Giới thiệu truyện KHO BÁU của tác giả Lệ Hằng
TÓM TẮT GIỚI THIỆU TRUYỆN KHO BÁU
TÁC GIẢ: LỆ HẰNG
Kho Báu
được viết ra bằng tấm lòng tha thiết của tác giả, những mong truyền đi thông điệp
rằng con người sinh ra không phải chỉ để “trở về cát bụi” mà là để đi
vào trái tim của những con người khác và sống trong cuộc đời của họ. Yêu
thương là điều kỳ diệu nhất của trái tim nhưng không phải lúc nào chúng
ta cũng có thể sống trọn vẹn với nó. Cuộc đời ai rồi cũng có những mảng tối, những
bất hạnh, những uất ức, hãy dùng tình yêu để xoa dịu nỗi đau của quá khứ, để vị
tha với chính bản thân mình, để trân trọng món quà của hiện tại và để thanh thản
bước đến ngày sau. Và, xin mở lòng ra, xin đừng thờ ơ
với bất hạnh của những người bên cạnh. Làm sao để “thương mình, thương
người”? Đấy là câu hỏi không thuộc về riêng xã hội nào hay thời đại nào
mà thuộc về con người trong mọi hoàn cảnh sống.
Lấy bối cảnh ở một
làng quê Việt Nam – một xã hội thu nhỏ sau lũy tre làng – truyện mở đầu bằng cảnh
ông Tý điên rượt đuổi lũ trẻ để xách lỗ tai chúng. Ông Tý là nhân vật được con
nít quan tâm, chúng vừa sợ vừa thích. Nhỏ và Gấm chưa được thấy ông Tý nhưng
trong đầu đứa nào cũng tạc một bức chân dung ông qua lời kể của Tộp Anh. Mỗi
ngày, Tôp Anh hé lộ thêm một điều lạ lùng về ông khiến chúng tò mò. Chúng lấy
lý do đi hái nấm để theo chân Tộp Anh lên thôn Hai. Lần đầu tiên chúng thấy ông
Tý đúng vào hôm ông Tý bị ném đá chảy máu. Ba đứa sơ cứu cho ông rồi dắt ông về.
Đó là lần đầu chúng đặt chân vào khuôn viên kỳ dị của ông Tý.
Chiều hôm sau, ông
Tý phát kẹo cho lũ trẻ. Nhỏ không được cục kẹo nào vì chẳng chen lấn nổi với mấy
đứa kia. Ông cho nó năm trăm đồng để bù đắp. Vừa vặn thay, Nhỏ gặp Tèo KiBo
loan tin về bộ phim mới có tên Săn Tìm Kho Báu và Nhỏ dùng năm trăm đồng đó để
xem phim. Sau khi xem, lũ trẻ đứa nào cũng bắt chước chôn kho báu.
Chúng quay lại nhà
ông Tý thăm ông thì phát hiện ra nhà ông có cái rương kho báu y như phim. Ông
Tý sợ hãi giữ khư khư rương kho báu của mình. Vì mê chiếc rương nên chúng quyết
định sẽ quay lại nhà ông để xin ông cho xem rương kho báu. Chúng phát hiện ra
kho báu trong chiếc rương ấy là một tấm ảnh gia đình. Ông Tý điên có vợ có con
nhưng họ mất cả rồi. Ông vì thương nhớ vợ con mà trở nên “tửng tửng” như sống
trong cõi mộng. Chúng cảm động thương xót ông vô cùng.
Được ông Tý vỗ về
ôm ấp gọi “con trai tui” làm Tộp Anh nhớ mẹ. Nó đào kho báu chôn dưới gốc thị rồi
ôm khóc nức nở. Nhỏ phát hiện ra kho báu ấy chính là chiếc lược gãy răng mẹ Tộp
Anh thường chải đầu khi còn sống.
Mùa nấm đã qua, chỉ
còn mình Tộp Anh đập trâu lên thôn Hai. Một buổi chiều, Tộp Anh phát hiện ra gã
trộm chó âm mưu hại ông để cướp số tiền ông bán hai con rắn quý. Hắn ta chính
là người âm thầm đồn thổi những tin rùng rợn về ông để mọi người xa lánh ông vì
hắn ta năn nỉ ông truyền nghề bắt rắn nhưng ông không chịu. Tộp Anh bất chấp tất
cả chiến đấu bảo vệ ông. Lũ trẻ xúc động và không ném đá ông Tý nữa. Khoảnh khắc
ông đứng khom lưng che cho Tộp Anh là khoảnh khắc lịch sử của cuộc đời ông. Sau
mấy chục năm sống trong mộng mị vì thương nhớ vợ con ông đã tỉnh. Ông phải sống
cho hiện tại và từ đây Nhỏ, Gấm, Tộp Anh chính là kho báu của ông, là lý do để
ông làm người đàng hoàng cho chúng hãnh diện. Ông Tý thề bỏ nghề bắt rắn.
Cây lộc vừng nằm lập
lờ giữa nương nhà ông Trưởng và nương nhà bác Lớn có người đến hỏi mua với số
tiền lớn. Sự việc này làm lũ trẻ cãi nhau, đứa nào cũng muốn giành cây lộc vừng
về cho nhà mình. Cuối cùng hai gia đình quyết định không bán để khỏi phải xầm
xì tiền bạc mà chặt bỏ cây lộc vừng, giữ tình đoàn kết. Sự việc này hé lộ một kỉ
niệm xúc động về tình cảm anh em giữa hai người con trai của ông Trưởng, một sự
nuối tiếc dữ dội trỗi lên khi ông cay đắng nghĩ đến sự sứt mẻ trong tình cảm
anh em họ và họ đã xa cách nhau. Đối với bác Lớn cây lộc vừng cũng vô cùng đặc
biệt, nó là chứng nhân cho tình yêu của bác và mẹ Tộp Anh và cũng là nơi bác cất
kho báu của mình. Những nỗi niềm, những mặc cảm dấy lên trong lòng. Bất ngờ,
bác nghĩ thông và cởi trói cho tâm hồn mình. Hai cha con bác sang nhà ngoại để
xin lỗi bà ngoại và để hàn gắn khoảng cách lâu nay.
Vì ham đào bắt con
dế mèn như trong truyện mà Nhỏ bị bác Cả trai đánh. Bác Cả gái trách Gấm “gần mực
thì đen”, thím Thứ nghe thấy nổi lòng tự ái bắt Gấm sang ngoại ở. Bác Cả trai bồi
đất xây quán. Nhỏ phụ bác đẩy xe đất lên dốc đúng lúc bác trượt chân đứt dép. Để
cứu Nhỏ, bác đã ráng sức và ngã quỵ. Bác Cả nhập viện. Gia đình hàn gắn. Bác Cả
có nguy cơ phải ra Hà Nội phẫu thuật. Nhỏ sợ hãi. Để cầu nguyện cho bác Cả, trẻ
con khắp xóm thi nhau xếp hạc điều ước.
Ngày giỗ bà Trưởng
trận đại hồng thủy kéo đến. Sau lụt, ông Trưởng dọn dẹp từ đường. Nhỏ phát hiện
ra bài tập làm văn của bác Cả trong cái tráp. Bác giận dữ không cho nó nhắc đến
chuyện này vì quá khứ làm bác nhức nhối.
Chú Thứ quyết định
cho Gấm vào Sài Gòn học may và sống với người dì giàu có. Những bí mật đằng sau
chiếc bút máy kho báu của Gấm được hé lộ. Sau tất cả những hằn học, tự ái, bất
mãn… hai người con của ông Trưởng thực sự hàn gắn tình cảm.
Bằng việc khám phá
ra bí mật về bài tập làm văn và cái chết của bà nội Nhỏ đã giúp bác Cả đối diện
nỗi đau và tha thứ cho chính mình.
Tin đồn ông Tý
phát điên râm ran khắp xóm, họ tính nhốt ông vào nhà thương điên. Nhỏ và Gấm
lên thăm ông. Ông Tý bị rắn độc cắn. Bằng chút sức tàn cuối cùng ông kẹp chặt
Nhỏ và Tộp Anh không cho chúng hút máu độc cứu ông. Trong đám tang, gia đình thằng
Câm xuất hiện quỳ lạy bên quan tài. Thì ra để cứu thằng Câm mà ông Tý bị người
ta định dồn vào nhà thương điên và cuối cùng phải hy sinh tính mạng của mình.
Trên tất cả, kho
báu trong tim mỗi người là kho báu đẹp nhất.
Giới thiệu truyện KHO BÁU của tác giả Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
1:58 PM
Rating:

No comments: