Về khi nắng còn thơm (2) - Lệ Hằng


MẠ VUI CỦA TÔI
“Bơ Tộp, dậy con!”
Phần sống động nhất của cuộc đời tôi có lẽ là bên mạ.
***
VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM

TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(2)*
PHẦN I – CÁNH CHUỒN LẠC XỨ


Mạ. Là mạ. Mạ Vui của tôi. Một tiếng “mạ” nghe nặng mà tha thiết vì trong tiếng “mạ” có âm “a” vang dài và có dấu “nặng” kéo nó chùng xuống. Với tôi, có lẽ phải vậy thì từ thiêng liêng ấy mới gánh hết được sức nặng cuộc đời đã trao cho mạ, để tôi, trong những tháng ngày xa quê thèm đến khắc khoải hai tiếng “mạ ơi”.
Và tôi luôn tự hào mình có mạ. Tôi lên thành phố học, cả lớp chỉ mình tôi có “mạ”, tụi nó chỉ có “mẹ”, dăm ba đứa lại có “me”. Tết xong, tôi mang quà quê lên cho tụi trong lớp, khi tôi nói “Bánh mạ tau gói đó.” cả chục cặp mắt nhìn tôi lạ lẫm.
- Ơ, trò ni gọi mẹ là mạ à?
- Nghe nặng nặng với lạ ghê hè…
Tôi cười hề hề.
- Thì tau nghe tụi bây gọi mẹ, gọi me, gọi tau là trò ni tau cũng thấy lạ rứa thôi. Ở dưới quê toàn mạ với cả mi, tau không à.
***
Tôi nhớ cái dáng còm còm mạ ngồi đan len bên ngọn đèn dầu. Mạ chong cây đèn cổ cao cho đủ rạng, đậy thêm cái bóng dài chắn gió. Buổi đêm, gió núi thổi lồng lộng, dù là đông hay hè. Mạ đan áo len cho tôi và chị Bé. Áo mạ đan không phải chỉ đẹp nhất xóm mà đẹp nhất cái thôn Bốn này. Thi thoảng, đôi ba người ngỏ ý đặt mạ đan áo len, nhưng mạ không nhận. Mạ chỉ đan cho hai chị em tôi. Rỗi ra thì mạ sửa lại mấy cái áo cũ đã sút tay, sút cổ. Đan len không khó, nhiều người làm được. Nhưng tỉ mẩn, khéo léo và công phu để đan được những cái cổ áo đẹp như mạ thì không mấy người. Mạ tính toán chính xác đến từng đường len nên cái áo lúc nào nhìn cũng sắc sảo và ấm thôi rồi. Giữa mùa đông giá, xóm Khe Trong heo hút gió lạnh thấu xương. Nửa đêm ngủ nghe xào xạc tiếng lá chuối lá tre thốc vào nhau ùa qua kẽ hở vào trong nhà, bốn người chia chung tấm chăn nhưng vẫn lạnh run. Vậy mà chỉ cần cái áo len của mạ là đủ ấm nơi lồng ngực, không sợ bị khò khè.
Và nhớ cả những lúc mạ nheo mắt lúi húi xỏ chỉ vào kim vá áo quần. Tôi suốt ngày mài mông trên cây nên quần thủng tùm lum tùm la. Chỉ trừ bộ quần xanh áo trắng đi học là lúc nào cũng tươm tất, áo quần mặc chơi ở nhà mạ sắm cho tôi không nổi nên cái nào cũng vài ba miếng vá. Mạ đan khéo tay, vá lại đẹp nhưng không hiểu sao mạ chẳng bao giờ luồn được chỉ vào kim. Mỗi lần mạ xỏ chỉ tay mạ run run, mạ nheo mắt ngắm ngả ngược ngắm ngả xuôi mà chẳng luồn sợi chỉ vào lỗ kim được, dù đã cẩn thận xe đầu chỉ cho dễ xâu. “Ôn nội cô cha hắn, răng xỏ mãi không qua ri trời”. Tôi ngồi cách đó chừng hai mét, gồng mình lên nhịn cười. Mạ còn để kim va vào tay chảy máu. Mỗi lần ba thấy mạ đưa tay lên miệng mút lấy mút để rồi hít hà ba lại rầy:
- Ngó mần không được thì kêu con hắn mần cho. Chơ đẻ hai đứa lù lù ra đó mần cái chi mà khôn  sai.
Tánh mạ kỳ, lần nào mạ cũng loay quay một hồi mới chịu cậy đến chị em tôi. Mạ chỉ thích chị em tôi xăng xái thấy việc là lao vào làm chứ không đợi mạ nhắc. Kể cũng lạ, ở với mạ, ngày nào cũng bị mạ la mạ hét từ đầu nhà đến cuối nhà mà chẳng đứa nào rèn được cái tính chăm chỉ cho mạ nhờ. Cả tôi và chị Bé đều thuộc thể loại hờ ơ dửng dưng với công việc, nếu mạ không nói thì cứ coi như mình không thấy, không nghe, không bà con chi với nó. Không những thế, hở được phút nào là chuồn đi chơi phút ấy. Ngày nào mạ cũng đứng ngay chỗ cửa ra vào lấy hơi gọi.
- Bơ Bé, bơ Tộp, về!
Giọng mạ to khỏe vút lên giữa ngút ngàn nương rẫy. Mạ tôi mà gọi thì tôi ở cách đó mấy cái nương vẫn nghe rõ. Mạ là cây văn nghệ số một của xã, hội hè tiệc tùng đâu đâu người ta cũng xướng tên mạ lên góp vui. Ba hay đùa:
- Chu cha, la con chi mà la hoài rứa thê. E nhờ suốt ngày la với hét nên giọng mới hay rứa đỏ.
Và cứ thế, sáng nào tôi cũng để cho mạ được luyện thanh bằng việc gọi tôi dậy. Ba mạ là những người thuần nông, nếp sinh hoạt như được in trong máu. Mạ trở mình dậy khi gà gáy sáng rồi xuống bếp lui cui nhóm lửa. Tàn tro bay lên bám vào tóc mạ lốm đốm như hoa râm. Cơm vừa cạn là mạ bắt đầu buổi luyện thanh.
- Bơ Tộp, dậy đi học con.
- Bơ Tộp, dậy mở trâu con.
- Bơ Tộp, dậy con.
- Bơ Tộp!
Mạ ngồi dưới bếp gọi với lên nhà trên, mấy lần đầu, mạ kéo dài chữ “bơ” nghe ngọt như hát. Nhưng từ lần thứ ba trở đi thì cứ như tiếng sét xé toạc cái màng nhĩ tội nghiệp của tôi. Mỗi lần nghe đến đó, cái thằng con trời đánh trật búa của mạ không muốn dậy nữa, tôi nằm im như chết. Bất lực, mạ đi lên nhà trên, giật cái chăn vứt qua một bên rồi dựng óc tôi dậy. Khi tôi và chị Bé đã lớn, mỗi lần có dịp về nhà cùng nhau, sáng nào chúng tôi cũng nằm nướng rồi đếm thầm “Một, hai, ba… bắt đầu nghe ca cải lương nì” và rúc rích cười khi nghe giọng mạ cất lên từ dưới bếp. Chắc ba tôi nói đúng, mạ hát hay là một phần nhờ chị em tôi.
Mạ thích hoạt động xã hội, thích giao lưu đây đó, may thay mạ là số ít những người “có chữ” trong làng nên mạ sớm được mời vào hội phụ nữ và làm cộng tác viên cho trạm y tế cũng như ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn. Đối với những hoạt động xã hội, có xa mấy mạ cũng theo được. Mạ làm vì trách nhiệm và cả đam mê. Ông trời cho mạ thứ này thì lấy của mạ thứ khác. Những việc mà mấy o trong xóm thấy là ngán ngẩm nhiều người thấy là ngán ngẩm, mạ làm được. Ngược lại, mấy việc ai cũng làm được, mạ lại không. Việc ruộng vườn đồng áng ba là người mát tay, mạ dù muốn nhưng chẳng có duyên.
Nhớ cái năm lịch sử nhà tôi nuôi heo, mạ cùng mấy o trong xóm đi chọn giống ở tận làng Nong. Ba làm cái chuồng rộng thênh, thoáng đãng có cả hố xử lý phân. Mạ cuốc đất, làm vồng trồng rau lang cho heo ăn, rồi trồng đậu, trồng dưa. Nương vườn nhà tôi năm đó trông thật trù phú nhưng là sự trù phú giả tạo vì chúng chẳng mang lại cho mạ đồng lời nào. Mạ nuôi lứa đầu nhưng vẫn ham hốt luôn hai con trong cùng một đợt. Mạ chăm sóc chiều chuộng chúng làm tôi thấy phát ngấy. Cái lũ Trư Bát Giới ăn không ngồi rồi suốt ngày cứ éc éc ụt ụt nghe điên não lại còn làm mạ phải lo lắng cho bụng bầu của chúng. Mỏi mòn gần bốn tháng mới đến ngày đỡ đẻ, mạ cuống quýt như giẫm phải lửa, loay quay vứt cái nón sang một bên ú ớ gọi ba.
- Hắn đẻ rồi ba mi ơi!
Tôi nhớ như in nét mặt thất vọng của mạ khi mạ bưng mấy chén chè vào chuồng làm lễ cúng mụ cho tụi heo con. Chuồng nhà tôi hai mạ heo nái mà cộng lại chỉ được tám con heo con, trong khi chuồng nhà Bé Tí một mạ đã mười hai con con. Giống cùng mua một chỗ, bác sĩ thú y thì cả thôn chỉ có một người vậy hỏi sao mạ không rầu cho được. Lúc nghe mạ nói chỉ đẻ được có mấy con, mạ Bé Ti còn tưởng đùa lật đật chạy sang dòm thử. Chuồng nhà Bé Ti thì đông quá, lũ heo nheo nhóc tranh nhau bú. Những con yếu hơn thường bị hất văng ra đằng sau, cả buổi trời chúng khóc khô hơi rát họng mà không được tí sữa nào.
Hôm sau, mạ Bé Ti mang sang hai con heo con rồi ủn mông chúng vào chuồng. Thêm có hai con mà chuồng nhà tôi rộn ràng hơn hẳn. Chúng lớn phổng phao như ai thổi, chẳng mấy chốc đã biết phá chuồng ra ngoài chơi. Khác với lũ heo nhà Bé Ti, lũ heo nhà tôi nghịch như quỷ. Cứ hở ra là đám rau dưa tanh bành vì mấy cái mõm ụt ịt liến láu háu ăn ấy. Dù mạ gài chuồng rất cẩn thận nhưng ngày nào cũng phải dùng cọc tre vá lại những chỗ chúng phá. Còn tôi có thêm việc mới. Chiều nào tôi cũng phải gánh lấy trọng trách canh giữ chúng. Tôi luôn phải trong trạng thái cảnh giác cao như ngự lâm quân. Nhưng người lính nào cũng có lúc mắc sai lầm nhất là với một đứa luôn đói bụng như tôi.
Mạ có việc xuống trạm xá, tôi lượn tới lượn lui trong vườn canh chừng lũ giặc. Thấy chúng ngủ yên tôi ra vạc dưa hấu lật từng đám lá rồi dùng tay búng thử xem có quả nào già đến độ có thể cho vào miệng không vì bụng sôi tới nơi rồi. “Bịch bịch” là quả non, “tróc tróc” là quả già. Nom khó hiểu thật nhưng cách thử dưa này của ba hiệu nghiệm vô cùng. Đúng là một ngày kém may mắn, lượn đến vòng thứ ba mà chẳng được miếng nào. Chân đá vu vơ vào đám lá cho đỡ bực, tôi ngửa đầu nhìn lên lắc lư cổ. Chằm chằm nhìn vạc dưa hấu có một lúc mà mắt nảy đom đóm luôn rồi. Cái bụng của tôi chẳng khác gì cái túi pháp lực vô biên trong phim Tôn Ngộ Không, cho bao nhiêu đồ ăn vào cũng không đầy được. Gió chiều thổi mạnh, mặt trời chiếu xuyên qua đám lá ổi, màu xanh bạc cộng với màu nắng tạo thành dòng suối lấp lánh trước mặt tôi. Tôi phải dụi mắt mấy lần mới nhìn rõ được. “Bây chết với ôn !” Một cặp ổi da xanh bóng bẩy tít trên cành cao nhất đang trêu ngươi cái dạ dày nổi giận của tôi.
Tôi vô bếp làm gói muối cho vào túi quần. Cặp ổi xa quá phải bu vào cành rướn người cả chục lần. Một cảm giác rờn rờn chạy dọc lưng khi nhánh ổi không chịu được sức nặng nghiêng hẳn về một bên. Hây dà, nếu chúng ở gần thì chắc chắn không còn trụ nổi đến giờ này vì quả nào tôi cũng vặt khi da còn sần sùi. Ăn quả ổi mà cứ tưởng ăn cục đá, cắn miếng nào là trợn mắt miếng ấy, chát nghẹn họng rồi táo bón muốn chảy nước mắt. Dù vậy tôi không đủ kiên nhẫn đợi chúng già.
Quần quật một hồi cũng tóm được cả cặp. Tôi tụt xuống ngồi vắt vẻo trên chạc ba móc gói muối ra. Ổi ngon tuyệt cú mèo, ngon như thể chết ngay lúc đó cũng được. Đang nhồm nhoàn gặm những miếng cuối cùng thì nghe loáng thoáng tiếng bước chân của mạ rồi tiếng mạ vội vàng quăng cái nón lên tấm phản. Tôi túm gói muối lại đút vào túi quần lựa thế tụt xuống. Mạ mà nhìn thấy cảnh này thì toi.
- Ui chu cha, hắn đi mô hai con rồi thê.
Tiếp đó là tiếng bước chân mạ gấp gáp ra vườn. Mạ gọi tôi trong cơn giận cuồng phong.
- Bơ Tộp! Tộp! Mi trốn đi mô rồi thằng tê.
Tôi nhả miếng ổi đang ngậm trong miệng ra. Mạ đi nhanh đến nỗi tôi tụt bừa xuống mà không qua mắt mạ được. Tôi chưa kịp “Dạ” thì mạ đã ra tới nơi, đúng lúc tôi thả người rớt cái “bịch” xuống đất.
- Nội cô cha mi, mi chết với tau nghe thằng tê. U cha là con với cái.
Mạ đảo mắt quanh vườn tìm lũ heo con. Chẳng thấy chúng đâu.
- Tau dặn mi răng?! Hắn mô rồi?
- Con mới thấy đủ mười con mà mạ. Tụi hắn ngủ trong chuồng…
- Mới à, mới là khi mô mà chừ hắn mất cha hai con rồi.
Mạ đi như chạy ra phía hàng rào ngăn cách vườn nhà tôi với Đường Xe. Tôi cặm cụi chạy sau lưng mạ. Tôi và mạ bước qua mấy khóm đậu bị cày xới dấu còn mới thì thấy cái lưng trắng của con heo gần sát hàng rào. Mạ quát.
- Tộp, qua bên nớ chận lại.
Tôi phóng như bay qua phía hàng rào đứng chặn con heo không cho nó chui ra Đường Xe. Mạ lượm thanh củi đập xuống đất lấy thế e nó vào chuồng. Hì hục cả chục phút con heo hư đốn mới vào hẳn trong chuồng. Mạ lấy củi vá tạm chỗ chuồng vừa bị phá. Vẫn còn một tên heo lang thang đâu đó mà tôi và mạ tìm đỏ con mắt chưa ra. Tôi lượn về vườn nhà Bé Ti xem thử nhưng chẳng thấy. Cú này là nó đã chui ra Đường Xe chắc ne rồi. Con này là heo đã thành tinh chứ chẳng phải heo thường. Tôi nguyền rủa thầm nó trong bụng, tóm được tôi nhất định nện nó vài gậy mới hả giận. Mạ cầm thanh củi chạy trước, tôi dáo dác theo sau đảo mắt tìm, nó lủi đi đâu mà nhanh gớm. Chạy đến gần chỗ cây Cối sát bên lùm mới thấy nó. Nó đào đất, vừa đào vừa ụt ịt.
- Đi nhẹ nhẹ qua bên tê cả hắn chạy.
Nghe lời mạ, tôi rón rén bước từng bước nhẹ. Mạ dàn một góc đủ rộng để nó không cuống quýt rồi lủi vô lùm. Con heo thành tinh không dễ bị đánh lừa. Nó ngẩng đầu lên nhìn tôi xong quay sang nhìn mạ rồi cắm đầu chạy vô lùm. Chúng tôi cũng vào hẳn trong lùm. Sau lưng xóm Khe Trong là lùm bạch đàn lâu năm. Đám con gái thường rủ nhau vào lùm lượm củi bạch đàn về chụm lửa. Lúc nào chúng cũng phải đi tụm năm tụm ba chứ chẳng đứa nào đủ gan đi một mình vì khu lăng mả trang nghiêm mà ảm đạm chiếm gần một phần ba diện tích của lùm. Ba cái lăng được xây to hoành tráng với những hình vẽ rồng phượng nom linh thiêng khó hiểu, còn lại là mấy chục mả nhỏ xung quanh, có mả người ta dựng bia có mả lại trống không. Tôi thấy rờn rợn mỗi khi lạc giữa khu lăng mả này vào những ngày rằm, một một hay khi người ta giỗ chạp nghi ngút khói hương. Những lúc khác hội giữ trâu toàn kéo nhau vào lăng ăn uống rồi ngủ dưới liếp tránh mưa tránh nắng.
Mạ và tôi đuổi theo muốn đứt hơi mà con heo cứ sải chân chạy thẳng vào đám mả. Đã có lúc tôi đứng rất gần nghe cả tiếng khịt khịt mũi của nó nhưng không tài nào chạm được dù là cái đuôi. Nhìn mạ phờ phạc lòng tôi ân hận vô cùng. Đám tóc xù của mạ rối như bòng bong, cái kẹp tuột đến gần nửa lưng mạ chẳng buồn kẹp lại. Mặt trời đã ngả về tây, nắng vàng mọng hắt nghiêng từng lớp vào đám lá bạch đàn, ở góc tôi đứng nhìn lên chúng như những miếng bạc mỏng chấp chới vi vu trong gió núi về chiều mát rượi.
Con heo to khỏe dài đòn nhất bầy, háu ăn nhất bầy và nghịch ngợm nhất bầy của chúng tôi chạy đến cuối đường biên của lùm rồi chui hẳn vào nương xóm trên. Mạ thở dài.
- Tộp, về. Kệ cha hắn.
Mạ mệt nhoài rảo bước đi trước, tôi tiu nghỉu đi sát bên. Tiếng lá bạch đàn gãy giòn nghe lạo xạo dưới chân.
Chuyện nuôi heo của nhà tôi là cả một tấn bi hài cả xóm Khe Trong này bàn tán. Sau dạo ấy, cộng với việc mấy đám đậu chỉ có hạt lép và dưa hấu thì chỉ đủ cho tôi và ba ăn chơi, mạ bỏ hẳn ý định nuôi trồng để làm ăn kinh tế. Vườn nhà rộng, mạ thích gì mạ cứ quăng ra đó, lên được cây nào thì hái ăn cây ấy chẳng cần phải đắn đo cho nhọc óc. Mạ thả thêm mấy con gà cho nó ăn nhờ ở đậu trong cái chuồng heo bỏ không rồi thỉnh thoảng ra đó lượm vài quả trứng. Tôi thấy đời nhàn tênh vì thoát khỏi nổi ám ảnh trông vườn, chăm heo. Tôi chẳng ngán gì mấy trận đòn của mạ vì tôi ăn đòn như ăn cơm bữa, tôi chỉ không thích cảnh mạ chạy ngược chạy xuôi lo cho cái chuồng rồi lui cui ngoài vườn.
Lắm lúc thiết nghĩ nếu không có những trận đòn của mạ liệu tôi có qua nổi thời ngu dại ấy để ngồi đây viết những dòng này hay không? Trong những bước chân mệt mỏi xa xứ, sau những lỗi lầm tuổi trẻ ai cũng qua tôi lại thèm quay quắt cảm giác được ăn một trận đòn của mạ, một trận đòn đau và đơn giản chỉ là đau quắn đít rồi nhắm mắt ngủ là xong.
Mạ đập tôi xong người mệt ăn cơm không nổi là mạ chứ chẳng phải tôi. Như lần mạ quất tôi từ Rào lên đến tận nhà rồi cả ngày mạ than đắng họng chẳng hạn. Lúc đó tôi đã lớn hơn chút đỉnh nên được mạ giao hẳn việc giữ trâu. Tôi đi học một buổi, buổi còn lại đập trâu ra đồng ăn cỏ rồi hò chúng về mẹp dưới Rào. Rào là con sông nhỏ ngăn Hợp tác xã 1 và Hợp tác xã 2 của xã Thủy Phù. Cho trâu mẹp xong tôi bì bõm bơi theo mấy anh lớn. Mùa nắng tắm cả tiếng dưới Rào cũng không chán. Tắm xong, lên bờ nằm ngửa phơi cho khô áo quần mới dám mò về nhà. Hôm nào mạ cũng dặn tôi tuyệt đối không tắm Rào. Rào sâu và nguy hiểm hơn con khe của xóm tôi rất nhiều. Mạ biết tính tôi, nếu mạ nói tắm chỗ cạn thôi không được bơi theo tụi lớn thì khác gì “mở đàng cho trâu chạy” nên mạ cấm tuyệt. Năm ấy, có đứa bên thôn Bảy chơi nhào lộn trên cây lộc vừng xuống Rào chẳng may bị vọt bẻ bỏ mạng luôn dưới đó vì không ai vớt kịp. Đám tang với lễ gọi hồn trắng cả một khúc sông. Mạ đắn đo cả tháng mới giao việc cho tôi.
- Mạ mà thấy mi ướt cái cọng tóc mô là mi chết với mạ, nghe chưa?!
Hôm nào mạ cũng lò dò theo tôi dặn tới dặn lui mấy câu đó cho đến khi tôi đập trâu ra khỏi ngõ. Ban đầu tôi chỉ tắm cho bớt cảm giác rít ráy. Dần dà, thấy quen thuộc và tự tin tôi bắt đầu bơi ra xa cùng mấy anh lớn. Cuối cùng, tôi nhận lời thách đố lộn từ trên cây lộc vừng xuống Rào. Cây lộc vừng già cỗi một nhánh vươn ra hẳn ngoài Rào như cánh tay ai đó dang ra rồi gồng lại. Tôi thích cảm giác oai hùng khi búng một phát là hụt chân rồi bay từ trên cao xuống làn nước mát bên dưới. Nhiều thằng nhát gan không dám nhảy. Tôi không nằm trong số chúng. Dù cái xác nhỏ nhất bầy nhưng những cú nhảy của tôi lúc nào cũng nhận được những tràn vỗ tay kèm tiếng hú hét rần rần. Như mọi khi, tôi kết thúc màn biểu diễn rồi hả hê ngả người bơi ngửa ra xa để chứng tỏ hết bản lĩnh của mình. Đột nhiên có tiếng hét như sét dội bên tai.
- Bơ Tộp, mi bước vô đây cho tau!
Mạ kéo dài chữ “tau” vang lảnh lót cả khoảng sông ngập nắng trưa ấy. Tôi chếnh choáng nhìn về hướng vừa phát ra tiếng gọi. Mạ đang cầm cây roi nè lội xuống Rào. Tôi hò trâu lên bờ rồi vác mông tới cho mạ đập. Mạ vừa dắt xe đạp vừa chửi vừa đập, bên cạnh là thằng con mắc dịch đang nghiến răng chịu đau lầm lũi bước.
Lên lớp tám, lớp chín tôi bớt chơi ngu và để ý đến chuyện học hành trường lớp nhiều hơn. Mạ chắt chiu tằn tiện nuôi cái mộng cho tôi lên thành phố học. Nhà tôi không có nhiều tiền vào tiền ra, nhưng tôi lớn lên, xét về mọi mặt thì chẳng thua thiệt ai nếu không muốn nói là đón đầu thời đại. Hồi ấy tôi không hiểu mạ chắt chiu cách nào để có những khoản đầu tư khủng cho tôi. Giờ đã đủ lông đủ cánh, đủ tinh tế để nhận ra thì tôi xa mạ.
Xét về phương diện nào đấy, có thể xem nếp sống quê tôi là một nếp sống tằn tiện. Mặc những lời khen chê, tôi coi đó là đặc sản. Phải lấm lem trên nương rẫy ruộng đồng, phải cay dòng lệ trước cảnh xác xơ hoang tàn sau lũ quét, phải bỏng đôi chân trên những cồn khô cháy cỏ năm hạn hán mới thấm được cái nếp sống ấy giá trị thế nào.
Bữa cơm bên mạ là những bữa cơm đơn sơ với rau và cá mà ngon phải vét nồi. Lâu lâu mạ mới đổi món làm nồi thịt cho lạ miệng, mười bữa thì hết chín bữa là dĩa cá kho mặn để đưa cơm. Quê tôi ăn mặn lắm, ba thường đùa “Muối rẻ quá chơ mô” nên bữa nào cũng mặn. Ba nói đùa mà thật, mạ nấu mặn để ăn được nhiều cơm, no bụng mà không tốn nhiều thịt cá. Một dĩa cá nhỏ năm bảy con như thế nếu mạ kho nhạt nhạt thì tôi và  có chén cơm là hết nguyên cả dĩa. Mạ chỉ hào phóng với món rau, bữa rau luộc, bữa rau xào, bữa rau nấu canh và bữa nào mâm cơm cũng bát ngát màu xanh ăn hoài không chán. Ăn không chán nhưng tôi xem thường, có lẽ vì chúng mọc đầy vườn, quanh chân tôi. Cả tuổi thơ ăn rau nhiều như ngóe đã trở thành thói quen thấm trong máu. Đến giờ, ngồi chung mâm với ai tôi cũng thấy mình ăn rau nhiều gấp mấy lần người ta lắm lúc phải ngượng ngùng xin lỗi vì tôi quá đà.
- Ăn khúc đuôi với khúc giữa a tề. Để cái đầu cho mạ.
Bữa nào mạ cũng dặn tôi phẻ phần thịt mà ăn, chừa cái đầu cá lại cho mạ. Cái đầu cả xương cả xóc mà mạ vui vẻ gắp bỏ trên chén rồi và cơm ngon lành. Và một miếng cơm mạ mút một miếng cá. Chỉ mút chùn chụt rồi nhả ra chứ nuốt sao nổi. Có phải loại cá to để vớt vét chút thịt còn dính ở mang đâu chứ! Xương cá cũng chẳng được vứt mà phải để nguyên trong dĩa cho mạ. Mạ mút đầu xong mút cả xương.
- Mạ ăn cá đi mạ tề, mút xương chi mệt rứa mạ. Xương có cái chi mô nà…
- Kệ mạ, mi ăn đi. Mạ ưa rứa thê…
Chu cha là cái “sở thích” quái đản làm tôi lúc nào cũng rưng rưng khi nhớ lại. Lên cấp hai tôi lớn nhanh, ăn khỏe như trâu nên bữa nào mạ cũng phải mút mấy cái đầu và xương để đưa cơm. Mạ ăn có chút gia vị sót lại sền sệt dính vào đầu cá mà trông ngon lành như ăn sơn hào hải vị. Mạ ăn uống tùng tiện hằng ngày, mạ keo kiệt với bản thân mình chứ chưa bao giờ keo kiệt với tôi.
Tôi sợ nhất là mấy lần tôi nổi hứng thèm chè cháo hàng quán bên ngoài rồi mạ lục đục cả ngày làm cho tôi ăn. Mạ chẳng có tiền để tôi ra ngoài bù khú. Mạ nói tôi mà đi ăn hàng ăn quán chỉ còn nước là bán nhà sớm. Chè người ta bán ở quán đến hơn nửa ly là nước đá, đậu và cốt dừa chỉ chiếm gần phân nửa tôi ăn lần mười mấy ly chưa thấy đã. Nên tôi thèm chè mạ mua đậu về ngâm nấu cho tôi một nồi. Cái nồi của mạ là nồi dùng để nấu cơm to chà bá. Và đúng là một nồi chè thật vì chè chỉ cách miệng nồi có vài cen ti mét. Mạ biết tôi thích ăn chè mát, mạ chưng nồi chè trong thau nước chờ nguội rồi mua thêm ngàn nước đá đập ra cho vào tô. Đó, chè mát lạnh thua gì chè ở quán đâu, mạ nói thế. Tôi ăn đến ngất ngưởng, ngán tới đỉnh đầu, no lên tới ngực như sắp tắt thở mà hết có nửa nồi chè.
- Nội cô cha mi, ưa ăn chè mạ nấu cho mà ăn, đá két chi đủ hết mà răng mi ăn ít rứa.
- Nửa nồi rồi mạ nờ. Cái nồi ni họ bán cả buổi chiều e phải hơn mấy chục ly lận mạ nờ.
Mạ đưa tay với lấy cái nồi chè kiểm tra.
- E con ăn no con tức ruột con chết răng mạ hè?
- Tổ cha mi…
Tôi phóng lên nhà trên trước khi mạ kịp giáng cho tôi một chưởng.
Mỗi lần như thế tôi tự hứa là mai mốt có thèm chi tôi cũng bấm bụng nhịn không cho mạ biết chứ mạ làm cho nồi chè như thế thì đến cả tuần sau vẫn sợ chè chứ thèm chi nổi nữa. Tôi hứa cho đã đời rồi quên ngay, lần nào tôi cũng dại dột hở ra cho mạ biết rồi lãnh phải những bữa no nhớ đời như bữa cả nhà ăn bánh lọc trừ cơm. 
- Mi dám thách không, tau ăn hết trăm cái bánh lọc o Hồng lận. - Tôi nói đùa với Cầy Em.
O Hồng khéo tay chi lạ, nặn cái bánh chỉ nhỏ bằng ngón tay bên trong là một con tôm bé tí ti và một lát thịt mỡ mỏng như lá lúa. Bánh đã ngon lại thêm nước mắm ngọt sóng sánh ớt đỏ vừa ăn vừa hít hà thấm thía đến tận óc.
Hôm sau, mạ mua bột lọc, tôm, thịt cặm cụi làm cả buổi chiều mới xong. Mạ nặn xong bánh thì mắt quáng gà, chụm lửa luộc bánh mà xoay xẩm mặt mày, tàn tro phủ một lớp dày trên đầu mạ. Cũng là bột là tôm là thịt nhưng con tôm to phải bằng ngón tay út, thịt thì cắt lát dày gấp mấy lần nên cái bánh mạ làm cái nào cái nấy to phải bằng ngón chân cái. Bánh o Hồng mỗi cái ăn một miếng lỏng lẻo không kịp giắt răng, bánh của mạ thì phải cắn mấy miếng nhai nhồm nhoàn. Nhìn cái rổ bánh là đã muốn trợn mắt rồi. Nhà ba người đua nhau ăn trừ cơm mà không hết được. Hôm sau, bánh nguội cứng ngắt, ba đùa: “Chu cha, bánh ni đôi  chó e chó chết cỏ”. Mạ lườm cả hai cha con giận dỗi.
Tôi bước ra khỏi lũy tre làng, lên thành phố học. Trước mắt tôi là một thế giới hoàn toàn mới, tôi ước mơ được chạm tay vào tri thức mà tri thức đầu tiên chính là cái máy tính để bàn. Cuối tuần, tôi về nằm thủ thỉ với mạ.
- Mạ, mạ mua cho con cái máy tính đi mạ.
- Máy tính chi nữa? Năm tê mua rồi mờ.
Tôi chưa kịp trả lời mạ đã cuống lên.
- Cha mi, mi mần mất rồi hả thằng tê?
Tôi nhổm dậy, với tay lấy cặp lôi cái máy tính ra cho mạ xem.
- Máy ni là máy tính bỏ túi. Cái ni thì nói mần chi. Con ưa máy tính để bàn thê mạ nờ. Máy như máy ở nhà mụ Nổi a tề.
Mạ quê mùa nhưng không phải hạng người chậm tiếp thu, mạ biết cái máy tôi đang thòm thèm. Cả làng chỉ mới vài nhà sắm nổi. Mạ dựng người dậy, phết vào vai tôi đau điếng.
- Mi tưởng chuyện sướng không rứa thê. Tiền mô mà vẹ mạ mua. Mạ còn cái xác ve đây mi dòm coi bán được thì bán mà mua máy tính.
Mạ nói vậy nhưng hôm sau mạ thủ thỉ bàn với ba rồi mạ vào buồng lấy cái hộp sắt cũ mạ giấu hơn mười mấy năm rồi, từ hồi ba mạ mới cưới. Mạ chọn góc kín đáo rồi run run khui cái hộp ra. Cái máy tính của tôi là được mua bằng vàng, những khâu vàng sáng giới mạ tích cóp chắt chiu ngày này qua tháng nọ.
Thằng Hùng nói có cái máy tính là có cả thế giới trong tay. Tôi tin lời nó răm rắp mà té ra nó lừa tôi. Có máy tính mà không bắt được Internet thì thế giới ở đâu ra? Cái đĩa mềm dung lượng ít còm nhom muốn copy thứ gì cũng phải đắn đo nên tôi vẫn chưa chạm đến được thế giới mà nó nói. Súng đã sẵng sàng nhưng đạn chưa có, tôi nhìn nó thấy không đành lòng. Nghĩ ngợi một lúc tôi quyết tháo ổ cứng ra mang sang nhà nó copy cái thế giới của nó đem về phòng mình. Xong xuôi đâu đó tôi vội về để một mình chiêm ngưỡng thế giới thì nó nằng nặc kéo tôi đi ăn chè. Phải món tôi thích, lại được “bao” ăn xả láng làm tôi lung lay, “thế giới” đã trong tay mình chậm một chút cũng không chết được đâu.
Đó là một quán chè hẻm nức tiếng trên đường Đội Cung. Hai thằng tôi ăn xong thì đến giờ quán đông cao điểm, người đứng người ngồi như kiến. Và điều tôi mơ hồ sợ hãi đã xảy ra. Cái ổ cứng bị rớt lúc tôi lom khom dắt xe ra khỏi quán. Tôi tái tê nhìn nó nằm bất động dưới chân mình, cái ổ cứng gia tài rạn vỡ. Thế giới trước mắt tôi cũng rạn vỡ.
Suốt cả tuần tôi điếng người, cơm nuốt không trôi. Mạ mà biết thì chết, tôi không sợ cây roi của mạ mà tôi sợ mạ tiếc của. Chuyến này mạ tiếc của đến gầy gò mất thôi. Tôi đánh liều đi dò giá ổ cứng. Một triệu rưỡi lúc ấy với tôi là con số khổng lồ. Thằng Hùng biết tôi đau khổ, nó cảm thấy có lỗi vì chính nó đã kéo tôi đến quán chè. Nó vắt óc nghĩ cách giúp tôi kiếm tiền mua lại ổ cứng mới. Và phải mất thêm một tuần nữa kế hoạch kiếm tiền mới thành hiện thực. Thằng Hùng nhờ mạ nó xin cho tôi vào làm phục vụ trong quán cà phê gần nhà nó. Cuối tuần khách đông, được trả lương cao hơn ngày thường nên Chủ Nhật tôi không về nhà mà làm luôn cả ngày ở quán. Tôi đếm từng ngày mong ba tháng qua nhanh để mau chóng ôm cái ổ cứng mới về gắn vô máy tính, trả nó về nguyên vẹn trước khi mạ biết.
Trứng mà đòi khôn hơn vịt, mạ đẻ tôi ra nuôi tôi đến chừng đó chẳng lẽ mạ không biết tôi thế nào. Tôi đang lúi húi xếp ly tách trong quán, bất chợt ngước lên đã thấy mạ đứng trân trân nhìn tôi. Mạ tóm lấy vai tôi lắc lắc hậm hực nói qua kẽ răng.
- Mạ nuôi mi ăn học chơ mạ có vẹ mi lên thành phố đi mần thuê không hả Tộp?
Mạ nói chuyện với cô chủ, xin lỗi cô và nhất quyết lôi tôi về ngay lúc đó.
Sau mấy tuần tôi không về nhà mạ lên tìm tôi. Không thấy tôi ở phòng trọ, mạ phóng ngay sang nhà thằng Hùng. Nó dắt mạ đến quán nhưng nó không dám kể với mạ lý do sâu xa tôi phải chạy vạy làm thêm, nó vẫn chưa hết áy náy về bữa chè mà nó bao tôi ăn xả láng đó. Về đến phòng, mạ ngồi thừ ra nhìn tôi. Chút sau mạ bình tĩnh:
- Chừ mi nói mạ nghe, mạ cho mi tiền không đủ ăn hay răng mà mi phải đi mần thuê cho họ?
Tôi cúi gầm mặt ở bàn học. Tôi cũng muốn nói toạc ra hết với mạ nhưng cổ họng cứ nghẹn cứng lại.
- Mi thiếu chi, mi nói mạ nghe. Mi thiếu chi mạ không cho mi được mà mi mần rứa? Hả thằng tê?
- Mi ưa mạ tức chết mi mới chịu phải khôn?
Đến nước này thì không thể cứ câm như hến được nữa, tôi kể hết sạch với tâm lý sẵn sàng nghe mạ chửi. Cái máy tính mạ mua cho tôi bằng vàng mạ chắt bóp, tôi tiếc của một còn mạ tiếc gấp mười lần. Của mồ hôi nước mắt, của tằn của tiện không tiếc sao được. Vậy mà hôm đó mạ lại không mắng, không chửi cũng không quất roi nào nhưng từng câu từng chữ mạ nói cứ dội vào ngực tôi đau nhói.
- Có rứa thôi mà mi giấu mạ mi đi bưng bê kiếm tiền đó hả Tộp? Mi nghĩ mạ mi coi đồng tiền to như rứa luôn hả? Mạ cho mi ăn mi học nổi không lẽ mạ mua lại cái ổ cứng cho mi không nổi.
- Mạ nói cho mi biết, mạ đẻ mi ra chừ mi có giết người thì mi vẫn là con của mạ, có chi mi cũng phải về nói với mạ một tiếng. Mi căng lỗ tai ra mà nghe cho rõ, mi ghi vô trong óc giùm cho mạ nghe chưa Tộp.
- Để mạ về mạ tính rồi tuần sau mi về mạ đưa tiền cho mà mua lại.
Mạ nói một hơi rồi ba chở mạ về. Tôi ngồi bất động trong phòng, nước mắt không hiểu ở đâu ra cứ giàn giụa.
Thế mà thằng con khiến mạ còn cái “xác ve” năm nay không về ăn Tết với mạ. Cách đây gần hai tháng, tôi bị tai nạn nghỉ việc khá lâu. Chân phải gãy, con xe nát tanh bành. Tôi sắm lại con xe mới và trang trải một số việc riêng của mình thì gần cạn túi. Quay đi quay lại, Tết đuổi đến nơi. Đợt này tôi bỏ lơ chuyện đặt vé xe, vé tàu sớm phần vì không háo hức với Tết phần vì không chắc chắn ngày về. Cận Tết, kiếm được tấm vé cho chuyến hành trình từ Nam ra Bắc lắm lúc cứ như hái sao trên trời. Tôi lại đang nung nấu về tờ đơn thôi việc và chuẩn bị cho những ngày thất nghiệp rải hồ sơ tìm công việc hợp hơn. Công việc cũ ngoài lương lậu ra thì chỉ mang lại cho tôi sự nhàm chán. Dạo gần đây, tôi hay nghĩ về bản thân mình, tôi đã từng mơ ước đã từng khát khao về một công việc một cuộc sống như thế nào? Hết thời sinh viên, tôi lao đầu vào làm việc kiếm tiền. Có việc làm để giết thời gian, có việc để lấy kinh nghiệm. Hầu như đều tạm bợ. Tuổi trẻ của tôi, như bao người, cũng vài lần đặt chân lên những miền đất mới. Và như bao người, tôi đánh dấu thanh xuân đẹp đẽ của mình bằng bức ảnh kèm dòng trạng thái trên mạng xã hội để tuyên bố với thế giới rằng tôi đã đến đó, đã lưu dấu trải nghiệm trong chuyến xe hành trình của cuộc đời mình. Tôi thấy mình mờ nhạt dần trong những lý tưởng hay ho táo bạo của tuổi trẻ mà tôi đã từng coi như chân lý. Tôi không tìm thấy cái gì đó riêng cho mình. Lý tưởng bất luận là hay đến đâu cũng chỉ có ý nghĩa khi ta tìm thấy bản ngã của mình trong đó. Nhìn về con đường phía trước, giờ tôi có còn thấy cái đích mình đã vạch ra? Điều đáng sợ nhất không phải là đi sai đường mà là vạch sai đích.
Công việc, cuộc sống, tiền bạc… bỗng dưng mọi thứ đẩy tôi đến quyết định: sống một mùa xuân tha hương lạc xứ để né cảnh rộn ràng xóm Khe Trong đón Tết bởi lòng tôi hoang lạnh quá.
Nấn ná mãi đến giữa tháng Chạp tôi mới báo với mạ quyết định này. Là tôi dội một gáo nước lạnh vào người mạ, mạ không nén được tiếng thở dài thảng thốt.
- Tui nuôi eng  lớn tới chừng ni, chừ eng đủ lông đủ cánh eng mần răng coi được thì mần chơ tui biết chi mô.
Mạ giận, mạ nói lẫy. Mạ chí lớn, không bo bo giữ con bên mình mà lúc nào cũng ước cho con cái được ra sông ra bể vẫy vùng với thiên hạ. Nhưng nếp nhà phải giữ, Tết là phải về. Tôi cố gắng xoa dịu dù cổ họng cũng đã nghẹn.
- Một năm thôi mạ nờ. Do con mới mua cái xe máy tề với lại con có chút việc. Ít bữa giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ con ra bù. Mạ hi, rứa mạ hi.
- Mi nói rứa thì chừ mạ còn mần răng được…
Mạ buồn. Mạ nói nhỏ như đang tỉ tê. Giọng mạ tan ra trong điện thoại như một tiếng vọng giữa đồi hun hút gió, xa vời vợi. Đó là lần đầu tiên thấy giọng mạ trầm như thế. Mạ toàn nói oang oang trong điện thoại. Mỗi lần tôi nghe điện thoại của mạ khi đang ở công ty mà chưa kịp vặn nhỏ loa tôi đều giật mình thon thót. Thằng ngồi kế bên tủm tỉm cười, nó còn tưởng tôi bật loa ngoài. Mạ nói chuyện điện thoại mạ lấy hơi nói to hơn cả bình thường, nhà Bé Ti đảm bảo nghe rõ không sót từ nào. Hôm tôi bị tai nạn, mạ gọi cho tôi vừa chửi vừa khóc mà vẫn oang oang. Mạ nói cả tràng dài như pháo nổ đảm bảo không ai hiểu mô tê gì ngoài tôi.
- Nội cô cha mi, mi đi đứng răng rứa thằng tê. Chừ mi lớn mi không cần mạ nữa phải không? Mi đau rứa mà mi giấu mạ. Con với cái, mi đau răng mi nói cho mạ biết khôn mạ chết cho mi vừa lòng…
Và tôi tưởng như mạ đang ở đó, sắp sửa phết cho tôi mấy cái vì tội giấu mạ. Mạ thật gần chứ không xa như lúc tôi nói tôi không về ăn Tết.
Mạ Vui của tôi. Vui vẻ, hoạt náo, nói oang oang, cười ha hả. Chắc đây cũng là điều mà ông ngoại mong muốn khi chọn cho mạ cái tên ấy.
Tôi cầm điện thoại lên định gọi cho mạ thì chuông điện thoại đổ. “U cha, mạ linh ghê rứa thê.” Tôi tủm tỉm cười thầm rồi nhấn nút, đặt điện thoại hơi xa tai một chút cho dễ nghe.
- Mi định giấu mạ đến khi mô lận? Hắn mô rồi? Hắn người ở mô rứa?
- Giấu chi rứa mạ? Hắn là ai rứa mạ?
- Chừ eng đủ lông đủ cánh rồi, eng ngon rồi eng không coi tui ra chi nữa hết phải khôn?
Mạ lại nói lẫy. Dạo này mạ hay hờn hay lẫy. Chắc mạ sắp già thiệt rồi. “Một đời mụ tra , ba đời con nít” mạ tới cái tuổi dễ buồn dễ tủi. Sau vài giây ngỡ ngàng tôi đoán ra cớ sự. Thằng Tuấn “mỏng mui”  chắc đã rêu rao chuyện tôi có bồ với mạ. Tôi cười giả lả.
- À à, Thằng Tuấn nói với mạ phải khôn mạ?
- Mạ có khi mô cấm đoán mi chuyện nớ chưa mà mi giấu. Mi phải đem về cho mạ thấy mặt mạ mờn  với chơ.
- Mạ tề, có là Tết con đem về rồi chơ con giấu mạ mần chi. Giấu rồi ai cho vàng mà cưới.
Dù tôi nói rất nghiêm túc nhưng không thuyết phục được mạ. Mạ chắc ne như thể tôi chuẩn bị cưới vợ đến nơi.
- Mai mốt mi tự tới nhà người ta mà thưa chuyện, đừng mò về nói mạ lo cau trầu cưới hỏi chi hết.
- Chao ơi, bạn thôi mạ nờ. Bữa con nằm viện đó tề, thằng Tuấn hắn vô thăm con, hắn gặp con bạn con mà hắn tưởng bồ. Bạn cùng xóm trọ hồi xưa, chơi thân thôi mạ ơi.
- Mạ nói trước rồi đỏ, mi mà giấu mạ mai mốt mạ không dòm mặt mi luôn. Mi mần mạ trông bắt mỏi con mắt.
Mạ nói liến thoắng xong cúp máy cái rụp. “Mạ trông chi cho cực rứa mạ hè.”. Nếu tôi như lời thằng Tuấn nói, có người yêu thật và tôi cưới vợ trong này thật thì tôi xa mạ cả một đời chứ có chi mà mạ trông. Khi chúng tôi có con, mỗi năm lũ nhóc sẽ về quê nội vài ba lần, mạ được gặp cháu để xuýt xoa bồng ẵm dăm bữa nửa tháng rồi thôi. Cuộc sống chúng tôi xoay vần trong cái guồng quay tấp nập nơi thị thành, tôi sẽ dành được bao nhiêu thời gian cho mạ. Mạ vẫn có thể vào đây ở với chúng tôi. Nhưng tôi thề mạ không hạnh phúc vui vầy bên chúng tôi được. Cả đời mạ gắn với xóm Khe Trong. Với gió núi vi vu lồng lộng. Với tiếng chim chù huýt kêu khan. Với dãy nương xanh mướt bạt ngàn. Với đám ruộng sùng sục bùn nghe vị đất tanh. Với cái bếp củi bạch đàn cháy đượm thơm tho mùi nắng... Mạ sao có thể an yên giữa phố xá xô bồ hối hả, nhà san sát nhà. Sao có thể không buồn chân buồn tay giữa bốn bức tường, mạ bước mấy bước đã đi hết từ đầu nhà đến cuối nhà. Đến cả tôi cũng thấy tù túng, lắm lúc chỉ muốn sải thẳng chân để chạy cho toát mồ hôi huống chi là mạ. Con cái chúng tôi quen với nếp sống thị thành liệu có tìm được sự đồng cảm nào với nội hay không?
Và tôi, đứa con xa xứ, sẽ một đời thèm khắc khoải hai tiếng “Mạ ơi!”…
(CÒN TIẾP)




Về khi nắng còn thơm (2) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (2) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 7:52 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.