Về khi nắng còn thơm (3) - Lệ Hằng

BA THIỆN VÀ NHỮNG BẢN NHẠC XƯA MÀ KHÔNG CŨ

Có những bản nhạc khi cất lên chúng ta không chỉ nghe bằng tai mà còn bằng dòng suối rỉ rách trong tâm hồn.
***
VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(3)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ
*****
Tôi nghĩ vẩn vơ hết chuyện này sang chuyện khác, lòng trống trải vô cùng. Trong lúc này tôi chỉ muốn nói chuyện với ba để xốc lại tinh thần. Thằng con trai duy nhất của ba và ba bình thường chẳng mấy khi nói chuyện với nhau quá năm câu qua điện thoại, trừ những lúc ba đã ngà ngà thấm men. Những lần ấy, ba và tôi tám xuyên lục địa, tám từ chuyện con chó con mèo, chuyện làm cỏ bỏ phân cho đến chuyện bên Tây bên Tàu. Ba cười nói vui vẻ, dốc cạn cái bầu tâm sự rồi ba hát nghêu ngao. Giọng ba đã lạc nhưng vẫn làm chủ được câu hát, chỗ nào cao chỗ nào thấp chỗ nào nhanh chỗ nào chậm ba ngân đúng cả. Trong chốc lát tôi quên đi những chuyện đau đầu mà thay bằng trận cười thả ga.
Tôi nhấc điện thoại lên gọi ba. Đầu dây bên kia chuông đã đổ, một bản nhạc chờ quen thuộc vọng bên tai tôi.
“Nửa đêm lạnh qua tim
Giữa đường phố hoa đèn
Có người mãi đi tìm,
Một người không hẹn đến
Mà tiếng bước buồn thêm…”
Ba không nhấc máy, chỉ có bài nhạc chờ phiêu diêu nặng trĩu ấy đáp lại tôi. Đây là bài tủ của ba, từ ngày sắm được điện thoại có thể nghe nhạc ba lúc nào cũng đắm mình trong giai điệu du dương trầm buồn như thế. Hồi tôi còn nhỏ, xóm Khe Trong chưa có điện, nhà tôi sắm được cái máy cát-sét chạy bằng pin, cả xóm túm tụm lại nghe cải lương, nghe nhạc vàng. Đó là những trưa hè nóng vã mồ hôi hột, đứng trong nhà nhìn ra chỉ thấy một màu nắng vàng vọt lênh láng tưới lên đám ruộng, lên con khe, lên nương rẫy chập chùng tít tắp đến cuối chân trời phía tây. Và mùi hăng nồng thơm tho của nắng ướp trong đám lá đám củi khô khốc, ướp trong lòng khe lòng hồ nứt nẻ quyện trong không khí, cả hơi thở cũng mang mùi nắng cháy. Ba mở máy, bài hát đầu tiên của cuộn băng vang lên “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…” Ai nấy đăm chiêu thả hồn trong tiếng nhạc đều đều chậm rãi mà êm đềm như tiếng nước Khe Trong sau những trận mưa đầu mùa. Dưới giàn hoa thiên lý mọc giăng từ cây trứng gà níu sang mấy cây cột sát mái nhà, ba đặt chiếc giường tre, mấy khúc gỗ và vài ba cái đòn làm chỗ nghỉ ngơi, ngồi chơi tám chuyện với cả xóm. Cây trứng gà là ranh giới giữa nhà tôi và nhà Bé Ti, đây là chỗ mát và đón được gió nồm nhiều nhất. Những người yêu nhạc xóm tôi thường quây quần ở góc này, ai nấy thủ sẵn cái quạt mo hoặc quạt giấy để phe phẩy lúc trời đứng gió. Tôi và mấy thằng nữa lót cái bao cát ngồi dưới đất chơi bài búng lỗ tai. Xa hơn một quãng, dưới cây khế là cái bao cát của chị Bé và mấy chị lớn chơi đánh thẻ. Đánh thẻ phải đọc thần chú nên không ngồi gần giàn thiên lý được.
Lúc giọng hát mượt như nhung ấy cất lên, từng câu từng tiếng ngân dài rồi nhả vào tai những lời thì thầm tình tự, ai nấy thả hồn theo bài hát. Có lẽ ai cũng có một con đường lưu dấu kỉ niệm như thế trong tim. Chắc đây là lý do ba mạ và rất nhiều người nữa thích nhạc vàng. Con người vốn thích nghe kể chuyện, nhất là chuyện đời tư. Nhưng ai cũng ngại kể câu chuyện của mình nên người ta thích vì đơn giản họ tìm thấy câu chuyện của mình trong những câu chuyện của người xa lạ. Và vì thế nó đi vào lòng như một lẽ tự nhiên. Đó là những buổi trưa có gió êm ru trên đọt bạch đàn bên đám ruộng trước nhà, và gió lao xao trên đọt tre phía sau hiên nhà, tôi nằm mơ màng ngủ khi đã mãn cuộc vui.
Mạ thuộc hết bài hát trong băng, buổi tối xong việc, mạ ngồi trên chiếc giường tre đong đưa tập hát. Giọng mạ khỏe, vang, trong trẻo nhưng không mượt êm, luyến láy bằng ca sĩ trong băng. Hát nhạc vàng là phải dịu dàng, đằm thắm uốn giọng như thế mới đúng bài.
- “Đường lên dốc đá, mỗi khi trăng tà nhớ câu chuyện xưa...” dốc đá với chuyện xưa người ta kéo dài ri nè, ém ém hơi lại nghe mới ngọt. Mạ mi hát mạnh quá như đôi đá rứa thê.
- Hát chi mà cực rứa thê, tui ưa thả giọng rứa cho hắn khỏe.
- Rứa được rồi ba chơ không mạ làm ca sĩ thiệt răng ba… - Tôi ngồi bên xía vào.
Ba mạ có chung cái thú vui âm nhạc này nên mạ tằn tiện sắm cái máy cát-sét đầu tiên trong xóm, và sau này sắm cả đầu video. Cứ hễ ba làm đồng về mệt là ba nghe nhạc. Lúc còn khó khăn, chỉ có mấy cuốn băng tôi nghe đi nghe lại muốn mòn lỗ tai mà ba thì không chán, băng cũ băng rè ba cũng nghe. Mỗi lần cái máy nhai băng phát ra mấy tiếng éo éo lạ lùng, ba nhổm bật dậy nhấn nút tắt máy rồi nhẹ nhàng mở cửa sổ băng ra để gỡ cái chùm bòng bong quấn bên trong. Lắm lúc băng rối một cục xoắn xít vào nhau tưởng không tài nào gỡ được. Ba làm nông, việc nặng lại quần quật suốt ngày nên hai bàn tay thô ráp chai như đá. Vậy mà chính đôi bàn tay thô thốc ấy đã tỉ mẩn, nhẹ nhàng gỡ từng nút băng rối. Trong những tình huống này, mạ thường hậu đậu hơn ba còn tôi thì chỉ là cái đứa phá nhà cửa không bao giờ ba cho đụng vào. Nhiều lần ba ôm cái máy ra hiên nhìn cho rõ để gỡ, ba mân mê sợi băng rồi rút từng chút một kéo nó ra khỏi cục rối. Tôi ngồi bên cầm hộ cho ba, giúp ba tua băng lại. Đôi lúc sơ ý ba làm đứt dây băng, hai mảnh dây xoay xoay trong gió. Tôi lao ra vườn hái lá vú sữa vào cho ba. Dòng mủ trắng đục ứa ra, ba dùng nó làm keo dán dây băng lại. Xong đâu đó, băng tua lại về vị trí cũ và bỏ vào máy nghe tiếp.
Cát-sét dùng lâu cũng đến hồi rạc máy. Sau mấy năm chạy ro ro nó giở chứng nhai băng liên tục làm ba buồn đến não ruột. Muốn nghe bản nhạc mượt mà mà cứ đụng phải tiếng éo éo, ồ ồ rồi gỡ cục băng rối mất cả nửa tiếng đồng hồ. Bực quá, có lần ba tháo máy ra nghiên cứu kỹ mấy bộ phận bên trong để sửa. Mới qua trận mưa giông trời có ráng vàng ráng đỏ và nắng lịm dần sau dãy nương. Nửa tiếng sau ba sai tôi vào nhà tìm cây đèn pin. Chuyến đó mà không sửa được chắc ba buồn thúi ruột. Phải năm nhà tôi mất mùa nên mua cái máy mới là điều không thể.
Tôi hồi hộp theo dõi từng động tác của ba. Ba tháo ra, lắp vào rồi quay thử không biết bao nhiêu lần. Tôi với ba cắm đầu vào cái máy cho đến khi trời tối hẳn, trăng đầu tháng như cái lá lúa treo lơ lửng trên đọt dừa. Hình như càng ngồi lâu trong bóng tối mắt ba càng nhìn rõ nên dù cây đèn pin đã yếu dần mà ba vẫn khéo léo chỉnh từng tí một rồi vặn từng con ốc con vít bé tí, cho chúng về lại vị trí ban đầu. Tiếng nhạc phát ra, ba gật gù giục tôi tắt đèn pin, đốt đèn dầu. Mạ đi tập văn nghệ cho xã, nhà chỉ có ba và tôi với nồi cơm ăn cùng rau luộc chấm nước ruốc mà ngon đáo để.
Thời của băng cát-sét chìm vào quên lãng lúc nào chẳng hay. Giờ vẫn có người chơi nhưng người ta chỉ xem như một hoài niệm. Ba chủ yếu nghe nhạc trên điện thoại. Ba mang điện thoại ra đồng có khi vừa làm vừa nghêu ngao hát. Công nghệ đã tiến một bước rất xa, chẳng còn ai ngồi hì hục gỡ băng rối như ba nữa. Nhưng nếu có thể một lần nữa được nghe tiếng nhạc hơi nhiễu và rè rè ấy tôi chắc chắn mình sẽ thích mê bởi nó vẫn đâu đây trong những giấc mơ và trong kí ức tôi mỗi khi tôi nghĩ đến ba. Nhạc vàng thì đi vào máu tôi tự khi nào. Tôi không mê nhạc vàng như ba mạ và cũng không thường xuyên nghe. Trong máy tính của tôi chẳng có bản kinh điển nào nhưng mỗi khi những bài hát ấy vọng từ đâu đó, tôi vểnh tai lên đắm chìm trong từng giai điệu. Những bài hát tôi nghe từ nhỏ tôi không lưu trong bộ nhớ máy tính mà lưu trong bộ nhớ của riêng mình. Tôi nghe bằng cảm xúc, bằng kỉ niệm. Tôi thấy dáng ba dày dạn sương gió, ba nằm bắt chân chữ ngũ trên chiếc giường tre dưới giàn thiên lý, mắt nheo nheo nhìn về hướng Khe Trong nghe nhạc. Tôi thấy cả tóc ba từ hồi còn đen bóng cho đến khi lấm tấm hoa râm.
Tánh ba khác với mạ. Mạ la, mạ đánh tôi nhiều bao nhiêu thì Ba ngược lại, Ba chưa từng nặng nhẹ, chưa từng quất tôi roi nào. Nhiều khi tôi nghĩ hay ba mạ phân công nhau, người nào đánh mắng thì nhận luôn hết cái phần dữ dằn roi vọt ấy. Ba nhận cái phần im lặng kiềm chế dù như thế khổ tâm hơn nhiều. Lần duy nhất ba nói một câu nhận xét như đay như nghiến về tôi năm tôi học lớp Bốn, tôi trở chứng viết chữ như gà bươi. Mạ bắt tôi rèn nét chữ từ năm lớp Một nhưng càng ngày tôi càng ghét cái món luyện chữ này. Tối đó mạ kiểm tra vở và như mọi khi tôi ngồi thừ mặt ra nghe mạ la.
Với mạ, sự im lặng của tôi gần với sự coi thường, thách thức mạ nên mạ giận sôi gan.
- Mi ưa ở nhà giữ trâu hay răng để tau tính. Tau nói cho mà biết, mi bỏ học là tau đuổi ra khỏi nhà, khôn mạ khôn con chi hết.
Ba ngồi kế bên, đột nhiên ba cầm vở xem. Bình thường mạ la tôi là ba can ngăn cho mạ hạ hỏa. Nhưng hôm đó, ba xem vở xong ba nói một câu tưởng chừng vô thưởng vô phạt mà nghe chua như chanh.
- Chữ ri mần bác sĩ được rồi đỏ.
Mạ như lửa được châm thêm dầu với tay lấy cái roi đuổi gà hậm hực quất vào mông tôi đau chết điếng. Ba vẫn vậy, không đập không chửi nhưng gương mặt rám nắng co lại nhăn nheo và hai mắt tối sầm vì thất vọng của ba khiến tôi đến bây giờ vẫn còn thấy sợ. Với một người coi mộng lớn của đời mình chính là việc con cái học hành thành tài, bước ra khỏi lũy tre làng, thoát khỏi nghiệp làm nông chân lấm tay bùn quanh năm phải “trông trời trông đất trông mây” như ba thì nét chữ gà bươi của tôi chẳng khác gì dấu chấm hết. “Nét chữ, nết người”. Cho dù bây giờ có máy tính đánh văn bản đỡ phải viết tay nhưng ba mạ vẫn nhất nhất quan điểm viết không ra chữ thì người không nên nết, học không thành tài huống chi hồi đó điện còn chưa có. Con người ấy, đấng sinh thành của tôi, luôn thấy bất lực với sự ít học của mình dù trong mắt chị em tôi ba, và cả mạ nữa, đều là những người chữ nghĩa đầy mình. Nhiều lần ba nhậu về khi tôi đang ngồi chơi sau hiên, ba lượm viên sỏi đỏ au viết lên tường mấy chữ “pencil, book, ruler…” rồi nói “tiếng Tây nì”. Ba dạy tôi những chữ Tây đầu tiên khi tôi còn chưa biết có môn Tiếng Anh trên đời. Chữ của ba nét đổ nghiêng đều đặn rắn rỏi tôi cố bắt chước mà không được.
Ngày mùa, việc trong nhà việc ngoài đồng chồng chất, mạ réo tôi dậy khi gà vừa gáy sáng, ba thì chưa bao giờ ép tôi phải thức mà toàn lẳng lặng xách đồ lề đi một mình. Cho dù mạ cố lôi tôi ra khỏi giường, bắt tôi cầm bi-đông đựng nước chạy theo ba thì ra ngoài đồng ba cũng dành hết việc về phần mình còn tôi tìm chỗ duỗi thẳng cẳng ngáy. Cái thằng con vô tâm là tôi chỉ chờ ba ra hiệu là xách nón đi tìm chỗ cỏ mát đặt lưng xuống. Để né mấy con ve con bọ trên cây đái xuống mặt, tôi úp cái nón lên đầu mê man ngủ. Ngoài đồng thoáng đãng, gió mát rười rượi tôi ngủ còn ngon hơn ở nhà. Phải đến khoảng hơn chín giờ sáng, mạ chợ búa lo chuyện cơm nước xong xuôi mạ mới xách nón ra đồng. Và lần nào mạ cũng giật phăng cái nón để mặt trời chiếu thẳng xuống mắt tôi làm tôi nheo cũng không né được. Mạ vừa chửi vừa dùng tay phết vào người tôi tới tấp. Tôi choàng dậy, chẳng kịp nghe mạ đang nói gì vơ vội cái nón cho lên đầu chạy ra phụ ba. Ba nghỉ tay lau mồ hôi rồi quăng cho tôi khi là cái liềm khi vài sợi lạt hoặc sai tôi làm việc gì đó để mạ khuây khỏa.
Cấp ba tôi lên thành phố học, một năm chỉ về phụ ba cắt lúa làm đồng có mấy bận nhưng vẫn được ba đặt cách cho đi ngả lưng nếu giữa chừng tôi bất ngờ thèm ngủ ngáp ngắn ngáp dài. Những hôm rảnh rỗi, hễ thấy tôi đạp xe về là ba ra vườn chọn con gà ưng ý vừa tầm xách vào. Tôi được một bữa no nê với cái đùi gà vàng bóng mỡ. Giờ mà ở nhà thì chắc ba sẽ nghĩ ra món chi đó để hai người đàn ông trút bầu tâm sự. Ba ít khi vào bếp nhưng một khi ba ra tay thì món nào cũng xứng xếp vào hàng thượng hạng. Đang chơ vơ giữa lòng Sài Gòn mà như nghe được mùi sả ớt lá chanh của nồi ốc ba luộc. Ba tự tay làm nước ruốc với gừng, ba giã thật nhiều gừng cho vào nước chấm để nó cay đậm đặc vị gừng. Bất chợt, tôi nuốt nước bọt ừng ực.
Điện thoại reng, tôi giật mình vớ lấy như vớ được cái phao để khỏi chết chìm trong kỉ niệm, và nhất là khỏi chết chìm trong nước bọt. Là số của ba.
- Con đây ba, khi hồi con gọi mà ba không bắt máy.
- Ngày ni ba vui, ba tâm sự chơi bên nhà ông Dưỡng. Mà ba có đồ vét rồi đó nghe.
Giọng ba đã đổi, ba nói chậm và rề rà hơn. Tôi đã sớm biết là giờ này người ba có chút men. Tiệc xóm, tiệc làng, tiệc tất niên liên miên sao ba né hết được. Một năm được mấy bận nông nhàn lại trúng Tết nên cánh đàn ông tha hồ vui vẻ với nhau. Bình thường nghe ba đổi giọng thế này tôi không thích, sợ ảnh hưởng sức khỏe của ba. Nhưng hôm nay thì khác. Nếu không có men sao ba “tám” chuyện với tôi lâu được.
- Chà, ba uống nhiều rồi cỏ.
- Ba uống ít lắm, uống có tí chơ mấy. Ba vui thôi chớ đời mô ba say. Ba không say.
- Dạ, con có nói ba say mô nờ. Thôi ba mần bản nhạc rồi ngủ cho ngon ba.
- Nhạc à. Ờ, hát chơ. Luyện giọng để mai mốt đám cưới mà hát chơ. Mà ba có đồ vét rồi đó nghe, không cần sắm nữa mô.
- Cưới ai rứa ba? Mà đồ vét chi rứa ba?
- Cưới con trai ba chơ cưới ai. Ba là đại diện họ nhà trai đó nghe. Bộ vét ba cất bữa chừ còn mới lắm. Chừ lo cho con trai ba thôi chơ ba đủ đồ rồi.
Tôi nghẹn đắng họng. Ba đang say thật nhưng chuyện ba nói thì tỉnh chứ chẳng say chút nào. Đó là chuyện hệ trọng của cả đời tôi, hôm nay ba vui, là ba vui thật chứ không phải men nào nói thay ba.
- Chuyện đó tính sau đi ba, chừ ba mần bản nhạc rồi ngủ ba hè.
- Cưới vợ là cưới liền tay, tính liền chơ để sau răng được. Mà ưa ba hát thì ba hát thôi. Hát bản chi hè?
- Hát bản ba thích đi ba.
- Rứa thì “Về đâu mái tóc người thương” hí. Ba ưa bản ni. Đám cưới thì ba không hát bản ni, ba hát “Đám cưới trên đường quê”.
- Ngon đó ba. Một, hai, ba… vô liền luôn ba.
“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em,
Chiều nào xõa tóc ngồi bên rèm,
Lầu vắng không người song khép kín,
Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm…”
Giọng ba túc tắc vang trong điện thoại, nghe gần như ba đang ở sát bên tôi. Ba Thiện của tôi, khi ba vui, ba hồn nhiên như đứa trẻ.

 (CÒN TIẾP)



Về khi nắng còn thơm (3) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (3) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 8:07 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.