Đôi điều về Lệ Hằng
KHÔNG CÓ ĂN MAY VÀ CŨNG KHÔNG
CÓ GÌ TỰ NHIÊN MÀ ĐẾN
Đây là bài
đầu tiên mình viết về tác giả Lệ Hằng (cũng là người vợ yêu quý của mình) với
tư cách là người chồng và là người đã đồng hành, dìu dắt cô ấy khi cô ấy chỉ là
cô bé mới học xong phổ thông. Lúc ấy, mình đã là “cáo già” trong mắt nhiều người.
Mình thấy
mình có trách nhiệm phải làm điều này vì sau khi trường ca Khu Vườn Ươm Ánh
Sáng phát hành và nhất là sau loạt bài phê bình văn học của Lệ Hằng đăng trên
Facebook thì nhiều thắc mắc “Sao giáo viên Tiếng Anh mà cũng viết được thơ thế?!”
“Sao biết nhiều thơ nước ngoài thế?!” hay “Dạy Tiếng Anh mà vậy là giỏi rồi
đó”… Nhiều người vì yêu quý mà tò mò, nhiều người vì nghi ngờ, đố kỵ mà dò hỏi
như kiểu có ai “nhập” mới viết được. Lệ Hằng thì ai nói gì cũng dạ, cám ơn rồi
im lặng. Đó là cái dở của cô ấy, mình nói mãi không bỏ được. Chính Chúa đã dạy
“Cái gì của Sê-Sa hãy trả cho Sê-Sa” mình nghĩ phải nói ra sự thật để những người
yêu quý yên lòng tin tưởng còn người đang nghi ngờ thì có câu trả lời.
Không có
ăn may và cũng không có gì tự nhiên mà đến! Cô ấy là học sinh lớp chuyên Văn của
trường chuyên Quốc Học – Huế. Hằng học ngành Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Đà Nẵng.
Trong chương trình học có môn Văn hóa Anh rồi Văn học Anh, với những người khác
thì đó chỉ là những môn học nhưng với người say mê thì khác hẳn. Chính mình là
người đã đặt mua cho Hằng cuốn David Copperfield và Oliver Twist bản Tiếng Anh
để cô ấy làm luận văn tốt nghiệp đề tài về chân dung trẻ con trong tác phẩm của
Charles Dickens. Sách từ bên nước Anh (không chắc lắm vì đã nhiều năm rồi, chỉ
nhớ là mua rất khó và phải đặt hàng ở nước ngoài) gửi về vì không tìm được bản
Tiếng Anh ở Việt Nam.
Ba năm đầu
chuyên tâm học, năm thứ tư tích lũy đủ vốn liếng chữ nghĩa thì bắt đầu “hành
nghề”, dạy Tiếng Anh tại các trung tâm, làm cộng tác cho các dự án dịch thuật
và làm writer cho các website. Nhiều website mình không nhớ, riêng website du lịch
Yotourist thì không quên được vì cô ấy và boss là một bạn ở Hà Nội xây dựng
website từ con số không nên hợp tác khá lâu. Hằng là writer chính.
Thời gian
này Hằng viết rất nhiều và một công việc - mình kể ra sẽ rất bất ngờ - đó là viết
luận văn thuê cho các du học sinh ở khắp nơi Anh, Mỹ, Úc, Sing... Có luận văn tốt
nghiệp đại học và cả luận văn thạc sĩ. Hằng và cộng sự nhận dự án thông qua một
hệ thống trung gian, năm 2011 Hằng được trả 120.000đ – 150.000đ/ 1 trang A4 chuẩn
APA mỗi khi pass hội đồng thẩm định. Hệ thống này giờ vẫn hoạt động nhưng sau
đó Hằng và cộng sự ai cũng chọn một công việc khác để làm sự nghiệp chứ không đếm
chữ lấy tiền như vậy nữa.
Hè 2012 Hằng
tốt nghiệp, vào dạy Tiếng Anh cho một dự án phi chính phủ rồi sau đó quyết tâm
xây dựng lớp cho riêng mình, ôm mộng lớn là xóa mù Tiếng Anh cho cộng đồng. Học
viên của Hằng toàn bộ đều là sinh viên, sáng mở mắt ra dạy đến 9h30 tối mới
xong, ngày nào cũng vậy. Càng dạy thì càng muốn học vì không khi nào cảm thấy đủ
với kiến thức của mình. Tháng 9/2013 cô ấy nhận bằng TESOL (được công nhận là
giáo viên Anh ngữ chuẩn mực quốc tế, có giá trị trên 80 quốc gia). Bọn mình xây
dựng Website https://www.ehome.edu.vn/ để chuẩn bị cho tương lai. EHOME English
là cái tên đã ám ảnh cô ấy suốt thời gian đó. Kênh Youtube EHOME English của bọn
mình hiện tại có hơn 34.000 người theo dõi nhưng rất tiếc tất cả đều đã phải xếp
lại một bên, không làm gì thêm nữa.
Hằng là
người mê học, chỉ có học là hạnh phúc. Những năm mình học Đại học Bách Khoa,
khoa Hóa, cô ấy cũng lấy giáo trình của mình học. Có thời điểm bếp nhà mình như
bếp phù thủy vì cô ấy nghiên cứu làm giấm, làm bia, nến, kem đánh răng, dầu gội…
Mình cũng không ngại gì, để sản phẩm có thể đến được với người dùng, mình mở
công ty Shafami làm tròn bổn phận công dân, sống đúng với pháp luật nhưng cũng
như sự nghiệp dạy học, chỉ mới đặt viên gạch đầu tiên thì bọn mình phải rút lui
toàn tập vì biến cố lúc sinh nở khiến những ngày sau đó và cả bây giờ cô ấy chủ
yếu vẫn quanh quẩn lo cho con.
Mình thấy
không can tâm, mình đã mất ngủ trường kỳ suốt mấy năm vì ray rứt không biết làm
sao cho vợ phát huy khả năng và đam mê của cô ấy khi mà không biết bao nhiêu
đêm vợ mình lục đục nấu bữa ăn tối lúc đã 1 giờ sáng. Càng lớn con càng cần nhiều
thời gian! Cuối cùng, mình động viên cô ấy đọc sách và viết lách, việc này có
thể tranh thủ được trong lúc trông con. Chính xác là mình bắt ép Hằng viết.
Hằng thích
thơ nhưng cô ấy mắc kẹt sao đó mà không viết thành thơ được. Thật may mắn, cuốn
trường ca Kẻ Hành Hương Từ Đời Đến Thơ đã mở toang cánh cửa thi ca làm cô ấy lột
xác. Viết xong Khu Vườn Ươm Ánh Sáng, cô ấy như mộng du, rụt rè lắm.
Bây giờ cô
ấy say mê học tập và mục đích đơn giản là học để lột xác lớn lên và “học” thì
đi đôi với “hành” là viết ra những ý tưởng của mình. Nhiều người đặt câu hỏi là
bước tiếp theo sẽ làm gì? và vinh quang sớm quá rồi có ngủ quên trên nó không?
Ôi chao, mụ vợ mình đơn giản lắm, vinh quang là chi vẫn chưa có một định nghĩa
cụ thể cho riêng bản thân mình đâu và cũng không viết để kiếm tiền gì đâu nên
cũng đừng hỏi “viết văn có dễ giàu không?”.
Đó là quá
trình 10 năm trưởng thành của cô ấy, chẳng phải ai “nhập” mà ra văn ra thơ.
Mình viết ra hết sự thật và gạt hết mặc cảm của một thằng đàn ông. Mình chẳng
có thành tích nào đáng để kể ra ngoài cô ấy cả. Cô ấy chính là niềm kiêu hãnh của
cuộc đời mình.
Lê
Sính ĐN, 30-07-2019
***THAM KHẢO THÊM***
https://www.ehome.edu.vn/p/about-us.html
Đôi điều về Lệ Hằng
Reviewed by Lê Sính
on
11:09 PM
Rating:

No comments: