Từ tuyệt tác hội họa đến nỗi đau bi hùng trên thập giá nhân sinh

HOÀI NIỆM THU
(Thơ Nguyễn Hoàng Đức)
TỪ TUYỆT TÁC HỘI HỌA ĐẾN NỖI ĐAU BI HÙNG
TRÊN THẬP GIÁ NHÂN SINH

Chạm đến mùa thu là ta đang chạm đến một trong những đề tài cổ điển và tiêu biểu nhất của thi ca mà ví như cuộc thưởng ngoạn thơ này là một bữa tiệc thì khách thơ sẽ được đắm mình trong không gian nhuốm màu hoài niệm bên những điệu Valse lả lướt say sưa và thời gian gần như phủ định quy luật của chính nó - ngừng chảy - để đọng lại trong từng giọt tâm hồn. Bữa tiệc sẽ không hẹn giờ tàn, khách thơ có thể đến rồi đi nhưng thơ sẽ còn ngân mãi bởi như Vũ Hoàng Chương nói:

“Ai rằng Thu khơi nguồn tiêu sơ?
Ta rằng Thu gây mầm tình mơ,
Chính tay Thu reo rắc mến thương bờ, 
Bởi nàng Thu là chị của Nàng Thơ.”
(Mùa Thu Đã Về - Vũ Hoàng Chương)

“I notice that Autumn is more the season of the Soul than of Nature.” (Friedrich Nietzsche) “Tôi nhận thấy rằng Mùa Thu là mùa của Tâm Hồn nhiều hơn là mùa của Thiên Nhiên.” Câu nói của triết gia Friedrich Nietzsche được xem là một phát hiện độc đáo về mùa thu và là danh ngôn được sử dụng rộng rãi đặc biệt là khi người ta bất lực trước việc giải thích những biến đổi tâm lý hết sức phức tạp trước cuộc “thay áo” của trời đất. Vâng, hiển nhiên mùa thu là mùa của thiên nhiên nhưng Nietzsche nhấn mạnh rằng nó là “mùa của Tâm Hồn nhiều hơn” bởi cảnh thu sắc thu thường đánh thức sự mẫn cảm trong tâm hồn để khơi nguồn hoài niệm khiến nó tuôn trào thành sông thành suối. Sự khích khởi, thay đổi, biến chuyển trong tâm hồn mạnh mẽ hơn cả trong thiên nhiên bởi cảnh thu thì chỉ có một nhưng thế giới nội tâm của mỗi người là một tinh cầu đặc sắc, khó hiểu và quẫy đạp liên hồi. Vậy thì cái thiên nhiên ấy qua lăng kính chủ quan của mỗi người sẽ càng kỳ lạ, sẽ càng độc đáo, sẽ càng say mê và sẽ càng “mùa thu” hơn nữa.  

Ấy là ta chỉ đang xét cái nội tâm, cái mẫn cảm, cái say mê của người bình thường mà thôi. Riêng với thi sỹ - người được Đấng tạo hóa ban cho một trái tim dạt dào, một tâm hồn nhạy bén trên mức bình thường – thì mùa thu còn xao xuyến còn hoài niệm xiết bao. Có lẽ để tìm ra một thi nhân không để lại dù chỉ một vần thơ thu sẽ khó gấp trăm ngàn lần là tìm kiếm một bài thơ tuyệt tác. Thi sỹ Nguyễn Hoàng Đức cũng không ngoại lệ, Hoài Niệm Thu của ông là điển hình cho hồn thơ dồi dào sức vóc thời đại, cảm xúc và lý trí quyện chặt vào nhau thăng hoa trên những vần thơ súc tích, bác học. Đến với thi phẩm này chúng ta không chỉ đắm say với những tuyệt tác hội họa bằng lời mà còn chất ngất với những nỗi đau trên chiếc thập giá cuộc đời.

Nguyễn Hoàng Đức là một thi sỹ đương thời, trước ông đã có rất nhiều nhà thơ thành công khi chấm mực họa nét đẹp mùa thu. Vậy nên, trước khi đến với bức tranh thu của Nguyễn Hoàng Đức ta hãy cùng nhau chiêm ngưỡng lại những tuyệt tác của các tiền nhân.

Lội dòng lịch sử thi ca nước nhà, cái tên Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến thật tự nhiên hiện lên ngay trong dòng suy tưởng với chùm ba bài thơ mùa thu nổi tiếng: Thu Ẩm, Thu Điếu, Thu Vịnh. Mỗi bài là một bức tranh thu chân thực nơi quê nhà thanh bình tĩnh lặng vẽ bằng một nét bút tài hoa đậm tình người.

Thu Vịnh
(thơ Nguyễn Khuyến)
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”

Khắc họa cảnh thu dường như không ai có thể bỏ qua sắc xanh của bầu trời ngày thu chạm ngõ khi những con nắng đã vào mùa chín mọng vàng sóng sánh nhưng không còn đốt “chang chang” và cũng không làm sao thoát được nỗi ám ảnh thời gian chảy qua kẽ tay như khi ngắm những chùm “hoa năm ngoái”. Trong bài Thu thi sỹ Xuân Diệu cũng ghi lại cảm thức thời gian để bức tranh thu ý vị của mình thêm lắng đọng.

Thu
(thơ Xuân Diệu)
“Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu;
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì.
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành biếc run run chân ý nhi.

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa,
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà.
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như thuyền.
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.”

Mùa thu được họa bằng những nét chấm phá độc đáo, riêng ở khổ thứ hai với “dáng thu xa” và “một tiếng chim qua” nếu phải họa bằng nét vẽ thực của người họa sĩ e là chẳng dễ dàng để đạt được hết dụng ý nghệ thuật. Và, như đã nói ở trên, cảnh thu chỉ có một nên sự rung động của thi sỹ trước tuần hoàn của đất trời suy cho cùng thật giống nhau. Ấy là sự xuyến xao khi gặp màu trời xanh đến lạ, gặp mây trôi lãng đãng, gặp sắc nắng giao mùa, ấy là sự rung động với nhịp thở thời gian khi đêm kéo giãn, ngày tàn nhanh, sương xuống mờ bàng bạc ôm lấy không gian và mùa về rạo rực. Nhưng, tài hoa, trí tuệ và thế giới quan mỗi nhà thơ mỗi khác nên vẫn là mùa thu ấy nhưng trăm năm hay ngàn năm sau khách thơ vẫn bất ngờ, vẫn xúc động, vẫn đắm say trước một vần thơ mới. Đấy là cách các thi nhân lưu dấu tên mình trong lòng bạn đọc yêu thơ như những gì Nguyễn Hoàng Đức đã làm trong Hoài Niệm Thu.

Vòi vọi trời xanh thẳm nâng lên
           mỗi lần dâng mỗi lần quặn thắt
vắt nỗi đau qua những lớp mây mù
           nặng ký ức mùa ngâu rả rích
lã chã vấn vương
           chưa nguôi lệ sầu lòng đất sũng

Dòng sông gợn sóng đến gai lòng
Níu mây trôi ngập ngừng
Không dám buông lời nói
về những cơn mưa mùa hạ đã qua rồi

Muôn dòng sông
thả những khúc sầu ra biển
xao xuyến xô lớp lớp sóng cồn
dồn dập vỗ buồn mê mùa gió chướng
thủy triều tê lưỡi sóng
nếm vị nắng u hoài
bò loang bờ cát mặn

những sợi sáng se dìu dịu
của mặt trời u uẩn
nuối tiếc tuổi thanh xuân
ngày nào chang chang mùa hạ
ngổ ngáo sao và mãnh liệt sao

Hoàng hôn rải lớp sương lành lạnh
nhuốm con đường đất thịt cô đơn
những mái nhà trắc ẩn nhô lên
đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu
da diết tâm hồn rách dọc mái nhà
một ý nghĩa cuộc đời vừa nứt
man mác mùa thu
man mác lớp da non cơn đau mùa hạ

Tranh lồng vào tranh và nối tiếp tranh. Những bức tranh thu lần lượt hiện ra để kiện toàn cho bức bích họa mùa thu tráng lệ, kỳ vĩ. Nếu ta cắt nhỏ ra cứ mỗi chỗ tác giả dành một khoảng trống cách dòng là một lát cắt hay đúng hơn là một bức ảnh như khi ta lia ống kính ngắm và chụp. Góc thu đầu tiên tác giả khắc họa là nền trời xanh thẳm đến “vòi vọi”. Trong cái sắc xanh ấy hằn lên những “quặn thắt”, “vấn vương”, “chưa nguôi lệ sầu…” vì những ký ức nặng nề. Ngoài sự khắc họa về nền trời cùng lớp mây mù điển hình của mùa thu, thi sỹ còn khắc họa tâm cảm giao mùa “vắt nỗi đau qua những lớp mây mù – nặng ký ức mùa ngâu rả rích.” Hoài niệm kéo về từ thiên nhiên đi vào lòng người như một lẽ tự nhiên để:

Dòng sông gợn sóng đến gai lòng
Níu mây trôi ngập ngừng
Không dám buông lời nói
về những cơn mưa mùa hạ đã qua rồi”

Tâm cảm giao mùa tiếp tục gieo những vần thơ dào dạt nhưng thi nhân đã chuyển ống kính sang một góc khác nơi thu đọng lại và hòa tan trên những dập dình quyến luyến của dòng sông. Ta thấy rõ ở đây sự tác động sâu sắc của Nàng Thu lên cảm xúc và nội tâm của nhà thơ. Có mùa thu nào không mang một nỗi buồn hoài niệm! Nỗi buồn ấy thấm vào hồn người thi sỹ hóa thành thơ. Nguyễn Hoàng Đức là người luôn tìm kiếm những nét đẹp bi hùng, kỳ vĩ để không phải ở lưng chừng trên trục cảm xúc nên nỗi sầu của ông dường như chưa khi nào là man mác, vu vơ, nhàn nhạt mà sống động sắc nét rạch ròi như “Muôn dòng sông – thả những khúc sầu ra biển – xao xuyến xô lớp lớp sóng cồn…” Nỗi buồn cũng mạnh mẽ ào ạt và dũng lược thay khi “thủy triều tê lưỡi sóng – nếm vị nắng u hoài – bò loàng bờ cát mặn”. Thi sỹ nhìn ra những con thủy triều vỗ bờ như những “lưỡi sóng”. Hình ảnh thơ có sự đột phá nhưng xem chừng sự so sánh và nhân hóa ấy cũng gần gũi dễ hiểu và không độc đáo bằng “vị nắng u hoài”. Nắng trực tiếp nhất và rõ ràng nhất là tác động đến thị giác chúng ta và sự khắc họa màu nắng là nỗi ám ảnh của rất nhiều thi sỹ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong sự ám ảnh đằng đẵng đeo đuổi tâm hồn, người ta còn khắc khoải đi tìm mùi nắng. Mùi nắng đọng trong tóc, trong cỏ và thơm trong miền ký ức nhưng không mấy ai “nếm” nắng để nghe ra “vị u hoài” như thi sỹ của Hoài Niệm Thu.

Tiếp tục họa mùa thu, thi sỹ đi từ mây trời đến dòng sông ra cửa biển rồi họa cả “mặt trời u uẩn” và cuối cùng dừng lại nơi cảm thức thời gian chảy rõ ràng nhất trước hoàng hôn. Mảnh ghép cuối cùng kiện toàn bức tranh mùa thu với sự xuất hiện của những mái nhà – dấu chỉ của con người – cũng là bước chuyển tiếp để ta đi từ bức họa mùa thu thuộc thế giới bên ngoài vào sự suy niệm trong thế giới nội tâm.

Hoàng hôn rải lớp sương lành lạnh
nhuốm con đường đất thịt cô đơn
những mái nhà trắc ẩn nhô lên
đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu
da diết tâm hồn rách dọc mái nhà
một ý nghĩa cuộc đời vừa nứt
man mác mùa thu
man mác lớp da non cơn đau mùa hạ

Những nét bút cuối cùng của bức bích họa kỳ vĩ này không chỉ thể hiện sự tài hoa của người họa nó mà còn thể hiện một thế giới quan độc đáo của thi nhân đặc biệt là trong “những mái nhà trắc ẩn nhô lên – đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu”. Mái nhà, vòm cây đều là những hình ảnh thân quen hằng ngày nhưng khi thi sỹ phát biểu “mái nhà trắc ẩn” và “vòm cây hiền hậu” đội nón quai thao thì chúng gần gũi nhưng không còn thân quen nữa mà thổi vào lòng ta những luồng suy tưởng mới và chắc chắn “cú nhảy về tưởng tượng” sẽ thành tựu ở đây và là kết quả tất yếu của phép ẩn dụ. Thi sỹ đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng ông không chỉ có một trái tim ấm áp, một tâm hồn mẫn cảm mà còn có những góc nhìn tinh tế, lúc đứng thật xa để vẽ một bức tranh toàn cảnh, lúc đến thật gần để nghe “tâm hồn rách dọc mái nhà” man mác lớp da non cơn đau mùa hạ”.

Từ đây tất cả nỗi đau hiện ra khắc khoải và sống động.
  Mái tóc đau màu trắng thời gian
những chiếc lá đau mùa vàng năm tháng

Hơi thở đau khí trời se lạnh
Gió heo may đau làn sương tê tái

Ánh mắt đau cái nhìn giã biệt
nhật - nguyệt mùa thu đau trời hoài niệm

Cánh tay đau những vòng tay dứt
những dòng sông đau mùa nước cạn

Bàn tay đau những bắt tay
Cành cây đau mùa lá rụng

Bàn chân đau những chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt...

Cơ thể đau mùa sống
Tâm hồn đau mùa luân chuyển khoái lạc và đau khổ

Khoái lạc đau khúc hoan ca
Nơi sân khấu mỏi mòn

Và đau khổ đau những thánh ca buồn
Trên thập giá cưu mang”

Vũ trụ nhân sinh, tất cả đều mang trong mình mầm đau sự sống. Từ một thi sỹ của những vần thơ trữ tình mang tâm cảm giao mùa Nguyễn Hoàng Đức chuyển thành một thi sỹ triết gia trong nửa cuối thi phẩm Hoài Niệm Thu. Những nỗi đau nhân sinh ở đây là kết tinh của những triết lý về quy luật luân hồi của cuộc sống. Vốn “trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”, mọi thực thể đang sống đều là đang trên hành trình đi về tàn lụi nên “mái tóc đau màu trắng thời gian – những chiếc lá đau mùa vàng năm tháng” và “ánh mắt đau cái nhìn giã biệt”, “bàn tay đau những bắt tay”, “cơ thể đau mùa sống”… Đắm mình trong những nỗi đau không thể chối từ, để “đau, đau, đau…” vang lên dồn dập, tha thiết ta lại thấy có lúc những nỗi đau không còn là cảm giác khó chịu do bị tổn thương về thể xác hay tâm hồn nữa mà còn là “đau” trong niềm khao khát.

“Bàn chân đau những chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt…”

Chặng đường chưa tới biết sẽ chông gai hay êm ả đầy hoa thơm cỏ lạ mà bàn chân đã “đau”. Nỗi đau ở đây ngoài sự chuẩn bị cho những tổn thương bên ngoài thì sâu thẳm bên trong còn là đau đáu mong chờ những con đường dẫn về chân lý để “đau mùa gặt” mới.

Mùa thu, khi không gian nhuốm màu bàng bạc ẩm lạnh hơi sương, khi những chiếc lá đổi màu run rẩy đón cơn gió trở trời chờ về với đất là khi tâm lý con người nhiều biến động và suy nghĩ về vòng tuần hoàn của sự sống hay còn gọi là luân hồi nhiều nhất. Con người trong không gian ấy không chỉ sống với hoài niệm mà thường còn sống với nỗi buồn đau u uẩn nặng nề. Khoa học đã ghi lại và dành nhiều nghiên cứu cho hiện tượng SAD (Seasonal Affective Disorder) còn gọi là Trầm Cảm Theo Mùa. Chứng trầm cảm này thường khởi phát vào mùa thu và khá phổ biến, dù không phải ai cũng bị rơi vào trạng thái u uất mà SAD ghi nhận nhưng có lẽ sự ảnh hưởng là không thể nào tránh hỏi và chính vậy mà những vần thơ mùa thu thường gợi sự tang thương và rất buồn. Trong bản Xô-nê 73 William Shakespeare đã khắc họa mùa thu như sau:

“That time of year thou mayst in me behold
When yellow leaves, or none, or few, do hang
Upon those boughs which shake against the cold,
Bare ruined choirs, where late the sweet birds sang.
In me thou see’st the twilight of such day
As after sunset fadeth in the west;
Which by and by black night doth take away,
Death’s second self, that seals up all in rest.”
(Sonnet 73 – William Shakespeare)

“Từ trong tôi anh sẽ thấy khoảng thời gian này của năm
Khi những lá vàng, hoặc trụi trơ, hoặc chỉ còn vài chiếc treo ngược
Trên những cành cây run rẩy gồng mình trong cái lạnh,
Dàn đồng ca bị hủy hoại đến xác xơ, nơi những con chim ngọt ngào muộn màng cất tiếng hát.
Từ trong tôi anh sẽ thấy bóng xế của ngày tàn
Khi hoàng hôn mờ dần phái chân trời đằng tây,
Và đêm đen kéo đến, khoảnh khắc nối khoảnh khắc mang chúng đi
Cánh tay tử thần chìa ra phong tỏa mọi lối.”  
(Lệ Hằng dịch)

Cũng là sự nuối tiếc và cảm thức về vòng tuần hoàn nở rồi tàn của sự sống nhưng đến với Hoài Niệm Thu của Nguyễn Hoàng Đức đau buồn đã mất phần bi lụy mà thay vào đó là tâm thế chủ động đón nhận nỗi đau và hơn thế nữa, những nỗi đau tạc nên vẻ đẹp kiêu hùng của mình như “đau khổ đau những thánh ca buồn – trên thập giá cưu mang”. Thi sỹ dường như luôn ở đó, trong tư thế sẵn sàng đón nhận mọi buồn vui thế tục bởi sự minh triết đã giúp ông ý thức rõ ràng rằng không chỉ con người mà vạn vật không gì tránh khỏi được những nỗi đau cũng như gánh nặng của chính mình. Đồng thời, nỗi đau hay gánh nặng ấy lại làm nên giá trị của chính mình trong vũ trụ. Đây là điểm nổi bật và nhất quán trong tư tưởng của thi nhân mà ta có thể tìm thấy rõ ràng trong thi phẩm Giao Hưởng Mùa Xuân.

“Vinh quang thay những hàng nước mắt
Chúng thanh lọc con người!
Và, ta hát lời biết ơn Vũ trụ
về định mệnh trầm luân
sẽ giải phóng trong vòng nhân quả…”
và:
“xin hãy cho tôi vinh quang
xứng với
               những ngày tôi chịu đựng
               chặng đường tôi đi
               gánh nặng tôi mang
               và gánh nặng tôi đã cất khỏi
               vai người khác!”
(Giao hưởng mùa xuân – Nguyễn Hoàng Đức)

Những nỗi đau trong Hoài Niệm Thu từ mái tóc, hơi thở, ngọn gió heo may, cánh tay, bàn chân, cơ thể, tâm hồn, khoái lạc và cả đau khổ nữa đều là những nỗi đau hiển nhiên của kiếp sống nhân sinh và tư thế sẵn sàng nhận lấy tất cả như chính cuộc đời vốn đã vậy tạo nên hơi thở mạnh mẽ dứt khoát cho những vần thơ để cuối cùng:

“Linh hồn ta đau khúc bi hùng
Ca trên những ngọn đồi Hy Lạp
Theo mây thời gian tỏa
Theo gió đời lan
Theo lịch sử khơi dòng
về đây cuốn lên một vòm trời hoài niệm
khơi thẳm mãi hồn ta
mãi tim ta
mãi thân ta
một khúc ca xanh về cuộc đời hy vọng
dâng tràn mọi ký ức u buồn
như vòm trời thu vọt qua những tầng mây ngâu lã chã
mãi mãi dâng lên!”

Tất cả những khổ ải trầm luân, những bi thương nặng gánh cuộc đời cuối cùng vút bay lên khỏi thế giới mà thân thể trần tục của thi nhân thuộc về để để hoan ca trên ngọn đồi của thánh thần và huyền thoại. Nỗi đau đã tìm về đích, sự bi hùng có nơi cập bến trong ý nghĩa trọn vẹn của một con người toàn thể. Thi nhân ơi, anh là ai? Ắt hẳn rằng mỗi người trong chúng ta có một hình ảnh cũng như định nghĩa riêng về họ và chính họ cũng tự định nghĩa chính mình trong sáng tạo. Có thể họ là người suốt đời mang u hoài lãng mạng vẽ nên một chốn bồng lai miên viễn đầy những khổ đau và hoan lạc mà người trần mắt thịt khó lòng bước vào, có khi họ là người ôm trái tim hồn nhiên tung tăng giữa cuộc đời thăng trầm dâu bể… Và nếu ta tìm kiếm một hình ảnh hay một định nghĩa ở Nguyễn Hoàng Đức thì đó sẽ là chân dung một con người chấp nhận đau hết nỗi đau thế tục để vác chiếc “thập giá cưu mang” đi giữa cuộc đời khổ đau và hoan lạc. Khoan hãy nói rằng người thi nhân ấy đã làm được gì mà trước tiên hãy nhìn nhận rằng trong nghệ thuật, việc xác định và thống nhất trong tư tưởng của người cầm bút là điều đáng trân quý vô cùng vì chỉ có như vậy tác phẩm của họ mới mang một đích đến và dự phóng cho tương lai.

Thi phẩm đóng lại khi thi nhân đặt dấu chấm than cuối cùng nhưng ý thơ, hồn thơ lại như đang mở ra “khơi thẳm mãi hồn ta – mãi tim ta – mãi thân ta – một khúc ca xanh về cuộc đời hy vọng…” Tiếng vọng của Hoài Niệm Thu chắc chắn còn mãi trong lòng người đọc nếu ta cho nó một thời gian vừa đủ để thơ ngấm vào hồn.

Từ bức tranh thu đến những nỗi đau bi hùng trên thập giá cưu mang, Nguyễn Hoàng Đức đã dẫn khách thơ đi hết một trời hoài niệm và quý lắm thay khi không một câu một chữ nào trong bài là thừa hay thiếu tinh tế. Mỗi câu thơ đều là một tuyệt ý dưới bàn tay tạo tác nghiêm túc và trí tuệ của thi nhân. Và xét theo những tiêu chí cơ bản mà đã được nhắc trong bài mở đầu “Trước cổng vườn thơ bàn về thơ” thì mỗi dòng thơ đều mang hàm lượng “chất thơ” rất lớn từ bút pháp đến tư tưởng và có lẽ để bình bầu chọn ra một câu thơ hay nhất là cũng là điều không dễ.  
Lệ Hằng
Đà Nẵng, 14/08/2019
*******



HOÀI NIỆM THU
Nguyễn Hoàng Đức

Vòi vọi trời xanh thẳm nâng lên
           mỗi lần dâng mỗi lần quặn thắt
vắt nỗi đau qua những lớp mây mù
           nặng ký ức mùa ngâu rả rích
lã chã vấn vương
           chưa nguôi lệ sầu lòng đất sũng

Dòng sông gợn sóng đến gai lòng
Níu mây trôi ngập ngừng
Không dám buông lời nói
về những cơn mưa mùa hạ đã qua rồi

Muôn dòng sông
thả những khúc sầu ra biển
xao xuyến xô lớp lớp sóng cồn
dồn dập vỗ buồn mê mùa gió chướng
thủy triều tê lưỡi sóng
nếm vị nắng u hoài
bò loang bờ cát mặn

những sợi sáng se dìu dịu
của mặt trời u uẩn
nuối tiếc tuổi thanh xuân
ngày nào chang chang mùa hạ
ngổ ngáo sao và mãnh liệt sao

Hoàng hôn rải lớp sương lành lạnh
nhuốm con đường đất thịt cô đơn
những mái nhà trắc ẩn nhô lên
đội nón quai thao cho những vòm cây hiền hậu
da diết tâm hồn rách dọc mái nhà
một ý nghĩa cuộc đời vừa nứt
man mác mùa thu
man mác lớp da non cơn đau mùa hạ

Mái tóc đau màu trắng thời gian
những chiếc lá đau mùa vàng năm tháng

Hơi thở đau khí trời se lạnh
Gió heo may đau làn sương tê tái

Ánh mắt đau cái nhìn giã biệt
nhật - nguyệt mùa thu đau trời hoài niệm

Cánh tay đau những vòng tay dứt
những dòng sông đau mùa nước cạn

Bàn tay đau những bắt tay
Cành cây đau mùa lá rụng

Bàn chân đau những chặng đường chưa tới
Và chân lý hằng đau mùa gặt...

Cơ thể đau mùa sống
Tâm hồn đau mùa luân chuyển khoái lạc và đau khổ

Khoái lạc đau khúc hoan ca
Nơi sân khấu mỏi mòn

Và đau khổ đau những thánh ca buồn
Trên thập giá cưu mang

Linh hồn ta đau khúc bi hùng
Ca trên những ngọn đồi Hy Lạp
Theo mây thời gian tỏa
Theo gió đời lan
Theo lịch sử khơi dòng
về đây cuốn lên một vòm trời hoài niệm
khơi thẳm mãi hồn ta
mãi tim ta
mãi thân ta
một khúc ca xanh về cuộc đời hy vọng
dâng tràn mọi ký ức u buồn
như vòm trời thu vọt qua những tầng mây ngâu lã chã
mãi mãi dâng lên !
Hà Nội, 22/9/1997
***
Bản dịch bài Hoài Niệm Thu
(thơ Nguyễn Hoàng Đức)

NOSTALGIC AUTUMN
(translated by Linh Vũ)

The bluest sky kept elevating
Each elevation was a cramp
Wrung its suffers through layers of mist
Deep memories of wet season
Sorrowful tears streaming down
Sadness, not yet alleviated, soaking the ground.

The river's undulating waves touched the heart
Holding on to hesitantly flowing clouds
Afraid of wording
About the summer rains having passed.

Thousands of rivers
Released their melancholy streams onto the sea
Flutteringly pushed the rising waves
Hastily tapped sadness, mesmerized the northeast wind
Tide numbed the tongue of waves
Tasting the nostalgic sunshine
Spreading on the salty sand

The chilly tender sun rays
Of the gloomy sun
Regretting its youth
In the blazing summertime
How insolent and how mighty

Twilight sprinkled cold fog
Penetrating the lonely flesh path
Merciful roofs rose up
Wearing fringed flat palm hats on the kind trees.
Longing, my soul was tearing along the roofs
Just flashed up a meaning of life
Melancholic autumn
Melancholic healing skin from the summer pain.

Hair endured the white color of time
Leaves endured the yellow season of months and years

Breath endured the cold weather
Autumn breeze endured chilly fog

Eye gleams endured a farewell look
Autumn sun and moon endured nostalgic firmament

Arms endured broken embraces
River streams endured dry weather

Hands endured hand-shakes
Tree branches endured the season of falling leaves

Feet endured upcoming journeys
And truth always endured the crops

Body endured living
Soul endured the rotation of pleasure and sorrow

Pleasure endured joyful melody
on the worn-out stage

Enjoyment endured melancholy hymns
on the cross of supporting

My soul suffered the tragic-hopeful song
Singing on the Greek hills
Spreading along the cloud of time
Expanding along the wind of life
Restarting the stream of history
Coming back to roll up the domed sky of nostalgia
Digging deep down into my soul
Steadily in my heart
Persistently in my body
A green song of hopeful life
Overflew all somber memories
Like the Autumn sky overcomes the clouds of drizzling
And forever and ever elevated!

Từ tuyệt tác hội họa đến nỗi đau bi hùng trên thập giá nhân sinh Từ tuyệt tác hội họa đến nỗi đau bi hùng trên thập giá nhân sinh Reviewed by Lê Sính on 12:18 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.