Nửa giờ bên ngoại



NỬA GIỜ BÊN NGOẠI
10h30 phút sáng Chủ Nhật.
Hạnh Nhân đi tới đi lui trên vỉa hè, mắt em đau đáu trông ra. Con đường trước mắt em chạy dài hun hút dù chỗ em đứng đến ngã ba đường chỉ vài trăm mét. Em đói ngủ gật gù như một kẻ mộng du. Em vừa từ lớp học đàn bước ra, gấp gáp chạy trốn những nốt nhạc. Đã qua gần nửa năm mà em vẫn sợ cây đàn piano y chang như sợ ánh mắt thất vọng của mẹ. Mỗi lần phải ngồi vào chiếc ghế ấy, đối diện với năm dòng kẻ đô, rê, mi, fa, son…ấy thì câu mẹ thường nói “có thế thôi làm cũng chẳng xong” lại dí lấy mười ngón tay, em cố di chuyển nhưng càng cố bao nhiêu càng trật bấy nhiêu. Những phím đàn đen trắng vang lên trêu chọc sự vụng về của em. Em chỉ mong nhanh hết giờ để ra vỉa hè chờ mẹ. 
“Bíp bíp…”
Tiếng còi xe khẩn trương. Mấy giây sau, Hạnh Nhân yên vị sau lưng mẹ. Chị Liên lại rẽ dòng người phóng đi. Mặc kệ tiếng ồn ĩ, mặc kệ xe cộ nháo nhào tứ phía, giọng chị Liên vẫn cất lên hào hứng.
- Đàn piano là phải luyện từ nhỏ khi tay còn dẻo. Con gái mà biết đàn piano nhìn quý phái, sang trọng lắm đó con…
- Tiếng Anh cũng phải học từ nhỏ mới được. Mai mốt thi hùng biện Tiếng Anh ráng cho được lên Ti vi để nội ngoại nở mày nở mặt Tài nghe…
Hạnh Nhân im re, tiếng “dạ” cũng ngật ngưỡng theo cơn buồn ngủ. Đức Tài cũng im re, cơn đói vật vã đã dém hẳn miệng em. Lúc sáng, em chỉ kịp nhét một ổ bánh mỳ và một bịch sữa vào bụng, chưa đến nửa buổi học mỳ, sữa đã tiêu hết. Thân hình phì nhiêu thừa ký của em cùng cơn thèm ăn khiến chiếc xe như oằn xuống.
Gần ba chục phút sau chiếc xe đưa ba mẹ con về đến cổng. Mừng húm. Chị Liên cho xe vào sân, đút tay vào túi xách tìm chìa khóa cửa chính. Tìm mãi, tìm mãi vẫn chưa thấy đâu. Đoảng quá! Lại quên chìa khóa. Chị phóng xe đi tìm chồng. Đói, vội nhưng không quên lấy nét mặt cương nghị bảo hai đứa con lôi sách vở ra học bài. Một thoáng hài lòng vụt qua gương mặt mệt nhoài của chị, chị tự hào mình là người chu toàn đáo để chẳng bao giờ quên nhét thêm vài cuốn sách hay mớ bài tập nào đó vào cặp để con tranh thủ lúc ngồi đợi mẹ thì học, thêm chữ nào hay chữ ấy.
Hai anh em ngồi bệt trên hiên nhà học. Bên cạnh là cái cặp nặng như chì cùng những cuốn vở đang nhũn ra vì đói. “Why do you need to study?” (Tại sao bạn cần học?) – Đức Tài nhìn câu hỏi mà tối nay em phải thuyết trình trong lớp Tiếng Anh đầu quay cuồng, cả chục ngôi sao đang vờn trước mặt. Thầy giáo yêu cầu kể ra ít nhất ba lý do mà em chỉ mới nghĩ ra một. Vì muốn Đức Tài sớm thành thạo Tiếng Anh nên vợ chồng chị đã cho con học vượt chung lớp với các bạn lớn hơn. Bơi trong một lớp giỏi tốt hơn nhiều là dẫn đầu lớp yếu. Hẳn là vậy, vợ chồng chị rất tự hào về điều này.
- Xíu, nghĩ giùm anh Hai cái coi. “Vì sao mình cần học?”
- Dễ ợt, học cho ba mẹ vui. Cuối năm mà không có giấy khen đem lên cơ quan nhận thưởng thì xấu hổ lắm.
- Cái đó anh Hai biết rồi, ghi rồi. Phải thêm hai ý nữa. Dễ ợt thì hỏi mày làm chi.
Hạnh Nhân gật gù gập cuốn vở chống tay lên cằm suy nghĩ.
- Học để làm chi nữa, Hai hè? Học mệt chết đi được. Em chỉ muốn ngủ thôi.
- Mày thì lúc nào cũng ngủ, ngủ, ngủ. Hai đói bụng sắp xỉu đây nè. Thôi, nghĩ tiếp đi.
- Đó, Hai lúc nào cũng ăn, ăn, ăn. Mập như cái thùng phi rồi còn ăn cho lắm vô.
- Không ăn là đói nghĩ mãi không ra đây nè. Vì sao phải học? Vì sao phải học? Hai nói mày đừng mách mẹ chứ Hai ghét Tiếng Anh quá, tới lớp thấy mặt thầy là muốn núp rồi. Tối nay Hai phải lên thuyết trình ghi âm lại cho ba mẹ nghe nữa đó…
Khuôn mặt Đức Tài bành ra theo tiếng thở dài.
- Vì sao phải học? Học để làm gì? Em chỉ biết học vì ba mẹ bắt học chứ không biết để làm chi hết. Em ghét học đàn ghê. Bữa nào Hai xin nghỉ học Tiếng Anh là em cũng xin nghỉ học đàn…
Ông Sáu nãy giờ đứng lặng trong sân. Ông đã đến được một lúc nghe trọn câu chuyện của hai anh em. Ông lên thăm mà không báo trước tiếng nào vì không muốn thấy con cái chạy đông chạy tây đón rước. Ông Sáu nhìn hai đứa cháu xót xa, đứa gầy tong teo lúc nào cũng lờ đờ thiếu ngủ, đứa mập ú ù thì lúc nào cũng thèm ăn. Ông thở dài thầm nghĩ “con Liên làm mẹ kiểu gì mà để hai đứa cháu kháu khỉnh thành ra tội nghiệp thế này!”. Ông húng hắng ho rồi lại gần, hai anh em hú lên khi nhìn thấy ông. Ký ức về những chiều hè hiếm hoi ngồi dưới giàn thiên lý sột soạt gãi lưng cho ông bằng cái cào lưng gọt từ mo cau hiện lên như dòng suối trong veo vỗ về hai cái đầu vật vờ u ám.
Không chờ ông nhắc đến, Đức Tài hỏi ngay.
- Ông ngoại nghĩ giùm con với, vì sao mình cần học?
Ông Sáu có sẵn một bài dài để giúp đứa cháu nhưng ông lại thôi không nói. Ông nhìn vào đôi mắt chờ đợi của thằng cháu lòng chợt buồn. Bất chợt ông chỉ tay vào con chó đang bị xích ở hành lang, hỏi.
- Con Ki có được đi học không nhỉ?
- Đương nhiên là không rồi ông. – Hạnh Nhân nhanh nhảu – Con Ki chỉ ăn, ra ngoài ị rồi về giữ nhà cho chủ thôi ông.
- Ai là chủ…?
Cả hai anh em đồng loạt chỉ tay về mình “Con! Con!”. Ông Sáu gật gù.
- Đúng, đúng. Hai đứa thấy chưa, con người là chủ nhân của con chó, vì sao vậy?
- Vì người thông minh hơn chó, thưa ông!
- Vì sao người thông minh hơn chó, hai đứa có biết không?
Ông Sáu hết nhìn Hạnh Nhân lại nhìn Đức Tài thách thức. Hai anh em dựng hết óc lên như mỗi khi gặp phải câu hỏi hóc búa của ông ngoại và với chúng một cái gật đầu tán thành của ông còn quý hơn mấy chục lần phần thưởng chúng nhận mỗi năm. Sau vài giây lo lắng, mắt Đức Tài lóe lên rạng rỡ.
- Vì con người là động vật bậc cao, có bộ não tiến hóa nhất. Chỉ có con người mới có ngôn ngữ và có khả năng học tập. Con người thông minh nhất vì con người có trí tuệ, đúng không ông?
Đức Tài đang hỏi nhưng ánh mắt em đã cho thấy câu trả lời. Ông Sáu đắc chí cười xòa xoa đầu cả hai anh em.
- Đó, đó. Cháu ông giỏi lắm. Khả năng học tập là món quà Thượng đế ban cho con người. Vì thế con người phải sử dụng khả năng đó để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn và thực hiện ước mơ nữa nè. Ước mơ cũng là một món quà…
Ông Sáu nói chưa dứt lời thì Hạnh Nhân xìu mặt xuống.
- Nhưng học mệt lắm. Con chỉ muốn ngủ thôi.
- Còn con chỉ muốn ăn thôi.
Ông Sáu quàng hai tay kéo hai đứa cháu lại gần.
- Các cháu có biết vì sao các cháu ăn mãi ngủ mãi mà vẫn thèm không?
- Dạ không, thưa ông.
- Thèm ăn thèm ngủ như vậy không phải do bụng và mắt các cháu đói đâu mà tâm hồn các cháu đang bị đói.
- Là sao ông? – Hạnh Nhân tròn xoe mắt nhướn chân mày hỏi.
- Mỗi người có một tâm hồn và nó cần được ăn. Mình không nhìn thấy tâm hồn đâu nhưng nó ở trong người mình như dạ dày vậy cháu ạ.
- Tâm hồn thích ăn thứ gì vậy ông? – Vẫn là Hạnh Nhân lảnh lót.
- Tâm hồn cần được nuôi bằng kiến thức, cảm xúc và mơ ước nữa. Khi nào tâm hồn no thì cháu sẽ không thấy thèm ăn thèm ngủ mệt mỏi như lúc này. Phức tạp lắm, lớn chút nữa cháu sẽ hiểu. Giờ thì nói ông nghe lớn lên hai đứa thích làm gì nào?
- Cháu không biết. – Hai anh em đồng loạt.
- Vậy ông không hỏi lớn lên, ông hỏi hiện giờ luôn nghe. Hạnh Nhân thích gì nhất nào?
- Con thích bộ đồ lắp ghép Lego của anh Hai nhưng mẹ không cho. Mẹ nói con gái phải học đàn piano hoặc học vẽ, đồ lắp ghép là của con trai…
Ông Sáu nhìn Đức Tài, chờ đợi.
- Con thích vẽ, thích dùng cọ, dùng màu nước, thích pha các màu với nhau. Nhưng… - Đức Tài cúi gằm mặt.
- Nhưng sao? – Ông Sáu sốt sắng.
- Mẹ nói vẽ vời vớ vẩn, phải giỏi Tiếng Anh vì Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế sau này nếu con giỏi toán nữa thì mẹ đăng ký cho thi Toán quốc tế.
Ánh mắt ông Sáu nặng dần theo hai đứa cháu. Ông nén tiếng thở dài, âu yếm hỏi.
- Đố các cháu sở trường của con Ki là gì?
- Ngửi ạ! Cái mũi nó thính nhất, ông nhỉ.
- Ừ. Đến con chó mà cũng có sở trường huống chi là con người mình. Ông nghĩ sở trường của Hạnh Nhân là óc quan sát và tổ chức tốt. Sở trường của Đức Tài là về mỹ thuật. Sau này thành họa sĩ nhớ vẽ tặng ông bức chân dung thật đẹp, nhé! Ông sẽ nói chuyện với ba mẹ giúp các cháu nhưng các cháu phải hứa học chăm chỉ tất cả các môn ở trường để về nhà học cái mình thích. Như vậy gọi là phát huy sở trường…
Nhưng ông chưa kịp nói thì chị Liên từ cổng lao vào.
- Ba, sao ba lại nói với tụi nó vậy chứ. Ba biết thời đại tụi con đang sống ra làm sao không mà ba nói. Thời đại này phải có Tiếng Anh mới ngon lành được. Con cực khổ lắm mới cho tụi nó vào guồng mà ba...
Chẳng quan tâm đến sự hụt hẫng của ông Sáu, chị Liên trừng mắt nhìn hai con:
- Mẹ cấm, nghe chưa. Không vẽ vời hay lắp ghép chi hết.
***
Chị Liên tạt vào quán bún bò Huế mua vội một tô mang về nhà sau khi đưa hai anh em Nhân, Tài đến trường. Bày tô bún ra bàn ăn xong xuôi, chị chạy lên lầu mời ông Sáu. Mặt chị tái nhợt lại. Ông đã xếp sẵn mọi thứ vào ba lô để chào tạm biệt chị.
- Ở quê có chuyện gì hả ba? Sao ba mới vô chưa được ngày mà ba tính về rồi?
- Không có chuyện gì đâu con. – Ông Sáu chậm rãi, giọng buồn thiu. – Ba ở lại sẽ cản trở việc dạy bảo con cái của con vì ba không thể thấy sai mà lơ không nói.
Hai chân chị Liên quíu lại, chị ngồi thụp xuống giường.
- Ba nghĩ con không quên chuyện này đâu Liên nhỉ? Hồi con thi Đại học, mẹ con ban đầu chọn sư phạm Văn cho con không phải vì mẹ con là giáo viên dạy Văn mà vì thời đó con gái học sư phạm là được chuộng nhất và sư phạm Văn lại càng có giá. Nhưng con mê thể thao, thích mấy trò chạy nhảy banh bóng đấm đá. Ba mẹ vì nghĩ đó là sở trường của con nên không hề cấm cản, ngược lại ba mẹ đi cổ vũ con không thiếu trận nào. Ba quê mùa, không biết thời đại này có gì khác với thời đại trước nhưng ba tin chắc rằng mỗi người chỉ hạnh phúc và thành công chỉ khi họ sống theo sở trường của mình.
Ông Sáu nói rồi khoác ba lô lên vai, cương nghị.
- Ba tới đầu đường gọi xe ôm ra bến xe là được rồi. Ba tự vào đây được thì cũng tự về được. Ra tới nhà ba gọi.
Nước mắt chị chảy dài giàn giụa rớt xuống cổ, xuống áo rồi xuống cả giường.
***
Mười lăm năm sau, sinh nhật lần thứ 77 và cũng là sinh nhật cuối cùng của ông Sáu vì bác sĩ bảo thời gian còn lại của ông không quá được một năm. Đại gia đình sum họp hát mừng ngay bên giường bệnh của ông. Đức Tài đáp sân bay, gọi taxi phi nhanh đến bệnh viện, trong va li lúc ấy là bức tranh chỉ vừa mới vẽ. Bức tranh đẹp nhất cuộc đời anh. Bức tranh vẽ cảnh ba ông cháu tâm tình bên con Ki buổi trưa hôm ấy. Nửa giờ ngắn ngủi bên ngoại đã thay đổi cuộc đời của mấy con người để giờ đây Đức Tài là một họa sĩ hạnh phúc với những gam màu độc đáo anh tự pha.
-HẾT-
Đà Nẵng, 13/05/2019
Nguyễn Tấn Sính

Nửa giờ bên ngoại Nửa giờ bên ngoại Reviewed by Lê Sính on 9:46 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.