Cung đàn vi vút ngân lên giữa mùa đông cuộc đời
MÙA
ĐÔNG VỌNG CÁNH ÉN VỀ
(thơ
Nguyễn Hoàng Đức)
MỘT
CUNG ĐÀN DUY LÝ VI VÚT NGÂN LÊN GIỮA MÙA ĐÔNG CUỘC ĐỜI
***
"Behold,
we know not anything;
I can but trust that good shall fall
At last—far off—at last, to all,
And
every winter change to spring."
(In
the Memoriam A.H.H – Alfred, Lord Tennyson[1])
“Hãy ngắm nhìn, dù chúng ta chẳng hiểu gì cả;
Tôi có
thể nhưng tin rằng những điều đẹp đẽ sẽ lụi tàn
Cuối
cùng – xa thật xa – cuối cùng, cho tất cả,
Mọi
mùa đông đều chuyển sang xuân.”
(Lệ Hằng dịch)
(Lệ Hằng dịch)
Bốn
câu thơ trên là một khổ trong tuyệt tác Tưởng Niệm A.H.H của Tennyson.
Afred Tennyson là một nhà thơ lãng mạn điển hình dưới thời nữ hoàng Victoria và
ông được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của nước Anh. In the
Memoriam được viết để tưởng nhớ người bạn tri kỷ đã khuất là Arthur Henry
Hallam. Mặc dù bài thơ khởi phát từ tình cảm và sự kiện có tính chất cá nhân nhưng
trong Tưởng Niệm A.H.H Tennyson đã luôn phóng chiếu và hướng sự quan tâm ra bên
ngoài, thể hiện một thế giới quan đa dạng uyên thâm cùng những vấn đề lớn như là
vũ trụ và Thượng Đế để qua việc thể hiện nỗi đau ông tìm ra những nguyên lý cuộc
đời. “Mọi mùa đông đều chuyển sang xuân.” Điều hiển nhiên ấy phải chăng là quá
tầm thường?
Không,
không hề!
Qua
sự mô phỏng, tái hiện và đặc biệt là qua sự hà hơi thổi hồn tạo tác của những
trí tuệ đang thăng hoa thì những điều hiển nhiên như là chân lý ấy trở thành những
tuyệt phẩm của thi ca cũng như của triết lý nhân sinh. “Mọi mùa đông đều chuyển
sang xuân”, đằm mình trong dòng suy lý và tưởng niệm của Tennyson câu thơ này đã
ám ảnh tâm trí tôi và tôi bắt gặp chính sự xoay chuyển luân hồi này ngay trong
tựa đề bài thơ Mùa Đông Vọng Cánh Én Về bởi cánh én là tín hiệu của một mùa xuân
mới. Mùa đông, mùa xuân trong thơ Nguyễn Hoàng Đức, cũng như trong thơ của
Tennyson hay của rất nhiều nhà thơ khác đều không còn là những mùa đơn thuần của
thiên nhiên nữa mà là mùa của cuộc đời, của lẽ sống. Có rất nhiều con đường để
tiếp cận và thưởng thức Mùa Đông Vọng Cánh Én Về, riêng trong chuyến này tôi muốn
mời bạn đọc – những khách thơ chân chính trên hành trình chung của chúng ta –
tiếp cận và khám phá sự suy lý và con đường sáng tạo của thi nhân mà theo tôi là
có nhiều nét khác biệt với thi ca Á Đông truyền thống.
Trước
tiên chúng ta sẽ cùng nhau chiêm ngưỡng bức tranh mùa đông toàn cảnh.
“Lại
thêm gió bấc
Ùn ùn
thổi thốc về
Những
đường tên vun vút bắn từ vòm cung núi
Những
xoáy lốc cuốn tít mù từ muôn vực thẳm
Bầu trời
nặng nhọc chuyển mình
Giữa tầng
tầng áo mây mờ mịt
Dãy
non xa lớp lớp nặng sương mờ
Lắng
những nốt trầm buông
Kéo bản
nhạc thời gian
Chìm
sâu khúc chiều u ám
Vai ta
so ro
Co
mình giữa những lớp áo dầy
Muốn
chen sát làn da đòi hơi ấm
Ôi những
cành cây
Xác xơ
tấm áo choàng lá phủ
Phơi
mình trơ xương
Giữa
gió lạnh cắt trời”
“Winter
is an etching…” “Mùa đông là một bản khắc chìm trên kim loại…” Câu thơ của
Stanley Horowitz đã trở thành một trong những câu danh ngôn về mùa được yêu thích
và sử dụng rộng rãi nhất trên các trang mạng, trang báo và thậm chí khắc lên ghế
đá công viên. Nó được xem là khái quát và làm bật lên được linh hồn của mùa đông.
Chúng ta cũng đang có một bản khắc chìm như thế trong Mùa Đông Vọng Cánh Én Về.
Đã qua hết thảy sự tươi tắn sặc sỡ của mùa xuân, sự trong trẻo bóng bẩy của mùa
hè, sự thắm đượm lẫn bảng lảng của những mảnh ghép mùa thu, cuối vòng tuần hoàn
là sự lạnh lẽo của những mảng khắc chìm đơn sắc trong vũ điệu bi hùng của gió bấc
“ùn ùn thổi thốc về” như “Những đường tên vun vút bắn từ vòm cung núi”.
Một bức tranh mùa đông kỳ vĩ hiện ra qua nét bút tài hoa của người thi sỹ: “Giữa
tầng tầng áo mây mờ mịt – Dãy non xa lớp lớp nặng sương mờ”. Cái nhìn đi từ
xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể, từ vọi vọi trên bầu trời và những vòm cung
núi đến những cành cây “Xác xơ tấm áo choàng lá phủ - Phơi mình trơ xương –
Giữa gió lạnh cắt trời.” Nét chấm phá cuối cùng về những cành cây trơ xương
đã kiện toàn cho bức tranh mùa đông toàn thể. Nhưng mục đích của người nghệ sĩ
không phải dừng lại ở một bức tranh đẹp hoàn hảo về mùa đông mà bức tranh này
phải đẻ ra, phải kéo theo một bức tranh khác. Đó là một quá trình vận động như
ta từ phút này nhảy qua phút khác để cuối cùng, sau tất cả, đón một ngọn gió xuân
“ngược sớm về” và “ấp” cơn lạnh lẽo vò võ của mình trong cánh én
phương Nam. Khoảng khắc thiêng liêng, diệu kỳ của càn khôn mở ra một bức tranh
kỳ vĩ khác.
“Một tầng
mây nứt ra theo lưỡi cưa của vầng dương
Một ngọn
gió xuân ngược sớm về
Một lớp
sương mờ rướn lên mây
Một vũ
trụ nâng mình dậy
Những
thân cây dứt bỏ những chiếc lá còn sót lại
Trong
cuộc thay áo mùa thu
Tạc
dáng hiên ngang trong gió lạnh
Đòi diễn
nốt vở bi kịch lột xác của mình
Mong cải
lão hoàn đồng
Trong
tấm áo mùa Xuân
Bản nhạc
dâng lên
Những
con đường nâng mình chạy
Ùa về
dãy núi đang vươn cổ
Ngóng
phương Nam
Đợi một
cánh én về”
Màn
kịch “lột xác” cuối cùng bắt đầu khi vầng dương làm nứt các tầng mây. Cũng là các
tầng mây ấy, lớp sương mờ ấy, con đường ấy, cành cây ấy… nhưng được đặt trong sự
vận động không ngừng của quy luật tự nhiên và con mắt của nhà thơ tinh tế đến mức
nhìn ra được giữa không gian “lớp lớp nặng sương mờ” ấy đang có lớp đang
“rướn lên mây” mở màn cho “vũ trụ nâng mình dậy”, đánh thức cả càn
khôn khi những “con đường nâng mình chạy – ùa về dãy núi đang vươn cổ” đợi
cánh én phương Nam. Một bức tranh họa cảnh đông tàn – xuân chớm hoàn hảo trong
sự vận động vi tế của nó cho thấy khả năng tạo tác của người cầm bút. Một bài thơ
hay là một bức họa đẹp, chúng ta có lẽ đã quen với cách nghĩ này và trong Mùa Đông
Vọng Cánh Én Về ta có đến hai bức họa mùa đông với hai sắc thái khác nhau.
Nguyễn
Hoàng Đức là thi sỹ luôn tìm kiếm sự hùng vĩ mênh mông và mãnh liệt, để từ đấy
hình ảnh con người hiện ra nhỏ bé trong mối tương quan với đất trời nhưng chủ động
và dứt khoát trong tư tưởng cũng như hành động. Nhỏ bé như khi “vai ta so ro
– Co mình giữa những lớp áo dầy – Muốn chen sát làn da đòi hơi ấm.” Và chủ động
như khi “Ý tưởng ngoi ra thân xác” “Và ta đi – Ngập trong bóng hoàng hôn – Lội
trong những vần thơ còn chưa kịp thành hình…” Trong thơ Nguyễn Hoàng Đức,
ta bắt gặp hơn một lần kịch bản sau: Đối lập với sự mênh mông huyền nhiệm của càn
khôn là hình ảnh con người cô đơn, nhỏ bé trong vóc dáng và kiếp sống nhân sinh
nhưng mạnh mẽ, dứt khoát và sáng suốt trong tư tưởng và thần trí. Lại nữa, sáng
tác của Nguyễn Hoàng Đức thường không mang nỗi buồn thân phận của một đối tượng
riêng biệt nào và cũng không bắt nguồn từ cảm xúc chủ quan mà bắt nguồn từ nhận
thức khách quan và đi từ cái rộng lớn đến cái nhỏ bé, từ nguyên lý càn khôn soi
chiếu vào thân phận con người.
Về
điểm này nếu ta xét một cách tổng quát và mở rộng ra ta sẽ thấy đây chính là điểm
khác biệt lớn giữa thơ ca phương Tây (với trung tâm là văn hóa châu Âu)
và thơ ca Á Đông. Để cụ thể hóa nhất có thể và trực tiếp nhất có thể, chúng ta hãy cùng
nhau đọc lại những vần thơ về mùa đông của các thi sỹ nước nhà nhằm đưa ra sự so sánh
và nhìn nhận dễ dàng hơn.
Một cõi
quên
(Hàn Mặc
Tử)
Đêm ấy
lại đêm thức với trăng
Mưa
ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng
Cô
đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ
Đêm rất
riêng mình – Một cõi quên!
Tôi trả
cho tôi những ngại ngần
Trả
người - đây nhé những phân vân
Cõi
riêng lặng lẽ gài then kín
Ngoài ấy
người vui với bụi trần.
Cơn
gió lập đông buốt lạnh lùng
Tứ bề
gom lại một cõi không
Lặng
nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc
Hiện hữu
mà chi? Chỉ nghẹn lòng.
Bài
thơ bắt đầu bằng hành động “đêm ấy lại đêm thức với trăng”. Thức với trăng
là một hành động của riêng cá nhân Hàn Mặc Tử và sự cô đơn, quạnh quẽ cũng là riêng có của nhà thơ. Trong sự riêng tư ấy, rõ ràng “cơn gió lập đông buốt lạnh lùng” hay
“mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng” cũng là thế giới riêng trong nỗi niềm riêng của thi nhân. Hẳn nhiên, rất nhiều khi ta bắt gặp cõi lòng mình trong đó, ta gọi là “chung
một nỗi niềm” với thi nhân nhưng đó chỉ là thảng hoặc, rằng trong một lúc nào
đấy giữa dòng đời thâm trầm cảm xúc ta thấy mình cũng hoang hoải, cô đơn, cũng nghẹn
lòng như thi nhân. Ta không thể xem đó là nguyên lý của cuộc đời chung bởi thi nhân lấy cái tình của chính mình mà đưa vào cảnh và tình ấy là tình riêng. Thậm chí, cảm
giác “chung một nỗi niềm” lắm khi chỉ là sự ngộ nhận. Lấy tình họa cảnh là nét
chung điển hình của thơ ca Á Đông ta, đa phần chúng ta đều chấp nhận quan niệm “người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du) và xem đó như là “đặc sản” của các nhà
thơ. Chung quy lại, thơ ca phương Đông luôn lấy trữ tình làm gốc và có xu hướng
xem trữ tình như một tiêu chuẩn để luận bàn và bình phẩm thi ca. Người làm thơ mượn
thơ để nói cái tình, cái chí của mình nên qua thơ ta thường bắt gặp những nỗi
buồn thân phận. Đầu thế kỷ hai mươi, Thơ Mới thổi luồng gió lạ chưa từng có làm khuynh đảo nền thơ ca cổ điển
nước nhà. Trong những cái tên rất “mới” ấy, Xuân Diệu được nhắc đến có lẽ là nhiều hơn ai hết và
được xem là “mới” nhất, Tây nhất. Tuy nhiên, nếu xét kỹ về con đường và nguyên
lý sáng tạo của thi ca phương Tây ta sẽ thấy Xuân Diệu mới về thi pháp và từ ngữ
nhiều hơn là về cốt lõi trong tư tưởng và con đường sáng tạo.
“Mùa
đông trên gối rét tê bông
Máu giữa
lòng đơn uổng ấm nồng
Hồn ước
chung đôi; thầm lặng lẽ
Vào nằm
chia lạnh với chăn không.”
(Những
kẻ đợi chờ - Xuân Diệu)
“Những
đêm đông giạt bước ở trên đường
Gió
khuya khoắt giậy cơn buồn lá úa
Sao rải
rác như lệ vàng đêm nhỏ
Mưa lơ
phơ như dạ khóc âm thầm!”
(Yêu mến
– Xuân Diệu)
Nhà
thơ vẫn đi từ cảm xúc chủ quan, lấy cái tình để đưa vào cảnh tạo nên những sắc
thái khác nhau cho cảnh nhưng chung quy lại vẫn là nỗi buồn thân phận và sinh mệnh
của thi nhân. Đọc thơ Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu, ta không sao tránh được cảm giác
rằng những mùa đông ấy là những mùa đông riêng biệt của thi nhân bởi cái tình của
con người biến hóa không ngừng nên đông năm này sẽ khác đông năm sau, sau nữa…
Nhưng đến với thơ Nguyễn Hoàng Đức, mùa đông không phải là mùa của lòng
riêng và cũng không hẳn chỉ là mùa của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của lẽ
sống và cuộc đời chung.
“Rồi một
đống lửa được đốt lên
Từ tay
đoàn thám hiểm
Cả miền
băng tuyết cựa làn da lạnh
Sà vào
lòng ngọn lửa
Ấm mầu
hồng!
Ấm hơi
người!
Rồi đến
lượt mùa Đông
Muốn ấp
cơn run rẩy vò võ của mình
Trong
cánh én phương Nam
Nhẹ lướt
về
Mong
giải thoát lốt nặng nề u uẩn
Vén nhẹ
không gian
Cho mầm
sống trồi lên
Từ
muôn vàn cây cỏ”
Khái
niệm cánh én phương Nam ở đây cũng không còn giới hạn trong lãnh thổ quốc gia như
thể phân chia từ vĩ tuyến mười bảy trở vào hay trở ra nữa bởi mùa đông chúng ta
đang có là mùa đông chung của Trái đất và nhân loại.
“Bỗng
ký ức nối đuôi từng chuỗi
Như những
toa tầu bất tận
Chở
quá khứ về trên đường ray lịch sử
Tất cả
Đòi hiện
thân!
Đòi
quyền sống!
Đòi
giá trị!
Ngay
ngưỡng cửa khắc giờ hiện tại
Đúng
lúc này đây
Nơi ta
đang đứng”
Trong
khoảnh khắc chuyển tiếp diệu kỳ của thiên nhiên, kết thúc vòng tuần hoàn xuân qua,
hạ đến, thu sang, đông tàn để mở ra một vòng tuần hoàn mới bất ngờ thi sỹ gợi
ra một trường liên tưởng mới giữa quá khứ, hiện tại và tương tai. Cũng như thế,
mùa đông được mở thêm một chân trời mới nơi suy tưởng không vo tròn trong giới
hạn thiên nhiên mà mở ra giữa sân khấu cuộc đời. Những thăng trầm, những mùa đông
cuộc đời cũng sẽ chuyển giao, tuần hoàn như thế để tương lai “vỗ cánh” ùa về như
những “cánh én phương Nam” đòi xem “những bản hợp đồng cho dự án của ngày
mai”.
“Và
kia, cả chuỗi tương lai
Rợp trời
vỗ cánh ùa về
Cố
lách mình qua khe cửa
Phút
giờ hiện tại
Đòi
xem những bản hợp đồng
Cho dự
án của ngày mai
Ôi thật
diệu kỳ
Chuỗi
chuỗi hoàng hôn quá khứ
Và lớp
lớp bình minh thuộc về vĩnh cửu
Đều hiện
mình lên
Trên bản
lề hiện tại”
Trên
bản lề của hiện tại là “hoàng hôn quá khứ” và “bình minh thuộc về vĩnh
cửu”, phải chăng đây cũng là hình ảnh của mùa đông trong cuộc cải lão hoàn đồng
vẫn còn sót lại những chiếc lá trong cuộc thay áo mùa thu và ủ ấp tương lai
trong hơi ấm của cánh én “ngược sớm về”. Từ cảm thức về thiên nhiên, thời gian,
cuộc đời… con người của lý trí bật dậy trong tâm thế dứt khoát, đầy trách nhiệm:
“Và ta
đi
Ngập
trong bóng hoàng hôn
Lội
trong những vần thơ còn chưa kịp thành hình
Kéo lê
những nốt trầm
Gieo
âm trĩu buồn hồn núi lạ
Rung
phím gió phương Nam
Gọi
cánh én mùa Xuân
Hãy về
Trên
cung đàn hy vọng.”
Khác với phong cách sáng tác truyền thống Á Đông,
Nguyễn Hoàng Đức không bắt nhịp thơ từ cảm xúc chủ quan, không hướng những vần
thơ vào tâm tư tình cảm riêng, cũng không lấy cảnh để nói tình hay nói chí mà
ngược lại, ông hướng cái nhìn bao quát ra bên ngoài, tìm kiếm sự biểu hiện, mô
phỏng từ bên ngoài để từ đó tìm ra những nguyên lý chung của đất trời vạn vật và
cuối cùng là soi chiếu thân phận, cuộc đời mình trong cái nhìn toàn thể, nhất
quán. Quá trình này có thể xem là đồng nhất với quá trình đi tìm tri thức. Ta có
thể nói thơ Nguyễn Hoàng Đức thấm nhuần nguyên lý sáng tạo của phương Tây bởi phương
Tây quan niệm rằng văn học là biểu hiện trạng thái tri thức của con người chứ
không phải là biểu hiện tình cảm chủ quan và quá trình tạo tác những vần thơ cũng
chính là quá trình đi tìm chân lý. Đó là lý do tại sao trong quan niệm khắt khe
của phương Tây thì mỗi thi hào đều là một triết gia theo cách riêng của họ, và
cũng chính từ cái nôi văn minh này người ta có nhiều nhà mỹ học, nhà thơ là triết
gia hơn cả.
Chuyến
thưởng ngoạn cũng đến đây đã có thể kết thúc, tuy nhiên xin khách thơ nán lại để
cùng nhau đọc lên bài thơ Ngọn Gió Mùa Đông của nhà thơ lãng mạn nổi tiếng bậc
nhất dưới thời nữ hoàng Vitoria – John Keats – để thấy cách thức, con đường mà ông
tạo tác các vần thơ và cũng là để củng cố lại những điều vừa nói ở trên. Jonh
Keats là tác giả của bài thơ Tụng ca chim sơn ca – một trong những bài thơ được
xem là hay nhất thế kỷ 19 – và đồng thời ông cũng được xem là thầy của Alfred,
Lord Tennyson.
The
Winter’s Wind
John
Keats[2]
O thou
whose face hath felt the Winter’s wind,
Whose
eye has seen the snow-clouds hung in mist,
And
the black elm tops ‘mong the freezing stars!
To
thee the spring will be a harvest time.
O thou
whose only book has been the light
Of
supreme darkness, which thou feddest on
Night
after night, when Phoebus was away!
To
thee the spring shall be a triple morn.
O fret
not after knowledge. I have none,
And
yet my song comes native with the warmth.
O fret
not after knowledge! I have none.
And
yet the evening listens. He who saddens
At
thought of idleness cannot be idle,
And
he’s awake who thinks himself asleep.
Ngọn
gió Mùa Đông
John
Keats
Ôi,
người có khuôn mặt đã cảm thấy gió Mùa Đông
Đôi mắt
người đã thấy những đám mây tuyết lửng lơ trong sương mù
Và đỉnh
cây gỗ du đen ngòm giữa những vì sao băng giá!
Với người
mùa xuân là thời điểm của mùa vụ.
Ôi,
người mà cuốn sách duy nhất chính là ánh sáng
Của
đêm tối vô cùng mà người chán ngấy
Đêm
qua đêm, khi thần Mặt Trời đi vắng!
Với
người mùa xuân sẽ là ba lần ánh sáng bình minh.
Ôi, sự
băn khoăn không nằm sau hiểu biết. Tôi chẳng có
Nhưng
bài hát của tôi đến thật hồn nhiên và ấm áp.
Ôi, sự
băn khoăn không nằm sau hiểu biết. Tôi chẳng có gì
Nhưng
màn đêm lắng nghe. Anh ấy đang buồn
Vì
nghĩ rằng sự nhàn rỗi không thể nhàn rỗi nữa
Và anh
ấy đánh thức kẻ nghĩ rằng anh ấy ngủ say.
(Lệ Hằng dịch)
MÙA
ĐÔNG VỌNG CÁNH ÉN VỀ
Nguyễn
Hoàng Đức
Lại thêm gió bấc
Ùn ùn thổi thốc về
Những đường tên
vun vút bắn từ vòm cung núi
Những xoáy lốc cuốn
tít mù từ muôn vực thẳm
Bầu trời nặng nhọc
chuyển mình
Giữa tầng tầng áo
mây mờ mịt
Dãy non xa lớp lớp
nặng sương mờ
Lắng những nốt trầm
buông
Kéo bản nhạc thời
gian
Chìm sâu khúc chiều
u ám
Vai ta so ro
Co mình giữa những
lớp áo dầy
Muốn chen sát làn
da đòi hơi ấm
Ôi những cành cây
Xác xơ tấm áo
choàng lá phủ
Phơi mình trơ
xương
Giữa gió lạnh cắt
trời
Ý tưởng ngoi ra
thân xác
Nặng nề
Như vầng dương
đang cố lách lưỡi cưa tròn
Xẻ một đường khe
Giữa các tầng mây
o bế bịt bùng
Ký ức bỗng hiện về
Bắc Cực
Quê hương của miền
lạnh lẽo
Dâng tràn tuyết
giá
Khiến cả cánh loài
chim cũng rụng
Rồi một đống lửa
được đốt lên
Từ tay đoàn thám
hiểm
Cả miền băng tuyết
cựa làn da lạnh
Sà vào lòng ngọn lửa
Ấm mầu hồng!
Ấm hơi người!
Rồi đến lượt mùa
Đông
Muốn ấp cơn run rẩy
vò võ của mình
Trong cánh én
phương Nam
Nhẹ lướt về
Mong giải thoát lốt
nặng nề u uẩn
Vén nhẹ không gian
Cho mầm sống trồi
lên
Từ muôn vàn cây cỏ
Cả miền Bắc Cực muốn
sưởi ấm trong vòng tay ngọn lửa
Cả khung trời mùa
Đông muốn ấp mình trong vài cánh én
Điều kỳ diệu đó phải
chăng là không tin nổi?
Bỗng ký ức nối
đuôi từng chuỗi
Như những toa tầu
bất tận
Chở quá khứ về
trên đường ray lịch sử
Tất cả
Đòi hiện thân!
Đòi quyền sống!
Đòi giá trị!
Ngay ngưỡng cửa khắc
giờ hiện tại
Đúng lúc này đây
Nơi ta đang đứng
Và kia, cả chuỗi
tương lai
Rợp trời vỗ cánh
ùa về
Cố lách mình qua
khe cửa
Phút giờ hiện tại
Đòi xem những bản
hợp đồng
Cho dự án của ngày
mai
Ôi thật diệu kỳ
Chuỗi chuỗi hoàng
hôn quá khứ
Và lớp lớp bình
minh thuộc về vĩnh cửu
Đều hiện mình lên
Trên bản lề hiện tại
Ôi diệu kỳ
Diệu kỳ hiện tại!
Diệu kỳ ngọn lửa của
con người!
Và diệu kỳ cánh
én!
Một tầng mây nứt
ra theo lưỡi cưa của vầng dương
Một ngọn gió xuân
ngược sớm về
Một lớp sương mờ
rướn lên mây
Một vũ trụ nâng
mình dậy
Những thân cây dứt
bỏ những chiếc lá còn sót lại
Trong cuộc thay áo
mùa thu
Tạc dáng hiên
ngang trong gió lạnh
Đòi diễn nốt vở bi
kịch lột xác của mình
Mong cải lão hoàn
đồng
Trong tấm áo mùa
Xuân
Bản nhạc dâng lên
Những con đường
nâng mình chạy
Ùa về dãy núi đang
vươn cổ
Ngóng phương Nam
Đợi một cánh én về
Và ta đi
Ngập trong bóng
hoàng hôn
Lội trong những vần
thơ còn chưa kịp thành hình
Kéo lê những nốt
trầm
Gieo âm trĩu buồn
hồn núi lạ
Rung phím gió
phương Nam
Gọi cánh én mùa
Xuân
Hãy về
Trên cung đàn hy vọng.
Hà Nội,
Đêm 10/1/1997
Cung đàn vi vút ngân lên giữa mùa đông cuộc đời
Reviewed by Lê Sính
on
6:42 PM
Rating:

No comments: