Kho Báu (1) - Lệ Hằng


ÔN TÝ TỬNG
***
KHO BÁU
TRUYỆN DÀI CỦA LỆ HẰNG
(1)

“Ôn Tý tửng tửng
Ôn Tý tòn ten
Mấy tấm nắp keng
Cái kèn lá chuối
Lồng đèn tháng Tám
Bịch chè đậu ván
Con gián nằm ngang
Chàng hiu nằm dọc
Củ khoai biết khóc
Ú òa ú òa…”

Cả khoảng nương xanh lịm rung rinh theo tiếng cười giòn giã, tiếng vỗ ran ran. Chòm lá bạch đàn đang chạm hờ vào nhau lim dim ngủ bỗng bừng dậy gọi gió, xào xạc khua mình theo tiếng vỗ. Bọn trẻ nháo nhác hết dạt sang trái lại ùa sang phải, vừa sợ hãi vừa háo hức vỗ tay. Chúng thở hổn hển mặt phừng phừng mồ hôi vã ra, thấm mệt. Ông già điên cũng thấm mệt thả mình trên đám cỏ gà khóc tu tu. Ông chống hai tay xuống bãi cỏ, cái áo màu cháo lòng rách tả tơi để lộ hai cánh tay khẳng khiu như hai que gỗ và tấm lưng còm gầy rạc những xương. Vậy mà ông chạy khỏe, đủ để đọ sức bền với chúng. Mấy đứa lau hau thường phải bỏ cuộc trước, như lúc này đây có đến bốn đứa cứng giò bỏ về trước vì sợ ông đuổi kịp véo lỗ tai. Chúng lặng lẽ hò trâu sang nương bên cạnh rồi mất hút ngoài Đường Xe. Ông già điên nguyên tắc lắm, chẳng bao giờ chấp những đứa đã giơ cờ trắng rút lui. Ông chỉ để mắt mấy tên lì lợm đang cố bám trong nương, và dù có khi chân tay bải hoải miệng khóc tu tu ông vẫn rượt theo cho đến khi đứa cuối cùng chịu đầu hàng. Rất nhiều lần trời tối mịt tối mùng người ta mới thấy ông thất thểu đi về. Đứa nào bám được đến vòng thi gan đọ trí cuối cùng với ông cũng lấy đó làm niềm kiêu hãnh. Và Tộp Anh bao giờ cũng khiến tụi bạn phải xuýt xoa.
Chỉ còn lại ba đứa trong nương, chúng vỗ tay “đôm đốp” và đọc vè “Ông Tý tửng tửng” to hơn ban nãy để làm ông phấn khích. Ông rượt theo đứa nào là hai đứa còn lại liền bám đuôi ông vừa đọc vè vừa cười vừa diễn hề chọc ông quay lại rồi chúng cúi gập, uốn mình, trườn bò hoặc làm đủ mọi trò để né những cú vợt từ tay ông. Cứ y như phim chưởng. Tộp Anh chạy đến cuối nương, chuyến này ông quyết dí nó đến cùng. Hết đường chạy, nó nhảy bừa vào bụi mé tré. Ông Tý thừa sức thò tay qua nhấc tai nó lên nhưng ông không muốn “đuổi cùng, giết tận” theo cách đó. Ông nhe răng nhìn Tộp Anh gật gù cười. Bất chợt, ông quay người lại khóc òa như đê vỡ bước cao bước thấp bỏ đi, mặc kệ Tộp Anh thở hồng hộc trong bụi mé tré. Tộp Anh nhảy ra hú hét ăn mừng, ông Tý đã đầu hàng nó! Còn kiêu hãnh nào hơn nữa chứ!
Nhưng nó chưa kịp đứng vững trên đỉnh vinh quang thì đã ngã lăn cù. Nó cay cú: “chết cha, trúng bẫy rồi!” Tộp Anh lại nhảy bừa vào bụi nhưng lần này ông Tý không tha cho nó nữa, bàn tay của ông già phù thủy dí lấy tai nó. Ông mà véo là khóc không ra tiếng. Hoảng loạn, nó cắm đầu rúc vào bụi tre hóp và đáp đất ở nương bên kia. Tộp Anh mừng rơn. Nhìn lại bụi tre hóp rậm rì nó thật không dám tin mình vừa xuyên qua đó.
Tộp Anh thong thả đập trâu về. Trời sắp nhá nhem, cây thị cổ thụ rậm rì trong vườn ông Trưởng xòe tán ôm gọn cả góc đường. Bất chợt, Tộp Anh rùng mình. Bóng con ma đội cái nón trắng hiện ra trong đầu dù nó chưa lần nào được thấy. Dù vậy nó vẫn cố tạt vào xem vớt vát được trái thị cuối ngày nào không. Xui cho nó, hai vệ sĩ nhà ông Trưởng đang ở đó. Nó nhìn Nhỏ và Gấm nén tiếng thở dài, có hai đứa này thì cái hột cũng đừng hòng lượm chứ nói gì trái thị! Nó hò trâu đi thẳng nhưng qua được ba bước đã bị gọi giật lại.
- Ê Tộp, ngày ni có gặp ông Tý không? Ông Tý có cho kẹo không?
Đụng phải chuyện vui, Tộp Anh quay lại, mặt vênh tới trời.
- Không có kẹo nhưng có chuyện ni hay hết sảy cào cào.
- Chuyện chi?
- Hay lắm, ngoài tau ra đố đứa nào biết. – Tộp Anh xuýt xoa. – Mà tau không kể mô. Tau về đây.
- Chuyện chi mà hay ghê rứa? Kể đi, kể đi. – Hai đứa con gái bám theo sát gót.
- Cho tau mấy trái thị đã rồi tau kể cho.
Chân dung ông Tý trong đầu Nhỏ và Gấm được vẽ thêm chi tiết chiếc răng bằng vàng sáng chói điểm tô thêm cho tất cả sự kì dị, quái đản, rùng rợn… chúng đã vẽ trong đầu lâu nay. Chúng chưa thấy ông Tý lần nào vì ông Tý chỉ hoạt động trên địa phận thôn Hai, quanh quẩn cồn ông Cải với tụi giữ trâu. Nhưng trẻ con khắp hợp tác xã đứa nào cũng biết ông Tý và cũng tạc một bức chân dung độc đáo trong đầu. Ông vừa là nỗi sợ hãi vừa là niềm mơ ước của chúng vì không ai trong làng kỳ quái như ông và cũng không ai hào hiệp cho chúng kẹo nhiều như ông.
***
Tộp Anh móc chiếc lồng đèn vào roi đập trâu tòn ten vác về. Ngang chỗ cây thị nó đi chậm lại, chậm thật chậm.
- Đẹp ghê bây! Ai cho mi rứa?
- Đoán đi!
- Thôi, mệt. Ai cho kệ mi. Cho mượn coi tí hỉ.
Tộp Anh vẫn giữ khư khư chiếc lồng đèn trong tay, miệng bô bô:
“Ôn Tý tửng tửng
Ôn Tý tòn ten
Mấy tấm nắp keng
Cái kèn lá chuối
Lồng đèn tháng Tám
Bịch chè đậu ván…”
- A! Ôn Tý cho mi?! Răng ôn cho mi ngon rứa.
- Bởi tau “ngon” quá mà. Được có hai cái. Tau một cái, thằng Lồi một cái. Không phải tự dưng mà được cho mô nghe.
- Kể đi rồi cho thị.
- Hôm ni không thèm thị, để khi khác. Tau về đây. Cây thị ni có ma đó. – Tộp Anh làm bộ sợ hãi dù trời chưa tắt nắng.
- Con ma là mệ bà của tau, có chi mà sợ.
Gấm đi theo Tộp Anh quyết mượn cho bằng được chiếc lồng đèn, nó muốn coi kỹ để bắt chước làm một chiếc như thế.
- Mệ bà bây chơ phải mệ bà tau mô, lỡ bóp cổ tau lấy lồng đèn cho bây…
Tộp Anh khăng khăng bỏ về. Chậc, kệ cho hai đứa con gái thèm chơi vài ba hôm nữa rồi cho mượn. Ý nghĩ đó làm Tộp Anh rạng rỡ mặt mày. Sau lưng nó, Nhỏ và Gấm ngẩn ngơ trông theo từng nhịp lúc lắc của chiếc lồng đèn xanh đỏ.
Đêm không trăng sao giăng như mắc cửi. Nhỏ và Gấm ngồi hóng mát ngoài hiên nghe muỗi vo ve hát. Hôm nay chú Thứ sang đón Gấm muộn quá, mắt nó sắp sửa ríu lại nếu chiếc lồng đèn giấy gương xanh đỏ ấy không hiện lên trong đầu. Và nó thèm được lên thôn Hai vi vu trên cồn dưới hát như Tộp Anh. Nó bực dọc nghĩ: thằng Tộp Anh phải giữ trâu cực tí mà ngon, ngày nào cũng mang về khối chuyện hay ho lại được độc quyền chơi với ông Tý. Nó không thể thua Tộp Anh được, nó phải tìm đường lên thôn Hai thôi.
- Nhỏ, mai xin bác đi hái nấm, nghe.
- Nấm đắng bắt chết, hái làm chi.
- Hái thôi chứ ai bắt mi ăn mô mà đắng.
Gấm ghé tai Nhỏ thủ thỉ, nó phải giảng giải cặn kẽ thì cái đầu u tối của Nhỏ mới thông được.
***
Cồn Ông Cải chiều nay vui như hội. Gió réo rắt hát trên đầu, sỏi lạo xạo múa dưới chân. Cỏ nào, cây nào, mảng trời nào cũng xanh một màu rất mới, hấp dẫn vô cùng. Và nấm cũng thế. Những tai nấm tràm mới bung lên cứng cáp mập mạp ngon mắt, tiếc là Nhỏ và Gấm chẳng bận tâm. Hái nấm chỉ là cái cớ, điều duy nhất chúng suy nghĩ lúc này là khi nào ông Tý xuất hiện và có cái lồng đèn nào như hôm qua không?
Mặt trời hắt nghiêng đổ nắng lai láng vào người chúng. Nắng chiều vàng xuộm êm tựa thảm nhung chứ không gay gắt xót xáy như lúc hành quân đi. Chợt, xa xa có tiếng vỗ tay reo hò.
 “Ôn Tý tửng tửng
Ôn Tý tòn ten
Mấy tấm nắp keng
…”
Tộp Anh cuốn giò phi theo hướng vừa phát ra âm thanh ấy. Gấm hớn hở xách bịch nấm bám theo sát gót. Nhỏ hấp tấp xỏ hai tay vào hai chiếc dép cuống quýt chạy, vừa chạy vừa lẩy bẩy chân tay. Với nó, ông Tí là một dị nhân. Bao nhiêu chuyện rùng rợn về ông hiện sắc nét trong đầu đến nỗi nó toát mồ hôi vì sợ. Dù ông Tí thường cho con nít kẹo và hôm qua còn cho Tộp Anh lồng đèn nhưng bấy nhiêu không thể khỏa lấp sự rùng rợn được. Chỉ riêng chuyện ông thường xuyên đeo con rắn lủng lẳng trên mình thôi cũng đủ khiến khối đứa khóc ré lên rồi. Nó vừa chạy vừa như đi giật lùi. Những bước chân ám đầy nỗi khiếp đảm. Ồ, vậy mà không.
Trước mắt nó là một ông già hom hem tội nghiệp. Chẳng phải râu ria lồm xồm, chẳng phải cặp mắt cú vọ, chẳng phải đôi tai dị hợm, ông Tý trong huyền thoại xác xơ và rách rưới. Chỉ có vết sẹo lồi trên chân mày trái làm gương mặt ông có vẻ dữ dằn. Nhỏ vạch bụi mé tré để nhìn rõ hơn. Quả là vết sẹo rất to trông đáng sợ thật. Nhưng chỉ có bấy nhiêu thì chưa đủ sức làm nó ám ảnh. Một tượng đài quái dị với những nét chạm trổ rùng rợn sập đổ hoàn toàn. Dù vậy Nhỏ vẫn không chạy ra bu theo đám lâu la. Nó thấy tội nghiệp ông già. Ông quần tới quần tui mấy chục vòng rồi mà chẳng tóm được tai đứa nào. Hình như hôm nay ông mệt. Vạt nắng cuối ngày in dáng đi thất thểu của ông lên bãi đất trống trong nương, cái bóng đổ dài đến cuối nương gần chỗ Nhỏ núp. Đám lâu la vẫn không chịu tha, chúng bám theo sát gót. Bất chợt, bằng chút sức nghỉnh cuối cùng ông bật người quay lại tóm tai thằng Lồi. Thằng cà chớn dám chọc kẹ ông níu áo ông. Lũ lâu la hoảng hốt dạt ra, tán loạn. Nhỏ nhảy khỏi bụi mé tré vỗ tay hoan hô ông. Tiếng sỏi đá cát sạn rớt rào rào trên vạc cỏ sau lưng ông rồi rớt trúng người ông. Ông đứng giữa làn mưa sỏi sừng sững như một tượng đá. Tộp Anh ngạc nhiên, lâu nay tụi nó chỉ chọc ông chứ chưa tấn công ông bao giờ. Nó định can thì bên nương có tiếng đứa nào đó dội lại.
- Tộp! Trâu mi chạy rồi tề.
Tộp Anh quýnh quáng ném cái roi đập trâu cho Gấm còn nó lượm đại một que củi dài, khẩn trương.
- Mi đi chận với tau hí.
Hai đứa cuốn giò mất nút bên nương kia.
Ông Tý đã thả tay cho thằng Lồi chạy nhưng đá vẫn rớt vào người ông và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông loạng choạng ôm đầu, máu bắt đầu chảy ra. Nhỏ ra giữa nương gào lên thống thiết: “Thôi!!! Bây bị điên à?!” Tiếng gào trong vắt đập vào vách núi rồi dội lại, Tộp Anh và Gấm chận trâu cách đó hai quãng nương vẫn nghe thấy.
Nhỏ thở đứt quãng trong tiếng nấc. Hai chân nó tê cứng như vừa được đổ bờ lô. Nó không đưa tay lên bịt mắt dù nó chưa bao giờ thấy máu chảy thành dòng như thế. Máu làm nó hãi hùng. Mồ hôi toát ra chảy từ đầu xuống trán rồi ngang qua miệng mằn mặn. Hai hàm răng cầm cập đánh vào nhau. Nó sợ máu còn hơn sợ hình ảnh ông Tý quái vật trong tưởng tượng lâu nay. Ông Tý bắt đầu khóc tu tu, hai tay ông không ngăn được dòng máu ấm. Ông chết mất thôi. Ý nghĩ thoáng qua làm hai chân Nhỏ cử động, nó lao đến lấy cái mũ tai bèo bịt đầu ông. Máu thấm dần qua lớp vải dày. Lúc tay nó dính máu là lúc nó thấy đỡ sợ máu đi nhiều. Nó thôi khóc thành tiếng mà thút thít “Ôn đừng chết, ôn hí.” rồi nó đứng bất động như thế.
Tộp Anh vừa về đến chỉ mới kịp thấy ông nó đã quàng chân lên cổ phóng lại sang nương bên kia. Nó vừa chạy vừa nhai, miệng nhồm nhoàm toàn lá ớt. Khóe miệng nó xanh lè, mùi hăng lá ớt làm nó thấy mắc ói, ruột gan như lộn ngược lên. Tộp Anh bụm tay rịt “thuốc giấu” vào vết thương trên đầu ông. Nhỏ và Gấm cũng xanh lè những miệng lá. Ông Tý thôi khóc, chỉ còn tiếng hức hức nhẹ trong con nấc. Tộp Anh cởi cái áo ngoài nhem nhuốc của nó cột vết thương.
***
Bốn con người, một ông già ba đứa trẻ mệt nhoài đói lả lững đững dắt nhau về. Nhỏ cầm cái mũ be bét máu lo lắng liệu có kịp xuống mương giặt cho sạch trước khi ba nó thấy? Gấm e ngại về muộn thế này không khéo hôm sau bác Cả chẳng cho đi hái nấm nữa. Tộp Anh đăm chiêu nghĩ cách trả lời bác Lớn nếu chẳng may sự vắng mặt của cái áo ngoài nhem nhuốc đó lọt vào mắt bác. Cả ba lầm lũi bước, không đứa nào hé răng về những nỗi lo riêng vì chúng đang âm thầm một nỗi lo chung. Ngôi nhà, à không, chính xác là khuôn viên nhà ông Tý tính từ chỗ lối vào rợp xanh cỏ mọc hoang ấy lâu nay là cấm địa. Gan góc như Tộp Anh mà mới vài lần dừng chân trước ngõ lếu láo nhìn vào. Lối đi hoang lạnh chạy dài ngỡ như là hun hút và mái ngói lọt thỏm giữa tầng tầng lớp lớp cây xanh cỏ dại ấy luôn làm nó chùn chân. Hình như ông Tý nuôi cả một vương quốc rắn trong đó và lâu lâu lủng lẳng xách một con đi bán. Buổi đêm, người ta nghe ra đủ thứ âm thanh như vọng từ cõi chết phát ra từ nhà ông. Có người nói ông Tý bị ma nhập, một số khác cho rằng ông có căn cô căn cậu, nhiều người thì cho rằng ông bị điên. Tóm lại ông không phải người bình thường. Chẳng có người bình thường nào lại hát ru, dỗ dành, ôm ấp một củ khoai. Chẳng có người bình thường nào lại vác lồng đèn hát dạo giữa khuya. Chẳng có người bình thường nào lại khóc khi cái kèn lá chuối bị tịt. Và chẳng có người bình thường nào ôm cả bọc kẹo đi chia cho từng đứa rồi ngồi khóc hu hu… Nhưng tụi nó đã thống nhất sẽ dắt ông về tận nhà.
Cây xấu hổ bò ngoằn ngoèo quất ngang quất dọc vào chân, hai phần cỏ một phần lá khô xao xác dưới đôi dép thỏ hồng của Nhỏ, đôi dép heo xanh của Gấm và đôi chân trần của Tộp Anh. Trái hẳn với lối vào hoang vu lạnh lẽo, khoảng sân tươm tất vuông vắn lạ kỳ. Hai cây lộc vừng canh gác mỗi bên sân cũng chẳng có vẻ gì là hoang dại. Lá dưới đất được quét thành một đống nhỏ dưới gốc cây. Sáu con mắt nhìn chằm chằm vào tấm liếp cửa chính. Dũng cảm của chúng đã đạt đến giới hạn cao nhất, có cho kẹo chúng cũng chẳng dám bước vào bên trong. Ông Tý nhìn ba đứa nó. Hình như đã đỡ đau, ông gật gù vỗ nhẹ vào vai ba đứa nó rồi bất ngờ cởi sợi dây dù treo lủng lẳng hơn chục cái nắp keng ra. Những chiếc nắp keng lúc nào cũng tòn ten trên cổ ông giờ đã nhảy sang cổ Nhỏ. Nhỏ không nhúc nhích. Một niềm kiêu hãnh dâng lên dù nó sợ sệt run rẩy và không cất nổi lời cảm ơn hay chào ông.
Cánh cửa liếp mở ra, ông Tý khuất hẳn trong nhà. Một đàn chim dắt díu nhau bay về núi, khuất dần trong biển mây đỏ hồng. Trời sắp chập choạng nhưng mắt con nít rất tinh, chúng nhìn thấy rõ cái bàn nước bằng gỗ nâu thâm một chân bị mối ăn gãy phải kê hai cục gạch. Cái tủ thờ cũ kỹ. Hai bát nhang cắm đầy chân nhang. Một dòng điện lạnh chạy dọc sống lưng.
- Bây, về! – Tộp Anh khẩn trương.
***
Ông Tý vẫn đi vào nương dù đầu bị thương, cái áo ngoài nhem nhuốc của Tộp Anh vẫn quấn quanh đầu, những vết máu in lên áo đã ngả sang màu tối. Nhưng chiều nay lũ lâu la không đọc vè cũng như chẳng vỗ tay mà chúng đang dự một bữa tiệc kẹo. Ông Tý vừa bán một con rắn hổ và mua về rổ kẹo cau cho chúng. Chúng vây tròn quanh ông chìa tay nhận kẹo. Rổ kẹo đã vơi hơn nửa mà Nhỏ chưa được cục kẹo nào. Nó cố ngoi lên ngả tay trước mặt ông nhưng toàn bị đẩy ngược lại. Mấy thằng cà chớn nhân lúc ông quay sang hướng khác là đút kẹo vào túi quần rồi chen ngang nhận kẹo lượt thứ hai, lượt thứ ba. Túi quần đã nặng nhưng tay cứ chìa ra, chìa ra mãi. Nhỏ bực dọc nhưng giọng nó không thể át được tiếng của mấy đứa to mồm. Cuối cùng, còn cái rổ không thì ông nhìn thấy nó. Nó gần như mếu máo vì tức. Nó nhìn ông phụng phịu trách móc. Ông Tý xoa đầu nó, hai mắt nheo lại. Ông cười rồi rút trong túi áo ra tờ năm trăm đồng đưa cho nó. Sợ mấy thằng cà chớn giật mất, Nhỏ nhét vội tờ tiền vào thật sâu trong túi quần. Lạ thật, lần này ông Tý cho hết rổ kẹo mà vui vẻ đi về chứ chẳng khóc tu tu.
- Ghé mệ Tạ ăn xi-rô hè? – Tộp Anh đang gạn gẫm dòm ngó tờ năm trăm trong túi Nhỏ.
- Mua được ba bì lận đó, đi hè. – Gấm cũng thèm đến cháy cổ cái thứ mát lạnh ướp trong thùng xốp ấy.
- Không! – Nhỏ dứt khoát gạt bỏ bằng thái độ lạnh lùng. – Tiền ni là cất, không tiêu.
Tộp Anh và Gấm tiu nghỉu, đã sắp về đến ngã ba đường cái rẽ vào nhà rồi mà chẳng gạ Nhỏ được bịch xi-rô. Đằng xa thấp thoáng dáng chạy lếu láo của Tèo KiBo. Trông thấy ba đứa nó, Tèo KiBo hớn hở.
- Săn Tìm Kho Báu, Săn Tìm Kho Báu. Bảy giờ bắt đầu chiếu, nghe.
Gặp đứa nào nó cũng loan tin sốt dẻo ấy dù chẳng biết đối phương có đủ tiền để vào nhà nó xem phim không. Nhà nó đang là trung tâm “văn hóa” của xóm với cái ti vi màu, cái đầu video và những cuốn phim mới nhất thuê từ cửa hàng ngoài đường quốc lộ. Nhờ có nhà Tèo KiBo mà thôn Bốn của nó giờ đi đâu cũng gặp ma nữ, kiếm khách, bang chủ… và gọi nhau huynh – huynh, muội – muội…
Nhưng cuốn phim tối nay lại không phải là phim kiếm hiệp. Chẳng có ma nữ hay kiếm khách nào xuất hiện mà chỉ có mấy tên tóc vàng râu ria lồm xồm vật nhau bằng tay và súng. Chúng truy tìm một kho báu mà hơn nửa buổi rồi chưa lộ diện kho báu đâu. Nhỏ tiếc rẻ năm trăm đồng, hiếm lắm nó mới có được năm trăm bỏ vô cái lon trên hiên nhà Tèo KiBo vậy mà…
May, cuối cùng cũng có thứ cho nó xem. Kho báu mọi người chờ đợi bắt đầu lộ diện. Cả nhà người từ con nít cho đến người già trầm trồ. Phim đến hồi gay cấn, hấp dẫn đến từng cảnh quay. Đặc biệt là màn chôn kho báu. Nguyên một hàng dài con nít sau màn ảnh ti vi xuýt xoa, đôi mắt nào của chúng, cái đầu nào của chúng cũng ghi như tạc hình ảnh chiếc rương có ổ khóa vàng được vùi xuống lòng đất. Chiếc rương đựng những thứ mà người ta cho là quý giá nhất.
“Phải chôn một kho báu mới được.” Mười cái đầu con nít thì hết mười cái nghĩ như thế khi dòng chữ “The end” hiện giữa màn hình.
(CÒN TIẾP…)




Kho Báu được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.



Kho Báu (1) - Lệ Hằng Kho Báu (1) - Lệ Hằng Reviewed by Lê Sính on 12:53 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.