Về khi nắng còn thơm (10) - Lệ Hằng


BÊN KIA ĐÈN CÒN SÁNG?
***
VỀ KHI NẮNG CÒN THƠM
TRUYỆN DÀI – LỆ HẰNG
*(10)*
Phần 2:  NẮNG TRÊN LÀN TÓC THƠM
*****

Tôi lên thành phố học bỏ lại mùa hoa khế bơ vơ, lâu lâu tôi mới đạp xe về thăm một lần và phải đến hè mới được ở nhà chơi một tháng. Giờ cũng đang là hè nhưng hè năm nay rất đặc biệt. Tôi sắp thi Đại Học, chuẩn bị được vác ba lô vào thành phố có thật nhiều chiếc quần không đáy mà Chị Bé đã mơ. Tôi chỉ mua phiếu học thêm đến tháng Năm. Qua tháng Sáu các lò luyện thi bắt đầu chiến dịch luyện thi cấp tốc thì tôi rút về hậu phương phè phỡn ăn cơm mạ nấu. Ba năm lê lết hết trung tâm này qua trung tâm khác quá đủ rồi, giờ tôi tự học. Được dịp ở nhà lâu thì chẳng có chỗ chơi vì tụi bạn ở quê kéo nhau lên phố học ôn cả rồi. Tôi đi ngược, không hòa vào dòng chảy chung của tụi nó thành thử ra tôi cô đơn. Cô đơn cũng có cái hay riêng của nó. Nhờ cô đơn mới có thời gian la lết mài mông từ đầu xóm cho đến cuối xóm Khe Trong. Ba năm tạm gọi là xa nhà vắng tiếng hú hét hoang dã của lũ bạn chăn trâu, vắng tiếng gió vi vút trên những đọt bạch đàn, vắng cả tiếng nước vỗ dặt dìu con Khe Trong mát rượi… đủ để làm tôi say sưa vẫy vùng trong những thanh âm trong trẻo, hồn nhiên, êm ái ấy. Tôi đằm mình trong đó với trái tim hừng hực khát vọng về một bầu trời lạ cách nơi tôi đang đứng cả nghìn cây số. Cảm giác được thỏa sức tắm nắng, được sùng sục chân trong bùn, được thả mình rơi tự do xuống lòng Khe Trong mát đến từng tế bào khi lòng đã sẵn sàng cho một chuyến đi xa (chuyến đi mà tôi cho là sứ mệnh cao cả ba mạ đặt lên vai mình) thật vô cùng đặc biệt. Tôi nằm sóng soài trên triền cỏ dưới cây lộc vừng gặm mấy cây cỏ sùng thiu thiu nghĩ ngợi, chẳng biết màu trời nơi ấy có xanh hơn?
- Răng trong nhà không nằm mà ra đây nằm tội rứa anh Tộp?
- Cho mát. - Tôi ngồi xổm dậy trả lời tự động như cái máy.
Hội mót củi do Bé Ti làm đại ca dẫn đầu xếp hình vòng cung mắt tròn mắt dẹt nhìn tôi. Đám có bảy tên thì hết ba tên của nhà Bé Ti. Mười mấy con heo cả nái lẫn thịt đang chờ chị em nó lượm củi về nấu cháo heo. Tổng kết mùa nắng nào củi cũng chất đầy gian bếp, chất đầy mái hiên, gác đầy chuồng heo và dựng thành đụn từ đầu sân đến cuối sân. Cứ đầu giờ chiều là thấy ba cái mũ rộng vành nhấp nhô sau hàng chè, tiếp đến là ba cái bóng con con trong chiếc áo dài tay rộng thùng thình hăm hở đi về phía khe, vừa đi vừa hú. Lát sau, cả hội tíu tíu khuất hẳn dưới khe. Mùa này gió nam thổi hanh hao bỏng rát, ai nấy bán “than”, than ngày than đêm sao mãi chưa tới mùa mưa nhưng với hội mót củi thì mùa này là mùa bội thu. Phải nắng ngày này qua ngày khác như thế này rồi lâu lâu cho trận mưa giông, gió quật rào rào mới bội thu củi bạch đàn được. Ai than nóng than rát chi mặc kệ, tụi nó chỉ cầu mùa nắng kéo dài.
Nhìn hội mót củi tôi bỗng cuồng chân muốn theo tụi nó qua bên kia khe nghe tiếng gió, tiếng lá, tiếng củi xào xạc răng rắc như hồi xưa đi bẫy chim miều. Ngồi một chỗ thì thấy nóng ran nhưng đi như vậy lủi hết nương này qua nương khác nép dưới bóng râm lại không thấy nóng mà chỉ thấy xót vì lá vì cỏ quất vào người.
- Tụi bây đi mô mà đông gớm rứa? Tau đi với nờ.
- Mót củi.
- Anh Tộp đi không?...
Cả hội nhao nhao như vịt. Nghe rang rảng muốn chóng mặt nhưng lòng thấy vui vui, tụi con nít trong xóm thường ưa nói chuyện với tôi để nghe tôi kể về thành phố và tôi thường thêm mắm dặm muối cho tụi nó tò mò, mơ mộng.
- Anh Tộp nói chơi đó, mấy đứa bây ngơ ngơ. Anh Tộp mà đi mót củi e trời sập.
Bé Ti lên giọng thánh thót, nó còn kéo dài hai từ “trời sập” đầy giễu cợt. Tôi nhất quyết đứng dậy. Tôi sẽ theo tụi nó qua bên kia khe vi vu trên cồn dưới hát. Tôi nhìn nó, mặt tưng tửng.
- Răng biết trời sập hay rứa? Khinh tau không biết mót củi à.
Nó bối rối.
- Mót củi thì ai không biết có điều…
- Có điều răng?
Tôi làm mặt nghiêm trọng chọc nó.
- Thì, thì anh Tộp mắc ôn thi Đại học đồ tề. Với lại có khi mô anh Tộp mót củi mô nờ.
- Đi, đi anh Tộp. Ngày ni là phải qua bên tê hát, vô gần lùm lận. Mấy chỗ ngoài ni mót bắt hết rồi. - Tụi nhóc cười hề hề tóm tay tôi kéo đi.
Bữa giờ tụi nó đã vơ hết củi ở những chỗ gần nên đi mãi mà vẫn chỉ thấy mấy que bạch đàn bé hơn cả đầu đũa. Cả tháng nay trời chưa rớt giọt nước mưa nào thì lấy đâu ra giông gió cho củi rụng nên phải hành quân một quãng xa đến heo hút mới lượm được củi to.
Chúng tôi lội hẳn xuống hát đi giữa một rừng hoa tim tím bạt ngàn từ đầu hát đến cuối hát. Cây me rừng mọc xâm xấp quá đầu gối tôi một chút. Hoa me tím đằm không tươi như hoa sim, trái nó chín nở bung ra từng múi nhỏ ăn ngọt ngọt chát chát, màu tím than lem ra cả lưỡi cả môi bám dai như đỉa, nuốt nước miếng suốt buổi chẳng chịu phai. Miệng đứa nào cũng đã lem nhem như thế mặc cho trên tay chỉ mới dăm ba que củi. Lá me dày và nhám như có lông trên bề mặt cà vào chân vừa nhột vừa xót. Nắng nhả lớp lớp thảm vàng xuống hát, chúng tôi nhìn ra xa thỉnh thoảng thấy trảng xanh xanh tím tím ánh lên loang loáng như khi nắng chiếu vào mặt Khe Trong. Lội qua khỏi hát là đến gần Lùm Xa. Văng vẳng xa xa là tiếng chim chù huýt, tiếng gió réo rắt, tiếng vượn gọi bầy. Bé Ti dặn dò địa điểm tập kết rồi chia nhau mỗi đứa mỗi góc lượm củi. Chỉ đi vòng vòng ngoài lùm chứ tụi nó có gan cóc tía cũng không dám chui vào lùm. Khác với lùm bạch đàn ngay sau Nương Gần, cây cối ở đây xanh um tươi tốt lạ kỳ và chưa từng qua bàn tay con người khai phá. Lùm nguyên sơ như một xứ sở thần bí từ thuở nào giờ. Hồi còn rong ruổi bẫy chim miều, tôi và thằng Tèo từng chui vào lùm đợi chim mắc bẫy, hai thằng lấm lét nhìn nhau. Kỳ thú lắm, dù bên ngoài nắng như đổ lửa nhưng trong lùm lại tối om, bóng râm phủ kín trên đầu không một vệt nắng nào xuyên qua được. Mé tré, chạc chìu, đùng đình, bòng bong, móc, ban… cùng cả hệ cây cối chưa biết tên mọc đan chằng chịt thành mái vòm dày như được đổ bê tông, mưa nhẹ nhẹ đừng hòng ướt.
Bé Ti chẳng chia cho tôi địa phận nào để lượm củi nên tôi lang thang chỗ này tí, chỗ kia tí chơi. Tôi tranh thủ rút từ trong bụi những thanh củi dài, chắc rụi để thành một đống làm quà cho tụi nhỏ. Tôi về chỗ Bé Ti dặn lúc nãy, chẳng thấy bóng đứa nào quanh quẩn gần đó. Chợt nhớ lại bụi Móc ở góc lùm hồi xưa tôi hay hái, tôi rảo nhanh đến đó. Nó nằm bên kia lùm nên phải giật bớt đám dây chạc chìu rồi rẽ lối chui qua. Bao lâu rồi tôi không bẫy chim miều, không còn tìm những chỗ hoang liêu vắng bóng người nhiều tiếng chim, không còn thấy mình cũng man dại như người rừng Tarzan nên lúc chui vào lùm cảm giác rờn rợn bủa vây lấy tôi. Mấy năm rồi tôi gần con người, xa rừng rú, tôi biết sợ rắn, sợ rết sợ đủ thứ. Nhưng sợ có chút thôi vì bản năng lỳ lợm đã sẵn trong máu nên trỗi dậy rất nhanh, tôi hái đầy một mũ hạt móc mới chui ra.
Tôi về lại chỗ cây bạch đàn. Bé Ti chọn địa điểm tập kết hay thiệt, mát rượi luôn à. Tôi gối đầu lên số củi lượm cho tụi nó nhâm nhi chùm Móc đen căng bóng mập mạp vừa mới hái. Nếu không xả thân chui vào lùm dễ gì có được một chùm chín mọng như thế. Gần Khe Trong cũng có mấy bụi Móc nhưng hạt bé hơn cả ngón tay út lại chẳng ai đợi được đến khi nó chín. Thường vỏ chỉ ngả sang màu tím than và chưa kịp bóng đã vặt trụi. Đứa nào cũng nghĩ để thêm hôm nữa thì đứa khác sẽ cuỗng mất chẳng tới lượt mình nên dù chát cũng gặm, có còn hơn không. Cây dại mọc hoang cứ ăn là ghiền nhưng lại chẳng thể ăn nhiều. Tôi gặm được một lúc thì bắt đầu xót ruột. Tôi ngửa cổ lên trời nhìn đám lá bạch đàn xanh bóng chao qua chao lại, một cảm giác gần gũi thân quen ập đến tựa hồ như chỉ khép mắt lại thôi là tôi thành thằng Tộp đầu trần giang nắng xách lồng bẫy chim hết lùm này sang lùm khác. Tôi say sưa trong tiếng gọi của đại ngàn và sắp sửa chìm vào giấc ngủ.
- Anh Tộp mót củi thiệt luôn đó hà!
Nó chỉ tay vào đống củi tôi gối trên đầu vẻ bất ngờ khoái chí lắm. Đang miên man cảm xúc thì bất thình lình nghe giọng nó bên tai rồi thấy nó lù lù đứng cạnh, người tôi bật dậy như lò xo. Nó chẳng quan tâm gì đến tôi, nó chỉ chăm chăm nhìn củi.
- Chu cha, toàn củi to khôn rứa thê. Tụi em mót bắt mệt mà toàn củi nhỏ ni.
Điệu bộ xuýt xoa của nó mới buồn cười làm sao.
- Ri e trời sập cỏ. - Tôi tỉnh khô.
Nó cười bẽn lẽn đặt bó củi to gấp mấy lần bó củi của tôi xuống bên cạnh. Chợt nhớ lại chùm Móc, tôi đưa hết cho nó.
- Oa, anh Tộp giỏi a rứa! Hái chỗ mô ri? Khi chừ em dòm quanh mà răng em không thấy hột mô hết.
Tôi định chỉ cho nó chỗ tôi đã hái, nhưng lại thôi.
- Mi thì biết cái chi. Tau hồi xưa là chúa tể chỗ ni đây, Móc hay Muồng chi tau nhắm mắt cũng hái được.
Ánh mắt nó toát lên sự ngưỡng mộ xuýt xoa. Giây sau nó thay đổi trạng thái, cuống quýt vừa nói vừa quay lưng đi.
- Chết cha, sắp mưa to. Em phải kêu mấy đứa tê về cả khôn kịp.
Trời đã tắt nắng từ lúc nào, gió đổi chiều thổi rào rạt. Theo thói quen, Tôi nhìn về Động Truồi. Một lớp mây chì ôm lấy dãy núi có hình đòn gánh ấy. Sắp mưa thật rồi và sẽ là mưa to như nó nói. Tôi hớt hải tìm bụi chạc chìu bứt sẵn một nắm to đợi tụi nó ôm củi về bó cho nhanh. Tôi bó củi của nó và của tôi thành một bó, bẻ vứt bớt mấy que vù vờ rồi thổ một cái thật mạnh xuống đất. Bó củi đứng phắt vững chãi. Chút nó về thấy vậy không khéo nó lại tưởng ông bụt hiện lên bó củi giúp tôi nữa mới đau chứ.
Những đám mây chì vần vũ nhau ở chân trời phía Nam trôi dần về chỗ tôi mỗi lúc một nhiều. Trời đen kịt như sắp sập xuống, tứ phía mây không là mây. Tiếng hú tập hợp đội quân của Bé Ti vang lảnh lót giữa bạt ngàn đồi nương, đập vào vách núi vọng lại như có ai đang nhại giọng của nó. Năm phút sau, cả hội lũ lượt ôm củi về.
Không kịp nữa rồi, gió mỗi lúc một mạnh dần, tán cây bạch đàn vun vút, bụi tre hóp bụi lồ ô rào rạt, trong lùm tiếng gió lúc réo rắt lúc vù vù… Cả một vùng hoang sơ dậy sóng. Rất dữ dằn, gió cuốn đám lá khô theo vòng xoáy của mình rồi đập vào người chúng tôi, cỏ lá rác rê vương cả trên tóc, mắt mũi kèm nhem đỏ kè. Tôi khẩn trương, chân giẫm mạnh lên bó củi tay siết chặt sợi dây chạc chìu. Những ôm củi tụi lòa xòa tụi nó khệnh khạng tha về giờ kích thước còn lại chưa được phân nửa.
Bó xong củi thì trời rắc những giọt nước đầu tiên, những giọt nước hiếm hoi mà gần tháng nay ai nấy chờ đợi. Cả lũ cóc nhái chàng hiu ệng oạng cũng ngửa cổ lên trời gọi mưa. Mấy hôm nay chiều nào trời cũng làm bộ đử giông, nực không chịu thấu. Chiều nào đử giông mạ cũng đi vào đi ra bắt mặt nhìn lên rồi thở dài thườn thượt “Ngó ri chơ đâm lủng ôn chưa chắc ôn đã mưa cho giọt”[1]. Vậy nên hội đồng lượm củi mới tự tin đi xa thế này. Chẳng biết đàn cầu mưa được lập ở đâu mà linh quá, đang nắng bỗng dưng mưa. Thiên lôi sấm sét giương búa rạch trên nền trời những vệt sáng ngoằn ngoèo đứt gãy. Củi khô răng rắc lìa khỏi cành. Bé Ti hốt hoảng ngó qua ngó lại tìm chỗ trú mưa. Phải ra khỏi địa điểm tập kết ngay trước khi chẳng may củi rớt trúng đầu. Tôi chỉ tay về phía bụi tre chỗ thông qua lùm. Tre chỗ đó tốt đến lạ kỳ, đuôi tre cong vút, cùng với chạc chìu bòng bong đùng đình đan qua đan lại như một mái nhà che mưa dựng sẵn cho chúng tôi. Tôi đội lên đầu bó củi to nhất, tay xách thêm một bó nhỏ nữa dẫn đầu đoàn quân đang sợ xanh mặt về nơi ẩn nấp.
Bé Ti phụ tôi hái một ôm to lá đùng đình rồi cố lăn củi vào sát bụi tre lấy chỗ cho chúng tôi ngồi. Tám con người chen chúc dưới vòm lá tre rộng có hơn hai mét mà tưởng như lạc vào lâu đài, vui như hội. Tụi nhỏ leo lên ngồi chễm chệ trên đống củi, nét mặt hồng hào trở lại. Tụi nó nhìn mái lá rào rạt trên đầu rồi thích thú đưa tay hứng những giọt nước đầu tiên đâm thủng mái, chui tọt xuống đất. Bé Ti chia cho mỗi đứa một ít lá đùng đình làm dù che mưa. Tôi cũng được chia mấy cành đùng đình xanh bóng bẩy, tôi che hờ trên đầu cho giống với tụi nó dù người tôi so với với đám lá phải gọi là kệch cỡm. Tiếng sấm nổ nghe gần bên tai, những đường sét dữ dẵn rạch ngang khoảng trời trước mặt, gió và mưa quyện vào nhau ào ào tựa thác đổ. Vậy mà giữa rừng mưa trắng xóa ấy, dưới bụi cây đang oằn mình trong gió tiếng cười khúc khích vang lên không ngớt. Bé Ti ngồi nép một bên gần sát với mé ngoài cùng nên lưng áo đã ướt đẫm. Trú mưa là để tránh gió lốc, củi rơi, sấm sét chứ tránh sao được nước trời dội xuống như xả lũ. Tôi cũng bắt đầu ướt, nước mưa rớt trên đầu chảy xuống miệng xuống cổ theo đuôi lá đùng đình. Tụi nó không sợ ướt người mà chỉ sợ ướt củi nên ngồi khom khom che cho đống củi. Giờ Bé Ti mới nhớ đến mũ hạt móc, nó chia cho mỗi đứa một chùm. Đứa nào đứa nấy xuýt xoa cắn từng chút một dè xẻn như sợ hết.
Tắm mưa một lúc chúng tôi bắt đầu thấy lạnh, môi đứa nào đứa nấy tái nhợt đi. Mệt, đói, cộng thêm mấy chùm Móc làm xót ruột nên tiếng cười thưa thớt dần. Tụi nó chắp tay cầu trời tạnh. Riêng tôi thấy cái cảnh nghe mưa ngắm mưa giữa trập trùng đồi núi này mới thi vị làm sao và cảm giác mình là chỗ dựa, mình đang che chở bảo vệ cho đàn em mới đặc biệt làm sao. Tôi trấn an tụi nhỏ bằng lời hứa chút nữa tôi gánh củi về giùm. Chúng tôi ngồi im bắt mặt nhìn ra ngoài, mặc cho nước dội tầm tã trên đầu.
- Mấy đứa biết vì răng chiều ni trời mưa khôn? - Bé Ti lên tiếng làm bầu không khí thay đổi hẳn.
Tôi cũng như tụi nhỏ tò mò bật ngay câu hỏi.
- Vì răng?
- Vì anh Tộp đó chơ răng?
Và tôi cũng nhướn mắt lên nhìn nó chờ câu trả lời, y hệt tụi nhỏ.
- Anh Tộp mót củi nên trời cảm động trời mưa đó. Trời không sập là may rồi đỏ.
- Đúng rồi. Tại anh Tộp hết. Rứa chừ bắt anh Tộp đền đi.
Tôi lườm Bé Ti “hừ” một tiếng.
- Giỡn giỡn khan rứa mi.
- Rứa lần sau đi đừng rủ anh Tộp đi nữa hỉ. - Thằng em út của Bé Ti hồn nhiên nhìn chị nó.
- Tụi bây phải cảm ơn tau mới đúng. May có tau đi theo, tau bó củi nhanh mới vô đây trốn kịp chơ khôn bây mần răng.
Những tiếng gật gù tán thành vang lên khe khẽ.
- Chi rứa, nếu anh Tộp không đi thì trời có mưa mô mà trốn. - Bé Ti đáp trả.
Không thể để mình thua lý khi đấu khẩu với một đứa con gái được.
- Cứ cho là do tau thì bây cũng phải cám ơn tau. Bây nghe củi rụng khi chừ khôn?
Tụi nó gật đầu.
- Nhờ tau đi mót củi trời mới mưa mà mưa thì củi rụng cho tụi bây lượm. Chu cha, mai bây đi quanh xóm thôi cũng mót được củi, ngon quá rồi chơ chi nữa.
Bé Ti không nói lại tôi được nữa, nó cười vu vơ, hai mắt khép lại chỉ còn thấy hàng mi cong vút.
Mưa ngớt, tôi ra ngoài kiếm thanh củi to cỡ bằng cánh tay làm đòn gánh. Phải bó lại các bó củi với nhau lần nữa, hai đầu hai bó gánh về. Còn lại ba bó nhỏ thì Bé Ti và hai đứa lớn đảm nhiệm. Mấy đứa nhỏ hơn được đi về tay không mặt mày hớn hở. Củi đã thấm nước nặng như đá tảng. Hoặc có thể do tôi lâu ngày quá không gánh rơm gánh lúa nên không quen, cái vai nhức nhối như ai nghiến làm tôi phải đổi từ bên này sang bên khác liên tục. Dù vậy, tôi cố giữ thẳng người bước đi thản nhiên, miệng vẫn tếu táo nói đùa. Mỗi khi cần đổi vai tôi xoay đòn gánh làm như tiện tay đổi qua đổi về cho có thế dễ đi hơn. Ra khỏi hát thì trời tạnh hẳn, lớp mây chì đã trút hết nước trả lại bầu trời trong biếc cho chúng tôi, dù đây đó vẫn còn mây nhưng là mây trắng xốp. Mặt trời treo hờ trên rặng núi xanh lơ, một quầng sáng màu cam trong trẻo phát ra sau chòm mây rạng rỡ cả chân trời phía Tây. Nắng chiếu xiên vào người chúng tôi, nắng khẽ khàng rũ bớt nước mưa trên áo quần tóc tai, nắng vỗ về ôm ấp, nắng dịu dàng. Bầu trời vừa qua một lần tắm gội, sạch sẽ xanh trong hơn mọi khi. Cả một vùng mênh mông cây cỏ cũng vừa mới tắm xong, mát mẻ tươi tỉnh hẳn. Những chỗ chúng tôi bước qua, đám me rừng lao xao nhảy múa dưới chân. Mưa có một trận mà lá đã như dày hơn xanh hơn. Nụ me rừng chúm chím trong đài đang chực khờ nở bung xòe cánh, sắc tím cũng tươi hơn rạng rỡ hơn. Sức sống bật dậy bốn bề, bất kể là cây hay cỏ đều vươn mình lên hết cỡ uống say sưa từng ngụm nắng trong veo. Qua màn nắng mỏng như tơ, nước mưa còn đọng trên lá trên cành ánh lên xanh đỏ tím vàng. Nắng thủy tinh. Trong phút chốc, tôi thấy tim mình chậm đi một nhịp khi đụng phải màu nắng xuyến xao mê hồn mất vía ấy. Nắng thủy tinh trong thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn “Cỏ cây chợt lên màu nắng… Để nắng đi vào trong mắt em…” là đây chứ đâu xa. Chu cha, mình may mắn dữ, Cái Đẹp sao mà gần đến thế. Xung quanh tôi bảy đứa, đứa nào đứa nấy mắt tròn xoe ngập nắng thủy tinh. Bé Ti mang vẻ mặt mệt phờ cùng cái mũ rộng vành thấm nước mưa hất ngược ra sau lưng, cùng mái tóc chưa kịp khô dính lòa xòa hai bên má, cùng cặp mắt ướp trong màu nắng ấy nhìn tôi hỏi.
- Nặng lắm phải khôn anh Tộp? Hay chừ bỏ củi xuống nghỉ chặp rồi đi…
Chìm trong màu nắng tôi quên khuấy việc phải giả vờ thản nhiên. Bé Ti kéo tôi về lại với gánh củi trên vai. Tôi đanh giọng lại.
- Chi rứa mi, mi nghĩ cái xác tau to mà vô dụng rứa luôn à. Có chừng ni mà kêu nặng. Tau ưa ngắm cảnh nên đi tà tà rứa thôi.
Chao ơi, màu nắng in vào mắt nó lung linh chi lạ. Nhưng thôi nhé, không mơ màng nữa nhé. Tôi gồng mình bước thật nhanh và chắc về phía trước.
***
Ôn thi chẳng có bạn hàn huyên trao đổi hơi buồn, may có Bé Ti ngày nào cũng sách sách vở vở như tôi làm tôi đỡ nhác đi nhiều. Nó ôn thi vào lớp Mười. Dù không hệ trọng bằng thi Đại học nhưng đó vẫn là bước ngoặt trong sự nghiệp học hành gian nan của lớp lớp học trò ở xóm Khe Trong. Trường cấp ba gần chúng tôi nhất nằm trên thị trấn Phú Bài, những trường khác xa hơn rất nhiều. Nếu được lên thành phố học như tôi, dù ở trọ vất vả nhưng vẫn sướng gấp mấy lần so với tụi bạn ở quê. Tụi nó ngày nào cũng đạp ít nhất là mười lăm, mười sáu cây số cả đi lẫn về. Đó là chưa kể những hôm học thể dục, học bù, học thêm… quãng đường đi đi về về cứ thế nhân lên. Vậy mà vào được trường cấp ba Phú Bài là còn may chán. Nhiều đứa không đủ điểm phải học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên đạp chục cây số mới tới trường. Nên Bé Ti đêm nào cũng thức khuya dùi mài kinh sử.
Phải đến sau bảy giờ tối trời bớt oi, gió núi thổi ra lồng lộng mới thư giãn để học được. Tôi thức rất khuya, có khi phải hai, ba giờ sáng mới nhảy lên giường tắt điện ngủ. Năm rồi nhà Bé Ti khấm khá xây lại chuồng heo rộng thênh, cũng dịp đó xây luôn cho chị em nó một phòng học ngay sát hàng rào chè tàu, cạnh phòng học của tôi. Xóm tôi ngủ sớm, chín, mười giờ đêm là gần như im lìm hết thảy. Nhà nào còn thức xem ti vi thì cũng tắt hết điện và chỉ thấy loáng thoáng ánh sáng ti vi phát ra đập vào tường. Sau mười giờ đêm chỉ còn phòng học của tôi và phòng học của nó sáng đèn. Đang hè, nếu không ôn thi thì ai thức giờ này nữa.
Tôi xoay xoay cái ra-đi-ô bắt lại sóng. Gió núi thổi sóng đi đâu mất mà nãy giờ nó cứ rè rè. Tôi mở ra-đi-ô theo thói quen bật nhạc trong lúc học chứ tôi cũng chẳng mấy khi nghe nhưng nó rè rè thế này nhức tai quá. Tại mạ hết, mạ sợ tôi say sưa với mấy thứ trong máy tính mà lơ là chuyện học nên mạ bắt tôi phải gửi lại con máy tính bảo bối trên nhà thằng Hùng để về tay không nên tôi phải làm bạn với ra-đi-ô. Lạc quan là “number one” (No.1). Ra-đi-ô quê mùa cũ kỹ thiệt đó nhưng thú vị một điều là giữa bốn bề tĩnh lặng vi vu gió, trong tiếng giun tiếng dế rỉ rả kêu đêm ra-đi-ô của tôi hòa vào nghe thật khớp như bản nhạc được đệm thêm một cung đàn lạ nhưng không hề nhạt nhòa, không hề lạc phách.
Đang học ngon ơ thì điện bị cắt cái rụp. Ai đó làm ơn bán cho tôi chút điện chứ được đêm mát trời mà điện lực không cho học là sao? Tôi hú lên một tiếng, gấp mạnh cuốn sách rồi bước ra sân. Trăng mười một sáng mờ rớt xuống vai. Mạ sốt sắng vào tủ thờ tìm cây đèn sáp thắp cho tôi. Bấy lâu nay mạ chẳng còn trữ dầu hỏa để châm đèn dầu nữa rồi. Lát sau, phòng bên cạnh Bé Ti cũng thắp đèn sáp học bài như tôi. Chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa để tu luyện, đèn sáp đèn dầu hay bất cứ thứ gì phát sáng đủ để đọc ra chữ lúc này đều là bảo bối. Tôi lao vào học mặc cho lũ muỗi vo ve bên tai như đầm chay hát bội. Cây đèn sáp cháy nhanh như ai đuổi, lớp sáp chảy ra đọng trên chiếc dĩa xây thành xây lũy ôm lấy ngọn lửa yếu ớt bên trong.
Gần mười giờ, đèn chính thức tắt lịm. Tôi ngả người ra đằng sau, nãy giờ đã quen với ánh sáng tờ mờ nên khi đèn tắt tôi không thấy mịt mù khó chịu như lúc nãy nữa. Ngược lại, trăng bên ngoài sáng rõ như có thể mang sách vở ra sân học. Trăng chiếu nghiêng qua ô cửa, rọi vào phòng tôi một khoảng sáng lonh lanh. Tôi đứng dậy vươn vai rồi tới gần cửa sổ lơ đễnh nhìn ra ngoài, cảm giác bực bội vì mất điện đã nhường chỗ cho cảm giác khoan khoái. Trăng treo chênh bên đọt dừa trông gần như thể có thể dùng khoèo hái xuống. Bất chợt, tôi nhìn qua cửa sổ bên kia hàng chè tàu, tim thóp lại. Bé Ti cũng bu vào cửa sổ nhòm trăng như tôi. Chẳng hiểu nó đứng đó trước hay tôi đứng trước mà cách có cái hàng rào chè tau nhưng giờ tôi mới thấy. Nó vẫn đang mải miết với khoảng không mênh mang phía trước. Tôi cũng nhìn ra xa đuổi theo những chòm sao thân thuộc của mình.
- Sắp có đọc truyện đêm khuya rồi anh Tộp hè?
Tôi bỏ rơi các chòm sao, quay về với mặt đất, hơi bất ngờ với câu hỏi của nó.
- Truyện đang tới phần hấp dẫn mà chừ chẳng được nghe. Mai nghe tiếp, mất một đoạn uổng ghê anh Tộp hí.
Ui cha, té ra bữa giờ có đứa âm thầm nghe Đọc truyện đêm khuya từ ra-đi-ô của tôi. Tôi mở vậy chứ có biết truyện hay truyện dở thế nào đâu. Tôi chỉ nghe mình “The best of guitar collection” trong Âm nhạc đêm khuya thường phát lúc mười một giờ năm phút mà thôi.
- Mi ưa nghe ghê rứa à?
Nó liến thoắng vừa kể vừa bình về cốt truyện và nhân vật mà tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Tôi thành thật.
- Tau mở rứa chơ không để ý nên không biết chi hết tề. Tau chỉ ưa Âm nhạc đêm khuya thôi.
- Em cũng thích chương trình ni, nhạc hay nghe xong ngủ đã dễ sợ.
- Đợi tau tí, để coi còn pin không tau mở cho nghe.
Mấy cục pin con thỏ trong cây đèn pin chẳng được tích sự gì. Nút “power” sáng lên nhưng pin yếu quá, chỉ nghe được tiếng éo éo rồi câm bặt. Tôi quay trở ra báo với nó. Dưới ánh trăng tôi vẫn thấy nét mặt thất vọng của nó. Nhớ ra điều gì đó, nó mừng rỡ đi nhanh xuống nhà dưới. Nó quay trở lên với một cục pin con thỏ, vội vàng đi ra khỏi phòng tới sát hàng rào chè tàu đưa qua cho tôi.
Tôi xách radio tới sát cửa sổ, cho một cục pin cũ của tôi cùng với cục pin mới của nó. Nút “power” lại sáng nghe rõ giọng đọc truyền cảm thầm thì như rót vào tai. Tôi gác ra-đi-ô lên bậu cửa sổ, vặn nhỏ loa để tiết kiệm pin. Bé Ti kéo ghế đến ngồi sát bên cửa sổ nghe đọc truyện, tôi cũng làm theo nó. Đó là lần đầu tiên tôi để tâm đến câu chuyện mà đêm nào cũng vẳng bên tai. Dù không biết đầu đuôi thế nào nhưng vẫn thấy hay, có lẽ do giọng đọc êm mượt quá. Thảo nào Bé Ti mê đến thế. Trăng ngả về Tây thêm chút nữa, rọi thẳng vào cửa sổ chỗ Bé Ti đang ngồi. Trăng óng ánh đọng trên hàng chè tàu đã ngậm sương đêm. Điện cúp chi mà lâu ác thiệt, đã hết chương trình đọc truyện mà vẫn chưa chịu đỏ. Nó định đi ngủ thì tôi rủ ngồi lại nghe Âm nhạc đêm khuya với lý do không thể hợp lý hơn: Đã giải lao thì giải lao cho trọn vẹn. Nghe xong nhạc rồi đi ngủ mai thức khuya thêm tiếng, hai tiếng học bù. Nó gật đầu cười. Cách một cái hàng rào chè tàu có hai con người ngồi lặng thinh bên khuôn cửa sổ nghe ra-đi-ô. Lúc bản Fur Elise cất lên như tiếng suối chảy vào lòng thì điện bừng sáng. Một lần nữa hiện thực phũ phàng lôi xềnh xệch tôi ra khỏi dòng suối cảm xúc dí vào bàn học.
Nhanh ghê, gần mười giờ ba mươi sắp đến lúc nghe giọng đọc thì thầm rồi. Tôi ngả người ra sau ghế vươn vai rồi với tay tắt đài.  Lát sau loáng thoáng tiếng Bé Ti thì thào gọi “anh Tộp, anh Tộp” bên cửa sổ nhà nó nhưng tôi giả lơ làm bộ chăm chú học bài không màng gì đến chuyện xung quanh, muỗi cắn cũng không thèm đập. Có tiếng “cạch”, một vật gì đó rớt ngay sau lưng tôi. Tôi quanh lại. Mảnh giấy vở cột quanh cục đá nhỏ nằm chỏng chơ trên sàn. Tôi lượm lên đọc “Mở đài cho em nghe đọc truyện với nờ”. Tôi xoay người lại, tủm tỉm cười một mình rồi hí hoáy viết vào tờ giấy, quấn quanh cục đá ném sang phòng nó. “Đói bụng quá! Có chi cho tau ăn đã rồi tau mới mở đài cho nghe”.
Tôi chỉ kiếm cớ trêu nó cho vui chứ thực lòng tôi đã sẵn sàng bật nút “Power” với tần số 96 MHz cố hữu để nó nghe đọc truyện, và tôi không hề thấy đói chút nào. Nó lại ném tờ giấy sang cho tôi, “Kẹo đậu phụng hỉ? Chờ em xí”. Tôi thấy ngại với nó quá nhưng lòng vẫn vui, kỳ thiệt. Tôi mở ra-đi-ô, vặn loa to hơn để nó nghe được rõ. Bé Ti đã mất hút ở nhà dưới, tôi để ra-đi-ô trên bậu cửa như hôm trước mà vẫn lo nó không nghe thấy. Điện trong bếp nhà nó sáng lên. “Chết cha, hắn đi làm kẹo đậu phụng cho mền thiệt”. Giờ thì tôi thấy xấu hổ lắm lắm chứ không chỉ là ngại. Cỡ mười lăm phút sau thấy điện trong bếp nhà nó tắt, tôi đi nhanh tới chỗ bàn học ngồi vào chăm chú như mọi khi. Một vật nặng và to hơn rớt “xoạch” ngay bên ghế tôi. Tôi nhìn chằm chằm cái gói được bọc trong một lớp giấy vở trong cái túi nylon ấy mà xấu hổ chỉ muốn độn thổ. Nghĩ tới rồi nghĩ lui, lỡ đâm lao rồi thì phải theo lao chứ biết làm sao. Bé Ti đã bỏ lỡ mười lăm phút mà nó chờ đợi cả ngày để làm đồ ăn cho tôi, giờ cứ để cái gói trơ ra đó thì phụ lòng nó quá. Tôi cúi xuống nhặt gói kẹo lên. Kẹo nóng bỏng tay. Mùi đậu phộng rang giòn với đường sém vàng thơm phưng phức, thơm đến nao lòng. Không phải là loại kẹo đậu phộng được đổ trên bánh tráng, loại ấy nhiều đường lại phải có bánh tráng làm lớp đệm mới ăn được. Kẹo Bé Ti làm ít đường và hình như nó không đun đường đến nóng chảy, đường chỉ bám như một lớp áo mỏng quanh những hạt đậu to chắc rụi rang giòn. Là đậu phộng của nhà nó trồng vừa mới thu hoạch hồi đầu mùa nắng. Không biết nó làm cách nào mà ngon đáo để.
Hôm qua lỡ dại làm điều dị dột để giờ phải thấp thỏm lo. Tôi lo Bé Ti lại lục đục xuống bếp như hôm qua làm đồ ăn “hối lộ” tôi để tôi không tắt đài, lo nó bỏ lỡ mười lăm phút quý giá nghe đọc truyện ấy. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi lôi giấy ra viết một mạch “Mi làm kẹo đậu phụng kiểu chi mà ăn ngon ghê rứa. Có điều nghe đọc truyện đi, hôm ni tau không đói nên khỏi đi mần hỉ”. Tôi không biết nó có nhớ đến yêu sách hôm qua của tôi hay không, và liệu nó có cười tôi vô duyên hay không nhưng mặc kệ, tôi chẳng băn khoăn nhiều nữa. Tôi viết xong thì cột ngay vào cục đá ném sang bên kia mà không đọc lại chữ nào. Tôi ném nó đi như ném sự xấu hổ trong lòng rồi như một kẻ đang chạy trốn, tôi nhảy vào bàn cắm đầu học.
Ăn được lần mà đã thành quen, cứ vài ba hôm tôi lại ném sang phòng nó mảnh giấy “Đói bụng quá!” “Thèm kẹo quá!” “Còn đậu phụng với đường khôn?”… rồi chờ đợi bịch kẹo nóng hổi từ phòng học bên cạnh bay sang. Lâu lâu Bé Ti ném sang cho tôi một thứ làm tôi phải vắt óc suy nghĩ, hẳn nhiên không phải là kẹo, mà là một bài toán khó nó nhờ tôi giải hộ.
Ăn kẹo đậu phộng được đâu dăm bảy lần, giải toán được đâu dăm bảy lần thì đến ngày Bé Ti thi tốt nghiệp. Nó mang sang cho tôi một tô chè đậu đỏ cốt dừa thơm lựng bảo tôi phải ăn hết vì “chè ni là chè thi cử chơ khôn phải chè bình thường.”
- Là răng? Nghe nguy hiểm rứa ai dám ăn.
Làm bộ ngu ngơ chọc nó chơi chứ cái mặt mo của tôi thì đã quá rành chuyện này. Mười hai năm đi học tôi ăn không biết bao nhiêu là chè đậu đỏ, xôi đậu đỏ, cháo đậu đỏ như thế. Tôi thuộc lòng lòng, gần ngày thi không ăn trứng vì trứng giống số không (0), không ăn thịt vịt vì con vịt giống số hai (2), không ăn bún vì bún trơn dễ tuột (rớt)… Ăn đậu đỏ vì nghe tên thôi là biết hên rồi, vừa đậu (đỗ) lại còn đỏ (may mắn) nữa.
- Lâu chừ gần thi anh Tộp không ăn chè đậu đỏ nơi à?
- Có ai cho mô mà ăn.
- Chi lạ rứa, bác không nấu cho anh Tộp ăn nơi à?
- Khôn tin xuống dưới bếp mà hỏi.
Tôi tự tin nói dối không chớp mắt vì lúc ấy mạ đã xuống Trạm y tế xã có việc. Nó nhìn tôi vẻ thương cảm lắm.
- Ăn chè đậu đỏ để cho hên đó.
- Hên răng hè?
Tôi bấm bụng nhịn cười, tiếp tục làm bộ làm tịch trước mặt nó vì nhìn cái tướng ngạc nhiên thương cảm của nó đang làm tôi vui.
- Là đi thi may mắn, thi mô đậu nấy đó chơ răng. Nghe “đậu đỏ” là biết rồi chơ chi nữa. Bưa i, anh Tộp giỡn với em phải khôn?
Nó ngây thơ thiệt nhưng nó không khờ, nó đọc được sự giả dối đùa cợt trong mắt tôi. Tôi cúi xuống nhìn tô chè để trốn ánh mắt của nó.
- Chết cha, phải ăn hết tô ni luôn à? Ăn khôn hết e là xui cỏ.
Nó cười cười lườm tôi một cái xong quay đi.
- Đúng rồi, anh Tộp ăn cho hết nghe. Đừng chừa lại hột đậu mô cả thì rớt cũng khó.
- Rớt là bắt đền đó nghe!
Nó “hứ” một cái nửa như hờn dỗi, nửa như không rồi mất hút sau hàng chè tàu. Chè nấu với đường đen ngọt thanh lại thêm cốt dừa thơm ngậy đậm đà tôi ăn phải ba tô mới đã thèm.
Nhắm chừng mai nó thi sớm nên sẽ không thức khuya, lòng định viết câu gì đó đại loại là chúc nó thi tốt rồi ném sang bên kia mà đắn đo mãi không viết được. Tôi cầm bút dí vào mảnh giấy chuẩn bị viết đến mấy lần mà chẳng viết được. Gần mười giờ rồi phải nhắm mắt phang đại thôi. “Ăn chè đậu đỏ rồi mai thi tốt hỉ. Làm bài cho tốt để tau ké hên với hỉ”. Tôi cột giấy vào cục đá. Như mọi khi, tôi đi tới cửa sổ. Than ôi, phòng bên điện đã tắt từ lúc nào tối thủi tối thui. Chưa được mười giờ mà chỉ còn mình phòng tôi trơ trọi. Cảm giác hụt hẫng ập đến như lũ tràn bờ chiếm hết khoảng không trước mặt làm tôi thấy tối như đêm ba mười dù hôm ấy có trăng non tờ mờ. Ngủ chi mà ngủ sớm lạ, còn chưa nghe Đọc truyện đêm khuya nữa mà…
Cả tuần sau đó vẫn chỉ mình phòng tôi sáng điện, Bé Ti thi tốt nghiệp xong về ở chơi với nội. Câu chuyện đang còn dang dở đêm nào đài cũng phát mà chẳng có người nghe, chuyện cũng bơ vơ. Cả một vùng im lìm chỉ còn mình phòng tôi sáng điện, cái phòng nó cũng bơ vơ. Lúc nãy cắm đầu học suốt mấy tiếng làm đầu óc mụ mẫm, tôi vơ lấy tờ giấy hí hoáy viết đói bụng cầu cứu nó rồi nhớ ra còn ai thức cùng nữa đâu mà đói với khát. Tôi ra cửa sổ nhìn qua phòng bên kia dù bên đó mấy hôm rồi không bật điện. Chỉ còn trăng là vẫn treo chênh bên đọt dừa rọi vào phòng học của nó.
Tối nay bên ấy sáng điện. Chỉ là có thêm một phòng cùng chưng điện như mình thôi mà tôi thấy hôm ấy xóm Khe Trong rộn ràng đến lạ, tiếng giun tiếng dế ngoài vườn cũng bớt nỉ non. Tôi ném sang bên ấy tờ giấy với dòng chữ “Mi thi tốt khôn?” Phút sau, nó ném lại cho tôi, cũng tờ giấy ban nãy kèm câu trả lời “Tạm tạm ni. Vô phòng thi em quên tọa lọa[2] luôn.”
“Rứa là ăn đậu đỏ mà khôn hên rồi.”
“Khôn ăn còn xui hơn đó. Ngày mô anh Tộp đi SG?”
“Mốt.”
“Mai mốt em nên học khối chi để thi Đại học hèo?”
“Học khối D đi mi. Con gái học Anh là hợp nhất á.”
Tôi khuyên nó học cái môn mà tôi dốt nhất. Tôi cố nhét bao nhiêu cái môn quái quỷ ấy cũng không vào đầu được nên tôi rất ngưỡng mộ mấy đứa con gái học chuyên Anh. Không chỉ tôi mà mấy thằng cùng lớp cũng thế. Nhìn mấy đứa chuyên Anh đi vào đi ra ở hành lang đối diện mà tức tối lẫn thèm thuồng, phải mấy trăm lần tôi thốt lên “Tụi nớ ăn chi mà học tiếng tây tiếng tàu giỏi rứa khôn biết?!” Tôi mang hết tâm tư truyền sang cho Bé Ti như kiểu một người dang dở hoài bão lớn của cuộc đời rồi ôm cái hoài bão đó truyền sang cho một người khác.
Mai phải lên đường, mạ giục tôi ngủ sớm nhưng tôi nấn ná chẳng muốn tắt điện. Tôi lấy lí do buổi trưa đã ngủ giấc quá dài rồi giờ chưa buồn ngủ để mạ yên tâm đi nghỉ. Tôi vẫn mở ra-đi-ô chờ nghe “The best of guitar collection” như mọi khi. Hết chương trình Đọc truyện đêm khuya, từ bên kia phòng cái túi nylon có gói kẹo bọc trong giấy vở bay sang. Bên trong còn có tờ giấy ghi mấy dòng nắn nót “Anh Tộp thi tốt nghe. Phải làm bài tốt hơn em đó nghe. Em chỉ ăn đậu đỏ chứ không ăn đậu phụng, chừ anh Tộp ăn gói kẹo ni nữa là đậu Đại học chắc ne luôn”. Tôi mở gói kẹo nóng hổi ra, bồi hồi nhặt một hạt đậu giòn thơm cho vào miệng nhai thật chậm để cảm hết vị ngọt vị béo vị bùi vị hạnh phúc từ đậu, lòng rưng rưng, chưa đi mà đã nhớ Khe Trong. Rồi tôi bọc gói kẹo lại cẩn thận như lúc nãy, nhét vào túi trong cùng của ba lô. Tôi ôm ra-đi-ô lên gường tắt điện ngủ. Bản Romance ru tôi vào giấc ngủ êm lành khi ngoài kia gió núi thổi vi vút trên đọt bạch đàn dọc Khe Trong, mảnh răng mỏng treo bên đọt dừa lóng lánh sương, cây khế chua hết mùa hoa đang âm thầm sai quả.
***
Tôi cầm tờ giấy báo trúng tuyển lòng vui vô bờ bến. Tôi nghĩ ngay đến chè đậu đỏ, kẹo đậu phộng như thể chính chúng đã làm nên tờ giấy báo này chứ không phải nỗ lực ôn luyện của tôi. Tôi làm hồ sơ nhập học, Bé Ti được vào trường Trung học phổ thông Phú Bài như nó muốn. Cầy Em, bé Sen, bé Hạ… và tất thảy đám học trò xóm Khe Trong chộn rộn. Năm học mới gần ngay trước mặt. Tụi học trò nhỏ nhỏ sửa soạn quần xanh, áo trắng, tập sách, bút thước, xe cộ... Bé Ti sửa soạn áo dài. Còn tôi sửa soạn hành trang đường dài của một tân sinh viên. Mỗi đứa một hi vọng, một góc trời riêng.
Tôi dọn dẹp lại phòng học, bữa giờ ôn thi bày binh bố trận từ đầu đến cuối, thi xong về nhìn lại căn phòng thiệt chẳng khác bãi buôn phế liệu là bao nhưng đau đáu chờ giấy báo nên chẳng thèm dọn. Loáng một cái bàn học đã trống trơn chỉ còn lại chiếc ra-đi-ô cũ xì tróc hết lớp sơn bên ngoài. Ừ, một thứ cũ xì nhưng thân thương vô cùng. Nó đã đi cùng tôi qua mùa ôn thi căng não này. Thoáng chút lưu luyến tôi cầm lên bật đài nghe. Một ý nghĩ lóe lên khiến tôi mỉm cười lâng lâng. Tôi xoay người để qua bên kia hàng chè tàu nhưng mới đến cửa sổ thì hai chân đứng phắt lại, người như điện giật.
Bên kia hàng chè tàu, sau cửa sổ Bé Ti mặc áo dài ngồi khâu sợi dây vào cái mũ tai bèo màu bồ quân mới. Quãng đường từ Khe Trong đến trường nó rất xa lại phải đạp xe ngang qua sân bay Phú Bài lộng gió nên nó khâu thêm sợi dây choàng qua cằm để cố định. May quá, nó ngồi nghiêng so với hướng tôi đang đứng, và nó đang chăm chú nên không thấy tôi. Đầu nó hơi ngả ra cửa sổ một chút để nhìn cho rõ đường chỉ, lọn tóc đen vừa cắt ngắn bớt đổ xuống vai gió thổi bay bay vương mấy sợi vắt qua cổ áo. Nắng rớt mấy giọt vàng mọng vào một bên má nó. Nó không tóm hết tóc cột lại một chùm như mọi khi mà chỉ cột một lọn nhỏ lưng chừng đầu, nửa đầu còn lại tóc được thả tự do. Rất gọn gàng nhưng tóc vẫn ôm lấy hai tai nó, nửa vời thôi mà trông hai cái tai gọn gàng nhỏ nhắn bội phần. Tôi đâu ngờ được có ngày con Bé Ti tai to bè bè cũng thành thiếu nữ, và tai nó không đeo bông mà duyên đến thế. Nó mặc áo dài dáng mảnh mai thướt tha có khác gì lũ con gái trường tôi đâu chứ. Lòng tôi bỗng dặt dìu mát rượi như nước Khe Trong, nhưng lạ hơn, con khe chảy thẳng vào hồn, con khe mang tên Xao Xuyến. Lỗi là tại nó chẳng phải tôi, con khe đang chảy ai ngăn lại được?
Ờ, chẳng ai ngăn được cho đến khi nó làm tôi hết hồn. Nó bất giác nhìn lên, tròn hai mắt khi tôi vẫn đứng chôn chân như trụ điện bên kia cửa sổ. Thay vì bước tiếp qua bên kia hàng chè tàu đưa ra-đi-ô cho nó thì cái thằng tôi ngớ ngẩn lại đứng ì ra đó bối rối nhìn nó. Sự bối rối là một căn bệnh dễ lây, mấy giây sau Bé Ti cũng bối rối y như tôi. Và còn nặng hơn, nó thẹn hai mái ửng màu nắng. Chẳng nói chẳng rằng, nó quay một góc ba trăm sáu mươi độ đi một mạch xuống nhà dưới bỏ lại tôi lúc này còn chưa kịp tỉnh.
Khoảng mười hai giờ trưa, nó dắt xe ra. Tôi nhìn theo dáng áo dài trắng nhỏ nhắn với cái mũ màu bồ quân nhấp nhô mất hút ngoài Đường Xe. Hôm nay nó mặc áo dài lần đầu tiên đi khai giảng thử. Đầu tháng Chín nắng vẫn còn gắt, bầu trời cao vời vợi và xanh một màu rất lạ.
Tôi mang màu xanh ấy vào Sài Gòn. Trong giấc mơ sực nức mùi Tết, màu trời vẫn xanh như thế.
(CÒN TIẾP)



[1] Nhìn vậy chứ chọc thủng ông trời chưa chắc trời đã mưa
[2] Tọa lọa: rất nhiều








Về khi nắng còn thơm (10) - Lệ Hằng Về khi nắng còn thơm (10) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 4:45 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.