Kho Báu (5) - Lệ Hằng


KỶ NIỆM
“…kỷ niệm buồn hay vui đều mang đến nước mắt…”
***

KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(5)
***
Trong nhà lớn, ông Trưởng ngả lưng nghỉ trưa. Chiếc chiếu tre dưới lưng nằm nghe mát rượi. Ông phe phẩy quạt mo đuổi mấy con ruồi. Đầu ông miên man nghĩ về cây lộc vừng. Kể cũng lạ, chẳng ai uốn nắn động chạm gì mà nó mọc ra thế phượng hoàng, quả là thế đẹp trời đất ban cho. Với thế ấy người ta bứng bỏ chậu, tỉa tót chưng làm kiểng là hết sảy. Nó càng già càng thăng trầm giá trị càng tăng. Vì thế mấy hôm nay ông thấy trong lòng không yên. Bảy triệu hay bảy chục triệu thì cũng không thể cả đời khấm khá nhờ những khoản này, của thiên rồi sẽ trả địa nhưng con cháu chắc gì đã hiểu. Ăn ở không khéo mở mắt ra chạm mặt nhìn nhau không sửa rồi chòm xóm người ta cười cho. Càng nghĩ ông càng nể người hàng xóm đáng tuổi con ông. Lúc sáng, đang nhâm nhi tách trà giữa buổi, thấy bác Lớn xuất hiện trong sân ông còn lo dùng dằng chuyện cây cối vì thằng Cả của ông sẽ không thối lui bước nào. Người im im ít nói thường sâu sắc. Bác Lớn đề nghị hạ cây lộc vừng với lý do là ghét thái độ của tay săn cây, hắn ta mồi chài bác không được thì chuyển sang xúi giục ông. Thấy ý ông không xuôi lại quay sang đặt điều khích bác hai bên. “Trưởng thành hơn thằng Cả mình nhiều.” Ông Trưởng nhủ thầm. Gió ngoài vườn thổi vào ru ông vào giấc ngủ chập chờn kỉ niệm rất nhiều năm về trước. Ngày ấy, mùa màng bội thu nên bà Trưởng mua cho hai thằng con hai bộ áo mới. Ông Trưởng cuốc đất làm vườn, chúng xúm xít chạy chơi quanh cây lộc vừng. Bất chợt, chú Thứ ngã từ trên cây xuống, không bị thương như chiếc áo vướng cái mắc rách toạc.
- Thằng Thứ, ai vẽ trèo cây rứa hả?!
Ông Trưởng không kìm được cơn giận. Ông vừa lo chú Thứ leo trèo nguy hiểm vừa tiếc bộ đồ mới.
- Dạ ba, là con vẽ hắn trèo cây. – Bác Cả thật thà vòng tay nhận lỗi.
Ba roi quắn đít, bác Cả nằm bẹp dí trên phản. Lát sau, ông nghe thấy giọng chú Thứ rưng rưng.
- Eng, đau lắm không eng[1]?
- Tau vẽ đừng trèo rồi mà không chịu nghe. Áo rách rồi thôi bỏ đi, ít bữa tau cho mặc ké…
Thật vô lý nhưng ông không ngăn được suy nghĩ ước chi chúng mãi là trẻ con như thế, ước chi được mãi êm đềm như ngày ấy, ước chi cuộc đời không đẩy anh em chúng xa nhau…
Nhà bên bác Lớn cũng rưng rưng kỉ niệm. Cây cối nào trong vườn mà chẳng ít nhiều gắn liền kỉ niệm nhưng cây lộc vừng vừa hạ đặc biệt nhất vì đó là nơi cất giấu kho báu của bác, tình yêu của bác. Cây nằm vị trí cuối vườn vắng vẻ lại gần hồ mát rượi nên bác chọn làm nơi lý tưởng ngồi đọc thư và biên thư cho mẹ Tộp Anh. Cuộc tình trắc trở tưởng như không thể về chung một nhà khi mẹ Tộp Anh phải ra mắt người con trai khác. Bác chôn tất cả thư cùng chiếc khăn thêu hẹn ước có tên hai người trên đó xuống gốc cây, không phải chôn một khối tình mà là chôn một báu vật cùng lời thề và quyết tâm phải đường đường chính chính rước mẹ Tộp Anh về. Bác đã làm được điều mình muốn. Đám cưới vẫn được hai họ chúc phúc dù nhà ngoại không hoàn toàn ưng thuận nhất là bà ngoại Tộp Anh. Linh cảm của người mẹ luôn khiến bà mơ hồ lo sợ…
Mà bà lo chẳng sai. Duyên trần ngắn ngủi, mẹ Tộp Anh qua đời để lại bác đơn chiếc nuôi con. Từ đó đến giờ những lời trách móc vu vơ, những mặc cảm, những khoảng cách vô hình cứ kéo dần bác và Tộp Anh xa nhà ngoại. Nếu không có Tết hay giỗ mẹ có lẽ Tộp Anh cũng quên mặt của bà ngoại mình mất.
Nghẹn ngào, bác mở gói nylon vừa đào lên lúc sáng. Cái bao nylon bị thủng khiến thư rách nát đôi phần và chiếc khăn tay lấm loang lổ dấu vết thời gian. Bác kề lên má tìm hơi ấm của ngày xưa, của những mùa thương cũ và của người bác vẫn hằng gọi tên. Hơi ấm còn vẹn nguyên trong tim bác. Con người sinh ra từ yêu thương và sinh ra để yêu thương nên sẽ còn mãi còn hoài với những yêu thương ấy. Giọt nước mắt cô đặc qua mấy mùa xa nhớ lăn khỏi mi rớt xuống gối. “Mình thật tệ!” bác tự trách.
Nghe tiếng bước chân Tộp Anh lên nhà trên bác chồm dậy cất vội đi kỉ niệm. Nó chẳng để ý, nó vội vào nhà tìm sợi dây thép rồi đi ra. Chợt, bác gọi giật lại.
- Tộp, thay đồ đàng hoàng đi với ba.
- Đi mô ba?
- Qua ngoại.
Tộp Anh sững sờ tưởng tai mình bị lãng.
- Mang theo mấy bộ đồ qua ở chơi với ngoại vài ngày.
Lần này thì không thể lãng được. Nó cuống quýt soạn đồ. Chỉ cần lòng tự cởi trói và sẵn sàng cho lời xin lỗi thì mọi thứ thật nhẹ nhàng. Nếu bà ngoại không cho bác và Tộp Anh cũng sẽ ở lỳ bên đó vài hôm.
(CÒN TIẾP)


[1] Eng: anh







Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.



Kho Báu (5) - Lệ Hằng Kho Báu (5) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 11:50 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.