Kho Báu (2) - Lệ Hằng
CHÔN KHO BÁU
***
KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(2)
Mới
hơn một giờ chiều Nhỏ và Gấm đã lẻn ra sau vườn chôn kho báu. Chẳng còn chỗ nào
linh thiêng hơn cây thị, nơi mệ bà chúng đang canh giữ và chắc chắn sẽ trông
nom kho báu của chúng. Gấm bọc cây bút máy trong ba lớp giấy xi măng cho vào
túi nylon cột chặt. Chiếc bút Pilot nắp vàng ánh kim mới cóng xịn sò đến nỗi Gấm
chẳng bao giờ hé ra cho đứa nào xem sợ chúng cuỗm mất. Và nó cũng chưa từng bơm
mực, chưa từng viết nét chữ nào vì người tặng cây bút cho nó đã ra một điều kiện
hiểm hóc: Học cho được học sinh giỏi rồi hãy dùng bút. Nhưng qua ba đợt tổng kết
cuối năm rồi nó cố gắng kiếm tấm bằng khen học sinh Khá thôi cũng chưa được nữa
là giỏi. Và nó cứ bọc cây bút trong giấy cất hoài cất mãi. Giờ thì nó yên tâm
kho báu sẽ an toàn dưới gốc thị.
Nhỏ
chôn chuỗi nắp keng ông Tý tặng. Từ khi an toàn rời khỏi nhà ông Tý nó luôn xem
sợi dây này là bảo bối. Chỉ khi ở một mình Nhỏ mới đem ra chơi, nó không muốn
san sẻ món quà đặc biệt này với ai. Giờ thì nó quyết định nâng tầm quan trọng của
sợi dây lên thành kho báu. Lúc nãy nó đã kéo sợi dây lần cuối cùng, nhìn những
chiếc nắp keng nhảy múa lần cuối cùng rồi cho vào túi háo hức tạm biệt kho báu
của mình.
Chúng
đang hì hục đào hố chôn thì Tộp Anh từ bên kia hàng rào nhảy sang. Lát sau nó
cũng thu thu giấu giấu một túi nylon mang ra gốc thị. Lấp đất xong xuôi chúng
tìm cách đánh dấu kho báu của mình. Đứa này nhìn kho báu đứa kia tò mò. Cuối
cùng chúng lập lời thề độc để bảo vệ quyền riêng tư. Chúng giơ tay lên trời trịnh
trọng đọc:
“Gấm,
Nhỏ, Tộp Anh xin thề có trời đất chứng giám. Một, không hỏi về kho báu của người
khác. Hai, không đào trộm kho báu của người khác. Vi phạm lời thề sẽ bị thiên
lôi đánh chết.”
Đọc
đến câu cuối giọng đứa nào cũng run run. Ba cặp mắt đồng loạt nhìn lên. Ông trời
ở xa quá không biết có nghe rõ lời thề hay không nhưng nơi cây thị này chắc chắn
có người đang chứng giám tấm lòng của chúng.
***
Ngõ
vào nhà ông Tý hôm nay đã bớt rờn rợn, chúng còn nghe cả tiếng chim líu lo
trong tán lá. Cánh cửa liếp đang mở, ông Tý đang thắp hương trên bàn thờ. Chúng
nép bên cửa liếp, chùn chân dù mới lúc nãy chúng hào hứng tính chuyện pha nước
muối rửa vết thương trên đầu cho ông và gọt cho ông ít nấm tràm búp vì chiều
nay hai đứa con gái bội thu nấm. Ông Tý nhìn ra nheo mắt cười ngoắc tay gọi chúng
lại.
Té
ra nhà ông Tý sạch sẽ gọn gàng chứ không hề hôi hám mốc thếch, không hề rùng rợn,
không nhốt đầy rắn hổ như người ta đồn đại. Nhưng thứ gì trong nhà cũng cũ, cũ
chắc phải đến bảy, tám đời vương rồi. Bất chợt, sáu con mắt sáng rực lên khi lướt
qua chiếc giường chỉ còn một chân lành lặn, ba chân què kê trên mớ gạch. Là nó!
Nó nằm trên chiếc chiếu rách, cạnh chiếc gối xỉn màu. Bất ngờ và sung sướng làm
chúng run lên. Cái rương kho báu màu gụ mạ vàng quanh nắp có ổ khóa nằm cách
chúng chỉ mấy bước chân. Cái rương y như trong phim. Là thật hay mơ? Chiếc
rương kho báu đẹp nhất quý nhất lại nằm trong căn nhà dột nát tồi tàn của ông
Tý.
-
Ui cha, rương kho báu! – Nhỏ reo vào tai Tộp Anh.
-
Giống y chang, hè? – Gấm quay sang nói với cả hai.
Những
tiếng thì thào chạm vào màng nhĩ ông Tý. Hốt hoảng như đang trong một cuộc rượt
đuổi nghẹt thở, ông lao đến lấy gối đè lên rương rồi cuộn chiếc chiếu phủ lên gối.
Vẫn còn lo, ông nằm dài trên chiếu che cho kho báu của mình. Chúng cũng hốt hoảng
không kém, chúng cuống quýt vòng tay cúi đầu chào ông ra về.
-
Ê bây, không biết rương nớ đựng chi – Gấm thắc mắc.
-
Một, không hỏi về kho báu của người khác. – Nhỏ nhắc nhở. Lời thề độc mới đọc
lúc đầu chiều vẫn còn vang rành rọt trong đầu ba đứa.
Tộp
Anh đăm chiêu một lúc rồi quả quyết.
-
Mai vô xin ôn cho tụi mình coi cái rương, nghe bây. – Sợ bị nhắc nhở như Gấm,
nó nhấn mạnh. – Coi cái rương thôi chơ không phải coi kho báu trong rương.
***
Mùa
nấm sắp sửa kết thúc. Nấm mọc thưa dần, chúng chỉ đợi một trận mưa lớn có nước
đổ ào ào là chính thức hạ màn hẹn đến mùa sau. Nhỏ và Gấm sốt ruột hơn bao giờ
hết, ba hôm liền ghé nhà ông Tý đều không gặp được ông, chỉ có ngôi nhà im lìm
tán lá lao xao đáp lại nỗi mong chờ. Nhưng chiều nay thì khác, Tộp Anh chiều ý
hai đứa con gái đập trâu về ăn trong nương sát nhà ông. Chúng vừa đưa ra một
quyết định táo bạo: ông không ở nhà thì ngồi ngoài sân đợi!
Nhưng
chẳng phải đợi thêm giây phút nào cả vì cánh cửa liếp đang mở toang chào đón
chúng. Nhanh như sóc, cả ba có mặt trong nhà. Chưa kịp thưa gửi chúng đã nhảy cẫng
lên nhìn nhau xuýt xoa. Cái rương kho báu ở ngay trước mặt chúng. Kìa, nó đang
mở toang. Chúng không tò mò. Chúng đã thề không tò mò thọc mạch kho báu của người
khác nhưng chính nó nằm lồ lộ trước mắt sao cất được ánh nhìn. Chân chúng khựng
lại, thẩn thờ. Ông Tý khóc tu tu. Chúng lo lắng. Không biết đứa nào ném đá hay
làm gì ông. Tộp Anh cầm tay ông lắc lắc định hỏi nhưng nó chưa kịp mở miệng thì
bất giác ông kẹp chặt nó vào lòng. Tộp Anh mặt cắt không còn giọt máu, chân run
lẩy bẩy. Nó mím chặt môi gồng mình vùng chạy nhưng cánh tay ông quàng qua người
nó chặt quá. Giây sau, nó không còn muốn vùng chạy nữa, mãi mãi không vùng chạy
nữa khi bàn tay bên kia của ông chạm vào lưng nó. Cái vỗ nhẹ êm như gió mùa thu
làm nó chỉ muốn thiêm thiếp đi trong vòng tay ấy.
-
Con trai tui…., hu hu, con trai tui… Ba nhớ con lắm…
Cơn
mưa chiều trút những giọt nước đầu tiên qua chỗ dột rỏ xuống mặt chiếu
rách. Nước mắt ông Tý đục ngầu nóng hổi
cũng theo đà rỏ xuống mặt chiếu rách. Rồi mắt Tộp Anh, mắt Nhỏ, mắt Gấm đứa nào
cũng đỏ hoe ngấn nước. Tộp Anh vùi đầu vào lòng ông rưng rức tìm hơi ấm. Tấm ảnh
bên trong rương đã ố nhưng chúng vẫn nhận ra người đàn ông có vết sẹo trên chân
mày trái ấy. Người đàn ông khá trẻ rạng rỡ bên vợ con. So dáng người và tuổi
tác thì Tộp Anh hao hao giống thằng trong ảnh. “Ông Tý tửng tửng” cũng từng có
một gia đình và so dáng người cũng như tuổi tác thì Tộp Anh hao hao giống con
trai ông Tý. Trên bàn thờ, tuần nhang đã cháy gần tàn nhưng lò trầm vẫn hiu hắt
khói. Hôm nay ông Tý làm giỗ cho vợ và con trai. Hai cái chén, hai đôi đũa, hai
ly chè, hai chiếc muỗng… sắp ngay ngắn trên bàn thờ.
Trong
chốc lát, chúng hiểu ra những đèn lồng, hạc giấy, nắp keng treo từ đầu nhà đến
cuối nhà là dành cho ai. Trời ơi, ông Tý làm đồ chơi cho con trai nhưng người
ta không thấy con ông đâu nên bảo ông bị điên. Gió chiều luồn qua song cửa sổ cạnh
giường, những con hạc giấy đong đưa nhòe dần trong nước mắt.
***
Đã
chập choạng tối nhưng cái tua vít bác Cả để lạc đâu kiếm mãi không ra. Nhỏ thừa
lệnh ba sang nhà bác Lớn mượn. Tim nó đập bình bịch. Khu vườn chìm dần vào bóng
tối và im ắng như có thể nghe được từng hơi thở của cây. Vẫn chưa đen đặc nhưng
trong cái tờ mờ tối nhiều hơn sáng những chùm lá biến hình nhảy nhót trước mắt
nó và toàn những hình thù cổ quái. Nó đã đến gần cây thị. Tay phải đặt trên ngực
trái, nó thều thào: “Mệ bà của mình mà, không sợ, không sợ.”
Nhỏ
bước thêm ba bước, nó không hồ nghi nữa mà khẳng định mệ bà của nó ở đó và đang
khóc. Tiếng “hức hức…” rõ ràng là phát ra từ gốc thị. Hai chân nó run rẩy loạng
choạng nhưng nó vẫn tiến lên. Bất giác, nó giơ tay ra vỗ nhẹ vào vai người đang
ngồi khóc.
-
Hu…hu… dạ mệ, dạ mệ, mệ tha cho con…
Tộp
Anh quýnh quáng thả kho báu xuống đất thụp lạy rối rít trong cơn nấc.
-
Chu cha, cái lược gãy răng thôi chơ có chi mà mi quý mi chôn làm kho báu dữ rứa?
Nhỏ
cúi xuống định lượm chiếc lược, Tộp Anh nhanh tay chộp lấy ôm vào lòng. Con đê
chắn lũ đã vỡ òa, nó khóc tức tưởi. Khóc vì qua được một phen hú hồn, khóc vì tức
Nhỏ làm nó tưởng gặp ma, khóc vì nhớ mẹ.
-
Mạ tau ngày mô cũng chải cái lược ni hết…
Nó
nhớ xiết bao cánh tay gầy mà êm ái của mẹ, nó thèm xiết bao cái vỗ êm như gió
mùa thu của mẹ. Nó học mẫu giáo lớn rồi nhưng trưa nào, tối nào cũng rúc vào
lòng mẹ, phải có mẹ ôm ấp mới đi vào giấc ngủ được. Đã qua mấy lần giỗ mẹ nó
không còn khóc nhè hằng đêm nhưng chẳng phải nguôi ngoai mà nỗi nhớ cứ đâu đó lớn
dần và mỗi lần chạm đến như hôm nay thì nhớ ào ạt, nhớ như lũ tràn bờ. Nhỏ ngồi
xuống cạnh Tộp Anh.
-
Mạ mi ở trên trời cũng nhớ mi đó.
Tộp
Anh không nhúc nhích, quãng nghỉ giữa các tiếng khóc ngắn lại. Nó khóc nhanh
khóc vội như bị ai rượt.
-
Mi khóc nhiều rứa mạ mi biết mạ mi buồn răng. Nín đi. Vô lấy cho ba tau mượn
cái tua vít với.
“Mạ
biết mạ buồn” ý nghĩ đó làm Tộp Anh chùi khô nước mắt dù tiếng nấc vẫn còn. Nó
vuốt nhẹ kho báu lần nữa, âu yếm nâng niu rồi gói lại đặt về chỗ cũ. Kho báu của
nó nó phải thập thò mạo hiểm lén người lớn lấy đem cất chứ không chiếc lược đã
theo mẹ nằm dưới tầng đất sâu. Nhưng cuối cùng Tộp Anh cũng chôn kho báu của
mình xuống đất. Có lẽ đất là nơi êm ái thiện lành nhất cho những thứ chúng ta
trân quý khi không tiện giữ bên mình. Chúng nhìn lên tán cây rồi nhìn xa ra vào
khoảng đen mênh mang trên đầu. Mẹ Tộp Anh có lẽ đang dỏng tai nghe chúng nói
chuyện. Chúng tin như thế, rằng những người chúng yêu thương, bằng cách này hay
cách khác sẽ mãi sống trong cuộc đời của chúng.
(CÒN TIẾP)
Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.
Kho Báu (2) - Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
11:36 AM
Rating:

No comments: