Phím thơ hồng dào dạt rung lên để lại tiếng vọng về con người trách nhiệm của thi nhân
PHÍM THƠ RUNG
(thơ
Paul Nguyễn Hoàng Đức)
***
MỘT
PHÍM THƠ HỒNG DÀO DẠT RUNG LÊN ĐỂ LẠI TIẾNG VỌNG VỀ CON NGƯỜI TRÁCH NHIỆM CỦA
THI NHÂN
Lệ Hằng
*****
Robert
Frost, nhà thơ người Mỹ nổi tiếng với bốn lần đoạt giải Pulitzer, đã nói rằng:
“Poetry is when an emotion has found its thought and the thought has found
words.” Nghĩa là: Thi ca cất lên khi cảm xúc tìm thấy tư tưởng và tư tưởng tìm
thấy lời. Vâng, sẽ không có thi ca ngụ trên những tâm hồn vô cảm. Hơn ai hết,
trái tim người thi sĩ là nơi dạt dào, khao khát, vẫy vùng và cháy bỏng nhất.
Nhưng cảm xúc chỉ dẫn đến giá trị khi nó được dẫn dắt bởi tư tưởng và tìm thấy
tư tưởng như con người cần tìm bến đỗ cho đời mình. Cuối cùng, tư tưởng mang
theo cảm xúc làm hành trang để bước vào một chặng đường mới tìm kiếm “lời”
thích hợp để biểu đạt chính mình.
Như vậy,
thi ca, hay thơ, là trái ngọt sau quá trình tích lũy và biến đổi đến đồng nhất
từ cảm xúc lên tư tưởng và cuối cùng thành tựu bởi tài năng trong nghệ thuật
ngôn từ của người cầm bút. Phím Thơ Rung của thi sĩ Nguyễn Hoàng Đức là một
trái ngọt như thế, cảm xúc, tư tưởng, bút pháp hòa quyện trong nhau và cùng
nhau tạo nên bức chân dung của một con người trách nhiệm. Và đồng thời, tất cả
dao động, cộng hưởng để ngân lên bản nhạc mang tiếng vọng về con người trách
nhiệm, rằng thi ca không phải là mang cảm xúc lang thang vãi trên cánh đồng
nhân sinh đầy trắc ẩn mà là con đường khắc khoải tìm chân lý trong nỗi đau đồng
loại.
“Giai
điệu tấu bè cao
Cho những
con đường khát khao, rướn qua non
Băng
mình
Khỏi lớp
sương mờ, đối thoại cùng mây gió
Giai điệu
tấu bè trầm
Cho những
vực thẳm khơi lòng trắc ẩn
Mở hồn
chan chứa
Niềm u
uẩn cho những chặng đường lắng đọng”
Có thể
nói những trang thơ của Nguyễn Hoàng Đức phong phú trong đề tài, góc nhìn, tâm
thế của thi nhân nhưng luôn đồng nhất trong tư tưởng. Rằng, thi nhân không phải
là kẻ say kẻ điên kẻ mộng thoát lên tiên khỏi khổ ải trần ai mà ngược lại, chân
phải luôn chạm đất, phải đi giữa mênh mông khổ đau và hoan lạc của một kiếp người
trong toàn vẹn ý nghĩa của nó để:
“Cơ thể
đau mùa sống
Tâm hồn đau mùa luân chuyển khoái lạc và đau
khổ”
(Hoài Niệm Mùa Thu – Nguyễn Hoàng Đức)
Là thi
nhân trước tiên là phải sống. Phải vui vẻ hoan ca nơi “giai điệu tấu bè cao” để
tâm hồn được “khát khao” được bay bổng “băng mình khỏi lớp sương mờ đối thoại
cùng mây gió”. Đấy là lúc thi nhân ngước lên cao, nuôi lớn tâm hồn mình. Nhưng,
như một bản nhạc phải có nốt cao nốt thấp có thăng có giáng, thi sĩ không thể
mãi ru hồn mình khỏi lớp sương mù giăng kín cuộc đời mà phải thâm trầm trong những
“giai điệu tấu bè trầm” ở những vực thẳm của “niềm u uẩn” và “ lòng trắc ẩn” để
mở hồn ra đón lấy tất cả khổ đau kiêu hãnh như khi đón lấy “giai điệu tấu bè
cao” ấy.
Hình ảnh
thơ mang tính biểu tượng cao, vừa khắc họa chân dung người thi sĩ, mạnh mẽ, chủ
động, kiêu hùng “Ta đi…” lấy mây trời phiêu diêu làm tri kỉ, lấy vực thẳm trắc ẩn
làm tri âm lại vừa gợi mở, nhắc nhớ đến vị thế của thi nhân trong cuộc đời. Con
đường thơ ấy là con đường không bằng phẳng êm ru cũng không toàn gai góc khiến
chân mãi sưng vù rớm máu mà là cả hai cung bậc ấy quyện lại để dẫn về một đích
duy nhất: chân lý!
“Bản
trường ca chuyển đoạn
Mọi con
đường dâng cao khúc đi tìm chân lý, rằng:
Những
con đường chẳng bao giờ không mở ra
những
con đường
Đường nối
đường không nghỉ
Đường
chẳng thể dứt đường !
Và đôi
chân sinh ra
Không
đóng xuống ven đường
Như cột
mốc !
Chúng
bước đi
Bước
này nối bước kia
Trên
các nẻo đường đi tìm chân lý”
Từ nhận
thức về trách nhiệm, thi sĩ dần nhận ra rằng con đường “vác thập giá thi ca”
không dừng lại ở nơi cuối tầm mắt mà còn nối dài thêm, thêm mãi cho đến khi
hành hương về bên kia sự sống bởi “đường nối đường không nghỉ - đường chẳng thể
dứt đường!” Trách nhiệm của thi nhân chẳng còn gì khác hơn là dấn thân trên mọi
nẻo, khắc khổ và vinh quang, bởi như lẽ hiển nhiên “đôi chân sinh ra – không
đóng xuống ven đường – như cột mốc!”. Đôi chân thi nhân trên con đường nghệ thuật
lại càng không thể đóng xuống ven đường, lại càng không thể đứng yên một chỗ bởi
chậm một bước thôi, lạc quên một bước thôi thì trăm năm hữu hạn đã nằm sau gót.
Điệp khúc “Ta đi” được nhắc đi nhắc lại đến
ba lần và mỗi lần nhắc là một lần mở ra một chân trời nghệ thuật lung linh huyền
nhiệm.
“Ta đi
Trôi
trên con đường rung phím từ muôn cột mốc
Dòng
hành khúc bất tận thì thầm rẽ về
Muôn ngả”
“Ta đi
Dãy đèn
đường
Lượn cuối
phố xa như dải ngân hà
Chảy giữa
trời sao
Đèn xe
muôn vàn ánh
Vùn vụt
trôi như lấp lánh sao bay giữa hai bờ”
“Ta đi
Trôi
trên hòa thanh ba bè của :
Sao trời,
Đèn
sáng,
Và đường
đất”
Cùng với
thi nhân, ta bước vào một thế giới thơ kỳ ảo, sống động, hùng vĩ và cô đơn. Cô
đơn vì ngoài bóng dáng của thi nhân ta chẳng thể nào tìm ra được hình bóng một
ai khác. Con đường nghệ thuật là một con đường lộng lẫy và quạnh hiu, chỉ có
thi nhân với sao trời trên cao, đèn sáng trước mặt và đường đất dưới chân.
Biểu tượng
lồng trong biểu tượng xoáy ta vào miền suy tưởng không thể nào dứt ra được. Sao
trời tít trên cao, xa vời và hứa hẹn như thiên đường luôn nằm phía trước, trên
đầu ta và ta không thể giang tay là với tới. Hay đấy chính là hình ảnh của ngày
mai, ngày mai bao giờ cũng đẹp, cũng lung linh gọi mời bàn chân khai phá. Và
đèn sáng, đèn sáng là thứ ta định vị được chạm tay vào được. Nó chiếu rọi vào
người ta, đồng hành và soi sáng mặt đường ta đang bước như hiện tại đang soi
chiếu cuộc đời ta. Rất gần và rất thực. Cuối cùng, dưới chân ta sẽ là đường đất.
Con đường đất thịt không thể phát ra ánh sáng soi chiếu dẫn dắt nhưng chính nó
đang nâng đỡ bước chân thi nhân đi băng qua hiện tại tiến đến tương lai.
Phím
Thơ Rung khiến người đọc dạt dào trôi trên cảm xúc, khắc khoải hành hương cùng
tư tưởng và quay cuồng trong những hình ảnh thơ vừa thực vừa ảo vừa gần vừa xa.
Ý thức
của người thi sĩ khi: “Ta đi – Trôi trên thanh ba bè của: Sao trời, Đèn Sáng,
Và đường đất” phải chăng là ý thức của một người bước đi trên quá khứ, băng qua
ánh sáng trần trụi của hiện tại, nhắm đến tương lai lấp lánh những sắc màu tư
tưởng trên đôi chân cứng cỏi dám nhận lãnh trách nhiệm khổ hạnh của mình. Trách
nhiệm ấy được thể hiện cao nhất và rõ nhất trong:
“Sông
Trời mắc cửu
Cuốn
vào xoáy
Nơi ánh
sáng từ bao ngọn đèn chụm lại
Bóng ta
tỏa đi muôn ngàn phía
Như những
cánh hoa mơ hồ huyền nhiệm
Từ tăm
tối
Khát vọng
vươn về những miền ánh sáng”
Thi
nhân khẳng định vị trí trung tâm của mình trong tương quan với vạn vật. “Nơi
ánh sáng từ bao ngọn đèn chụm lại – Bóng ta tỏa đi muôn ngàn phía.” Có thể nói
đây là sứ mệnh khắc khổ của thi ca cũng như trách nhiệm nặng nề mà thi nhân phải
gánh lấy để bóng mình, cuộc đời mình, thơ mình vượt ra khỏi nơi mình đang đứng
tỏa đi muôn ngàn phía, soi rọi cho muôn ngàn kiếp người, muôn ngàn cuộc đời
khác trong “khát vọng vươn về những miền ánh sáng”.
Cao đẹp thay thi ca! Vinh quang thay thi
nhân!
Một vinh quang không tự nhiên mà đến mà thi
nhân phải hòa lòng mình trong “sóng âm ba” của nhân loại.
“Dặt
dìu vô tận
Lòng dạt
dào hòa sóng âm ba
Đập
vách tâm hồn vọng lại
Dựng
lên những vần thơ
Không
khi nào muốn dứt…”
“Sóng
âm ba” ấy, với thi nhân, chính là những dao động liên hồi trong cuộc sống. Những
dao động mang đầy đủ hạnh phúc và khổ đau, thanh thản và day dứt, tha thứ và
thù hận, vinh quang và tủi nhục… Để sóng âm ba có thể “đập vách tâm hồn vọng lại
– Dựng lên những vần thơ” thì chính thi nhân phải hòa mình vào trong bản hoan
ca, phải gặm nhấm mình trong nỗi đau và nghiền nát trái tim theo từng mảnh đời
thế tục để thơ cất lên mang tiếng vọng cuộc đời.
Trôi
theo nhịp thơ trúc trắc của Nguyễn Hoàng Đức ta như trôi vào một thế giới nghệ
thuật đầy rung cảm và gai góc. Dường như người thi nhân này không bao giờ có thể
đổi ý nghĩa để lấy sự êm tai. Trong khi các nhà thơ khác gọt giũa cho bài thơ của
mình lướt thật êm khi ngâm lên bên tai người đọc thì Nguyễn Hoàng Đức thẳng thừng
gạt bỏ những vần vè để thơ cháy hết mình cho tư tưởng, miễn là nói ra được điều
cần nói. Có lẽ nhà thơ cũng ý thức được rằng không có gì là kiện toàn tuyệt đối
nên ông chỉ nghiêng về duy nhất một hướng chính là kiện toàn ý nghĩa trong những
hình ảnh thơ mà bỏ rơi sự dễ chịu có thể mang lại hài lòng nhất thời cho bạn đọc
yêu thơ. Làm được như vậy ấy là bản lĩnh của người cầm bút.
Phím
Thơ Rung! Vâng, phím thơ ấy đã rung lên theo “hành khúc bất tận” về
chân lý, để lại một tiếng vọng sâu sắc về con người bản lĩnh và trách nhiệm của
thi nhân.
Đà Nẵng, 11/07/2019
Lệ Hằng
***MỜI BẠN ĐỌC THƠ***
PHÍM THƠ RUNG
Thơ Nguyễn Hoàng Đức
Ta đi
Trôi trên con đường rung phím từ muôn cột mốc
Dòng hành khúc bất tận thì thầm rẽ về
Muôn ngả
Cùng lúc
Mọi con đường lớn nhỏ hòa vang bản
Trường ca mặc khải
Giai điệu tấu bè cao
Cho những con đường khát khao, rướn qua non
Băng mình
Khỏi lớp sương mờ, đối thoại cùng mây gió
Giai điệu tấu bè trầm
Cho những vực thẳm khơi lòng trắc ẩn
Mở hồn chan chứa
Niềm u uẩn cho những chặng đường lắng đọng
Bản trường ca chuyển đoạn
Mọi con đường dâng cao khúc đi tìm chân lý, rằng:
Những con đường chẳng bao giờ không mở ra
những con đường
Đường nối đường không nghỉ
Đường chẳng thể dứt đường !
Và đôi chân sinh ra
Không đóng xuống ven đường
Như cột mốc !
Chúng bước đi
Bước này nối bước kia
Trên các nẻo đường đi tìm chân lý
Ta đi
Dãy đèn đường
Lượn cuối phố xa như dải ngân hà
Chảy giữa trời sao
Đèn xe muôn vàn ánh
Vùn vụt trôi như lấp lánh sao bay giữa hai bờ
Sông Trời mắc cửu
Cuốn vào xoáy
Nơi ánh sáng từ bao ngọn đèn chụm lại
Bóng ta tỏa đi muôn ngàn phía
Như những cánh hoa mơ hồ huyền nhiệm
Từ tăm tối
Khát vọng vươn về những miền ánh sáng
Ta đi
Trôi trên hòa thanh ba bè của :
Sao trời,
Đèn sáng,
Và đường đất
Dặt dìu vô tận
Lòng dạt dào hòa sóng âm ba
Đập vách tâm hồn vọng lại
Dựng lên những vần thơ
Không khi nào muốn dứt…
Phím thơ hồng dào dạt rung lên để lại tiếng vọng về con người trách nhiệm của thi nhân
Reviewed by Lê Sính
on
10:37 AM
Rating:

No comments: