Thương nhớ Trường Sơ
THƯƠNG
NHỚ TRƯỜNG SƠ
Tôi có một may mắn là ký ức lưu giữ
được nhiều chuyện hồi bé. Đôi khi thứ tái hiện được trong đầu chỉ là những mảng
tranh nhập nhòe mờ ảo nhưng có khi đấy là những câu chuyện sống động nóng hổi như
vừa chỉ mới hôm qua. Tôi ba mươi bảy tuổi nhưng còn nguyên đây niềm xúc động với
những con chữ đầu tiên trong đời. Các sơ yêu thương tôi không phải để cho tôi
vay một, hai ân tình nên tôi không xem mình nợ các sơ lời tri ân phải phát ra
thành tiếng nhưng hôm nay tôi phải viết vì tôi nợ cuộc đời một câu chuyện đẹp.
Sự học của tôi có lẽ được bắt đầu từ
Trường Sơ. Chúng tôi gọi là Trường Sơ dù chẳng có một tấm bảng hay một giấy tờ
nào ghi như thế. Trường Sơ ở làng Hòa Đa Đông, cách làng tôi một cánh đồng. Sau
này tôi mới biết đó là nhà thờ Đạo Thiên Chúa. Người làng tôi chỉ dùng một từ
“Đạo” để chỉ tất cả những người thờ phượng Chúa, phân biệt với người thờ Phật
và người lương.
Các sơ mở lớp dạy chữ cho trẻ em
nghèo trong đó có tôi dù không ai thừa nhận tôi là con nhà nghèo. Giữa thời đói
kém thiếu ăn thiếu mặc nhiều nhà ăn cơm độn khoai độn sắn thì cái đùi múp míp
trắng trẻo của tôi đủ để tố cáo tôi. Áo quần tinh tươm cộng với gương mặt tròn
him và cặp giò múp míp ấy thì chỉ có thể là con nhà giàu. Tôi đã qua một năm ở
lớp mẫu giáo nhưng tôi không được nhận vào lớp Một. Có lẽ do tôi là tên đầu têu
nghịch hơn quỷ và tôi chưa thuộc chữ nên không được nhảy bậc như các bạn. Mẹ
tôi xin cho tôi vào Trường Sơ với hy vọng tôi biết ít chữ và các sơ sẽ dạy dỗ
được tôi. Ít nhiều mẹ tôi tin rằng người tu hành giỏi kiềm chế và giàu tình
thương hơn người thường.
Gọi là lớp học từ thiện xóa mù chữ
cho trẻ em nghèo nhưng không phải phên nứa, vách đất, học trò chen chúc nhau
trong các dãy bàn mà ngược lại. Tôi được học trong một căn phòng sáng sủa sang
trọng có đầy đủ bàn ghế, bảng đen, phấn trắng đúng chuẩn. Các sơ không phân lớp
theo tuổi như ở các trường khác mà phân theo độ sáng dạ của học trò. Chúng tôi học
chương trình tiền tiểu học. Các sơ đến khổ với đám lau hau hỉ mũi cũng phải nhắc
này. Đứa nào đứa nấy ngơ ngác, phá thì giỏi còn chữ nghĩa không biết là thứ
chi. Vậy nên đứa nào sáng dạ sơ xếp vào một lớp, lớp còn lại dành cho những đứa
dạy tới dạy lui vẫn không thuộc mặt chữ. Ngày qua ngày các sơ kiên trì rèn từng
nét, nhắc từng chữ. Dù là “ngu lâu dốt bền khó đào tạo” cũng chưa từng bị đánh
mắng. Tôi may mắn không bị liệt vào hàng ngũ đó, ngược lại tôi được xem là sáng
dạ. Đấy là những lời có cánh đã nâng đỡ cuộc đời tôi, tôi tin mình không hề dốt.
Chúng tôi học theo tiết và cũng có
giờ ra chơi như các trường khác. Gen phá nó sống trong người tôi như một loại
ký sinh. Tôi thường nhảy từ thềm hành lang của nhà thờ sang bên kia lối đi. Cạnh
đó là hàng rào của nương sắn. Trong một lần hăng máu tôi bay vọt qua hàng rào
và đáp đất với một gai nè cắm phập vào chân. Máu rỏ từng giọt đỏ tươi xuống đất,
một lúc sau tôi mới có cảm giác đau. Gai nè găm sâu quá, tôi lặng người ngồi
nhìn máu rỉ ra. Tụi bạn nháo nhào chạy tìm sơ. Sơ đỡ tôi khi máu còn tươi trên
nền đất và gai nè vẫn ghim trong chân. Sơ không la quáng quàng cũng không chửi
tới tấp như mẹ tôi thường làm trong những tình huống tương tự. Bằng động tác dứt
khoác sơ rút gai khỏi chân tôi rồi nâng bàn chân nhơ nhớp bùn đất lẫn máu của
tôi lên miệng hút máu để sát khuẩn. Lúc ấy tôi chưa biết sơ làm như thế để chống
nhiễm trùng mà tôi coi đó là phép thánh. Ôi! Tôi kể sao xiết cảm giác sung sướng
hạnh phúc trong giây phút ấy. Một người tu hành sạch sẽ chuẩn mực thông tuệ như
sơ lại mút bàn chân dơ bẩn của tôi bằng sự ân cần quan tâm mà một người chỉ có
thể dành cho con cái họ.
Tôi gói ghém tất cả sự ân cần của
sơ mang vào lớp Một và vì nó mà tôi bị sốc. Tôi dường như không thể thích nghi
được với ngôi trường mới – nơi có thước có cả lời răn đe dọa dẫm. Tiếng thước gỗ
gõ vào bàn và thỉnh thoảng vào tay, vào mông học trò làm chát chúa tai tôi còn
“danh hiệu” học sinh ngu cứ ám lấy tâm trí tôi. Bạn ở Trường Sơ với tôi chẳng đứa
nào mít đặc đến nỗi không viết được tên mình. Sau này tôi mới biết đấy là chuyện
bình thường ở các trường tiểu học lúc ấy. Ở lâu trong dọa dẫm tai sẽ quen với lời
chì chiết còn ở lâu trong yêu thương thì sẽ quen với lời trìu mến.
Bằng cách này hay cách khác, chúng
tôi đều đã qua thời đi học. Các sơ của tôi hôm nay (nếu còn) thì thời gian đã
nhuộm phai màu tóc. Xin kính cẩn gửi lời tri ân đến các sơ và nhà thờ Giáo xứ
Hòa Đa.
Lê Sính, 06/03/2019
Thương nhớ Trường Sơ
Reviewed by Lê Sính
on
12:02 PM
Rating:

No comments: