Về khi nắng còn thơm (11) - Lệ Hằng


VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(11)*
*****
Nếu đến cả tấm vé cuối cùng cũng không dành cho tôi thì chiều hôm ấy, trên sân ga cuộc đời, có kẻ lữ hành ngồi khóc thương kỉ niệm. Lỡ một chuyến tàu thời gian.

Tôi thức dậy trong cảm giác miên man khó tả. Đã là ngày cuối cùng của năm, còn gần hai chục tiếng nữa thôi thì ngày hôm nay sẽ thành ngày cũ còn tôi sẽ thành người cũ của bao mùa trước. Ngoài kia, người ta đang sửa soạn căn phòng đón khách cho thật mới thật tinh tươm, và họ cũng sắp xếp lại căn phòng tâm hồn mình để nghênh xuân bằng niềm phơi phới. Họ cất bớt đi những thứ đã cũ, dù nuối tiếc dù vấn vương thì chúng cũng cũ mất rồi, đâu thể mặc mãi một tấm áo năm ngày qua năm khác khi mà chúng không còn vừa vặn. Căn phòng nào cũng có giới hạn kích thước, hiển nhiên rồi. Căn phòng của tôi, tôi chất từ đầu đến cuối toàn những thứ cũ kỹ, chúng chỉ cũ chứ không hoen ố mục nát. Vì vậy mà bao lâu rồi tôi chưa sắm thứ gì mới cho mình.
Tôi nhìn ánh sáng lờ mờ qua tấm rèm cửa sổ, thế này là đã sáng trợt rồi đây. Như thường lệ, tôi với lấy điện thoại xem giờ rồi vào Facebook lướt qua những dòng tin nóng hổi một cách dửng dưng. Chỉ có hộp thoại messenger và những dòng tin nhắn của Bé Ti tối qua là đủ sức làm cơ mặt tôi thay đổi, nó giãn ra còn môi thì nhếch lên một nhịp. Tôi cười. Tôi nhìn màn hình điện thoại chờ nó trực tuyến để nó mang Khe Trong vào Sài Gòn cho tôi, ba ngày Tết của tôi chắc chắn bớt buồn bớt tủi bớt cô đơn. Chờ hơn ba mươi phút mà không thấy Facebook nó sáng, tôi bật khỏi giường đánh răng rửa mặt rồi quay lại, vẫn chưa thấy nó đâu. Suốt cả ngày, cứ chốc chốc tôi lôi điện thoại ra ngó nghiêng hoặc giật mình khi tiếng tích tích báo messenger có tin nhắn mới vang trong túi áo nhưng chẳng có tin nhắn nào đến từ nó. Cảm giác hụt hẫng hồi ôn thi Đại học thấy phòng bên kia tắt điện tối thui ùa về nguyên vẹn. Thiệt là ngớ ngẩn, ngày Ba Mươi Tết người ta có ti tỉ việc phải làm phải vội ai rỗi hơi ngồi gõ tin nhắn cho tôi chứ.
Dù sống trong cảm giác đợi chờ nhưng ngày vẫn trôi nhanh chóng mặt, đã đến giờ người ta sửa soạn đón giao thừa. Bé Ti cũng vậy, nó đang nấu chè xanh đánh. Thằng Út vừa mới gắn thẻ chị nó vào bức ảnh mới nhất trên Facebook sau khi làm nguyên cuốn Album “Tất niên” đến hơn bốn chục tấm làm tôi thả tim muốn liệt cả phím cả tay. Lúc này bốn mái đầu đang chụm lại bên nồi chè xanh đánh. Bé Ti dùng đôi đũa cái vừa khuấy chè vừa cười toe toét, khói bếp và hơi nước từ nồi chè bay lên ôm lấy gương mặt nó, quyện vào trong tóc. Coi ảnh thôi mà mũi như muốn hít hà hương va-ni thơm ngậy ấy. Lát sau, tài khoản Facebook nó bật màu xanh, tôi bay vào hỏi ngay.
 “Chuẩn bị cúng giao thừa chưa?”
“Dạ rồi. Như mọi năm rứa ni chứ nhà em không mần chi nhiều.”
Tôi ngừng vài giây suy nghĩ mà chưa nghĩ ra mình nên nói gì. Có tín hiệu Bé Ti đang nhập tin nhắn.
“Anh Tộp không đi đón giao thừa à?”
“Đi mô hè? Đang đón nì.”
“Ý em là đi chơi á. Anh Tộp không đi chơi hay răng mà chừ còn online nói chuyện?”
“Không. Đón giao thừa với Khe Trong thôi.”
“Xi, anh Tộp xạo. Ưng đón với Khe Trong thì anh Tộp về bữa chừ rồi chơ mắc chi ở lại trong nớ.”
“Tại có việc mới ở lại chứ buồn bắt chết đây.”
Tôi gõ dấu hai chấm và ngoặc đơn theo thói quen làm biểu tượng mặt buồn gửi cho nó, lòng rưng rưng.
“Xí cúng giao thừa phát trực tiếp cho cúng ké với hỉ.”
Đúng là Bé Ti mang Khe Trong vào Sài Gòn cho tôi thật, chỉ chát chít vẩn vơ vậy thôi mà tôi thấy nhà, thấy Tết gần cạnh hông.
“Mạng yếu lắm, phát không được.”
“Rứa quay phim, chụp ảnh chi cũng được. Cho chi dùng nấy.”
Nó lặn mất gần mười phút rồi gửi liên tiếp hai bức ảnh. Khe Trong của tôi đón Tết điện chưng sáng quắc dọc Đường Xe. Bất ngờ nhất là đèn chớp nháy xanh đỏ chỗ ngã ba cây mít. Xưa chỗ này tối om, cây mít to cả chục đứa ôm mới hết rậm rạp phủ cả góc đường. Chỗ nào rậm rạp là chắc chắn có ma nên buổi tối đi qua ngã ba cây mít đứa nào cũng bặm môi cắm đầu bước. Chỉ đi nhanh chứ không được chạy vì ma mà biết mình đang sợ là nó dí theo hù cho chết khiếp. Nhưng đó là chuyện xưa lắc xưa lơ rồi, giờ Đường Xe được đổ bê tông, nhà mới mọc lên điện chưng ra tuốt ngoài đường thế kia thì ma quỷ đâu ra. Cây mít lập lòe huyền ảo cứ như quán cà phê.
“Chừ về mở quán cà phê Cây Mít không khéo giàu to, hè?” - Tôi nói khi ý nghĩ chỉ mới xoẹt ngang đầu và chưa kịp kết thúc.
“Dạ, chuẩn luôn. Nghe cà phê Cây Mít là ưng rồi đỏ, nghèo cũng khó. Mà anh Tộp về mau chơ không họ giành mất phần đó nghe.”
“Họ mô rứa?”
“Em.”
“Ê, không chơi hớt lỏng rứa nghe!”…
Té ra con người đơn giản thế, hạnh phúc cũng đơn giản thế. Nới chuyện tầm phào thôi mà vui như đứa trẻ được quà. Một đứa trẻ chưa kịp lớn chơ vơ giữa lòng thành thị.
Còn mười lăm phút nữa là giao thừa, Bé Ti tiếp tục gửi ảnh cho tôi. Lần này nó chụp nhà tôi, ba đang xếp chè xanh đánh lên bàn cúng ngoài hiên. Nhìn bức ảnh tôi biết Bé Ti đã đứng ở đâu khi đưa điện thoại lên bấm. Đó là chỗ nó đã đứng dòm trăng trong buổi tối ôn thi cúp điện bất ngờ. Đó là chỗ nó đã ngồi nghe đọc truyện đêm khuya. Đó là chỗ nó đã ngồi khâu sợi dây cho cái mũ màu bồ quân mới một trưa tháng Chín nắng vàng mọng rớt bên song cửa. Và đó là chỗ tôi lúc lúc nào cũng đau đáu nhìn sang.
“Đói bụng quá. Có chi cho ăn ké với đi.”
Câu nói bật ra như một thói quen.
“Anh Tộp ưa ăn chi? Chừ có bánh tét, bánh bò, mứt dừa, chè xanh đánh. Em gói rồi gởi máy bay vô hỉ?”
“Bánh tét đi hỉ, gói lát có thịt mỡ ở giữa đó nghe. Gửi vô mau cho bu cánh máy bay ra Khe Trong với.”
“Haha. Kiểu ni là phải gửi trực thăng nì, để chút hắn đậu trên nóc nhà bờ anh Tộp nhảy xuống hỉ?”
Nó gửi cho tôi cái ảnh máy bay giấy mà hồi nhỏ tụi tôi hay xếp chơi. Tôi cười toét miệng khi mắt vẫn còn cay. Chao là hạnh phúc, nó mang tôi từ Sài Gòn về lại Khe Trong thật rồi. Để tôi phụ ba đốt trầm, phụ mạ cắt bánh tét chờ giao thừa chạy ra hái lộc.
“Đùng! Đùng!” Những phát pháo hoa đầu tiên được bắn lên bên con sông Sài Gòn lộng lẫy. Tôi giật mình sực tỉnh con mê về với hiện thực đang bủa vây quanh mình, rằng tôi vẫn ngồi đây lạc lõng giữa phố phường xúng xính đèn hoa. Sao phải vậy? Sao phải tự nhốt mình trong mười lăm mét vuông này? Sao để hai thân già thui thủi cúng giao thừa quạnh hiu lặng lẽ? Máy bay trực thăng trong câu chuyện tào lao của tôi và Bé Ti không mang thân tôi về Khe Trong được, nhưng tôi, một người bằng xương bằng thịt đang sống sờ sờ có thể tự mua vé cho mình, chẳng phải vậy sao? Đôi chân này là của tôi, bước đi được thì cũng bước về được, chẳng phải vậy sao? Khe Trong của tôi, và ba, và mạ, và Bé Ti vẫn ở đó, vẫn đêm đêm nghe tiếng giun tiếng dế tỉ tê, nghe tiếng gió đại ngàn vi vút trầm ca trên đọt bạch đàn, và khi Tết đến vẫn để phần tôi cái bánh bò bánh tét ngon nhất. Tôi còn nấn ná gì mà chưa chịu về?
Tôi ngủ thiếp đi bên chiếc điện thoại, mơ màng thấy những mùa Tết cũ và cả mùa Tết mới Khe Trong chập chờn ánh điện xanh xanh đỏ đỏ. Tôi ngủ thiếp đi trong quyết tâm mãnh liệt, ngày mai tôi về. Tôi sẽ leo lên dốc Trụ Điện bằng những bước chân không mệt mỏi của mình. Tôi sẽ cho gió núi mưa phùn táp vào người để phủi sạch bụi đường trường. Tôi sẽ cúi hôn Khe Trong như đứa con tha phương lữ thứ cúi hôn hòn đất mẹ trong một chiều chạm bóng quê hương. Tôi sẽ…
Tôi tỉnh giấc, ánh sáng từ khuôn cửa sổ chiếu hắt vào làm hai mắt nheo lại một hồi lâu mới mở ra được. Tôi chẳng bật điện thoại xem giờ như mọi khi mà đứng phắt dậy với tay lấy cái ba lô. Nhìn quanh nhìn quất cũng chẳng có thứ gì cần cho vào ba lô ngoài mấy bộ đồ thường mặc, ví tiền, điện thoại, giấy tờ tùy thân và cái áo khoác dày nhất mà trời Sài Gòn chẳng bao giờ cần dùng đến. Tôi kiểm tra lại chốt cửa sổ, khóa cổ con xe máy rút chìa khóa đút vào ba lô rồi cầm ổ khóa chính ra khỏi phòng. Từ chỗ tôi đến ga Sài Gòn là nhanh nhất, tôi lao đi không cần nghĩ ngợi.
Ga Sài Gòn đón tôi bằng khung cảnh tấp nập khẩn trương khiến lòng tôi như ai đang cào đang xé. Nếu chỉ còn mình tôi là hành khách trong nhà ga hôm ấy tôi cũng không than thở cuộc đời mà ngược lại, miễn tàu đưa tôi về ga Huế. Rất tiếc tôi không phải là người duy nhất về quê muộn, xung quanh tôi cả trăm người tay xách nách mang dắt díu nhau trên các băng ghế trong phòng chờ. Họ không vội vàng khẩn trương như tôi vì họ nắm chắc trong tay tấm vé về nơi họ muốn về. Hai chân tôi tự nhiên cuống lên. Và tôi chạy. Nếu đến cả tấm vé cuối cùng cũng không dành cho tôi thì chiều hôm ấy, trên sân ga cuộc đời có kẻ lữ hành ngồi khóc thương kỉ niệm, lỡ một chuyến tàu thời gian.
Tôi cúi mặt vào sát cửa kính nói với chị bán vé cho tôi một vé đi Huế. Mồ hôi vã ra không biết là vì chạy hay vì hồi hộp. Chị bán vé đang làm công việc của mình, tôi nhìn từng cái nhấp chuột như đang chờ đợi một phán quyết sống. Cái lắc đầu lúc này với tôi là hình phạt cao nhất cho đứa con bất hiếu Tết chưa về với mạ với Khe Trong và tôi sợ nó như kẻ tử tù nhìn thấy sợi dây treo cổ định mệnh. Sợ quá, tôi nói luôn với chị bán vé cho tôi đi tàu nào cũng được, giờ nào cũng được, ghế chính hay ghế phụ gì cũng được miễn là tôi có thể lên tàu trong hôm nay. Chị rà thêm một lượt rồi gật đầu, tàu SE10 khởi hành lúc 15:30’ dự kiến đến Huế 14:15’. Hai mươi hai tiếng bốn lăm phút nữa tôi sẽ đặt chân xuống ga Huế, nếu tàu không trễ phút nào. Trong phút chốc tôi lạc khỏi quỹ đạo Trái Đất thành người không trọng lượng bay lâng lâng đâu đó ngoài kia. Cuộc đời đẹp đến thế sao!
Tôi kẹp ly mì tôm kiếm một ghế thoáng thoáng để an tọa. Lúc này đồng hồ chỉ 9:45’, còn đến gần sáu tiếng nữa mới được lên tàu, tàu có thể về đến Huế trễ nhưng chắc chắn sẽ khởi hành đúng giờ vì đây là ga khởi đầu của hành trình Nam - Bắc này. Tôi ngả người trên băng ghế, gối ba lô lên đầu nằm nghỉ. Ăn ly mì tôm xong khắc chế được cơn đói ăn thì đến lượt cơn đói ngủ hành hạ. Đúng là xấu máu đói. Trong biển người xa lạ này liệu có ai đánh thức tôi dậy để kịp chuyến tàu về Khe Trong? Chắc chắn là chẳng có ai nên tôi quyết không nhắm mắt lại. Tôi nhìn ra ngoài nhà ga, nhìn xa xa ra bãi đậu taxi và những dãy nhà phía trước. Đây là Sài Gòn, miền đất hứa của tôi mười năm trước. Và giờ, khi tôi gửi hết hồn mình về Khe Trong thì Sài Gòn vẫn đẹp, đẹp như ngày đầu tôi đặt chân tới. Ít ra tôi đã cùng hơn tám triệu người khác, và cùng cuộc đời vẽ nên một Sài Gòn để nhớ. Nắng Sài Gòn, mưa Sài Gòn, những giờ cao điểm kẹt xe hít đầy phổi khói bụi Sài Gòn đều là kỉ niệm. Và cả em nữa. Từ hôm tạm biệt em ở sân bay Tân Sơn Nhất tôi và em chưa hề nhắn cho nhau một câu nào. Tôi tự nhủ: thôi để em tập trung cho việc của em. Là tôi hèn nhát biện hộ cho mình vì tôi không đủ dũng cảm để nói với em điều cần nói. Càng nghĩ càng thấy mình tồi tệ. Lẽ nào tôi coi như em biến mất, lẽ nào tôi coi em là người xa lạ, lẽ nào tôi không nói với em được lời xin lỗi? Sài Gòn, với tôi, sẽ luôn đặc biệt và đáng nhớ, tôi trân trọng những gì mình có được ở đây. Và em, với tôi, cũng thế.
Tôi cầm điện thoại lên, mở messenger, trượt xuống tìm tên em. Tôi nhập tin nhắn một cách dứt khoát và liên tục. Trong một phút không đắn đo, tôi móc ruột gan mình ra nói cho hết những điều ủ trong lòng đã thành men. Tôi bấm nhanh như gà mổ thóc rồi nhấn nút “gửi” mà không cần đọc lại. Trút được gánh chì trong cái dạ dày gần bội thực vì những suy tư cảm giác sảng khoái y như hồi nhỏ chạy lông bông suốt buổi chiều rồi dội lên người mấy gàu nước lẫn phèn tắm một phát hết sạch bức rức xót xáy. Suốt mấy tiếng đồng hồ tôi ngắm phố phường trong cảm giác thư thái lâng lâng. Mọi thứ in vào mắt như thể tôi sắp vẫy chào lần cuối một nơi đầy kỉ niệm dù bản thân chưa có câu trả lời cụ thể nào cho tương lai. Tôi đơn giản là hôm nay phải về, thế thôi.
Loa phóng thanh giòn giã mời hành khách có vé lên tàu SE10 về đường ray số 1. Tôi đứng phắt dậy cùng mấy chục người khác trên các băng ghế xách ba lô tiến về sân ga. Tôi đi nhanh vậy mà chưa phải là người đầu tiên có mặt trên hàng ghế của mình. Một chị trạc tuổi chị Bé đi cùng đứa con nhỏ ngồi cùng băng ghế với tôi đã lên tàu ổn định chỗ ngồi. Ghế chị sát ngay cửa sổ, ghế tôi cạnh lối đi. Ngược với tôi, chị mang rất nhiều hành lý. Cái túi du lịch bạc phếch cỡ lớn gác vào kệ để hành lý trên đầu chúng tôi. Cái ba lô to gấp rưỡi ba lô tôi chị để dưới chân, trên sàn tàu. Cái thùng xốp dán băng keo rất cẩn thận cũng để trên sàn tàu. Và một túi nylon lớn treo nơi cửa sổ. Bấy nhiêu có lẽ là bình thường cho một chuyến đi dài, xung quanh tôi hầu như ai cũng lỉnh kỉnh như thế. Chị mỉm cười chào tôi rồi bế đứa bé đặt lên chân mình trả lại chỗ cho tôi. Tôi cho ba lô xuống dưới chân, đẩy nó vào dưới ghế rồi ngồi mé mé để một khoảng trống vừa đủ cho mẹ con chị ngồi được thoải mái.
- Tàu gần chạy chưa má?
- Gần rồi. Mười phút nữa thôi.
- Mười phút là lâu chừng nào hả má?
- Lâu bằng Cô Ca uống hết ly sữa đó.
- Dzậy mà má nói gần rồi. - Cô bé xị mặt xuống nũng nịu chu miệng lại làm hai má như phúng phính đẹp như một thiên thần.
Chị cười, quàng tay qua ôm lấy bé.
- Mình đi đâu dzậy má?
- Quảng Nôm. Cô Ca về thăm ông nội nè, thăm bà ngoại nè. Cô Ca thích không?
- Sao anh Hai với ba không về? - Cô bé không trả lời câu hỏi của chị mà hỏi lại vẻ đăm chiêu dữ lắm.
- Anh Hai với ba ở nhà cho bầy cá ăn chứ mình đi hết thì cá đói ai cho ăn? Cô Ca có thương bầy cá không?...
Tôi thích thú ngồi nghe hai mẹ con chị trò chuyện. Phút sau, thấy yên ắng tôi nhìn sang cô bé đã ngủ say trong lòng mẹ. Không biết chị xa quê lâu chưa mà vẫn nói giọng Quảng đặc sệt, nghe chân chất gần gũi vô cùng dù tôi không phải là người Quảng. Nhiều năm trước, trên những chuyến tàu như thế này Chị Bé của tôi dắt con về ngoại ăn Tết. Năm nào không thu xếp được thì chỉ hai mẹ con được về và cũng tay xách nách mang gồng gánh đủ thứ y như chị. Hai thằng cháu của tôi có lẽ cũng ngơ ngác hỏi mẹ những câu tương tự.
- Em đi lồm hay đi học? - Chị bắt chuyện, thân mật hỏi.
- Dạ làm rồi chị.
- Người Huế hả?
Tôi “dạ” một tiếng khe khẽ rồi buột miệng:
- Chị với bé đi đường xa ri vất vả hè.
Như chạm phải tâm tư, chị trút cõi lòng kể tôi nghe thật nhiều. Hai vợ chồng chị cùng quê Quảng Nam, chị ở Tam Kỳ anh ở Núi Thành cách nhau mấy chục cây số. Hồi nhỏ ở quê làm gì đã biết nhau. Trời cột anh với chị lại với nhau khi chị đang phụ bán trong một quán cơm bình dân còn anh là khách quen ở đó. Chỉ vì cái giọng Quảng mà quen nhau rồi thành vợ người ta lúc nào chẳng hay. Sinh đứa đầu xong anh chị mất kiểm soát tài chính. Tiền công hai vợ chồng cộng lại chẳng bù nổi tiền bỉm sữa, tiền ăn uống, tiền gửi trẻ, tiền nhà… Thứ này một tý, thứ kia một tẹo khiến chị phải làm liều. Chị mở quán ăn của riêng mình. Đầu tắt mặt tối chừng đâu một năm thấy quán ăn nên làm ra, anh bỏ việc trong nhà máy phụ vợ bán cơm. Thợ phụ dần dà thành thợ chính. Chị sinh đứa thứ hai, vất vả thêm bận nữa thì hai vợ chồng mua được căn nhà nho nhỏ đứng tên chính chủ, chấm dứt quãng đời ở nhà mướn. Tết đầu tiên “an cư” gia đình chị định không về quê vì eo hẹp chuyện tiền nong, khoản tiền vay mua nhà còn đó và lãi hằng tháng cứ đến lặp lặp. Gần Tết bác gái bị té gãy chân. Mưa miền Trung, mưa của đất Quảng cũng thâm trầm không kém cạnh mưa Huế là bao. Bác gái đi rẫy về trượt chân té trong sân giờ đang bó bột. Chị khóc nhiều đêm liền đến hôm nay chị mới lên tàu. Tính nát óc cũng không thể cả nhà bốn người dắt díu nhau về quê ăn Tết như mọi năm nên đành chia làm hai, một nửa Sài Gòn một nửa lên đường về Quảng. Ở chẳng đành lòng về lại tủi thân. Nhìn cảnh hai cha con đưa mẹ và em gái lên tàu rồi quay lưng về, Tết này thui thủi hai người trong căn nhà mới chị không tủi sao được. Giọng chị chùng xuống, bao nhiêu dồn nén bao nhiêu nghẹn ngào đang chực trào nơi khóe mi. Tôi nói với chị điều mà mạ thường nói trong những ngày Tết.
- Đầu năm đầu tháng phải vui cả năm mới vui vẻ may mắn được chị nờ. Chị đừng nghĩ nhiều mà mệt người. Ngó rứa chơ Tết hắn qua cái vèo. Nhanh lắm.
Tàu qua một khúc núi chập chùng, dằn mạnh hơn lúc nãy. Cô bé ú ớ sải chân ra đạp vào người tôi, đế giày dính lên áo tôi. Chị kéo chân bé, ôm gọn lại. Tôi sốt sắng.
- Không chi mô, chị cứ để cho cháu tự nhiên. Ngồi tàu cả ngày bụi cũng bám đầy thôi chị ơi. Con nít ngủ phải sải chân sải cẳng, tội cháu đi tàu ri chật chội.
Chị cởi đôi giày nơi chân bé rồi cho bé sải chân thoải mái.
- Nhà em có đông anh chị em không?
- Hai ni à. Em với chị gái. Chị gái em chắc cỡ tầm tuổi chị á, cũng hai đứa rồi. Hồi tê chị gái em cũng mần ăn trong Sài Gòn mà chừ thì ra Đà Nẵng ở rồi.
- Chừ nhà chỉ còn hai ông bà già với nhau thôi hả?
Chị nói giọng Quảng, chữ “hai” của chị nghe ngồ ngộ vui tai. Tôi lại “dạ” khẽ.
- Ngó được thì về làng lấy vợ cho ông bà già đỡ tủi. Chừ còn trẻ trẻ thì không chi, vài năm nữa mà vậy buồn lắm đó em. Như mẹ chị đó…
Chị tiếp tục kể. Chuyện của hơn hai chục năm trước lúc chị rời xóm núi nghèo xơ nghèo xác vô Sài Gòn ở đợ phụ việc trong quán cơm. Quê nghèo chẳng có gì ngoài nương với rẫy, khe với suối chập chùng. Trường xa nhà, mùa đông đi lại vất vả vô cùng nên mấy chị em đều nghỉ học sớm. Chị là con đầu, tiên phong Nam tiến để đổi đời khi mới mười lăm tuổi. Chị kể lại rành rọt cái Tết đầu tiên chị về quê trên chuyến tàu Nam- Bắc ghé ga Tam Kỳ như hôm nay, dường như chưa chi tiết nào bị kí ức mới ghi đè lên trong trí nhớ.
Chị, Chị Bé và có khi cả tôi nữa đâu ngờ rằng một lần đi là đi mãi như thế, là xa mãi như thế. Chúng tôi, cùng hàng nghìn người nhập cư vào Sài Gòn khác, mỗi người có một hoàn cảnh, một chí hướng riêng nhưng suy cho cùng là đều vì những điều tốt đẹp. Ngày đi, chị đâu nghĩ đến lúc mẹ già yếu mà không muốn rời đất Quảng. Bác có vào Sài Gòn thì chỉ năm bữa nửa tháng là nhớ làng, nhớ nương, nhớ suối, không về được là héo hon như cây dại trên rừng bị bứng bỏ chậu làm cảnh chưng trong nhà. Và chị càng không ngờ mải miết bôn ba với đời rồi mười năm, hai mươi năm xa quê qua nhanh đến vậy. Cứ ngỡ đây là con tàu ấy, trong cái Tết háo hức ấy đang xình xịch tiến về ga Tam Kỳ. Tất cả đều mới nguyên, vậy mà đã hai chục năm.
Tôi nghe chị kể, nuốt từng từ vào đầu không sót tí nào kể cả tiếng thở dài. Tôi ngồi trơ như phỗng, tôi biết nói gì khi câu chuyện đã động đến sâu thẳm tâm tư mình. Thấy tôi im lặng, chị dừng câu chuyện tựa đầu vào mép cửa sổ lim dim ngủ. “Về quê lấy vợ” - tôi giật mình, từng nấy tuổi đầu rồi chuyện vợ con chắc chắn tôi đã nghĩ nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ đến điều chị vừa nói.
Cuối toa có chiếc ghế phụ bỏ không, tôi đến xía ngay rồi kê ghế ngồi sát băng ghế bên kia lối đi để mẹ con chị nằm ngồi được thoải mái. Băng ghế này là của một bác tuổi tầm ngoài sáu mươi một chút và một chú khoảng trên dưới năm mươi. Thấy hai người cởi mở chuyện trò tôi mạo muội xin nhập hội. “Ăn miếng mứt gừng cho ấm bụng cháu nì.” Tôi như chuột sa hũ gạo, không phải vì lát mứt gừng cay ran cả mặt ấy mà là vì cái giọng quê chậm rãi nằng nặng tôi nghe từ thuở lọt lòng. Ba con người xa lạ lần đầu gặp nhau mà thân tình như tri kỉ. Chúng tôi nói về Tết và quê. Ai cũng có Tết và ai cũng có quê nên nói mãi đến mai đến mốt chắc không hết chuyện.
- Không về thì không được, người ta nói này nói nọ chứ về có mấy bữa rồi đi lại mệt bỏ mẹ. Tết nhất đi lại đắt đỏ, người không là người. Mai mốt vô lại họ còn nhét như nhét heo.
Tôi đọc được sự bất mãn trong giọng nói cay cú của chú và cả trong mắt chú. Nếu tôi coi tấm vé lên tàu này là một ân huệ thì với chú nó chẳng là gì ngoài một trách nhiệm và một cuộc hành xác. Tôi muốn nói điều gì đó với chú mà không nói ra được. Bác thì gật gù đồng ý rằng người vô sẽ đông hơn người ra vì người ta về quê xong dắt theo cháu chắt, em út mình vô Sài Gòn. Dòng chảy người lao động vẫn nườm nượp đổ về Sài Gòn. Lát sau, bác trầm ngâm hẳn.
- Chú nói phải, Tết nhất có mấy bữa à. Mình đi ra đi vô ri thì cực thiệt. Nhưng mình chỉ cực thân còn người ở lại quê mới tội.
Tôi hơi bất ngờ chưa hiểu được ý bác. Chú cũng vậy, tôi thấy chú nhìn bác vẻ băn khoăn nhưng chúng tôi chưa kịp hỏi thì đã nhận được câu trả lời.
- Mình thì về ào ào ộn ộn có mấy bữa rồi mình đi chơ họ ở nhà nôn nao chuẩn bị Tết gần cả tháng trời. Mình vô lại Sài Gòn thì việc tới tay rẻng mô mà nghĩ ngợi nhưng Giêng hai quê tui mưa lạnh rảnh rang, họ nhìn cảnh nhà trống trải chắc họ buồn thúi ruột.
Mắt tôi tự nhiên thấy cay phải đưa tay dụi. Điều bác nói quá mới với tôi và nó như làn khói bếp xông thẳng vào mũi vào mắt tôi cay xè. Gần chục cái Tết qua, tôi chưa bao giờ thử hình dung ba mạ ở nhà sẽ thế nào? Có thoáng chút buồn chút trống trải nào không khi Tết xong chị em tôi lũ lượt kéo nhau đi? Tết nào cũng rộn ràng có mấy hôm rồi ngôi nhà trở lại lặng thinh yên ắng. Ui chao, có một khoảng trống mênh mông tôi để lại sau lưng mà chưa bao giờ tôi biết tới, cho đến hôm nay. Tết xong công việc bận rộn tôi thường ít gọi về nhà. Mạ Vui của tôi luôn nói oang oang cười hả hả trong điện thoại, mạ vui vẻ như cái tên của mạ vì những phút chạnh lòng trống trải mạ giấu hết vào trong. Mạ chưa từng để tôi biết mạ buồn nhưng giờ thì tôi chắc chắn mạ đã nhớ chúng tôi, đã thấy quạnh hiu nhường nào khi ngôi nhà không một bóng con trẻ. Và ba cũng vậy.
Cứ thế, con tàu dắt tôi qua không biết bao nhiêu là Tết là xuân và không biết bao nhiêu nỗi đời hư hao. Có ấm cúng, có háo hức, có thi vị và cũng có khổ tâm bất mãn. Bi kịch nhất là bất mãn với quá khứ của chính mình.
- Tết hồi xưa mới ra Tết, mới vui. Bây giờ về quê thấy Tết nó nhạt nhẽo làm sao ấy.
Chú và tôi đồng một tâm sự. Tôi cảm thấy điều này nhiều năm trước. Năm nào về cũng thấy chán hơn năm trước. Những ngày xưa lơ xưa lắc của tôi sao mà vui sao mà háo hức sao mà chờ đợi đến thế. Càng lớn về quê chỉ thấy nỗi buồn nó cũng lớn theo mình.
- Con cũng thấy rứa. Hồi ni Tết ở quê thấy khác khác, buồn buồn răng á. Tết không thiếu thứ chi hết mà không vui như hồi xưa.
Chú thở dài, buông một câu nặng trĩu.
- Bà con ở quê cũng không còn như xưa, anh em họ hàng ruột thịt cả mà nhiều khi nhạt nhẽo như người dưng.
Chú nói rồi ngả người ra phía sau dựa đầu vào thành ghế. Nghỉ một quãng chẳng ai nói gì, chỉ có tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray xình xịch vang lên đều đặn. Bên ngoài màn đêm đã đen đặc, sương xuống dày trên những vùng đồi núi chúng tôi vừa qua, tiếng gió quật vào tấm chắn cửa sổ vù vù. Bác đằng hắng một tiếng rồi chậm rãi.
- Tui cũng từng như chú, thấy người thân lạnh nhạt khách sáo với mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, người quê tui họ hay ngại lắm. Họ nghe tiếng Sài Gòn là cứ nghĩ mình sang, thân mật quá họ sợ sỗ sàng rồi mình nghĩ họ thấy sang bắt quàng. Họ khách sáo xí thì mình thấy họ xa cách. Thiệt tình, tui tha phương ngót nghét bốn chục năm rồi mà chừ về thấy cảnh quê là cứ tưởng mới hôm qua hôm tê, đã rứa còn mong ai cũng như hồi trước xề xòa thân mật.
Bác nói rõ rành, từng câu từng chữ khắc vào lòng tôi sâu ngoáy. May cho tôi vì nếu tôi không được nghe tâm sự chân tình của bác vào đúng thời điểm này thì biết đâu tôi phải mất nửa đời tha hương mới nghiệm ra được, khi tôi ở bên kia dốc cuộc đời như bác bây giờ. Bác thở dài khẽ lắc đầu nhẹ.
- Tết nhứt cũng in rứa. Kiểu chi vẫn không thấy hắn giống hồi nớ. Cả miếng mứt gừng chừ ăn hắn cũng không cay giống hồi nớ. Rứa mới khổ. Mình đi chừng nớ năm, mình thay đổi nhiều lắm mà mình không biết đó thôi. Họ còn nhớ mặt mình là mờn rồi chơ mình mần răng mà đòi cái chi cũng phải giống trước tê được. Cả xã hội thay đổi lận chơ phải chi riêng quê mình.
Chú ngồi im. Tôi cũng ngồi im để những lời mộc mạc mà sâu sắc thấm thía ấy chảy vào tai, vào hồn, thấm đến nơi xa nhất của lòng mình như mỗi khi đọc được một trang viết đẹp.
- Tui nhớ có năm tui về, đường làng đổ bê tông sạch sẽ ngon lành rứa mà tui lại không ưng, tui cứ thấy nó kệch cỡm rồi cứ như ai cướp mất một phần hồn của mình rứa. Người ta mong đường đổ bê tông không hết mà tui thì cứ nhớ cái đường làng cũ. Hay ho chi mô, đường sỏi lổm chổm, cỏ gà hai bên mọc tốt lòa xòa choáng cả lối. Rứa mới nói, mình cứ thấy cái chi kỉ niệm hắn cũng đẹp rồi ôm cái đẹp nớ mà buồn.
Bác và chú còn nói thêm gì với nhau nữa tôi chẳng nghe rõ, vì đến đó người tôi bỗng đơ ra, bác đã chạm đến đoạn mã bí ẩn tôi không giải được nên đem cất vào nơi xa nhất của đáy tim mình. Kỉ niệm! Kỉ niệm tựa chiếc kén được dệt vụng về mà bền chặt. Tôi là con ấu trùng mãi không chịu lớn, dù đôi cánh đã đủ mạnh, dù đã bị đạp ra khỏi kén tôi vẫn muốn chui vào góc tối xù xì ấy thêm một lần, thêm nhiều lần nữa. Kỉ niệm đẹp quá, nó đã nhốt tôi chừng đó năm rồi.
Tôi đâu còn là thằng Tộp lếu láo hồi xưa mà tôi lại chăm chăm kỳ vọng Bé Ti mãi là con nhỏ hàng xóm ngây thơ đến tội nghiệp như khi nó rưng rưng tưởng mình là thiên sứ đom đóm. Như khi nó bu trên chạc ba cây khế vợt bắt con bươm bướm màu thanh thiên tuyệt đẹp. Như khi nó mang tô chè đậu đỏ nước cốt dừa sóng sánh thơm lựng lên cho tôi trước ngày thi. Như khi nó thẹn thùng trong lần đầu tiên mặc áo dài hai má ửng màu nắng ấy… Tôi có quyền gì mà ngăn nó đừng lớn. Tôi có quyền gì mà vui mà buồn, mà thích hay không thích sự thay đổi hẳn nhiên của nó khi trưởng thành, trong khi tôi cũng vậy. Có Tết tôi về thấy nó hớt tóc mái - kiểu tóc đang mốt của tụi con gái thời điểm đó - lòng tôi chợt trống trải như thể vừa mất mát thứ gì đó lớn lắm. Cả Tết tôi bổi hồi bồi hồi. Bạn bè nó đến chơi nườm nượp, nó không còn lẽo đẽo sau lưng tôi như hồi trước nữa. Những Tết sau đó, nó nhuộm tóc, nó đi giày cao gót, nó mặc đồ tân thời… thứ gì cũng làm tôi chán ghét, cáu kỉnh. Chị Bé cũng ăn mặc tân thời cũng nhuộm tóc như nó, và có lần tôi chê Chị Bé không tiếc lời. Lúc ấy tôi chỉ ước tôi có thể quăng hết mất câu khó nghe đó qua bên kia hàng chè tàu, vào phòng nó. Nhưng để làm gì chứ khi nó không còn quan tâm nhiều đến sự cáu kỉnh của tôi. Tôi nổi cáu luôn với bản thân mình.
Nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng chuyện trò bâng quơ với nó, cho đến cái ngày nó khiến tôi hụt hẫng tái tê. Ngày mà tôi không còn thấy màu trời xanh trong trẻo, không còn thấy Khe Trong vỗ về mát rượi tâm hồn. Ngày nó dẫn bạn trai về nhà chơi. Mấy đứa con nít trong xóm tóm tay tôi kéo đến chỗ hàng rào chè tàu len lén nhìn sang. Tụi nó chỉ vào thằng con trai đang ngồi đối diện Bé Ti rồi nói với tôi rằng “Bồ chị Ti tề. Anh nớ đeo kính chắc học giỏi lắm anh Tộp hì?” Tôi cục cằn trả lời chúng “Chơi game nơi máy tính nhiều quá bờ cận đó chơ giỏi chi mà giỏi.” Tụi nó chưng hửng nhìn tôi ngơ ngác. Với tôi hồi nhỏ và với tụi nhỏ bây giờ thì ai đeo kính cũng là con nhà giàu học giỏi vì xưa giờ cả cái xóm Khe Trong này chẳng có đứa nào mang kính cận. Tôi nhìn vẻ thư sinh hiền lành điềm đạm của nó mà thấy ghét, chỉ ưa đấm cho nó một phát. Là nghĩ thôi chứ tôi không đủ can đảm để dựng cái thằng lì lợm háu thắng trong tôi dậy làm điều ấy. Nó đến chơi với Bé Ti mắc mớ gì tới tôi. Ghét nó không được tôi đâm ra ghét Bé Ti. “Ờ, cái đồ mê trai.” - đó chính xác là những gì tôi đã nghĩ về nó, tôi xem nó như một đứa con nít ranh chưa lớn đã đua đòi yêu đương dù nó đã hơn hai mươi tuổi. Tôi cần gì lý lẽ, lý lẽ trên đời chỉ là tương đối khi trong mắt tôi nó chưa lớn, và tôi cũng vậy. Tôi hầu như chẳng nói câu nào với nó suốt những năm sau đó, cho đến hôm kia, khi tôi như con tàu mồ côi bến đỗ, bơ vơ.
Sực nhớ một chuyện, tôi lôi điện thoại ra xem. Chẳng có tí sóng nào, tàu đang giữa núi. Tôi tiếp tục chuyện trò nhưng năm, bảy giây tôi liếc điện thoại một lần. Phải ba mươi phút sau, cột 3G sóng nhảy lên nhảy xuống như múa trước mắt tôi. Tôi vào Facebook xem lại tất cả ảnh trong album “Tất niên” của thằng Út để kiểm tra trí nhớ của mình. Trí nhớ tôi còn tốt chán, vả lại làm sao có thể nhầm được khi đối tượng là đứa mình ghét cay ghét đắng. Cái thằng đeo kính cận ấy năm nay biến đâu mất chẳng xuất hiện trong ảnh. Tôi cam đoan nó sẽ không bao giờ bỏ lỡ dịp tốt như tất niên để tranh thủ “làm rể” sớm. Nhà nó ở thị trấn Phú Bài chứ xa xôi gì đâu. Dù nhác mấy thì cũng giả bộ một hôm làm siêng về phụ nhà Bé Ti một tay rồi tranh thủ rút ngắn khoảng cách. Năm ngoái tôi đã thấy nó lăng xăng cả buổi với ba Bé Ti, nó ngồi cùng mâm cùng chiếu với hai thằng em, ba đứa nó vui vẻ cụng ly rồi chụp ảnh kỉ niệm bữa cơm tất niên. Thiệt tình, ngu chi mà vắng mặt.
Tôi vào mục ảnh trên dòng thời gian xem, tôi trượt thật nhanh sợ tàu qua khỏi vùng đồng bằng lại chập chờn sóng. Cả năm vừa rồi Bé Ti chỉ đăng mấy tấm ảnh mà tấm nào cũng chỉ mình nó. Tính ra là vắng bóng cũng cả năm nay rồi “hay là tụi nó…” tôi nghĩ đến đó thì tự dằn mình “không thể như rứa được…” “mà biết mô rứa thiệt…” Biết mô Bé Ti cũng vừa qua một chuyện tình cảm mơ hồ ảo tưởng như tôi.
Tôi nghĩ một hồi rồi thấy câu trả lời không còn quan trọng. Tôi đã giải được đoạn mã mà suốt nhiều năm tôi vứt không được, ôm thì nặng bụng. Đấy mới là điều đáng nói, là bước ngoặt của cuộc đời tôi. Ngoài trăng, ngoài gió, ngoài nắng ra thì chẳng có gì là giống ngày xưa cả. Làm chi có ai mặc tấm áo mới từ năm này sang năm khác mà nó vẫn mới nguyên đâu chứ. Tấm áo năm xưa tôi bo bo giữ lấy đã không còn vừa vặn. Tôi sẽ sắm cho mình tấm áo mới vừa vặn hơn, hợp thời hơn vì thời trang là cuộc sống. Tôi bỏ quên điều này bấy lâu.
Trời đã về khuya, cả đoàn tàu lim dim ngủ chỉ còn những vòng quay xình xịch vang đều đặn trong đêm. Tôi kéo phéc mơ tuya chiếc áo khoác lên quá cổ rồi tìm chỗ ngả lưng. Tôi cũng nhắm nghiền mắt lim dim như họ nhưng tôi không ngủ, tôi thức cùng kỉ niệm. Tôi cần dọn dẹp căn phòng nhỏ của tâm hồn mình. Tôi xem lại hình hài từng thứ một rồi xếp gọn gàng cho vào két sắt khóa trái cẩn thận đem cất. Tôi sẽ thôi chất kỉ niệm bừa bãi trong phòng vì tôi cần chỗ cho những thứ mới dù đồ mới tôi dùng chưa quen và có thể không như mong đợi. Tôi sẽ phết cho căn phòng tâm hồn mình một lớp keo đàn hồi thứ thiệt, khi cần nó có thể co bên này giãn bên kia. Để làm chi? Để thích nghi và chấp nhận như một người trưởng thành trọn vẹn.
***
Trời đã sáng rõ, sương mỏng tan dần. Những vạt nắng đầu tiên chạy dài trên mặt biển trong làn hơi lạnh trong khiết từ mặt nước bay lên. Cuối tầm mắt, chỗ đường ranh giới giữa trời và biển, một quầng đỏ rực rỡ đang nhô cao dần. Tôi nghe mùi của biển, đó là mùi tanh nhẹ hòa trong không khí, đặc trưng của những vùng biển tôi đã ghé qua. Cả đoàn tàu thức giấc, tiếng xì xào nói chuyện mỗi lúc một nhiều. Hành trình của tôi đã được hơn một nửa. Người đi lại giữa các hàng ghế đông dần nên tôi quay lại chỗ của mình. Mẹ con chị vừa dậy, cô bé gần như ngủ suốt từ lúc khởi hành nên giờ mặt mày tươi tỉnh. Chị cũng vậy, nét mặt đỡ ưu tư, quầng mắt đỡ thâm đi nhiều. Còn tầm hai tiếng nữa là tàu ghé ga Tam Kỳ nên mẹ con chị sửa soạn xuống tàu.
Ga Tam Kỳ khuất dần sau khuôn cửa. Chẳng có khách nào lên tàu điền vào ghế của mẹ con chị thành ra một mình tôi bao luôn hai ghế. Tôi nhích người sang tựa đầu vào cửa sổ ngó nghiêng. Quảng Nam quê chị cảnh cũng gần với quê tôi. Cũng là những thửa ruộng được bắt bờ vuông vắn mạ đã nhú, màu trắng sữa của hạt mầm lẫn trên nền đất nâu. Vụ đông xuân việc gieo xạ thường hoàn thành trước Tết, ruộng nhà tôi mạ chắc cũng đang nảy mầm như thế. Nhìn mấy con nộm đuổi gà đuổi vịt dựng ở hai đầu ruộng tôi chợt cười. Chiếc áo cũ rách luồn qua que nè để hai tay áo căng ra hai bên thành hình người giang tay đầu đội nón rách ấy đã từng làm tôi tè bậy trong quần. Hôm đó tôi mải chơi bên nhà Cầy Sen tối mịt tối mùng mới về. Ngang qua ruộng, cái nón trắng lờ mờ và cái bao nylon lộng gió bay soàn soạt ấy cứ dí lấy tôi. Gió càng mạnh, tiếng soàn soạt càng to làm tôi vừa đi vừa mếu. Đáng sợ vậy mà không phải lúc nào cũng đuổi được đám gia cầm phá hoại.
Bác từ băng ghế bên kia sang ngồi cùng tôi, tranh thủ nhường chỗ cho chú nghỉ lưng. Tàu đã về đến Đà Nẵng, một trăm cây số nữa thôi là chúng tôi cán đích rồi nhưng hành trình của chú thì vẫn còn xa lắm. Từ đây ra đến ngoài Bắc phải ngồi thêm mười mấy tiếng nữa. Tôi đếm từng nhịp dập dềnh lên xuống trên những thanh tà vẹt. “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đã gần ngay trước mặt. Tôi qua cung đường hiểm trở cheo leo kỳ vĩ này không dưới chục lần nhưng thường là tôi ngủ gà ngủ gật hoặc dòm chỗ này chỗ kia chứ chưa lần nào tận hưởng trọn vẹn đê mê như bây giờ. Cứ say sưa và đừng thốt lời nào cả là tốt nhất vì ngôn ngữ của tôi đã trở nên khô khan bất lực trước cảnh đẹp mất rồi. Nếu tôi mà tả được, hẳn tôi là thi nhân. Chợt bên tai khe khẽ mấy câu thơ:
“Đồi liễu ngàn mai cảnh quạnh hiu
Chia hai Thuận, Quảng một con đèo
Lá dòm mặt nước, cây mong lội
Biển bọc chân non, sóng muốn trèo
Mặt đất day ngang đường khuất khúc
Sườn non dựng ngược đá cheo leo
Vén mây muốn bước lên trên tót
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo.”
- Ui cha là hay! - Tôi vỗ vào đùi “đốp đốp” vì khoái chí. - Bài thất ngôn bát cú ni của ai rứa bác? - Nhân tiện tôi cũng muốn bác biết là tôi rất thích thơ và có biết chút xíu về thơ.
- Bài ni là “Lên đèo Hải Vân” của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt.
Thấy tôi thích thú, bác hào hứng.
- Hồi xưa mần chi có xe có tàu với cả hầm chui qua đèo như chừ mà người ta cũng leo lên tới trên nớ rồi leo xuống, ghê thiệt cháu hì. Bài thơ ni lâu lắm rồi cháu, trước cả thời Pháp thuộc lận.
Bác đọc thêm mấy bài vịnh Hải Vân Quan khác nữa. Thời đi lại còn khó khăn, chinh phục đèo Hải Vân lắm lúc đổi bằng sinh mạng. Lên tới cổng trời, nhìn mây bay trước mặt, núi dựng bên hông, biển vỗ thì thầm đáy vực thì tức cảnh sinh tình viết ra nhiều ý thơ hay. Người ta làm thơ là còn để con cháu đời sau biết mình đã tới đó. Tôi nghe bác nói chuyện thơ, nghe bác đọc thơ cũng say sưa chẳng kém gì ngắm cảnh. Tàu chúng tôi lại qua một hầm, trước mặt là cảnh mây bạc ôm lưng núi tôi mau miệng “đẹp như trong thơ luôn bác tề”. Bác “ừ” một tiếng rồi chợt nghiệm ra điều hay ho, bác chữa lại.
- Chắc gần giống thôi cháu nờ, phải có “đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo” nữa mới y như thơ.
Phải rồi, giữa cảnh đất trời lồng lộng gặp nhau, núi non chập chùng uốn lượn mà thêm quầng sáng trong vắt như ngọc như ngà “lẽo đẽo” theo chân thì quả là “đệ nhất” của “đệ nhất”. Tôi thì lấy đâu ra diễm phúc mà ngắm đệ nhất cảnh đẹp như thế nhưng nhớ lại cảm giác hồi nhỏ thức giấc buồn tè chạy ra vạc chuối thấy mảnh trăng già lơ lửng trên đọt bạch đàn ở đằng tây, mảnh sao Mai lấp lánh trên đọt tre ở đằng đông và xa khuất dưới rặng trời đã ửng hồng lòng bỗng lâng lâng. Bấy nhiêu cũng là đệ nhất của tôi rồi.
Tàu qua hết sáu hầm, Lăng Cô đón chúng tôi bằng hơi lạnh quyện trong gió biển. Cả tôi và bác xốc lại cổ áo. Dường như đây là nơi khí lạnh quần tụ cô đặc, có lẽ là để nhắc nhớ những người con xa quê lâu nay quen sống trong vùng nhiều nắng. Năm nào về ăn Tết qua khỏi đèo Hải Vân mưa cũng phủ một màu trắng bạc thê lương, gió lạnh cứa vào người run cầm cập. Thời tiết lúc này hơi khác với tưởng tượng của tôi, Lăng Cô lạnh nhưng đã bừng nắng.
- Thấu Huế rồi nì bác. - Tôi nói như reo.
- Cháu về mô lận?
- Dạ, Hương Thủy bác nờ.
- Ồ, rứa là tàu đi ngang nhà mình mà không được xuống phải chờ lên ga Huế rồi trở ngược lại đó hỉ. Bác ở ngoài Phong Điền lận, hơi xa. Bác có mụ o ở Hương Thủy, làng Thủy Tân. Cháu ở làng mô?
- Dạ, cháu làng Phù Bài.
- Là đoạn mô hè?
- Dạ, dưới sân bay Phú Bài một chút. Tí nữa đi qua làng cháu, cháu chỉ bác coi.
Nói xong câu ấy, tôi đếm từng cột cây số, từng khu chợ, từng cây cầu chờ tàu chạy ngang làng mình, chờ đến lúc chỉ tay vào con đường bê tông chạy dọc Rào dẫn về thôn Bốn, chờ tàu đưa tôi về với Khe Trong.
Chao ơi, ai đẩy mà tàu chạy nhanh quá thể. Cầu An Nông đây rồi, chút nữa thôi tàu sẽ băng qua cây cầu sắt bắt qua Rào. Hiện đại hóa làm mất đi nhiều thứ nhưng hai bờ tre cong như đuôi én vẫn soi xuống Rào như ngày nào. Tôi quay lại nhìn bác tay chực sẵn để chỉ bác coi. Bỗng dưng trong đôi mắt đục màu thời gian hằn sau những vết chân chim ấy như có nước. Bác nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ nhưng ánh mắt vô định buồn thiu. Tôi muốn gọi bác nhưng khoảnh khắc ấy không thể cất thành lời.
“Còn mô mắm ruốc mướp cà
Còn mô rau quế chấm và[1] dưa gang
Ba mươi lẻ một xuân tròn
Chừ quê vắng mạ về còn ai trông?”
Dứt mấy câu thơ bác đằng hắng nghẹn ngào.
- Tết ni về thì còn mạ mô nữa.
Mệ mất hồi đầu năm ngoái. Lần này bác về quê không còn để đón Tết, vui xuân như mọi năm, bác về lo giỗ đầu cho mạ. “Nghe buồn quá bác ơi!” lòng tôi thổn thức. Cuộc đời của mệ cuộc đời của bác lồng vào nhau trong một chuỗi những chuyện không phải lần đầu tôi được nghe mà hôm nay là lần đầu tôi thấm thía đến vậy. Bác học Đại học rồi lập nghiệp ở Sài Gòn - thời của bác, mệ lo cho bác học được đến đó là sự hiếm hoi, cả làng được mấy nhà như thế. Ôn mất sớm, mệ một mình đơn chiếc với gian hàng trầu cau, rau quả ở chợ An Lỗ nuôi bác thành tài. Bác mải lo công danh sự nghiệp rồi lo cho con cái, đến khi mãn nguyện thì mệ đã tuổi xế chiều. Bác rước mệ vào Sài Gòn mạ con sớm tối có nhau. Nhưng vui vầy chẳng được mấy chốc, mệ biết mình đã là ngọn đèn trước gió nên nhất quyết đòi về quê. Mệ muốn được nằm xuống trên phần đất của quê hương, lỡ mai hóa kiếp cũng thành cây cỏ trên đất quê hương. Lá rụng về cội, người nhà quê đi đâu rồi cũng chỉ muốn về quê. Giờ bác cũng thế. Gia đình bác có việc nên đúng ra ngày mồng Bốn bác mới về cùng với vợ con một thể. Vé máy bay đã đặt rồi nhưng đến lúc giao thừa trông cảnh nhà nhà cúng bái trang nghiêm trên bàn thờ bác nhớ mệ. Không đành lòng để mộ phần mệ quạnh hiu ba ngày Tết, bác bất chấp mua vé tàu về trước một mình, ít nhất, là về kịp thắp cho mệ nén nhang.
Mắt tôi rưng rưng cay lệ. Cuộc đời là được và mất. Lựa chọn nào cũng có phần hi sinh trong đó. Từ lúc lên tàu tôi đã để ý miếng vải đen bác đeo nơi ngực trái, nhưng tôi đâu ngờ…
- Chi cho bằng cơm với cá, chi cho bằng mạ với con. Bác hơn sáu chục mùa xuân rồi đây mà cứ nhớ mệ là chảy nước mắt. - Bác đưa tay chùi vội giọt nước nóng hổi vừa lăn khỏi hốc mắt, khuôn mặt co lại nhiều nếp nhăn hơn.
- Mệ kho cá bống là ngon quẹo lưỡi. Từ nớ chừ ăn không biết mấy nhà hàng rồi mà chưa có chỗ mô bằng.
Tôi bỗng nhớ rau luộc, nước ruốc, canh dưa chua của mạ cũng ngon chưa chỗ nào bằng…
Tàu qua ga Hương Thủy (một ga nhỏ của huyện tôi đã lâu không có tàu dừng), hai bác cháu sửa soạn xuống tàu. Chẳng còn bao nhiêu cây số nữa là về đến ga Huế, tôi đếm từng ngôi nhà xoẹt ngang bên cửa sổ. Bác định quay sang chào tạm biệt người bạn cùng băng ghế nhưng chú đã ngủ say nên hai bác cháu khoác ba lô đi thẳng. Hai cái bóng đổ dài trên sân ga, sải từng bước dài. Bác và tôi, cách nửa cuộc đời, vẫn là hai đứa con chung một nỗi niềm với mạ. Ra đến cổng, bác bắt tay tôi chào tạm biệt và bằng tất cả niềm kính mến của lớp con trẻ đối với bậc cao niên tôi ngập ngừng như đứa trẻ tập nói nói lời chia buồn với bác, xin bác cho tôi thắp một nén nhang lòng nơi mộ mệ.
Dốc Trụ Điện vồn vã đón những bước chân không mệt mỏi của tôi. Nắng chiều bảng lảng đọng từng khóm vàng mỏng tênh trên bụi nho đất, chưa có sương nhưng nhìn ra xa đã thấy vệt nắng mờ mờ tan dần trong hơi nước. Tôi cắm đầu nhoi mông leo lên dốc, vừa leo vừa đếm. Còn mấy trăm mét nữa thôi là về đến nhà. Phải qua ngõ nhà Bé Ti đã mới đến ngõ nhà tôi. Tôi liếc vội, may chẳng thấy nó đâu. Tôi vừa mong gặp nó, lại vừa mong nó đừng thấy tôi vội. Chao là ngớ ngẩn, tôi đang nghĩ gì thế này? Mà thôi, mặc kệ tất cả đi vì trước mắt tôi đã là nhà. Tôi đi giữa hai hàng chè tàu thẳng đều răm rắp, dấu rựa ba tỉa làm đứt cả lá và cành vẫn còn mới nguyên. Năm tôi lên chín lên mười hàng chè tàu cao khuất đầu tôi và bây giờ nó chỉ còn ngang vai nhưng thằng Tộp thì vẫn vậy, vẫn rón rén chờ nghe “Ôn nội cô cha mi… thằng tê…” Nhác thấy dáng ba ăn vận chỉnh tề lom khom móc túi gì đó vào xe, tôi đi chậm lại. Như mọi khi, mạ lật đật xách mũ bảo hiểm hối ba dắt xe ra. Ba bước nữa thôi là chân tôi chạm vào sân. Mạ chưa thấy tôi nhưng con Vện mỏng mui đã tố cáo tôi với mạ. Nó chạy đến liếm tới tấp vào chân, vào tay rồi đòi nhảy lên liếm luôn cả mặt. Theo phản xạ, tôi nạt nó một trận dù nghe tiếng hí hí trong họng nó tôi khoái chí lắm. Như dự đoán, mạ vừa mừng vừa lo chạy tới đỡ cái ba lô rồi gô cổ tôi lôi vào nhà. Mạ nói rồi mạ chửi, mạ chửi xong lại hỏi, tóm lại tôi chẳng rõ mạ nói gì chỉ biết “dạ dạ” liên tục rồi phân bua “con về chơ, lỡ khôn về mai mốt vàng mô mà cưới vợ…”
Hai mạ con nói qua nói lại hơn chục phút mà chẳng ra ngô ra khoai gì, ba rầy mạ giọng ba vui vẻ pha chút tếu táo như mỗi lần ba có chút men.
- Hai mạ con nói chi mà nói lắm rứa thê, e nói tới túi cỏ. Chừ có đi khôn ri? Nói nữa là ở nhà nhậu khôn đi mô hết đó nghe.
Ba cười cười chỉ tay vô chai rượu để trên góc tủ chú thích thêm rượu quý Tết ba chưa mời ai hết. Giờ mạ mới nhớ ra ba mạ đang chuẩn bị về ngoại, bên ngoại chiều nay có tiệc. Mạ cuống quýt xuống bếp xào cho tôi dĩa thịt ba chỉ ướp chua ngọt, rồi dặn tôi chuyện tắm rửa, chuyện két mì tôm mạ cất chỗ nào, bánh tét để ở đâu vân vân mây mây từ trong nhà ra ngoài hiên rồi mới chịu lên xe cho ba đèo. Ba lên ga, cài số rồi mà mạ vẫn dặn với vào trong. Tôi chỉ muốn nói thằng con của mạ tính tuổi mụ năm ni là ba chục rồi đó mạ nờ mà tranh không kịp phần của mạ, chưa kịp mở miệng xe đã khuất ngoài hàng chè tàu. Mùi thịt ướp chua ngọt giờ mới bay đến chỗ tôi ngồi làm hai cánh mũi phập phồng, nước miếng lại ứa ra, tôi lả người đi vì đói. Đói ăn và đói cả cảm giác thân thuộc thoái mái như lúc này.
Tôi ăn như bị bỏ đói cả thập kỷ rồi, no đến mức không dám đi tắm dù hơn một ngày trên tàu bụi đường rít ráy vô cùng. Tôi lên phòng học nhìn qua bên kia hàng chè tàu. Giỏ hoa Tết của Bé Ti đu đưa bên cửa sổ góc nó thường hay ngồi. Vừa nảy ra được một ý tưởng hay ho, cái tay tự động cho vào túi lôi điện thoại ra. Tôi trố mắt nhìn vào màn hình, có tín hiệu wifi mới “Lớp TA TiNa”, sau một giây ngỡ ngàng, tôi bật cười thành tiếng. Khe Trong giờ wifi phát lên tận núi, kiểu này đi mót củi không phải sợ lạc nhau phải dùng tiếng hú tập hợp nữa rồi. Dù tôi đã nghe mạ kể Bé Ti mở lớp dạy Tiếng Anh, xóm trên xóm dưới xóm bên đều có học trò đến học nhưng vẫn ngỡ như mơ. Trời ơi, Khe Trong tù mù của tôi giờ có cả lớp Tiếng Anh thiệt sao? Ý nghĩ về lớp học ấy làm tôi thấy vừa thấy lạ vừa thấy thích.
Tôi đưa điện thoại lên, zoom đến thật gần chụp hình cái giỏ hoa gửi cho Bé Ti. Nó không trực tuyến, chắc nó đi chơi đâu đó rồi. Cảm giác trở về lần này thật lạ, như mình vẫn là mình nguyên sơ hơn chục năm về trước, nhưng cũng là mình mới mẻ của thì hiện tại đầy háo hức. Không chỉ tôi mà sau cánh cửa tủ thờ kia có một khoảng trời, một kỉ niệm, một câu chuyện, một bí mật cũng còn nguyên sơ, cũng đầy háo hức như thế. Tôi cất nó từ hồi tôi mười sáu tuổi đến nay.
Nghĩ đến góc nhỏ trong tủ thờ tôi thầm cảm ơn ba mạ đã dành cho tôi một nơi đủ lớn đủ riêng tư để cất giấu những gì mà người ta thường gọi bằng những từ hoa mỹ như là thời thơ ấu, kỉ niệm học trò, thanh xuân, tuổi trẻ… Còn tôi gọi nó là “trẻ trâu”. Mỗi lần sửa sang nhà cửa phải dẹp đồ đạc ba mạ đều giữ lại nguyên vẹn góc tủ ấy cho tôi. Chừng ấy năm mà chưa có thứ nào bị cho vào sọt rác hoặc đem nhóm bếp. Lòng vui lâng lâng, tôi thò tay lên góc tủ lấy ổ khóa mở cánh cửa đã ngủ yên từ đó đến giờ. Mùi thời gian từ những trang giấy cũ bay lên. Không thoáng chút nghĩ ngợi nào, tôi rút cuốn sách Bồi dưỡng học sinh giỏi Toán lớp 9, lật trang đầu lấy ra cặp giấy vở ép hai con bươm bướm Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài dán bằng keo 502. Tôi đã chọn loại giấy vở dày nhất để đảm bảo người ngoài nhìn vào không thể thấy được tác phẩm bên trong của tôi và Bé Ti nên giờ tôi phải đưa lên hứng ánh sáng mới nhìn rõ. Vẫn là con bướm vàng có những chấm bi đen, vẫn là con bướm xanh màu thanh thiên tuyệt diệu và vẫn là những bông khế khô xếp hình trái tim ấy, chỉ khác là giờ tôi đã dũng cảm tự nhận rằng mình muốn tặng nó cho một người khác không phải Trang. Tối hôm ấy, tôi hoàn thành tác phẩm mà tôi và Bé Ti chuẩn bị hơn nửa tháng trời, lòng rộn ràng như có hội. Nhưng tôi không háo hức vì nghĩ ngày mai thôi Trang sẽ nhìn thấu lòng mình, tôi lâng lâng một nỗi vui rất lạ chính tôi lúc ấy cũng không hiểu nổi. Xong xuôi mọi thứ, tôi cất món quà vào cặp để trưa mai đưa cho Bé Ti như đã bàn với nó, lòng bâng quơ không ngủ được. Từ nãy giờ, trong lúc tỉ mẩn dán từng bông khế tôi chỉ nghĩ đến mình nó, không chỉ nghĩ mà trước mắt tôi toàn là nó. Là nó lúc tòng teo bu trên chạc ba cây khế. Là nó lúc ngã xuống đất va vào mảnh sành làm tôi chết khiếp. Là nó lúc tôi băng vết thương vừa tội nghiệp vừa buồn cười. Và nhất là đôi mắt đầy nước trong veo nó ngơ ngác nhìn tôi… Sao mà xao xuyến lạ. Tôi cứ nghĩ rồi cười, nghĩ rồi cười, dù tự xỉ mình khùng mà không dứt ra được. Tôi mang đôi mắt đầy nước ấy vào giấc mơ. Trong giấc mơ hoa khế cuối mùa cũng rụng đầy một thảm tím miên man như thế.
Trưa hôm sau, nó chìa tay bảo tôi đưa món quà để chút trực cờ đỏ nó thực hiện sứ mệnh tôi đã giao, tôi thay đổi thái độ. Tôi chẳng nhớ cụ thể mình nói gì, chỉ nhớ đại khái là việc của tôi để tôi tự lo. Sợ nó sẽ tỉ tê với Trang tôi bắt nó hứa là không được hỏi Trang về chuyện quà sinh nhật. Và tôi làm nó buồn. Sao tôi có thể ngăn được cảm giác tổn thương trong lòng nó khi mà chính tôi đã kéo nó vào cuộc, coi nó như đồng minh và coi món quà này là tác phẩm của cả hai rồi khi chúng tôi sắp sửa về đích thì tôi lạnh lùng đá một phát hất nó ra xa. Nhưng giá mà nó hiểu khi nó nói lẫy “Em biết rồi đỏ, em không xen vô chuyện của anh Tộp với chị Trang nữa mô” rồi cả mấy tuần liền nó ngồi im lặng sau xe tôi đã buồn đã tổn thương còn hơn nó. Giá mà nó hiểu món quà đó tôi chỉ dành tặng riêng cho mình nó…
Và tôi cất tất cả từ đó đến giờ. Nhưng hôm nay tôi đã dũng cảm thừa nhận lòng mình, thừa nhận với nó dù chỉ là chút kỉ niệm cũ càng…
- Anh Tộp! Anh Tộp như ma á hỉ?!
Tôi giật bắn mình như bị ai nắm thóp, nhanh hơn cả suy nghĩ, tay tôi tự động đút cặp giấy đang cầm vào lại cuốn sách, nhét sách vào tủ, đóng cái rầm xong khóa tủ lại. Tôi rút chìa khóa cất vào chỗ lúc nãy, phải nhốt chúng lại trước khi chúng kịp thức giấc. Tôi hành động nhanh và chắc chắn như người đang bị truy sát đi một bước tính một bước không được sai dù chỉ một ly. Tôi đang trong một cuộc chạy trốn khẩn trương mà cảm xúc, kỉ niệm và cái đứa đang đứng trước mặt tôi vào vai sát thủ. Dũng cảm đâu chẳng thấy, khoảnh khắc ấy Bé Ti mà biết tôi đang cầm thứ gì trên tay, hoặc hai con bươm bướm ấy hiển linh thức dậy kể hết với Bé Ti nỗi lòng khờ dại của tôi thì tôi sẽ chết.
- Anh Tộp bu trực thăng ra thiệt luôn đó hả?
Nó vui vẻ đến ngồi chỗ bàn nước nhìn tôi. Tôi ú ớ một chặp mà chẳng nói được gì nên chỉ cười trừ. Tôi mở khay đựng bánh mứt mạ bỏ sẵn trên bàn để tiếp khách, bốc một nắm hạt dưa mời nó rồi rót trà trong bình ra ly dù nước trà đã nguội ngắt. Tôi cố lấp liếm sự vụng dại, ngượng ngùng của mình. Thấy tôi im re, khác với kiểu nói chuyện tào lao hai hôm trước nên nó nhìn tôi vẻ thăm dò. Nó hạ giọng.
- Anh Tộp mới ra chừ luôn à? Hồi sáng em qua có thấy mô.
- Ờ, lên tàu chiều mùng Một, mới tới nhà khi nớ đó. - Tôi nhìn quanh nhìn quơ, mắt không dừng lại ở một điểm nào cố định.
Câu trả lời trống không, tôi cố để không dùng đại từ nhân xưng vì không muốn cứ mãi mi - tau với nó, lớn cả rồi nghe kỳ lắm nhưng chẳng biết xưng thế nào để không ngượng miệng.
- Anh Tộp gặp bác chưa? Chu chà, bác mờn lắm đỏ. Anh Tộp không ra, chị Bé không về bác khót sưng mặt luôn á.
- Gặp rồi. May về đúng lúc hai ôn mụ[2] chuẩn bị qua ngoại.
Tôi trầm ngâm, chắc do nó nhắc đến mạ. Bé Ti là đứa tinh ý và có lẽ nó rất hiểu tôi, nó hỏi tôi có chuyện gì mà sao thấy tôi lạ lạ. Sao tôi nói không về rồi cuối cùng bất ngờ xuất hiện giữa Tết thế này. Nó hỏi chân thành đến nỗi dù tôi có ngậm cả tấn lạnh lùng, có ăn cả tạ giả dối cũng không thể không trải lòng với nó. Nhất là khi câu hỏi của nó đến vào lúc cái túi cảm xúc trong tôi đã căng tròn đến miệng. Tôi kể hết cho nó nghe về em, về sự dằn vặt cứ cuộn chặt trong lòng khi tôi sém để mình mắc kẹt trong mớ cảm xúc lẫn lộn đến đáng sợ. Chưa bao giờ tôi thẳng thắn nói về mình như thế, cũng chưa bao giờ tôi thừa nhận với ai khác là tôi đã thấy mất phương hướng cuộc đời. Tôi đã tìm không ra động lực phấn đấu Tôi đã sống tẻ nhạt vô vị đến nỗi bản thân không biết mình cần gì và thích gì. Trong phút động lòng dốc cạn bầu tâm sự như kẻ say ấy tôi đã trả nó và tôi về đúng với tuổi của mình. Đó là lần đầu tiên tôi thôi nhìn nó như nhìn con Bé Ti hồi nhỏ, thôi xưng mi - tau với nó mà cho mình một đại từ đúng với tuổi: Anh. Đáng ra tôi phải làm điều này từ lâu rồi.
Nhưng tiếc thay, tôi kể say sưa chuyện đã qua còn phần hào hứng nhất tôi chưa kịp nói thì nó về mất. Ngoài ngõ vang tiếng xe máy lạch bạch chạy vào sân nhà tôi, là khách của ba mạ đến thăm chúc Tết. Hết lượt tôi giờ đến nó ngập ngừng, nó đứng dậy chào tôi về. Nó nói lí nhí trong miệng nhưng tôi đang căng tai nên nghe thật rõ.
- Thôi, em về anh… hí.
Nó ngừng lại một quãng sau tiếng “anh” phát ra nhẹ như gió ấy. Theo thói quen, nó sẽ nói “anh Tộp” nhưng lần này nó vứt bớt đi cái tên “Tộp, Tộp” buồn cười ấy của tôi. Có lẽ nó cũng đang cố trả tôi và nó về đúng tuổi của mình như tôi đã làm. Nó quay đi thật nhanh rồi biến mất bên hàng chè tàu. Tôi thầm tiếc ngẩn tiếc ngơ, tôi còn chưa kịp kể cho nó nghe vì sao tôi nhất định phải về nữa mà. Vì mạ vì ba và rất nhiều phần là vì nó đó, nó có biết không?
Tôi tiếp khách xong thì chạng vạng, Khe Trong lên điện lên đèn lập lòe xanh đỏ. Lát sau, ba mạ về xách theo khoen thịt ba chỉ gói trong lá chuối mệ ngoại gửi cho tôi. Ba đã thấm chút men ngà ngà say nhưng cả năm mới gặp thằng con độc nhất nên ba vui, ba không đi ngủ sớm. Mạ được mùa tám chuyện với mấy o trong xóm, rôm rả cả nhà dưới bỏ mặc tôi với ba loay hoay quạt than nướng thịt. Mạ đã chẳng quan tâm thôi thì tôi với ba tự xử theo kiểu của những “người trong giang hồ”. Ba rưới mắm muối lên khoen thịt rồi xâu cả khoen cho lên than nướng đến cháy sém, mỡ chảy nổ lốp bốp rớt xuống than hồng làm lửa phật bần bật. Hai cha con túc tắc hàn huyên bên cái chén lúc lưng lúc đầy thứ rượu quý ba cất hơn nửa năm có lẻ. Thấy chưa đủ ồn ào, tôi rủ ba bật ka-ra-ô-kê phá xóm phá làng một bữa để cả xóm biết thằng con ông Thiện mới về, nhà ông Thiện không ăn Tết đìu hiu vắng vẻ. Ba bật nhạc, tôi gật gù lấy đũa gõ vào thành chén hát theo ba. Âm nhạc lúc ta say, lúc ta vui ngất ngưởng nó cũng say cũng ngất ngưởng theo từng tiếng nhịp đầy ngẫu hứng. Lời bài hát chạy nghiêng trên màn hình, trước mặt tôi mọi thứ cũng nằm nghiêng.
Tôi không nhớ nổi ba và tôi ca hết mấy bản thì dừng, cũng không biết là ba đã dìu tôi hay tôi dìu ba về chỗ ngủ. Chỉ nhớ là chúng tôi đã vui như Tết, chúng tôi cười chúng tôi hát chúng tôi say sưa khoác vai nhau lúc lắc đi hết những bản nhạc vàng trong cuốn băng cát-sét rè rè hai chục năm trước.
Tôi thức dậy khi bụng đã cồn cào, ánh sáng bên ngoài hắt qua cánh cửa sổ khép hờ làm tôi lóa mắt phải lim dim hồi lâu mới mở ra được. Nhà dưới, tiếng ba và mạ nói chuyện vọng lên thấy xa nhưng vẫn đủ nghe. Hình như ba cũng vừa mới dậy.
- Hai cha con mần chi như đầm chay hát bội khôn cho làng xóm họ ngủ. May mà Tết chơ khôn họ tới họ dợ nhà lọng chừng.
- Được ba ngày Tết mà dợ răng được.
- Cái thằng nớ hát cho lắm chừ còn ngủ, e khôn khéo hắn ngủ thấu chiều.
- Ưa ngủ chừng mô cho ngủ thoải mái. Mạ mi răng khó rứa hèo.
- Ơ ờ, tui khó chi rứa hèo. Kêu con dậy cho hắn ăn cả canh nguội mà nói khó. May vét vại còn được ít dưa chua đủ nồi canh đặc đặc. Để nguội sợ cá tanh ăn khôn ngon.
Mạ nhắc đến canh dưa chua nấu cá làm tôi thấy đói thở ra cả lỗ tai. Giờ tôi mới đủ tỉnh táo để nghe thấy mùi thơm của dưa chua, cá béo và lá ném từ nhà dưới bay lên. Mạ nấu canh chua cách mấy nhà còn nghe ra mùi thơm đậm đà ám ảnh này. Mùa nào thức nấy, tùy từng buổi chợ mạ lựa những thứ rẻ mà tươi theo mùa muối. Khi vại dưa chua đến độ ăn được, mạ mở vại ra thôi tôi ngồi ở nhà trên nước miếng đã vón thành cục. Mấy o trong xóm hay đến nhà tôi xin nước chua về làm cái. Hồi trước, mạ muối dưa chua là để làm được nhiều món dễ đưa cơm, sau dần nó thành đặc sản của mạ vì chị em tôi nhớ mạ là nhớ canh chua. Tết nhất nhà người ta trữ nem trữ chả, nhà tôi trữ đầy một vại dưa chua. Đi xa, nhớ mạ, thèm canh chua ròng rã cả năm trời nên dạo nào về cũng tranh thủ ăn ngày ba bữa, ăn bù cho những xa mạ. Tôi ở Sài Gòn nếm qua đủ kiểu canh chua nam bộ, thực lòng không dám chê dở nhưng vẫn cứ khắc khoải quay quắt thèm vị chua hơi gắt do tay mạ muối. Không chờ mạ lên lôi dậy như mọi khi, tôi sẽ tự nguyện lết xác xuống trước để mau chóng húp soàn soạt tô canh cho đã thèm. Tôi xoay người, thò chân xuống nền quờ quạng tìm đôi dép. Giọng mạ ở nhà dưới vẫn vang lên đều đặn.
- Ba mi ăn thử nem chả ni nì. Của Bé Ti đỏ, nhà trên nớ mới về thăm coi mắt.
- Dòm ngon hèo. Rứa họ xin ngày mô cưới chưa?
- Nghe nói chưa coi được ngày mà chắc tháng Ba ni cưới.
Tiếng chậc lưỡi của mạ, tiếng chạm đũa vào đĩa sứ của ba nghe mồn một.
- Cũng hơi dùng dằng, nhà gái thì nói vội quá ưa để tới tháng Chín mà nhà trai thì sợ tháng Chín trúng mưa lụt mệt.
- Rứa thì chọn tháng mô giữa năm cho hợp với cả hai bên.
- Cầm hèn chi ba mi chưa có dâu, nói nghe ngó lạ lẫm. Chuyện cả đời con người ta, ba mi làm như ưa khi mô cưới khi nấy được rứa. Tuổi con Bé Ti chỉ có hai tháng nớ là xuất giá được. - Mạ rầy.
- Nghe mắc mệt. Chậc, rứa là mấy tháng nữa con Bé Ti lên trên nớ, tụi con nít hết chỗ học Tiếng Anh cha rồi…
Hai tai tôi lùng bùng rồi ù đặc không nghe thêm được gì ngoài tiếng lá lao xao hát trên những ngọn đồi. Cả tiếng nước róc rách như rỉ ra từ đá của con khe mùa cạn. Cả tiếng vườn khuya giun dế nỉ non. Cả tiếng thảng thốt giọt sương ngậm trăng rớt trên tàu lá chuối. Và cả tiếng cười giòn vang của tôi, của nó, của chúng tôi những ngày xa ngai ngái trong thời gian nhưng lại gần ngay trong ký ức. Gần như một cái chạm tay thôi mà mãi mãi tôi không về lại được. Ba tháng nữa xóm Khe Trong vắng bóng “Lớp TA Tina”, ba tháng nữa xóm Khe Trong vắng bóng một người, còn tôi, tôi vắng cả một quãng trời xanh lồng lộng thương nhớ.
Sau thoáng chơi vơi mất điểm tựa, tôi lấy lại được sức để giữ cho mình ngồi thẳng. Chút men còn lại trong người vừa theo dòng cảm xúc vi vu đâu đó ngoài kia. Tôi thấy mình tỉnh táo. Tỉnh như chưa khi nào được tỉnh đến thế. Khe Trong vắng đi một người Khe Trong vẫn chảy, cớ gì tôi lại đứng im. Phải đi chứ, đi về phía của tương lai dù vắng xa khoảng trời nhung nhớ ấy. Gần ngay bên kia là cánh cửa tủ thờ nhốt một câu chuyện ngót nghét mười lăm năm. Đã đến lúc tôi mở toang cánh cửa giải thoát những ẩn ức của mình. Chút nữa tôi sẽ mang bí mật của hai con xanh vàng Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ấy sang cho Bé Ti như một lời thú tội với nó, với tôi, với những ngày xa trong trẻo của chúng tôi. Nó sẽ phá lên cười, rồi tôi cũng phá lên cười “Ngu quá chơ mô!”. Tôi hi vọng Bé Ti sẽ nhận món quà ấy, sẽ cất nó như cất một kỉ niệm đẹp. Và sau chót, nó sẽ kể cho con cái nó nghe cũng như tôi kể cho con cái mình nghe rằng Khe Trong có một thằng Tộp ngu ngơ khờ khạo như thế. Cảm ơn nó đã đưa tôi về lại Khe Trong, để tôi, trong mấy ngày ngắn ngủi đã tìm ra đáp án của cuộc đời mình, và hơn thế nữa là tìm thấy chính mình.
Tôi sẽ về. Về hẳn. Về, không tha phương nữa. Về với mạ với ba với Khe Trong. Về ăn dưa chua mạ muối, về nghe nhạc vàng ba hát, về sống cuộc đời của chính tôi, một cuộc đời riêng và duy nhất. Bé Ti đi rồi Khe Trong buồn biết mấy, tôi cũng buồn biết mấy. Nhưng năm tháng dài rộng thế, nỗi buồn nào rồi cũng sẽ nguôi ngoai chỉ thương nhớ là ở lại, như lòng Khe Trong mênh mang dặt dìu mùa đầy mùa cạn. Tôi quyết rồi, không biết bằng cách nào nhưng tôi sẽ gánh thay phần việc của nó. Khe Trong nhất định đông vui, sôi nổi hơn bây giờ. Tôi đẩy tung hai cánh cửa sổ nhìn ra vườn. Mồng Ba Tết nắng nhẹ vàng phai rớt những chấm tròn như những mặt trăng nhỏ nhảy nhót trên nền lá mục dưới tán cây. Cây khế chua nơi góc vườn già thêm mười mấy tuổi nom xù xì hơn một chút nhưng chồi non lá biếc vẫn rẽ lớp vỏ đen thô ráp mơn mởn trồi ra. Vài tháng nữa thôi là khế đơm bông trải thảm tím hồng, góc vườn sẽ lại rộn ràng từng đàn xanh vàng có cánh dập dìu. Không biết rồi đây ai sẽ lượm bông khế phơi khô và ai sẽ rình bắt những Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài ấy? Tôi mơ màng thấy mình trong phòng học bên con laptop với những bản ghi-ta xưa như Trái Đất. Trong playlist, đầu tiên sẽ là bản Romance. Và, như mọi khi, trái tim tôi còn đập là còn tan chảy ngọt ngào trong Romance, còn nhảy múa thánh thót trong Fur Elise, còn thổn thức trong Million Scarlet Roses… dù bên kia hàng chè tàu cửa phòng im ỉm khóa, dù bên kia hàng chè tàu không còn ai thức cùng. Chỉ còn trăng. Trăng hững hờ rót từng giọt dịu mát trên tàu lá chuối. Trăng phủ một lớp óng ánh ngọc ngà lên hạt sương đêm như hạt cườm trên cổ con gái. Chỉ còn nắng. Nắng ủ trong gốc rạ, trong hòn đất, trong lớp lá khô, trong củi bạch đàn và ủ trong làn tóc ai đó thơm đến nồng nàn, thơm như là kỷ niệm…
 - Bơ Tộp, dậy con!
--- HẾT ---



[1] Và: dùng đũa đưa cơm vào miệng
[2] Ôn mụ (tiếng địa phương): ông bà





Về khi nắng còn thơm (11) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (11) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 8:52 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.