Cái đẹp: Chân tác giả và Chân tác phẩm


CÁI ĐẸP: CHÂN TÁC GIẢ VÀ CHÂN TÁC PHẨM
Chúng ta thường nói về cái đẹp với ba chân kiềng căn bản khăng khít nhau là: Chân – Thiện – Mỹ. Chúng ta thử nhìn và ngẫm lại: có phải ngẫu nhiên mà trong chuỗi giá trị của cái đẹp chữ CHÂN được đặt vào vị trí tiên nguyên? Chắc hẳn là không! “Chữ CHÂN được các nhà triết học và mỹ học xét đến như một giá trị tiên quyết hàng đầu, bởi lẽ chữ “chân” xác thực chân tính đầu tiên của mọi vật thể. Platon nói: “Cái đẹp ấy là vẻ rực rỡ của sự thật”. Sự thật đó là chân lý, và Aristote đã khẳng quyết: “Tình yêu chân lý là đức hạnh lớn nhất”.

Tình yêu chân lý là mối tình cao cả nhất! Đó là mối tình của trọn vẹn linh hồn, trí tuệ và thể xác. Chính vì vẻ cao cả của nó mà Thánh Gandhi đã tuyên xưng một đỉnh non tối cao cho nghệ thuật, ông nói: “Một cuộc đời tận hiến đó là đỉnh tối cao của nghệ thuật. Một cuộc đời tràn đầy niềm vui chân lý”.
Nhân bàn về chân tác phẩm, tôi xin điểm xuyết qua về tình hình văn nghệ của chúng ta. Nếu tôi đặt một câu hỏi sát sườn mãnh liệt rằng: không khí văn nghệ của chúng ta có lành mạnh không? thì có gây được chút rung động ám ảnh nào trong những người cầm bút có lương tri? Chúng ta hãy nhớ lại kỳ thi Quốc ca; Quốc ca mới chẳng thấy đâu, nhưng đã có rất nhiều người được chia tiền do đã lọt được vào vòng nọ vòng kia. Còn hiện nay, bao nhiêu giải thưởng đã được quy hướng và dẫn dắt trong những tửu quán đang bốc men bia lon? Bao nhiêu centimét báo và tạp chí bị cá nhân hóa để biến thành “đất vườn” nhằm chia bôi lợi lộc cho những liên chủ nhân ông” của nó? bao nhiêu bài thơ và ảnh tác giả được đăng theo luật ăn bánh trả tiền? Có bao nhiêu nhà báo sau một vài năm diễn trò ảo thuật chân lý hay tung hứng sự thật đã xây nhà ba – bốn tầng loại xịn? Có bao nhiêu mặt báo tự nguyện “văn nô hóa ngoại lai” khi phụng hiến hầu hết các ngóc ngách của bản báo cho trò tiêm trích thông tin đào kép nước ngoài? Và làm vậy, có phải chúng ta đã tự trở nên thứ thông ngôn khổng lồ, hoặc một cơ thể nhiễm trùng tuyệt đối?
Đó là đất sống văn học, còn nội dung thì sao? Vài năm gần đây nền văn học của ta đã gặt được không ít giải thưởng qua những vụ mùa liên tiếp: đó là SÁNG TẠO, còn người bạn song hành của nó: PHÊ BÌNH văn học thì sao? Chúng ta dường như khó chối từ một thực tại là: phê bình hiện nay vô cùng lợt lạt, thiếu sinh khí, thậm chí còn quá nhạt nhẽo. Nội dung của hầu hết những bài phê bình đều xoay quanh việc giới thiệu làm duyên cho tác phẩm, chứ không phải khai quật để lật xới di hài sáng tạo mong tìm ra chân giá trị (thậm chí có những tác giả còn lăng-xê bài phê bình tác phẩm của mình dưới một cái tên khác). Nhìn về diện mạo, công việc phê bình rất có xu hướng “nhất nguyên” cả gói của triết học Phương Đông: Tốt – Tốt toàn diện – Tốt tuyệt hảo! Có rất nhiều bài phê bình đã chỉ làm cái việc lần theo “cây cao bóng cả” mong kiếm chác những vỉa quặng đã lộ thiên, đỡ phải nhọc lòng. Một nhà triết học có nói: “Thiếu thẩm định thì tác phẩm chỉ là những trái hồ đào rỗng ruột”. Và khi chúng ta thừa nhận nền phê bình đang yếu ớt, nhạt nhẽo và kém can đảm – nhiệt thành – dũng mãnh trong bổn phận thẩm định thì SÁNG TẠO – người bạn song hành như hình với bóng của nó liệu có mang nổi một giá trị địch thực không? Và nếu những sáng tạo là đích thực thì nó nhân danh những giá trị quy chiếu, soi xét nào? Hay nó chỉ đơn giản là tình cảm thích hay không thích của giới văn bút còn nặng lòng đa cảm?
Sáng tạo là phép lạ của cái mới! Cái mới ở đây là gì? Có phải chính là nhựa sống tân kỳ của sáng tạo. Cái tân kỳ, cái tinh khôi, cái mới mẻ là nội dung vô cùng cốt tử của sáng tạo, ấy vậy mà đa số những nhà văn Pháp lại cho rằng: “Tân kỳ không bằng chân và mỹ”. Nhà văn Boileau nói: “Không gì đẹp bằng sự thật, chỉ có sự thật là khả ái”. Phương châm dứt điểm của Boileau đặt chúng ta và cái đẹp vào giữa trung tâm giá trị chân lý. Nó đòi hỏi mãnh liệt rằng: Cái đẹp có thật không? Cái đẹp có đẹp thật? Và cái đẹp có được nhìn như là đẹp? Như vậy từ mọi nẻo cái đẹp phải xứng giá như chân lý. Cái đẹp không thể là những lớp son màu mè hay những tấm áo giấy sặc sỡ phủ lên một vật thể thô kệch và xấu xí. Tiêu chuẩn đầu tiên của cái đẹp là chân lý, nghĩa là trước hết nó phải có thật; nội dung của cái đẹp cũng là chân lý vì nó đẹp thật chứ không giả hình hoa hòe hoa sói.
Một tác phẩm văn học hay là gì? Có phải vì nó đã bôi son trát phấn cho cuộc đời còn nhiều ngang trái và chua xót? hay nó là một tấm áo sặc sỡ khoác lên thân hình hôi hám và ghẻ lở? hay nó là những ngôn từ véo von sáo rỗng che khuất đi những tư tưởng nhạt thếch vô vị và yếu ớt? Người Trung Hoa có câu: “Văn thắng chất thì sáo” vậy đấy, văn vẻ không thể thay thế được thực chất của tồn tại xã hội, thực chất tư tưởng xã hội, và thực chất tư tưởng của tác giả. Một tác phẩm hay trước tiên và mãi mãi nó phải đeo dính một chân lý Đẹp về nó. Nó phải hay như thật. Và tự nó cái hay của nó là thật. Sự thật của tư tưởng, ngữ văn, tinh thần và thực tại nhân loại. Jean Coteau nói: “Văn chương là sự thật, là giản dị. Văn chương tẩy trừ sự thật khỏi lớp bụi biểu tượng và ẩn dụ muốn che lấp sự vật, muốn làm cho sự vật cứng cỏi và trơn tru”.
Nếu nhà văn không chối bỏ được một thực tại rằng anh phải là chân tác giả, và tác phẩm của anh phải là chân tác phẩm thì anh cũng không chối bỏ được con đường chân lý mở ra trước mắt anh. Và ngay trong anh, trong cái bản tính khát khao chân lý của anh, anh không chối bỏ nổi ý chí đi tìm chân lý. Nhà văn có bao giờ không mong tác phẩm của anh chẳng là đích thực và giá trị của nó chỉ là thứ hão huyền? một nhà văn muốn có tác phẩm chứa đựng giá trị đích thực trước tiên anh phải trở thành một tác giả đích thực đã! Liệu có bao giờ anh chối bỏ chân lý đến mức rằng: anh muốn trở thành tác giả rởm cho tác phẩm đồ sộ của anh? Chẳng còn cách nào khác anh phải trở thành đích thực trước khi tác phẩm của anh chào đời đích thực. Khi nhà văn đã là đồ thật, thì tác phẩm của anh mới mong trở thành đồ thật. Điều đó phải là một tương quan nhân quả tất yếu. Anh hãy trở nên chân lý đi. Và chân lý là gì, đó có phải con đường mở ra mãi mãi hướng đích tuyệt đối của lý tưởng con người. Một nhà triết học nói: “Một kẻ chỉ đi lên mãi khi y không biết con đường sẽ mở đến đâu”.
Nhà văn cứ đi miên man mãi mãi chẳng ngừng, anh chẳng bao giờ muốn nghỉ vì anh không muốn tịch diệt. Vì anh không muốn làm kẻ lâm chung trong tác phẩm cuối cùng của đời anh! Anh không muốn thở hấp hối trên những dòng chữ rệu rã phập phù ở trang cuối cùng của bản thảo. Nhà văn sống! Anh muốn tác phẩm của anh cứ được viết mãi! Viết như hơi thở như sự sống của anh! Viết và viết mãi!
Hãy viết như chân lý hằng tồn và cuốn theo dòng chảy lý tưởng của nó mở ra vô hạn.
Nguyễn Hoàng Đức
12/02/1994





Cái đẹp: Chân tác giả và Chân tác phẩm Cái đẹp: Chân tác giả và Chân tác phẩm Reviewed by Lê Sính on 5:32 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.