Nỗi ám ảnh mang tên: ý nghĩa cuộc đời


CÂU HỎI NĂM THÁNG TRÔI
(thơ Nguyễn Hoàng Đức)
---
ĐỔ TỪ “MIỀN CAO TƯ TƯỞNG”
NỖI ÁM ẢNH MANG TÊN: Ý NGHĨA CUỘC ĐỜI
TO BE OR NOT TO BE, THAT IS THE QUESTION.
Lệ Hằng
***
Trước khi dong buồm gọi gió ra khơi để đến khai phá một hòn đảo ngọc mới, hòn đảo mang tên Câu Hỏi Năm Tháng Trôi, xin kính cẩn nghiêng mình trước đại văn hào nước Anh Shakespear và xin được mượn một câu nói trong vở kịch Hamlet – một câu nói nhức nhối đã đi vào lịch sử đấu tranh tư tưởng của loài người - để chúng ta, trong một lúc, tạm gác mọi bon chen giữa dòng đời và cùng nhau nghĩ về câu hỏi mang tính sống còn trong mỗi bước chân, trong mỗi dấu giày ta đang in trên con đường dẫn ta về vĩnh cửu.

“To be or not to be”, sống hay không sống, sống hay chỉ là tồn tại? Có lẽ không cần phải cắt nghĩa cụ thể cứng nhắc vì từ “sống” trong từ điển của mỗi người sẽ có khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng đồng ý rằng “sống” không chỉ là quá trình trao đổi chất, đợi cơ thể già đi rồi chết mà đó là một chuyến hành hương về bên kia cuộc đời trong nỗ lực kiến tạo vết tích cho sự tồn tại của mình, lưu dấu sự tồn tại đến ngày sau. Và như thế, ta bắt gặp sự đau đáu của Nguyễn Hoàng Đức trong cuộc tìm kiếm rốt ráo ý nghĩa cuộc đời.

“Cuộc đời
Năm tháng trôi
Ta có những gì?”

Câu hỏi đơn sơ mà chạm đến tim khiến ta giật thót. Xuân Diệu từng viết “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió – Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” Trong chừng mực nào đó, nhiều người vẫn xem đấy là một định nghĩa thật phiêu và thật kiêu cho từ “thi sĩ”. Riêng với Nguyễn Hoàng Đức, những câu này là vô nghĩa bởi người thi nhân ấy luôn khẩn trương gấp gáp tìm kiếm ý nghĩa cho sự có mặt của mình trên Trái Đất. Và cái ý nghĩa đó không phải là vẽ ra một cõi mộng miên viễn, một thế giới nghệ thuật đầy trăng và gió để mình làm ông hoàng trong đó mà ý nghĩa cuộc đời, với ông, là nằm trên chính đôi chân cắm chắc vào đời, và bằng những trải nghiệm máu thịt quằn quại trên từng tích tắc thời gian.

“Chuỗi chuỗi thời gian
Ôi những con thiêu thân
Chẳng chịu ngừng
Xếp hàng lớp lớp
Đi vào
Ngọn lửa vô tình vĩnh cửu
Thản nhiên hiến tế thân mình
Trong trò chơi thắp sáng cho đời !”

Hình ảnh thời gian – một thứ tồn tại hiển nhiên mà không thể cầm, nắm, không thể sờ - được khắc họa qua thơ sống động và rõ mồn một trong hình ảnh những con thiêu thân. Vâng, chỉ có thiêu thân mới bất chấp nhảy vào “ngọn lửa vô tình” để lại ám ảnh trong lòng người đọc.

Nỗi ám ảnh thời gian dường như là nỗi ám ảnh chung của mọi con người, đặc biệt là những con người có trái tim mẫn cảm như thi sĩ. Vì vậy ta có thể tìm thấy nỗi ám ảnh này trong rất, rất nhiều thi phẩm. Có thể nói nỗi ám ảnh không hề mới, nhưng cách mỗi người phản ứng, xoay vần với nó lại là điều mới lạ để ta đi sâu khai phá và cảm nhận. Với Nguyễn Hoàng Đức, đấy là những trải nghiệm và suy tưởng rờn rợn, rờn rợn vì lý trí và sự tỉnh táo của thi nhân.

Thời gian trôi
Cuốn chảy mọi dòng sông
tóc đen
tóc đỏ
tóc vàng
ra cửa biển nguồn cơn
bạc trắng cuộc đời
Trắng !
Trắng tóc xanh
Trắng hơi thở
Trắng xương da
Và tay ta có trắng một đời người?

Những màu trắng làm lòng ta thấm lạnh. Những màu trắng của tang thương, của chia ly, của quy luật cuộc đời. Mọi cuộc đời sẽ gặp nhau nơi cửa biển ấy và chung chia màu trắng ấy, cho tóc, cho hơi thở, cho xương da, cho cuộc đời chỉ duy có một điều là ai riêng nấy: “Và tay ta có trắng một đời người?” Câu hỏi đặt ra thật bất ngờ, sửng sốt. Cuối cùng còn lại được gì? để lại được gì? hay “trắng một đời người” hư ảo giữa thinh không? Sự day dứt không chỉ đến một lần, trong một khoảnh khắc chơi vơi tự hỏi mà nó sống trong từng hơi thở, từng tế bào của thi nhân. Nó giày vò, nó cào xé, nó cứa vào thịt da từng khắc từng giây và nó khiến thi nhân được sống.

“Câu hỏi day dứt trên mỗi dòng
Ta viết !

Câu hỏi vật mình mắc cạn tách chè
Ta uống !

Câu hỏi nhảy từ sợi tóc trắng vừa nhổ sang sợi
Tóc xanh !

Câu hỏi không chịu rũ mình trong nước tắm làn da
Ám ảnh !”

Đến với thơ Nguyễn Hoàng Đức là ta đến với một hồn thơ sục sôi trong từng tế bào sống, mãnh liệt, khát khao, day dứt. Và đến với một thế giới với những hình ảnh thơ độc đáo, quay cuồng, ám ảnh. Ông luôn mổ xẻ vấn đề đến tận tầng sâu nhất, cao nhất của suy tưởng như trong:

“Những câu hỏi cứ ùa về không dứt
Đòi xem chứng chỉ của từng khắc thời gian
Đang van nài nhập tịch
Vào cuốn sách cuộc đời.”

Rõ ràng và thống thiết! Như chính cuộc đời của thi nhân, luôn muốn rạch ròi đến từng mi-li-mét sự thật, luôn muốn tận hiến đến nỗi có thể phơi trái tim hồng của mình ra cho cuộc đời làm phép thử để lưu dấu một vết chân say mê, nhiệt thành. Và, càng say mê càng khắc khoải với sự tàn phá của thời gian.

“Ôi khắc nghiệt
Thời gian !
Khoảnh khắc nối khoảnh khắc
Dâng lũ lượt
Như muôn mọt cuộc đời
Gặm nhấm ta
Trên từng sợi tóc
Từng mạch máu
Từng đường gân thớ thịt
Ngươi gặm nhấm tuổi trẻ
Của ta
Gặm cả đế giầy
Ta đi
Trên đường đời đi về vĩnh cửu
Thế còn chưa đủ !
Ngươi còn ăn ruỗng
Luôn cả con đường
Ta in dấu
Gặm trơ sỏi đá
Da thịt con đường
Đòi xem
Ý nghĩa nào tụ lại
Trên ấn triện đế giầy ?”

Đáng sợ thay sự gặm nhấm trong vô tình của thời gian. Thi sĩ đã dẫn ta vào một mê cung hủy diệt mà ở đó ta cảm nhận được lưỡi hái của thời gian rê trên từng mạch máu, từng sợi tóc, từng đường gân thớ thịt. Sự cảm nhận về xúc giác đã lên đến tột cùng nhưng lưỡi hái ấy vẫn không tha. Nó lạnh lùng chĩa vào những giá trị của ta, vào tuổi trẻ, vào đế giày, vào con đường để “gặm trơ” tất cả, để tàn phá tất cả cho mục đích cuối cùng: “Ý nghĩa nào tụ lại – Trên ấn triện đế giầy?”

Thoát ra khỏi những hãi hùng, ám ảnh cuối cùng ta nhận được một cái tát của thời gian “Ý nghĩa nào tụ lại” trên đế giầy ta bỏ lại phía sau mình, vết tích nào cho sự tồn tại của ta vượt qua được thử thách thời gian khi cuộc đời ta, nối tiếp trăm vạn cuộc đời trước và dẫn bước trăm vạn cuộc đời sau, đã đi mãi về phía trước, chìm khuất.

“Khi vĩnh cửu nghiêng đầu khẽ hỏi
Ngươi có đem theo ngày tháng đặt tên mình
Vào vương quốc của ta chăng?”

Câu thơ hay đến giật mình, hay đến nhức nhối, hay đến trân trối, hay đến nhốt ta vào vòng suy tưởng không dừng, xoáy tròn xoáy tròn mãi câu hỏi về ý nghĩa cho cuộc đời mình. Ta “có đem theo ngày tháng đặt tên mình” trước cửa luân hồi vào vương quốc vĩnh cửu hay không? Há chăng đây là câu hỏi mà suốt đời ta dằn vặt, suốt đời ta cố gắng trả lời và suốt đời ta tìm kiếm.

Ta đã quá quen với những mẩu chuyện sau: một người nỗ lực cả cuộc đời tưởng rằng ta có tất cả đến cuối nhìn lại hai tay mình lại ngã về không, hóa trắng. Hay, một người tưởng mình chẳng được gì trong bữa tiệc cuộc đời nhưng chỉ với vài khoảnh khắc ngắn ngủi ở cuối chặng đường đời lại tự thấy mình sống trọn, sống đầy một kiếp. Câu thơ trên xứng đáng để được chép vào sổ ghi nhớ của tâm hồn làm kim chỉ nam cho mọi cuộc đời.

Khao khát “mang theo ngày tháng đặt tên mình” vào vĩnh cửu là khao khát đẹp đẽ bậc nhất mà ai cũng có thể sở hữu. Targore trong The Gardener (Người làm vườn) bài số 85 đã viết:

“Who are you, reader, reading my poems a hundred years hence?
I cannot send you one single flower from this wealth of the spring, one single streak of gold from yonder clouds.
Open your doors and look abroad.
From your blossoming garden gather fragrant memories of the vanished flowers of a hundred years before.
In the joy of your heart may you feel the living joy that sang one spring morning, sending its glad voice across a hundred years.”

“Bạn là ai? hỡi người đang đọc thơ tôi sau một trăm năm?
Tôi không thể gửi cho bạn một bông hoa đơn lẻ giữa mùa xuân rực rỡ này, một vệt sáng vàng đơn lẻ trên đám mây đằng kia.
Hãy mở toang cửa và nhìn ra vạn vật.
Hãy thu nhặt từ chính khu vườn đang nở rộ của mình những kỷ niệm ngát hương của những bông hoa đã tàn phai trăm năm về trước.
Trong sự reo ca của trái tim bạn ắt sẽ cảm thấy niềm vui sống hát dạt dào một sớm mùa xuân, gửi tiếng nói hân hoan băng qua một trăm năm có lẻ.”
(Lệ Hằng dịch)

Nhà thơ, nhà viết kịch, triết gia Targore lúc ấy chỉ ước mơ đến một trăm năm sau tiếng thơ, tiếng lòng ông vẫn được ngân lên trên môi người đọc. Đấy là cách để ông “mang theo ngày tháng đặt tên mình” gửi vào mai sau trong niềm khao khát để lại một “ý nghĩa” “trên ấn triện đế giầy” nơi con đường đi vào vĩnh cửu như thi nhân Nguyễn Hoàng Đức đã và đang cố gắng làm.

Tụ lại ở cuối thi phẩm Câu Hỏi Thời Gian Trôi là điểm chung của những tâm hồn lớn, hay chính xác hơn là những nhà tư tưởng, chính là câu hỏi cuộc đời nhưng chẳng phải hỏi vu vơ sắc sắc không không theo kiểu gió thổi mây bay ai rồi cũng chết mà là một câu hỏi khổng lồ đổ xuống từ suối nguồn tư tưởng.

“Và câu hỏi hạ thủy từ miền cao tư tưởng
Xuôi muôn mạch máu rung lên
Đổ xuống gót giầy
Nhức nhối bàn chân, từng nhịp…”

Vâng, đây là điểm sáng của bài thơ để ta nhận ra giá trị của câu hỏi cuộc đời mình. Tư tưởng, chính tư tưởng sẽ dẫn dắt cuộc đời, chính tư tưởng sẽ là kim chỉ nam định hướng cho trăm năm hữu hạn một kiếp người để cuối chặng đường trên ấn triện đế giày ta bỏ lại phía sau sẽ mang một ý nghĩa.

“Cuộc đời
Năm tháng trôi
Ta đã làm gì?”

Thi phẩm mở ra với câu hỏi “ta có những gì” và kết thúc với “ta đã làm gì”. Vâng, ta đã làm gì để ta có những gì?! Đây không thể là sự ngẫu nhiên mà là một cách sắp xếp của một bậc thầy sáng tác bằng cả cảm xúc lẫn sự minh triết của mình.

Và giờ đây, “ta đã làm gì?” không còn là câu hỏi dành riêng cho người viết nữa mà đang xoáy vào lòng chúng ta, người đọc. Chúng ta đã mạo hiểm bước lên con thuyền khai phá thi ca, cùng với thi nhân, chúng ta ngả nghiêng xuyên qua những vòng xoáy suy tưởng cuộc đời và bây giờ đến lúc ta bước ra khỏi đó để tìm câu trả lời cho chính mình bởi thi ca trên hết là là tiếng đồng vọng cho mọi cuộc đời, mọi kiếp người.

Khi vĩnh cửu nghiêng đầu khẽ hỏi
Ngươi có đem theo ngày tháng đặt tên mình
Vào vương quốc của ta chăng?

Lệ Hằng
Đà Nẵng, 29/6/2019
*******




CÂU HỎI NĂM THÁNG TRÔI

Nguyễn Hoàng Đức

Cuộc đời
Năm tháng trôi
Ta có những gì?

Chuỗi chuỗi thời gian
Ôi những con thiêu thân
Chẳng chịu ngừng
Xếp hàng lớp lớp
Đi vào
Ngọn lửa vô tình vĩnh cửu
Thản nhiên hiến tế thân mình
Trong trò chơi thắp sáng cho đời !

Thời gian trôi
Cuốn chảy mọi dòng sông
tóc đen
tóc đỏ
tóc vàng
ra cửa biển nguồn cơn
bạc trắng cuộc đời
Trắng !
Trắng tóc xanh
Trắng hơi thở
Trắng xương da
Và tay ta có trắng một đời người ?
Trước cửa luân hồi
Khi vĩnh cửu nghiêng đầu khẽ hỏi
Ngươi có đem theo ngày tháng đặt tên mình
Vào vương quốc của ta chăng ?

Ôi khắc nghiệt
Thời gian !
Khoảnh khắc nối khoảnh khắc
Dâng lũ lượt
Như muôn mọt cuộc đời
Gặm nhấm ta
Trên từng sợi tóc
Từng mạch máu
Từng đường gân thớ thịt
Ngươi gặm nhấm tuổi trẻ
Của ta
Gặm cả đế giầy
Ta đi
Trên đường đời đi về vĩnh cửu
Thế còn chưa đủ !
Ngươi còn ăn ruỗng
Luôn cả con đường
Ta in dấu
Gặm trơ sỏi đá
Da thịt con đường
Đòi xem
Ý nghĩa nào tụ lại
Trên ấn triện đế giầy ?

Cuộc đời
Năm tháng trôi
Ta đã làm gì ?

Những câu hỏi cứ ùa về không dứt
Đòi xem chứng chỉ của từng khắc thời gian
Đang van nài nhập tịch
Vào cuốn sách cuộc đời.

Câu hỏi day dứt trên mỗi dòng
Ta viết !

Câu hỏi vật mình mắc cạn tách chè
Ta uống !

Câu hỏi nhảy từ sợi tóc trắng vừa nhổ sang sợi
Tóc xanh !

Câu hỏi không chịu rũ mình trong nước tắm làn da
Ám ảnh !

Và câu hỏi hạ thủy từ miền cao tư tưởng
Xuôi muôn mạch máu rung lên
Đổ xuống gót giầy
Nhức nhối bàn chân, từng nhịp:

Cuộc đời
Năm tháng trôi
Ta đã làm gì ?

Hà Nội 16/01/1997

Nỗi ám ảnh mang tên: ý nghĩa cuộc đời Nỗi ám ảnh mang tên: ý nghĩa cuộc đời Reviewed by Lê Sính on 8:29 PM Rating: 5

No comments:

Powered by Blogger.