Trước cổng vườn thơ bàn về thơ


TRƯỚC CỔNG VƯỜN THƠ BÀN VỀ THƠ

Thưa quý bạn đọc, trước khi đặt chân vào thưởng ngoạn vườn thơ Điệu Kèn Cô Đơn[1] của tác giả Nguyễn Hoàng Đức, ta hãy cùng nhau mở một bữa tiệc thơ nho nhỏ để ngồi lại luận bàn, chiêm nghiệm và trao đổi thật chân thành mà tường tận, rạch ròi về thơ và một số vấn đề liên quan để chuyến thưởng ngoạn của chúng ta không phải là một chuyến dạo chơi vô bổ mà ngược lại sẽ bội thu trải nghiệm mỹ cảm cũng như tri thức. Đây là một việc vô cùng cần thiết và ý nghĩa vì nếu chúng ta không đồng thuận với nhau trong quan điểm trên một số phương diện thì chúng ta sẽ làm mất thời gian của nhau và không thể cùng nhau đi thật xa trên con đường khám phá thi ca này.



Vâng, vậy việc đầu tiên chúng ta cần bàn là gì?
Là cùng nhau trả lời cho câu hỏi “thơ là gì?”. Tuy nhiên, để không làm rối nhau bằng những câu như “một bài thơ là một bài thơ là một bài thơ”, “thơ là nghệ thuật ngôn từ” hay rút ngay một định nghĩa trong cuốn từ điển uy tín nào đó, chúng ta sẽ bình dân hơn, thư thả hơn và “thưởng ngoạn” nhiều hơn trên một con đường dài hơn, đó là tiếp cận câu trả lời cho câu hỏi “thơ là gì?” bằng cách phân biệt “thơ” và những thứ “không thơ”. “Cái na ná tính yêu thì có đến trăm nghìn – Nhưng đích thực tình yêu duy chỉ có một.” (Puskin) Cũng như vậy, cái “na ná” thơ thật muôn hình vạn trạng và chúng ta không có cách nào né tránh được việc phân biệt vì sống, theo trọn vẹn ý nghĩa của nó, là một hành trình học hỏi không ngừng nghỉ mà học bản chất là để phân biệt mọi sự ở đời. Thơ đích thực, bản chất và tôn chỉ cao nhất của nó chắc chắn chỉ có một nhưng làm sao tìm thấy và chạm tay vào ngôi đền được xem là thần thánh này?
“Thơ” hay chỉ là “giống như thơ”“không phải thơ”? Đến đây chúng ta có thể rơi vào những cuộc tranh cãi nảy lửa làm bữa tiệc thơ nho nhỏ trước khi lên đường này biến thành bữa tiệc của những bất đồng, hằn học khi mà thơ cất lên, vang lên, réo lên trong đầu mỗi người mỗi kiểu hay nói cách khác chúng ta luôn mang trong mình những ám ảnh rất riêng về thơ. Nhưng nếu bình tĩnh và mở lòng suy ngẫm, đón nhận cùng nhau, chúng ta chắc chắn tìm được tiếng nói chung nơi giá trị phổ quát của thi ca hội tụ. Ví như Nàng Thơ chỉ có một nhưng người theo đuổi Nàng thì vô số kể, vậy làm sao Nàng phân biệt được đâu là người xứng đáng đâu là người Nàng nên gạch tên đi? Nàng chắc chắn phải có những tôn chỉ, tiêu chí cụ thể để quyết định. Nếu Nàng phủ nhận trách nhiệm đánh giá này mà để cho các nhà làm thơ mỗi người vạch ra một bảng giá trị và tiêu chí riêng theo cảm quan mỹ học của chính họ thì có phải nền thơ sẽ náo loạn lắm không? Bạn đọc yêu thơ khi ấy làm sao nhận ra chân giá trị của tác phẩm khi mà sự yêu – ghét, khen – chê hay dở tức thì của họ đối với một thi phẩm là rất chủ quan. Một người yêu thơ chân chính luôn nhận thức rằng sự vội vàng thiếu sâu sắc của mình đôi khi có thể giết chết một tuyệt tác thi ca nên luôn cẩn trọng và tìm kiếm những thước đo từ bên ngoài. Chúng ta có thể yên tâm vì lịch sử cho thấy Nàng Thơ chưa bao giờ bỏ rơi con người và ngôi đền thần thánh của thi ca vẫn mở cửa đủ rộng để đón khách thập phương, nếu tỉnh táo chúng ta chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng và được cùng nhau cất lên lời tụng ca thi ca trong tiếng nói chung, đồng thuận.
Bữa tiệc nhỏ của chúng ta vừa qua màn chào hỏi để thông báo và thống nhất mục đích cũng như tuần tự tổ chức, bây giờ chúng ta sẽ đi vào phần chính. Để thư giãn nhất có thể, hãy cùng nhau đọc bài dưới đây.
Đến lớp thì: phải đúng giờ
Ôn bài cũ trước, đừng chờ tới thi
Ai đó nói, hãy nghe đi
Giơ tay phát biểu, nói gì đứng lên
Học trò phải trọng giáo viên
Hòa đồng với bạn, ngồi yên chớ ồn
Lời thầy dặn, phải luôn ôn
Đi đâu xin phép là tôn trọng thầy.
(Dặn học trò – Lê Sính)
Bài này có phải là thơ không? Xin thưa nó được viết theo thể thơ lục bát nhưng không phải là thơ mà là VĂN VẦN. Một số người vẫn nhầm lẫn giữa thơ và văn vần. Bài Dặn học trò này là một điển hình của văn vần, người viết đã mượn thể thơ lục bát để giúp học trò mình ghi nhớ lời dặn nhanh hơn vì hễ có vần là dễ thuộc. Xưa nay nhắc đến thơ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vần vè, thậm chí với nhiều người nếu không vần (hoặc là họ không nhìn thấy cách hiệp vần theo truyền thống) thì mặc nhiên là không thơ. Điều này là dễ hiểu vì trong thời kỳ chữ viết chưa thịnh hành, thi ca phát triển và đến với người yêu nó bằng con đường truyền miệng nên buộc người sáng tác phải mượn các thể thơ cũng như hình thành các thể thơ vần điệu càng nhịp nhàng càng dễ ghi nhớ càng tốt. Dù bây giờ chúng ta chủ yếu là đọc văn bản thay vì nghe nhưng truyền thống này vẫn còn. Nhưng không phải tất cả những gì đang khoác chiếc áo thể thơ ấy cũng là thơ.
Tại sao và khi nào chúng không phải là thơ? Cụ thể nhất tại sao bài Dặn học trò trên không phải thơ? Câu trả lời như sau: vì nó chỉ có nghĩa đen, mang thông tin cấp một tức là thấy gì nói nấy, có gì nói nấy trong khi thơ phải mang nghĩa bóng, phải gợi lên một cảm xúc thẩm mỹ, mở ra một trường liên tưởng vượt lên khỏi thông tin cấp một ấy. Đây là điểm khác biệt cốt yếu để phân định một tác phẩm có phải thơ hay không và lý giải được tại sao chúng ta vẫn thường khen một câu văn hay một đoạn văn nào nào đó thật “nên thơ” và thậm chí đôi khi còn khen cả một tác phẩm văn xuôi là “đậm chất thơ”. Rõ ràng cái “chất thơ” ấy không phải do hình thức mà quyết định.
Bàn dông dài e là sẽ mất thời gian mà cái chân thi vị hay là thơ ấy vẫn như món quà còn nguyên trong chiếc hộp khiến ta nóng lòng hơn, thôi thì hãy mau chóng mở chiếc hộp quà để thơ được ngân lên rồi cùng nhau bình phẩm.
 “…Bóng đêm khắc khoải
Chờ tờ lịch rớt
Như mùa thu đến chậm
Đòi thả chiếc lá đầu tiên…”
“Hằn mình trên giát giường thực tại
Vẫn hoang lạnh núi rừng bao phủ
Và tấm lịch trên tường
Vẫn đợi mùa thay lá…”
(Khoảng cách trong mơ – Nguyễn Hoàng Đức)
Trong hai đoạn thơ trên mọi hình ảnh đều đã vượt lên khỏi thông tin cấp một chở mang một miền suy tưởng mới vì bóng đêm, nếu thấy gì nói nấy, thì chẳng bao giờ chờ tờ lịch rớt khắc khoải như mùa thu đến chậm đòi thả chiếc lá đầu tiên và tấm lịch trong đôi mắt phàm phu của ta cũng không thể nào đợi mùa thay lá. Hình ảnh tấm lịch vừa rất thực, rất gần gũi lại vừa mang dáng dấp của cỗ máy thời gian dẫn dụ người đọc vào suy niệm về những chiều kích của thời gian trong sự vận động của nó. Nếu tác giả viết như sau thì thơ chẳng còn thơ nữa mà chỉ là những câu văn được ngắt dòng.
“Hằn mình trên giát giường tre cũ kỹ
Vẫn hoang lạnh núi rừng bao phủ
Và tấm lịch trên tường
Vẫn còn đó chưa có ai đến xé…”
“Giát giường thực tại” “tấm lịch đợi mùa thu thay lá” là những yếu tố bất ngờ gây ấn tượng mạnh ám ảnh người đọc và để lại một khoảng lặng bên bờ vực của những nốt nhạc đang ngân nga. Chính nó đã nâng Khoảng cách trong mơ lên khỏi giới hạn của nghĩa đen thấy gì nói nấy để trở thành thơ. Hay – dở có thể tùy gu thẩm mỹ và lòng yêu ghét của bạn đọc nhưng nó là thơ, một sản phẩm của đôi cánh thi ca. Một phải thơ trước hết phải là thơ và tự nó phải định nghĩa được chính nó trong dòng chảy thi ca bất tận.
Yếu tố bất ngờ hay còn được gọi là “lạ hóa” là một đặc trưng điển hình của thơ. Thế giới thơ của mỗi thi sỹ như một tinh cầu lạ lẫm mà ta lỡ chân bước vào đều sẽ nhớ, hoặc chúng ta thảng thốt rùng mình, hoặc nhảy múa say mê, hoặc sợ hãi tìm cách lẩn tránh… nhưng chắc chắn nó để lại cho ta những ấn tượng nhất định. Nếu nó chỉ lướt qua như một cơn gió thoảng không để lại vết tích ấy là sự thất bại của người làm thơ. Nhà thơ có thể mặc sức kiến tạo và trang trí để thế giới của mình đầy rẫy những cái “lạ” nhưng “lạ” chứ không “tùy tiện” mà mỗi chi tiết, mỗi chấm mỗi phết đều nằm trong ý đồ thẩm mỹ và sáng tạo của thi nhân.
“Sông La
Thuyền máy gào không phá được mênh mông
tĩnh lặng!
Sóng cuốn xô không phá nổi mặt nước
Bình yên!
Thuyền xé nước
Nước cuốn nước, nước hòa nước,
Làm lành mặt nước
Máy nổ xé không gian
Không gian ôm không gian
Hàn vết thương nứt miệng”
(Sông La – Nguyễn Hoàng Đức)
Ví như ta sửa lại “Máy nổ vang không gian” chỉ đổi từ “xé” thành “vang” thôi là làm mất hẳn cái thi vị vốn có của nó đi rồi. Cũng thế những từ như “làm lành”, “ôm”, “hàn” đều là không thể dễ dàng thay thế nếu muốn đạt được cùng một mục đích nghệ thuật ở đây.
“Thi trung hữu họa – Thi trung hữu nhạc” là một trong những quan điểm cổ xưa nhất và được chấp nhận rộng rãi nhất về thi ca. Nhà thơ là một họa sỹ múa cọ vẽ bằng lời, và cũng như bất kỳ họa sỹ tài năng nào khác bức tranh của họ phải mang lại cho người xem ấn tượng về đường nét, sắc màu, họa tiết đồng thời phải làm rung động mỹ cảm trong tâm hồn họ. Để tiếp cận chân thực và sâu sắc hơn vấn đề này chúng ta cùng đọc những vần thơ sau.
“Kìa, ngang sông chập chững cầu treo
Những thanh gỗ vội cài
Như phách nhịp
Trên dây đàn chưa chỉnh
Lóe vài cánh cò bay
Đan sáng trời ập xuống
Nhô một dải đồi lên
Khơi thức lòng mê mải…”
Một bức tranh trọn vẹn cả cảnh cả tình.
Nghề thơ xem ra là một nghề lắm thú. Lúc cần họa sẽ có họa, cần nhạc sẽ có nhạc.
“Gió mắc trong cây
Hàng thông khóa phím đàn
lặng lẽ!

bầu trời nín thinh
những vì sao ấp úng lời ánh sáng
không thành!

Dòng sông sững trôi
lời nước chảy
lững lờ!

trăng lưỡi liềm chao đảo
vướng giữa đám mây vò
hồn bối rối!

anh nhìn em
ánh sáng của mặt trời hết muốn buông lời
bí ẩn!

khoảng khắc đông cứng trên môi
mấp máy tìm ngôn ngữ
lời con tim thuộc đến vạn lần
một chữ YÊU!”
(Ngày mai mãi đợi – Nguyễn Hoàng Đức)

Thơ chao đảo xuyến xao lên bổng xuống trầm, bên những khoảng ngân nga lại là những khoảng lặng và những khúc quanh đầy ý vị như “Gió mắc trong cây – hàng thông khóa phím đàn – lặng lẽ!” Từ “lặng lẽ” cất lên mà dư âm nó để lại thật chẳng lặng lẽ chút nào. Trôi theo nhịp trầm bổng ấy chữ YÊU cất lên vang như một nốt nhạc rộn ràng. Rộn ràng lan cả càn khôn vũ trụ.

“Kìa! Một vì sao đổi ngôi
Vút lóe một nốt thăng
giữa khúc càn khôn
khiến bầu trời gượng dậy
đất dưới chân trỗi bập bềnh…”
(Ngày mai mãi đợi – Nguyễn Hoàng Đức)
Thơ đi như tiếng nhạc chảy vào hồn. Để rõ ràng nhất ta thử đọc câu vừa mượn tác giả để sửa lại sau để xem cái tài tạo nhạc của thi sỹ đến đâu.
“Gió ngừng thổi trên cây
Hàng thông đứng lặng như tờ
Im bặt!”
Chẳng những mất đi những hình ảnh gợi tả của thơ mà còn mất hẳn luôn tính nhạc.
Một đặc trưng khác nữa của thơ là việc sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa, hoán dụ, ẩn dụ… Mọi biện pháp tu từ khi được dùng đúng thời điểm đều mang lại giá trị nghệ thuật tuyệt vời cho tác phẩm nhưng sau đây chúng ta chỉ chọn bàn về biện pháp được sử dụng phổ biến hơn cả và được xem là đặc trưng nổi bật, là cốt hồn cốt túy của thi ca. Đó chính là ẩn dụ.
Ẩn dụ chắc chắn không phải là thứ gì đó mới mẻ, lạ lẫm với chúng ta mà ngược lại ai cũng đã từng nghe đến, biết đến và có sẵn định nghĩa kèm một vài ví dụ trong đầu. Vậy nên, chỉ xin dẫn sau đây lời bàn của Roger Vernon Scruton[2] một triết gia người Anh chuyên về thẩm mỹ học về phép tu từ ẩn dụ trong cuốn sách Dẫn luận về cái đẹp[3]:
“Ẩn dụ tạo nên những kết nối không có trong kết cấu thực tại, mà được tạo ra bởi khả năng liên tưởng của chúng ta. Câu hỏi quan trọng về ẩn dụ không phải là nó đại diện cho thuộc tính nào, mà là nó gợi lên kinh nghiệm gì.”
và: “phải có một cú nhảy về tưởng tượng nếu muốn hiểu đúng.”
Bản chất của ẩn dụ cũng chính là đặc trưng làm nên nét khác biệt của thơ giúp chúng ta nhận diện ra thơ. Vâng, bất kể trong hình thức nào, câu ngắn hay câu dài thì thơ vẫn là thơ chứ không là gì khác như khi ta nói: Xanh! Xanh ước mơ. Xanh cuộc đời. Và xanh cả trái tim thì “xanh” ở đây không còn là sắc màu đơn thuần như cỏ xanh, lá xanh nữa mà chuyển hẳn sang một trường nghĩa mới. Khả năng gợi liên tưởng sao cho đủ lớn để tạo “cú nhảy về tưởng tượng” mà không quá thô cũng như không can thiệp trực tiếp vào ý nghĩ của người đọc đấy là tài hoa của người làm thơ mà chúng ta dù muốn cũng không dễ gì bắt chước được trừ khi chịu tôi rèn trong sáng tạo để có được sức khỏe nghệ thuật nhất định.
Bước vào vườn thơ Điệu Kèn Cô Đơn chúng ta sẽ gặp rất nhiều những ẩn dụ độc đáo. Đoạn trích ngắn dưới đây là một ví dụ để chúng ta cùng nhau thưởng thức trước.
“Ôi thời gian trôi
Anh nghe hương hoa rớt xuống
nghẹn ngào!
Và nghe mái tóc mình
đếm tiếng kim giây
trên từng chân tóc
ngày mai sẽ rụng”
(Ngày mai mãi đợi – Nguyễn Hoàng Đức)
Đây là tâm tình của chàng trai khi khao khát đến nỗi van nài cô gái nhận lời yêu. “Hương hoa” trong đoạn trích có đơn thuần là hương từ một chùm hoa đang rớt trên đầu họ nữa không? Hay là hương thời gian, hay là cuộc đời, là tuổi trẻ đang dần rụng xuống! Thử đọc một đoạn trích khác để cùng so sánh.
“Ba ạ,
hạ đã về
hạ rớt trên chái nhà sáng nay đẹp lắm
con viết cho ba
khi cửa sổ nhà mình treo đầy sợi nắng
dải mây trắng lúng liếng cười bên song
con ngồi gom góp nhớ mong
ướp yêu thương
trang thư thơm mùa mới
gửi tới ba
nơi công tác miền xa
cái ôm tràn nắng hạ…”
(Ướp hạ vào thư – Lệ Hằng)
Đoạn thơ thứ hai chứa những hình ảnh đẹp có thể mang lại cảm xúc trong lòng người đọc nhưng không có hình ảnh ẩn dụ nào để thực hiện một trong những chức năng cao nhất và được xem là gần với thánh thần của thi ca là “tạo cú nhảy về tưởng tượng” mở ra trường liên tưởng xa qua những tầng nghĩa ấy.
Thật vắn tắt chúng ta đã đi qua những nét chính của thơ. Bàn về thơ sẽ còn mênh mông điều cần nói nhưng qua mấy điểm trên tin rằng chúng ta có thể đồng thuận với nhau về cách phân biệt thơ và những cái “na ná” giống thơ cũng như có được những tiêu chí chung cơ bản để đánh giá một bài thơ. Tuy nhiên đây chỉ mới là cách nhận diện, trong chừng mực nào đó chúng ta hoàn toàn có thể xem chúng chỉ là những hình thức biểu hiện và chúng ta vẫn đang dừng ở ngoài rìa chứ chưa đi vào lõi.
Vậy cái lõi của thi ca là gì? Chẳng còn câu trả lời nào khác đó chính là hồn thơ, là tư tưởng, là triết lý mà thi nhân tinh chiết từ nguồn máu dào dạt của trái tim và sức mạnh trí năng của mình thổi vào thơ. Đây sẽ là điểm cuối cùng và quan trọng nhất mà chúng ta bàn đến, ta nói nó quan trọng nhất vì chính đây là yếu tố làm nên chỗ đứng của thi phẩm và sau cuối chính nó sẽ quyết định sức sống của nó trước sự bào mòn và gạn lọc của thời gian. Thiếu tư tưởng những bài thơ từ nhà ra ngõ của ta chỉ là thứ “ngâm hoa vịnh nguyệt” xiếc chữ mua vui, nó được đón nhận hôm nay nhưng ngày mai khi cuộc đời ta qua đi lớp lớp nhà thơ mới mọc lên nó chắc chắn không còn nơi bám trụ. Lịch sử loài người đã chứng minh cuộc đào thải khốc liệt của thời gian không chỉ có trong thi ca mà trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống. Điều ấy là hiển nhiên nên có lẽ không cần bàn thêm.
Trước khi cùng nhau đọc thêm một đoạn thơ xin lấy đi chút thời gian của bạn đọc để nói thêm điều này, nó nhỏ thôi nhưng vẫn cần thiết. Để công tâm nhất, tất cả những đoạn trích được đưa ra so sánh trong bài mở đầu này đều là sáng tác của chính người đang viết – Lệ Hằng – vì “Phê bình kẻ khác là chính mình phê bình mình.” (William Shakespeare). Người viết không cách gì tránh được việc tự soi chính mình và thơ mình trước những giá trị phổ quát khi bàn về thơ vì bản thân người viết là người yêu thơ và đã đau khổ, trăn trở, cũng như thất bại rất nhiều về thơ. Bước từ cái lõi đau khổ và khao khát thi ca ấy đi ra mới thấy sự cần thiết của việc đánh giá đúng, xếp chỗ đúng cho thơ.
Thi ca hiểu theo nghĩa khắc khe nhất của nó sẽ như Robert Frost nói:
““Poetry is when an emotion has found its thought and the thought has found words.” Nghĩa là: Thi ca cất lên khi cảm xúc tìm thấy tư tưởng và tư tưởng tìm thấy lời.
Như vậy, cảm xúc (thi hứng) cũng như tất thảy thủ pháp nghệ thuật (thi pháp) được chắc lọc, sắp đặt, tạo tác làm sao cho tư tưởng được bật lên một cách rõ ràng nhất. Hãy cùng đọc trích đoạn dưới đây để cùng suy ngẫm.
“một dòng sông không mang nặng phù sa
sao có thể dưỡng sinh cho đất
một vùng đồi không chở dân cư ngụ
chỉ là bãi hoang vu
loài lạc đà nếu không cõng u lưng
như khối tật nguyền
mang lữ hành băng sa mạc
nào có ích gì?
Bầu trời chẳng đang mang nặng những vì sao
Và những chiếc cột kia
chẳng phải ngay lưng suốt đời đỡ vòm mái nặng?

Linh hồn mang gánh nặng
Há không hơn nó chẳng mang gì?”
(Nô-en mùa vọng mới – Nguyễn Hoàng Đức)
Tất cả những gì thi nhân dụng công xây dựng cuối cùng là để bật lên tư tưởng sẵn sàng “vác thập giá” của mình. Qua thơ, tư tưởng ấy hiện lên mồn một trước mắt chúng ta bằng những hình ảnh thơ sống động để chốt lại “Linh hồn mang gánh nặng – Há không hơn nó chẳng mang gì?” và nó đọng lại trong ta, không chỉ làm ta suy nghĩ mà còn có thể khiến ta hành động định hướng lại cuộc đời mình. Đọc đoạn thơ dưới đây chúng ta sẽ có sự so sánh rõ ràng nhất.
“Gió chiều mát mẻ
thổi bên cha
những dạt dào thuở bé,
cha chỉ một cánh buồm đang trượt gió ra khơi
lòng mỉm cười
biển khơi lồng lộng
cha nuôi mầm khát vọng cuộc đời con
trên cánh buồm cuộc đời cha
khát gió.”
(Cánh buồm khát gió – Lệ Hằng)
Trong đoạn kết của bài thơ Cánh buồm khát gió ta thấy được tầm nhìn và khao khát của người cha dành cho con – thế hệ sau của mình và chỉ có vậy, nó không thể là điều gì đấy lớn lao phổ quát cho mọi cuộc đời như:
“Khi vĩnh cửu nghiêng đầu khẽ hỏi
Ngươi có đem theo ngày tháng đặt tên mình
Vào vương quốc của ta chăng?”
(Câu hỏi năm tháng trôi – Nguyễn Hoàng Đức)
hay:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Vì cụ Nguyễn bàn đến tài và mệnh, những vấn đề vạn kiếp nhân sinh còn quan tâm bàn cãi nên câu thơ đi vào dân gian thành cả bói Kiều.
Theo quan điểm của phương Tây, một tuyệt tác thi ca trước tiên phải là một tuyệt tác của thẫm mỹ và sau đó phải là một tuyệt tác của triết lý. Thi nhân vừa là một nhà mỹ thuật vừa là một triết gia, nhưng thi ca không giống nghiên cứu triết học, nó không trình bày những luận điểm hay những mệnh đề một cách lỗi lạc cao thâm mà triết lý trong thi ca thể hiện một cách gần gũi, chân thật và dễ tiếp cận nhất. Vì dễ nhớ nên triết lý qua thơ là con đường gần nhất để nó đến được với nhiều người đọc nhất và ở lại được lâu nhất trong lòng họ. Đây là cốt lõi trong việc đánh giá thi ca của phương Tây nhưng xét thấy rằng dù không được phát biểu và tôn vinh mạnh mẽ rõ ràng như phương Tây thì quan điểm này vẫn là kim chỉ nam đối với những nhà sáng tác bằng trí tuệ và được công nhận rộng rãi trong giới học thuật ở ta cũng như trên thế giới.
Vậy những vần thơ sau có chỗ đứng hay không? Hay chỉ đáng vứt đi.
Này bé, hãy ngủ đi
Để say giấc mê ly
Khi chiều nghiêng gọi gió
Thỏ thẻ thôi,
Nắng tung tăng ngoài ngõ
Hát ru.

Này bé, hãy ngủ ngoan
Cành hoa xoan đã mệt nhoài chờ bé
Trăm mắt hoa thao thức kết thành chùm
Bé ngủ giùm hoa cho nụ khỏi phải chờ
Cho lũ chim khỏi ngác ngơ gọi bạn
Cho trời chang chang lịm dần theo nhịp thở
Cho giấc mơ ngan ngát những vần thơ.”
(Cho giấc mơ thơm – Lệ Hằng)
Không, xin đừng vứt mà hãy giữ lại vì mục đích của nó là ru bé ngủ, gieo vào tâm hồn bé những hình ảnh êm đềm dịu ngọt nên hãy cho nó về đúng nơi nó đáng được thuộc về.
Chúng ta bàn nhiều như thế, cụ thể như thế để nói với nhau rằng không nên và rõ ràng là không thể phủ nhận giá trị của xướng ca hò vè, “ngâm hoa vịnh nguyệt” trong đời sống tinh thần vì đó là văn hóa dân gian, là hình thức giải trí mang lại sự vui vẻ gắn kết mọi người với nhau. Chúng ta cũng không nên chê những bài thơ thấm đẫm cảm xúc khi người viết đơn thuần chỉ muốn tâm tình với người đọc. Ví như một người chồng làm thơ tặng vợ, chúng ta không thể yêu cầu anh ta cả tư tưởng và triết lý quan cả cho hết thảy vũ trụ nhân sinh khi mục đích của anh ta chỉ là tỏ bày tình cảm với vợ mình một cách dễ thương để cuộc sống hôn nhân thêm sắc màu thi vị. Nhưng một nền thơ học thuật thì không thể dựa vào cảm xúc mà phải lấy trí tuệ làm thước đo và các nhà nghiên cứu phê bình không nên chọn những vần thơ theo kiểu “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” để làm cánh đồng gieo chữ nghĩa của mình.
Bữa tiệc nhỏ của chúng ta đến đây đã có thể kết thúc vì lúc này hẳn là chúng ta đã sẵn sàng cho một hành trình khám phá xa hơn.
Lệ Hằng
Đà Nẵng, 07/08/2019



[1] Điệu Kèn Cô Đơn tập thơ của thi sỹ Nguyễn Hoàng Đức (NXB Thanh Hóa, 1999)

[2] Roger Vernon Scruton (1944) triết gia Anh
[3] Dẫn luận về cái đẹp (NXB Hồng Đức, 2016)

Trước cổng vườn thơ bàn về thơ Trước cổng vườn thơ bàn về thơ Reviewed by Lê Sính on 9:40 AM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.