ con trai không thả tay hay xuýt xoa gì thêm sau tiếng “Á”. Lũ con gái cũng không thả dù chúng nó la oai oái, nhảy đành đạch và mếu máo thổi phù phù vào ngón tay. Bắt được con Chuồn Ngô to khỏe cắn đến chảy máu tay thì tên chúng tôi sẽ là huyền thoại, ít nhất là trong vài ngày cho đến khi ai đó bắt được con to hơn hay lập một chiến công đủ vẻ vang để khiến dư luận tạm quên đi tên mình.
Trong những buổi chiều mải miết đuổi theo những cánh chuồn, dưới vòm trời cao lồng lộng gió núi ấy, vẻ vang nhất, hãnh diện nhất là giành phần thắng trong “Giải vô địch chuồn chuồn”. Dù có lục hết kí ức, tôi cũng không biết ai là người đầu tiên phát động cuộc thi này. Chỉ nhớ là một buổi chiều khá oi đầu hè, khi lũ chuồn chuồn đã về rôm rả tôi nhận tin báo từ thằng Cầy Em về một cuộc đua làm tôi hể hả vô cùng. Nó chạy dọc khe tìm tôi rồi truyền cho tôi mấy chữ ngắn gọn:
-  Đem chuồn chuồn ra Nương Gần thi hỉ.
- Thi chi mi?
- Ai biết mô. Mấy anh nớ dặn rứa thôi à.
Chẳng cần biết luật chơi thế nào, cứ nghe đến thi thố là thấy sướng rơn. Và đương nhiên tôi cố lùng cho ra Nữ Hoàng và Chúa Tể của mình. Chẳng ai bắt lũ Chuồn Kim thi thố đấu đá bao giờ. Tôi không đoán, mà quả quyết vậy. Tóm được mấy con kha khá, tôi phi ra Nương Gần. Đó là địa điểm tập kết của chúng tôi ngay sau xóm. Gọi là Nương Gần vì nó là đám nương rẫy gần nhà, còn Nương Xa thì phải qua bên kia khe.
Tôi không nhớ cuộc đời mình từ đó đến nay trải qua bao lần thi thố, nhưng “Giải vô địch chuồn chuồn” luôn được xếp vào danh mục cuộc thi tôi hăng máu nhất. Anh cu Pha cầm một mớ dây dù đã cắt sẵn từng đoạn chia cho chúng tôi. Đó là loại dây mảnh nhưng bền chắc, ăn đứt dây chuối, dây bao cát hay sợi chỉ. Chúng tôi oẳn tù tì chia cặp, chia nhóm như người ta chia bảng trong các giải bóng đá. Chúng tôi không có cúp vàng nhưng phần thưởng cho người thắng cuộc còn vẻ vang hơn cả cúp. Đánh bại được tất cả lũ chuồn chuồn chiều hôm ấy là sẽ được “kiệu” về tận nhà. Cảm giác được ngồi trên vai người khác nhìn đám đông tung hô bên dưới cứ y như là hoàng đế. Vì vậy, chúng tôi thi đấu nghiêm túc và chiến lược. Mấy vòng đầu, tôi chỉ chọn những con tầm tầm bậc trung, con nào to khỏe thân hình vạm vỡ được để dành cho các vòng sau và loại ngay từ đầu những tên mảnh khảnh hoặc cánh bị rách. Đem chúng nó ra thi thì khác gì tự bôi lọ nghẹ vào mặt mình. Thằng nào thằng nấy liến láu liếc ngang liếc dọc vào túi nylon của đối thủ để chọn đấu pháp cho mình.
Từng cặp chuồn chuồn được buộc vào sợi dây dù, mỗi con một đầu. Chúng tôi giữ chúng theo hai hướng ngược nhau, chờ nghe anh Cu Pha phát lệnh “Một, hai, ba…thả!” rồi nín thở chờ xem con chuồn chuồn của mình có đủ mạnh để kéo đối thủ đi hay không. Anh Cu Pha và đám con gái là trọng tài. Không cần kẻ vạch “Về đích” hay quy định bao nhiêu bước là thắng cuộc, hai con chuồn chuồn bay ngược nhau, cứ hễ con nào kéo được đối phương bay một đoạn là con ấy thắng. Hồi hộp nhất là những cặp cân sức cân tài, sợi dây cứ đứng im một chỗ, không con nào đủ mạnh để đánh bật được sức bay của đối thủ. Lúc ấy, cả đám xúm xít quây tròn quanh hai đấu sĩ vỗ tay hú hét đến khản cổ. Dùng dằng một lúc rồi cũng có con đuối sức cần nghỉ ngơi hoặc thất thế bị con kia kéo đi. Thỉnh thoảng, chúng nó phản đối ban tổ chức bằng cách rủ nhau bay cùng một hướng, kéo sợi dây lên cao. Cả đám vác que nè lao theo vợt xuống. Chúng tôi đã để thoát mấy cặp chuồn chuồn láu lỉnh như thế, và thú nhất là hôm sau tôi lại thấy chúng kéo nhau bay dật dờ trong bờ tre hóp. Tôi mỉa mai cười, đáng đời chúng nó, dám phản bội.
Hết một lượt, chỉ còn lại nửa số chuồn chuồn được vào vòng trong. Và cứ thế, chúng tôi đi đến trận chung kết trong sự phấn khích, tự hào, vênh váo thách thức của những kẻ đang cho là mình nắm giữ Chúa Tể trong tay và sự tẽn tò, hậm hực, tiếc nuối của những đấu sĩ chiến bại, trong đó có tôi. Tôi lao vào cuộc đấu bằng tất cả sự nghiêm túc, tất cả sức lực và trí lực. Những con chuồn chuồn của tôi cũng thế nhưng chiếc ngai vàng không dành cho chúng tôi khi mà xung quanh toàn là những bạo chúa bặm trợn. An ủi lớn nhất của tôi là Bé Ti. Lần nào tôi thua nó cũng nói: “Con của anh Tộp ngon đó, chỉ tại hắn không cảnh giác nên bị kéo đi thôi…”. Với những kẻ thường thở dài ngao ngán ra về tay không như tôi thì có được một cổ động viên trung thành xem như là một thành tựu rồi.
Trong tất cả mùa giải sôi động ấy, vinh quang đến với tôi đúng một lần. Hai con chuồn chuồn của tôi và Tèo Em là hai đấu sĩ may mắn trụ lại được đến vòng cuối cùng. Tôi phải dùng từ may mắn vì nó đáng được gọi như vậy. Ở vòng bán kết cặp chuồn chuồn của Cầy Em và Rin Cò đã liên minh phản đối ban tổ chức. Chúng rủ nhau bay tuốt trên cao bỏ trốn, thế là vỡ trận. Cặp chuồn chuồn ấy con nào con nấy đầu to cứng cáp, mắt lồi như mắt trâu vừa dữ dằn vừa tinh anh. Rin Cò nghiến răng đỏ mặt tía tai khi bị con Chúa Tể của nó hậm hực cắn vào tay, con này cắn dai đến nỗi Rin Cò chảy cả nước mắt, nó phải cố lắm mới không bật khóc thành tiếng. Những tấm lưới thưa trên thân dù mảnh nhưng chắc rụi, nó đập cánh phát ra cả tiếng nghe giòn giã lẫm liệt vô cùng. Chúa Tể trong cái túi nylon của tôi và Tèo Em không bì được một góc. Tôi nén tiếng thở dài trước viễn cảnh đã quá quen. Cặp cánh non nớt cố gượng dậy đập xoành xoạch nhưng sức mọn không thể đọ với vóc dáng cường tráng của đối phương, sớm muộn gì nó cũng bị kéo bừa một quãng dài. Nhưng Ba Mươi chưa phải là Tết, đến phút chót kẻ nắm giữ sức mạnh trong tay lại không phải là kẻ chiến thắng. Vận may có sức mạnh lớn hơn. Lúc tôi thấy Cầy Sen và Rin Cò vác que nè rượt theo hai cái chấm nhỏ thấp thoáng trên bụi mâm xôi ngoài Đường Xe, tôi nguyện thầm thần linh của đám chuồn chuồn tiếp cho chúng sức mạnh.
Tôi đánh bại Tèo Em, Chúa Tể của tôi thành bá chủ. “Tộp vô địch, Tộp vô địch…” Tôi ngồi trên kiệu say sưa tận hưởng cảm giác ngai vàng mang lại. Giọng Bé Ti vang to hơn cả.
Hôm sau, Bé Ti lân la ngỏ ý xin con chuồn chuồn Chúa về nuôi giùm tôi. Và tôi đương nhiên là không đồng ý. Nó nài nỉ.
- Anh Tộp đi cả ngày rứa hắn buồn hắn chết răng. Anh Tộp cho em nuôi đi, em cho hắn ăn đàng hoàng.
- Nói như méc, mi biết hắn ăn chi khôn?
- Biết chơ, em thấy mấy lần rồi tề. Con chuồn chuồn hắn ăn con muỗi. Cho em nuôi hắn mai mốt hắn to hắn bay mạnh hơn nữa đó.
Tôi sực nhớ cả ngày rồi tôi chưa cho Chúa Tể ăn gì. Nhưng tôi vẫn không muốn giao nó cho Bé Ti, mặc cho Bé Ti đi theo năn nỉ ỉ ôi. Kệ, thế mới vui.
Mấy hôm sau Chúa Tể qua đời. Tôi báo tin buồn lúc Bé Ti hí hửng cầm con muỗi phi qua hàng chè tàu.
- Mi để dành con muỗi nớ mà ăn. Hắn không ăn được nữa mô.
- Hắn no rồi à?
- Ngu rứa mi, hắn chết rồi.
Mặt Bé Ti chảy dài xuống như sắp mếu, tôi thấy có lỗi với Chúa Tể và có lỗi với nó quá. Thấy có lỗi nhưng nhìn vẻ mặt tội nghiệp của nó tôi chỉ muốn nạt nó một trận. Tôi cau mặt, nhíu mày lại lên giọng.
- Chi rứa mi? Đừng nói là mi khót[2] nghe. Cái đồ mít ướt lỏng cồi. Mai mốt tau bắt lại con Chúa Tể khác chơ có chi mô mà…
Bị tôi la, nó cố gượng lại để không mếu máo. Bé Ti là đứa mít ướt nhất đám con gái, con sẻ què, con gà nhép, con chấu chấu… con nào chết nó cũng khóc tu tu còn hơn là khi bị mạ nó đánh.
- Hắn mô rồi anh Tộp? Để em đem hắn đi chôn với mần đám cho hắn.
Dù chẳng thích mấy trò làm đám tang của Bé Ti nhưng tôi nghe lời nó răm rắp. Nếu mấy hôm trước tôi chịu đưa Chúa Tể cho Bé Ti thì biết đâu giờ nó còn sống. Bé Ti dẫn tôi ra vạc đất trống gần cây sầu đông, nó lấy que nè đào một khóm đất nhỏ rồi đặt Chúa Tể xuống, lấp đất lại. Nó bẻ ba que tre hóp khô làm ba cây nhang, quỳ xuống đưa nhang lên ngang đầu rồi lầm bầm khấn. Tôi đứng sau nhìn chùm tóc xơ xác buộc ngang lưng và hai cái tai bè bè ấy tự nhiên lòng thấy thương nó lạ. Nó cúi xuống rồi ngẩng đầu lên vái đủ ba lần xong đứng dậy.
- Ngày ni là ngày mấy anh Tộp hè?
Tôi lắc đầu, chẳng hiểu nó muốn biết ngày để làm gì nhưng không gặng hỏi.
- Hắn được mi đưa đám rứa là hắn vui rồi đỏ. Vô hỉ?
***
Theo lời anh Cầy Lớn thì tôi cần một con chuồn chuồn Chúa dũng mãnh như thế để biết bơi. Tôi bỏ ra cả buổi chiều rình bắt con chuồn chuồn đầu to uy dũng nhất hôm ấy. Khỏi cần kể cũng biết tôi đã nghiến răng chịu đau thế nào để tên bạo chúa đó nhay lấy cái rốn nham nhở của mình. Hôm sau tôi tự tin vác cái bụng còn nhức tê tái ra khe. Tôi gieo mình xuống nước làm bộ bơi sấp xong bơi ngửa như thể qua một đêm phép màu từ vết thương đủ sức giữ cho tôi nổi trên mặt nước. Tôi lội ra xa hơn, rồi xa hơn nữa tiến về phía giữa lòng khe. Nước ở đây mát như được ướp đá lạnh, và cũng trong hơn, chảy mạnh hơn hai bên bờ. Tôi sẽ tự do ngụp lặn và nổi bồng bềnh trên dòng nước mát tận đỉnh đầu này như các anh lớn sớm thôi, tụi kia sẽ phải lác mắt ngưỡng mộ cho mà xem. Nghĩ còn chưa xong chuyện vẻ vang thì sém chút tôi được nổi trên nước thiệt, nhưng phải lặn ba ngày mới nổi lên. Tôi hụt chân. Lâu nay đứng trên bờ chỉ thấy lòng khe dập dềnh nước chảy, sao mà hiền, sao mà lành đến thế. Ngờ đâu bên dưới vẻ lững lờ ấy còn những con sóng ngầm âm thầm dữ dội đủ để xiết lấy người tôi lôi đi. Tôi chới với, càng cố ngoi lên càng bị dìm xuống. Tôi uống nước no căng cả bụng, gần chết đến nơi mới kịp tỉnh. Theo từng nhịp dập dềnh, nước nhấn chìm tôi xuống rồi lại đẩy tôi lên. Còn chút sức cuối cùng tôi thôi vẫy vùng mà để thân mình trôi theo dòng chảy, đợi lúc nước đẩy tôi lên thì giơ tay kêu cứu. Từ trên bờ tiếng hét thất thanh vang lên, mấy anh lớn bơi hết ra giữa lòng khe. Tôi nghe rõ tiếng những sải tay dài rẽ làn nước tiến về phía mình, và cả tiếng đập chân. Các anh kéo tôi vào bờ rồi chửi như điên mặc tôi đang sặc nước, ho và ói liên tục. Dù hai tai lùng bùng tôi vẫn nghe.
- Ưa chơi trội à con? Chết không kịp ngáp mô con.
- Mạ mi mà biết là mi nhừ xương đó con…
Tôi thều thào biện minh.
- Em cho con chuồn chuồn Chúa cắn lỗ rốn rồi mờ…
Cả hội cười sặc sụa, cười lăn lộn như bị ai cù lét. Tôi biết mấy anh cười tôi nhưng không biết cười vì lí do gì.
- Ui chu cha tội nghiệp con tui, dại chi mà dại lạ rứa con hè…
Mỗi người một câu thay phiên nhau nói ra rả lại còn xoa đầu, nhại giọng người lớn. Tôi ngượng chín mặt.
Sau chuyến ấy tôi tập bơi nghiêm túc hơn và thêm vài lần hụt chân nữa thì tôi bơi được ngon lành. Tôi mang bí mật “chuồn chuồn cắn rốn biết bơi” ấy theo mình. Và mang theo cả tiếng cười ha hả giòn vang Khe Trong ấy. Đứa nào lớn lên cũng bỏ túi ít nhiều bí mật kinh thiên động địa, để một ngày đẹp trời nào đó lôi chúng ra truyền lại cho mấy đứa cà ngơ y như mình lúc trước.
Một sáng chủ nhật đầu hạ, một sáng trong xanh đẹp đẽ nhất trong khu vườn ký ức của tôi, mặt trời kéo những chòm mây trắng muốt treo tít trên cao. Trời quang lồng lộng gió. Từ đằng đông đến đằng tây là một màu xanh biếc như tấm bạc được căng từ bốn hướng, no gió phẳng lỳ. Chúng tôi nhảy băng băng trên mấy luống khoai, luống đậu mơn mởn cạnh khe, đuổi theo những sợi tơ trời trắng tựa hồ như tuyết, nhẹ tựa hồ như bông. Dưới cái nắng vàng ươm nhưng chưa quá gay gắt, từng cái bóng nhỏ xíu in lên nền đất, búng từ luống này sang luống khác như những con châu chấu cẳng dài.
Tơ trời ai thả xuống đất? Dù có nhiều công cụ tìm kiếm để đưa tôi đến gần với câu trả lời một cách khoa học, tôi vẫn không muốn tìm. Đơn giản là để giữ lại vẹn nguyên câu chuyện thần tiên của chúng tôi. Hết mùa mưa lạnh, trời bắt đầu quang là lúc các cô tiên trên trời dệt vải. Những mảng trắng chưa thành sợi ấy là của một cô tiên hậu đậu đánh rơi. Có khi là sợi dài đang dệt dang dở, có khi là mảng bông nhẹ như không bay là đà trong gió mãi không chịu rớt. Mảng bông có vị ngòn ngọt là tơ non đã uống đủ sương. Mảng bông có màu trắng bạc, nhạt thếch, khô xàm xạc là tơ già. Tóm được tơ trời là cho vào miệng nhai nhóp nhép ngay. Tôi rượt theo tơ một hồi, ăn được vài mảng thì bắt đầu thấy chán. Từ hồi vào lớp Sáu, hứng thú tranh tơ với đám con gái vơi dần. Không chỉ tôi, mấy thằng kia cũng bắt đầu chán. Tụi nó kéo nhau xuống tắm ở đoạn khe xa hơn, chỗ đó nước chảy mạnh nhưng lòng khe cạn. Tôi về lại cây lộc vừng ngồi vắt vẻo nhìn tụi con gái nhảy như ếch trên ruộng khoai để đón lỏng tơ mà hụt hoài. Bé Ti bình thường khá lanh lẹ thế mà hôm đó nó chụp ếch ngã sấp mặt chổng mông lên trời đến mấy lần. Tôi phì cười lũ mê tiên, cái gì liên quan đến tiên cũng làm tụi nó cuồng lên. Là ai đã vui miệng bật mí với tụi nó chuyện ăn tơ trời của tiên sẽ đẹp như tiên vậy nhỉ?
Đuổi được một lúc trời đổ nắng gắt, đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại và con sảy bắt đầu chích chọt ngứa ngáy. Cả bọn kéo nhau sà xuống khe tíu tít. Lúc ấy tôi tắm cũng đã mấy lần, da ở lòng bàn tay bàn chân bắt đầu nhăn nheo vì dầm lâu trong nước. Tôi định lượm áo quần về luôn nhưng thấy tụi nó ra rả thách nhau bơi rồi hụp làm tôi ngứa tay ngứa chân. Tôi trèo lên lại cây lộc vừng, thả mình rơi tự do xuống mặt khe để nước bắn tung tóe. Hết sấp rồi ngửa, tôi bơi qua bơi lại cho tụi con gái thèm chơi rồi mới ôm áo quần về, bỏ lại sau lưng những lời trầm trồ không ngớt. Bé Ti lon ton cầm can nhựa chạy theo tôi, nó đuổi kịp tôi lúc tôi vừa đặt chân xuống bờ ruộng.
- Chi chạy như ma đuổi rứa mi?
- Anh Tộp vẹ tụi em bơi với nờ.
- Cái tướng mi mà bơi biếc chi.
- Đi, vẹ em với. Hồi nớ mấy chị lớn nói ai cũng bơi được hết mờ, tập bơi là bơi được.
Sau dạo càn quét của phong trào vào Sài Gòn học may, xóm chẳng còn chị nào lớn lớn để dạy bơi cho tụi nó. Một ý nghĩ nghịch ngợm thoáng qua trong đầu tôi.
- Xin mạ mi miếng mít ngon nhất đem lên cho tau đã rồi tau vẹ cho.
Tôi bước thật nhanh để nó không kịp nhìn thấy tôi đang toe toét cười. Dù đã cố nhưng ý nghĩ tào lao ấy làm miệng tôi không thể ngậm bình thường được. Hôm đó nhà Bé Ti có trái mít chín cây thơm nứt mũi. Khen mãi cũng nhàm nhưng thiệt tình mít trong vườn nhà nó cây nào cây nấy trái lủng lẳng đeo từ ngọn đến gốc, nhìn mượt mắt thôi rồi. Mít ngon nhứt nách, con miều yêu quý được phần mấy múi thích quá hay sao mà hót hoài.
Nắng chiều vừa dịu đã thấy cái bóng nhỏ xíu mà dài lêu nghêu nhấp nhổm ngoài đám ruộng, Bé Ti chạy dọc bờ tre hóp rình bắt con chuồn chuồn cắn đau chảy nước mắt ấy.
Sang hôm sau, chưa đến giờ tắm khe nó đã chạy bon bon trên đám ruộng, tay nó không cầm can nhựa. Bé Ti gan thỏ nhưng nó tin lời tôi lắm. Cảm giác chết hụt sáng hôm ấy ùa về nguyên vẹn lạnh dọc sống lưng tôi. Tôi chạy theo nó, nửa muốn gọi nó lại để nói nó đừng chơi dại, nửa lại không. Tôi mà nói như vậy thì khác gì thú tội tôi lừa nó để lấy miếng mít, và nó sẽ không bao giờ tin tôi nữa. Ra đến khe, nó tự tin lội một quãng xa rồi ngoi lên ngụp xuống mấy lần cho ướt hết tóc. Nó lội ra xa hơn nữa, tôi bắt đầu hoảng loạn. Mấy giây sau, Bé Ti ra gần giữa lòng khe chỉ còn nhìn thấy cái đầu nhấp nhô trên mặt nước. Tôi điếng người gọi tên nó, gọi đến lạc cả giọng mà nó không quay lại. Loạng choạng, tôi nhảy xuống khe.
- Bé Ti, đi vô!        
- Em cho hắn cắn lỗ rốn rồi.
Giọng nó thỏ thẻ, lòng khe dập dìu vỗ từng đợt nhẹ, mặt nước phản chiếu ánh nắng loang loáng bạc, cái đầu đẫm nước của Bé Ti cũng loang loáng bạc. Nó thử cảm giác hụt chân để chờ người nổi lên và bơi. Tôi cắm đầu sải từng sải thật dài. Tóm được người nó tôi ngoi lên vuốt mặt lấy hơi bơi vào bờ. Chân đã chạm đất không còn nguy hiểm nhưng Bé Ti đuối nước đi không nổi và tôi phải xốc người nó lên lưng cõng vào bụi cỏ cạnh cây lộc vừng. Ai biểu chơi ngu chi để giờ phải lo cho nó. Tôi vỗ mấy cái vào lưng cho nó ói nước ra rồi nạt nó một trận y như mấy anh lớn đã nạt tôi mấy năm về trước. Nó sém khóc.
- Em cho con chuồn Chúa cắn lỗ rốn thiệt rồi mà. Đây nì, chừ còn đau nì.
Bé Ti vén áo lên cho tôi xem cái lỗ rốn sưng vù vết răng con chuồn chuồn bạo chúa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy cái lỗ rốn xinh xẻo gọn gàng chứ chẳng lồi ra nham nhở như tôi và Cầy Em. Không hiểu lúc sinh nó ra mạ nó làm cách nào để cái rốn chìm vào trong hay thiệt. Tôi quay mặt đi, ậm ờ không biết nói sao để lấp liếng cho tội lỗi của mình.
- Can chi khôn? - Tôi dịu giọng.
Nó lắc đầu.
- Chắc hắn cắn tụi con trai mới linh. Chậc, hèn chi lâu chừ chưa thấy đứa con gái mô cho chuồn chuồn cắn rốn hết tề.
Nó tròn xoe mắt gật đầu ra vẻ hiểu chuyện lắm.
- Mà thôi, con gái biết bơi mần chi. Vô hè.
Tôi đứng dậy. Bé Ti cũng đứng dậy, áo quần nó lã chã nước cứ như con chuột sa lầy.
- Đi nổi khôn? Hay bắt tau cõng nữa?
Nó không trả lời chậm chạp bước theo tôi. Đến sào ruộng gần nhà, tôi nói mà không quay lại nhìn.
- Uống nước nhiều rứa thì phải nói mạ mi cho ăn trứng hu hồn đi hỉ.
Tôi đã mấy lần té mương, té hói hoặc tắm khe uống nước được mạ cho ăn trứng hu hồn. Mạ luộc cái trứng vịt, cắt ra làm bảy miếng rồi cầm ba cây nhang ra chỗ tôi bị té. Cứ mỗi lần mạ đọc câu thần chú “hu ba hồn bảy vía…” kèm tên và ngày tháng năm sinh của tôi là mạ cho tôi ăn một miếng trứng. Nếu con gái thì phải cắt trứng ra thành chín miếng. Được ăn là thích rồi, nhưng giá như miếng trứng quẹt thêm tí muối thì ngon hơn nhiều.
***
Tôi về phòng, đặt tấm thiệp trên bàn. Chút kỉ niệm mới ùa về vừa làm tôi ấm áp vừa làm tôi chơ vơ. Tôi cầm điện thoại lên lướt facebook như một thói quen khi chẳng biết làm gì. Mục tin nhắn đang chờ báo số một. Là tin nhắn từ một người chưa nằm trong danh sách bạn bè gửi cho tôi. Bình thường có khi tôi bỏ lơ nó nhưng lúc này tôi đang rất rảnh nên tôi để ý kỹ. “Năm ni anh Tộp không ra nhà ăn Tết luôn à?” Người gửi: Na Nguyễn. Na là đứa nào mà biết tôi tên Tộp? Gọi tôi như thế thì chắc chắn là người làng rồi. Ảnh đại diện của nó là một con mèo. Tò mò thật. Phải lội dòng thời gian facebook nó để tìm hiểu xem Na là đứa nào mới được. Ồ, nó đã gửi lời mời kết bạn cho tôi mà tôi chưa đồng ý. “Hồi nào vậy nhỉ?” Sao tôi chẳng có ấn tượng gì. Tôi nhấn nút đồng ý kết bạn. Là ai chưa rõ nhưng biết tôi tên Tộp thì chắn chắn thân quen và tôi đang cần lắm cái sự thân quen ấy. Tài khoản nó bật màu xanh. Nó đang trực tuyến.
“Anh Tộp chảnh nghe, em kết bạn với anh Tộp cả năm rồi mà chừ mới đồng ý luôn.”
Tôi gửi một icon mặt ngượng ngùng vì chẳng biết nói sao cho phải.
“Ngày ni nhà anh Tộp đổ bánh bò đó. Mạ em mượn khuôn đổ khi chiều, chừ mạ anh Tộp đang đổ bên nè.”
Trời ơi, là Bé Ti. Giờ tôi mới nhớ ra cái tên cúng cơm của nó mà tôi chưa lần nào gọi: Nguyễn Thị Na. Tôi mừng như đang ở giữa đại dương vớ được tấm phao cứu rỗi tâm hồn.
“Rứa à, bánh đẹp không?”
Bé Ti chẳng trả lời câu hỏi của tôi, nó nhắn liên tục.
“Tết anh Tộp không ra bác buồn ghê luôn.”
“Mấy bữa bác định không đổ bánh bò luôn tề, anh Tộp không về thôi chẳng thèm Tết nhứt chi hết mà ai cũng rủ làm cho vui.”
Tôi nghẹn ngào, thằng con trai nhớ mạ sống mũi cứ cay. Qua mấy phút thấy tôi không nói gì, Bé Ti lại hỏi.
“Anh Tộp còn đó không rứa? Mà anh Tộp hết đau chân chưa?”
“Còn chơ. Chân lành hẳn rồi.”
Tôi sợ Bé Ti hỏi vì sao tôi không về ăn Tết nên đánh trống lảng sang chuyện khác.
“Tết ngoài mình vui không?”
Bé Ti gửi cho tôi cái icon mặt cười toe toét.
 “Anh Tộp ăn Tết trong nớ răng? Chắc rộn ràng lắm hè.”
Câu hỏi của nó vào đúng thời điểm này khiến tôi không thể dối trá nửa lời.
“Buồn lắm. Nhớ xóm mình lắm.”
Tôi ngồi bất động nhìn màn hình điện thoại. Năm phút sau một tấm ảnh hiện lên nhỏ xíu trong hộp thoại messenger. Vừa thoáng nhìn chưa kịp nhận ra nó gửi gì tôi đã nhanh tay nhấp vào ảnh xem cho rõ. Là Mạ Vui của tôi. Mạ đổ bánh bò. Dù bức ảnh khá xa và thiếu sáng nhưng tôi vẫn thuật được bài trí trong bếp. Bếp cũ kỹ đầy bồ hóng lọ nghẹ nhưng đổi lại nó ấm không nơi nào bằng. Củi bạch đàn, củi tre, củi tràm chất ngổn ngang. Những thanh củi hăng hắc mùi nắng dù đã qua mấy tháng mưa và khi cho vào bếp chụm tàn lửa tí tách bay lên gian bếp lại ngập trong khoảng nắng mênh mang. Tôi thấy mạ cử động, mạ nheo mắt chùm hum bên bếp. Tàn tro bay lên bám vào tóc mạ. Tôi thấy mọi thứ rõ ràng chân thật trong hình hài của nó chứ không còn là tấm ảnh. Và trong tí tẹo nữa thôi tôi sẽ bước qua màn hình điện thoại ngồi lù lù sau lưng mạ.
- Ngọt quá mạ ơi! Đường rẻ hả mạ?
- Nội cô cha mi, mạ không bỏ ngọt e mi ăn hết cả rổ bánh rồi chơ mô nữa.
- Ăn ngọt nhiều ri có mau chết không mạ hè.
Tôi nói lúc đã đứng dậy, lấy thế co giò chạy trước khi mạ kịp ra tay. Mạ với lấy thanh củi bạch đàn gác trên giàn bếp ném theo gót tôi.
- Tổ cha mi, dém cái miệng lại cho tau. Nói tầm bậy tầm bạ.
Tôi lên nhà trên, tiếng mạ sang sảng bên tai ở Sài Gòn vẫn nghe mồn một.
Những mùa nắng của tôi, giờ tôi không chỉ thấy chúng mà tôi về với chúng, vẹn nguyên là thằng Tộp của thuở lên chín, lên mười. Tôi về lại chiều chớm hạ năm ấy. Tôi về lại với cánh chuồn chuồn rực nắng ảo diệu để bay qua những ngày nắng trong veo, qua con khe dập dìu sau bờ tre hóp, qua mùa trăng dát bạc ngủ quên, qua mùa hoa khế tím rộn ràng tím xuyến xao vào thành phố rực rỡ điện đèn - cánh chuồn chuồn xa xứ.
(CÒN TIẾP)



[1] Mu khót mu cười (tiếng địa phương): mau khóc mau cười
[2] Khót (tiếng địa phương): khóc





Về khi nắng còn thơm (6) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (6) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 11:12 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.