Kho Báu (6) - Lệ Hằng


NỖI NIỀM KHÔNG TÊN
Người lớn không như trẻ con,
người lớn cần nhiều thời gian hơn trẻ con để dịu lòng và hòa giải.
***

KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(6)
*****
- Mi canh vạc đất bên nớ cho tau với.
Nhỏ chỉ tay vào đám đất có bụi cỏ ấu ông Trưởng nhổ bị sót ra chỉ thị cho Gấm. Cũng như Gấm, cọng cỏ ấu rung rung gật gù. Bên trong lòng đất con dế ung dung gác càng tựa lưng vào thành hang sâu ngoáy. Đôi chân trần của Gấm như chỉ chạm hờ trên lớp đất mềm, vẻ nghiêm nghị khẩn trương của Nhỏ làm nó không dám bước mạnh. Nếu là mọi khi Nhỏ đừng hòng mơ Gấm làm theo lời nó. Riêng hôm nay sao đổi ngôi, tướng phải theo quân. Gấm vừa lơ đễnh làm mất cuốn vở tập viết nên phải cậy đến đôi tay vàng của Nhỏ chép bài phụ. Nó đăm đăm nhìn vào đám đất còn dấu tích cày xới của con giun, đám đất yên ả lạ lùng. Nó nhìn một lúc thấy cả con cuốn chiếu rúc dưới hòn đất. Mắt nó mở to như hai hột nhãn và không dám chớp. Vậy mà nó vẫn hoang mang, chẳng may con dế chui ra từ một hòn đất nào đó khuất tầm chú ý thì chỉ còn nước ăn cám.
Cách đó một mét, Nhỏ bơ phờ nhìn cửa hang tối om im ỉm bên đống đất đã khá to. Mồ hôi lấm tấm bết mấy sợi tóc con vẽ những đường ngoằn ngoèo trên trán nó. Nó thở hắt ra một cái thật dài rồi đưa tay quệt ngang, vệt đất in trên trán thấm dần mồ hôi. Chưa bao giờ mặt nó lầm lì đến thế, nó đổ gàu nước vào hang.
Bỗng, từ bên kia hòn đất cử động. Gấm đưa tay dụi mắt. Hòn đất tiếp tục cử động. “Bụp”! Động tác dứt khoát, Gấm um hai tay nhốt gọn con dế. Nhỏ thả gàu nước rối rít chạy sang. Trông mặt Gấm thôi đã như nếm được vị ngọt ngào thăng hoa của thành công.
- Giữ yên rứa cho tau với. Tau vô kiếm cái bì.
Gấm ngồi gần như bất động. Gió chiều lên phím nhạc hát lao xao trên đầu nó. Mặt trời trên cao vãi từng đốm nắng đong đưa trên nền đất và cả trên gương mặt rạng ngời của nó. Bên đáy mắt trong như nước, những đốm nắng nhảy nhót hoan ca.
- Hù!
Gấm giật mình quay đầu sang, tay vẫn um chặt trên đất. Con dế nén tiếng thở dài búng càng tứ phía trong tay nó.
Tộp Anh ngồi xuống đảo mắt quanh.
- Dế à? – Mắt Tộp Anh sáng rực lên. - Cho tau đi. Con gà Cồ đang đói.
Gấm bàng hoàng chưa kịp mở miệng phân bua thì con dế đã nằm gọn trong tay Tộp Anh. Trời ơi! Con dế của Nhỏ, con dế mèn mà nó khổ sở phục tùng mệnh lệnh là phải “bắt sống không được để bị thương” đã bị Tộp Anh cuỗm mất. Nó định thần, đứng dậy chực chạy thì Nhỏ hớt hải loạng choạng.
- Mô rồi?
- Thằng… thằng Tộp xin… cho con… - Gấm hổn hển.
Nó chẳng đợi nghe hết câu đã lao đi như phi mã. Nó chạy bán mạng còn hơn bị ma rượt. Con gà Cồ chân cao cổ dài ấy là bảo bối của Tộp Anh. Để nó đá được hay Tộp Anh đã thành tay săn dế có hạng nhưng bao nhiêu dế cũng không vừa cho cái mỏ hễ ngoác ra là y chang hố đen vũ trụ ấy. 
Mấy phút sau nó quay về. Dáng đi khập khiễng bước cao bước thấp vì đã quá mỏi mệt nhưng đáy mắt nó có những tia đang reo. Kịp để cứu hiệp sĩ Dế Mèn khỏi miệng con gà Cồ hung hãn bặm trợn ấy là đủ để nó tha thứ cho cả thế giới rồi. Và hẳn nhiên sẽ tha thứ cho Gấm. Gấm chắc tiu nghỉu ngồi đợi nó về để xin lỗi.
***
Thế mà không, Gấm không ở đó. Gấm lặn đâu mất. Nó chỉ thấy tấm lưng hơi còng của ông Trưởng nhấp nhô bên đụn đất nó vừa đào. Ông hậm hực lấp đất lại. Tay ông thoăn thoắt miệng ông làu bàu “Tổ cha bây! Tổ cha bây!” tiếc rẻ giống cây quý vừa trỉa hạt.
- Nhỏ! Bước lên phản!
Giọng bác Cả như thét ra lửa dội vào vòm lá làm khu vườn hoảng sợ. Nhờ công của gió, tiếng quát được phát tán ra đủ các hướng. Dù vậy tiếng quát vẫn đập vào tai Nhỏ chát chúa như sấm truyền. Hai chân nó khựng lại trong giây lát rồi nó vùng chạy năng nao dù không ai rượt và việc nằm lên phản cũng không cần vội. Phải đợi bác Cả ra vườn chặt cái bẹ chuối ưng ý nhất đã rồi mới “được” ăn roi. Nó chạy là để cứu hiệp sĩ Dế Mèn lần nữa. Nó lật vội tấm phản thả cái túi vào khoảng không bên dưới. Chỉ có ở đó con dế mới an toàn tuyệt đối.
Nhỏ nằm bẹp dí trên tấm phản láng bóng mồ hôi, công nó trèo lên trèo xuống bao lần không kể hết. Nó áp sát tai trái vào mặt phản nghe mọt nghiến gỗ. Tiếng mọt cót két trẹo trẹo như gần như xa hệt tiếng tỉ tê an ủi. Trong những lúc thế này chỉ có tiếng mọt làm bạn cùng nó.
Bác Cả thủng thẳng cầm bẹ chuối tiến lại bên tấm phản. Gương mặt hằn lên nét bất lực dữ dằn.
- Chừ ưa mấy roi đây, Nhỏ?
- Dạ, ba roi.
- Ba à? Tội nớ mà ba à?
Năm roi. Cái bẹ chuối nát bươn vì mấy roi đánh hụt trúng tấm phản. Bẹ chuối đánh không chảy máu nhưng đau thấu trời xanh. Nó nức nở giọt ngắn giọt dài trước cả khi chiếc roi gia pháp xanh nõn xanh nà ấy kịp dí vào mông.
- Dạ ba, lần sau con chừa, lần sau con chừa!
Nhưng không ai biết khoảng cách đến “lần sau” là bao xa. Một tuần? Năm bữa? Ba ngày? Hay một giờ? Hay ngay khi nó lết cái mông đang đỏ rần rần xuống khỏi tấm phản thì ý nghĩ hay ho nào đó bất chợt xoẹt ngang và bác Cả phải tốn thêm cái bẹ nữa.
- Trước kia hắn ngoan làm chi có hư rứa. Chừ thêm đứa ngang trang ngang lứa tập nập cù rủ chơi cả ngày chơ học hành chi mô. Bởi, gần mực thì đen là rứa đó.
Giọng bác Cả gái từ gian bếp bay lên nhà dưới rồi lên nhà trên bắn ra ngoài sân vừa chua vừa gắt và dù bác chưa dùng nhiều nội lực nó vẫn cứa vào màng nhĩ của người phụ nữ vừa dựng xe vào đống rơm. Thím Thứ móc cái nón vào xe thừ người ra.
Bên trong nhà, trên tấm phản, Nhỏ trở mình ngồi dậy thổn thức tìm ánh mắt của Gấm nhưng không tài nào gặp được. Gấm cúi gằm mặt bên cửa sổ. Sống mũi nó bắt đầu thấy cay dù không phải nhận roi nào. Nhỏ ngồi thẳng dậy, cái mông tấy đỏ không đủ sức hành hạ nó nữa, thay vào đó là một nỗi uẩn ức âm ỉ chẹn ngang ngực. Nỗi uẩn ức khó chịu hơn cây roi rất nhiều.
Ngược với những giấy khen, những phần thưởng Nhỏ ẵm về mỗi năm, kết quả học tập của Gấm năm nào cũng suýt soát “đội sổ”[1]. Bây giờ Nhỏ có gào thét trăm lần rằng Gấm là “ngọn đèn” rạng ngời tỏa bên nó chứ không phải “mực” và sẽ không bao giờ là “mực” thì cũng chẳng thể nào thay đổi ý nghĩ của người mẹ đang xù lông nhím lên bảo vệ cho đứa con non nớt của mình được. Ham chơi là loại vi rút dễ lây. Mấy con điểm chín môn toán của Nhỏ trong những tuần gần đây là minh chứng hùng hồn nhất, những thứ lý lẽ khác bác Cả gái chẳng quan tâm nữa.
- Gấm, soạn đồ mà về cả tối con.
Giọng thím Thứ nhẹ nhàng mặc cho không khí nặng nề đang kéo chùng ngôi nhà xuống. Thím lên nhà trên chào ông Trưởng rồi xuống dưới bếp hỏi thăm bác Cả mấy câu trong khi Gấm soạn đồ vào cặp. Gấm lẽo đẽo theo mẹ ra xe, bóng hai mẹ con khuất dần trong ánh chiều tà.
Giờ cơm tối nhà ông Trưởng chỉ có tiếng muỗng và đũa chạm vào sứ lách cách hòa trong tiếng giun dế rỉ rả kêu đêm và tiếng gió lao xao hát ngoài vườn. Những ánh mắt cố tình tránh gặp nhau. Họ lặng thinh gắp thức ăn, gắp mãi gắp mãi mà dĩa thức ăn chẳng vơi đi được. Trong lòng họ có thứ gì đó đang đầy lên khiến họ như bội thực. Chỉ mất một phút thốt lên điều muốn nói để im lặng triền miên rất nhiều phút, rất nhiều giờ và có thể rất nhiều ngày sau đó.
***
Nhỏ lót dép ngồi trên hiên đợi Gấm. Tộp Anh, Tèo KiBo cùng mấy đứa nữa đã mất hút ngoài đường cái hơn mười phút rồi nhưng Gấm vẫn chưa sang. Sáng nay trời không có nắng và cũng chẳng xôn xao gió. Cả khoảng không im ỉm phớt lờ cõi lòng đang như ai cào của Nhỏ. Tối qua, sau khi chuyển Dế Mèn sang góc giường gần cửa sổ nó đã viết thư cho Gấm. Một lá thư xin lỗi dài hai trang vở đã để sẵn trong ngăn cặp ngay trên tay nó nhưng cảm giác có lỗi vẫn không vơi đi dù chỉ là chút xíu.
Trong nhà trên, ông Trưởng tráng ấm pha trà. Một tách trà ngon buổi sớm không biết có đủ dư vị thanh tao làm gánh nặng trong lòng ông thuyên giảm. Dạy chữ dạy nghĩa thì dễ chứ dạy ăn dạy ở dạy sống làm sao cho phải thiệt khó hơn bắc thang lên trời. Ông buồn, cả dâu lẫn con đứa nào cũng có lớn mà chẳng có khôn.
Vườn sau, bác Cả thấy ngột ngạt với nỗi bất lực của mình. Mấy ngày rồi hễ giận là bác trút lên Nhỏ. Số roi tăng dần và sức nặng của mỗi cây roi cũng tăng dần. Bác đánh một đứa mà cho hai đứa. Giá Gấm cũng là con bác để hư thì mắng thì quất quắn đít cho chừa. Can ngăn không được, mở miệng la mắng cũng sợ động chạm tự ái đánh lại càng không được nên bác khó xử vô cùng. Làm sao cho Gấm học hành nên nết thành người?
Và cũng chẳng ai hiểu nỗi tự ái ngày một khoét sâu trong lòng thím Thứ. Xưa nay, đụng đến chữ nghĩa là trong mắt ông Trưởng chỉ có mình bác Cả còn chú Thứ chẳng là cái đinh gì. Bao nhiêu từ ngữ đẹp đẽ dường như ông dành hết cho bác Cả và bây giờ tiếp đến là Nhỏ. Dù chuyện đã xưa, lúc thím và chú còn chưa biết mặt nhau nhưng thím vẫn thấy khó chịu khi ai đó nhắc đến việc chú Thứ ham chơi đội sổ rồi bị ở lại lớp. Khó chịu hơn nữa là càng ngày cái gương không đẹp ấy càng vận vào Gấm. Hay tại nhìn vào Gấm người khác lại nghĩ đến chú nhiều hơn? Thím không rõ. Chỉ cảm giác mặc cảm tức tối là rõ. Cảm giác ấy trong lòng thím chỉ một thì trong lòng chú Thứ lớn đến mười dù chú nín lặng không nói lời nào. Bởi vậy, sáng nay dù tất bật chợ búa nấu cơm cho thợ và ngôi nhà đang cần họ xây ở rất xa thím vẫn đôn đáo chạy ngược chạy xuôi để gửi Gấm sang ngoại. Thím quay những vòng xe nặng nề đạp về lối cũ để ghé vào báo với bác Cả bữa nay không phải lo cơm nước cho Gấm nữa. Nhỏ một mình thui thủi cuốc bộ đến trường ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người mất vía.
Sáng âm u trưa chợt nắng, trời nực hầm hầm như sắp vào mùa nấm làm ông Trưởng mỏi người nằm trăn trở mãi. Nhà dưới Nhỏ cũng chưa ngủ trưa. Nó dùng quạt phe phẩy đuổi ruồi. Những con ruồi lì lợm cứ sà xuống mặt, nó đập mấy phát liên tục chẳng trúng. Bực dọc nó ngồi hẳn dậy nhìn ra vườn. Nắng không tươi mà nhợt nhạt. Cây mãng cầu bên cửa sổ khua qua khua lại hất bóng nắng vàng đục đọng trên tóc nó. Gió mơn trớn chiếc túi nylon nhốt con Dế Mèn khiến nó chao nghiêng. Nhỏ nhìn chàng hiệp sĩ. Con dế đang nằm im rầu rĩ. Con dế khát đến cháy họng cảm giác tự do dưới vòm trời biếc còn nó thì khát đến cháy họng cảm giác vui vẻ của những ngày trước, khi có Gấm bên cạnh. Vì nó mà Gấm bị bắt về ngoại ở dù ngược đường đi học. Nỗi ân hận này làm sao vơi đi được? Hai mi trên nặng dần như ai chèn cục đá khiến đôi mắt nó bắt đầu ríu lại nhưng nó không ngủ được. Nó cầm con dế vùng dậy chạy ra đường. Nó đi để gặp một người.
***
Không còn cây xấu hổ bò ngoằn ngoèo quất ngang quất dọc vào chân cũng không còn cỏ dại xanh rợp lối đi hoang liêu quạnh hiu như chốn không người, thay vào đó là lối đi vuông vắn cỏ hai bên được xớt ngay ngắn. Cây xấu hổ giờ cũng đã biết xấu hổ thu mình e thẹn. Và khoảng sân vuông nay đã có những bãi cứt gà. Tụi gà mất nết cứ bậy bừa ra đó rồi bỏ đi, vài hôm sau cứt gà biến thành đất chúng quay lại bươi như thể chẳng nhớ chính mình đã ị ở đó. Tụi gà đáng ghét vậy nhưng có chúng ngôi nhà vui hơn hẳn.
Đã có nhiều thay đổi nhưng cánh cửa liếp thì vẫn vậy và xộc xệch hơn đôi phần. Và trong nhà vẫn là cái bàn nước cũ nhưng mọt nghiến gần mục rỗng mất thêm một chân nữa rồi. Vẫn là cái giường cũ nhưng chiếc chiếu rách nát hơn, dường như chẳng còn đường cói đan nào lành lặn. Chiếc chiếu được chắp vá vụng về bằng những chiếc áo chiếc quần đã rách tả tơi. Dù sao chúng hợp lại cũng giúp lưng người nằm không phải ê ẩm vì kê lên mấy vạc giường đẽo gọt sơ sài.
Nhỏ không nhớ rõ bao lâu rồi ông Tý chẳng cho chúng cục kẹo nào vì ông Tý không còn lủng lẳng xách rắn đi bán nữa. Ngược lại, thi thoảng được cho tiền ăn hàng chúng để dành rồi gom góp mua cho ông ít gạo. Nhỏ thích ông Tý của bây giờ hơn lúc trước rất nhiều. Ông tát cá dưới mương, ông nhổ nấm, ông hái măng tre, ông trồng rau, ông nuôi gà lấy trứng… Ông không kì quái chút nào cả, ông chính xác là một ông già hiền hậu và tội nghiệp. Bài vè “Ông Tý tửng tửng” đã tắt lịm bấy lâu, nó hạnh phúc vì sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy cảnh ông bị ném đá chảy máu nữa. Tóm lại ông là người bình thường.
Sự bình thường trong con mắt của con nít và người lớn khác nhau ghê gớm. Mặc kệ con nít nghĩ gì thì nghĩ, người lớn xem việc ông trở nên bình thường là một chuyện – bất – thường. Họ nghi ngờ, họ nói: “Khi say khi tỉnh vậy mới là tửng tửng.” “Bệnh điên sao mà hết được hẳn được, tái lại chừ đó.”…
Ông Tý tỉnh mộng trẻ con chịu thất thu nhiều nhất vì không còn được vỗ tay rần rần đọc vè và không còn được ông cho kẹo nữa. Nhưng trẻ con không thấy buồn, thấy thiếu mà ngược lại dường như người lớn thấy vắng vẻ và không an tâm. Họ âm thầm quan sát ông mỗi khi gặp. Chẳng ai chịu tin và cũng chẳng ai cố hiểu cho ông.
Tộp Anh hiển nhiên là tin nhưng nó không biết rằng chính nó, chính những giọt máu đỏ tươi rỏ xuống dính be bét trên áo ông đã làm ông hồi sinh, ông thức tỉnh ngay chính giây phút quay lưng hứng trận mưa đá bảo vệ nó. Sự hồi sinh từ những đau thương u uất của cả một đời người. Sau mấy chục năm chìm sâu trong mộng mị vì nhung nhớ vợ con, ông đã tỉnh. Cuộc đời của ông, của Nhỏ, của Gấm, của Tộp Anh, của tất thảy con người chung quy lại đều là một chuyến hành hương về bên kia sự sống và ông phải sống cho tròn vẹn trước khi gặp lại vợ con mình. Họ có lẽ đang đợi ông ở đích đến của chuyến hành hương này. Chừng nào thì ông đi đến đó? Ông chẳng quan tâm, ông chỉ biết giờ ông đã có Tộp Anh, có Nhỏ, có Gấm và ông chỉ muốn chúng hãnh diện về ông – một lão già điên theo cách hiểu của người bình thường. Nếu không trân quý những thứ Thượng Đế cho ông, ngay bên cạnh ông thì những thứ xa xôi liệu còn ý nghĩa?
***
Nhỏ đẩy cánh cửa liếp vào trong. Ấm nước lá vối còn hâm hấp nóng, than trên bếp vừa tàn còn vương chút khói. Ông chỉ đi loanh quanh gần nhà, Nhỏ chắc mẩm yên tâm. Nó giở nắp nồi bên bếp xem hôm nay ông có tát được con cá nào ra hồn không, nó ngậm ngùi toàn cá thia lia và tôm tép. Sực nhớ mấy hôm trước Tộp Anh kể ông sắp mở rộng vườn rau, nó đi nhanh ra sau nhà. Tấm lưng gầy dưới lớp áo rách sờn mỏng thấy trời xanh nhấp nhô bên đám cỏ tranh. Mồ hôi chảy ra làm áo dính vào lưng trông như ông đang mặc áo nylon trong suốt. Nó đến cạnh, đếm hết mấy cái xương sườn trên người ông.
Ông Tý nghỉ tay, gác ngang cuốc làm chỗ ngồi cho hai ông cháu. Nhỏ chẳng bao giờ đợi ông hỏi han, nó luôn tuôn ngay điều muốn nói với ông. Nó đưa Dế Mèn cho ông cầm mà không mảy may chút lo sợ ông sẽ quẳng con dế cho gà ăn như ở nhà bác Cả thường làm. Ví như chỉ có một người trên hành tinh này tin Dế Mèn là hiệp sĩ thì chắc chắn người đó là ông.
- U cha, ôn cũng biết Dế Mèn hả ôn? – Nhỏ ngơ ngác reo lên. Ông Tý gật đầu cười khà khà.
- Ôn biết Dế Trũi và Bọ Ngựa luôn hả ôn?
Ông Tý lại gật đầu cười to hơn nữa. Nhỏ hỏi tới tấp gần cả chục câu để kiểm tra xem có thực ông Tý cũng đã đọc truyện Dế Mèn phiêu lưu ký như nó hay không. Và câu hỏi nào cũng dẫn nó đến một đáp án duy nhất: ông còn rành hơn nó.
- Ôn đọc khi mô rứa, ôn?
Chẳng có câu trả lời nào cho nó. Ông Tý cười rung cả người, hôm nay ông cười nhiều nhất trong tất cả những lần nó lên thăm ông. Nó không biết rằng tất cả người lớn đều từng là trẻ con.
- Đi đi! Đúng rồi, nhảy đi! Cho em đi làm hiệp sĩ tiếp đó. Nhớ kể với tụi kia về chị, Dế Mèn nghe!
Chẳng hiểu Dế Mèn quá bỡ ngỡ vì tự do hay quá xúc động vì lưu luyến mà mấy giây đầu nó chỉ nhảy những bước ngắn. Sau, nó búng càng mạnh mất hút trong đám cỏ tranh. Cách tốt nhất để nuôi chàng hiệp sĩ là cho nó được ở nơi mà nó thuộc về, được tự do sống cuộc đời riêng của nó dù Nhỏ yêu quý con dế và xem nó như là báu vật. Nhỏ thở phào, sém chút nó giết chết một huyền thoại bởi lòng ích kỉ hẹp hòi rồi.
Phải có tự do thì tình yêu và lý tưởng mới ngày một lớn. Tình yêu, lý tưởng ông nói là thứ chi chi nó mơ hồ lắm nhưng nó thấy vui. Vui vì nó vừa viết tiếp một chương rất đẹp cho Dế Mèn phiêu lưu ký. Vui vì ông Tý nói nó đừng nghĩ đến chuyện lỗi phải nữa mà hãy lo học cho giỏi. Người lớn không như trẻ con, người lớn cần nhiều thời gian để dịu lòng và hòa giải hơn trẻ con. Nó yên tâm chờ đợi ngày ấy.
(CÒN TIẾP)


[1] Đội sổ: chót lớp







Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.







Kho Báu (6) - Lệ Hằng Kho Báu (6) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 5:22 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.