Vũ điệu hồi sinh trên nền nhạc khát khao đòi tận hiến
MƯA ĐÊM
(Thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức)
***
VŨ ĐIỆU HỒI SINH TRÊN NỀN NHẠC KHÁT KHAO
ĐÒI TẬN HIẾN
Lệ Hằng
Lạc vào Mưa Đêm ta lạc vào mê cung của
những thanh âm cuống cuồng, gấp gáp, dồn dập, thiết thao… Cái mê cung ấy thi
nhân đã dày công dàn dựng để những thanh âm ngân lên đập “vách tâm hồn” vọng lại
khúc khát khao mang lời ca tận hiến. Dứt khoát và mãnh liệt, đấy là những gì
ta, với tư cách là một kẻ lãng du trong một chiều rong chơi lạc bước đến vườn
thơ Nguyễn Hoàng Đức, cảm nhận được ngay tức thì mỗi khi đôi chân trần lấm lem
thế tục vô tình dừng lại trước một thi phẩm bất kỳ trong vườn thơ ấy, như cách
Mưa Đêm được bắt đầu:
“Giấc
ngủ thiếp vùi trong hoang mạc mùa đông
cạn
kiệt
mang
cơn khát của những lá vàng thoi thóp
bị
rút máu xanh
mê
mệt ngủ
ấp
ủ sắc úa phai thành men hy vọng
Ào,
Ào , Ào…
Xào
xạc tiếng gió heo may
Cháy
lòng trên những họng đá cào
khắc
khổ
ùa
về hớp lấy bụm sương giăng đang vắt kiệt
giọt
lệ cuối cùng
bón
sữa cho những mầm non dại cố ươm sự sống
của
mình
trong
cơn mơ thỏa khát mưa phùn”
Trong thế giới thơ của Nguyễn Hoàng Đức,
sự bảng lảng mênh mang mơ hồ dường như không có chỗ đứng. Với ông, có lẽ sự
mãnh liệt mới chính là sự sống. Hình ảnh trong thơ ông không bao giờ chịu đứng
lưng chừng giữa miền xúc cảm mà phải luôn chạy về vô cực. Lạnh ư? phải đến nơi
“cả cánh loài chim cũng rụng”. Nóng ư? phải theo chân khách bộ hành băng qua những
Gô-bi hay những Sa-ha-ra bỏng rát. Khát ư? Phải là cơn khát “của những lá vàng
thoi thóp bị rút máu xanh mê mệt ngủ...” Hay: “cháy lòng trên những họng đá cào
khắc khổ ùa về hớp lấy bụm sương giăng đang vắt kiệt giọt lệ cuối cùng”.
Hình ảnh thơ lạ và đẹp đến mê ly nhưng
không lãng mạn ru ngủ tâm hồn mà lúc nào cũng khiến kẻ lãng du là ta thon thót
giật mình. Sự sống hiện hình từ trong cái chết, hy vọng gieo mầm từ trong tuyệt
vọng. Khắc giờ đang sống là khắc giờ tiến dần về héo úa, tàn phai nhưng cũng là
khắc giờ ấp ủ, chuẩn bị, “bón sữa” cho một mầm sống khác, mới mẻ và liên hồi.
Đây cũng là quan niệm của nhà triết học Socrate khi ông nói: Người ta sống đang
vận hành đến cái chết, giống như thức đang tiến đến buồn ngủ. Đến khi ngủ kỹ
thì thức dậy vì thế chết kỹ cũng sẽ sống lại.
Là một người say mê triết học và dành cả
cuộc đời để tìm kiếm, nghiên cứu, rồi đằm mình trong những nguyên lý cắm trên cội
rễ nền triết học nhân loại, chiếc lá vàng của Nguyễn Hoàng Đức không vàng queo
quắp rồi rụng xuống, rồi mục rữa, rồi biến mất như những gì đôi mắt tầm thường
của ta vẫn nhìn thấy. Chiếc lá vàng ấy trong cơn thoi thóp mê mệt “bị rút máu
xanh” không ngủ luôn, ngủ hẳn, ngủ thiên thu mà “ấp ủ sắc úa thành men hy vọng”
cho sự sống đến sau nó. Và ngọn gió heo may “cháy lòng trên những họng đá cào
khắc khổ” cũng ùa dậy hớp sương “đang vắt kiệt giọt lệ cuối cùng” để “bón sữa
cho những mầm non dại”… Cái khắc khổ trước ôm lấy cái khắc khổ sau, cơn khát
này rướn mình khỏa lấp cho cơn khát khác cháy kiệt hơn mình để ủ men, để ươm mầm
sự sống. Đấy là tận hiến!
Nhưng, sự tận hiến tưởng chừng đã đạt đến
mức biểu tượng ấy vẫn chưa phải là đỉnh cao khi mà mê cung thi nhân đã dựng tiếp
tục dắt ta đi và đẩy ta vào một sự choáng ngợp mới, cao hơn, lộng lẫy hơn và thống
thiết hơn.
Choang
!
Bình
hoa vỡ
Roạt,
Roạt, Roạt…
Những
bông hồng xé rách cánh chọn giờ tận thế
Mong
nhường cho cơ thể chút ẩm ướt hiếm hoi
còn
sót lại
tất
cả đều khô cháy cổ
khô
cong
khô
kiệt
khô
rang
Trong cơn khát cháy cổ, khát nước, khát
mưa, khát sự sống đến “khô cong khô kiệt khô rang” những cánh hoa hồng tự nguyện
hiến mình “xé rách cánh chọn giờ tận thế” để nhường lại “chút ẩm ướt hiếm hoi
còn sót lại” cho cái thân cũng đang cằn khô khát sống. Quên mình tận hiến, còn
hình ảnh nào đẹp hơn ý nghĩa hơn thế nữa!
Mọi bài thơ đều bắt nguồn từ cảm xúc. Có
thể nói đấy là giao điểm của đường thơ mà thi sĩ nào cũng đi qua, nhưng có thi
phẩm kiến tạo trên nền cảm xúc, dẫn dắt bởi cảm xúc và cán đích là thỏa mãn cảm
xúc lại có thi phẩm khởi phát từ cảm xúc băng trên đường ray lý trí và chạm
đích tư tưởng cuối cùng. Mưa Đêm của Nguyễn Hoàng Đức là một điển hình cho trường
hợp thứ hai. Sẽ không có cảm xúc nào lại tỉnh táo đến mức đẩy sự tận hiến huyền
nhiệm của tạo hóa lên kịch trần khiến người đọc ám ảnh day dứt để đền trả cho
những trái tim đang thổn thức ấy một khúc “thi ân” êm ái đến diệu kỳ.
“Rì
rầm, Rì rầm, Rì rầm…
Bỗng
những hòa thanh mơn man mát mẻ
Cùng
bắt nhịp dạo trên các tầng nhà
Khúc
thi ân cho những mái đầu bêu nắng
chân
tóc cỗi cằn
khúc
êm êm lan đi
vùng
vằng trên các vòm cây giận dỗi
trách
tình nhân đến muộn
khúc
êm êm tỏa mênh mông
chìm
sâu vào lồng phổi khát khao của
muôn
vàn cây cỏ
đang
rướn cổ rì rào
khúc
tụng ca: ơn vũ lộ hồi sinh
Rào,
Rào, Rào…
Tiếng
gió quẫy vùng mình sũng ướt
Hoan
hỉ lướt về nguồn
Trở
theo bụi nước
Hà
hơi cho núi đồi vẫn nằm phơi khát
Rì
rầm, Rì rầm, Rì rầm…
Mưa
êm gọi bình minh”
Theo mạch của bài thơ, cùng với sự tài
hoa của người tạo tác nó, cảm xúc của ta dâng lên nghẹt thở trong sự hy sinh bức
mình tận hiến của những cánh hoa rồi vỡ òa theo tiếng mưa rì rầm, êm êm, rào
rào… hồi sinh từng tế bào hy vọng trong ta để “bắt nhịp dạo trên các tầng nhà”,
để “lan đi”, để “tỏa ra mênh mông”, để “quẫy mình sũng ướt” “tụng ca ơn vũ lộ hồi
sinh.” Sự hồi sinh ngấm vào đến lồng phổi, vào tận chân tóc và trong từng hơi
thở giao hòa của muôn sự sống, hữu hình và vô hình. Hữu hình như cây cỏ, núi đồi.
Vô hình như hy vọng khát khao. Tất cả được tắm mát tinh khôi, vô tình hay hữu
ý, nhờ đức tận hiến kiệt cùng của những cánh hoa.
Ơn
tận hiến lớn lao bao nhiêu thì sự đền trả cũng lớn lao đến đó.
“Nắng long lanh cù giỡn
Những bông hồng phô mình kín đáo
Đang bẽn lẽn lĩnh xướng lời cho vạn loài
hoa:
Chúng ta không kéo tơ dệt sợi
Mà vẫn mặc vẻ đẹp kín đáo nhường nào!
Mấy chú chim non lon ton đùa giỡn trên
cành
Uống những giọt nước rớt trên quần áo
Líu lo hòa theo giọng:
Còn chúng ta chẳng bao giờ gieo cấy
Mà vẫn luôn gặt lấy
Sự sống của mình từ cha Trời - mẹ Đất”
Màu nhiệm thay vũ trụ! Màu nhiệm thay
cha Trời – mẹ Đất! Sự màu nhiệm đi vào thơ thật hồn nhiên, sống động. Giọng thơ
trở về gần gũi, thân thương. Cái tài hoa của Nguyễn Hoàng Đức mà người khác có
cố công cũng không dễ dàng nắm bắt hay học lỏm chính là nghệ thuật kiến tạo những
hình ảnh thơ độc đáo, biến hóa, nhảy vọt từ cung bậc này sang cung bậc khác.
Khi quay cuồng, khi tỉnh táo, khi lạnh lùng, khi gần gũi giản dị đến mức dễ
thương hài hước như “nắng long lanh cù giỡn – Những bông hồng phô mình kín
đáo…” Lại nữa, tài ở chỗ ngay cả trong sự gần gũi thân thuộc này cũng chở mang
những phát hiện mới mẻ, lạ lùng: “Chúng ta không kéo tơ dệt sợi – Mà vẫn mặc vẻ
đẹp kín đáo đến nhường nào!” và “chúng ta chẳng bao giờ gieo cấy – Mà vẫn luôn
gặt lấy – Sự sống của mình từ cha Trời – mẹ Đất”
Tất cả không nằm ngoài sự huyền nhiệm của
tạo hóa mà Đấng Sáng Thế đã dựng nên. Ai cũng biết điều này nhưng không phải ai
cũng chỉ ra được một cách thi vị, bất ngờ, gần gũi đến thế. Cơn mưa mang quan
niệm nhân sinh của thi nhân hiện rõ dần trên trang viết qua ba lần gà gáy. “Cúc
cù, cúc cu, cúc cù…” tiếng gà vang lên dự báo một bình minh sáng sủa. Và tiếng
gà ắt hẳn không dưng mà được đi vào trang viết, nhất là với một hồn thơ dạt dào
lý trí như Nguyễn Hoàng Đức. Vâng, tiếng gà khua thức ban mai và tiếng gà cũng
là dấu hiệu cũng như cầu nối dẫn ta đến với một đối tượng quan trọng bậc nhất
mà thi sỹ còn để dành chưa cho ta diện kiến.
“Gà
gáy lần thứ nhất,
Nói
rằng: có Trời cao!”
“Gà
gáy lần thứ hai,
Nói
rằng: có Đất dày!”
“Gà
gáy lần thứ ba
Nói
rằng: Hãy làm Người!”
Thiên – Địa – Nhân, con người là trung
tâm trong mối giao hòa Trời – Đất ấy bởi chính con người với những khả năng và
sứ mệnh đặc biệt mà Đấng Sáng Thế ưu ái ban cho đã thực hiện cuộc hồi sinh cho
những cánh hoa tận hiến.
“ta gom mấy bông hồng rớt xuống trong
đêm khô hạn
thả chúng vào chiếc bình chưa một lần
ngửa cổ, đón từng giọt mưa trên mái rỏ
đền trả những cánh hoa cuộc hồi sinh
đêm qua chúng bứt lòng tận hiến”
Bằng một cử chỉ thản nhiên mà trân trọng,
con người chủ động “đền trả” đức tận hiến của những cánh hoa khi:
“Rì rầm, Rì rầm…
Bầu trời hát cơn mưa trao tặng
Cúc cù, Cúc cu
Muôn loài hát khúc dâng mình
Âm thầm, Âm thầm…
Tâm hồn hát bài ca tận hiến.”
Tận hiến, tận hiến, tận hiến! Sự tận hiến
mang lại một vũ điệu hồi sinh tuyệt đỉnh trong cơn mưa ào ào sự sống. Những cơn
mưa không chỉ tắm mát muôn loài vạn vật mà còn tắm mát cho những tâm hồn dạt
dào men sống của các thi sỹ. Tầm hơn một thế kỷ trước, cơn mưa cũng đã mang đến
cho William Henry Davies – một nhà nổi tiếng xứ Walse – những cảm xúc ngọt ngào
sâu lắng và có nét giao thoa trong cái nhìn tổng quát với bài thơ ta vừa đi qua
theo chiều dọc.
The
Rain (William Henry Davies)
“I hear leaves drinking rain;
I hear rich leaves on top
Giving the poor beneath
Drop after drop;
'Tis a sweet noise to hear
These green leaves drinking near.
And when the Sun comes out,
After this Rain shall stop,
A wondrous Light will fill
Each dark, round drop;
I hope the Sun shines bright;
'Twill be a lovely sight.”
Cơn
mưa (William Henry Davies) – Lệ Hằng dịch
“Tôi nghe những chiếc lá đang uống lấy
mưa
Tôi nghe những lá non dồi dào sức sống
trên đọt cây
Trao tặng những lá già cỗi cằn bên dưới
Những giọt nước liên tiếp nối đuôi nhau;
Thật là một thanh âm ngọt ngào để lắng
nghe
Những lá xanh đang uống gần nhau.
Và khi Mặt Trời ló dạng,
Sau khi cơn mưa này vội tạnh
Một vầng sáng diệu kỳ sẽ khỏa lấp
Từng giọt tròn tăm tối;
Tôi hy vọng Mặt Trời tỏa rạng
Sẽ mang lại một cảnh tượng yêu kiều.”
Những cơn mưa reo vũ khúc hồi sinh mang
theo bên mình cái nắng long lanh diệu kỳ tụng ca sự sống. Khúc tụng ca ấy trong
thơ Nguyễn Hoàng Đức là một bản hòa ca của những thanh âm dồn dập đến nghẹt thở.
Ta thử nghe lại một lần những âm thanh ấy để thấy sự gấp gáp, khẩn trương của
thi nhân.
“Ào, ào, ào…”
…tiếng gió heo may…
“Khò khè… khò khè…”
…giấc mơ ngạt thở…
Choang!
Bình hoa vỡ
Roạt, Roạt, Roạt…
Những bông hồng xé rách cánh…
Rì rầm, Rì rầm, Rì rầm…
tiếng mưa hát khúc thi ân cho muôn loài
Rào, Rào, Rào…
Tiếng gió quẫy vùng mình ướt sũng…
Cúc cù, Cúc cu, Cúc cù…
Cúc Cù, Cúc cu, Cúc cu cu…
tiếng gà gáy khua thức bình minh…
Bàn tay tạo tác của thi sỹ đã “kéo tơ dệt
sợi” cho thi phẩm của mình bằng những âm thanh vọng từ cuộc sống, rất chân
phương, thuần khiết. Nhưng, như chính Nguyễn Hoàng Đức đã nói trong Phím Thơ
Rung, những thanh âm ấy “đập vách tâm hồn” vọng lại khúc tráng ca hồi sinh, tận
hiến. Và, mỗi lần vọng là mỗi lần mở ra một bức tranh sống động với những nét
thanh nét đậm, những mảng màu, những vết lồi lõm và cả những khoảng trống độc
đáo mang sắc màu cái tôi bản thể của thi nhân.
“Thi trung hữu họa” “Thi trung hữu nhạc”
đã được xem là bản chất của thi ca. Dù vật đổi sao dời đến đâu thì những giá trị
cốt lõi cũng không thay đổi. Sóng Hồng từng nói “Thơ là thơ, đồng thời là họa,
là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng.” Xét về những điểm trên, với Mưa
Đêm, Nguyễn Hoàng Đức là một thi sỹ của triết lý, một họa sĩ, một nhà chạm khắc
điêu luyện của những tác phẩm độc lạ và tỉ mẩn và đồng thời, nổi lên trên tất cả,
là một nhạc sĩ biến tấu trên năm dòng kẻ viết ra bản hòa ca tận hiến đẩy những
đôi chân lãng du say sưa trong vũ điệu hồi sinh.
Đà Nẵng, 11/07/2019
Lệ Hằng
***MỜI
BẠN ĐỌC THƠ***
MƯA
ĐÊM
Nguyễn
Hoàng Đức
Giấc ngủ thiếp vùi trong
hoang mạc mùa đông
cạn kiệt
mang cơn khát của những
lá vàng thoi thóp
bị rút máu xanh
mê mệt ngủ
ấp ủ sắc úa phai thành
men hy vọng
Ào, Ào , Ào…
Xào xạc tiếng gió heo may
Cháy lòng trên những họng
đá cào
khắc khổ
ùa về hớp lấy bụm sương
giăng đang vắt kiệt
giọt lệ cuối cùng
bón sữa cho những mầm non
dại cố ươm sự sống
của mình
trong cơn mơ thỏa khát
mưa phùn
Khò khè… Khò khè…
Giấc mơ ngạt thở trong
không khí đang cạn khô
những tia nước cuối cùng
Choang !
Bình hoa vỡ
Roạt, Roạt, Roạt…
Những bông hồng xé rách
cánh chọn giờ tận thế
Mong nhường cho cơ thể
chút ẩm ướt hiếm hoi
còn sót lại
tất cả đều khô cháy cổ
khô cong
khô kiệt
khô rang
Rì rầm, Rì rầm, Rì rầm…
Bỗng những hòa thanh mơn
man mát mẻ
Cùng bắt nhịp dạo trên
các tầng nhà
Khúc thi ân cho những mái
đầu bêu nắng
chân tóc cỗi cằn
khúc êm êm lan đi
vùng vằng trên các vòm
cây giận dỗi
trách tình nhân đến muộn
khúc êm êm tỏa mênh mông
chìm sâu vào lồng phổi
khát khao của
muôn vàn cây cỏ
đang rướn cổ rì rào
khúc tụng ca: ơn vũ lộ hồi
sinh
Rào, Rào, Rào…
Tiếng gió quẫy vùng mình
sũng ướt
Hoan hỉ lướt về nguồn
Trở theo bụi nước
Hà hơi cho núi đồi vẫn nằm
phơi khát
Rì rầm, Rì rầm, Rì rầm…
Mưa êm gọi bình minh
Cúc cù, Cúc cu, Cúc cù…
Mặt trời hồng êm ái hiện
ra giữa chân mây ẩm lạnh
Như vầng môi
Hồi sinh trong một cốc nước
tràn
ngoi lên
uống lấy mặt đất tinh
khôi vừa tắm gội
Gà gáy lần thứ nhất,
Nói rằng: có Trời cao !
Cúc cù, Cúc cu, Cúc cu
cu…
Nắng long lanh cù giỡn
Những bông hồng phô mình
kín đáo
Đang bẽn lẽn lĩnh xướng lời
cho vạn loài hoa:
Chúng ta không kéo tơ dệt
sợi
Mà vẫn mặc vẻ đẹp kín đáo
nhường nào!
Mấy chú chim non lon ton
đùa giỡn trên cành
Uống những giọt nước rớt
trên quần áo
Líu lo hòa theo giọng:
Còn chúng ta chẳng bao giờ
gieo cấy
Mà vẫn luôn gặt lấy
Sự sống của mình từ cha
Trời - mẹ Đất
Gà gáy lần thứ hai
nói rằng: có Đất dày !
Cúc cù, Cúc cu, Cúc cù…
Giấc ngủ của ta bừng dậy
Hồi sinh trong hơi thở ướt
đẫm sự sống
muôn loài
cơn khát miền sa mạc
hoang vu
uống đầy nước trời rót xuống
trần gian
ta gom mấy bông hồng rớt
xuống trong đêm khô hạn
thả chúng vào chiếc bình
chưa một lần
ngửa cổ, đón từng giọt
mưa trên mái rỏ
đền trả những cánh hoa cuộc
hồi sinh
đêm qua chúng bứt lòng tận
hiến
gà gáy lần thứ ba,
nói rằng: Hãy làm Người !
Rì rầm, Rì rầm…
Bầu trời hát cơn mưa trao
tặng
Cúc cù, Cúc cu
Muôn loài hát khúc dâng
mình
Âm thầm, Âm thầm…
Tâm hồn hát bài ca tận hiến.
Hà Nội, sau cơn mưa
05/01/1997
Vũ điệu hồi sinh trên nền nhạc khát khao đòi tận hiến
Reviewed by Lê Sính
on
9:38 AM
Rating:

No comments: