Con ngoài giá thú


CON NGOÀI GIÁ THÚ

Các nhà triết học có một mệnh đề rất tất yếu, rằng: “Không có đứa trẻ nào vô sinh”. Quả vậy, nếu vô sinh – thì làm sao có trẻ ra đời! Và sự hạ sinh đó hẳn bắt nguồn từ một người mẹ! Vậy mẹ cháu thụ thai với ai? Hay mẹ cháu cứ tự nhiên mà đẻ! Không! Ông bà ta có bảo “cha sinh mẹ dưỡng” không có sức truyền sinh của cha cùng với sức dưỡng thai của mẹ - làm sao mà trẻ ra đời được?

Sự kiện con người thì tất yếu như vậy. Song con người luôn luôn là con người ở trong xã hội, và mang tính xã hội. Trong những hoàn cảnh xã hội éo le – cực chẳng đã nhiều đứa trẻ cho dù là chẳng bao giờ không sinh ra từ một người cha – và một người mẹ nhưng chỉ được nhận biết ánh mắt ngậm ngùi xót xa của người mẹ lúc chào đời, hoặc lớn lên không biết cha là ai, hoặc chỉ dám quan hệ với cha như một tình phụ - tử bí mật. Làm mẹ không lo có được cha cho đứa trẻ - thật cay đắng nhường bao! Xưa kia, người ta sỉ vả là “chửa hoang”. Nhưng thời nay tâm thức xã hội đã tiến bộ nhiều không mấy ai coi người phụ nữ mang thai không giấy giá thú là chửa hoang nữa, vì chẳng có cuộc “chửa” nào vắng địa chỉ của một mày râu nhất định. Về thực chất, làm gì có chửa hoang!
Hạnh phúc nào chẳng kèm theo danh dự, người phụ nữ nào không muốn được kề vai sát cánh với chồng, được sinh con trong không khí vị nể chào đón của hai họ. Tuy nhiên, nhiều hoàn cảnh xã hội đã không cho phép họ được như vậy. Ở ta, do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài quá lâu, hàng triệu đàn ông hy sinh, khiến cho tỉ lệ nam – nữ của xã hội mất cân bằng, có hàng trăm hàng nghìn các cô gái ở nhiều nông trường không kiếm được bạn trai, nói đến “nam tân” dường như là nói về một hiệp sĩ ái tình trong truyện cổ tích, và để cứu vãn quyền không được làm vợ họ đã sinh con để được làm mẹ. Hơn nữa, do hoàn cảnh giải phóng phụ nữ chung toàn cầu, nhiều chị em đã lựa chọn con đường đi tắt từ tình yêu đến tình mẹ, không qua nhịp cầu hôn nhân để tránh một vực thẳm bất hạnh nào đó.
Làm vợ không có chồng, nghe vừa xót xa vừa nghịch lý! Song, vì người mẹ đã chọn tình mẫu tử nên sẵn lòng cam chịu và đối mặt với thử thách. Nhưng còn đứa trẻ, nó có lựa chọn bất hạnh không có cha nào? Nó làm gì đã có nhận thức để nhận biết danh dự là một thử thách phải đối mặt? Và vô hình chung, mọi gánh nặng cuộc đời đều chất lên vai đứa bé.
Người Phần Lan có câu “không cha là mồ côi một nửa”. Không mồ côi cha nhưng không có cha, hoặc không dám nhận cha, đằng nào mất mát hơn? Nếu mồ côi cha thì chịu mất mát việc cha không còn nữa, nhưng không phải chịu mất mát về danh dự! Còn cha vắng mặt, nói đúng hơn là cha không dám có mặt thì phải mang nặng ê chề về danh dự: Nào mọi người sẽ nhìn mẹ bằng con mắt nghi kỵ, nhìn ta như một đứa con bất đắc dĩ có một người bố giữa thanh thiên bạch nhật mà vẫn đóng vai “du kích quân”… Và vì mẹ ta có một ông chồng không chính thức, nên ta có một người cha không chính thức, rồi đám bạn bè và mọi người đối xử với ta như một công dân không chính thức…
Đây là một gánh nặng quá lớn chất lên vai đứa trẻ chẳng làm gì nên tội. Còn mẹ nó một người phụ nữ muốn làm mẹ chẳng nhẽ lại xấu? Còn cha nó có thể sự “phạm qui” chỉ ở mức lầm lỡ của “sông bao nhiêu nước cho vừa”, hoặc có thể đó là một lời thỉnh cầu cố ý… Vậy thì tại sao nó phải chịu một gánh nặng dai dẳng thường trực đến vậy? Một gánh nặng mà nó luôn thấy trong mắt của mọi người, trong lời chọc ghẹo của bạn bè, và trong cử chỉ của ngay họ hàng mình! Như vậy là không công bằng.
Những đứa trẻ thiếu cha, từ bé đến lớn phải chịu thiệt thòi rất nhiều, đó là sự mất cân đối nghiêm trọng của việc cha sinh mẹ dưỡng. Những đứa trẻ thiếu cha, dần dần trở nên nhút nhát, thiếu tự chủ, thiếu lòng kiêu hãnh và dần trở nên cục cằn. Thái độ thu mình của chúng thường dẫn đến hai tiêu cực:
1. Co mình lại, ích kỷ, nhút nhát, dần dần trở thành kẻ đầu sai của lũ trẻ đầu gấu.
2. Trở nên cục cằn, phản kháng lại gia đình, họ hàng và xã hội.
Quan sát những trẻ tội phạm vị thành niên ở khắp nơi trên thế giới người ta thấy, đa số chúng là những đứa trẻ thiếu cha. Những đứa ngang ngạnh thì vùng vẫy “trả hận đời” trở thành đầu gấu, những đứa nhút nhát thì tụ lại dưới tay “đàn anh đàn chị” trong mặc cảm muốn tách xa xã hội. Nguyên nhân phạm tội của chúng rất rõ ràng: chúng cho rằng, mình sinh ra trong một gia đình không hoàn hảo, lớn lên lại bị xã hội kỳ thị bỏ rơi, vậy thì chúng phải tự chứng minh bản lĩnh của chúng bằng cách “trả đũa” xã hội.
Như chúng ta đều biết, không có người mẹ nào sinh con mà không mang nặng đẻ đau. Và con ngoài giá thú cũng là con như mọi đứa trẻ khác, chỉ có điều do những hoàn cảnh xã hội và pháp lý, cha đứa trẻ không được quyền hiện diện “hợp pháp hai lần”. Người đời vẫn bảo “chọn vợ chọn chồng, nhưng không ai chọn được cha mẹ”, những đứa con ngoài giá thú không được chọn hoàn cảnh sinh ra của chúng, là vì thiếu cha, chúng phải rước vào mình toàn bộ gánh nặng xã hội của cha mẹ. Chúng thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác từ hoàn cảnh thiếu vắng tình cảm, bàn tay chăm sóc của gia đình đến cái nhìn còn định kiến của mọi người. Xã hội cần nhận biết sự thiệt thòi của chúng để nâng đỡ và bù đắp cho chúng. Đó vừa là tình bác ái, vừa là sự sáng suốt của một xã hội khao khát công bình. Bởi lẽ, nếu chúng ta không nhận thức sự tất yếu phải cư xử tốt với chúng, thì kết quả cũng tất yếu là: khi lớn lên chúng sẽ trả đũa lại xã hội, bởi nghĩ rằng hoàn cảnh thiếu cha không phải do chúng tự sinh ra, mà do cha mẹ và xã hội “cái gì của sê-da hãy trả cho sê-da”, thế là chúng trả lại cho xã hội tất cả những kỳ thị, ghẻ lạnh, bất công… Đó hẳn là nguồn gốc của những oán hờn và tội lỗi.
Luật hôn nhân và gia đình đã quy định không phân biệt con ngoài giá thú. Đó là sự tiến bộ của pháp lý. Nhưng như các nhà đạo đức đã bảo: “Tình yêu con người đến bằng con đường tình cảm chứ không phải đến bằng con đường pháp luật”. Hy vọng rằng, cánh tay của mọi người sẽ chìa ra cho những đứa trẻ thiếu cha bằng một trái tim nhân ái tự nguyện, tự giác chứ không phải bằng quy định pháp chế. Không Tình yêu nào không được đền bù, và ngay nhãn tiền cho đến mai sau, những đứa trẻ ngoài giá thú sẽ sống hết mình vì xã hội như xã hội đã mở lòng đón nhận chúng. Bởi các em nghĩ: Chúng ta là con ngoài giá thú, nhưng không phải là những công dân đứng ngoài xã hội.
Nguyễn Hoàng Đức
22/08/1998




Con ngoài giá thú Con ngoài giá thú Reviewed by Lê Sính on 9:30 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.