Về khi nắng còn thơm (5) - Lệ Hằng


Ừ THÌ QUEN NHÉ NHỎ
“Tình cờ ta gặp nhỏ
Trong nắng chiều bay bay
Ngập ngừng ta hỏi nhỏ
Nhỏ bảo nhỏ không tên
Ừ thì nhỏ không tên…”
***

VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(5)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ
*****
Tôi quen em trong một chiều Chủ Nhật Sài Gòn mưa bất chợt làm tôi phải hủy kế hoạch cuối tuần. Thằng bạn chung phòng hồi Đại học rủ về Hóc Môn chơi. Hết thời sinh viên, mỗi thằng chinh chiến một góc. Bạn bè xa dần, cuộc chiến mưu sinh ngày càng gay gắt. Chúng tôi chỉ là những thằng kỹ sư quèn chưa được năm năm kinh nghiệm, suốt ngày vác xác đi làm thuê và nhảy hết công ty này sang công ty khác. Sài Gòn là lựa chọn số một. Chẳng phải vì chán cảnh quê nhà, chẳng phải vì mê phồn hoa phố hội mà chỉ vì ở đây thị trường việc làm “thượng vàng, hạ cám” gì cũng có tất, chúng tôi không đến nỗi thất nghiệp ngồi không. Những thằng chưa có mảnh tình rách như tôi và nó thường rong ruổi hết ngày rồi tối tối ôm máy tính hoặc điện thoại đăng vài dòng hài hước trên mạng xã hội mua vui mà lắm lúc lòng trống hoắc trống huơ. Bên ngoài phố đêm đông vui thế, nhưng không phải cuộc vui nào cũng dành cho mình. Bởi vậy có cuộc hẹn của nó tôi hào hứng lắm. Nhưng mưa Sài Gòn làm tôi đâm nhác. Thành phố này không đến mức nhận mưa làm đặc sản nhưng lắm lúc mưa như mưa lụt ở quê. Nghĩ đến cảnh bị ướt như chuột lột hoặc dắt bộ xe trên những đoạn đường ngập đông nghẹt người, tôi nhắn tin hủy hẹn với nó. Nửa buồn nửa chán, tôi bật máy tính, tăng âm lượng loa rồi vào thư mục “Nhạc sến” nhấn tổ hợp phím “ctrl + A”, kích chuột phải, chọn “play”. Cũng phải hai năm rồi tôi mới nghe lại mấy bản cover nhẹ nhàng đậm chất sinh viên này. Tôi thả mình trên giường, chân gác lên cửa sổ vừa nghe vừa lẩm nhẩm hát theo. Trước mắt tôi là cảnh phòng trọ bốn thằng, mỗi thằng một góc nghêu ngao hát trong tiếng đệm ghi-ta của thằng Hòa.
- Anh ơi, bài hát này tên gì hả anh?
Tôi giật bắn mình nhổm dậy như bị điện giật, lạnh cả sống lưng. Con nhỏ mặc bộ đồ hoa xanh trắng cột tóc đuôi gà che miệng cười lếu láo nhìn tôi. Tôi nhìn sững nó mấy giây, đầu căng ra cố nhớ xem nó ở phòng nào trong xóm trọ mà không tài nào nhớ được. Thái độ của tôi bắt đầu làm nó không thoải mái. Nó bẽn lẽn nói lí nhí trong miệng:
- Bài hát tên gì hả anh? Nghe dễ thương quá.
Không biết cái đứa đang đứng trước mặt mình muốn biết tên bài hát cũ mèm này thật hay nó muốn bắt chuyện làm quen với tôi đây? Sự nghi ngờ thoáng qua trong chốc lát.
- Nhỏ ơi.
- Hả…?
- Dạ, thưa tiểu thư, bài ni có tên là “nhỏ ơi”. Hả cái chi mà hả.
Tôi đổi thái độ, vui vẻ nói với nó bằng chất giọng miền Trung ỏn ẻn của mình. Nó định quay về thì bị tôi níu lại.
- Ê nhỏ, có tên chưa?
Phải mất mấy giây sau nó mới hiểu câu hỏi của tôi.
- Hảo.
- “Bây giờ quen nhé Hảo, Hảo ơi…”
Tôi cố tình kéo dài hai chữ cuối để thêm phần hóm hỉnh. Nó thẹn thùng quay đi.
Nó chính là em - một sinh viên năm nhất mới chuyển đến dãy trọ này. Tôi sáng đi tối về ít khi chuyện trò giao lưu với mấy đứa trong xóm nên em đến ở cả tháng rồi mà tôi không biết. Sau khi tốt nghiệp, tôi tìm được việc làm ở gần nên không phải chuyển trọ. Mấy thằng cùng phòng thì mỗi đứa về một quận khác nhau. Đi làm rồi nên một mình tôi bao tiêu nguyên phòng chứ chẳng cần chung chia với ai. Có lẽ vì thế mà tôi ngày một cô đơn hơn.
Sự xuất hiện của em như một nốt nhạc vui trong những ngày tẻ nhạt của tôi trên đất Sài Gòn. Em là người Phú Yên. Chất giọng địa phương của em luôn đánh thức cái thằng con trai ngổ ngáo trong tôi, tôi luôn lợi dụng nó để kiếm cớ trêu em. Em cũng lém lỉnh không kém, em trả đũa bằng những câu rất Huế mà lần nào nghe tôi cũng nổi da gà. Chẳng hiểu sao mỗi lần có ai đó nhại giọng mình tôi đều thảng thốt và cười rũ rượi. Té ra giọng tôi khi truyền đến tai người khác lại mắc cười đến thế. Em làm tôi nhớ nhà với những mô, tê, răng, rứa… mà tối tối em chọc tôi. Tôi thích được gần gũi chuyện trò với em vì ở em tôi tìm thấy sự chân phương, hồn hậu thân quen như ở chị Bé và lũ con gái quê tôi. Đổi lại, em tin tưởng tôi, xem tôi như một bậc đàn anh đáng kính. Em thường xin tôi lời khuyên cho việc học hành, làm thêm và cả những rắc rối vụn vặt trong cuộc sống. Vì niềm tin em dành cho tôi quá lớn nên lúc nào tôi cũng căng não ra với những vấn đề của em. Tôi cố gắng để mình trông thật giống một nhà hiền triết khi gỡ rối cho em bằng những chân lý sâu sắc mà chính bản thân tôi còn không hiểu hết. Tôi không hề biết em đã bước vào cuộc đời mình cho đến ngày tôi phải chuyển trọ.
Ngay từ đầu tôi đã xác định công ty đầu tiên tôi vào làm là để lấy kinh nghiệm chứ không gắn bó lâu dài. Sau ba tháng thử việc và một năm lao động theo hợp đồng, tôi nộp đơn sang công ty khác. Cũng như đại đa số người đi làm ở trọ trong thành phố này, công việc mới thường kèm theo chỗ ở mới. Cuối tuần, em phụ tôi dọn phòng chuyển trọ. Chỗ ở mới của tôi giờ xa tít tắp nhưng tôi vẫn thuyết phục em cho tôi đèo em qua đó với lời nhắn nhủ lúc nào em rảnh ghé tôi chơi. Em và tôi loay hoay cả buổi tối sắp xếp đồ đạc. Phòng mới rộng hơn và thoáng hơn ở xóm cũ. Tôi hoàn toàn có thể tự mình làm lấy phần công việc đã quá quen thuộc này nhưng lúc đó tôi chỉ muốn phụ thuộc vào em, như thể để kéo em lại gần tôi hơn.
Mười giờ tối, tôi chở em về lại xóm cũ rồi một mình phóng xe qua những con đường lộng gió lấp lánh ánh điện từ các nhà cao ốc. Một Sài Gòn không ngủ. Một Sài Gòn lộng lẫy và lãng mãn về đêm. Đấy là lý do khiến người ta yêu thành phố này. Những thứ khiến ta mê đắm thường có tính gây nghiện. Như tôi ghiền phố đêm ghiền “nightlife” vậy. Cởi bỏ chiếc áo xô bồ bụi bặm ban ngày, từ bảy giờ tối trở đi thành phố khoác lên mình chiếc đầm dạ hội lung linh huyền hoặc. Trên nền đen sâu thẳm của đêm là con sông Sài Gòn lóng lánh, là những cây cầu vượt tít tắp, là những đường phố chật ních lập lòe đèn nháy từ biển hiệu, là những đài phun nước đổi màu nhảy múa… Người Sài Gòn không ngủ sớm. Sao có thể ngủ khi ngoài kia cả thành phố đang thức. Đâu đâu cũng thấy biển hiệu 24/7. Quán ăn, cà phê, cửa hàng tiện lợi đều sẵn sàng phục vụ khách tới sáng. Dù tôi không thường xuyên hòa mình trong dòng người trên phố thâu đêm, tôi vẫn là cú vọ trong phòng trọ của mình.
Thành phố càng lớn thì chúng ta càng bé lại. Và ở nơi càng đông, nỗi cô đơn trong mỗi người càng rộng. Sau tiếng nhạc xập xình, tiếng nói cười í ới là những khoảng trống sâu ngoay ngoáy ở trong lòng. Khoảng trống ấy trong tôi đang lớn dần khi không còn em chung xóm trọ. Tôi về đến phòng thì đã gần mười hai giờ đêm. Dù chạy tới chạy lui cả ngày nhưng tôi không tài nào chợp mắt được. Em đã là một phần trong cuộc sống của tôi. Cứ nhắm mắt lại là tôi thấy em cột tóc đuôi gà đứng móc áo quần lên dây phơi. Thấy em lúi húi nấu ăn rồi thi thoảng mang sang cho tôi một tô canh hay vài khúc cá. Thấy em chìa ra gói bánh tráng đặc sản Phú Yên sau mỗi chuyến về thăm nhà. Thấy em ôm đống áo quần sang cho tôi sau khi ra tay nghĩa hiệp cứu chúng từ trận mưa chiều…
Và như thế chúng tôi bên nhau. Tôi thậm chí không nhớ rõ bằng cách nào tôi đã nói yêu em và bằng cách nào em cho tôi một cái gật đầu. Em và tôi trưởng thành cùng nhau qua nhiều va vấp. Cái ngày ấy, dù tôi đã đi làm nhưng tôi vẫn còn ngây dại lắm, tôi chỉ là người lớn trong mắt em. Chúng tôi bên nhau lặng lẽ chứ không ồn ào vì cả hai chẳng có nhu cầu cần thế giới phải thừa nhận. Lần duy nhất em ngỏ ý về Huế thăm quê tôi là dịp lễ Quốc Khánh năm ngoái. Em háo hức muốn thấy nơi tôi đã lớn lên vì suốt ngày nghe tôi kể chuyện hồi bé. Hồi bé trong tôi thứ gì cũng đẹp cũng long lanh và tôi mang hết sự long lanh ấy truyền sang em. Tôi thành công hơn cả tôi tưởng. Quê em vùng biển, quê tôi núi đồi. Sự khác biệt làm cho những câu chuyện trở nên hấp dẫn. Có dùng hết cả cuộc đời để kể cho nhau nghe thì cũng không đi đến câu chuyện cuối cùng được. Em muốn thấy con khe trong vắt tôi đã tắm, muốn nghe tiếng gió vi vu trên đọt bạch đàn, muốn sải đôi chân trần vào triền cỏ xanh trên bờ ruộng và muốn nhìn lá phượng bay góc sân trường bên đình làng ấy. Dù tôi nói với em cái khe ấy giờ người ta xây khu công nghiệp ở thượng nguồn nên nước không còn trong lành như trước, và trường cấp hai của tôi đã dời về nơi khác. Cây phượng cùng đình làng vẫn đó nhưng không còn học trò quần xanh áo trắng trong các lớp nữa rồi.
Không hiểu sao lúc đó tôi chẳng đồng ý dù ba mẹ tôi mong mỏi điều này từ rất lâu. Tôi tìm một lý do chính đáng để thuyết phục em chờ dịp khác. Hơn ai hết, tôi biết rõ ba mạ là người cởi mở, nhất định không phản đối chuyện tình cảm của tôi. Tôi tin em như tin bản thân mình. Sự chân thành, hòa nhã nơi em sẽ khiến ai gặp cũng sẽ cảm mến. Ba mạ chắc chắn quý em chẳng khác gì tôi. Nhưng ý nghĩ về việc ra mắt gia đình và về một đám cưới không xa của tôi và em làm tôi thấy có chút kỳ kỳ. Nếu tôi dẫn em về, với ba mạ, đó là lời tuyên bố “chúng con sẽ kết hôn”. Mạ sẽ coi em là dâu, là mẹ của các con tôi sau này. Trên cái đất Sài Gòn này, tôi chưa từng nhòm ngó đến ai ngoài em chứ nói gì chuyện phản bội em nhưng trong sâu thẳm, tôi thấy mình chưa sẵn sàng.
Mấy tháng sau, một buổi tối tôi đang giặt đồ thì em hồng hộc lao vào phòng. Em là người hoạt náo nói nhiều cười nhiều, trí nhớ tôi chưa từng lưu lại hình ảnh em căng thẳng và trầm lặng như hôm đó lần nào. Em báo với tôi chuyện em sẽ phải làm hồ sơ du học Mỹ như thể đó là lời chia tay. Xét về khía cạnh nào đấy, nó cũng là lời chia tay thật. Ánh mắt em sẵn sàng cho một sự phản đối hoặc một hành động điên rồ nào đó từ tôi. Nhưng tôi không phản ứng như những gì em đang chờ đợi. Tôi xem việc của em cũng là việc của mình. Tôi hỏi cặn kẽ vì tôi biết có nhiều công ty “ma” dùng chiêu trò móc tiền người thân tại Mỹ và cả người đang làm hồ sơ tại Việt Nam. Tôi chỉ buồn có một điều duy nhất: quyết định này không phải của em. Em có quyền lựa chọn cho tương lai của mình. Nghĩ vậy, nhưng không muốn em đau khổ thêm, tôi giữ lại những điều ấy cho riêng mình.
Tôi trấn an em và khuyên em nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Nước Mỹ là thiên đường của người nhập cư, tôi tin điều mà cả thế giới thừa nhận thì không thể sai được. Phát triển toàn diện và thể hiện được hết năng lực của bản thân là việc không phải ai cũng may mắn làm được. Chúng ta thường không biết được giới hạn năng lực của bản thân mình xa đến đâu và có rất ít người đi được đến đường biên của nó để khám phá đến tận cùng những gì chúng ta có thể làm được. Tôi khuyên em nhận lấy cơ hội này vì tương lai của em và vì gia đình em đã quyết vậy rồi. Chú em đã trả chi phí tư vấn ban đầu cho em ngay tại Mỹ, việc còn lại của em là mang hồ sơ đến công ty để được hướng dẫn các bước chuẩn bị xin visa. Tôi biết cuộc đấu tranh tư tưởng trong em gay gắt đến mức nào, nhưng đến cuối cùng chắc chắn em sẽ chọn nhận lấy nổi buồn riêng về mình. Lựa chọn một tương lai sáng hơn cho con cái mình là điều hiển nhiên người ba người mẹ nào cũng làm. Việc em sang Mỹ là niềm hi vọng lớn của gia đình trong đó có ba đứa em đang còn đi học. Thấy tôi bình tĩnh, em nhắc lại và nhấn mạnh từng từ rằng chuyến đi lần này em phải cố gắng định cư bên đó bằng mọi cách chứ em không quay về Việt Nam. Tôi lau nước mắt cho em rồi kéo em vào lòng.
- Mạnh mẽ lên, nước Mỹ sẽ cho em một tương lai đẹp hơn.
Tôi nói thật từ đáy lòng mình. Em lanh lợi, giỏi giang, sang đó chẳng mấy chốc mà chững chạc và thành đạt, chắc chắn là hơn tôi nhiều. Tôi tiễn em về, lòng bâng quơ thấy mình vướng vào một câu hỏi khổng lồ. Đứng trước quyết định lớn của cuộc đời em và cả tôi, sao tôi có thể thản nhiên đến vậy? Tôi tự hỏi lòng có buồn không? Tôi chắc chắn sẽ nhớ em rất nhiều, nhớ em như một thói quen vì em có thể nói là người thân duy nhất trong hơn tám triệu dân trên thành phố này. Nhưng tôi không buồn. Tôi chỉ lo cho em và cầu mong con đường xin thị thực của em được thuận lợi. Tôi có thực là cao thượng đến mức chỉ nghĩ đến hạnh phúc của em?! Nhất định là không. Một người chỉ xứng đáng với từ cao thượng khi họ vì ai đó mà đau khổ, vì ai đó mà hi sinh, vì ai đó mà bao dung, và sau cùng là vì ai đó mà nén chặt mọi cảm xúc trong lòng để người kia trọn vẹn hạnh phúc. Tôi không đau khổ, tôi chỉ thấy lòng mình trống trải đơn côi. Đôi khi đối diện với lòng mình thật không dễ.
Cả năm nay tôi đồng hành cùng em trên hành trình xin thị thực. Tôi hào hứng như thể tấm visa không chỉ có tên em mà còn có tên tôi nữa. Chúng tôi đọc thêm mọi nguồn tư liệu trên Internet về quá trình xin thị thực để thêm phần tự tin và biết cách đánh giá công việc của người đang tư vấn cho mình. Cũng như rất nhiều đương đơn thị thực du học khác, vấn đề lớn nhất của em là chứng minh khả năng tài chính của gia đình. Tôi nắm rõ từng loại giấy tờ xác minh nguồn thu nhập và thuộc luôn tên tuổi, năm sinh trong cuốn sổ hộ khẩu của gia đình em sau nhiều lần cùng em hoàn thành các mẫu đơn và sắp xếp hồ sơ. Cả sổ học bạ và bảng điểm của em tôi cũng thuộc. Một chặng đường không dài nhưng ngoằn ngoèo vòng qua đá lại với đủ thứ giấy tờ.
Những ngày em có hẹn phỏng vấn ở lãnh sự quán Hoa Kỳ, tôi đều xin nghỉ phép. Tôi chở em đến số 04 Lê Duẩn Quận 1 từ rất sớm rồi ngồi từ xa nhìn em khẩn trương bước sang bên kia đường, hòa vào dòng người bước từng bước nhỏ và khuất dần sau cánh cổng đồ sộ kín mít kia. Quán cà phê trên góc đường Lê Duẩn và Lê Văn Hưu lần nào đến cũng đông nghịt khách. Đằng sau hàng rào an ninh bệ vệ, lạnh lùng là hàng trăm con người đang chờ tấm vé đến “dream-land” của mình, trong đó có em. Hôm đầu tiên đợi em, tôi nói chuyện với một bác trạc tuổi ba mình. Bác ở miền Tây, con gái bác xin thị thực đoàn tụ gia đình lần này là lần thứ tám. Hai cha con bác lên đây ngồi đợi từ lúc ba rưỡi sáng. Trong lúc ai nấy căng thẳng, mắt hau háu nhìn sang bên kia, bác nói một câu vừa sâu sắc vừa hài hước khiến tôi nhớ mãi.
- Ông nhà văn nào hết chuyện để viết thì phải đến đây, đảm bảo ngồi một buổi là nghe đủ hà. Thích khóc thì khóc, thích cười thì cười. Viết cả đời không hết. Toàn chuyện hay chuyện lạ không hà.
Bác cười khà khà, cả quán òa lên sảng khoái. Góc phố này là một xã hội thu nhỏ. Có người xúng xính áo dài truyền thống, vét tông, đầm dạ tiệc sang trọng rạng rỡ, cũng có người quần chưa gột sạch vệt bùn, mùi rơm rạ còn quyện trong tóc. Có những chuyện tình vượt thời gian. Một người chờ đợi suốt mười năm, hai mươi năm mới gặp lại người kia nhưng tình kia vẫn là tình đầu. Cũng có những đổ vỡ chỉ trong nháy mắt khi người kia cầm được giấy hẹn visa. Có những câu chuyện đoàn tụ đến rơi nước mắt, và cũng không ít chuyện anh em, chị em, chồng vợ… tương tàn tan nát cả gia trang. Họ mang câu chuyện của mình đến đây, và không ngại kể. Ai nấy hồn nhiên sống với phần chân thật nhất, trẻ con nhất của mình. Chúng ta đều là những đứa trẻ không bao giờ lớn khi quanh mình toàn những người chưa từng quen mà không hề lạ.
Họ thấy được lòng nhau trong một nhịp thở giao hòa. Khi ai đó bước ra từ cổng lãnh sự quán, mọi ánh mắt đổ dồn theo từng bước chân băng qua đường. Có người chưa tới lề đường đã nhảy cẫng, ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Cũng có người lắc đầu cười khẽ mà mặt buồn tênh hoặc mắt rơm rớm nước hoặc khóc vỡ òa, khóc vật vã không sao dỗ cho nín được.
- Khóc chi dzậy, ráng lần sau đi cưng. Đậu hay rớt như một ván đỏ đen, có người đi mấy chục lần mới được mà.
Cô chủ quán gần nửa đời gắn với những cảnh này nên lời của cô ai cũng khắc ghi. Người ta an ủi nhau rằng: Ơn trên sắp đặt cả rồi, khi nào ngày ấy đến lãnh sự quán sẽ tự khắc gật đầu.
Lần đầu tiên bị đánh trượt, em cười vu vơ rồi chìa cho tôi tờ giấy từ chối của lãnh sự quán. Trên đó là những lý do chung chung được soạn sẵn cho tất cả đương đơn khi không đạt yêu cầu cấp thị thực. Em chấm dứt với công ty tư vấn do người thân giới thiệu sau khi biết họ không có tí kinh nghiệm nào. Lần thứ hai, em vẫn ra về với tờ giấy vô cảm ấy. Em khóc, nước mắt chảy dài xuống cổ áo. Em không dám gọi điện về nhà. Tôi cầm tay em, rồi thay em gọi điện cho ba em. Từ ngày bắt đầu làm hồ sơ, em trưởng thành hẳn ra, nét ưu tư hiện rõ trong từng cái nháy mắt. Nụ cười tắt hẳn, phần vì áp lực muốn ba mẹ được toại nguyện, phần thì vì tôi. Một tối thứ Bảy đẹp trời, tôi chở em đi uống cà phê ngắm phố đêm để em bớt căng thẳng. Chúng tôi ngồi trên sân thượng của một tòa nhà mười lăm tầng có những giỏ hoa dạ yến thảo treo lơ lửng. Cơn mưa lúc chiều làm trời đêm mát mẻ thanh tĩnh vô cùng. Bài hát “Cho người tình nhỏ” của Mai Bích Dung vang lên nhẹ như tiếng suối chảy vút vào không trung.
“Này người tình nhỏ nếu em là mây. Thì tôi không để mây bay lạnh lùng. Này người tình nhỏ ước mơ gì không? Ước mơ gì không?...”
Em nhìn xa xăm. Tôi muốn nói câu gì đó để động viên em nhưng không dám phá vỡ sự thư thái lâu lắm rồi tôi mới thấy nơi em. Tôi cũng nhìn theo hướng em đang nhìn và theo đuổi vài ý nghĩ mơ hồ như đang ở chốn bồng lai. Em thỏ thẻ rót vào tai tôi.
- Nào giờ em có một người anh trai mà em không biết luôn anh à.
Tôi lia mắt sang nhìn em. Khi mắt tôi va vào mắt em, tôi thấy thứ gì đó vỡ ra thành ngàn mảnh nhỏ nơi đáy mắt em rồi bay lên lẩn trong ánh điện lung linh chợt lóe chợt tắt phía trước. Tôi chỉ mong em cho tôi được đi cùng em đến cuối đoạn đường này, dù là với tư cách gì chăng nữa.
Cái ngày ấy cuối cùng cũng đến, em cầm được giấy hẹn lấy Visa như em muốn. Em ôm chầm lấy tôi nghẹn ngào cười, mặc kệ những giọt nước mắt muốn rớt đi đâu thì đi.
Tôi cũng có được điều mình muốn đó là cùng em đi đến điểm kết thúc của chặng đường thanh xuân đẹp đẽ này. Em sẽ nối tiếp thanh xuân của mình ở một nơi khác đẹp hơn nơi mà em đã qua. Sân bay Tân Sơn Nhất là điểm hẹn cuối của chúng tôi. Em rưng rưng ôm tạm biệt gia đình, tạm biệt tôi rồi đi vào phòng chờ. Tôi nhìn theo chùm tóc đuôi gà của em mà nhớ lại lần đầu tiên tôi thấy em, em đứng trước cửa phòng tôi che miệng cười. Bài hát “Nhỏ ơi” trong tiếng đệm ghi-ta lại vang lên đều đặn nhịp nhàng như hôm ấy.
“Lần này ta gặp nhỏ, trong nắng chiều phôi phai
Kỉ niệm ta cùng nhỏ giờ chỉ là hư vô
Ừ thì là hư vô, xa rồi vẫn nhớ hoài, nhỏ ơi!”
 Em vẫn là con nhỏ buộc tóc đuôi gà như khi em bất ngờ bước vào cuộc đời tôi nhưng con nhỏ đó giờ lớn thật rồi và chỉ còn mấy bước nữa thôi là em chính thức bước ra khỏi cuộc đời tôi. Lúc chiếc túi du lịch màu mận chín của em khuất sau cánh cửa, tôi thấy mình nợ em một lời xin lỗi.
Phi trường Tân Sơn Nhất chiều Hai Tám Tết chật như nêm, cả biển người hối hả cho kịp Tết. Tôi lê từng bước chậm rãi trong biển người ấy ra về, trong lòng tôi cũng có một phi trường - một phi trường lặng lẽ hun hút giữa thinh không. Máy bay của em đã cất cánh tìm điểm đến mới, riêng tôi vẫn chưa biết đi về đâu để khỏa lấp trống vắng trong lòng.
Không có em thành phố này rộng hơn đôi chút. Những bước chân của tôi thiếu bạn đồng hành cũng bơ vơ hơn đôi chút. Nhưng giá mà tôi buồn, nỗi buồn của người vừa bước qua cuộc tình sau chừng đó năm bên nhau. Nỗi buồn, với tôi lúc này, sẽ dễ chịu hơn cảm giác chênh chao vô định rất nhiều. Và, trong khi tôi ở đây hèn nhát trốn cả thế giới thì em đã đến “dreamland” của mình. Tôi thấy em trực tuyến facebook nhưng tôi làm thinh vờ như xa lạ, một câu hỏi thăm em với tôi lúc này cũng là quá sức. Tôi quên luôn cách nói lời tạm biệt.
***
Lần dò tìm quán ăn quen thuộc nhưng đáp trả cái bụng meo meo đói của tôi là những cánh cửa Đài Loan hoen gỉ với cục sắt lạnh tanh treo nơi móc khóa. Tôi nhớ lại những nơi mình hay lui tới, quán bánh canh cá lóc, quán bún bò Huế, quán bún chả cá, quán cơm… tất cả đều là những món quen thuộc miền Trung. Người ta giờ chắc đang ở trên xe, trên bến hoặc đã chạm ngõ quê nhà. May quá, một quán còn mở cửa đón những kẻ côi cút như tôi. Tôi gọi một món đủ ấm bụng. Đang vớt vét những cọng rau cuối cùng bỗng có tiếng nói trong như nước rót vào tai ngọt xớt.
- Chú ơi chú, mua giùm con ít kẹo chú hì.
Khỏi cần nhìn, tôi biết đó là cô bé bán hàng rong. Tôi gặp cả trăm lần cảnh này. Nhìn các em nhỏ mưu sinh ai mà không động lòng. Tôi đã từng rút ví trả mấy chục nghìn cho một bó tăm, một thỏi kẹo hoặc bông hồng đã úa hồi mới vào Sài Gòn. Lâu dần, tôi bỏ hẳn thói quen đó. Tôi luôn dặn lòng chỉ mua thứ mình đang có nhu cầu, và thứ đó nhất định không được đắt gấp mười lần giá trị thực của nó. Bởi vậy, tôi chưa ngẩng đầu lên vội mà xua tay vì tôi chẳng mấy khi ăn kẹo.
- Đi chú, mua giùm con ít kẹo đi chú.
Tôi định bụng sẽ nhìn thẳng vào mắt cô bé rồi từ chối lịch sự mà cương quyết. Nhưng lúc mắt tôi vừa kịp ngước lên, đứng trước mắt tôi không phải là cô bé bán hàng rong xa lạ mà là con nhỏ tai to, răng thỏ, đeo khăn quàng đỏ, tóc khét mùi nắng ở xóm Khe Trong. Con Bé Ti nhà bên. Hai cái tai của nó to và bè ra lấn lướt cái mặt nhỏ như mặt chuột. Gương mặt của nó là một tác phẩm với vài điểm nhấn không đúng chỗ, chẳng hạn như hai cái răng cửa to hơi nhô về phía trước mà quê tôi gọi là răng cuốc tượng. Ai cười chẳng hở mười cái răng nhưng mỗi lần nó cười, người ta không thấy gì hơn ngoài hai cái cuốc tượng đình đám ấy. Tóc nó hoe hoe đỏ màu của nắng, và không chỉ màu, đứng gần nó là nghe được mùi của nắng. Mùi ngai ngái hăng hăng nắng ủ trong tóc những đứa suốt ngày đầu trần giang nắng. Vậy mà nó siêng nuôi tóc dài dữ lắm, tóc đến chấm mông mạ nó hớt bớt một đoạn nó cũng khóc ỏm củ tỏi. Tôi bật cười khi hình ảnh đứa con gái vừa gầy vừa lùn đeo khăn quàng đỏ kẹp cái rổ bự gấp đôi người nó vào một bên hông bước cao bước thấp trên các bờ ruộng hái rau trai, rau rìu, rau chân vịt về nấu cháo heo xuất hiện trong đầu. Từ hồi nó được vào Đội lúc nào tôi cũng thấy cái chấm đỏ thấp thoáng sau bụi tre hóp, lướt băng băng ngoài Đường Xe hoặc nhấp nhô trên các bờ ruộng xanh rì. Chắc nó đeo vậy đi ngủ luôn sáng mai dậy dỡ mất công thắt lại. Tôi lớn hơn nó bốn tuổi, nhưng chỉ học trên nó ba lớp vì tôi vào lớp một chậm một năm. Suốt hai năm tôi chỉ mong mình thoát khỏi cái màu đỏ trẻ con nơi cổ áo. Tôi nhớ như in cảm giác hãnh diện khi cuối cùng ngày ấy cũng đến. Đó là một ngày thứ Bảy đặc biệt, tôi chỉ tới trường có một buổi mà tiến một bước dài thành người lớn. Tôi được kết nạp vào Đoàn và không phải đeo khăn quàng. Bé Ti mới học lớp Bốn, nó chạy lăm lăm vào nhà tôi khi thấy tôi cả tuần treo khăn quàng trên cửa sổ. Tôi chìa cho nó cái huy hiệu Đoàn xanh đỏ mới tưng rồi lên giọng.
- Vào Đoàn rồi, mới có hơn chục đứa lớp tau được vào thôi.
- Chú mua giùm con nghe chú.
Tôi chếnh choáng như vừa bước ra từ giấc mơ. Không biết cô bé này đeo khăn quàng để những người như tôi không thể từ chối hay lại có đứa con gái mê cái màu đỏ thắt như nơ trước ngực như Bé Ti? Tôi nhìn kỹ những gì em bán xem mình có nhu cầu cho món nào không. Khác với nhiều lần trước, hoa hồng trong giỏ em còn tươi roi rói, tôi nhìn thấy cả giọt nước đọng trên cánh hồng căng mịn, trên chiếc lá răng cưa xanh dày tràn nhựa sống. Hoa hồng có gai hẳn hoi chứ chẳng phải loại hoa hồng vô duyên trơn trụi. Cô bé không mời tôi mua hoa, có lẽ vì tôi ngồi một mình. “Còn nhỏ mà tế nhị ghê!”, tôi nói thầm. Và em cũng chẳng mời tôi mua những tấm thiệp hoa mai hoa đào bánh chưng bánh tét sặc sỡ. Cũng phải ngót nghét mười ba, mười bốn năm rồi tôi không viết tấm thiệp nào. Mấy năm cấp hai, năm nào tôi cũng nhận được dăm ba tấm thiệp lũ con gái tặng. Lòng thấy dị dột[1] vô cùng nhưng cũng ráng đáp lại bằng những tấm thiệp tôi mua trong quán văn phòng phẩm ngoài đường quốc lộ. Thiệp hồi đó đơn sơ hơn bây giờ nhiều. Thường là ảnh hoa mai, hoa đào, ảnh con chó tha giỏ hoa hồng hoặc ảnh thằng nhỏ chừng năm sáu tuổi tặng cô bạn gái cành hồng nhung dài cũng gần bằng người nó.
Tôi không thích ăn kẹo, cũng chẳng biết tặng hoa hồng cho ai. Nhưng tôi có nhu cầu cho một cảm giác thân quen giữa biển người dưng trong thành phố này. Tôi chọn tấm thiệp có gốc mai sừng sững mà kiêu sa. Cô bé bước sang bàn bên cạnh, tôi nhìn theo hai cái tai to hơi vểnh ra ngoài và chùm tóc buộc lưng chừng của cô bé. Lạ thay, trong khoảnh khắc tôi thấy lại những ngày nắng xôn xao ở xóm Khe Trong. Đó là những ngày có nắng trong như thủy tinh, nắng đậu trên cánh con Nữ Hoàng rực rỡ.
(CÒN TIẾP)



[1] Dị dột (tiếng địa phương): ngại ngùng, mắc cỡ





Về khi nắng còn thơm (5) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (5) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 6:27 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.