Truyện ngắn: Hạnh Phúc Còn Xanh
HẠNH PHÚC CÒN XANH
Truyện ngắn: Nguyễn Tấn Sính
Mười giờ năm phút.
Chẳng
còn khách ghé quán nữa nhưng chị chưa bắt tay vào dọn dẹp như mọi ngày. Chị mặc
kệ mớ giấy ăn vương vãi trên nền, mặc kệ đống bát đũa nằm chỏng chơ trong thau,
mặc kệ cả mớ rau bị nắng rọi vào sắp héo, chị mơ màng nhìn theo dáng đi có phần
khấp khiễng của
hai người khách mà chị
cho là niềm an ủi cuối cùng trong
một buổi chợ ế như hôm nay.
Chợ chỉ
đông buổi sáng, khách của chị có mặt từ sáu giờ sáng đến chín giờ thì ngót. Chẳng
hiểu sao hôm nay thần tài
bỏ rơi chị dù tờ
mờ sáng chị đã thắp hương khấn vái nghiêm trang. Lúc nãy chị nhìn sang quán người ta nén tiếng thở dài. Quán bánh canh bên trái, bún riêu cua bên phải, bún thịt nướng trước mặt, bún mắm nêm bên góc… họ tự tin quét dọn và chốt lại vài thứ còn
thừa. Riêng bún bò – giò – chả của chị mới vơi được hai phần ba. Gọi là quán tưởng đâu to lắm, thực ra chỉ là những lô nhỏ tầm hơn mười mét vuông nằm sát nhau, giờ cao
điểm khách chen chúc người đứng người ngồi, người ăn người gói rang rảng. Các quán nương tựa vào nhau, đông thì đông chung ế
thì ế cả thảy. Buổi nào ế quá chị em ngồi tám chuyện múc bún mời quanh người
này ăn hộ người kia. Khách cũng đơn giản lắm, thấy quán nào còn chỗ là ghé hoặc
đợi quán này lâu quá thì bước một bước sang quán kia vì họ luôn phải nhanh phải
vội, chả ai ghé góc chợ nhỏ này để thưởng thức ẩm thực cả. Vậy mà hôm
nay người ta lơ bún bò – giò – chả dù chị đứng chỏng chơ cả hồi lâu.
Chị rầu rĩ nhìn ra
góc chợ, chị thấy lại gánh bún của hai vợ chồng mười lăm năm trước. Hồi ấy bốn
giờ sáng nào chồng chị cũng ra góc chợ này căng tấm bạc xanh rồi trở vào gánh hộ
chị một đoạn đường. Đôi quang gánh kẽo kẹt nghiến vào vai, vợ chồng dìu nhau
qua năm tháng mệt nhoài mưu sinh. Dần dà chị có được lô, ngồi dưới mái che và
chính thức gia nhập hội chị em ở chợ. Chị miên man trôi theo dòng cảm xúc hờ hững
nhạt nhòa, tưởng vô hại mà không phải. Những con sóng ngầm đang nhấn chìm chị
xuống dòng chảy thời gian quấn lấy chị bằng những hư hao kỉ niệm u hoài. Chị sẽ
chìm nghỉm nếu không có hai người thực khách ấy, họ đã tát cho chị một cái tát
khát khao, ném cho chị chiếc phao hi vọng và vực dậy ý chí muốn trồi lên khỏi
dòng chảy vươn đến vòm trời đủ dưỡng khí cho tâm hồn chị.
Chị mê
mẩn nhìn theo bóng khách không phải vì cảm động bởi sáu tô bún mà là vì thứ gì đó đang trỗi dậy trong lòng. Hai thực
khách của chị, họ không cho chị thêm đồng tiền lẻ nào nhưng họ cho chị một trái tim hồi sinh cùng lòng
yêu chân thành tưởng đã chết lạnh nguội ngắt gần chục năm nay. Chị thèm được già đi như họ, sáu chục, bảy chục hay
tám chục gì cũng như họ, tay trong tay. Chị sẽ nắm tay chồng đi thăm con thăm cháu như họ, sẽ ghé vào quán bún nào đó mua năm bảy tô về
cả nhà cùng ăn, sẽ dắt nhau đi bộ một quãng cho giãn gân cốt chứ
không điện con cháu ra đón vì sợ phiền con phiền
cháu. Thêm nữa, chị cũng càm ràm “cái túi nặng vầy mà ông cứ khư khư xách một
mình, chút tối lại đau lưng đau vai
cho mà coi. Tui nói thì nghe giùm tui đi…”
Dù chị
chưa biết ai sẽ là “ông” trong câu nói trên khi nó ứng vào chị. Trong phút chốc những thước
phim đen trắng của cuộc đời chị không
ai mở mà tự động chiếu
mồn một trong đầu. Bộ phim nào cũng có cảnh dạo đầu và đạo diễn bao giờ cũng dành cho cảnh ấy rất nhiều cảm xúc. Mở đầu nào cũng đầy
hứa hẹn và ấn tượng như lúc chị gặp anh trong buổi tiệc tất niên ở nhà người thân. Cũng
không phải sét đánh ngang tai vừa gặp
là đã ngã vào mắt nhau như
trong tiểu thuyết mà rất
thực rất đời thường. Hai người trải qua những bỡ ngỡ nhung nhớ ban đầu rồi bao
chuyện vui buồn, hờn tủi, nước mắt
mới quyết định gắn chặt hai cuộc đời với nhau. Nhưng ấy là của hai
chục năm trước, giờ chị đã ngoài bốn mươi. Ngoài bốn mươi già lắm so với chị hồi ấy
nhưng trẻ biết bao so với hai người khách lúc nãy. Thời gian qua nhanh như một cái chớp mắt. Người ta vẫn
nói chớp mắt cái thôi rồi tỉnh mộng mà đã là trăm năm. Chưa trăm năm với chị nhưng
đã quá nửa đời người. Cuộc hôn nhân để lại cho chị ba mặt
con, một ngôi nhà và cơ man đồ sộ những thăng trầm. Chị có bao giờ soi lại mình
để thấy được và mất đâu! Sống đơn giản là sống, là đi qua hết những ngày u tối
và rực rỡ, chán nản và hy vọng, túng quẫn và phong lưu, không có được - mất. Nhưng sống mà không có tình yêu quả là nhạt. Thế gian ai thoát được tình? Chung quy lại con người ai cũng khổ
vì
một chữ tình. Là con người, là nhân gian nói chung, riêng chị lại khác. Chị đang nằm bên rìa
cuộc sống và hạnh phúc hôn nhân. Chị khổ là vì không còn tình nữa. Như vậy có phải là khổ thêm bội phần hay không?
Người hai chục năm trước cùng chị nói lời sông
bể đã không còn chút tình nào dành cho chị, và chị cũng không còn gì cho người ấy.
Chẳng còn lại gì ngoài ích kỷ và cũng chẳng còn lại gì ngoài cõi lòng lạnh câm.
Người chồng hờ hững cứ
theo những chuyến buôn biền biệt, thi thoảng ghé lại ngôi nhà chung của năm người
rồi la ó ghen tuông, ghen từ ngoài chợ ghen vào, ghen từ thằng khách lạ mặt hỏi
xin cái tăm đến thằng hàng xóm cùng vứt rác một chỗ… Giá mà còn yêu để ghen thì sao cũng đành, ghen mãi ghen
hoài ghen tới chết vẫn đành chứ làm mình làm mẩy chỉ để che giấu những trăng
hoa bên ngoài thì chị khinh. Che được
mắt của người đời chứ che sao nổi mắt vợ con. Những người đã cùng nhau đầu ấp
tay gối, phơi sương phơi gió cuộc đời thì đâu cần phải nói, đâu cần phải nhìn mới
tỏ. Khi lòng người thay đổi thì một ánh mắt một hơi thở cũng không giấu được, sự phản bội lớn nhất là sự phản bội đội lốt tình yêu. Có người an ủi chị “thương quá hóa ghen, thôi ráng mà
giữ gìn hạnh phúc” khiến chị nghẹn đắng họng. Lại có kẻ ác miệng “không có lửa
làm sao có khói”. Năm người thông cảm thì cũng có năm người nghi ngờ sự đứng đắn
của chị. Thôi thì đủ cả. Lòng đã lạnh, chị chẳng hứng thú giãi bày với ai và mặc kệ
luôn những ghen tuông cùng những lời buộc tội vô sỉ khi không cứ cột
vào người chị. Càng được thể, người ta càng lấn tới. Sự ích kỷ một khi đã được
khơi dậy thì dường như chỉ lớn thêm chứ không dừng lại được.
Đứa con gái lớn đã đến tuổi hiểu chuyện nhiều lần khuyên chị ly hôn. Nó không
muốn mẹ tiếp tục nhẫn nhịn để người đời hiểu lầm. Nó thương mẹ và đương nhiên cũng thương ba nhưng phải
là phải trái là trái không thể lẫn lộn được. Nó muốn công lý cho mẹ mình. Nó
tin không ai sinh ra để mang tai tiếng để hứng lỗi lầm của một ai khác. Và nhất
là không
muốn chị sống cảnh quạnh quẽ “có chồng hờ hững cũng bằng không” nên khuyên chị
viết giấy ly hôn. Con cái lớn cả rồi, chị không đến nỗi lo lắng sự tan vỡ này làm tổn thương tâm hồn chúng. Mái ấm này đã từ lâu
không còn ấm nữa rồi và chính chúng luôn phải cố thắp lửa để sưởi ấm cho mẹ
mình.
Nhưng chị không thèm. Không thèm thanh minh, không thèm công lý, không thèm
thứ hạnh phúc muộn màng mà con chị nói. Khi một người đã không còn sống
trong cuộc đời của một người khác thì những đau khổ mà họ tưởng họ đang mang đến
cho mình cũng chẳng là cái đinh gì. Vậy
mà cái
bếp lòng nguội ngắt tưởng nhóm bao nhiêu củi mồi cũng không cháy lại được giờ
đã cháy. Cháy thiệt và cháy đượm rồi nè. Hóa ra tình yêu là thứ không bao giờ mất
đi, cuộc sống có thể vùi dập, có thể chôn lấp chúng đến tận cùng nhưng ai biết
được ngày nào chúng sẽ bật dậy từ mấy chục mấy trăm tầng đất ấy. Chị muốn sống một cuộc đời khác, bùng nổ mãnh
liệt.
Con chó mực ăn mày của chợ hí hửng gặm cục
xương cái đuôi vẫy qua vẫy lại vào chân chị khiến chị thấy nhột. Chị nhìn
quanh, quán nào quán nấy đã rửa xong xuôi bát đũa. Một tiếng nửa là đến giờ tan
trường rồi, chị dọn nhanh còn kịp về cho ba đứa con bữa cơm trưa. Chị hào phóng vứt cho con mực
miếng xương trong nồi nước dùng rồi gom mớ giấy ăn khách để bừa bộn trên bàn. Buổi chợ đã tàn. Mai sẽ là một buổi chợ mới chắc chắn
khá hơn.
Chị về nhà, đẩy
toang cánh cổng, nấu vội vàng mấy món quen thuộc. Bữa trưa bốn mẹ con quây quần,
chiếc quạt đứng thổi gió mát rượi.
- Bé nghiên cứu viết
cho mẹ cái đơn hỉ.
Con bé dừng đũa
tròn mắt nhìn mẹ. Hai thằng con vẫn nhai ngồm ngoàm, hỏi:
- Đơn chi vậy mẹ?
- Đơn ly hôn.
Chúng dừng đũa mấy
giây rồi như chẳng bất ngờ tẹo nào, chúng lại nhai lại gắp thức ăn. Đứa con gái
chẳng nói chẳng rằng vụt chạy vào phòng. Chị sửng sốt, không lẽ bấy lâu nó nói
vậy chỉ là để thử lòng chị chứ thâm tâm nó không chấp nhận được chuyện này. Người
chị nóng ran, dù quạt vẫn mát mà đã nghe mồ hôi ứa ra từ lỗ chân lông. Chị
không nhai được miếng nào nữa. Thằng út hất cùi tay nó vào tay mẹ.
- Ăn mẹ, ăn đi chơ
không con ăn hết bây giờ.
Chị ừ mà mắt vẫn
đăm đăm nhìn vào phòng con bé.
- Đây, mẹ ký đi mẹ.
Con bé trở ra với
tờ giấy ly hôn soạn sẵn trên tay. Chị ngỡ ngàng. Nó dí tay vào chỗ chị cần ký lần
nữa.
- Mẹ ký đi. Bữa giờ
mẹ tưởng con nói giỡn chơi hả mẹ? Con coi trên mạng chuẩn bị cho mẹ lâu rồi á.
Tiếng bát đũa
trong bồn va loảng xoảng, còn mấy chiếc chén nữa là xong. Chị lấy vỏ chanh chà
những vết mủ trên tay. Da như mềm ra, chị thấy tay mình bớt chai sạn sần sùi và
bớt ố đi nhiều. Bàn tay này rồi sẽ nhàu nhò. Cuộc đời rộng lớn quá thể, không
biết rồi có ai nắm bàn tay nhàu nhò của chị đi qua năm tháng, không biết có ai
già đi cùng chị hay không? Chị nhìn lên khuôn cửa thông gió, cây mãng cầu chị
trồng mười lăm năm trước đổ nghiêng một cành vào khuôn cửa chao qua chao lại tỉ
tê cùng gió. Cây mãng cầu kỉ niệm tân gia, chị đã coi nó là cột mốc của hạnh
phúc hôn nhân. Qua kẽ lá chị thấy cả màu trời, màu trời hôm nay trong biếc nơi
chị đứng nhìn lên. Chị hít một hơi thật dài. Đời mà, chẳng có gì là chắc chắn
ngoại trừ màu xanh của lá là màu hi vọng, màu xanh của trời là màu tự do. Ngoại
trừ hạnh phúc, hạnh phúc còn xanh trên những đôi tay chưa nhàu.
Đà nẵng,
15/03/2019
--HẾT--
Truyện ngắn: Hạnh Phúc Còn Xanh
Reviewed by Lê Sính
on
1:40 AM
Rating:

No comments: