Về khi nắng còn thơm (4) - Lệ Hằng
CHUYỆN
CỦA NHỮNG CHIẾC QUẦN KHÔNG ĐÁY
***
VỀ KHI
NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(4)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ
*****
- Rớt
hết chữ… rồi mạ… ơi, hu hu, rớt hết chữ… cha rồi…
Chị Bé
vừa đi vừa mếu máo nói trong tiếng nấc nhưng giọng vẫn to và vang y như mạ, từ
chỗ Đường Xe rẽ vào nhà đã nghe rõ. Câu nói gãy ba gãy tư làm mạ không thể kiên
nhẫn thêm. Nhác trông thấy chị Bé qua hàng chè tàu tay quẹt ngang quẹt dọc nước
mắt giọt ngắn giọt dài mạ lao ra.
- Rớt
cái chi? Nói mạ nghe coi.
- Hức,
hức, rớt… rớt… chữ…
Thấy mạ,
chị Bé khóc to hơn nữa, khóc vỡ òa khóc ồ ạt. Con đê chắn lũ đã vỡ, chị Bé khóc
thế này thì lụt trôi hết cả xóm Khe Trong mất thôi. Mạ cuống quít lau nước mắt
rồi sờ trán sờ đầu nắn chân nắn tay kiểm tra.
- Rớt
cái chi? Mi nín mi nói mạ nghe cái nờ. Con ơi là con…
Chị Bé
vẫn đứng thù lù một đống, nước mắt lã chã rớt như mưa tháng chín. Tay giữ chặt
cuốn vở, chị Bé thều thào.
- Rớt…
hết… chữ trong… ni rồi…
Mạ
càng dỗ dành chị Bé càng mít ướt nên mạ đổi giọng.
- Bé!
Chừ mi nín mi nói cho rõ ràng hay mi ưa bị đập? Nín!
Chị Bé
bặm chặt môi, chỉ còn nghe thấy tiếng hít hà thút thít giữa các quãng thở vì khóc
nhiều quá rồi nên không nín ngay được. Chẳng ai có thể ngăn mình tớt[1]
sau những trận khóc như thế. Mạ dắt chị Bé vào nhà, quãng đường đủ để chị Bé
bình tĩnh lại.
- Nói
mạ nghe, cái chi rớt?
- Dạ,
chữ.
- Chữ
mô mà rớt?
-
Trong ni nì.
Mạ đón
lấy cuốn vở Chị Bé vừa chìa ra nhưng chưa kịp mở chị Bé đã thanh minh:
- Chắc
con quên con cầm vở lộn ngược cái hắn rớt hết chữ ra ngoài rồi. Con tới trường
tìm không ra chữ con sợ cô đập bờ con đi lui tìm chữ mà tìm không ra.
Được mạ
vỗ về xoa dịu Chị Bé dần lấy lại tự tin.
- Bữa
nớ con chộ chú Lành vẹ thằng Xíu cầm vở chổng lên trời cả rớt chữ.
Mạ trở
cuốn vở lật trang đầu tiên.
- Tổ
cha mi, chữ đây chớ rớt mô mà rớt. Hay mi nhác học mi bịa chuyện để bỏ về. Tau
đập nhừ xương luôn đó Bé nghe.
Chị Bé
tươi tỉnh rạng rỡ mặt mày khi nước mắt còn chưa kịp ráo trong vắt trong veo như
mấy giọt sương đọng trên cọng cỏ gà sắp sửa rớt.
- A,
có chữ rồi!
Chị Bé
vỗ tay rồi nhảy đành đạch như mỗi lần mạ đi chợ về loáng thoáng thấy gói kẹo
cau trong giỏ. Mấy giây sau chị Bé òa khóc tức tưởi chẳng kém gì lúc nãy. Đến
nước này thì mạ giơ tay đầu hàng, muốn nổi đóa cũng không còn hơi sức. Mạ nhìn
chị Bé trân trân.
- Hu,
hu… trễ học ri… trễ ri… e cô… cô không cho… vô… vô lớp rồi mạ ơi…
Mạ lấy
nón, dặn tôi không được bước chân ra khỏi nhà rồi dắt chị Bé đi ra ngõ. Tôi sợ
hãi bám vào cửa nhìn theo chiếc nón trắng nhấp nhô sau hàng chè tàu rồi mất hút
ngoài Đường Xe.
Lúc ấy
chị Bé bảy tuổi, tôi mới lên bốn. Sở dĩ tôi thuật lại được vanh vách như thế là
vì năm nào đến mùa tựu trường mạ cũng kể chuyện này. Nhiều khi mạ kể chưa xong
chuyện tôi đã nhảy vào vỗ ngực mạ.
- Mạ kể
chi cho tốn hơi. Ri nè… ri nè… đúng khôn mạ?
Tôi bắt
chước giọng điệu của mạ diễn lại vở kịch năm ấy. Vừa diễn vừa cười lăn lộn trên
giường. Mạ lườm tôi một cái rõ dài.
Kì thực,
kí ức của tôi chỉ lưu giữ được mỗi hình ảnh chị Bé với đôi mắt đẫm nước khóc từ
ngoài đường khóc về chứ mạ và chị Bé nói gì tôi đâu hiểu. Phải đến lớn tôi mới
biết là chị Bé vào lớp Một tập viết được hai trang vở mà khi đến lớp mở vở ra
chẳng thấy chữ đâu. Chị Bé bù lu bù la khóc tưởng mình ngơ ngơ cầm vở úp xuống
đất nên rớt hết chữ dọc đường rồi. Xui cho chị Bé, cuốn vở mới bọc bằng giấy xi
măng mạ chưa kịp mua nhãn dán vô nên mặt trước mặt sau y như một. Chị Bé lật phải
mặt sau mà không biết. Chỉ tại người lớn cả. Mấy chú ở xóm tôi ai cũng ưa giỡn,
nhất là mấy trò tréo ngoe để hù con nít. Đứa nào lớn lên cũng vài trận khóc vì
mấy lời đùa như thật này.
Mỗi
người trong chúng ta đều được Thượng đế tạo ra với một sứ mệnh riêng. Sứ mệnh của
chị Bé có lẽ là diễn tiếu lâm vì huyền thoại nào gắn mác chị Bé cũng làm tôi cười
sái quai hàm. Như chuyện về những chiếc quần không đáy chẳng hạn.
Dạo ấy
(tôi chẳng nhớ rõ năm mấy tuổi, chỉ nhớ mình đã nhỉnh hơn một chút nhưng vẫn
thò thò mũi xanh lẽo đẽo theo đuôi chị) chị Bé với mấy chị khác trong xóm suốt
ngày mơ về những bộ váy. Chị Bé vẽ lên giấy, vẽ lên tường, lên sân những bộ áo
quần lạ hoắc, tên của chúng cũng lạ không kém: “Bộ sưu tập thời trang xuân - hè”.
Tôi chẳng hiểu mô tê gì nhưng nghe “bộ sưu tập” thấy sang sang nên cũng thích. Vẽ
chán, chị Bé làm búp bê bẹ chuối để chúng diện thử những bộ đồ mới cóng của
mình.
Búp bê
bẹ chuối là một bước đột phá chỉ với một nhát dao rạch trên thân cây chuối, mủ xì
ra, chị Bé tướt lấy bẹ. Cái bẹ ấy được cắt thành con búp bê rồi mỗi buổi cho
chúng diện một bộ đồ khác nhau. Đó là những bộ đồ được may bằng lớp giấy lót
trong cuốn vở học sinh. Mỗi cuốn vở được lót một lớp giấy hoa mỏng như tờ giấy
quyến người ta dùng vấn thuốc lá nhưng dai và ít nhàu, ít thấm nước. Nó chỉ là
lớp đệm sau bìa cứng nên xé ra dùng thoải mái, lại có phần bóng mịn hợp để làm
áo quần. Chị Bé suốt buổi đo đạc, thiết kế áo quần cho búp bê. Những con búp bê
bẹ chuối được diện nào đầm nào váy nào mũ nào thắt lưng rùm beng như thật, chị
Bé giấu chúng ở góc nhà. Qua hôm sau, búp bê héo lại ra vườn kiếm bẹ chuối tiếp.
Chị Bé tướt gần hết bẹ của mấy cây chuối sau vườn thì vừa chán trò này.
Một buổi
chiều mạ về trạm xá có việc, chị Bé dẹp hết các bộ sưu tập áo áo váy váy nhặng
xị ấy sang một bên rồi mở hộc tủ đựng áo quần của hai chị em ra. Toàn bộ áo quần
được ôm hết ra giường, chị Bé lật ngược lật xuôi xem từng cái một.
- Chị
Bé mần chi rứa?
- Thiết
kế thời trang. Xí chị mần ra váy thiệt cho mà coi.
- Mần
vét cho em với hỉ.
- Ờ, để
chị tính đã. Mà Tộp bỏ đồ vô tủ giùm chị rồi qua chơi với Cầy Em đi, đứng đây
chi vướng tay vướng chân. Xí mần được vét chị kêu về.
Tôi
ngó chừng phải chờ lâu lắm mới có vét nên ù té sang nhà thằng Cầy Em rủ nó ra
ruộng bắt châu chấu. Mãi đến khi bóng đổ dài lêu khêu in lên bờ ruộng tôi với Cầy
Em mới lút cút kéo nhau về.
Mạ vẫn
chưa về, vét chẳng thấy đâu mà chỉ thấy chị Bé mân mê cái quần thủng đáy. Tôi bắt
đầu thèm ăn, phụng phịu.
- Mạ
đi chi mà lâu rứa hè. Chiều rồi, đói bắt chết i.
- Tộp
đợi chị xí, xong rồi đây. Mạ chưa về mô, mạ dặn chị nấu cơm mà.
Tôi chỉ
tay vô cái quần thủng đáy, ngơ ngác.
- Răng
chị Bé mặc quần thủng đáy rứa?
- Khôn
biết thì đừng có nói. Đây là váy, nghe chưa!
Giọng chị
Bé vừa hờn vừa ra lệnh. Tôi định cãi nhưng đang đói nên giả lơ cho qua. Rõ ràng
đó là cái quần đùi hoa màu tím bị xé toạc cái đáy rồi khâu khâu vá vá chi đó
nhưng nhìn vẫn biết là cái quần đùi. Chị Bé xuống bếp lấy cái nồi đáy dày dính
đầy lọ nghẹ bưng vào buồng đong mấy lon gạo ra vo. Thấy cái dáng lom khom bưng
nồi bắt lên bếp thôi mà tôi như ngửi thấy mùi đồ ăn, bụng dạ cồn cào. Chị Bé chỉ
mới học nhóm bếp thổi cơm chứ chưa biết kho nấu gì trất, muốn có đồ ăn phải đợi
mạ về. Nhưng cơm chín, xới lên rồi bới ra một chén trộn muối mạ rang ăn lúc
đang nóng cũng đằm cái dạ. Trong lúc đợi cơm sôi, chị Bé rủ tôi hái mít cám ăn.
Nghe
có ăn tôi tươi tỉnh hẳn mặc dù đang đói mà ăn mít cám chấm muối thì chỉ có xót
ruột. Chị Bé trèo lên chạc ba dùng khoèo vặt mấy trái mít cám trên cao. Tôi chạy
nhảy suốt buổi chiều đã mỏi nên ngồi thụp trên đống củi bạch đàn chờ. Nắng đã lịm
dần, Khe Trong bắt đầu khoác lên mình chiếc áo bàng bạc mờ sương.
Tôi
nghe loáng thoáng tiếng đá chân chống xe biết mạ về nhưng đang mệt đang nhác
nên tôi vẫn ngồi thừ chẳng buồn báo cho chị Bé. Phút sau mạ đi vội ra vườn.
- Bé
mô rồi Tộp?
Mạ hỏi
giọng hồ hởi, tôi đoan chắc hôm nay mạ có chuyện vui và có thể cặp bánh nậm hoặc
bịch chè đậu ván đang chờ chị em tôi trong giỏ. Tôi chỉ tay về phía cây mít.
- Trên
nớ đó mạ.
Mạ tới
chỗ cây mít, chị Bé đã tụt xuống gần chạm đất. Đột nhiên mạ quýnh quáng.
- Bé,
xuống! Xuống mau. Chơi răng mà quần rách dễ sợ rứa thê.
Chị Bé
đáp đất, mặt tái mét. Tôi đứng đằng sau nhanh nhảu.
- Mạ
khôn biết thì đừng nói. Đó là váy không phải quần thủng đáy mô.
Vì cái
sở thích vọc vạch tào lao này mà chị Bé thường vui vẻ hớn hở mỗi khi mạ giao
nhà cho chị Bé quản. Mạ ra khỏi ngõ, chị em tôi liếc nhìn nhau mừng hí hửng. Ở
nhà với chị Bé chưa bao giờ thiếu chuyện để vui. Thích nhất là mùa gặt khi người
lớn bận sấp mặt ngoài đồng, tối về túm tụm lại trà nước bàn chuyện chẳng còn
thì giờ đoái hoài đến tụi con nít. Đồng chính ở rất xa, phải thuê ghe chở lúa
vào bến tập kết của thôn ở quãng Rào tôi hay tắm, rồi thuê xe công nông chở lúa
về nhà. Đám ruộng trước nhà chỉ là phụ, mỗi nhà làm một vài sào vì gần cạnh
hông để ruộng hoang thì uổng chứ chẳng ăn thua gì, và mỗi năm chỉ gieo xạ duy
nhất vụ đông xuân. Vào chính vụ, hầu như ngày nào cũng có nhà gặt lúa, có khi
hai ba nhà gặt cùng một hôm. Thiếu thợ gặt nên người này đổi công cho người
kia. Ba làm không nghỉ tay. Gặt lúa, đạp lúa, phơi lúa, phơi rơm, quạt lúa… quần
quật suốt nên nhạc nhẽo chi lúc ấy cũng gác lại. Cái máy cát-sét với mấy bản nhạc
vàng có khi nằm im trong tủ thờ cả tuần liền ba không sờ tới. Những hôm thư thả
việc và lúa phơi đã khén[2],
ba làm thợ gặt cho nhà khác trả công. Bình thường nước da ba đã đậm, vào ngày
mùa còn đậm hơn, nhìn vào khuôn mặt ba chỉ thấy một màu nắng, cả cặp mắt mệt phờ
chực khờ cụp xuống ngủ ấy cũng chứa chan màu nắng. Đêm nằm cạnh ba cứ ngỡ ngủ
quên ngoài đồng. Mùi nắng, mùi lúa mới, mùi rơm rạ, mùi bùn đất quyện trong bộ
áo quần, trong đám tóc dày, trong từng hơi thở của ba.
Mạ
không phải là thợ chính, không kham được nhiều việc nặng nhưng mạ cũng lom xom
lo từ trong nhà ra đến ngoài đồng và thường xuyên vắng nhà. Những hôm gặt lúa ở
đồng xa, ba mạ dậy từ khi gà còn chưa gáy. Ba chuẩn bị liềm lạt, đòn xóc, đồ lề.
Mạ chuẩn bị nồi chè đậu đen để đầu chiều lúa về đến sân thì đãi thợ. Mùi đậu và
đường đen thơm nức mũi. Có khi mạ bỏ thêm mớ củ ném[3] vào
chè ăn giải cảm. Tôi và chị Bé thì cảm sốt gì không biết chỉ thấy ghét cay ghét
đắng mấy củ trắng trắng tròn tròn ấy. Đến chiều được ăn ké chén chè chỉ mong mạ
múc cho nhiều đậu đen, gặp củ ném nào là bấm bụng nuốt cái ực cho nó trôi xuống
dạ dày khi chưa kịp nghe ra mùi vị gì hoặc lén mạ ra sau vườn nhổ.
Phải rồi,
mùa gặt là sướng nhất vì không chỉ được ở nhà chơi tự do mà còn được ăn chè, ăn
xôi thịt bún bánh ngon tận kẽ răng. Lúa bắt đầu thổi mạ sốt sắng kho kho nấu nấu
chuẩn bị bữa cơm chiều. Cơm canh bún bánh phải dọn sẵn hai hàng tươm tất trước
khi lúa theo đường lúa, rơm đường rơm, dẹp đường dẹp[4] và
ông Dưỡng kéo máy thổi đi về. Chị Bé tranh thủ nếm thử đồ ăn trong khi lăng
xăng phụ mạ dưới bếp. Tôi thường ganh tỵ với chị Bé về khoản này. Lâu lâu mạ ra
ngoài giao bếp lại cho chị Bé canh, Chị Bé ngoắc tôi lại. Tôi phóng như bay vào
bếp ngồm ngoạn ngậm con tôm với lát thịt ba chỉ mạ rang để ăn với xôi, đầy đủ
gia vị ngon đáo để.
- Tôm
rang lần ni không ngon bằng lần trước, Tộp thử vịt hầm đi nì.
Nước ngọt sóng sánh một lớp mỡ vàng ngậy bên
trên, một lát măng và một miếng gan bên dưới chỉ thiếu mỗi bún mạ mua để sẵn
trong gác-măng-rê túi vẫn còn nguyên nên hai chị em không dám động chạm. Bún được
buộc chặt trong túi lâu gần như đúc thành khối (đến lúc ăn mạ mới xởi lên cho
ra dĩa) nên hó hé tay vào mạ biết ngay. Mạ tính khéo thiệt, con vịt này lấy đầu
cổ cánh lòng mề hầm măng ăn với bún, phần còn lại làm thịt vịt chặt phay. Thịt
mạ xếp ra dĩa ngay ngắn đẹp mắt nên dù thèm đến rệu nước miếng và dù nó nằm
ngay trên phản, dưới cái lồng bàn cách tôi có mấy bước chân nhưng tôi đành thóp
bụng nhịn thèm. May chị Bé cho nếm tạm vịt hầm chứ không nuốt nước miếng hoài
cũng mệt. Mạ chỉ ra ngoài xem lúa thổi gần xong chưa chứ chẳng đi đâu xa nên chị
Bé chực sẵn để lấy lại cái vá. Chị Bé nhìn tôi khẩn khoản.
- Ăn mau
mau cả mạ vô chừ.
- Cho
em thêm vá nữa đi.
- Mạ
thấy mạ la chết. - Chị Bé nhăn mặt.
Tôi biết
mạ ghét cái thói ăn chùng ăn vụng trên bếp này lắm, phải “ăn cho nên đọi, nói
cho nên lời”. Ngay cả con mèo mà ăn vụng mạ cũng ghét nữa huống chi là chị em
tôi. Nhưng vịt hầm măng ngon khủng khiếp nhịn làm sao được.
- Thì
chị Bé múc mau lên, múc em miếng thịt to to á. - Tôi nài nỉ.
Chị Bé
múc một vá đầy măng và thịt. Tôi thổi mấy cái rồi đưa lên húp soàn soạt vừa húp
vừa hít hà. Tiếng mạ vọng từ nhà trên.
- Gần
xong rồi đỏ. Cắt hành lá chuẩn bị bỏ vô nồi nước hầm cho mạ. - Mạ đi thoăn thoắt,
vừa đi vừa nói.
- Dạ.
- Chị Bé nhìn tôi lo lắng, một tiếng thì thào cũng không dám bật ra mà giẫm giẫm
nhẹ hai chân lên nền đất.
Tôi
nhai vội miếng thịt, nuốt một phát thật mạnh rồi đưa tay chùi miệng. Tai nạn
nghề nghiệp hiếm hoi xảy ra ngay lúc ấy. Một cái xương găm vào họng. Chị Bé đã
chao qua chao lại cái vá lựa cho tôi miếng thịt cánh béo lựng chỉ có tí xương ống
ở giữa, lúc nãy tôi đã rút vứt vào tro bếp vậy mà chẳng hiểu sao vẫn còn sót lại
chút xương. Tôi lẻn ra sau vườn khạc nhổ mấy lần đều không được. Cái xương bắt
đầu hành hạ. Tôi cố bỏ lơ nó chạy ra sân coi ba thổi lúa nhưng càng lúc tôi
càng chú ý đến nó và khổ sở với chuyện nuốt nước miếng. Mọi khi tôi đâu nuốt nước
miếng nhiều như thế (hay tôi nuốt mà tôi không biết?). Giờ nước miếng cứ chực sẵn
để tràn ra bắt nuốt và hễ nuốt là đau. Một nỗi sợ hãi dâng lên. Tôi chạy vào bếp,
lựa lúc mạ bưng đồ lên nhà trên tôi níu áo chị Bé.
- Em mắc
xương.
- Hây,
Tộp nói chi rứa?
Chị Bé
giật mình quay lại hỏi như chưa nghe rõ nhưng giọng khẩn trương lo lắng.
- Khi
hồi ăn nhanh quá bờ mắc xương. Chừ hắn đau trong cổ.
Chị Bé
lấy tay phết tôi một cái theo phản xạ mỗi khi tức giận.
- Chị
nói thôi rồi mà Tộp không chịu. Chừ mần răng đây? Mạ biết mạ đập chết.
Hai chị
em ở nhà mỗi lần có chuyện gì người chịu trận nhiều hơn đều là chị Bé dù tôi là
thủ phạm. Chị Bé ngắt một miếng bún nhỏ trong dĩa vo lại đưa cho tôi.
- Nuốt
chơ không được nhai, nuốt coi cái xương hắn có chịu trôi đi không.
Tôi
làm theo như một cái máy. Cảm giác cái xương tuột đâu đó khỏi cổ và đang trên
đường rớt xuống bụng rồi nên mừng rơn. Nhưng chưa kịp cười, chưa kịp nói thì nó
nhói lên hành hạ. Cái xương oái oăm không chịu nhả. Tôi lắc đầu, chị Bé tái mặt.
- Chặp
ăn thêm vài cục bún nữa cho hắn trôi. Đừng để mạ biết không mạ đập chị đỏ.
- Mắc
xương không can chi mô chị Bé hè?
Mạ đi
xuống, hai chị em nhìn nhau mím chặt môi. Cứ năm bảy phút tôi lại nhìn chị Bé cầu
cứu còn chị Bé thì nhìn tôi hỏi bằng ánh mắt “Hắn trôi chưa?”. Tôi lắc đầu như
mếu.
Tối đó
tôi ngủ một giấc dài nhưng chẳng có ông bụt nào đến gỡ cái xương giúp tôi nên
sáng ra nó vẫn trơ trơ trong họng.
- Đau
lắm chị Bé nờ, chừ mần răng hè?
Chị Bé
lại mím môi đăm chiêu suy nghĩ.
- Em
nói với mạ hỉ?
- Khôn
thấy mạ mắc phơi lúa à. Chừ nói mạ đập chết.
Tôi ngồi
bên chống tay lên cằm mặt thụng như cái thúng. Mỗi phút trôi qua tôi thấy việc
nuốt nước miếng khó khăn hơn một chút họng đau nhức nhối. Lúc đầu tôi còn xác định
được vị trí cái xương đang găm trong họng, sau thì hoàn toàn không mà chỉ thấy
đau lan ra nửa cuốn họng bên trái. Chị Bé bặm môi thiểu não một lúc lâu rồi đột
nhiên bật dậy.
- Tộp
chạy xuống nhà thằng Cầy Em kêu hắn lên đây.
- Để mần
chi?
Mắc
xương khổ lắm, đau lắm nên tôi chẳng muốn chơi gì cả, tôi chỉ muốn nhanh chóng
gỡ cái xương ra khỏi họng.
- Cho
hắn cào cổ là hết mắc xương.
Cái xương
nằm trong họng tôi tôi còn không móc ra được thì thằng Cầy Em sao có thể làm
tôi hết mắc xương được.
- Thằng
Cầy Em đẻ ngược đó.
Chị Bé
làm mặt nghiêm túc giảng giải.
- Chị nghe
nói đứa mô đẻ cái chân ra trước là đẻ ngược, hắn có cái tay hay lắm. Cho hắn
cào cổ bảy cái là cái xương sẽ tuột xuống bụng đó.
- Hay
ghê rứa!
Tôi
reo lên, không ngờ cái tay thúi của Cầy Em có thể chữa được bệnh hóc xương vịt
của tôi. Bình thường nó là chúa hậu đậu, đụng vào thứ gì là thứ ấy hỏng bét.
Tôi cử động miệng mạnh quá làm xương găm vào thịt sâu hơn, buốt nhói. Tôi đưa
tay sờ lên cổ, nhăn mặt nhìn chị Bé.
- Rứa
em chạy xuống đưa cổ cho hắn cào luôn hỉ?
Chị Bé
lắc đầu nguầy nguậy.
- Khôn
được, mạ đang trở rơm gần nhà hắn đó. Với lại hắn mỏng mui lắm, khôn dặn hắn là
hắn méc mạ liền.
- Mua
cho Cầy cây cà rem Cầy mới khôn méc, khôn thôi Cầy về đây.
Cái thằng
láu lỉnh, ham ăn và cơ hội vô cùng. Chị Bé phải đổi bảy phát cào từ tay nó bằng
cây cà rem. Mỗi ngày mạ cho hai chị em được có một cây chứ mấy. Đã mất cây cà
rem còn mất công lo sợ Cầy Em chơi xấu phải dặn đi dặn lại như năn nỉ. Nhìn cái
mặt nó láo liên không đáng tin chút nào. Cuối cùng chị Bé bắt nó thề độc. “Cầy
mà méc là trời đánh chết.” Cầy Em nói xong câu đó thì cây cà rem trên tay chị
Bé bay sang tay nó. Nó vừa mút vừa nhảy chân sáo, tôi nhìn theo chảy nước miếng.
Nhưng thôi kệ, miễn cái xương tuột hẳn xuống bụng rồi ngày mai tôi ị ra nó luôn
là được.
Đến
trưa họng vẫn nhói lên từng cơn nhức nhối mỗi khi nuốt nước miếng và phải bụm
miệng lại lâu lâu mới dám nuốt một lần. Sợ mạ biết, tôi ăn vội vội vàng vàng
xong lên giường nằm giả vờ ngủ trưa. Lát sau, chị Bé cũng đi ngủ. Chị Bé dòm
qua thấy tôi còn thức, nói thì thầm vào tai.
- Chắc
phải đợi đủ giờ hắn mới tuột. Tay thằng Cầy Em cào linh lắm, Tộp đừng lo hỉ.
Tôi khẽ
gật đầu rồi chìm vào giấc ngủ. Bảy phát cào đổi bằng cả cây cà rem của người ta
lận, không linh sao được. Ngủ dậy cái xương mắc trong họng vẫn âm ỉ hành hạ nhưng
niềm tin vào chị Bé và cây cà rem làm tôi đỡ ủ rũ hơn nhiều.
Nắng
đã gần tắt, ba dùng mũi sảy[5]
tấp rơm lại thành mấy đụn nhỏ trước ngõ. Phải phơi thêm một, hai nắng nữa mới
xây thành đụn lớn được. Gặp ngày nắng to, rơm đã lây mùi thơm tho của nắng chứ
không còn ẩm ướt nặng trĩu như hôm qua. Nhìn mấy cái đụn be bé vừa tầm chân,
tôi muốn ủ rũ thêm chút nữa cũng chẳng được. Tôi chạy băng ra đụn gần nhất ba vừa
tấp xong, nhảy cái ầm lên nằm chễm chệ trên đụn rơm rồi cho người tụt tự do xuống
dưới. Ba xây thêm hai đụn nhỏ nữa thì vừa hết rơm, ba vác mũi sảy thững đững đi
vào. Ngang qua chỗ tôi, ba nói nhỏ.
- Nhảy
ít ít thôi, mạ mi thấy mạ mi lôi cổ vô chừ đỏ.
Tôi hốt
đám rơm lòa xòa bên cạnh cho lên đụn rồi nhảy sang đụn khác. Cầy Em chạy ra, nó
rúc đầu vào rơm rồi vơ một nắm làm động tác chưởng như trong phim miệng “chiu
chiu”, rơm bay tung tóe. Tôi lượm que nè làm kiếm tung chiêu hất rơm lên trời
xong dùng kiếm quật vào rơm vùn vụt. Cầy Em thân thủ nhanh nhẹn hất thanh củi
dưới đất lên làm bảo đao lao sang phía tôi.
- Xin
các hạ chỉ giáo!
Tôi
xoay xoay que nè chuẩn bị tiếp chiêu. Màn thi tài võ nghệ diễn ra chí chóe. Khi
bị tấn công tới tấp, tôi nhảy hẳn lên đụn rơm phản công bằng màn hất rơm tứ
tung lên người Cầy Em. Nó phóng lên đụn rơm bên cạnh. Hai đứa trừng mắt nhìn
nhau, một tay vung kiếm lên trời tay kia dang ra chĩa xuống đất y đoạn các anh
hùng tranh bá mỗi người bay lên đỉnh một ngọn núi lăm lăm chờ đối phương ra
chiêu. Hai đụn rơm lúc này chính là hai ngọn núi trong phim chưởng. Màn trừng mắt
nhìn nhau đã qua, cả hai đồng loạt hây dà xuất chiêu. Tôi vô tình quất vào chân
Cầy Em một roi đau chết điếng, nó co giò nhảy vào đụn rơm ngồi. Tôi chưng hửng.
Sợ Cầy Em vì thế mà bỏ về tôi liền vứt que nè.
- Chừ
khôn đao kiếm nữa, đấu tay khôn hỉ.
Nó chồm
dậy, hai đứa đi vòng vòng quay đụn rơm thăm dò đối thủ để lựa thế xuất chiêu.
Đúng lúc đó chị Bé chạy ra đưa cho tôi trái chuối cau vàng ươm. Tôi hăng máu đấu
với Cầy Em nên quên hẳn cái xương trong họng, nãy giờ chẳng biết nuốt nước miếng
mấy lần rồi mà không thấy khó chịu nhưng lúc chị Bé đưa trái chuối thì cơn đau
trỗi dậy. Cầy Em bay từ đụn rơm xuống chưởng vào lưng tôi một chưởng trời giáng
kèm theo tiếng “bùm” khoái chí. Đồ đê tiện tiểu nhân không xứng làm bằng hữu.
Nó dám đánh lén lúc tôi đang nuốt vội nửa trái chuối. Cú chưởng bất ngờ làm tôi
ngã sấp mặt, miếng chuối trong họng văng ra cách đó mấy bước. Ui cha là hên, cả
cái xương vịt cũng ra theo chuối.
Không
biết tay Cầy Em cào vào cổ tôi linh nghiệm thiệt hay là cú chưởng của nó đã nhổ
xương trong họng tôi ra? Dù sao cũng là tay nó đã cứu tôi, bấy nhiêu đủ để tôi
tha thứ cho sự đê tiện lúc nãy.
Kỉ niệm
bên chị Bé là những ngày tháng thấm mùi hương lúa chín, thấm cả cái xót xáy từ
rơm rạ đi vào da thịt ấy. Cả ngày tôi ở nhà với chị Bé. Buổi trưa chị Bé nấu
cơm, hâm lại mấy con cá mạ kho để sẵn trong gác-măng-rê rồi hai chị em cùng ăn.
Có hôm, gần đến trưa cơm đã bắt lên bếp, chị Bé mở gác-măng-rê và nó trống
trơn. Nỗi hụt hẫng dâng lên cuồn cuộn như nước trong nồi cơm đang sôi chuẩn bị
trào. Tôi thụng mặt ra ngồi lù lù ở góc bếp.
- Để
chị ra hái rau vô luộc ăn hè. Có bụi rau chên[6] non
lắm.
Tôi ngồi
im không ư không hử tiếng nào, mặt như đưa đám. Lại là rau luộc chấm nước ruốc
nữa rồi. Chị Bé cầm rá ra sau vườn, canh đúng cơm sôi đến độ phải chắt nước thì
mang vào một rá đầy ắp rau sam, rau chên. Tôi muốn nhanh nhanh có cái bỏ bụng
nên tình nguyện nhặt giúp một tay. Đang nhặt, chị Bé sực nhớ ra điều gì đó liền
chạy vội ra vườn. Tôi lên nhà trên dòm qua cửa sổ. Con gà mạ cục tác cục tà vì
hai quả trứng mới còn sờ sờ đó mà sau một thoáng bốc hơi đâu mất. Tôi được ăn
trứng chiên và rau luộc chấm nước ruốc, tất cả từ tay chị Bé làm mà ngon y mạ nấu.
Có điều chị Bé nấu ăn xong cái bếp ngổn ngang như cái bãi phế liệu chứ không
đâu vào đấy như mạ. Lúi húi đánh có hai quả trứng để chiên, rồi luộc rau, lấy
nước luộc bỏ thêm tí muối làm canh xong pha nước ruốc thôi mà chén đũa nằm la
liệt trong bếp, nơi này cái nơi kia cái.
Hai chị
em ăn trưa hơi muộn. Đang và[7]
cơm ngồm ngoàm trong miệng chị Nô le te chạy sang khoe bộ thẻ tre hóp mười hai
chiếc mới vừa mới chặt. Nhà chị Nô hôm đó gặt lúa ở đồng xa như nhà tôi. Thấy bộ
thẻ mắt chị Bé ngời lên, chị Bé cố và nhanh cho hết chén cơm rồi đi uống nước.
- Tộp
ăn xong để mâm đó xíu về chị dọn.
Dặn
xong câu đó là chị Bé mất hút ngoài ngõ, đội nắng theo chị Nô đi đánh thẻ. Chẳng
hiểu trò đánh thẻ có gì hay ho mà con gái đứa nào cũng thích. Mỗi lần tung quả
banh lên là nhặt vài chiếc thẻ rồi nhanh tay hứng banh lại, miệng lẩm bẩm đọc
như đọc thần chú. Tôi thấy mấy bài quạt, ống, giã, chuyền, nẻ đất thì cũng hay
hay nhưng tôi chơi thì một lần là chán chứ mấy. Vậy mà chị Bé chơi cả ngày
không chán.
No cái
bụng thì đói con mắt, ăn cơm xong hai con ngươi cụp lại, hai mi mắt dính chặt
vào nhau. Đang mùa nắng gắt nhưng trưa đó gió nồm thật dịu, tôi ngủ ngon lành
cho đến khi mạ về dựng tôi dậy.
- U
cha là con với cái, mới đi nửa ngày mà cái nhà hắn ra ri đây.
Hai mắt
tôi vẫn còn riu ríu, mạ nói rang rảng bên tai mà tôi tưởng giọng nói ấy vọng từ
giấc mơ. Chắc mạ thấy tôi chuẩn bị ngủ lại nên mạ phết mấy cái đau điếng.
- Tộp,
dậy! Bé mô rồi?
- Chị
Bé chơi thẻ trên nhà chị Nô đó mạ.
- Ui
cha, ngó ri có điên không. Lúa về tới nơi rồi mà chén đọi vứt mỗi nơi một cái…
Mạ nói
rồi quay quắt cầm nón đi như chạy. Nhìn màu trời thấy sắp có biến nên mạ phóng
về trước tìm máy thổi lúa cho kịp. Dáng đi như chạy của mạ làm tôi thấy lo. Mới
lúc trưa còn chói chang mà giờ chẳng thấy tí nắng nào, tứ phía là một màu xám xịt.
Động Truồi mây đen và đặc hơn cả. Đúng là sắp mưa rồi. Cái Động Truồi in lên nền
trời tựa như cái đòn gánh xanh thẫm. Mùa hè, hễ mây kéo hướng đó là sắp sửa mưa
giông. Tôi lao qua nhà chị Nô, chị Bé vẫn đang mải miết với bài chuyền “…Qua cầu,
lật ván, tháo đinh, cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh khó đi, bắt con một, hụt con mười…”
- Chị
Bé, mạ về rồi tề.
Chị Bé
hốt hoảng thả bộ thẻ và trái banh xuống. Chị Bé chạy trước, tôi đuổi theo sau
sát gót chị.
- Mạ
nói chén đọi vứt mỗi nơi một cái.
Về đến
nhà, chị Bé vừa thở hổn hển vừa hỏi tôi mạ có la chị Bé không. Tôi ú ớ trả lời
không. Tôi chỉ nhớ mạ dặn “chén đọi vứt mỗi nơi một cái”.
- Tộp
có nghe lộn không? Răng mạ lại vẹ vứt chén đọi mỗi nơi một cái rứa?
- Lộn
mô mà lộn. Em nghe rõ lắm luôn tề.
- Chi
lạ rứa hè?! Mạ có vẹ rửa chén đọi khôn?
- Khôn
vẹ như rứa mờ.
Tôi bắt
đầu bực vì chị Bé cứ hỏi hoài làm như tôi bị lãng tai.
- Mạ vẹ
vứt mờ. Chắc mấy cái chén nhớp đó - tôi chỉ tay quay bếp - chừ không dùng nữa
mà đem vứt.
Tôi vò
đầu nói lại mệnh lệnh của mạ, xem như là lần cuối rồi đi lên nhà trên mặc kệ chị
Bé.
- Mạ sắp
về rồi đỏ. Mạ nói lúa về rồi tề.
Chị Bé
đếm hết tất cả chỗ chén nhớp trong nhà, tổng có sáu cái. Vứt mỗi nơi một cái mà
cụ thể là nơi nào mạ lại không dặn. Chị Bé cuống quýt vò đầu bứt tóc một lúc rồi
chia chén ra làm hai, tôi ba cái chị Bé ba cái.
- Tộp
chạy ra ngả khe vứt dưới cột cây bạch đàn hỉ. Mỗi cây vứt một cái hỉ.
- Còn
ba cái tê răng?
- Chị
Bé ra Đường Xe vứt vô bụi nứa. Cậm hai bụi nứa gần nhà mền chơ mấy, bụi tê phải
chạy lên tới cây Cối lận. Nhanh lên chơ chừ xe công nông sắp tới nhà mền[8]
rồi đỏ.
Chị Bé
nói chưa xong câu đã phóng ra khỏi ngõ. Hai chị em phi nước đại, mỗi người một
ngả. Trời đang chuyển mưa, gió từ mặt khe thổi thốc vào người làm tôi rùng
mình, mát lạnh. Chòm lá bạch đàn va vào nhau rào rạt, mấy nhánh củi khô rớt xuống,
lủng lẳng trên bụi tre hóp. Mỗi gốc bạch đàn tôi ném một cái chén như lời chị
Bé dặn, ném đủ ba gốc thì quay đầu lại. Xong việc, tôi tranh thủ lượm thanh củi
bạch đàn to bằng nửa cổ tay vừa mới rụng, tòn ten vác về. Chẳng những hoàn
thành công vụ nhanh gọn lẹ mà còn lượm được thanh củi đượm mùi nắng ấy quả là một
chiến công.
Đến giờ
dọn cơm mạ đếm tới đếm lui vẫn không đủ mười cái chén. Chị Bé linh cảm thấy điều
chẳng lành mặt tái mét, môi mím chặt đăm đăm nhìn mạ.
- Cất
cái lộ mô rồi lấy ra thêm cho mạ. Mười mấy cái mới đủ lận.
Chị Bé
đứng ngây như phỗng, lúc sau mới cất được thành lời.
- Mạ vẹ
vứt mỗi nơi một cái mà.
Mạ
không hiểu chị Bé đang nói gì, với tay lấy khăn tiếp tục lau dĩa. Mặt chị Bé bắt
đầu méo mó, môi run run dù chị Bé không khóc.
- Thằng
Tộp hắn nói là mạ vẹ đem chén đọi nhớp vứt mỗi nơi một cái bờ con đem vứt ba
cái ngoài Đường Xe, ba cái ngoài khe rồi…
Mạ sa
sầm mặt mày, mắt nổi đom đóm. Hôm đó nhà tôi mượn thêm chục chén của nhà Bé Ti
mới đủ dùng.
Chẳng
mấy chốc chị Bé lên cấp Hai, tôi không còn nhớ gì nhiều ngoài trận càn quét vào
Sài Gòn học may làm Khe Trong vắng vẻ. Tôi phải gọi là trận càn quét vì nó xứng
đáng được gọi như vậy. Người người, nhà nhà đổ xô vào Sài Gòn. Ban đầu là người
lớn, sau thì cả con nít trạc tuổi tôi cũng có. Hễ biết nghe lời, biết lo lắng
đôi chút việc trong nhà là đi Sài Gòn được. Cuối năm về thành người trắng trẻo
phổng phao, Sài Gòn làm ai nấy lột xác, cả giọng nói cũng lột xác theo lảnh
lót, trong trẻo, dễ thương lạ kỳ. Chị Bé vào học lớp Bảy được tầm một tháng thì
nhận được lá thư định mệnh làm cuộc đời chị sang trang. Đó là lá thư đầu tiên
có tem và con dấu bưu điện mà tôi được thấy. Tận Sài Gòn gửi ra xóm Khe Trong.
Ôi, tôi phải gọi bằng hai chữ “linh thiêng” mới diễn tả hết cảm xúc khi nhận
thư từ bác đưa thư. Ngay cả bác đưa thư lâu nay tôi cũng chỉ biết qua bài hát “kinh
coong, kinh coong bác đưa thư đang tới nhà em, xe đạp kêu…” Tôi đọc thật kỹ
dòng chữ nắn nót biên trên phong bì và cả những con dấu.
Chị Bé
đi học về tôi đưa thư xong năn nỉ xin con tem qua khoe với Cầy Em. Chị Bé ra ngồi
một mình sau vườn đọc. Lá thư được chị Bé giữ bo bo, ngày lôi ra đọc rồi gấp lại
rồi lại lôi ra đọc không biết bao nhiêu lần mà chẳng có dấu hiệu chán. Đó là
thư của một chị xóm dưới đã đi Sài Gòn học may được mấy tháng. Đùng một cái, chị
Bé xin nghỉ học đi Sài Gòn trước sự sững sờ của ba và sự tức giận của mạ. Dạo ấy,
chị Nô có người bà con ra thăm rồi dẫn chị Nô và hai chị nữa vào Sài Gòn. Xưởng
may của họ đang cần người. Ba mạ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này, mọi khi toàn
chậc lưỡi tiếc nuối cho những đứa trẻ thất học sớm.
-
Không Sài Gòn Sài giếc, học may học miếc chi hết nghe Bé. Tau mà thấy mi hó hé
đòi đi Sài Gòn là tau đuổi ra khỏi nhà nghe Bé…
Ba ngồi
bên trầm ngâm.
- In
ri mai mốt cái xóm ni e là toàn người lớn với con nít chưa biết hỉ mũi. Hắn hỉ
sạch mũi cái hắn đi Nam hết rồi chơ mô.
Ba nói
điềm tĩnh mà nghe buồn rười rượi.
Chị Bé
mang hết sách vở tặng cho một chị nào đó ở trường, hay mang vứt đi đâu tôi
không rõ. Chị Bé cương quyết theo chị Nô học may. Mạ không cho đi chị vẫn bỏ học.
Tôi biết chính những chiếc quần thủng đáy đã lôi chị xa tôi, xa ba, xa mạ. Chị
sẽ học may, sẽ tự tay may những chiếc quần thủng đáy xinh như chị mơ ước. Sẽ
may áo khoác, áo gi-lê, áo sơ mi, may mũ may giày hay may thứ gì đó nữa tôi
không biết. Nhưng chị sẽ được may, nhất định thế.
Mạ cứng
như đá vậy mà đành xuôi lòng trước quyết tâm của chị Bé. Mạ sợ không đường
hoàng cho chị Bé đi thì chị Bé cũng xách cái bị áo quần chạy theo chị Nô xuống
đường quốc lộ rồi nhảy bừa lên chiếc xe Bắc - Nam ấy.
Hôm
đi, chị Bé khóc giọt ngắn giọt dài. Ba ngồi im lặng chỗ bàn nước, mạ vừa khóc vừa
chửi chị Bé cứng đầu. Tôi ngồi thừ ra ở giường không thèm nhìn chị. Phải, chị
Bé đi Sài Gòn sướng rồi chi nữa, bỏ tôi ở nhà một mình phải làm thêm biết bao nhiêu
việc mà trước giờ chị Bé kham, bỏ tôi ở nhà cho mạ la, mạ mắng mạ quất quắn đít
không ai đỡ giùm roi nào. Chị Bé thì thào “Tộp, Tộp chị Bé đi nghe.” mấy lần mà
tôi vẫn bất động, nhất quyết không nhìn. Lát sau, chị Bé đến đứng sát bên cạnh
tôi, lay lay tay áo tôi nói đứt quãng, giọng líu ríu như cái máy cát-sét hết
pin mà dội thẳng vào tim tôi.
- Tộp ở
nhà học cho giỏi hỉ. Hoang vừa vừa thôi không mạ đập cho toét đít đỏ. Bữa ni
khôn ai xin giùm mô. Tết chị ra, đừng buồn hỉ.
- Đi
mô thì đi đại đi cho rồi, ai thèm buồn. Tưởng mền ngon lẩm. - Tôi dứt khoát quay
lưng về phía chị.
Chị Nô
cùng với mấy người nữa dừng xe trước ngõ, hú gọi. Lúc chiếc xe khuất sau hàng
chè tàu, tôi vùng chạy ra ngõ rượt theo một quãng. Tấm lưng nhỏ cùng chùm tóc
cháy nắng của chị Bé xa dần. Mắt tôi nhòe nhoẹt.
Sáng
hôm ấy trời trong lạ kỳ. Cuối tháng Chín, đầu tháng Mười không còn nắng bụi và
gió Lào hanh hao nữa. Những cơn mưa trút xuống ào ạt gột sạch bụi trên từng kẽ
lá. Hàng chè tàu được tắm rửa sạch sẽ, xanh mát bóng bẩy. Lòng Khe Trong con nước
lững lờ gần lên đến bờ tre hóp. Chòm bạch đàn như đang say ngủ, lá chỉ chạm hờ
vào nhau. Chưa có bao giờ Khe Trong xanh và sạch đến thế, xanh bạt ngàn, xanh
tươi nguyên trong màu nắng mới. Sau trận mưa đêm, nắng cũng trong hơn, trong
veo trong vắt như mắt chị Bé sáng hôm ấy. Và cũng chưa bao giờ Khe Trong vắng vẻ
đến thế.
Năm chị
Bé mười tám tuổi, chị Bé dẫn người ta về thăm nhà, chạm ngõ. Tôi nhìn người mà
sau này tôi phải xem là anh em trong nhà rồi nhìn chị Bé, lòng dâng lên một nỗi
giận vu vơ khó tả. Cái cảm giác mất mát trẻ con ấy làm tôi trở nên cục cằn. Chị
Bé của tôi còn trẻ quá. Mắt chị long lanh lúc nào cũng như có nước chực sẵn,
đôi má ửng hồng nũng nịu mỗi khi nói đùa nói giỡn hay giận hờn làm mình làm mẩy.
Và nhất là khi chị Bé cười, trông chị Bé ngây thơ chẳng khác gì mấy đứa con gái
lớp tôi. Vậy mà năm ấy chị theo chồng, tôi không giận sao được.
Chị em
tôi chẳng có duyên ở gần nhau. Lúc tôi quyết định vào Sài Gòn thi Đại học thì
gia đình chị Bé vì lý do công việc chuyển về Đà Nẵng định cư. Vậy là vẫn mỗi
người một nẻo. Còn cuộc gọi cuối cùng tôi đang chờ mà chưa thấy đến, nhưng tôi
cam đoan là nội trong tối nay kiểu gì chị Bé cũng hét choang cái điện thoại.
Cái tin tôi sắp lấy vợ đang làm cả nhà chộn rộn, chắc chắn là chị Bé không nằm
ngoài danh sách. Không khéo chị Bé đang tính xem cưới tôi mặc đầm mặc váy gì
cho đẹp, cho sang cũng nên.
Trớ
trêu thay, mạ không trách lầm tôi, ba và chị Bé cũng không trông chờ vô cớ. Thằng
Tuấn nói đúng, tôi đã có người yêu. Chính tôi mới là kẻ lầm tưởng.
(CÒN TIẾP)
[1] Tớt: nấc
[2] Khén: khô giòn
[3] Củ nén: hành tăm
[4] Dẹp: hạt thóc bị xép
[5] Mũi sảy: dụng cụ để trở rơm khi phơi
[6] Rau chên: rau dền
[7] Và: dùng đũa đưa cơm vào miệng
[8] Mền: mình
Về khi nắng còn thơm (4) - Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
9:22 PM
Rating:

No comments: